Tin Thế Giới
1.
TQ muốn hâm nóng lại quan hệ với Philippines
Thủ tướng Trung Quốc, Lý Khắc Cường, nói với Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte, rằng ông hy vọng hai nước có thể cùng bắt tay đưa quan hệ song phương trở lại bình thường, theo thông cáo trên website của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 9/9.
Hai nhà lãnh đạo gặp nhau bên lề thượng đỉnh tại Lào hôm 8/9 giữa bối cảnh đôi bên đang có căng thẳng tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.
Ông Lý nói ông hy vọng quan hệ Bắc Kinh-Manila có thể ‘phát triển lành mạnh, ổn định,’ theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Nguồn tin này cho biết Tổng thống Philippines nói rằng phát biểu của ông Lý cũng là một trong những tiêu chí của chính ông với mong muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc.
Hồi tháng 7, Tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc phán quyết rằng việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Biển Đông là bất hợp pháp và rằng các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên hầu hết vùng biển này không có cơ sở pháp lý.
Trung Quốc bác phán quyết của Tòa trong vụ kiện do Philippines khởi xướng. - VOA
|
|
2.
Nga-Mỹ đạt thỏa thuận hợp tác quân sự và hưu chiến tại Syria
Nga và Hoa Kỳ, hai cường quốc ủng hộ hai phe đối lập trên chiến trường Syria, ngày 09/09/2016 đã đạt được một kế hoạch đình chiến tại Syria, đất nước bị chiến tranh giằng xé từ 5 năm nay. Theo AFP, thỏa thuận này có thể dẫn đến sự hợp tác quân sự giữa các bên để chống kẻ thù chung là tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.
Sau một ngày làm việc cật lực tại Geneve vào thứ Sáu 09/09/2016, ngoại trưởng Mỹ John Kerry và đồng nhiệm Nga Serguei Lavrov đã ấn định rằng thỏa thuận đình chiến kéo dài một tuần và sẽ có hiệu lực từ sáng thứ Hai 12/09/2016, đúng ngày bắt đầu Lễ Hy Sinh Aid El Adha của người Hồi Giáo.
Ngoại trưởng Kerry tuyên bố: "Hoa Kỳ và Nga thông báo một kế hoạch, mà chúng tôi hy vọng, sẽ cho phép giảm bớt bạo lực" và mở đường cho "quá trình đàm phán hòa bình và quá trình chuyển đổi chính trị tại Sỷia". Trong khi đó, ngoại trưởng Lavrov cho biết "Matxcơva đã thông báo tin này cho chính phủ Syria và Damas sẵn sàng tôn trọng thỏa thuận này".
Vẫn theo ông Serguei Lavrov, thỏa thuận Nga-Mỹ được công bố vào ngày 09/09 "cho phép tiến hành kế hoạch phối hợp một cách hiệu quả cuộc chiến chống khủng bố, trước hết là tại thành phố Aleppo, và giúp tăng cường lệnh ngừng bắn. Các động thái này tạo điều kiện cho việc trở lại tiến trình chính trị".
Sau đề xuất cùng hợp tác về mặt quân sự tại Syria mà Matxcơva đưa ra từ lâu, cuối cùng quân đội Hoa Kỳ chấp nhận sau nhiều tháng đàm phán. Giải thích về quyết định trên, ngoại trưởng Kerry nói, Hoa Kỳ "cho rằng Nga có khả năng gây sức ép đối với chế độ của tổng thống Assad để chấm dứt cuộc xung đột này và ngồi vào bàn đàm phán". Tuy nhiên, ngoại trưởng Nga lại không dám cam kết kế hoạch mới này sẽ thành công hoàn toàn.
Một trung tâm hỗn hợp Nga-Mỹ sẽ được thành lập để điều phối các cuộc tấn công, trong đó nhiệm vụ của quân nhân và đại diện của các cơ quan tình báo Nga và Mỹ là phân biệt quân thánh chiến và phe đối lập ôn hòa.
Thỏa thuận Nga-Mỹ về Syria cũng nhấn mạnh đến cứu trợ nhân đạo, ông John Kerry yêu cầu lập cầu nhân đạo lâu dài cho các vùng bị bao vây và khó đến được, đặc biệt là Aleppo nơi "chẳng còn gì, không rau, không đường và mọi thứ đều đắt đỏ", theo lời của một người dân tại khu phố Tariq Al Bab.
Đặc sứ của Liên Hiệp Quốc về Syria, Staffan de Mistura, đã hoan nghênh bản thỏa thuận trên và hy vọng ý chí chính trị của các bên sẽ kéo dài. Ngoài ra, ông cũng yêu cầu "các bên tạo điều kiện cho công việc cứu trợ của Liên Hiệp Quốc đến tay người dân nằm ở các khu vực bị bao vây".
|
|
Tin Hoa Kỳ
3.
Tổng thống Obama: ‘Khủng bố sẽ không bao giờ thắng được Hoa Kỳ’
Trong bài diễn văn hàng tuần hôm thứ Bảy, Tổng thống Barack Obama nói: “Các đây 15 năm, một ngày trong tháng 9 bắt đầu như mọi ngày, nhưng đã trở thành một trong những ngày đen tối nhất của lịch sử quốc gia.”
Chủ nhật này đánh dấu 15 năm các cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 tại Hoa Kỳ - ở thành phố New York, vùng nông thôn của bang Pennsylvania, và Ngũ giác đài ở thủ đô Washington.
Tổng thống Obama nói rằng gần “3.000 người vô tội đã thiệt mạng” trong ngày 11 tháng 9 đó, họ thuộc đủ mọi thành phần, chủng tộc, tôn giáo, màu da và tín ngưỡng, từ khắp nơi của nước Mỹ và trên toàn thế giới.
Tổng thống Obama nói có rất nhiều sự thay đổi trong 15 năm qua, nhưng “cũng quan trọng cần phải nhớ rằng có điều không thay đổi – đó là những giá trị cốt lõi xác định chúng ta là người Mỹ. Khả năng chịu đựng và hồi phục của chúng ta… những kẻ khủng bố sẽ không bao giờ thắng nổi Hoa Kỳ.”
Trong ngày lễ tưởng niệm 11-9 toàn quốc hàng năm vào Chủ nhật, Tổng thống Obama sẽ cử hành phút mặc niệm tại Tòa Bạch Ốc. Sau đó, ông sẽ phát biểu tại lễ tưởng nhiệm được tổ chức tại Ngũ giác đài để vinh danh những người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công khủng bố đó cách đây 15 năm.
Gần Shanksville ở miền tây bang Pennsylvania, một Đài tưởng niệm quốc gia được dựng lên để tưởng nhớ các hành khách và nhân viên phi hành đoàn của chiếc máy bay số 93 đã dũng cảm chống lại những tên khủng bố cướp chiếc máy bay.
Một Viện bảo tàng 11 tháng 9 được thành lập tại địa điểm tòa tháp đôi World Trade Center từng tọa lạc ở New York, trưng bày các đồ vật và hình ảnh liên quan đến vụ tấn công.
Tại Ngũ giác đài, 184 người thiệt mạng ngày 11 tháng 9 năm 2001 được vinh danh với 184 băng ghế ở đài tưởng niệm nhìn xuống các hồ nước. - VOA
|
|
4.
Bà Clinton: Một nửa số người ủng hộ ông Trump thuộc ‘nhóm người tệ hại’ --- Bà Clinton xin lỗi vì lên án ủng hộ viên của ông Trump
Ứng cử viên tổng thống bên đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton nói rằng một nửa người ủng hộ ông Donald Trump, tức đối thủ của bà bên đảng Cộng hòa, nằm trong “nhóm những người tệ hại.” Phát biểu hôm thứ Sáu tại một buổi gây quỹ của người đồng tính ở New York, bà Clinton nói những người ủng hộ đó là “những người kỳ thị chủng tộc, ghê sợ đồng tính, bài ngoại, chống Hồi giáo, và còn nhiều nữa.”
Bà Clinton nói: “Thật đáng tiếc là có những người như vậy, và ông Trump lại khuyến khích họ.” Vị cựu bộ trưởng ngoại giao của Mỹ nói rằng có một số trong nhóm những người đó là không thể cải tạo được, và những người đó không đại diện cho nước Mỹ.”
Ứng cử viên của đảng Dân chủ này nói tiếp rằng nửa số người ủng hộ tỉ phú Donald Trump còn lại là những người tuyệt vọng mong chờ thay đổi và cảm thấy bị chính phủ bỏ rơi. Bà Clinton nói: “Họ không tin tất cả mọi thứ ông Trump hứa hẹn, nhưng hình như ông lợi dụng một số người hy vọng là cuộc đời họ sẽ thay đổi. Đó là những người chúng ta phải thông cảm và an ủi.”
Ông Jason Miller, cố vấn cao cấp về truyền thông cho ông Trump, nói trong một thông báo rằng phát biểu của bà Clinton “cho thấy bà ấy suy nghĩ nông cạn thế nào về những người cần cù lao động trên khắp nước Mỹ.” - VOA
***
Ứng viên Tổng thống của Đảng Dân Chủ của Mỹ, Hillary Clinton, đã lên tiếng xin lỗi vì gọi các ủng hộ viên của đối thủ Donald Trump bên Đảng Cộng hòa là “những người tệ hại”.
Bà Clinton ra tuyên bố hôm nay, 10/9, một ngày sau khi nói tại một cuộc gây quỹ rằng “một nửa” ủng hộ viên của ông Trump thuộc “nhóm tệ hại” – như “những người kỳ thị chủng tộc, kỳ thị người đồng tính, phân biệt giới tính, chống Hồi giáo, hay sợ hãi những người không giống họ”.
Bà Clinton nói rằng bà lấy làm tiếc về một nửa tuyên bố của mình, cho rằng nó “quá chung chung”, nhưng vẫn cho rằng “một nửa” người ủng hộ ông Trump phù hợp với mô tả trước đó của bà.
Bà nói tiếp: “Điều đáng lên án là ông Trump xây dựng chiến dịch tranh cử của mình phần lớn dựa trên thành kiến và hoang tưởng, cũng như tạo cơ hội cho các ý kiến và tiếng nói đầy hận thù có dịp phát tán bằng cách đăng lại các tweet của những người mù quáng chỉ với vài chục người theo dõi tới với 11 triệu người (theo dõi ông Trump trên Twitter)”.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ nói tiếp rằng, chính vì lý do đó, bà sẽ không ngưng “lớn tiếng về sự mù quáng và phát ngôn phân biệt chủng tộc trong chiến dịch này”.
Trước đó, nhóm vận động tranh cử của ông Trump đã lên án bình luận của bà Clinton, chỉ trích bà đã thiếu tôn trọng các cử tri.
Phát biểu tại một sự kiện hôm 10/9, ứng viên Phó Tổng thống của Đảng Cộng hòa Mike Pence lên tiếng bảo vệ những người ủng hộ ông Trump.
Ông nói: “Họ không thuộc một nhóm người nào hết. Họ là người Mỹ và họ đáng được tôn trọng”.
Ông Pence nói thêm rằng “không thể để cho người có ý kiến thấp kém về người Mỹ được bầu làm Tổng thống Hoa Kỳ. Chúng ta cần phải quyết tâm để Hillary Clinton không bao giờ được làm tổng thống của đất nước vĩ đại này”. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
5.
Thủ tướng VN thăm Trung Quốc lần đầu --- Việt Nam ‘quan ngại sâu sắc’ vụ thử hạt nhân của Bắc Hàn
Các nhà quan sát bình luận về chuyến thăm Trung Quốc trong sáu ngày của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
Hôm 10/9, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã đến TP. Nam Ninh, bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 10 đến 15/9.
Đây là chuyến thăm đầu tiên tới Trung Quốc từ khi ông nhậm chức vào tháng 4/2016.
Chuyến thăm cũng là lần đầu tiên lãnh đạo cao cấp Việt Nam thăm Trung Quốc sau cuộc chuyển giao lãnh đạo ở Đại hội XII đầu năm nay.
Theo Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ hôm 10/9, trong chuyến thăm này, bên cạnh cuộc hội đàm với Thủ tướng Quốc Trung Quốc Lý Khắc Cường, ông Phúc cũng sẽ dự Hội chợ Trung Quốc - Asean, Hội nghị Thượng đỉnh thương mại, đầu tư Trung Quốc - Asean lần thứ 13.
Cùng ngày, báo South China Morning Post ở Hong Kong nhận định Thủ tướng Việt Nam phải đối mặt câu hỏi: Nên gần Bắc Kinh ở mức độ nào trong bối cảnh quan hệ song phương đang bị ảnh hưởng bởi tranh chấp trên Biển Đông?
“Ông Nguyễn Xuân Phúc dự kiến thúc đẩy mối quan hệ sâu sắc hơn và tiếp cận tốt hơn với thị trường đại lục.”
“Nhưng khi trở về, ông phải đối mặt với sự cảnh giác của người dân về mối đe dọa từ nước láng giềng”, báo này tường thuật lời các nhà quan sát.
Giới quan sát ngoại giao nhận xét rằng chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Việt Nam diễn ra ngay sau chuyến thăm nước này của Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch hồi tuần trước, cho thấy hai quốc gia cộng sản đang từ từ hồi phục niềm tin dù có những căng thẳng về tranh chấp hàng hải.
'Áp lực phải đối đầu'
Bài báo South China Morning Post dẫn lời Phương Nguyễn, chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) từ Washington cho rằng Bắc Kinh muốn dùng chuyến thăm này để đánh giá chính phủ mới của Việt Nam trong lúc ông Phúc mong muốn duy trì quan hệ xây dựng với Bắc Kinh, ngay cả trong bối cảnh hai nước còn quan điểm khác biệt về vùng biển tranh chấp.
"Việc Bắc Kinh đưa giàn khoan vào Biển Đông năm 2014 làm tổn hại nghiêm trọng lòng tin chiến lược giữa hai bên, và rất khó để mọi thứ quay trở lại như xưa. Nhưng trong năm qua, Bắc Kinh và Hà Nội đã nối lại kênh thông tin liên lạc cấp cao và tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin," chuyên gia này nói.
South China Morning Post cũng ghi nhận ý kiến của Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu lâu năm về Việt Nam, bình luận rằng các nhà lãnh đạo hiện tại của Việt Nam, dường như tìm cách tách biệt tranh chấp Biển Đông khỏi mối quan hệ rộng lớn hơn với Trung Quốc.
"Trung Quốc và Việt Nam sẽ tái khẳng định quan hệ đối tác chiến lược toàn diện chú trọng quan hệ giao thương và đầu tư và tham vấn song phương về Biển Đông theo nguyên tắc giải quyết tranh chấp hàng hải", ông Thayer nói.
Joshua Kurlantzick, từ Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Hoa Kỳ được báo này dẫn lời: “Bắc Kinh chắc chắn lo lắng trước việc Hà Nội tăng cường quan hệ quốc phòng với Tokyo và New Delhi và thực tế là Việt Nam đang là một trong những nước mua vũ khí lớn nhất thế giới”.
Các nhà phân tích cho rằng chính phủ Việt Nam đang chịu áp lực phải đối đầu với Bắc Kinh trong bối cảnh người dân ngày càng mong muốn chống Trung Quốc.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thương mại song phương giữa hai nước đạt 32,3 tỷ đôla trong sáu tháng đầu năm 2016, tăng gần 2% so với năm trước.
Trang web Chính phủ Việt Nam hôm 10/9 nói chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc "sẽ thành công tốt đẹp, mở ra một trang mới năng động hơn, thực chất hơn, tích cực tạo đà phát triển lành mạnh, có chiều sâu" cho quan hệ song phương. - BBC
***
Chính quyền Hà Nội hôm nay, 10/9, bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về việc Bình Nhưỡng thử hạt nhân lần hai trong năm nay.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình lên tiếng một ngày sau khi truyền thông Bắc Hàn xác nhận vụ mà Nam Hàn tin là vụ thử hạt nhân lớn nhất từ trước tới nay của nước láng giềng.
Ông Bình nói: “Lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, ủng hộ việc cấm thử hạt nhân toàn diện, không phổ biến hạt nhân và tiến tới giải trừ loại vũ khí này”.
Người phát ngôn này cho rằng vụ thử “vi phạm nghiêm trọng các Nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, làm gia tăng căng thẳng, đe dọa hòa bình, ổn định ở khu vực”.
“Việt Nam kêu gọi các bên liên quan cần tuân thủ nghiêm túc các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, có các hành động thiết thực thúc đẩy hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên”, ông Bình nói.
Trước đó, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama lên án vụ thử hạt nhân là một “mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh khu vực và hòa bình, ổn định quốc tế.’
Ông Obama nói rằng "các hành động khiêu khích và gây bất ổn của Bắc Triều Tiên ngược lại đã làm cô lập và bần cùng hóa dân chúng nước này thông qua việc ngoan cố theo đuổi các loại vũ khí hạt nhân và khả năng phi đạn đạn đạo.’
Tổng thư ký Ban Ki-Moon cũng ra một tuyên bố mạnh mẽ, “lên án” vụ thử nghiệm hạt nhân dưới lòng đất của Bắc Hàn. Ông Ban nói: “Hành động không thể chấp nhận này đe dọa hòa bình và an ninh trong khu vực và là một lời nhắc nhở hùng hồn nữa về nhu cầu cấp thiết phải tăng cường quy chế cấm thử nghiệm hạt nhân toàn cầu”.
Vụ thử nghiệm hạt nhân mới nhất Bắc Hàn diễn ra trong khi Tổng thống Obama đang trên đường về nước sau chuyến công du châu Á. Ông đã điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hey và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trên chiếc chuyên cơ Air Force One.
Tổng thống Mỹ cũng tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ bảo vệ các đồng minh ở Đông Bắc Á thông qua việc triển khai hệ thống THAAD tại Hàn Quốc. - VOA
|
|
6.
Báo Việt Nam nêu lý do đóng fanpage trên Facebook
Một tờ báo điện tử ở trong nước cho biết lý do vì sao ngưng hoạt động trang tương tác với bạn đọc trên mạng xã hội Facebook.
Fanpage của một số báo như VnExpress, Giáo dục Việt Nam, Dân Trí và Zing News đóng cửa kể từ hôm 7/9.
ICT News dẫn lời bà Nguyễn Thu Hương, Thư ký tòa soạn báo điện tử VnExpress, nói rằng cơ quan này quyết định tạm ngưng hoạt động của trang có hơn 2 triệu người theo dõi trên Facebook, sau 5 năm gây dựng.
Bà Hương cho biết rằng “cơ quan quản lý yêu cầu các cơ quan báo chí phải tăng cường kiểm duyệt và chịu trách nhiệm về nội dung bình luận của người dùng trên fanpage Facebook”.
Bà được ICT News trích lời nói rằng việc “kiểm duyệt toàn bộ nội dung bình luận của người dùng là bất khả thi nên VnExpress đã quyết định tạm dừng hoạt động của fanpage VnExpress”.
Còn báo Giáo dục Việt Nam cho biết rằng “do nguồn lực về con người và vật chất hạn chế để có thể kiểm soát tất cả các bình luận trên trang fanpage nên quyết định tạm dừng hoạt động trang fanpage trên mạng xã hội từ sáng 7/9”.
Tờ báo từng có những đối đáp mạnh mẽ với tờ báo có tư tưởng dân tộc cực đoan của Trung Quốc, Hoàn Cầu Thời Báo nói rằng việc làm đó để “ngăn chặn những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra, đồng thời cũng chấp hành những cảnh báo của các cơ quan chức năng trong việc vận hành các fanpage trên mạng xã hội”.
Trả lời VOA Việt Ngữ hôm 8/9, ông Nguyễn Thái Thiên, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin - Truyền thông Việt Nam, bác bỏ nhận định cho rằng nhà nước đã lệnh cho các cơ quan báo chí phải đóng cửa các fanpage.
Ông Thiên rằng ông “không nhận được sự chỉ đạo của cấp trên để yêu cầu các báo cho đóng các fanpage lại cả”.
“Tôi nghĩ rằng việc đó là do các báo họ quyết định thôi, người ta quyết định thôi. Chứ còn không có sự chỉ đạo nào như thế cả”, quan chức phụ trách về truyền thông Việt Nam nói. - VOA
No comments:
Post a Comment