Tin Thế Giới
1.
VN-TQ: (Tập) ‘Lợi ích chung lớn hơn khác biệt’ --- Thủ tướng Phúc hội kiến ông Tập Cận Bình ở Bắc Kinh
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc về lợi ích chung của hai nước và kêu gọi giải quyết tranh chấp ở Biển Đông qua đàm phán.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 13/9.
Chủ tịch Trung Quốc nói với Thủ tướng Việt Nam rằng "Trung Quốc và Việt Nam có thể giải quyết những khác biệt và thúc đẩy hợp tác hàng hải thông qua các cuộc đàm phán thân thiện," Tân Hoa Xã đưa tin.
"Lợi ích chung giữa hai nước lớn hơn sự khác biệt," Tân Hoa Xã dẫn lời Chủ tịch Tập Cận Bình.
Chủ đề Biển Đông cần phải được giải quyết bằng cách tham vấn song phương và những thách thức hàng hải nên được chuyển hóa thành cơ hội hợp tác, ông Tập nói thêm.
Trước khi hội kiến với Chủ tịch Tập Cận Bình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trước đó một ngày.
Thủ tướng Lý nói với Thủ tướng Phúc rằng Biển Đông liên quan đến cả hai vấn đề là quyền chủ quyền và quyền hàng hải cũng như "cảm xúc dân tộc", Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết vào hôm thứ Ba.
Trang web chính phủ Việt Nam đưa tin Thủ tướng Phúc đề nghị hai bên kiểm soát tốt bất đồng trên biển, tuân thủ những thỏa thuận và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, thúc đẩy các cơ chế đàm phán sớm có tiến triển thực chất, thực hiện tốt DOC, cố gắng sớm ký COC, tích cực đóng góp cho việc ổn định tình hình, vì hòa bình, hợp tác và phát triển.
Bản tin nói Thủ tướng Phúc khẳng định Việt Nam hết sức coi trọng quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, coi đây là chủ trương nhất quán, là lựa chọn chiến lược và là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Đây là chuyến thăm đầu tiên tới Trung Quốc từ khi Thủ tướng Việt Nam nhậm chức vào tháng 4/2016.
Chuyến thăm cũng là lần đầu tiên lãnh đạo cao cấp Việt Nam thăm Trung Quốc sau cuộc chuyển giao lãnh đạo ở Đại hội XII đầu năm nay. - BBC
***
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hôm nay, 13/9, đã diện kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, một ngày sau khi gặp người đồng nhiệm nước chủ nhà Lý Khắc Cường.
Tin cho hay, quan chức hai quốc gia láng giềng bắt tay nhau trước khi thảo luận về nhiều vấn đề tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh. Hiện chưa rõ đôi bên trao đổi về những gì.
Trong bài bình luận mới nhất, Tân Hoa Xã viết rằng “một thời kỳ mới trong mối quan hệ song phương phát triển mạnh mẽ hơn đang ở trước mắt, khi Bắc Kinh trải thảm đỏ đón Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc thăm Trung Quốc lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức hồi đầu năm nay”.
Hãng thông tấn của nhà nước Trung Quốc viết tiếp rằng các chuyến thăm cấp cao như vậy của các lãnh đạo hai nước “chứng tỏ rằng cả Bắc Kinh và Hà Nội cùng chia sẻ ý chí mạnh mẽ về việc tăng cường lòng tin giữa đôi bên”.
Trong khi đó, ông Dương Danh Dy, một cựu quan chức ngoại giao Việt Nam, nói với VOA Việt Ngữ rằng “ý đồ của Trung Quốc là bá chiếm biển Đông của Việt Nam là ý đồ bất biến của họ, và Việt Nam cũng quyết tâm giữ, cho nên không bao giờ có chuyện xây dựng lòng tin với nhau”.
Chuyến công du kéo dài của ông Phúc diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc và Nga thực hiện cuộc tập trận kéo dài trên biển Đông mà phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói hôm 12/9 rằng “không nhắm vào một bên thứ ba nào”.
Theo cổng thông tin của chính phủ Việt Nam, trong cuộc gặp với Thủ tướng Lý, ông Phúc nói rằng Trung Quốc và Việt Nam nên “kiểm soát tốt bất đồng trên biển, duy trì hòa bình, ổn định trên biển, không để vấn đề trên biển ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của quan hệ hai đảng, hai nước”. - VOA
|
|
2.
“Tam giác chiến lược” cho phép Trung Quốc kiểm soát được Biển Đông
Bắc Kinh dường như đang âm thầm biến bãi cạn Scarborough, đánh chiếm từ Philippines năm 2012, thành một cơ sở quân sự. Một khi hoàn thành, bãi cạn này cùng với các cơ sở quân sự đã có tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sẽ tạo thành một “Tam giác chiến lược, cho phép Trung Quốc kiểm soát được Biển Đông”. Trên đây là nhận định của các chuyên gia được báo mạng Quartz, số ra ngày 11/09/2016 phản ảnh lại.
Trong số tất cả các điểm nóng tiềm tàng ở Biển Đông, thì không một nơi nào đang được theo dõi một cách căng thẳng hơn là bãi cạn Scarborough, một đảo san hô rộng lớn với các bãi đá vây quanh. Bãi cạn này rộng 150 cây số vuông và cách bờ biển Philippines không đầy 241 km. Giới quan sát lâu nay nghi ngờ Trung Quốc muốn biến nơi đây thành một đảo quân sự. Vào tuần trước, bộ Quốc Phòng Philippines đã công bố các bức ảnh cho thấy các tàu của Trung Quốc đậu trong khu vực và có thể tiến hành hoạt động cải tạo, quân sự hóa bãi cạn này.
Bắc Kinh âm thầm cải tạo bãi cạn Scarborough
Biển Đông là một thùng thuốc nổ địa chính trị, giàu tài nguyên thiên nhiên và có giá trị chiến lược. Trung Quốc dường như muốn kiểm soát Biển Đông và bãi cạn Scarborough có thể là yếu tố cuối cùng cho phép thực hiện ý đồ này. Ở những nơi khác trong vùng Biển Đông, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã xây các đảo nhân tạo, trên đó có các phi đạo đủ khả năng đáp ứng nhu cầu quân sự, các thiết bị theo dõi, các cảng nước sâu, tất cả các hoạt động đó nhằm hỗ trợ cho đòi hỏi về lãnh thổ đối với gần như toàn bộ tuyến đường biển này. Hồi tháng 7/2016, một tòa án quốc tế đã bác bỏ cơ sở pháp lý của những đòi hỏi này, nhưng Bắc Kinh tuyên bố không thừa nhận phán quyết đó.
Trước tiên, Trung Quốc cần biến bãi cạn Scarborough thành một một đảo nhân tạo, giống như họ đã làm ở nhiều nơi trong vùng quần đảo Trường Sa, trong những năm gần đây. Công việc này gây ra nhiều tổn hại cho môi trường và đòi hỏi phải có thiết bị nạo vét trên diện rộng và Trung Quốc đã thực hiện một cách thành thạo. Khi xem xét kỹ lưỡng các bức ảnh mà Philippines công bố hồi tuần trước, một số nhà quan sát cho rằng các tàu Trung Quốc không có các thiết bị nạo vét và do vậy chưa có nguy cơ xẩy ra ngay hoạt động cải tạo bãi cạn này.
Số khác thì giả định rằng Trung Quốc từ lâu đã muốn cải tạo xây dựng ở Scarborough nhưng phải lùi lại sau khi các nhà ngoại giao Mỹ vào đầu năm nay, đã lưu ý (trong các cuộc gặp riêng để giữ thể hiện cho Bắc Kinh) rằng việc tiến hành cải tạo bãi cạn có thể gây ra đối đầu. Một giả thuyết khác còn cho là Trung Quốc hiện đang kín đáo, khéo léo đặt các nền móng để sau này (hoặc sắp tới đây) có thể nhanh chóng cải tạo Scarborough thành một hòn đảo.
Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough (hoặc Hoàng Nham đảo, theo cách gọi của Trung Quốc) từ tay Philippines từ năm 2012. Từ đó đến, nay, Trung Quốc hạn chế chặt chẽ việc tiếp cận nơi đây, không cho ngư dân Philippines đánh bắt hải sản trong khu vực này. Trung Quốc nhấn mạnh là họ không xây dựng gì ở đây, nhưng trong quá khứ, Bắc Kinh đã từng có những tuyên bố gian dối về những chuyện như thế này. Ví dụ, lúc trước, Trung Quốc nói là chỉ xây dựng những chỗ trú ẩn cho ngư dân ở Đá Vành Khăn (Mischief Reef – Trường Sa). Thế nhưng, hiện nay, tại đây đã có các nhà chứa máy bay, cảng và một phi đạo ở phía đầu đảo nhân tạo này.
Scarborough: Một đỉnh của "Tam giác chiến lược"
Bất luận thực tế thế nào, hầu như không còn nghi ngờ gì nữa về việc Bắc Kinh mong muốn xây dựng một đảo quân sự ở bãi Scarborough (mà Philippines còn gọi là bãi Panatag hoặc Bajo Masinloc). Một cơ sở như vậy, phối hợp với các cơ sở hiện có tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, sẽ giúp cho Trung Quốc có một « tam giác chiến lược » để tiến hành các hoạt động theo dõi và tuần tra ở toàn bộ Biển Đông, nơi mà hải quân Trung Quốc trong tuần này thực hiện các cuộc tập trận với Nga.
Tại Mỹ, dân biểu Dan Sullivan vào tháng 4/2016, đã cảnh báo Tiểu ban Quân lực Thượng viện về "tam giác" này. Trên một tấm bản đồ, ông khoanh vùng ba đỉnh của "tam giác" và chỉ ra hàng máy bay tiêm kích Trung Quốc. Các vòng tròn ở ba đỉnh tam giác chồng lấn lên nhau, bao phủ gần như toàn bộ Biển Đông :
"Tam giác" này cũng giúp Trung Quốc thiết lập một dùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở vùng biển này, buộc máy bay của các nước phải thông báo trước cho chính quyền Trung Quốc các chuyến bay. Chưa rõ bằng cách nào Trung Quốc có thể thiết lập thực sự một vùng phòng không như vậy, đặc biệt là lúc khởi sự, nhưng đối với Bắc Kinh, đó chắc chắn là một bước đi mới theo hướng này. Một vài nước cảnh báo là Bắc Kinh muốn biến Biển Đông thành "ao nhà Trung Quốc".
Vào tháng 8/2016, tòa án tối cao Trung Quốc ra phán quyết rằng các ngư dân bị bắt khi đang đánh bắt trong vùng biển của nước này – dường như bất kể vùng biển nào nằm trong bản đồ đường chín đoạn gây tranh cãi – thì có thể bị phạt tù một năm. Ngư dân Philippines rất thận trọng khi tìm cách vào khu vực xung quanh bãi cạn giàu thủy sản này, chỗ dựa sinh sống của nhiều thế hệ.
Phán quyết của tòa tối cao Trung Quốc được đưa ra sau khi tổng thống Mỹ Barack Obama, tại Washington, đã cảnh báo đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình là không nên cải tạo xây dựng ở Scarborough hoặc thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông, theo như lời một quan chức Mỹ xin ẩn danh với tờ New York Times.
"Tam giác chiến lược" làm thay đổi trò chơi trong mối quan hệ giữa các cường quốc
Cuối tháng 8/2016, ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay Jr cho biết đã có những ý đồ dùng cát đen của Philippines vào các hoạt động cải tạo bồi đắp ở bãi cạn Scarborough, nhưng các ý định này đã bị Hoa Kỳ ngăn chặn.
Đương nhiên, trong một cuộc chiến tranh thực sự, thì việc Hoa Kỳ và các đồng minh phá hủy bất kỳ cơ sở quân sự nào mà Trung Quốc xây ở Biển Đông là chuyện tương đối dễ dàng. Đa phần các công trình này được xây dựng trên bề mặt bãi đá không có nền móng và cũng rất dễ bị hư hại do bão. Tuy nhiên, qua thư điện tử, ông Sean Liedman, chuyên gia phân tích quân sự và nguyên là sĩ quan hải quân Mỹ, cho tạp chí Quartz biết:
“Việc Trung Quốc quân sự hóa quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và có thể cả bãi cạn Scarborough có được một mối lợi quân sự rất lớn trong thời bình, như mở rộng hoạt động tìm kiếm, xây dựng mạng lưới theo dõi, hỗ trợ hậu cần và lập các hệ thống chỉ huy và kiểm soát… Không nên đánh giá thấp mối lợi trong thời bình và trong giai đoạn chuẩn bị chiến tranh (Giai đoạn Zero và Giai đoạn 1, theo biệt ngữ của giới quân sự Mỹ) và hai giai đoạn đầu này quyết định sự thắng lợi trong Giai đoạn 3 (lâm chiến)”
Một căn cứ quân sự của Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough cũng có thể là quá gần không chỉ với Philippines mà đặc biệt là với Căn cứ Không quân Basa, gần Manila. Đây là một trong năm căn cứ mà chính phủ Philippines, do phải đối mặt với sự hung hăng trên biển của Trung Quốc, đã cho phép quân đội Mỹ sử dụng tạm thời, trên cơ sở Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng, có hiệu lực 10 năm, được ký năm 2014 và đã được Tòa án Tối cao Philippines thông qua hồi đầu năm nay.
Các nước khác cũng lo lắng về vấn đề bãi cạn Scarborough. Vùng biển này là tuyến hàng hải chính vận chuyển dầu lửa từ Trung Đông tới Nhật Bản, Hàn Quốc cũng như Trung Quốc. Hơn 5 nghìn tỷ đô la trao đổi thương mại được vận chuyển hàng năm qua tuyến hàng hải này. Ông Yoji Koda, nguyên là phó đô đốc hải quân lực lượng phòng vệ Nhật Bản, đã viết trên báo Asia Policy rằng "tam giác chiến lược" có thể trở thành một yếu tố làm thay đổi trò chơi trong quan hệ giữa các cường quốc khu vực". Chắc chắn là các chiến lược gia quân sự tại Bắc Kinh sẽ đồng ý với điều này. - RFI
|
|
3.
TT Duterte phát biểu khó hiểu về lực lượng đặc biệt Mỹ ở Philippines
Các quan chức ở Philippines đang cố gắng giải thích về tuyên bố của Tổng thống Rodrigo Duterte rằng lực lượng đặc biệt của Hoa Kỳ cố vấn cho các đối tác Philippines trong cuộc chiến chống phiến quân Hồi giáo ở miền nam cần phải ra đi. Một phát ngôn viên quân đội, Chuẩn Tướng Restituto Padilla, nói tuyên bố hôm 12/9 sẽ chỉ ảnh hưởng đến một phần trong số các quân nhân Hoa Kỳ. Ông mô tả rằng quan hệ quốc phòng giữa Philippines và Hoa Kỳ tổng thể là rất vững chắc.
Hôm thứ Ba, 13/9, ông Duterte nhấn mạnh Manila sẽ không cắt “dây rốn” của mình với những nước đồng minh. Bộ trưởng Ngoại giao của ông, Perfecto Yasay, cho biết Philippines sẽ tôn trọng và tiếp tục tuân theo các nghĩa vụ và cam kết trong hiệp ước.
Nhà lãnh đạo Philippines hôm 12/9 nói chỉ riêng sự hiện diện của các lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ, với quân số hàng trăm người và là một phần trong một sứ mệnh bắt đầu từ năm 2002, góp phần tạo nên bất ổn ở Mindanao. Ông còn kể ra việc quân đội Hoa Kỳ giết người Hồi giáo trong thời kỳ thuộc địa hồi nửa đầu thế kỷ 20.
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest nói quân đội Mỹ có mặt ở đó theo đề nghị của các nhà lãnh đạo Philippines trước đây.
Nhà phân tích khu vực Đông Nam Á Gerard Finan, nghiên cứu sinh kỳ cựu tại Viện Đông Tây ở Hawaii, nói với đài VOA ông không ngạc nhiên về những nhận xét của tổng thống Duterte. Ông Gerard Finan cho biết ông không thấy có sự thay đổi trong chính sách của Philippines đối với Hoa Kỳ dưới thời ông Duterte. Nhà phân tích này mô tả đó là một mối quan hệ rất vững mạnh. - VOA
|
|
4.
Bà Aung San Suu Kyi sắp thăm Mỹ, thảo luận về kinh tế, trừng phạt
Một quan chức Myanmar cho biết lãnh đạo thực quyền của nước này, bà Aung San Suu Kyi, sẽ thăm Washington hôm thứ Tư, 14/9, để thảo luận liệu việc thay đổi các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ đối với nước bà có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế rất cần thiết hay không.
Đây sẽ là chuyến thăm Hoa Kỳ lần đầu tiên của bà Cố vấn Nhà nước kiêm Bộ trưởng Ngoại giao kể từ khi đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà nắm chính quyền và nhậm chức vào cuối tháng 3. Sự chuyển đổi dân chủ của Myanmar, sau nhiều thập kỷ do giới quân đội nắm quyền, được coi là một thành công quan trọng trong chính sách đối ngoại của chính quyền sắp hết nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama. Chính quyền của ông Obama hiện vẫn đang cân nhắc xem còn có thể làm gì để tiếp tục trợ giúp quá trình chuyển đổi ở Myanmar.
Người phát ngôn của Văn phòng Cố vấn Nhà nước Zaw Htay cho biết bà Aung San Suu Kyi tìm kiếm sự trợ giúp của Hoa Kỳ dành cho nền kinh tế của đất nước để đáp ứng kỳ vọng của những người ủng hộ mang lại chiến thắng lớn cho NLD trong cuộc bầu cử năm ngoái. Kinh tế Myanmar đã tan nát do sự quản lý yếu kém của tập đoàn quân nhân trước đây và do sự cô lập quốc tế.
Ông nói với đài VOA: "Kỳ vọng của người dân Myanmar lúc này đang rất, rất cao - phát triển kinh tế có thể là một tín hiệu rất mạnh để tiến về phía trước trong quá trình dân chủ hóa của chúng tôi".
Ông Zaw Htay cho biết thêm: "Myanmar cần nhiều trợ giúp kỹ thuật, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính và kinh tế. Các lệnh trừng phạt sẽ là một trong những vấn đề được bàn thảo", mặc dù ông dự báo sẽ không có những thay đổi nhanh chóng trong hàng loạt các lệnh cấm có ảnh hưởng đến Myanmar.
Trong các cuộc gặp với Tổng thống Obama, Phó Tổng thống Joe Biden, Ngoại trưởng John Kerry và các thành viên hàng đầu của Quốc hội, trong đó có Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain, nhiều khả năng bà Aung San Suu Kyi cũng sẽ bàn về những thách thức khác đối với chính phủ của bà. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
5.
Ông Trump thu ngắn cách biệt với bà Clinton --- Ông Obama vận động tranh cử cho bà Clinton
Còn chưa tới hai tháng nữa là sẽ đến ngày bầu cử tổng thống, ứng cử viên Hillary Clinton của Ðảng Dân chủ tiếp tục dẫn trước đối thủ bên Ðảng Cộng hòa là ông Donald Trump trong các cuộc thăm dò dư luận toàn quốc. Nhưng cơ may thắng cử của ông Trump đang tăng dần lên. Các chuyên gia tiên đoán rằng kết quả của các cuộc thăm dò dư luận có thể sẽ thay đổi nhiều trước cuộc bầu cử vào tháng 11.
Mới cách đây khoảng 2 tuần, cuộc vận động tranh cử bên ông Trump trông có vẻ như gặp phải trở ngại. Thế nhưng kể từ đó, ứng cử viên bên Ðảng Cộng hòa này đã giành thêm được nhiều điểm ở các bang được gọi là giao động, theo như nhận định của chuyên gia Tim Malloy.
Ông Malloy nói với đài VOA qua Skype:
"Nếu chúng ta xem kỹ các bang Florida, North Carolina, Pennsylvania và Ohio, chúng ta sẽ thấy đó những bang mà các ứng cử viên này cần phải thắng. Và theo tình hình cuộc đua hiện nay, thì chưa thể biết được ai sẽ thắng cuộc bầu cử. Do đó cử tri nên nhận biết rằng đây là cuộc đua rất sít sao – quan điểm của các ứng cử viên không kiên định, dễ phân cực – và do đó tình hình thực sự có thể thay đổi từng ngày một."
Cả ông Trump và bà Clinton đều có khối người trung thành riêng, nhưng nhiều cử tri vẫn đang do dự. Chuyên gia Malloy nói rằng các cuộc tranh luận ứng cử viên tổng thống sắp tới, nhất là cuộc tranh luận đầu tiên vào ngày 26 tháng 9, sẽ giúp nhiều người đi đến quyết định chọn lựa:
"Chúng tôi sẽ hỏi những câu như ai sẽ là người giải quyết vấn đề vũ khí hạt nhân tốt nhất? Ai sẽ là người giải quyết các cuộc khủng hoảng quốc tế bằng đường lối khả thi nhất? Về di dân – đó là những câu hỏi lớn và mang tính trọng yếu. Ai sẽ là người để ý tới nhu cầu của gia đình quý vị và bảo vệ quý vị? Đó là những vấn đề mà công chúng nên chú ý khi có các kết quả thăm dò. Nhưng cuối cùng sẽ là các cuộc tranh luận."
Bà Clinton đang bị viêm phổi khiến bà phải hủy các kế hoạch đi vận động tranh cử ở bang California. Sự việc này cũng khiến có những câu hỏi nêu lên về sức khỏe của bà nói chung, tuy nhiên điều ngày có lẽ sẽ không ảnh hưởng đến cuộc vận động của bà.
Một nữ cử tri nói rằng hy vọng là bà Clinton sẽ không đổ thừa cho bệnh, và hy vọng là chuyện bệnh sẽ không ảnh hưởng đến bà.
Một cử tri nam nói:
"Ai cũng có thể bị viêm phổi. Chúng ta phải nên để ý rằng bà ấy làm việc cật lực như thế nào, và nghỉ ngơi ít như thế nào. Điều đó cho thấy bà hết lòng vì dân chúng như thế nào. Bà đã cố gắng thật nhiều để cho công chúng hiểu rằng bà muốn làm cho đất nước."
Chuyên gia Malloy nói các cuộc thăm dò đưa ra những con số nhất thời cho thấy chiều hướng của các cuộc vận động. Một xu hướng cần theo dõi là liệu ông Trump có giành được sự ủng hộ của khối cử tri nữ, người da màu và người gốc Châu Mỹ La tinh hay không, hay liệu bà Clinton vẫn giành được lợi thế trong các khối cử tri đó. - VOA
***
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hôm thứ Ba, 13/9, tiến hành vận động tranh cử cho cựu ngoại trưởng của mình, bà Hillary Clinton, vào lúc bà nghỉ vài ngày để phục hồi sức khỏe sau khi bị viêm phổi.
Ông Obama sẽ phát biểu tại một cuộc mít tinh vận động cho bà Clinton ở Philadelphia, nơi ông cũng sẽ tham dự một buổi gây quỹ cho Đảng Dân chủ.
Cuối ngày 12/9, bà Clinton nói với CNN là bà dự kiến sẽ tiếp tục cuộc vận động vào cuối tuần này. Nhân viên của bà đã cho biết họ đã có lỗi khi không công bố sớm hơn về chẩn đoán của bà, kết quả chẩn đoán đã có hôm 9/9, hai ngày trước khi bà đột ngột rời một sự kiện ở New York và đã gây chú ý về sức khỏe của bà.
Bà Clinton nói hôm 12/9 là bà "không nghĩ rằng nó sẽ là chuyện lớn".
Cả bà Clinton và đối thủ đảng Cộng hòa của bà là Donald Trump đều đã cam kết sẽ sớm công bố thêm các thông tin về sức khỏe của họ.
Còn khoảng hai tuần nữa, hai ứng cử viên sẽ có cuộc tranh luận đầu tiên trong số 3 cuộc tranh luận trong bầu cử tổng thống. Cử tri sẽ bầu tổng thống Hoa Kỳ kế tiếp vào ngày 8/11. - VOA
|
|
6.
Thế giới sắp có tàu chạy bằng năng lượng mặt trời --- Mặt trăng có ảnh hưởng tới động đất --- Tóc có thể thay thế DNA trong công tác nhận dạng
Lấy cảm hứng từ máy bay chạy bằng năng lượng mặt trời Solar Impulse mới bay lượn vòng quanh thế giới, các nhà phát minh của Pháp đang chế tạo một chiếc tàu sẽ vận hành hoàn toàn bằng công nghệ năng lượng tái tạo với hy vọng làm một chuyến hải hành lịch sử trên thế giới.
Khi khởi hành vào tháng 2 năm sau, con tàu ‘Energy Observer sẽ chạy bằng năng lượng mặt trời, cùng với một chút gió và khí hydro tự sản xuất.
Đồng sáng lập của dự án, ông Jerome Delefosse, nói máy bay Solar Impulse đã chứng minh rằng bay lượn vòng quanh thế giới bằng năng lượng mặt trời là một điều khả dĩ.
Con tàu dài 30,5 mét đang nằm trong xưởng đóng tàu tại Saint-Malo, Pháp, chờ được lắp đặt các tấm pin mặt trời, tuabin gió, và thiết bị để sản xuất khí hydro.
Đối tác của ông Delefosse, ông Victorien Erussard, cho biết đây sẽ là con tàu đầu tiên có phương tiện tự sản xuất khí hydro.
Kế hoạch nhằm để cho các tấm pin của tàu được nạp năng lượng mặt trời và năng lượng gió trong tình hình thời tiết tốt. Các tấm pin này sẽ cung cấp năng lượng cho các động cơ điện.
Ông Erussard cho hay khi không có ánh nắng mặt trời hay không có gió, khí hydro được lưu trữ sẽ cung cấp năng lượng cho động cơ. Con tàu này sẽ không tạo ra khí thải nhà kính.
AFP cho hay chi phí con tàu khoảng 4,7 triệu đôla.
Tàu Energy Observer được thiết kế với sự hợp tác của Viện nghiên cứu CEA-Liten. - VOA
***
Trăng tròn có thể gây ra các trận động đất lớn, theo một cuộc nghiên cứu mới.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Tokyo cho biết các trận động đất lớn có phần chắc xảy ra trong lúc thủy triều cao. (Thủy triều dâng cao hai lần một ngày.) Trong lúc triều cường, đại dương bị hút bởi trọng lực của mặt trăng, và lúc diễn ra hiện tượng trăng tròn hay trăng mới, hai lần mỗi tháng, thủy triều đặc biệt dâng cao, nhất là khi mặt trăng, mặt trời, và trái đất thẳng hàng.
Điều này, theo các nhà khoa học, có thể tăng sức ép lên những đường phay địa chất, gây ra động đất.
“Khả năng một vết nứt nhỏ mở rộng ra thành một sự rạn vỡ khổng lồ gia tăng cùng với mức độ thủy triều gia tăng”, các nhà nghiên cứu viết trong một bài báo đăng trên tạp chí Nature Geoscience của Anh.
Dù lý thuyết này không phải là điều mới mẻ, nhưng đây là nghiên cứu đầu tiên phát hiện một sự liên kết thống kê giữa mặt trăng và các trận động đất.
Ví dụ, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng trận động đất Sumatra 2004 cũng như trận động đất lớn ở Nhật Bản năm 2011 đều diễn ra khi thủy triều lên cao. Các nhà nghiên cứu cho biết 9 trong số 12 trận động đất lớn nhất từng được ghi nhận trùng hợp với hiện tượng trăng tròn hoặc trăng mới.
Những phát hiện này có thể giúp dự báo động đất, đặc biệt là ở những nơi như Nhật Bản, nơi thường xuyên bị động đất.
Nhà địa chấn học John Vidale thuộc Đại học Washington, người không tham gia cuộc nghiên cứu vừa kể, cho rằng “Kết quả này, nếu được xác nhận, sẽ rất thú vị đối với các nhà khoa học.” - VOA
***
Tóc của mỗi chúng ta, giống như DNA, có thể mang tính hết sức riêng biệt, đặc trưng của từng người, không ai giống ai.
Theo một cuộc nghiên cứu mới đăng trên tạp chí PLOS ONE, các khoa học gia thuộc Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Livermore cho biết những chỉ dấu protein trong tóc có thể được dùng giúp cho công việc điều tra pháp y và xác định về khảo cổ được dễ dàng hơn.
Protein tồn tại lâu bền với thời gian trong khi DNA có thể bị xuống cấp.
Để đạt được kết luận này, các khoa học gia đã nghiên cứu các mẫu tóc cách nay tới 250 năm và các mẫu tóc của 76 người sống. Họ cho biết tìm thấy 185 chỉ dấu protein trong các mẫu tóc của người quá cố xa xưa vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Và vì vậy, họ cho rằng, đủ giúp xác định một cổ nhân cách đây 1 triệu năm.
Các nhà nghiên cứu nói họ hy vọng tìm thấy khoảng 1 trăm chỉ dấu cốt lõi có thể dùng để phân biệt một cá nhân trong một thế hệ dân số, chỉ bằng một sợi tóc.
‘Chúng ta đang ở giai đoạn nhận dạng dựa trên protein tương tự thời điểm nhận dạng bằng DNA trong những ngày đầu mới được phát triển,’ đồng tác giả Brad Hart, giám đốc Trung tâm Khoa học Pháp lý thuộc Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Livermore, cho biết.
Khoa học gia này nói rằng ‘Phương pháp này có thể là yếu tố làm thay đổi ngành khoa học pháp y. Dù đã có nhiều tiến bộ trong công tác chứng minh, nhưng vẫn còn nhiều bước phải làm trước khi phương pháp mới này có thể đạt đến khả năng toàn diện.’ - VOA
|
|
Tin Việt Nam
7.
Ông Trịnh Xuân Thanh ‘vẫn chưa lộ diện’ --- Ông Trịnh Xuân Thanh không được phép xuất ngoại
Cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang hôm nay, 13/9, vẫn chưa có mặt theo thời hạn chót mà chính quyền đặt ra, báo chí trong nước đưa tin.
Báo điện tử VnExpress dẫn lời ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, cho biết rằng “vẫn chưa liên lạc được” với ông Thanh.
Quan chức này cho biết thêm rằng “sẽ báo cáo về trung ương” nếu ông Thanh không có mặt như được yêu cầu. Ông Chánh cũng nói là “chưa thể xác định chính xác” thông tin ông Thanh đã ra nước ngoài như các thông tin xuất hiện trên mạng xã hội.
“Cụ bà chống tham nhũng” Lê Hiền Đức cho VOA Việt Ngữ biết rằng bà theo dõi tin tức về ông Thanh cả trên báo “lề phải” cũng như trên trang web “lề trái”.
Bà nói thêm:
“Nhà nước quản lý một cán bộ như thế nào mà để đến mức bây giờ đi tìm đến gia đình người ta mà cũng không thấy. Thi hành kỷ luật người ta mà người ta không có mặt thì thi hành cái gì. Tội làm thất thoát này nọ thì giải quyết như thế nào mà bây giờ lại để đến tình trạng nó ầm ĩ như thế”.
Theo ông Chánh, ông Trịnh Xuân Thanh “có đơn xin Tỉnh ủy Hậu Giang nghỉ phép một tháng đi nước ngoài chữa bệnh nhưng không được đồng ý, sau đó tỉnh mất liên lạc với ông cho đến nay”.
Báo chí trong nước dẫn lời tỉnh ủy Hậu Giang cho biết rằng đại diện Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ vào Hậu Giang ngày 16/9 tới để triển khai quyết định của Ban Bí thư về việc khai trừ Đảng đối với ông Thanh.
Vụ việc liên quan tới ông Thanh bùng lên sau khi truyền thông trong nước đưa tin hồi tháng Sáu về chiếc xe sang trị giá nhiều tỷ đồng do ông sử dụng.
Sau đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giao cho các cơ quan liên quan “kiểm tra, xem xét, và kết luận” thông tin liên quan tới Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
Trao đổi với VOA tiếng Việt, bà Lê Hiền Đức cho biết rằng “người dân rất quan tâm tới việc chống tham nhũng”.
Bà nói thêm:
“Dân chỉ muốn biết rõ sự thật thôi. Chuyện đấy chỉ là một trong trăm nghìn vụ tham nhũng, chứ không phải đây là chính đâu. Nhưng tôi nghĩ rằng có thể là vì, người ta muốn diệt nhau. Người ta làm tanh bành cho nó to ra, nhưng mà không ngờ Trịnh Xuân Thanh lại biến đi đâu mất, không biết. Việc này chỉ là cái chuyện người ta muốn triệt chỗ nọ, triệt chỗ kia, phe này, phe khác. Chứ còn thực ra, tham nhũng nhiều lắm, từ trên xuống, từ trung ương cho tới địa phương. Chuyện ông Trịnh Xuân Thanh này cũng chỉ là một trong trăm nghìn vụ tham nhũng khác”.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng có nhiều phát biểu mà tờ Đất Việt cho là “thẳng thắn” về tham nhũng.
Phát biểu trước các cử tri ở Hà Nội hồi cuối năm 2013, ông Trọng được báo chí trong nước trích lời nói rằng “tham nhũng nguy hiểm và khó chịu vì đã thành khá phổ biến”.
Người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam được dẫn lời nói thêm: “Nó thành đường dây có tổ chức rồi, chứ không còn từng người một người ăn mảnh nữa. Chúng tôi hay nói đó là lợi ích nhóm, cấu kết với nhau nên phải có cơ chế trị tận gốc, việc này rất khó chứ không phải dễ”.
Một năm sau đó, theo VietNamNet, ông Trọng nói rằng “chống tham nhũng đòi hỏi khôn ngoan, có con mắt chiến lược. Phải giữ ổn định để đất nước phát triển, rối loạn sẽ rất nguy hiểm”. Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam sau đó nhấn mạnh rằng “đánh con chuột đừng để vỡ bình, làm sao diệt được chuột mà bảo vệ được bình hoa”. - VOA
***
Bí thư tỉnh ủy tỉnh Hậu giang ông Trần Công Chánh nói với báo Tuổi trẻ rằng ông Trịnh Xuân Thanh không được phép đi nước ngoài dù vào ngày 19 tháng 8 ông Thanh đã làm đơn xin đi nước ngoài trị bệnh.
Ông Trần Công Chánh cho biết là không thể cho phép ông Thanh đi trị bệnh ở nước ngoài vì các cơ quan trung ương đang điều tra những sai phạm về quản lý kinh tế có liên quan đến ông Thanh.
Tỉnh ủy tỉnh Hậu giang cũng cho biết là ông Thanh phải có mặt tại Hậu Giang trong ngày hôm nay, nhưng cho đến sáng nay vẫn chưa thấy ông Thanh xuất hiện.
Xin nhắc lại là ông Trịnh Xuân Thanh vốn là một cán bộ cao cấp của ngành dầu khí Việt Nam, sau đó được điều về công tác tại tỉnh Hậu giang với vai trò Phó chủ tịch tỉnh.
Những cáo buộc có liên quan đến tham nhũng của ông Thanh được dư luận Việt Nam rất quan tâm. Và trong vụ việc này, đã xảy ra một chuyện cũng chưa có tiền lệ là trong lúc bị điều tra thì ông Thanh làm đơn xin ra khỏi đảng cộng sản Việt Nam.
Vào tuần rồi, Ban Bí thư Trung ương tại Hà Nội quyết định khai trừ ông Thanh ra khỏi đảng Cộng sản Việt Nam. - RFA
|
|
8.
Luật sư bảo vệ Ba Sàm 'giữ quan điểm'
Luật sư bình luận với BBC trước phiên tòa phúc thẩm xét xử ông Nguyễn Hữu Vinh và cộng sự diễn ra ngày 22/9 tại Tòa án Nhân dân Cấp cao Hà Nội.
Ông Vinh từng là chủ trang Anh Ba Sàm. Trong sáu năm, cho đến khi chủ trang bị bắt giữ năm 2014, trang Ba Sàm đã thu hút hàng triệu độc giả trong và ngoài nước.
Tháng 3/2016, ông Nguyễn Hữu Vinh, tức blogger Anh Ba Sàm bị Tòa án Nhân dân Hà Nội tuyên phạt 5 năm tù giam, cộng sự của ông, bà Nguyễn Thị Minh Thúy, bị phạt 3 năm tù.
Ông Vinh và bà Thúy bị bắt giam từ tháng 5/2014.
Phiên tòa sơ thẩm ngày 23/3 tại Hà Nội xử hai người về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" theo quy định tại Điều 258, khoản 2-Bộ luật hình sự.
Cáo trạng đề cập hai trang của ông Vinh, diendanxahoidansu.wordpress.com (blog "DÂN QUYỀN") và blog chepsuviet.wordpress.com (blog "CHÉP SỬ VIỆT").
Cáo trạng nói hai bị cáo đăng 24 bài viết "nội dung sai sự thật, không có căn cứ; tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bôi nhọ các cá nhân".
Hôm 13/9, trả lời BBC từ Hà Nội, ông Hà Huy Sơn, một trong những luật sư tham gia bào chữa cho hai bị cáo, nói: “Theo luật thì phiên phúc thẩm đã diễn ra quá hạn hai tháng kể từ phiên sơ thẩm.”
“Mặt khác, các luật sư cũng không được quyền tiếp cận hồ sơ vụ án.”
“Tuy chưa thể nói được điều gì về bản án sẽ được tuyên trong phiên phúc thẩm, nhưng có căn cứ là việc xét tội mang tính chủ quan, vì những chứng cứ không đảm bảo theo luật tố tụng.”
'Vô tội'
Luật sư nói thêm: “Đến thời điểm này, tôi vẫn bảo lưu quan điểm rằng thân chủ của tôi vô tội vì không có chứng cứ rõ ràng".
Trước đó, từ New York, Tổ chức nhân quyền Human Rights Watch (HRW) phát đi thông cáo kêu gọi Việt Nam hủy bỏ cáo buộc với blogger Anh Ba Sàm (Nguyễn Hữu Vinh).
“Chính phủ Việt Nam nên trả tự do và hủy bỏ tất cả các cáo buộc chống lại hai blogger nổi tiếng,” HRW đặt trụ sở ở New York, viết trong thông cáo.
Hiện chưa rõ bà Lê Thị Minh Hà, vợ ông Vinh có tham dự phiên phúc thẩm.
Hôm 12/9, trên trang cá nhân của bà đăng thông tin: "Đã 11 tháng, trại tạm giam B14 - Tổng cục An Ninh không cho gia đình thăm ông Vinh và không cho ông nhận thư từ sau khi đã kết thúc giai đoạn điều tra."
"Gia đình đã gửi đơn đến các cơ quan có thẩm quyền nhưng không nhận được phản hồi." - BBC
|
|
9.
Hội thảo: “Tự do Tôn giáo tại Việt Nam: Tầm quan trọng đối với an ninh khu vực và toàn cầu”
Hội thảo: “Tự do Tôn giáo tại Việt Nam: Tầm quan trọng đối với an ninh khu vực và toàn cầu” được tổ chức ở Viện Hudson-Hudson Institute, Washington DC, vào hôm 12 tháng 9 năm 2016.
Lên tiếng cho cộng đồng tôn giáo bị ngược đãi ở Việt Nam
Với mục đích cất lên tiếng nói cho cộng đồng tôn giáo bị ngược đãi ở Việt Nam tại Hội thảo xoay quanh chủ đề “Tự do Tôn giáo tại Việt Nam: Tầm quan trọng đối với an ninh khu vực và toàn cầu” do Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam và Viện Hudson-Hudson Institute đồng tổ chức, những vấn đề liên quan bao gồm “Các tôn giáo không được thừa nhận tại Việt Nam” như trường hợp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, “Hạn chế và Đàn áp” như trường hợp dân tộc Hmong ở Việt Nam, “Tôn giáo và Văn hóa bị hăm dọa” như trường hợp của Phật giáo Khmer Krom”, Phật giáo Hòa Hảo và Cao Đài được trình bày một cách chi tiết.
Nhiều dẫn chứng cụ thể cho thấy sự hà khắc khiểm soát tôn giáo của chính quyền Việt Nam cùng hệ thống công an trị dùng mọi biện pháp nhằm hăm dọa, ngược đãi và bắt bớ các tín đồ tôn giáo; điển hình là Việt Nam sắp ban hành Luật Tín ngưỡng Tôn giáo mà cộng đồng tôn giáo tại quốc gia này cho rằng sẽ hạn chế nhiều hơn nữa quyền tự do tín ngưỡng của họ. Theo đó, các tổ chức tôn giáo như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Người Thượng Tin Lành, hay Phật giáo Khmer Krom không thể hoặc không muốn đăng ký, sẽ bị đặt ra ngoài vòng pháp luật.
Trong vai trò ban tổ chức, Giám đốc Trung tâm Tự do Tôn giáo của Viện Hudson-Hudson Institute, bà Nina Shea phát biểu chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ ngày càng thắt chặt hơn với các nước đồng minh trong khu vực, khi Tổng thống Barack Obama thực hiện chiến lược “xoay trục sang Châu Á”, để duy trì hòa bình và an ninh trước sự lấn lướt của Trung Quốc đối với các quốc gia này.
Bà Nina Shea và các quan khách tham dự có cùng ghi nhận mối quan hệ bình thường hoá 21 năm giữa Việt Nam và Mỹ được tăng cường sau sự kiện Tổng thống Obama tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khi sát thương cho Việt Nam trong chuyến đi của ông đến quốc gia cựu thù hồi tháng 5 năm nay mà không có bất kỳ yêu cầu ràng buộc nào, đặc biệt về vấn đề tôn giáo, đối với Hà Nội. Câu hỏi trọng tâm được nêu lên tại cuộc hội thảo rằng giới chức lãnh đạo Nhà trắng trong nhiệm kỳ tổng thống mới sẽ tiếp tục thực hiện xu hướng của ông Obama hay sẽ theo đuổi một chính sách khác giúp cải thiện tình hình tự do tôn giáo, nhân quyền và dân quyền ở Việt Nam.
Với tư cách khách mời, cựu Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách nhân quyền kiêm Phụ tá Cố vấn Hội đồng An ninh Quốc gia, ông Elliott Abrams, người có nhiều đóng góp trong việc thúc đẩy tự do tôn giáo trở thành một yếu tố trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, nhấn mạnh qua bài tham luận tại Hội thảo rằng:
“Chính quyền Việt Nam muốn có mọi thứ, họ muốn có vũ khí và đầu tư từ Hoa Kỳ cũng như muốn Hoa Kỳ bảo vệ đối với hiểm họa đến từ Trung Quốc mà không giảm bớt sự kiểm soát các hoạt động xã hội, không tin tưởng vào người dân cũng như không cho phép tự do tín ngưỡng.”
Yêu cầu Việt Nam để người dân có tự do
Ông Elliott Abrams đề nghị cộng đồng tôn giáo ở Việt Nam và tại Hoa Kỳ cùng liên kết nỗ lực hơn nữa trong việc cung cấp thông tin cho giới chức lãnh đạo Mỹ trong thời gian tới về những vi phạm tự do tôn giáo của chính quyền Hà Nội; đồng thời gửi đến chính phủ Mỹ các yêu cầu chính đáng trong chính ngoại giao đối với Việt Nam:
“Chúng ta cần kêu gọi chính quyền Việt Nam phải dừng lại những việc làm gây sợ hãi cho người dân. Chúng ta phải cảnh báo chính quyền Việt Nam rằng xã hội không thể phát triển nếu như không cho phép dân chúng thực hành tự do tín ngưỡng. Yêu cầu duy nhất đối với chính quyền Việt Nam là để cho người dân có tự do.”
Cùng với tư cách khách mời của Hội thảo: “Tự do Tôn giáo tại Việt Nam: Tầm quan trọng đối với an ninh khu vực và toàn cầu”, Ủy viên Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo trên Thế giới, gọi tắt là USCIRF, bà Kristina Arriaga, nêu ra những biện pháp cụ thể hóa đề nghị của ông Elliott Abrams là phải sử dụng các kênh truyền thông, bao gồm mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram để cho thế giới biết về các diễn tiến của tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam đang bị xâm phạm, và cũng cần nêu nhiều trường hợp nạn nhân bị chính quyền Việt Nam ngược đãi vì những sinh hoạt tôn giáo hay hoạt động xã hội của họ:
“Chúng ta cần phải nêu tên Hòa thượng Thích Quảng Độ, Mục sư Nguyễn Công Chính đang bị tù đày và vợ của ông ta là bà Trần Thị Hồng bị đánh đập vì đã gặp gỡ phái đoàn nhân quyền Hoa Kỳ. Chúng ta cần phải nêu tên Luật sư Nguyễn Văn Đài, Blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và còn nhiều tên khác nữa của các tín đồ Hòa Hảo, Cao Đài, người Thượng Tin lành…”
Ủy viên Ủy hội USCIRF, bà Kristina Arriaga, khẳng định với các bằng chứng qua các trường hợp cụ thể như thế để chuyển tải thông điệp đến chính quyền Việt Nam rằng không có tự do tôn giáo thì tất cả những quyền tự do khác đều không tồn tại vì con người có niềm tin tín ngưỡng trong tâm linh của họ kể từ khi sinh ra và lớn lên mà không ai có thể tước đi hay xâm phạm được.
Hội thảo “Tự do Tôn giáo tại Việt Nam: tầm quan trọng đối với an ninh khu vực và toàn cầu” diễn ra trong vòng 4 giờ đồng hồ để thảo luận các chiến lược và những giải pháp tốt nhất trong việc xây dựng và kết nối cộng đồng tôn giáo, với mục đích thúc đẩy và bảo vệ tín ngưỡng-tôn giáo ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, trên tinh thần “phát triển nền văn hóa dân sinh về tính khoan dung và lòng từ bi, hầu đặt nền móng cho hòa bình bền vững trong vùng Châu Á cũng như trên thế giới”, như trong lời phát biểu khai mạc của ông Võ Văn Ái, đại diện của Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam. - RFA
No comments:
Post a Comment