Monday, September 19, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Hai 19/9

Tin Thế Giới

1.
Nghi can đánh bom khủng bố New York bị bắt

Người đàn ông 28 tuổi ở New Jersey bị truy nã vì liên hệ tới một loạt nổ bom khủng bố tại New York và New Jersey trong 3 ngày qua vừa bị bắt hôm nay (19/9) sau khi bị trúng đạn, theo tin đài NBC News.

Ahmad Rahami, cư dân thành phố Elizabeth, bang New Jersey, được xác nhận là nghi can sau khi người ta tìm thấy dấu vân tay trên một trong những quả bom không phát nổ, nguồn tin này dẫn lời một giới chức chấp pháp cấp cao cho biết.

Các nhà điều tra cũng phát hiện những thông tin giúp lần ra dấu nghi phạm Rahami trên các điện thoại được kết nối với những quả bom chưa nổ.

Giới chức không nêu danh nói với NBC: ‘Anh ta dường như chẳng làm gì để xóa dấu vết.’

Giới chức này cũng từ chối xác nhận liệu các vụ đánh bom vừa xảy ra có phải do Nhà nước Hồi giáo chỉ đạo hoặc xúi giục hay không.

Thị trưởng New York Bill de Blasio nói với kênh truyền hình CNN rằng chính quyền “cần phải tóm được ông ta” ngay lập tức. Đầu giờ sáng nay, 19/9, thống đốc New York Andrew Cuomo lặp lại rằng vụ đánh bom hôm 17/9 là một “hành động khủng bố”, và rằng có thể có “liên hệ với nước ngoài”. Một ngày trước đó, ông Cuomo nói ông không tin vụ đánh bom có liên hệ tới “khủng bố quốc tế”. 

Trước đó, Cục Điều tra Liên bang Mỹ và cảnh sát ở New York hôm nay, 19/9, vẫn tiếp tục truy tìm các nghi can, cũng như xem xét liệu có mối liên hệ giữa vụ nổ bom tối 17/9 ở Manhattan và một thiết bị nổ khác tìm thấy gần đó.

Giới hữu trách đã chặn một “chiếc xe đáng ngờ” trên đường cao tốc ở khu vực Brooklyn thuộc New York cuối ngày 18/9, và sau đó, FBI thẩm vấn năm người bên trong xe, nhưng không ai bị truy tố vì bất kỳ tội danh nào.

Vụ nổ xảy ra tối 17/9 ở khu vực Chealsea làm 29 người bị thương, và tới nay, tất cả đã xuất viện. 

Thiết bị nổ thứ hai, được tìm thấy ngay sau vụ nổ thứ nhất, gồm một chiếc nồi áp suất và một chiếc điện thoại di động gắn vào chiếc nồi này. Cảnh sát đã đưa thiết bị nổ này đi và hôm 18/9, cho biết rằng đã cho nổ tung nó một cách an toàn. 

Các kỹ thuật viên của FBI tại một phòng thí nghiệm gần Washington đang xem xét bằng chứng từ cả hai quả bom.

Ông Tom Sanderson, Giám đốc phụ trách một nhóm có tên gọi Chương trình Các mối đe dọa Xuyên quốc gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại thủ đô Washington nói với VOA rằng ông kỳ vọng các nhà điều tra sẽ nắm được nhiều thông tin từ các cuộc kiểm nghiệm bằng chứng. 

Ông Sanderson nhận định rằng ADN của ai đó có thể vẫn còn trên chiếc nồi áp suất. Nhà nghiên cứu này cho rằng khả năng một tổ chức thánh chiến Hồi giáo gây ra vụ này là 50%. Ông cũng nói thêm rằng tại một nơi đa dạng sắc tộc như ở New York, các nhóm tôn vinh, coi người da trắng là ưu việt, có thể là thủ phạm. 

Kênh truyền hình CNN dẫn lời nhiều nguồn tin từ lực lượng chấp pháp, cho biết rằng máy quay an ninh ghi lại hình ảnh một người đàn ông tại cả hai nơi đặt bom.

Trong khi đó, cả hai ứng viên tổng thống của Mỹ, vốn đều là cư dân của New York, đã lên tiếng về vụ việc xảy ra ở thành phố này. 

Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton thuộc Đảng Dân chủ nói: 

“Tôi nghĩ rằng luôn cần phải tỉnh táo chờ đợi nắm được mọi thông tin trước khi đi tới kết luận”. 

Chưa có câu trả lời

Thị trưởng New York Bill de Blasio hôm 18/9 cảnh báo rằng còn nhiều việc cần phải làm để tìm ra động cơ thực hiện vụ đánh bom. 

Trao đổi với các phóng viên, ông nói: “Đây là một động cơ chính trị, động cơ cá nhân, hay động cơ là gì? Chúng tôi vẫn chưa biết”. 

Còn Thống đốc New York Andrew Cuomo gọi vụ nổ là một “hành động khủng bố”, nhưng nói không có bằng chứng về sự can dự của “khủng bố quốc tế”. 

Ông Cuomo cũng cho biết rằng để đề phòng bất trắc, thêm 1 nghìn cảnh sát và binh sĩ thuộc lực lượng Cảnh vệ Quốc gia sẽ đi tuần trên các tuyến tàu điện ngầm của thành phố.

Cả hai nhà lãnh đạo đều nói rằng không có bằng chứng về sự liên hệ giữa các quả bom ở New York và một quả bom ống phát nổ sáng 17/9 trong thùng rác tại thị trấn nằm ven bờ biển ở New Jersey, cách thành phố New York 135 km về phía nam. Không ai bị thương trong vụ nổ đó.

Giới hữu trách cho biết phát hiện thêm các thiết bị nổ bên trong một chiếc túi balô trong một thùng rác tại một ga tàu ở Elizabeth, New Jersey, cách không xa New York. Thị trưởng thành phố Elizabeth, Chris Bollwage, nói rằng một trong các thiết bị đã phát nổ trong khi cảnh sát dùng robot để tháo ngòi. 

Quan chức thành phố này nói rằng xét về địa điểm nhà ga và nơi chiếc túi được tìm thấy, “rất có khả năng” là ai đó đã vứt nó đi, thay vì tìm cách cho nó nổ tung trong thùng rác. 

Thời điểm bận rộn

Tuần này là thời điểm bận rộn ở New York khi hàng trăm nhà lãnh đạo và các quan chức từ khắp nơi trên thế giới đổ về thành phố để tham dự các cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. 

Phát ngôn viên của LHQ, ông Stephane Dujarric, nói với Đài VOA rằng hàng ngày các quan chức đều đánh giá tình hình an ninh bên trong khu trụ sở Liên Hiệp Quốc.

Ông nói thêm rằng còn ở bên ngoài tòa nhà LHQ, an ninh do các lực lượng ở cả cấp liên bang và địa phương của nước chủ nhà đảm nhiệm, và “không còn nghi ngờ gì, họ làm hết sức để bảo đảm an toàn cho mọi người”. - VOA
|
|

2.
Mỹ sẽ chấm dứt trừng phạt kinh tế đối với Myanmar

Sau khi tham vấn với Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi trong chuyến thăm Hoa Kỳ của bà hồi tuần trước, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố ông sẽ sớm chấm dứt các lệnh cấm của chính phủ đối với Myanmar. Nhờ điều này, hơn 100 doanh nhân gắn liền với chế độ quân sự cũ sẽ được đưa khỏi danh sách đen của Bộ Tài chính Hoa Kỳ, và lệnh cấm vận đối với ngành ngọc và đá quý của Myanmar cũng sẽ được dỡ bỏ.

Quyết định này cũng chấm dứt việc Bộ Ngoại giao Mỹ đòi hỏi các nhà đầu tư Mỹ phải có báo cáo đặc biệt. Ngoài ra, Hoa Kỳ cho Myanmar tiếp cận nhiều hơn với thị trường của mình bằng cách đưa nước này vào Hệ thống Ưu đãi Phổ cập (GSP).

Quyết định của Hoa Kỳ bãi bỏ trừng phạt thương mại đối với Myanmar đã được các nhà kinh tế và các doanh nhân Myanmar hoan nghênh. Họ nói rằng nó sẽ loại bỏ một trở ngại lớn về thương mại quốc tế đối với Myanmar còn nghèo khó và thúc đẩy tăng trưởng của cả nền kinh tế.

Các nhà phân tích chính trị và các nhà hoạt động cho biết quyết định cũng mang lại trách nhiệm lớn hơn đối với chính phủ của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) về việc phải đảm bảo rằng các doanh nhân “thân hữu” cải thiện cung cách làm ăn lâu nay thường bị cáo buộc liên quan đến tham nhũng, chiếm đoạt đất đai, khai thác gỗ bất hợp pháp, và buôn bán ma túy.

Ông Maung Maung, một nhà kinh tế thuộc Bộ Thương mại Myanmar, nói quyết định này sẽ giúp tất cả các nhà xuất khẩu tiếp cận thị trường Mỹ và chấm dứt các khó khăn đối với các doanh nghiệp địa phương cố gắng sử dụng các dịch vụ tài chính quốc tế.

Ông Sean Turnell, một giáo sư kinh tế tại Đại học Macquarie ở Sydney và cũng là cố vấn của bà Aung San Suu Kyi, nói việc chấm dứt trừng phạt giờ đây mở cửa cho nhiều nhà đầu tư Hoa Kỳ hơn nữa, họ có tiêu chuẩn cao trong hoạt động kinh doanh và trách nhiệm doanh nghiệp.

Các lệnh trừng phạt đã được nới lỏng trong những năm gần đây, nhưng theo số liệu của Bộ Thương mại Myanmar, lượng thương mại Hoa Kỳ-Myanmar vẫn còn nhỏ, đạt mức 225 triệu trong năm ngoái, trong khi đầu tư của Hoa Kỳ chỉ tương đương 0,2% của con số 9,4 tỉ đôla đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Human Rights Watch đã chỉ trích quyết định này, họ nói rằng làm như vậy là từ bỏ đòn bẩy chính trị đối với giới quân sự vẫn còn mạnh trong khi các cải cách vẫn chưa đầy đủ. - VOA
|
|

3.
Bà Merkel nhận trách nhiệm vì thất bại

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhận trách nhiệm về "thất bại cay đắng" của đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) ở Berlin trong cuộc bầu cử tiểu bang.

Bà bày tỏ sự hối tiếc về những sai lầm đã đóng góp vào khủng hoảng nhập cư mùa hè năm ngoái tại Đức. Hơn một triệu người nhập cư đến Đức - con số kỷ lục.

"Nếu tôi có thể, tôi sẽ quay ngược thời gian lại nhiều, rất nhiều năm, để chuẩn bị tốt hơn," bà nói với các phóng viên.

Đảng CDU của bà không còn có thể lãnh đạo Berlin cùng với đảng Dân chủ Xã hội (SPD).

Đảng CDU giành 17,6% số phiếu - kết quả tồi tệ nhất từ trước đến giờ tại Berlin.

Bà Merkel thừa nhận rằng chính sách mở cửa đối với người nhập cư của mình - thể hiện trong cụm từ của bà "wir schaffen das" (chúng tôi có thể quản lý) - là một yếu tố trong cuộc bầu cử. Bà bây giờ đã tự tách mình ra khỏi cụm từ đó, gọi đó là "một loại phương châm đơn giản hóa".

Bà bị chỉ trích rộng rãi ở Đức vì chính sách này, từng là cử chỉ nhân đạo để đối mặt với hoàn cảnh tuyệt vọng của những người nhập cư, nhiều người tị nạn từ cuộc chiến ở Syria.

Đảng cánh hữu, chống người nhập cư Lựa chọn thay thế cho Đức (AfD) sẽ đi vào quốc hội tiểu bang Berlin lần đầu tiên với 14% số phiếu bầu.

AfD hiện đang đại diện tại 10 trong số 16 nghị viện khu vực của Đức. Hồi đầu tháng đảng này đẩy CDU xuống vị trí thứ ba ở bang phía bắc của Mecklenburg-Tây Pomerania.

Nhìn lại cuộc khủng hoảng nhập cư, bà Merkel bảo vệ chính sách của mình là "hoàn toàn chính xác về sự cân bằng, nhưng cuối cùng nó có nghĩa là trong một thời gian dài chúng ta không có đủ quyền kiểm soát".

"Không ai muốn lặp lại tình hình đó - trong đó có tôi."

Bà cho biết bà cần phải làm việc chăm chỉ hơn để giải thích chính sách nhập cư của mình.

'Lời cảnh tỉnh'

Đảng Dân chủ xã hội SPD nổi lên như đảng mạnh nhất với khoảng 22%, mặc dù mất gần 7% cử tri của họ, và cho biết sẽ tổ chức hội đàm về việc thành lập một liên minh với tất cả các bên, trừ AfD. Họ được dự đoán sẽ loại CDU là đối tác liên minh như một đặc ân cho cánh tả Die Linke và đảng Xanh.

Cuộc bầu cử hôm Chủ Nhật ở Berlin, có 3,5 triệu người, bị chi phối vởi các vấn đề địa phương bao gồm dịch vụ công cộng kém, trường học đổ nát, tàu trễ và thiếu nhà ở, cũng như các vấn đề trong việc đối phó với làn sóng nhập cư.

Đồng chủ tịch đảng AfD Joerg Meuthen nói họ có vị trí vững chắc trong các cuộc bầu cử quốc gia vào năm tới và đồng nghiệp Beatrix von Storch dự đoán rằng họ sẽ trở thành lực lượng chính trị lớn thứ ba ở Đức vào năm 2017.

"Chúng ta đang chứng kiến cuộc chiến sống còn của Angela Merkel vào năm 2017," bà nói.

Bộ trưởng Tài chính Bavaria, ông Markus Soeder, từ CSU, đảng liên kết của CDU, đã nhanh chóng gọi đây là "lời cảnh tỉnh to lớn thứ hai" trong hai tuần.

"Mất lòng tin nghiêm trọng và lâu dài giữa các cử tri truyền thống đe dọa các đảng bảo thủ," ông nói với tờ Bild, và thêm rằng liên minh quốc gia tả hữu của bà Merkel phải giành lại sự ủng hộ bằng cách thay đổi hướng đi về chính sách nhập cư của mình. - BBC
|
|

4.
'Đảng của Putin' thắng lớn

Đảng Nước Nga Thống Nhất, được Tổng thống Vladimir Putin ủng hộ, giành được đa số trong bầu cử quốc hội.

Với 93% phiếu đã kiểm, đảng giành 54,2% phiếu và 343 ghế trong quốc hội 450 thành viên.

Nhưng tỉ lệ đi bầu chỉ là 47,8%.

Đảng Cộng sản và đảng dân tộc chủ nghĩa LDPR cùng chỉ có 13%.

Đảng Nước Nga Công bằng được hơn 6%.

Cả bốn đảng này đều trung thành với ông Putin và chi phối quốc hội sắp mãn nhiệm, Viện Duma.

Ông Putin đã cầm quyền 17 năm trong tư cách tổng thống hoặc thủ tướng.

Gian lận phiếu bầu được đưa tin ở nhiều khu vực.

Các đảng đối lập mang quan điểm tự do không giành được đủ phiếu.

Hai đảng đối lập chính được phép có ứng viên, Yabloko và Parnas, chỉ được 1,89% và 0,7%. 

Kết quả lần này tăng đa số của đảng Nước Nga Thống Nhất so với 49% năm 2011.

Đảng này, do Thủ tướng Dmitry Medvedev dẫn dắt, sẽ có thêm ghế trong quốc hội, so với 238 ghế nhiệm kỳ trước.

Nhưng tỉ lệ đi bầu, dựa theo số liệu chưa đầy đủ, sẽ là thấp nhất trong lịch sử hiện đại của Nga.

Nó thấp hơn tỉ lệ 60% năm 2011. - BBC
|
|

5.
Cam Bốt: Thủ tướng Hun Sen dọa "trừ khử" đối lập

Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen lại lên giọng ngày 19/09/2016 bất chấp những lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế tiến hành đối thoại chính trị. Ông Hun Sen dọa "loại trừ" các nhà đối lập nếu họ tiếp tục kế hoạch tổ chức một cuộc biểu tình lớn.

Trong bài diễn văn đọc tại buổi lễ trao bằng ở đại học Phnom Penh, người đứng đầu chính phủ Cam Bốt nhấn mạnh: "Đừng đe dọa tôi bằng những cuộc biểu tình. Đây không phải là lời cảnh báo mà tôi gửi đến các vị mà còn hơn thế nữa. Lệnh thanh trừng tất cả những ai muốn phá hoại an ninh và ổn định xã hội đã được ban hành". Đồng thời, ông Hun Sen cũng yêu cầu cộng đồng quốc tế không can thiệp vào nội tình Cam Bốt.

Hãng tin AFP nhắc lại, trong một bản tuyên bố chung được công bố vào tuần trước, 36 nước, trong đó có 28 thành viên Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ, đã tỏ ra "vô cùng quan ngại" trước tình hình căng thẳng leo thang tại Cam Bốt. Các nước này cũng kêu gọi Phnom Penh tiến hành đối thoại chính trị và chính phủ phải "cam kết tôn trọng toàn vẹn nhân quyền", trong đó có quyền tự do ngôn luận và quyền hội họp.

Bầu không khí chính trị tại Cam Bốt trở nên rất căng thẳng trong những tháng gần đây : Nhiều nhà đối lập phải xin tị nạn chính trị ở nước ngoài để tránh bị truy tố, một nhà bình luận chỉ trích chính phủ bị sát hại.

Sự kiện gần đây nhất, ngày 09/09/2016, Kem Sokha, một lãnh đạo đối lập tại Cam Bốt, bị kết án 5 tháng tù trong một vụ án được giới bảo vệ nhân quyền đánh giá là hoàn toàn mang tính chính trị. Từ nhiều tháng nay, nhà đối lập này trốn tại trụ sở đảng Cứu Nguy Dân Tộc (CNRP) của ông để tránh bị bắt. Từ đó, phe đối lập đe dọa tập hợp người ủng hộ để biểu tình phản đối, trong trường hợp nhà cầm quyền bắt giữ ông Kem Sokha.

Tổ chức Quan Sát Nhân Quyền (HRW) cho rằng thủ tướng Hun Sen "sử dụng mọi biện pháp có thể để vô hiệu hóa phe đối lập". Vẫn theo tổ chức phi chính phủ này, hai nghị sĩ thuộc phe đối lập hiện bị cầm tù và ít nhất 10 người khác đang bị truy tố.

Năm 2017, Cam Bốt sẽ tổ chức bầu cử địa phương trước khi tiến hành bầu cử Quốc Hội năm 2018. Thủ tướng Hun Sen điều hành Cam Bốt từ 31 năm nay. Ông bị cáo buộc chà đạp mọi quyền cơ bản nhất của con người để duy trì vị thế của ông, bên cạnh một nhóm đồng minh thân cận ngày càng giầu có hơn. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

6.
TPP: Washington tiến, Hà Nội lùi

Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa giành thêm sự ủng hộ cho nỗ lực thông qua Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong khi Việt Nam vừa tuyên bố sẽ không vội thông qua hiệp định thương mại được coi là lớn nhất của thế kỷ 21 như dự định.

Ngay sau khi trở về từ chuyến công du châu Á cuối cùng, trong đó TPP là một trọng tâm của chuyến đi, Tổng thống Obama đã đưa nghị sỹ đảng Cộng Hoà John Kasich, người trước đó tham gia vận động tranh cử tổng thống nhưng thua cuộc, vào danh sách những người sẽ giúp ông thúc đẩy thông qua hiệp định thương mại này.

TPP đã được Obama thúc đẩy từ rất sớm trong nhiệm kỳ thứ 2 của ông và là một trọng tâm trong chiến lược xoay trục về châu Á của chính quyền mình. Tổng thống Obama xem châu Á Thái Bình Dương – khu vực đông dân nhất và phát triển nhanh nhất trên thế giới – là một khu vực mà Mỹ có cơ hội để bán các sản phẩm và thúc đẩy cho doanh nghiệp và công nhân Mỹ.

Ông phát biểu: 

“Tôi thúc đẩy (hiệp định) này mạnh mẽ như vậy bởi tôi biết, và các nước khác biết và Trung Quốc biết rằng nếu chúng ta có được (TPP) Mỹ sẽ có lợi. Nếu chúng ta không làm được, thì chúng ta biết là sẽ bị thụt lùi trong thời gian dài tới”.

Nói với các phóng viên tại phòng Bầu dục hôm 16/9 ngay trước cuộc gặp ông Kasich và nhóm các nhà lập pháp lưỡng đảng, Tổng thống Obama nói: “Trung Quốc đang thúc đẩy mạnh mẽ để tạo ra một hiệp định thương mại của riêng họ.”

Nhưng sự cạnh tranh của Mỹ và Trung Quốc không chỉ là về kinh tế và TPP được coi là một lá bài chính trị trong bối cảnh Trung Quốc đang tìm cách gia tăng sức mạnh bá quyền. Thống đốc bang Ohio, John Kasich, sau cuộc thảo luận với tổng thống Obama hôm 16/9, kêu gọi quốc hội Mỹ ủng hộ TPP bởi nó sẽ giúp Mỹ có thêm sức mạnh ở châu Á nơi Trung Quốc và Nga cũng đang tìm cách gây ảnh hưởng.

Theo ông Kasich, đó sẽ là một cú đòn lâu dài cho an ninh khu vực nếu Nhật, Malaysia, Singapore, Việt Nam và các cường quốc đang nổi lên lo sợ rằng họ không thể dựa vào Mỹ mà thay vì đó tìm đến Trung Quốc và Nga để có một sự lãnh đạo.

Khối 12 nước tham gia TPP chiếm gần 40% lượng GDP toàn cầu với một thị trường hơn 800 triệu dân và chiếm khoảng 1/3 thương mại thế giới. Hiệp định này được các bộ trưởng thương mại của khối thông qua ở New Zealand hồi đầu năm nay sau hơn 5 năm đàm phán nhưng sẽ phải chờ sự thông qua của từng chính phủ mới được coi là hoàn tất.

Trong chuyến thăm châu Á vừa qua, Tổng thống Obama đã giành rất nhiều thời gian để thuyết phục các nhà lãnh đạo châu Á rằng Mỹ sẽ hoàn tất TPP dù đang có nhiều sự chống đối từ quốc hội Mỹ. Tuy nhiên, cuối tuần trước, quốc hội Việt Nam đã khẳng định rằng họ sẽ không phê chuẩn hiệp định này một cách nhanh chóng. 

Theo tuyên bố của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hôm 16/9, các đại biểu quốc hội sẽ quyết định việc phê chuẩn hiệp định này chỉ sau khi cuộc bầu cử tổng thống mới tại Mỹ kết thúc. Họ đã từ chối đưa vấn đề phê chuẩn hiệp định TPP vào trong chương trình nghị sự của phiên họp tiếp theo. Tháng trước, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Phùng Quốc Hiền nói quốc hội sẽ xem xét phê chuẩn TPP vào kỳ họp tháng sau.

Động thái này của Hà Nội có thể làm cho Washington ngạc nhiên nhưng những người hiểu về Việt Nam thì không cho đó là một điều bất ngờ. Nhà nghiên cứu về Việt Nam Jonathan London cho rằng việc Việt Nam hoãn thông qua TPP là có lý do bởi “môi trường chính trị ở Mỹ đối với TPP hiện nay rất phức tạp” và Việt Nam có nhiều ràng buộc, nhất là về đảm bảo quyền lợi người lao động, phải đạt để có được TPP.

Giáo sư chính trị kinh tế về châu Á của trường đại học Leiden ở Hà Lan nói thêm:

“Có khả năng là các lãnh đạo Việt Nam có tính toán mà thấy là chưa chắc họ nên hứa làm những bước đi mà TPP đã yêu cầu trước khi họ biết kết quả chính trị ở bên Mỹ sẽ như thế nào”.

Cả 2 ứng cử viên tổng thống Mỹ, bà Hillary Clinton của Đảng Dân chủ và ông Donald Trump của Đảng Cộng hoà, đều đã tuyên bố không ủng hộ hiệp định này.

Theo giới quan sát, Việt Nam được coi là nước sẽ thu lợi nhiều nhất trong số 12 nước thành viên tham gia ký kết hiệp định thương mại, trong đó bao gồm Mỹ, Úc, Nhật và các nước trong vành đai Thái Bình Dương. Với hiệp định này, Việt Nam được dự đoán sẽ thu được lợi ích lớn từ dòng vốn đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghiệp chính như may mặc, điện tử và thuỷ sản. - VOA
|
|

7.
Ngoại trưởng Mỹ để ngỏ khả năng đối thoại với Bắc Hàn

Chín ngày sau vụ thử hạt nhân mới nhất của Bắc Hàn, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry hôm Chủ nhật, 18/9, bày tỏ sẵn sàng tiếp tục cố gắng khôi phục đối thoại với Bình Nhưỡng nếu họ đình chỉ các chương trình phát triển vũ khí nguyên tử và vũ khí đạn đạo của họ.

Ông Kerry nói: "Chúng tôi đã nói nhiều lần rằng chúng tôi sẵn sàng ngồi lại với CHDCND Triều Tiên để xử lý các vấn đề về không xâm lược và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, về tham gia cộng đồng quốc tế, thu hút sự trợ giúp và phát triển kinh tế, với điều kiện Bắc Hàn cũng sẵn sàng nói chuyện với phần còn lại của thế giới về cách tiếp cận có trách nhiệm đối với vấn đề vũ khí hạt nhân và các chương trình hạt nhân".

Cuộc họp ba bên hôm 18/9 giữa ông Kerry và các đối tác Hàn Quốc và Nhật Bản diễn ra tiếp sau vụ thử hạt nhân dưới lòng đất lần thứ năm của Bắc Hàn cũng như sau khi họ gia tăng các vụ phóng tên lửa ngày càng thường xuyên hơn.

Các nhà phân tích xem xét các hình ảnh vệ tinh từ nguồn mở và cho rằng Bắc Hàn còn đói nghèo có thể đã hoàn tất việc chuẩn bị cho ba vụ thử hạt nhân nữa. Họ có thể tiến hành thử bất cứ lúc nào. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

8.
Báo VN đăng tin ông Trịnh Xuân Thanh ‘trốn ra nước ngoài’

Một loạt các tờ báo ở trong nước đề cập tới các tin đồn râm ran nhiều ngày nay trên mạng xã hội về việc cựu phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang có thể đã rời Việt Nam. 

Các thông tin về việc ông Thanh nhiều khả năng đã “chạy” sang nước khác, nhất là Đức, được truyền thông ở trong nước đăng tải, ngay sau khi Bộ Công an Việt Nam phát lệnh truy nã quốc tế với cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).

Trong bài viết có tựa đề “Ông Trịnh Xuân Thanh có bị dẫn độ nếu đang lưu trú ở Đức”, VnExpress dẫn một nguồn tin nói rằng “Việt Nam và Đức có hiệp định về tương trợ tư pháp nhưng hiện không còn hiệu lực”, nhưng “Đức vẫn có thể dẫn độ nghi can cho Việt Nam theo nguyên tắc có đi có lại, không cần hiệp định".

Báo điện tử này còn trích lời ông Đào Anh Tuấn, Phó trưởng phòng cảnh sát truy nã tội phạm, Công an Hà Nội, nói rằng lệnh truy nã quốc tế đối với ông Thanh sẽ được Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Công an) gửi cho Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) và tổ chức cảnh sát toàn cầu này sẽ thẩm định, tải lên trang web để truy nã toàn cầu. 

Hôm 16/9, Bộ Công an phát lệnh khởi tố và truy nã quốc tế đối với ông Thanh sau khi khởi tố ông này vì “tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật hình sự”. 

Tới tối ngày 19/9, tên của ông Trịnh Xuân Thanh vẫn chưa thấy xuất hiện trong danh sách các nhân vật bị truy nã trên toàn thế giới của Interpol. 

Hiện quan chức Việt Nam chưa lên tiếng chính thức xác nhận hay phủ nhận việc ông Thanh đã bỏ trốn ra nước ngoài. 

Luật sư Hà Huy Sơn cho biết ông “chưa tiếp cận hồ sơ, nên mọi thông tin cũng chỉ [đọc] ở trên mạng”. Ông nói thêm về quy trình xử lý vụ bị can bị truy nã:

“Nếu mà ông Thanh trốn đi nước ngoài, công tác điều tra sẽ khó hơn còn đang ở trong nước. Truy nã thì, theo tôi, thông thường, bao giờ bắt được người truy nã thì người ta mới tiếp tục vụ án. Còn nếu mà chưa tìm thấy, người ta tạm đình chỉ, theo đúng pháp luật. Không biết là nhà nước Việt Nam đã ký hiệp ước dẫn độ với những người nào rồi”. 

Không chỉ đề cập tới tin đồn ông Thanh sang Đức, một số tờ như Báo Đất Việt và Người Lao Động còn đề cập tới khả năng cựu phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang “trốn sang Canada”. 

Báo Đất Việt thuộc Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam dẫn lời ông Trần Thế Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an), nói rằng “sẽ khó khăn hơn nhiều nếu ông Trịnh Xuân Thanh trốn sang Canada”. 

Hiện chưa rõ lý do vì sao báo chí Việt Nam chỉ đăng tin đồn cựu quan chức tỉnh Hậu Giang này trốn sang Đức và Canada, chứ không phải một quốc gia nào khác. 

Truyền thông trong nước cũng không thống nhất về con số các quốc gia mà Việt Nam đã ký hiệp định dẫn độ hay tương trợ tư pháp. - VOA
|
|

9.
Tranh chấp Biển Đông: Vai trò các tập đoàn nhà nước Trung Quốc --- Tập trận Biển Đông: Nga Trung muốn phá thế thượng phong của Mỹ

Các chuyên gia phân tích cho đến lúc này vẫn giải thích rằng Trung Quốc bác bỏ phán quyết Tòa Thường Trực La Haye về những tranh chấp trên Biển Đông là do các chính sách chiến lược và an ninh khu vực của Bắc Kinh. Nhưng họ đã bỏ sót vai trò ngày càng lớn của các tập đoàn nhà nước Trung Quốc: Hoạt động của các doanh nghiệp này góp phần vào việc khẳng định chủ quyền, đòi hỏi lãnh thổ, nhưng đồng thời cũng dồn Bắc Kinh vào thế không thể lùi được trong hồ sơ Biển Đông.

Theo bài viết đề tựa "Chào mừng quý vị đến với du lịch xung đột: Các tập đoàn nhà nước Trung Quốc đang tận dụng tranh chấp Biển Đông ra sao?" trên tờ South China Morning Post ngày 19/09/2016, hai lĩnh vực đang được hưởng lợi nhiều nhất trong các tranh chấp lãnh hải tại Biển Đông là công nghiệp quốc phòng và du lịch.

Tranh chấp lãnh hải tại Biển Đông đã làm cho giá cổ phiếu các tập đoàn nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng thời gian gần đây tăng đáng kể. Nhất là ngay trong tuần lễ Tòa Trọng Tài Thường Trực ra phán quyết, giá cổ phiếu cũng như lượng giao dịch của một số tập đoàn như Beifang Daohang Technological Corporation (một nhánh của China North Industries Group), China RACO (chuyên về vệ tinh viễn thông) và State China Shipping Corporation đã tăng lên 8,6% ; 6,6% và 19,6% trong khoảng thời gian 24/6-12/7/2016.

Nhưng điểm đặc biệt gây chú ý cho tác giả bài viết là sự tham gia tích cực của các tập đoàn lữ hành nhà nước trong việc chào mời các chuyến tham quan yêu nước bằng thuyền trên Biển Đông theo mô hình Sun, Surf và Patriotism (tạm dịch Tắm nắng, Lướt ván và Tinh thần Yêu nước), với các hoạt động tham quan bao gồm cả lễ chào cờ và tuyên thệ. Đây là một mô hình du lịch đang được nhiều học giả Trung Quốc khuyến khích. Họ kêu gọi chính phủ nên tận dụng các nguồn lực du lịch tại những đảo nhân tạo mới được Bắc Kinh bồi đắp tại Biển Đông.

Loại hình du lich này đã được Trung Quốc tiến hành khai thác vào năm 2012, tại quần đảo Hoàng Sa, với Hanan Strait Shipping, một công ty lữ hành địa phương, tổ chức đưa khách đến thăm các đảo như Toàn Phú Đảo (All Wealth Island) và Áp Công Đảo (Việt Nam gọi là đảo Ba Ba - Male Duck Island).

Ước tính đến nay đã có hơn 10.000 du khách, đã đến thăm quần đảo Hoàng Sa. Và mô hình du lịch này đang được đại bộ phận công luận Trung Quốc đón nhận và ủng hộ, nhất là sau khi có phán quyết của Tòa Trọng Tài. Đây là một hình thức giúp cho chính phủ Trung Quốc khẳng định chủ quyền lãnh thổ và các quyền của họ tại Biển Đông.

Một phần trong dự án "Con Đường Tơ Lụa Hàng Hải"

Theo tác giả bài viết, các tập đoàn nhà nước Trung Quốc là những tác nhân hưởng lợi nhiều nhất trong việc khai thác các nguồn lực du lịch tại Biển Đông. Một số tập đoàn lớn như Cosco (China Cosco Shipping Corporation) còn đang tìm kiếm cơ hội mở rộng các hoạt động du lịch từ quần đảo Hoàng Sa đến Đài Loan và nhiều đảo khác của các nước láng giềng, xem đấy như là một phần của chương trình du lịch văn hóa "Con Đường Tơ Lụa Hàng Hải".

Ông Xu Lirong, tổng giám đốc và chủ tịch Hội đồng quản trị của China Cosco trong một cuộc triển lãm do China Nanhai Cruise tổ chức không ngừng khẳng định rằng các chuyến lữ hành đến Biển Đông là một phần phát triển của dự án. Ông còn nhấn mạnh rằng phát triển kinh doanh du lịch dọc theo "Một Vành đai, Một Lộ trình" còn là trách nhiệm của các tập đoàn nhà nước.

Lợi ích này của các tập đoàn Nhà nước lại gắn liền với hai nhiệm vụ : kiếm lợi và giúp quốc gia hoàn thành các mục tiêu chính trị-xã hội. Bằng cách đưa du lịch vào như là một phần chiến lược của Trung Quốc tại Biển Đông, việc phát triển các mục tiêu dân sự tại các vùng lãnh hải có tranh chấp nay được giao phó cho các tập đoàn nhà nước.

Đặc biệt, sau phán quyết của Tòa Trọng Tài, Trung Quốc dường như tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp nhà nước đầu tư nhiều hơn nữa vào Biển Đông. Bắc Kinh tin rằng sự hiện diện của những doanh nghiệp này trong khu vực sẽ làm tăng thêm giá trị cho những yêu sách về chủ quyền lãnh thổ và hàng hải.

Có điều, "phóng lao thì phải theo lao". Với việc bành trướng các lợi ích của những doanh nghiệp nhà nước trên Biển Đông, Trung Quốc rơi vào thế khó xử, không thể lùi bước hoặc có thể có lập trường mềm dẻo hơn trong các đòi hỏi về chủ quyền, lãnh thổ tại vùng biển này. - RFI

***
Hôm nay, hải quân hai nước Nga và Trung Quốc vừa kết thúc các cuộc tập trận chung Joint Sea -2016 kéo dài 8 ngày, từ 13 đến 19/09/2016 ở Biển Đông, tại khu vực gần tỉnh Quảng Đông. Để tiến hành cuộc tập trận này, hải quân Nga Trung đã huy động tổng cộng 18 chiến hạm, tàu hỗ trợ, tàu ngầm, 21 chiến đấu cơ và 250 lính hải quân, tham gia thao dượt về phòng thủ và cứu hộ, thao dượt chống tàu ngầm và tấn công chiếm một đảo của nước ngoài.

So với các cuộc tập trận Joint-Sea những năm trước, cuộc tập trận năm nay tập trung hơn vào khả năng chiến đấu của tàu mặt nước, tàu ngầm và hệ thống phòng thủ trên đất liền.

Đây là cuộc tập trận hải quân chung lớn nhất từ trước đến nay giữa hai nước và đây là lần đầu tiên được tiến hành ở Biển Đông, một vùng đang rất nóng, cho nên đã thu hút sự chú ý đặc biệt của báo chí quốc tế, tuy rằng cả Bắc Kinh và Matxcơva đều khẳng định là cuộc tập trận này không nhắm vào các quốc gia khác.

Trang thông tin Sputnik của Nga trong bài viết đăng trên mạng ngày 18/09 lưu ý là cuộc tập trận chung hải quân Nga-Trung diễn ra vào lúc căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc với phuơng Tây trên vấn đề Biển Đông, tiếp theo sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực bác bỏ những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển này, một phán quyết mà Bắc Kinh xem là không giá trị.

Cũng theo Sputnik, được dự trù từ lâu, cuộc tập trận chung hải quân Nga-Trung cũng diễn ra đúng thời điểm Nhật vừa loan báo sẽ tiến hành tuần tra “tập huấn” chung với Hoa Kỳ để bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông. Bắc Kinh đã cảnh cáo Tokyo rằng việc tham gia thao dượt với Mỹ ở vùng biển đang tranh chấp này là một “lằn ranh đỏ”, mà nếu vượt qua thì Nhật sẽ gánh chịu những hậu quả nặng nề. Hôm nay, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc còn tố cáo Nhật bản đang làm “rối loạn” tình hình Biển Đông qua việc tăng cường hoạt động ở vùng biển này.

Một trang thông tin khác của Nga là Vestnik ngày 18/09 thì đăng lại một bài nhận định của mạng thông tin Breibart News Network của Mỹ nhấn mạnh đến việc là trong khuôn khổ các cuộc tập trận chung trên biển, hải quân hai nước đã thao dượt đổ bộ và tấn công chiếm một đảo của một nước ngoài và điều này đặc biệt gây lo ngại cho một số nước trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam và Philippines, hai nước tranh chấp gay gắt nhất với Trung Quốc về chủ quyền Biển Đông

Breibart nhắc lại rằng trong ba năm qua, Bắc Kinh đã gia tăng nỗ lực áp đặt chủ quyền của họ lên phần lớn Biển Đông, nhất là qua việc xây các đảo nhân tạo ở Trường Sa, đặt trên đó các thiết bị giám sát, các dàn tên lửa địa đối không và các chiến đấu cơ phản lực.

Về phần tờ Washington Times số ra ngày 18/09/2019 đăng ý kiến của ông James A. Lyons, một đô đốc Mỹ về hưu, cho rằng cuộc tập trận chung Nga-Trung, gọi là “phối hợp phòng thủ đảo” thật ra có mục tiêu là bắn một tín hiệu đến Hoa Kỳ rằng Biển Đông là thuộc về Trung Quốc và nếu cầu Nga sẽ giúp Trung Quốc bảo vệ các đảo đang tranh chấp. Đây rõ ràng là một thách thức đối với truyền thống bảo vệ tự do hàng hải của Hoa Kỳ và đối với việc tôn trọng luật pháp quốc tế.

Một trang thông tin khác của Mỹ là Morning News USA trong bài viết đăng trên mạng ngày 19/09 thì trích lời một chuyên gia về châu Á-Thái Bình Dương, tiến sĩ Munir Majid, cho rằng việc cuộc tập trận chung Nga-Trung ở Biển Đông diễn ra cùng thời điểm với cuộc thao dượt chung Mỹ-Nhật bảo đảm tự do hàng hải ở vùng biển này cho thấy đây là một cuộc tranh giành quyền lực và ảnh hưởng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ở châu Á-Thái Bình Dương, mà trong đó Biển Đông là đấu trường chính. Theo tiến sĩ Majid, trong cuộc tranh đua này, Hoa Kỳ đang thua và Trung Quốc đang thắng.

Về phần trang The National Interest ngày 16/09 đăng lại một bài viết trang web của Viện Chính sách Chiến lược Úc ASPI, nhận định rằng đang có hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa hải quân hai nước Nga Trung và điều này gây quan ngại cho các nhà quan sát trong khu vực và các nhà hoạch định chính sách hải dương, vì nó sẽ làm thay đổi cán cân lực lượng ở châu Á.

Tác giả bài viết, nhà nghiên cứu Ấn Độ, Abhijit Singh, ghi nhận rằng, trong cuộc tập trận chung lần này, không chỉ có nhiều phương tiện được huy động hơn, mà chất lượng các cuộc thao dượt cũng được nâng cao. Tác giả bài viết cho rằng, hợp tác hải quân Nga Trung xuất phát từ mong muốn của hai nước chống lại áp lực quân sự của Mỹ.

Nhà nghiên cứu Abhijit Singh nhắc lại rằng tại cuộc họp thượng đỉnh G20 vừa qua, tổng thống Putin đã tuyên bố ủng hộ lập trường của Trung Quốc bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực về vụ kiện Biển Đông. Cũng theo tác giả bài viết, nhiều người ở Matxcơva nay bắt đầu xem các cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tại mà Trung Quốc xây ở Biển Đông là một phương tiện bảo vệ Nga khỏi bị Mỹ tấn công. Tác giả bài viết cho biết, đích thân tổng thống Vladimir Putin đã thúc đẩy phát triển đối tác quân sự Nga Trung. Bắc Kinh dĩ nhiên là rất vui mừng tìm thấy một đồng minh để cùng chống hải quân Mỹ.

Ông nhận định rằng qua việc tiến hành tập trận chung lần này ở Biển Đông, hai nước Nga Trung muốn tỏ cho thấy là thế thượng phong của Hoa Kỳ trên vùng biển châu Á nay đã chấm dứt. - RF
|
|

10.
Biểu tình phản đối Formosa xả thải ra sông Quyền

Vào ngày 18/9/2016, rất đông người dân ở giáo xứ Dũ Yên đã biểu tình để phản đối Formosa cũng như phản đối việc chính quyền cho công ty Formosa xả thải ra sông Quyền.

Xả thải ra sông Quyền

Sáng Chủ nhật 18/9, gần 2.000 người thuộc tổ dân phố Tây Yên thuộc xứ Dũ Yên, phường Kỳ Thịnh, Thị xã Kỳ Anh đã đứng lên biểu tình phản đối Formosa “xả chất thải chảy qua sông Quyền trước khi đổ ra biển”.

Trước đó vào ngày 9/9, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, nhiều đại biểu của Hà Tĩnh kiến nghị với Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà cần phải cho nước thải của công ty TNHH Hưng nghiệp Gang thép Formosa Hà Tĩnh xả ra khu vực sông Quyền (con sông này nằm cạnh khu công nghiệp Formosa) để dễ quản lý.

Sau đó phó bí thư thường trực tỉnh ủy Hà Tĩnh ông Trần Nam Hồng đã làm văn bản, dự án để xả thải ra sông Quyền trước khi cho chất thải của Formosa đổ ra biển.

Khi nhận được thông tin đó từ chính quyền tỉnh Hà Tĩnh là đang phê duyệt về dự án này thì người dân ở đây đã rất phẫn nộ và không còn tin vào chính quyền.

Việc Formosa xả thải đã làm cho ngư dân của 4 tỉnh miền Trung bị thiệt hại rất nặng nề, nguy cơ nhiễm bệnh cao, nhiều người mất việc làm, gia đình điêu đứng, trong khi nhiều hộ ngư dân lại chưa nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào từ chính quyền, nay chính quyền lại muốn nước thải đó đổ ra sông.

Nguồn sống bị nhiễm độc

Trong nhiều tuần qua, người dân ở Kỳ Anh đã có nhiều cuộc biểu tình, để yêu cầu chính quyền đóng cửa Formosa để trả lại biển sạch, cuộc sống cho người dân, tuy nhiên chính quyền không đóng cửa mà lại còn huy động lực lượng công an, cảnh sát cơ động để bảo vệ cho Formosa.

Vào ngày 16/9, người dân ở xã Kỳ Phương đã phát hiện rất nhiều cá chết dạt vào bờ biển đèo Con cách nhà máy Formosa chừng 5km mà chưa rõ nguyên nhân, vào chiều ngày 15 tháng 09 lực lượng Phòng Cảnh sát môi trường (PC49) Công an Hà Tĩnh đã phát hiện một tàu chờ Bô Xít từ Trung Quốc nhập vào Formosa, trước những động thái đó cho thấy chính quyền đang dung túng cho Formosa.

Trong khi người dân ở các tỉnh chịu thiệt hại do Formosa gây nên chưa đi đánh cá được, thì sông Quyền là nơi người dân có thể dựa vào, sông Quyền dài chỉ 20km, con sông này là nơi rất nhiều người dân dựa vào để đánh cá, nuôi trồng thủy sản, nguồn nước cho tưới tiêu nông nghiệp…

Tuy nhiên chính quyền lại cho phép Formosa xả thải ra sông Quyền thì người dân ở đây coi như hết con đường sống. Nếu chất độc hại xả ra sông Quyền thì nguy cơ lây nhiễm bệnh còn cao hơn vì con sông này gắn liền với cuộc sống của người dân.

Yêu cầu đóng cửa Formosa

Anh Văn một người dân ở phố Tây Yên xứ Dũ Yên cho biết, sáng hôm qua sau thánh lễ Chúa Nhật thì hầu hết người dân trong giáo xứ với đầy đủ băng rôn, khẩu hiệu đã xuống đường biểu tình, với mong muốn chính quyền chấm dứt dự án xả thải của Formosa ra sông Quyền.

Anh Văn cũng cho biết từ khi chính quyền có quyết định xả thải ra sông Quyền thì người dân đã viết đơn phản đối nhưng vẫn chưa thấy chính quyền trả lời, anh cũng cho biết ý nghĩa của con sông này với người dân ở đây, cuộc biểu tình hôm qua của người dân ôn hòa, nên không có sự cản trở nào từ chính quyền địa phương.

“Đi cả giáo xứ, ngăn chặn bên phía chính quyền có dự định cho Formosa xả thải, con sông Quyền trải dài từ Formosa đến đầu kia, cuộc sống của người dân chỗ nhà em phụ thuộc vào sông đó.”

Chị Hạnh một người dân cũng cho biết, cuộc sống của chị lâu nay gắn liền với con sông này, ngoài việc đánh bắt cá, nuôi trồng thủy sản, nó còn là nguồn nước tưới tiêu cho nông nghiệp, nước sinh hoạt cho bà con, nếu sông này bị ô nhiễm thì cuộc sống của người dân sẽ rất khó khăn.

Chị Hạnh chia sẻ:

“Nối liền với cảng Sơn Dương, nối ra chỗ Vũng Áng, họ có nuôi trồng đánh bắt, tưới tiêu”

Trên Facebook Người Tây Yên thuộc giáo xứ Dũ Yên chia sẻ nỗi bức xúc: Sự sống của chúng tôi đang bị đe dọa nghiêm trọng, nên các nhà lãnh đạo hãy về từng địa phương, để thấy được nguyện vọng chính đáng của người dân chúng tôi, và dập tắt ngay ý tưởng dốt nát, ngu xuẩn này sớm nhất có thể.

Nếu cứ dồn chúng tôi đến đường cùng thì chắc chắn chúng tôi sẽ đứng lên đấu tranh, sẽ vượt lên nỗi sợ hãi, dù cho phải đổ máu hay phải hy sinh tính mạng mình, bằng mọi giá chúng tôi phải bảo vệ con sông, quê hương và các thế hệ mai sau.

Đồng thời, chúng tôi sẽ khởi kiện những người có chức năng gây ra đại họa này, bởi vì khi một chút niềm tin vào các vị đã không còn nữa thì hậu quả sẽ thật khôn lường, sức mạnh đoàn kết của nhân dân sẽ đẩy lui tất cả và không có một thế lực đen tối nào có thể cản phá, ngăn chặn nỗi được đâu.

Dư luận cũng cho rằng, việc xả thải ra sông Quyền cho dễ xử lý, trước khi cho thải ra biển là một việc làm thiếu sáng suốt của chính quyền Hà Tĩnh, để ngăn chặn những hậu quả của nó gây ra thì hãy đóng cửa Formosa. Trên báo VOA Tiếng Việt cũng cho biết, tòa án Hình sự Quốc tế họ sẽ bắt đầu tập trung vào những tội phạm liên quan đến hủy hoại môi trường, khai thác trái phép tài nguyên thiên nhiên và chiếm đoạt đất đai phi pháp. - RFA

No comments:

Post a Comment