Tin Thế Giới
1.
Mỹ, Nga họp bàn kế hoạch kết thúc chiến sự ở Syria
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 26/8 đã bắt đầu cuộc hội đàm ở thành phố Geneva trong một nỗ lực nhằm thương thuyết một kết thúc hòa bình cho chiến sự ở Syria.
Ông Kerry tới Ả-rập Saudi hôm 25/8 để thảo luận về những hoạt động quân sự của Mỹ tại Syria với Hoàng tử Saudi Mohammed bin Salman, cùng với những nhà ngoại giao từ Bahrain và Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh, nhằm tăng cường sự ủng hộ cho kế hoạch Syria trước cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Lavrov vào ngày 26 tháng 8.
Những vòng hội đàm trước đây giữa các nhà ngoại giao hàng đầu của Washington và Moscow đã không dẫn tới một kết thúc cho cuộc xung đột ở Syria, hiện đang trở nên phức tạp hơn vì sự ủng hộ của Mỹ và Nga dành cho hai phe đối địch.
Trong cuộc họp với Ngoại trưởng Lavrov, hai bên sẽ cố gắng đạt được một thỏa thuận về hợp tác quân sự và chia sẻ thông tin trong một nỗ lực nhằm đánh bại những kẻ chủ chiến Nhà nước Hồi giáo ở Syria - điều mà cả hai bên đều mong muốn.
Kế hoạch ban đầu của ông Kerry, được loan báo trong cuộc hội đàm vào tháng 7 ở Moscow, sẽ cho phép Washington và Moscow phối hợp những cuộc không kích nhắm vào những chiến binh Nhà nước Hồi giáo và ngăn lực lượng không quân Syria thực hiện thêm bất kỳ cuộc không kích nào nữa.
Cuộc gặp gỡ mới nhất diễn ra giữa lúc căng thẳng tăng cao ở Syria sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đầu tuần này quyết định điều xe tăng băng qua biên giới vào Syria để chiếm lại một khu vực nằm dưới quyền kiểm soát của Nhà nước Hồi giáo.
Những chiến binh người Kurd ở Syria được Mỹ hậu thuẫn nói rằng họ đang rút về các căn cứ của mình ở phía đông Sông Euphrates sau khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và những chiến binh liên minh với họ mở một cuộc tấn công xuyên biên giới. Phiến quân người Kurd vẫn là nguồn gây nên căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Mỹ xem phiến quân người Kurd là một đồng minh quan trọng trong cuộc chiến ở Syria, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ xem họ là những kẻ khủng bố liên minh với những phe phái người Kurd đòi ly khai ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Một phát ngôn viên của liên minh do Mỹ dẫn đầu cho biết người Kurd đã di chuyển về phía đông "để chuẩn bị cho việc cuối cùng sẽ giải phóng Raqqa." Tuy nhiên chưa rõ liệu tất cả lực lượng người Kurd đã rút đi hay chưa theo đòi hỏi của Thổ Nhĩ Kỳ trước cuộc tiến công. Giám đốc Đài quan sát Nhân quyền Syria ở Anh, Rami Abdel Rahman, nói với truyền thông Ả-rập rằng những chiến binh dân quân người Kurd vẫn đang chiến đấu ở phía tây Sông Euphrates và thậm chí đã chiếm giữ một số lãnh thổ.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết ông Kerry đã điện đàm với ông sáng sớm ngày 25 tháng 8 và cho biết lực lượng người Kurd Syria sẽ rút đi. Phó Tổng thống Joe Biden trong tuần này nói với các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ rằng người Kurd sẽ đánh mất sự ủng hộ của Mỹ nếu họ không quay trở lại qua bên kia Sông Euphrates.
Bộ Ngoại giao Nga đã bày tỏ lo ngại sâu sắc về hoạt động quân sự xuyên biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là việc Thổ Nhĩ Kỳ nhắm mục tiêu tấn công những chiến binh dân quân người Kurd. Bộ này nói rằng bằng việc nhắm mục tiêu tấn công cả Nhà nước Hồi giáo lẫn người Kurd ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ có thể tiếp tục thổi bùng cuộc nội chiến ở Syria, dẫn đến "những vụ bùng phát căng thẳng liên sắc tộc giữa người Kurd và người Ả-rập." - VOA
|
|
2.
TQ sẽ đặt tàu sân bay mới ở Hải Nam?
Chiếc hàng không mẫu hạm do Trung Quốc tự chế tạo đang được sản xuất theo đúng kế hoạch, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói tại cuộc họp báo hôm thứ Năm.
Trước đó, hôm 24/8, trang tin Nikkei của Nhật dẫn nhiều nguồn tin quân sự Trung Quốc nói chiếc hàng không mẫu hạm đang xây dựng này nhiều khả năng sẽ được hạ thủy vào cuối năm nay.
Trung Quốc đã có một chiếc hàng không mẫu hạm, tàu Liêu Ninh, vốn được tân trang từ chiếc tàu chưa được hoàn tất từ thời Liên Xô cũ.
Tàu mới được cho là sẽ có hình dáng tương tự như tàu Liêu Ninh - cả hai đều khá gọn gàng nếu so với các tàu hàng không mẫu hạm nói chung, với trọng lượng khoảng 50 ngàn tấn, Nikkei cho hay.
Tàu mới 'đẹp mắt, chất lượng tốt'
“Điều tôi có thể nói với quý vị là việc sản xuất chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên trong nước đang diễn ra suôn sẻ, theo đúng kế hoạch. Về mặt hình dáng mà quý vị vừa nhắc tới, thì tôi thấy là quý vị chỉ mới đúng một nửa," phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Ngô Khiêm nói.
"Chiếc hàng không mẫu hạm của chúng tôi sẽ không chỉ trông đẹp mắt mà còn có chất lượng bên trong rất tốt," ông Ngô Khiêm nói thêm.
Chiếc tàu mới đang được đóng tại nhà máy đóng tàu Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, và sẽ chở dòng chiến đấu cơ chính của Trung Quốc, phi cơ Thẩm Dương J-15.
Có những chỉ dấu mạnh mẽ cho thấy chiếc tàu mới sẽ được đặt tại quân cảng ở Đảo Hải Nam trên Biển Đông, theo Nikkei.
Cũng có những đồn đoán là Trung Quốc đang đóng chiếc hàng không mẫu hạm thứ ba tại Thượng Hải, và tàu này sẽ có đặt máy phóng máy bay.
Đây là thiết bị giúp rút ngắn khoảng cách cần thiết để một phi cơ cất cánh, do đó tiết kiệm được mặt bằng trên khu vực đường băng trên hàng không mẫu hạm và cho phép tàu chở được nhiều máy bay hơn.
Một số chuyên gia tin rằng quân đội Trung Quốc đang có kế hoạch sở hữu từ bốn đến sáu chiếc hàng không mẫu hạm trong thời gian tới.
Hồi năm ngoái, Chuẩn đô đốc Doãn Trác nói với Tân Hoa Xã rằng Trung Quốc sẽ khó bảo vệ được quyền lợi của mình ở Biển Hoa Đông và Biển Đông nếu không có đội tàu sân bay. - BBC
|
|
3.
Ấn Độ đặt tên lửa Brahmos ở vùng biên giới, Bắc Kinh lo ngại
Bộ Quốc Phòng Trung Quốc vào hôm qua, 25/08/2016, đã bày tỏ hy vọng rằng Ấn Độ sẽ cố gắng hơn nữa trong việc bảo đảm hòa bình, ổn định trong khu vực thay vì hành động ngược lại. Theo hãng tin Anh Reuters, đây là lời cảnh cáo của Bắc Kinh đối với việc New Delhi dự trù triển khai tên lửa hành trình Brahmos dọc theo vùng biên giới đang tranh chấp với Trung Quốc.
Trong buổi họp báo hàng tháng, phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Trung Quốc Ngô Khiêm (Wu Qian) khằng định rằng việc duy trì hòa bình và ổn định ở vùng biên giới là một « đồng thuận quan trọng » mà cả hai nước đã đạt được, do vậy Ấn Độ không nên làm ngược lại đồng thuận đó.
Theo hãng Reuters, giới chức quân sự Ấn Độ cho biết là họ muốn trang bị hỏa tiễn Brahmos cho các đơn vị triển khai ở vùng biên giới Trung Quốc, hầu tăng cường năng lực phòng thủ khu vực.
Brahmos là là loại tên lửa hành trình siêu thanh mà Ấn Độ hợp tác với Nga để sản xuất. Đây là một trong những loại vũ khí tối tân Ấn Độ, có thể được phóng đi từ chiến hạm, tàu ngầm, máy bay hoặc từ các bệ phóng trên mặt đất.
Tranh chấp lãnh thổ là một cai gái dai dẳng trong quan hệ Ấn-Trung. Bắc Kinh đòi chủ quyền trên một vùng đất rộng 90.000 cây số vuông do Ấn Độ kiểm soát ở phía đông rặng núi Himalaya, trong lúc New Delhi tố cáo Trung Quốc chiếm một vùng rộng 36.000 cây số vuông ở vùng cao nguyên Aksai Chin ở phía tây. Ấn Độ còn tố cáo Trung Quốc tiếp tay cho Pakistan - đối thủ truyền thống của New Delhi – trong lúc thì Bắc Kinh không muốn New Delhi can thiệp vào Biển Đông.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ đến Trung Quốc vào tháng 9 tới đây để tham gia hội nghị thượng đỉnh G20, và sẽ có cuộc gặp song phương với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trước khi ghé Trung Quốc, ông Modi sẽ thăm Việt Nam.
Mới đây, Ấn Độ đã bật đèn xanh cho việc bán tên lửa Brahmos cho Việt Nam. Theo Reuters chính phủ Ấn đã ra lệnh cho tập đoàn Brahmos Aerospace, hãng làm ra loại tên lửa này, là đẩy nhanh tiến độ sản xuất để có thể bán cho 5 quốc gia, với Việt Nam đứng đầu danh sách. - RFI
|
|
4.
Nhật Bản và Úc sẽ đòi Trung Quốc tuân thủ phán quyết Biển Đông
Gặp nhau lần đầu tiên từ sau khi Tokyo bị loại khỏi cuộc đấu thầu cung cấp cung cấp tàu ngầm cho Canberra, hai bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản và Úc vào hôm qua, 25/08/2016 đã đồng ý là sẽ thúc giục Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực La Haye, phủ nhận yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trên hầu như toàn bộ Biển Đông.
Hãng tin Nhật Bản Kyodo, trích dẫn một số quan chức bộ Quốc Phòng Nhật Bản cho biết là nhân cuộc hội đàm tại Tokyo, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada và đồng nhiệm Úc bà Marise Payne cũng khẳng định rằng họ sẽ kêu gọi Trung Quốc kiềm chế các hoạt động tăng cường quân sự tại Biển Đông.
Ngay sau khi Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye ra phán quyết về Biển Đông ngày 12/07, Nhật Bản và Úc đã lên tiếng cho rằng phán quyết quốc tế đó mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, hàm ý rằng Trung Quốc phải tuân thủ. Tuy nhiên Bắc Kinh đã giận dữ bác bỏ phán quyết này.
Phát biểu trước lúc hội đàm, bà bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Inada xác nhận rõ là bà đã được "Chỉ thị rõ ràng của Thủ tướng Shinzo Abe để thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa Nhật Bản và Úc.". Hai bộ trưởng cũng khẳng định kế hoạch tổ chức một cuộc họp "2+2" bao gồm hai bộ trưởng Quốc Phòng và Ngoại Giao từ nay đến cuối năm tại Tokyo. - RFI
|
|
5.
Trung Quốc: Nhật Bản nên đóng một vai trò "xây dựng" tại G20
Bắc Kinh yêu cầu Tokyo đóng một vai trò "xây dựng" tại hội nghị thượng đỉnh G20 sắp mở ra tại Hàng Châu (Trung Quốc). Nhân vật lãnh đạo ngành ngoại giao Trung Quốc đã nhắc nhở Tokyo như trên vào hôm qua, 25/08/2016 khi tiếp một đặc sứ cao cấp Nhật Bản.
Hãng tin Anh Reuters trích dẫn một bản tin của Tân Hoa Xã phát hành khuya hôm qua cho biết là ông Dương Khiết Trì, ủy viên Quốc vụ viện phụ trách ngoại giao của Trung Quốc đã đưa ra yêu cầu này với chủ tịch Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Nhật Bản Shotaro Yachi, hiện đang công du Trung Quốc.
Ông Dương Khiết Trì đã nói rõ với ông Yachi rằng "Hướng cải thiện quan hệ Trung-Nhật đã liên tục bị những vấn đề khác nhau khuấy động, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến Biển Hoa Đông và Biển Đông". Theo người đứng đầu nền ngoại giao Trung Quốc, "Điều đó không có lợi cho bất cứ bên nào".
Theo các nhà quan sát, lời nhắc nhở từ phía Trung Quốc mang ý nghĩa một lời cảnh cáo Nhật Bản là không nên nêu vấn đề tranh chấp Biển Đông và Biển Hoa Đông ra trước hội nghị thượng đỉnh G-20 mở ra trong hai ngày 4-5/09/2016 tại Hàng Châu.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào tuần tới sẽ đến Hàng Châu tham gia hội nghị G20, cùng với một số lãnh đạo thế giới khác trong đó có Tổng thống Mỹ Barack Obama, và giới phân tích không loại trừ việc hai lãnh đạo Mỹ-Nhật sẽ phối hợp với nhau trong việc nêu bật hồ sơ tranh chấp Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Trung Quốc được cho là đang gia tăng áp lực trên Nhật Bản vào lúc Tokyo rất muốn tổ chức được một cuộc gặp thượng đỉnh Shinzo Abe-Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 để bàn cách cải thiện quan hệ song phương đang trong hồi căng thẳng .
Sách lược "bắt bí" này lộ rõ vào hôm qua trong tuyên bố của thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khi tiếp chủ tịch Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Nhật Bản.Theo Tân Hoa Xã, ông Lý Khắc Cường đã nói với ông Shotaro Yachi rằng quan hệ Trung-Nhật vẫn còn rất mong manh dù đang trên đà cải thiện, do đó Bắc Kinh hy vọng rằng Tokyo sẽ áp dụng một "sự hiểu biết Trung Quốc một cách đúng đắn và thực hiện đầy đủ các cam kết là xem sự phát triển của Trung Quốc là cơ hội của mình". - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
6.
Bà Clinton: ông Trump 'xúc phạm và không hiểu biết gì' về cử tri da đen
Trong hơn một tuần lễ, ứng cử viên Tổng thống Đảng Cộng hoà Donald Trump gọi đối thủ của ông bên Đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton, là một kẻ kỳ thị và bất khoan dung, đồng thời tố cáo bà là chỉ xem các cộng đồng Mỹ gốc Phi là những lá phiếu mà thôi, trong khi hoàn toàn làm ngơ tình trạng thất nghiệp và vấn đề tội phạm trong các cộng đồng này.
Ông Trump nói với cử tri da đen rằng nhiều thập niên dưới quyền cai trị của các chính quyền Đảng Dân chủ đã không giúp ích gì cho họ.
Ông hỏi: “thế thì quý vị mất mát gì chứ” khi bỏ phiếu cho Đảng Cộng hoà vào tháng 11?
Sau vài ngày tương đối im tiếng, hôm thứ Năm, bà Clinton đã phản ứng một cách mạnh mẽ.
Phát biểu tại Nevada, bà Clinton nói ông Trump dùng những từ ngữ “có tính cách xúc phạm và thiếu hiểu biết” khi nói về các khu xóm da đen, và chỉ thấy thất bại, giết chóc, ma tuý và các trường học tồi.
Bà nói thật đáng buồn là ông Trump không thấy được những sự thành công, chẳng hạn như những doanh nghiệp phát đạt, các sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học da đen thành đạt, và những giáo hội lớn mạnh, dấn thân hoạt động trong các cộng đồng của họ.
Bà Hillary Clinton lưu ý rằng Bộ Tư pháp Mỹ đã từng truy tố ông Trump về các chính sách kỳ thị sắc tộc khi ông cho mướn các chung cư cho người da đen và người Châu Mỹ La tinh, và chính ông Trump tiếp tục khẳng định ông Obama sinh quán ở Kenya thay vì chấp nhận một người da đen trong cương vị Tổng thống.
Bà Hillary Clinton nói: “Tôi đã đọc và nghe một số người nói rằng những phát biểu có tính khoa trương và bất khoan dung của ông Trump chỉ nhằm mục đích vận động chính trị - một nhân vật thái quá dùng những lời lẽ quá trớn để gây sự chú ý. Nhưng hãy nhìn vào các chính sách của ông. Những chính sách mà ông Trump đề nghị trên thực tế chỉ đưa những thành kiến ra thực hành… Đây là sự thực khó chấp nhận - không có một ông Donald Trump nào khác cả.”
Bà Hillary Clinton nói một “cánh hữu thay thế” đã khống chế Đảng Cộng hoà Mỹ. Bà miêu tả cánh hữu đó là một thành tố ngoài rìa bác bỏ chủ nghĩa bảo thủ chính thống như một mối đe doạ đối với vị trí độc tôn của người da trắng.
Bà cho rằng sự hoang tưởng và chủ nghĩa cực đoan chưa bao giờ có “một cái loa phát thanh trên toàn quốc” cho tới bây giờ. Bà chỉ trích ông Trump đã không quay lưng với những phần tử cực đoan cánh hữu như những người dẫn chương trình phát thanh có lập trường cực đoan, các chính khách mập mờ, những nhân vật theo lý thuyết chủ nghĩa và các tờ báo lá cải, kể cả những nguồn tin cho rằng bà Clinton mắc bệnh nan y và đồn đại bà sắp chết.
Ông Trump nói bà Clinton không có sức và năng lực để làm Tổng thống.
Trong khi chỉ còn 2 tháng rưỡi nữa trước cuộc bầu cử Tổng thống, hai ứng cử viên Đảng Cộng hoà và Đảng Dân chủ đang vận động lá phiếu của các cộng đồng thiểu số. Ông Trump tìm cách thuyết phục cộng đồng Mỹ gốc Phi để họ quay lưng với bà Hillary Clinton, trong khi phần lớn thành phần này ủng hộ bà Clinton.
Cùng lúc ông Trump cũng tìm cách giảm nhẹ tính cách quyết liệt của những phát biểu của ông về người di dân đến từ Châu Mỹ La tinh, khi nói rằng không phải là tất cả thành phần sẽ bị trục xuất.
Trong tuần qua, ông Trump hứa hẹn sẽ cải thiện lĩnh vực giáo dục và giảm tỷ lệ thất nghiệp trong các cộng đồng Mỹ gốc Phi, ông hứa sẽ hồi sinh các khu vực nội thành đang sa sút, nơi mà nhiều người da đen sinh sống. Tại một cuộc mít tinh ở Manchester, bang New Hampshire hôm qua, ông quy lỗi cho Đảng Dân chủ là đã thất bại, không bênh vực các cộng đồng thiểu số tại Hoa Kỳ:
“Đây là một năm mà nhân dân Mỹ, vốn bị phản bội bởi các chính sách Đảng Dân chủ, kể cả hàng triệu người Mỹ gốc Phi và các công dân Mỹ gốc Châu Mỹ La tinh, sẽ gạt sang một bên các chính khách đã liên tục thất bại, không giúp ích gì cho họ.”
Cử tri thuộc các nhóm thiểu số về phần lớn không ủng hộ ông Trump, nhưng một số người sẵn sàng dành cho ông một cơ hội:
“Bởi vì chúng tôi cần việc làm. Các gia đình da đen ở nước này có chưa tới 5000 đôla. Điều này đúng với hơn phân nửa người Mỹ gốc Phi bị thất nghiệp sống tại các vùng ngoại ô. Không phải là tất cả chúng tôi. Rõ ràng ông ta không nói về tất cả người Mỹ da đen mà trên thực tế tình cảnh của số lớn người Mỹ gốc Phi chúng tôi không mấy sáng sủa.”
Ứng cử viên Tổng thống Đảng Cộng hoà cũng đang ra sức ve vãn cử tri gốc Châu mỹ La tinh. Ông vẫn cam kết sẽ xây một hàng rào ở vùng biên giới Mỹ giáp với Mexico, nhưng đã rút lại lời hứa sẽ trục xuất hàng triệu di dân bất hợp pháp.
Ông Trump đã gọi bà Hillary Clinton là một kẻ nói dối và người đồng sáng lập một tổ chức khủng bố. Ông còn tố cáo bà về tội tham nhũng:
“Muốn tiếp cận hay nhận đặc ân, phải bỏ tiền mặt ra. Đó là thủ tục đầu tiên, tiền đâu? Rất nhiều người đã tặng tiền bạc cho Quỹ Clinton, đưa tiền cho ông Bill Clinton, rồi được hưởng đặc ân của bà Clinton thời bà còn ở Bộ Ngoại giao.”
Trong khi đó bà Hillary Clinton dự tính sẽ đọc một bài diễn văn tại Reno Nevada tập trung vào đề tài phát triển doanh nghiệp nhỏ, nhưng thay vào đó, bà tập trung vào ‘thành tích’ của ông Trump đối với các cộng đồng thiểu số:
“Chỉ trong tuần qua, dưới chiêu bài là tìm đến người Mỹ gốc Phi, ông Trump đã đứng trước một cử toạ về phần lớn là người da trắng, và miêu tả các cộng đồng da den bằng những lời lẽ có tính xúc phạm và không hiểu biết về họ: nghèo đói, thiếu phương tiện giáo dục, vô gia cư, không sở hữu tài sản nào, tội phạm ở mức chưa từng thấy… Ngay lúc này, ông nói chúng ta có thể đi trên một đường phố và bị nhắm bắn”.
Bà Hillary Clinton tố cáo ông Trump là giúp đỡ các nhóm nhỏ theo chủ nghĩa hận thù các nhóm thiểu số, và các thành phần cực đoan đang khống chế Đảng Cộng hoà:
“Thái độ bất cần của ông Trump đối với các giá trị đã giúp đất nước chúng ta trở thành một nước vĩ đại, thật là cực kỳ nguy hiểm.”
Ứng cử viên Đảng Cộng hoà còn cho rằng sự thiếu hiểu biết của ông Trump và tính khí quá bất định của ông khiến cho khó có thể tin cậy ông trong vai trò một nhà lãnh đạo tại một thời điểm đang xảy ra khủng hoảng chính trị. - VOA
|
|
7.
Cảnh sát Brazil buộc tội tay bơi Mỹ
Cảnh sát Brazil buộc tội vận động viên bơi lội người Mỹ Ryan Lochte khai gian về việc bị cướp dí súng tấn công trong thời điểm dự Olympic tại Rio de Janeiro.
Thông cáo của cảnh sát cũng đề xuất tòa án phát giấy triệu tập với tay bơi giành huy chương vàng Olympic.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đã nhận thông tin về vụ việc.
Ông Lochte rời Brazil sau kỳ Olympic trước khi ông có khả năng bị thẩm vấn về cáo buộc bị cướp được xác nhận là gian dối.
Lúc đầu, Lochte tuyên bố rằng ông và ba đồng đội đã bị những người đàn ông đeo huy hiệu cảnh sát cướp chĩa súng trong một chiếc taxi khi họ trên đường về làng Olympic sau một buổi tiệc.
Nhưng cảnh sát nói rằng ông đã dựng lên câu chuyện này và video tại hiện trường cho thấy nhóm này phải làm việc với nhân viên bảo vệ sau khi họ phá hoại nhà vệ sinh tại trạm xăng.
Tay bơi Mỹ thừa nhận đã say rượu và xin lỗi, nhưng bây giờ ông phải quyết định có quay lại Brazil để biện hộ trước cáo buộc hay không.
Nếu bị kết tội, ông phải đối mặt với án phạt tối đa 18 tháng tù giam.
Tay bơi 32 tuổi có thể bị xét xử vắng mặt.
Tuy nhiên, có thể hiểu rằng nếu ông Lochte tham dự phiên tòa, ông có thể đồng ý trả một khoản tiền phạt như đồng đội Jimmy Feigen, người liên quan đến vụ việc.
Ông Feigen đồng ý trao 11.000 đôla cho một tổ chức từ thiện của Brazil để khép lại vụ việc.
Mỹ và Brazil có hiệp ước dẫn độ mà Brazil đã xem thường trong quá khứ. Nhà chức trách ở Mỹ có thể hành xử tương tự trong trường hợp ông Lochte bị tòa phán quyết có tội. - BBC
|
|
Tin Việt Nam
8.
VN bắt 98 kg súng và 2.000 viên đạn trong lô hàng từ Mỹ về Tân Sơn Nhất
Chi cục hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Cục Hải quan Việt Nam, vừa tịch thu 98 kg súng và bộ phận, linh kiện súng trong lô hàng nhập từ Mỹ về Việt Nam.
Theo báo Công An, lô hàng gồm 1 khẩu súng hơi và 2.000 viên đạn được giấu trong quần áo, giày dép, máy tính, phụ tùng xe đạp…
Tin cho hay người đứng tên nhận hàng là một người đàn ông quốc tịch Việt Nam, 34 tuổi, nhưng không cho biết danh tính người này.
Cũng theo báo Công An, người nhận hàng đã không xuất trình được giấy tờ liên quan đến số vũ khí trên.
Hồi tháng 7/2015, Việt Nam cũng bắt được lô vũ khí quân dụng cực lớn được nhập từ Cộng hòa Czech đến Tân Sơn Nhất. Lô vũ khí này cũng được cất giấu tinh vi với 94 khẩu súng ngắn quân dụng và 472 băng đạn. Vụ việc này sau đó được cho biết là đã bị “gửi nhầm” sang Việt Nam. - VOA
|
|
9.
Lại rớt máy bay quân sự, Thủ tướng VN yêu cầu ‘rà soát quy trình bay’
Một máy bay quân sự huấn luyện L-39 của Việt Nam vừa bị rơi ngày hôm nay (26/8) tại tỉnh Phú Yên khiến 1 viên phi công tử nạn, nguyên nhân được Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết là do hỏng động cơ. Đây là vụ rớt máy bay quân sự thứ 3 của Việt Nam kể từ tháng 6 tới nay.
Các vụ rớt máy bay quân sự gây chết người liên tục xảy ra gần đây khiến nhiều người quan ngại về kỹ thuật và quy trình bảo đảm an toàn bay trong công tác huấn luyện quân đội Việt Nam. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong cùng ngày đã ra công điện chỉ đạo Bộ Quốc phòng phải xác định nguyên nhân và rà soát toàn bộ quy trình trong huấn luyện, điều hành bay để tránh xảy ra tai nạn tương tự trong tương lai, đồng thời gửi lời chia buồn đến gia đình viên phi công gặp nạn.
Máy bay L-39 là loại máy bay huấn luyện chiến đấu do hãng Aero Voochody của Tiệp Khắc sản xuất từ thập niên 1960. Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết đây là loại máy bay tốt nhất của Không quân Việt Nam và hiện được sử dụng để huấn luyện phi công quân sự. Hiện Không quân Việt Nam có khoảng 40 chiếc L-39 và hầu hết phi công chiến đấu của Việt Nam đều được huấn luyện trên máy bay L-39.
Tai nạn mới nhất đã khiến học viên phi công bay huấn luyện Phạm Đức Trung, 22 tuổi, bị thiệt mạng.
Theo Báo Tuổi Trẻ, chiếc máy bay của Trung đoàn 910 đã rơi ngay sau khi cất cánh được vài phút.
Báo Thanh Niên cho biết chỉ huy bay đã ra lệnh cho phi công nhảy dù nhưng tai nạn đã xảy ra.
Chiếc L-39 đã va quẹt vào giải phân cách quốc lộ 1 trước khi rớt xuống một ruộng lúa ở thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, khiến lực lượng công an phải can thiệp để không xảy ra ách tắc giao thông trên đoạn đường này.
Báo Dân Việt dẫn lời Đại tá Nguyễn Đức Quý, Phó hiệu trưởng Trường Sĩ quan không quân, Quân chủng Phòng không Không quân Việt Nam, xác nhận chỉ có một học viên bay đơn trên máy bay.
Báo Thanh Niên cho hay một người dân địa phương, ông Đặng Hùng, cũng đã bị sức gió của máy bay trước khi rơi đánh bật cả người và xe xuống đường khiến ông bất tỉnh. Hiện ông Hùng đã ổn định, có nhiều vết thương và chảy máy ra lỗ tai.
Trong tháng 6, Việt Nam đã xảy ra vụ rớt máy bay quân sự Su-30MK2 khiến 1 phi công tử nạn. Máy bay tìm kiếm cứu nạn CASA-212 đi tìm chiếc máy bay trên cũng đã mất tích ở vùng biển phía nam đông nam đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) khiến phi hành đoàn gồm 9 người cũng được xem là “đã hy sinh”. - VOA
|
|
10.
Giã từ GDP “bẩn”
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vừa lên tiếng kêu gọi thay đổi tư duy phát triển, không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế bằng mọi giá.
Phát biểu của Thủ tướng
Thảm họa môi trường ven biển miền Trung, có vẻ là giọt nước tràn ly khiến Việt Nam phải nghĩ tới việc chấm dứt hai thập niên phát triển bằng cách thu hút đầu tư nước ngoài ồ ạt, ưu đãi giảm nhẹ các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được xem là lãnh đạo đầu tiên đã nói thẳng về thực trạng môi trường quá tệ hại của Việt Nam. Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ môi trường sáng 24/8/2016 được báo chí đưa tin rộng rãi, Thủ tướng nhìn nhận tình trạng ô nhiễm môi trường bùng phát trên phạm vi cả nước là hậu quả tích tụ của hàng chục năm phát triển nhưng xem nhẹ việc bảo vệ môi trường.
Báo điện tử Dân Trí trích nguyên văn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng, đã đến lúc buộc phải thay đổi tư duy phát triển, không đánh đổi kinh tế lấy môi trường để gây ảnh hưởng cuộc sống bình yên của người dân. Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh, thực trạng môi trường đặt ra những thách thức, bộc lộ sự yếu kém trong quản lý mà chưa có giải pháp cơ bản ở các địa phương cũng như trung ương.
Nhận định về sự thay đổi tích cực trong chính sách phát triển mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa đề cập, Giáo sư Tiến sĩ Vũ Văn Hóa Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nhận định:
“Lời phát biểu ấy rất mạnh mẽ kiên quyết và đúng hướng của sự phát triển kinh tế nói chung. Bởi lẽ như chúng ta biết, các nước phát triển trong thời gian bắt đầu của công nghiệp hóa thì cũng có hiện tượng như kiểu Việt Nam, dù mức độ có thể khác nhau. Vừa rồi Việt Nam có hiện tượng vi phạm đến bảo vệ môi trường rất là lớn, bây giờ người đứng đầu Chính phủ đã có một ý kiên quyết như vậy, chúng tôi cho đó là bước đầu rất tốt. Tuy nhiên để thực thi những lời phát biểu ấy đối với tất cả cán bộ, các cơ quan, các ngành thì cần có sự giám sát thật chặt chẽ, trong đó sự giám sát của người dân là vô cùng quan trọng. Do đó từng bước phải có sự đánh giá rõ rang...”
Tại Hội nghị trực tuyến 24/8, những tiết lộ về tình trạng phát triển bừa bãi xem nhẹ ô nhiễm môi trường trong mấy chục năm qua làm nhiều ngưởi giật mình. Theo báo điện tử Một Thế Giới, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà cho biết trên toàn quốc đang hiện diện 283 khu công nghiệp với hơn 550.000 m3 nước thải mỗi ngày đêm; 615 cụm công nghiệp mà 95% không có hệ thống xử lý nước thải tập trung, toàn bộ các cơ sở sản xuất tự xử lý nước thải hoặc xả thải trực tiếp ra môi trường.
Một loạt số liệu gây kinh ngạc, cũng được Bộ trưởng Trần Hồng Hà tiết lộ, theo đó trên cả nước hiện có 500.000 cơ sở sản xuất thuộc các ngành nghề gây ô nhiễm môi trường và sử dụng công nghệ lạc hậu; 13.500 cơ sở y tế phát sinh mỗi ngày 47 tấn chất thải nguy hại và 125.000 m3 nước thải y tế. Ngoài ra hàng năm ở Việt Nam có thể có tới 100.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật bị sử dụng sai qui định. Đó là chưa kể tới 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp, 630 nghìn tấn chất thải nguy hại. Đồng thời trong số 458 bãi chôn lấp có tới 337 bãi không hợp vệ sinh, cùng hơn 100 lò đốt rác sinh hoạt công suất nhỏ, có nguy cơ phát sinh khí Dioxin, furan.
Bức tranh mô tả Việt Nam như bãi rác thải khổng lồ vượt khả năng kiểm soát còn được tô đậm nét hơn, qua mấy thập niên áp dụng cơ chế thu hút đầu tư nước ngoài FDI bằng mọi giá, đánh đổi chi phí cơ hội về môi trường.
Các chuyên gia từng cảnh báo
Báo Dân Trí trích lời Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhìn nhận Việt Nam có xu hướng nới lỏng các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường nhằm cạnh tranh với các nước khác. Ông Bộ trưởng nhìn nhận các dự án đầu tư nước ngoài đã gây nên những tác hại rất lớn với môi trường, như vụ thảm họa môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra ở 4 tỉnh ven biển miền Trung, hay trước đó là các vụ Vedan, Miwon…
Với thực tế khu vực đầu tư nước ngoài chiếm 70% kim ngạch xuất khẩu cũng như chi phối 70% tỷ lệ tăng trưởng GDP của Việt Nam. Giới phản biện trong nước, từ chục năm trước đã hoài công cảnh báo thảm kịch phát triển bằng mọi giá mà nhà nước theo đuổi. TS Nguyễn Quang A, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển IDS, một tổ chức độc lập ở Hà Nội đã tự giải thể từng nói với chúng tôi:
“…Các chuyên gia thực sự đã cảnh báo về vấn đề phát triển bền vững, về vấn đề hủy hoại môi trường, về những dự án nhất là dự án công nghiệp nặng. Từ lâu lắm rồi, từ vụ bauxite Tây nguyên…hoặc ở IDS chúng tôi 8-9 năm trước thì anh Trần Vĩnh Nguyên đã đặt ra khái niệm GDP bẩn, việc chỉ chú trọng tăng trưởng mà không chú trọng bảo vệ môi trường thì có thể được một cái trước mắt nhưng mà hại một cái vô cùng lâu dài và sẽ rất tốn kém để sửa lại những lỗi lầm đó…hiện nay rất đáng tiếc những hậu quả đó đã hiển hiện lên rồi…”
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chính thức lên tiếng, đã đến lúc phải thay đổi tư duy phát triển, kiên quyết không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà đánh đổi môi trường, ảnh hưởng cuộc sống bình yên của người dân. Điều này có nghĩa tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể bị chậm lại, ảnh hưởng công việc làm của người dân. Giáo sư Tiến sĩ Vũ Văn Hóa từ Hà Nội nhận định:
“Bước đầu có thể ảnh hưởng tới phát triển kinh tế nói chung và việc giải quyết công ăn việc làm nói riêng của một bộ phận dân cư. Tuy nhiên nếu sau này chúng ta có những nhận định và những hành vi quyết đoán trong việc phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường thì tôi cho là nó sẽ trở lại bình thường thôi. Chứ còn bây giờ mở ra quá nhiều dự án mà không quan tâm đến bảo vệ môi trường, thì trước mắt tạo ra được công ăn việc làm. Tuy nhiên qua phân tích chúng tôi thấy có lý và đúng thực tế là, nếu sự tăng trưởng ấy không bền vững thì sau này những thu nhập đạt được có khi lại không bù đắp nổi việc ảnh hưởng môi trường…”
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và chính phủ do ông lãnh đạo sẽ có rất nhiều việc phải làm, khi chuyển từ chính sách gọi là GDP “bẩn” phát triển bằng mọi giá sang chính sách GDP “xanh,” phát triển bền vững coi trọng việc bảo vệ môi trường. Giáo sư Tiến sĩ Vũ Văn Hóa cho rằng trước tiên phải công khai minh bạch, sửa đổi các qui chuẩn về bảo vệ môi trường, áp dụng triệt để nguyên tắc trách nhiệm người đứng đầu vốn đã được qui định trong pháp luật. - RFA
No comments:
Post a Comment