Thursday, August 11, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Năm 11/8

Tin Thế Giới

1.
Mỹ điều máy bay ném bom chiến lược B-2 tới Guam --- Trung Quốc phóng vệ tinh mới để theo dõi Biển Đông

Tiếp sau việc điều động máy bay ném bom chiến lược B-1 tới Guam, ở Thái Bình Dương, quân đội Hoa Kỳ lại đưa tiếp máy bay tối tân B-2 đến căn cứ này. Theo giới chuyên gia, động thái này nhằm đối phó với việc Trung Quốc phô trương sức mạnh quân sự trong khu vực.

Theo nhật báo Hàn Quốc Korea Joongang, hôm qua, 10/08/2016, Bộ Chỉ Huy Thái Bình Dương Hoa Kỳ cho biết đã điều động 3 máy bay ném bom tàng hình B-2, từ căn cứ không quân Whiteman, ở Missouri tới căn cứ Anderson trên đảo Guam.

Máy bay tàng hình B-2 có khả năng mang bom thông thường và cả bom nguyên tử, tầm hoạt động là 19 ngàn km mà không cần tiếp liệu.

Cách nay bốn ngày, Bộ Chỉ Huy Thái Bình Dương vừa quyết định điều máy bay ném bom chiến lược B-1 và 300 phi công, nhân viên kỹ thuật tới Guam.

Trong thông báo, đô đốc Mỹ Cecil D.Haney khẳng định là các máy bay ném bom chiến lược Hoa Kỳ vẫn thường xuyên hoạt động ở khắp nơi trên thế giới, cùng với các đồng minh và đối tác trong khu vực; và việc triển khai này thể hiện cam kết hỗ trợ an ninh khu vực và toàn cầu của Hoa Kỳ.

Theo nhận định của giới truyền thông, việc Mỹ điều thêm 3 máy bay ném bom chiến lược B-2 tới Guam có thể nhằm gửi các tín hiệu tới Bắc Kinh, vì Washington cho rằng tình hình Biển Đông đang căng thẳng.

Ngoài ra, Mỹ và Trung Quốc còn bất đồng về việc Washington và Seoul quyết định triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc. Bắc Kinh nghi ngờ là hệ thống này sẽ giúp Mỹ giám sát không phận của Trung Quốc.

Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế đang gây áp lực đòi Trung Quốc phải tôn trọng các phán quyết của Tòa Trọng Tài La Hay, nhận định rằng đa số các đòi hỏi lãnh thổ của Bắc Kinh ở Biển Đông là không có cơ sở pháp lý. - RFI

***
Bắc Kinh vừa phóng một vệ tinh mới và khẳng định dự án này nhằm bảo vệ quyền lợi hàng hải của Trung Quốc. Thông tin trên được tờ China Daily công bố ngày 11/08/2016, trong bối cảnh căng thẳng không ngừng gia tăng tại khu vực Biển Đông đang có tranh chấp.

Theo thông tin của Cơ quan Quản lý Khoa học, Công nghệ và Công nghiệp Quốc phòng, mà tờ báo nhà nước Trung Quốc trích dẫn, vệ tinh "Cao Phân - Gaofen 3", được phóng ngày 10/08, được trang bị một hệ thống rada có khả năng chụp ảnh từ không gian với độ phân giải cao và có thể hoạt động trong mọi thời tiết.

Dẫn lời ông Từ Phú Tường (Xu Fuxiang), phụ trách dự án, China Daily cho biết: "Vệ tinh Cao Phân 3 sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát môi trường biển, các đảo và bãi đá, cũng như tầu bè và các giàn khoan dầu". Ngoài ra, vẫn theo người phụ trách dự án, "Các vệ tinh kiểu Cao Phân 3 sẽ rất có ích trong việc bảo vệ quyền lợi và lợi ích hàng hải quốc gia".

Trong tuần này, hãng tin Reuters đưa tin Việt Nam đã kín đáo tăng cường một số hòn đảo của nước này ở Biển Đông với một bệ phóng tên lửa di động mới. Động thái này được cho là để đối phó với Trung Quốc sau khi nhiều hình ảnh chụp từ vệ tinh hồi tháng Bẩy cho thấy Trung Quốc dường như đã xây dựng một số nhà chứa máy bay trên một số đảo đang có tranh chấp.

Tháng 07/2016, Tòa Án Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế La Haye đã ra phán quyết bác bỏ phần lớn yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông trong một vụ kiện do Philippines khởi xướng. Tuy nhiên, Bắc Kinh không thừa nhận phán quyết của tòa.

Trung Quốc đòi chủ quyền trên hầu hết vùng Biển Đông nơi có đến 5.000 tỉ hàng hóa trung chuyển mỗi năm. Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan cùng đòi hỏi chủ quyền tại quần đảo Trường Sa, trong khi đó Philippines, Malaysia và Brunei đòi hỏi một vài đảo tại Biển Đông. - RFI
|
|

2.
Úc chặn nhà thầu TQ nắm mạng lưới điện

Chính phủ Úc vừa bước đầu chặn các nhà thầu Hong Kong và Trung Quốc trong việc mua cổ phần kiểm soát mạng lưới điện lớn nhất nước này với lý do lo ngại về an ninh quốc gia.

Trong một tuyên bố với giới truyền thông, Bộ trưởng Tài chính Úc, ông Scott Morrison, nói những đề xuất đầu tư nước ngoài từ các nhà thầu Trung Quốc và Hong Kong là "đi ngược lại lợi ích quốc gia".

Tổng công ty Điện lực Nhà nước Trung Quốc và Công ty Hạ tầng Cheung Kong đang tìm cách mua 50,4% cổ phần, tức là mức có quyền kiểm soát, công ty Ausgrid - mạng lưới cung cấp điện của New South Wales - mạng lưới điện lớn nhất nước Úc.

Cho tới nay cả hai công ty này đều chưa có bình luận gì về việc chặn thương vụ này nhưng không nghi ngờ gì là phản ứng trên truyền thông Trung Quốc là rất tức giận.

Quyết định của Úc được đưa ra vào khi Anh vừa hoãn phê chuẩn dự án điện hạt nhân Hinkley Point trong đó Tổng công ty Điện Hạt nhân chung của Trung Quốc sẽ có một số cổ phần nhỏ vì những lo ngại tương tự.

Việc bán mạng lưới điện, được nói là trị giá khoảng 7,5 tỷ đô Úc, đáng lẽ sẽ cho phép các nhà thầu Trung Quốc giành được số lượng cổ phần có thể kiểm soát mạng lưới điện của Ausgrid trong 99 năm.

Ausgrid hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài vì nó được nhìn nhận là có năng suất lợi nhận ổn định và tích cực.

Các công ty của Trung Quốc vốn đang trên đà mua lại trên toàn cầu các công ty năng lượng và tài nguyên ở châu Á. Lấy tài sản của Edra ở Malaysia làm ví dụ cũng vậy - đã không phải là không gây ra những tranh cãi.

Nhưng ông Morrison của Úc nói rằng trong quá trình xem xét, các vấn đề về an ninh quốc gia đã được xác định là tối quan trọng trong các dịch vụ thông tin và điện lực mà Ausgrid đang cung cấp cho các doanh nghiệp và các cơ quan chính phủ.

Ông Morisson nói các nhà thầu cần giải quyết trước những lo ngại này và rằng họ có từ nay tới ngày 18/8 để nộp đề xuất của họ cho ông, và tới lúc đó một quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra về dự án này. - BBC
|
|

3.
Thủ tướng Ấn thăm Việt Nam, Bắc Kinh khuyên New Delhi tránh Biển Đông

Báo chí Ấn Độ ngày hôm nay, 11/08/2016 cho biết: Mặc dù chưa có thông báo chính thức về chuyến thăm Việt Nam sắp tới đây của thủ tướng Narendra Modi, nhưng đại sứ Việt Nam tại New Delhi vừa xác nhận với báo chí là ông Modi sẽ ghé Hà Nội để thảo luận về hợp tác song phương, đánh dấu 10 năm hai nước nâng cấp quan hệ lên hàng Đối Tác Chiến Lược. Ông Modi chưa lên đường, nhưng Bắc Kinh đã bắn tiếng với New Delhi là không nên để cho hồ sơ Biển Đông phá hoại tiềm năng hợp tác to lớn giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

Theo báo Ấn Độ Financial Express, trong buổi nói chuyện tại Câu Lạc Bộ Phóng Viên Ngoại Quốc ở New Delhi, đại sứ Việt Nam đã nêu bật triển vọng tốt cho Ấn Độ, nếu đầu tư mạnh hơn vào Việt Nam, vì lẽ Việt Nam vừa là thành viên của Cộng Đồng Kinh tế ASEAN, vừa đã ký kết một loạt thỏa thuận tự do mậu dịch quan trọng, đặc biệt là Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP.

Theo các nhà quan sát, thủ tướng Ấn Độ Modi có thể ghé thăm Việt Nam nhân dịp ông đến Trung Quốc tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh G20, diễn ra trong hai ngày 04 và 05/09, nơi ông sẽ có cuộc họp thượng đỉnh với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Để chuẩn bị cho sự kiện này, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sẽ ghé New Delhi vào ngày mai. Như để dè chừng Ấn Độ đề cập đến vấn đề Biển Đông, một trong cái gai trong quan hệ Ấn-Trung, Trung Quốc lại theo kịch bản cũ đã bật đèn xanh cho báo chí cảnh báo Ấn Độ là không nên can dự vào Biển Đông.

Một bài viết trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo hôm nay đã khuyên New Delhi là nên tránh những "rắc rối không cần thiết" liên quan đến tranh chấp Biển Đông khi tiếp đón ngoại trưởng Trung Quốc.

Đối với tờ báo này, không nên để cho Biển Đông trở thành "một nhân tố khác" tác hại đến quan hệ song phương Trung-Ấn, đặc biệt là phương hại đến giới xuất khẩu Ấn Độ, được cho là đang rất muốn gia tăng hiện diện tại Trung Quốc, thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới.

Tờ báo nhấn mạnh căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã gia tăng trong những tháng gần đây do một loạt các sự cố chính trị, do dó "vì Ấn Độ không trực tiếp tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông, liệu có đáng để cho vấn đề này trở thành một yếu tố khác ảnh hưởng đến hợp tác Ấn-Trung hay không? Ấn Độ nên xem xét việc này". - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Ông Trump chê truyền thông thiên vị, bà Clinton vẫn tập trung vào kinh tế --- Bà Clinton nói Trump kích động bạo lực --- Ứng viên Trump cáo buộc Obama "lập ra" NNHG

Các ứng cử viên tổng thống Mỹ đang tổ chức những buổi vận động tranh cử ở những bang mà nhiều cử tri vẫn chưa quyết định sẽ bỏ phiếu cho ai. Ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton quay trở lại bang Iowa, nơi bà hy vọng sẽ thuyết phục được cử tri bằng kế hoạch phát triển kinh tế của mình. Còn đối thủ Đảng Cộng hòa của bà, Donald Trump, thì đang cho thấy ông không màng tới những chỉ trích, dù một số nhân vật trong đảng của ông đã công khai tuyên bố sẽ không bỏ phiếu cho ông.

Ông Trump hôm thứ Ba lại khiến nhiều người lo ngại về lời gợi ý của ông rằng "những người ủng hộ Tu chính án thứ Hai," nghĩa là những người sở hữu súng, có thể ngăn chặn bà Clinton bổ nhiệm thẩm phán Tòa án Tối cao. Nhiều người xem đây là một lời xúi giục bạo lực, nhưng không phải cử tri này:

"Tôi không biết nữa, nghe hơi kỳ quặc. Ông ta lúc nào cũng nói điều gì đó giống như vậy, có chủ ý. Tôi nghĩ như mọi khi ông ta là một người kích động đám đông. Một chính trị gia mị dân. Lý do duy nhất mà tôi sẽ bỏ phiếu cho bà Hillary (Clinton) là vì ông ta nói chuyện chẳng có nghĩa lý gì cả."

Trong khi những người ủng hộ ông Trump ra sức phủ nhận ông có ý kêu gọi bạo lực, ứng cử viên này của Đảng Cộng hòa nói trong một buổi vận động ở bang Virginia rằng ông không tin tưởng báo chí.

Ông Trump cho biết: "Báo The New York Times viết một bài này, khá là hay. Bài báo nói là chúng ta ghét Donald Trump nhiều tới mức chúng ta sẽ trở nên thiên vị."

Ông Trump nói rằng truyền thông tin tức phần lớn bỏ qua những tiết lộ từ loạt email mới nhất vừa được công bố của bà Clinton từ thời bà còn là bộ trưởng ngoại giao. Ông lưu ý ít cơ quan truyền thông nêu nghi vấn về bản chất mối quan hệ của Bộ Ngoại giao với Quỹ Clinton.

Ông Trump nói: "Một vài email rất tệ hại mới xuất hiện - đó gọi là ăn bánh trả tiền, rất tệ hại, và phi pháp. Nếu đúng là vậy thì việc này là phi pháp..."

Bà Clinton nói ông Trump hết lần này đến lần khác chứng tỏ rằng tính khí của ông không thích hợp để làm tổng tư lệnh của nước Mỹ. Trong một chuyến thăm bang Iowa hôm thứ Tư, bà tiếp tục tập trung vào vấn đề kinh tế.

Bà Clinton cho biết: "Tôi tin rằng nếu chúng ta xây dựng cơ sở hạ tầng và tạo ra việc làm trong ngành năng lượng sạch tái tạo được, thì chúng ta đang trên đường hướng tới nền kinh tế thế kỷ 21 mà sẽ tạo ra công ăn việc làm cho tất cả mọi người, không chỉ những người giàu nhất."

Bà Clinton nói rằng kế hoạch kinh tế của bà sẽ tạo ra hơn 10 triệu việc làm mới. - VOA

***
Ứng viên tổng thống Hillary Clinton nói Donald Trump kích động bạo lực khi ông tuyên bố những người ủng hộ quyền sở hữu súng có thể ngăn bà chiến thắng.

Phát biểu tại buổi vận động ở Des Moines, Iowa, bà Clinton cho hay: "Những lời nói có thể gây hậu quả to lớn."

Ông Trump gây phản ứng dữ dội sau khi đề xuất "những người ủng hộ Tu chính án thứ hai" hoặc sở hữu súng có thể có hành động chống lại bà.

Bà Clinton cũng nhận xét ông Trump không có khí chất để trở thành tổng thống.

Bà nhắc lại chuyện ông Trump gần đây khẩu chiến với gia đình một binh lính Hồi giáo người Mỹ đã hy sinh và được công nhận là gia đình Sao Vàng.

"Hôm qua chúng ta chứng kiến thêm những bình luận từ Donald Trump đã đi quá xa. Những lời ác độc của ông nhắm vào một gia đình Sao Vàng, đề xuất của ông rằng nhiều quốc gia nên có vũ khí hạt nhân. Và bây giờ là những lời kích động bạo lực," bà nói.

"Những điều đó cho thấy rằng Donald Trump đơn giản là không có khí chất để trở thành tổng thống và tổng tư lệnh quân đội Hoa Kỳ.

Ông Trump phát biểu tại buổi vận động ở North Carolina hôm 9/8 rằng bà Clinton sẽ chọn thẩm phán tại Tòa án Tối cao Hoa Kỳ nếu thắng cử tổng thống.

Ông gợi mở rằng việc này sẽ đe dọa quyền sở hữu súng.

"Bà Clinton muốn bãi bỏ Tu chính án thứ hai. Nếu bà ấy được chọn thẩm phán thì quý vị không làm gì được đâu."

“Nhưng những người ủng hộ Tu chính án thứ hai thì có lẽ là có, tôi không biết nữa."

Những người dùng mạng xã hội nhanh chóng phản ứng, lên án ông Trump dường như kích động bạo lực.

Ông Trump bác bỏ các cáo buộc, viết trên Twitter rằng ông cố gắng tập hợp những người ủng hộ quyền sở hữu súng để đánh bại bà Clinton. - BBC

***
Ứng viên tổng thống của đảng Cộng Hòa Donald Trump tối ngày 10/08/2016 đã cáo buộc tổng thống Barack Obama đã "lập ra" tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (Daech). Riêng đối thủ đảng Dân Chủ Hillary Clinton bị nhà tỉ phú Mỹ cho là người "cùng lập ra" tổ chức thánh chiến này.

Trong một cuộc mít tinh tại Fort Lauderdale, bang Florida, nhà tỉ phú cáo buộc tổng thống Obama đã reo rắc "hỗn loạn" tại Trung Đông. Sau đó, ông Trump đánh giá là tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo "làm vinh danh tổng thống Obama".

Trước đám đông người ủng hộ, ông Trump nói: "Ông ấy (Obama) là người thành lập Daech", sau đó liên tục lặp lại: "Chính ông ta là người thành lập! Ông ta là người lập ra Daech". Tiếp theo đến lượt bà Clinton bị nhà tỉ phú tấn công: "Tôi cho rằng người đồng sáng lập là bà Hillary Clinton gàn dở đó".

Cùng ngày 10/08, ứng viên tổng thống đảng Cộng Hòa phải đối mặt với những lời chỉ trích vì phát biểu sa đà tại một cuộc mít tinh ở Bắc Carolina. Theo đó, ông kêu gọi những người ủng hộ việc mang súng cần hành động để cản trở bà Hillary Clinton bổ nhiệm các thẩm phán cấp tiến vào Tòa án Tối cao Hoa Kỳ. Vì theo ông, với các thẩm phán của mình tại Tòa Án Tối Cao, bà Clinton sẽ xóa bỏ một điểm sửa đổi trong Hiến Pháp liên quan đến quyền sở hữu vũ khí.

Theo nhiều tờ báo, lời phát biểu của ông Trump kích động bạo lực. Còn đối thủ chính Hillary Clinton thì cho rằng ứng viên đảng Cộng Hòa đã "vượt quá ranh giới".
|
|

Tin Việt Nam

5.
Bộ Quốc phòng Mỹ nói gì về tin ‘giàn pháo di động’ của VN? --- Phản ứng về tin 'pháo VN ở Trường Sa'

Lầu Năm Góc cho biết rằng Hoa Kỳ “đã nắm được các tin tức về việc Việt Nam đã triển khai các hệ thống tên lửa tầm ngắn trên một số tiền đồn ở Trường Sa”. 

Reuters hôm 10/8 dẫn lời các nguồn tin nói rằng Hà Nội đã, theo lời hãng này, “bí mật” đưa các giàn rocket di động mới ra “năm căn cứ ở Trường Sa trong những tháng gần đây”. 

Cùng ngày, trả lời VOA Việt Ngữ, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ cũng kêu gọi “tất cả các bên tuyên bố chủ quyền ở biển Đông tránh các hành động gây căng thẳng, tiến hành các bước đi thiết thực nhằm xây dựng lòng tin và gia tăng nỗ lực nhằm tìm ra các giải pháp hòa bình, ngoại giao để [giải quyết] các tranh chấp”.

Trong khi đó, tất cả các báo lớn của Việt Nam đều không đề cập tới bản tin độc quyền của Reuters, và dường như, chỉ duy nhất có tờ Giáo dục Việt Nam viết về điều tờ báo này nói là “quyền phòng thủ chính đáng của Việt Nam ở Trường Sa”. 

Tờ báo thuộc Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam viết thêm rằng “nếu thiếu những tiếng nói giải thích cho rõ có thể dẫn đến những băn khoăn, lo lắng trong dư luận Việt Nam về quyết tâm bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ”.

Trong bản tin của mình, Reuters trích tuyên bố ngắn gọn của Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng thông tin mà hãng này thu thập được “không chính xác”, trong khi trả lời VOA Việt Ngữ, một quan chức Bộ Quốc phòng Việt Nam nói rằng “không có chuyện đấy”. 

Tính tới tối 11/8, giờ Hà Nội, cả trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam và Trung Quốc đều không đăng tải bất kỳ tuyên bố nào về tin tức được cho là “gây căng thẳng” cho quan hệ Hà Nội – Bắc Kinh. 

Tiến sỹ Vũ Quang Việt, một nhà nghiên cứu về biển Đông, nhận định với VOA Việt Ngữ rằng dù Việt Nam bác bỏ tin triển khai giàn phóng tên lửa, đó cũng là lời “cảnh báo” cho Trung Quốc. 

Cựu quan chức của Liên Hiệp Quốc này nói thêm: 

“Họ làm như vậy để cho Trung Quốc biết rằng họ sẵn sàng đề phòng. Nếu mà Trung Quốc muốn chiếm thêm chỗ này, chỗ kia, thì sẽ bị phản ứng. Việt Nam bây giờ ở thế bắt buộc phải chứng tỏ mình phòng bị, chứ không phải mình ở cái thế có thể tấn công được. Nếu tấn công, Trung Quốc sẽ lạm dụng cái đó để nó làm tới nữa. Việt Nam chỉ có phản ứng khi nào cần thiết thôi”. 

Ông Việt nhận xét tiếp rằng, sau phán quyết của Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc giờ “mất thế chính nghĩa”, và tình hình ở biển Đông sẽ còn “căng thẳng” trong thời gian tới. 

Trong bài báo độc quyền, Reuters trích dẫn tuyên bố mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc fax tới hãng này hôm 11/8, tái khẳng định “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với Trường Sa và các vùng biển kế cận. 

Bắc Kinh còn được trích lời lên tiếng phản đối việc “chiếm đóng trái phép các đảo và bãi đá của Trung Quốc” và “triển khai quân sự trái phép” tới đó. - VOA

***
Một ngày sau khi Reuters đưa tin về việc Việt Nam điều giàn phóng rốc két ra Trường Sa, các nước liên quan đã có phản ứng.

Mỹ kêu gọi các bên tìm giải pháp hòa bình trong khi báo chí Trung Quốc lên án Việt Nam, gọi đây là "sai lầm".

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Elizabeth Trudeau nói Hoa Kỳ "có được biết tin này, rằng Việt Nam điều hệ thống hỏa tiễn tầm ngắn ra một số đảo thuộc Trường Sa".

Bà Trudeau nói: "Chúng tôi tiếp tục kêu gọi tất cả các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông tránh các hoạt động có thể làm gia tăng căng thẳng, có các bước thiết thực để xây dựng lòng tin và tăng cường nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình và ngoại giao cho các tranh chấp".

Khi được hỏi liệu Hoa Kỳ có kêu gọi Việt Nam dừng hoặc đảo ngược các hành động này hay không, bà Trudeau nói: "Chúng tôi kêu gọi các bên tránh hành động gây căng thẳng, nên câu trả lời là có".

Phóng sự đặc biệt của phóng viên Greg Torode, hãng Reuters, ra hôm 10/8 dẫn nguồn tin từ giới chức phương Tây, gồm các nhà ngoại giao và quan chức quân đội, nói rằng thông tin tình báo cho thấy Hà Nội đã vận chuyển các giàn pháo EXTRA từ đất liền tới 5 căn cứ ở quần đảo Trường Sa trong những tháng gần đây, một động thái có thể khiến căng thẳng với Bắc Kinh.

Bài báo của Reuters cũng nhắc tới việc các sân bay và các cảng mới xây của Trung Quốc sẽ nằm trong tầm tấn công một khi các hệ thống này được triển khai.

'Sai lầm khủng khiếp'

Báo chí chính thống của Trung Quốc ngay lập tức vào cuộc.

Hoàn cầu Thời báo bản tiếng Anh gọi hành động của Việt Nam là "sai lầm khủng khiếp" và kêu gọi Hà Nội "rút ra bài học" từ cuộc chiến 1979 giữa hai bên.

Trong khi đó cũng báo này, phiên bản tiếng Trung, nói Bắc Kinh cần phải làm rõ rằng Hoa Kỳ vẫn là "mối đe dọa lớn nhất" đối với các hòn đảo của Trung Quốc trên Biển Đông.

"Cần phải cảnh giác về những bước đi sắp tới của Hà Nội ở trên biển, nhưng chúng ta không được để việc đối đầu quân sự với Việt Nam trở nên nổi bật hơn so với những xung đột khác," bài xã luận viết.

"Việt Nam không có khả năng như Hoa Kỳ trong việc thúc đẩy các đồng minh hành động. Việc xử sự với Việt Nam mang tính quan hệ song phương nhiều hơn - đó là điều nằm trong khả năng của Trung Quốc."

Hoàn cầu Thời báo cũng nhắc tới một tường thuật của báo này nhưng đăng trên phiên bản tiếng Anh về việc mối quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng không bị ảnh hưởng gì bởi các tranh cãi trên biển.

Bài báo tiếng Anh đăng tin các công ty Trung Quốc đặt tại Việt Nam vẫn làm ăn bình thường bất chấp các sự kiện bài Trung diễn ra gần đây, và dẫn lời các du khách Trung Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh nói người dân Việt Nam đối xử với họ rất dễ chịu.

Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quôc, phiên bản tiếng Trung, chạy bài xã luận với tiêu đề "Việt Nam bí mật triển khai rocket ở Nam Hải (tức Biển Đông, theo cách gọi của Việt Nam)".

Báo này viết: "Việc Việt Nam có các hành động quân sự tại các hòn đảo ở Nam Hải không phải là tin mới gì. Việt Nam hiện đã chiếm 29 đảo của chúng ta ở Nam Hải. Việt Nam đã bắt đầu việc xây dựng ở Nam Sa (tức Trường Sa, theo cách gọi của Việt Nam), kể từ thế kỷ 20."

"Đảo này nay đã có một đường băng dài 550m và bãi đáp trực thăng. Việt Nam cũng đã bắt đầu bồi đắp đảo quy mô lớn và tiến hành các dự án xây dựng trên năm hòn đảo khác. Tuy nhiên, Việt Nam thỉnh thoảng lại phản đối Trung Quốc."

Bản thân Trung Quốc lâu nay đã xây dựng và cơi nới mở rộng đối với trên 20 hòn đảo, với quy mô cơi nơi được ráo riết mở rộng trong hai năm qua.

Bắc Kinh đã xây dựng các cơ sở hạ tầng, gồm các đường băng và các doanh trại trên các hòn đảo, bãi cạn.

Phóng vệ tinh

Cùng ngày với bài báo của Reuters, Trung Quốc phóng vệ tinh mới có khả năng chụp được các hình ảnh chất lượng cao, mà Bắc Kinh nói là có thể dùng để theo dõi, kiểm soát quyền hàng hải của nước này.

Vệ tinh Cao Phân 3, được phóng đi từ một căn cứ tại Sơn Tây hôm 10/8, sẽ phục vụ các mục đích dân sự trong mọi điều kiện thời tiết.

Thời báo Bắc Kinh nói rằng vệ tinh này hoạt động bằng cách phát sóng điện từ tới các mục tiêu và chụp ảnh khi nhận lại sóng phản hồi.

Tờ báo nói thêm là việc này sẽ cho phép vệ tinh hoạt động kể cả trong điều kiện thiếu sáng hoặc khi thời tiết xấu.

Tờ South China Morning Post cũng nói vệ tinh này có khả năng phát hiện được những mục tiêu cụ thể, chẳng hạn như một chiếc tàu di chuyển trên biển.

"Một khi đưa mục tiêu vào tầm ngắm, nó sẽ ngay lập tức chuyển sang chế độ theo dõi liên tục, chặt chẽ với những hình ảnh đạt độ phân giải cao trong hơn một giờ đồng hồ," báo này viết. - BBC
|
|

6.
Bộ Công an VN bác tin 'bắt cóc lấy nội tạng'

Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự Bộ Công an Việt Nam nói tin tức về các vụ bắt cóc, mổ lấy nội tạng ở Hà Giang là “hoàn toàn bịa đặt”.

Dư luận trên mạng xã hội Việt Nam đang xôn xao về một văn bản của công an huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai, nói tại địa phận giáp danh Việt Nam - Trung Quốc, tỉnh Hà Giang trong 6 tháng đầu năm 2016 đã xảy ra 16 vụ với 16 nạn nhân bị bắt cóc, mổ lấy nội tạng.

Nhưng trả lời Infonet, trang báo chính thức của Bộ Thông tin – Truyền thông, Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự Bộ Công an nói không có việc này.

“Trong 6 tháng đầu năm 2016 và những năm trước đây, chưa có tình trạng bắt cóc trẻ em, người già mổ bụng lấy nội tạng bán sang Trung Quốc”.

Thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến nói tiếp: “Công an Hà Giang và Công an Lào Cai cũng đã có thông tin về sự việc trên là không chính xác và chưa từng xảy ra vụ việc nào như vậy. Cục Cảnh sát Hình Sự cũng phản hồi về thông tin này là hoàn toàn bịa đặt và không có thật.”

Công văn ‘có thật’

Trước đó ngày 10/8, nói với Infonet, ông Hoàng Tiến Bình, Trưởng Công an huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai, khẳng định công văn đang lưu truyền trên mang có thật.

“Đây là công văn với mục đích cảnh báo, giúp bà con nâng cao tinh thần cảnh giác với các loại hình tội phạm mới.”

Ông Bình giải thích thêm rằng chưa có hiện tượng bắt cóc lấy nội tạng ở huyện.

Ông giải thích văn bản chỉ nhằm “cảnh báo thủ đoạn của các loại hình tội phạm cho đồng bào cảnh giác”.

Hôm 11/8, BBC liên lạc công an huyện Si Ma Cai.

Một viên chức trực máy muốn giấu tên cũng nói văn bản cảnh báo “là có thật”.

BBC đã gọi Đại tá Hầu Văn Lý, Giám đốc Công an tỉnh Hà Giang nhưng ông từ chối trả lời.

Nhầm lẫn?

Trong khi đó, theo VietnamNet, Đại tá Phạm Gia Chiến, Chánh văn phòng Công an tỉnh Lào Cai khẳng định tỉnh không chỉ đạo công an huyện “tuyên truyền tới người dân về tình trạng bắt cóc trẻ em mổ lấy nội tạng”.

“Chúng tôi đã yêu cầu Công an huyện Si Ma Cai sớm thu hồi lại công văn, tránh gây hoang mang trong quần chúng nhân dân,” ông Chiến nói.

Văn bản thông báo do Thượng tá Trịnh Minh Phú, Phó trưởng Công an huyện Si Ma Cai ký hôm 2/8 được hàng ngàn lượt chia sẻ trên mạng xã hội.

“Tại địa phận giáp ranh Việt Nam - Trung Quốc, tỉnh Hà Giang trong sáu tháng đầu năm 2016 đã xảy ra 16 vụ/16 nạn nhân bị bắt cóc, mổ lấy nội tạng (gan, thận, tim...”, thông báo viết.

“Qua xác minh, các đối tượng là người Trung Quốc, tổ chức thành từng nhóm 3 - 5 người, sử dụng ôtô (không có biển kiểm soát), đối tượng tập trung vào những gia đình có người già, trẻ em ở nhà, học sinh các trường tổ chức đi học ngoại khóa, trẻ em đi chăn thả gia súc, làm nương rẫy một mình…”

“Các đối tượng bắt cóc người đưa lên ôtô, đến khu vực vắng rồi mổ lấy nội tạng”.

Văn bản này đưa ra cảnh báo “mọi người khi đi gần khu vực biên giới không nên đi một mình mà đi theo nhóm 3 - 5 người để tránh những hậu quả đáng tiếc”.

Báo Tuổi Trẻ hôm 11/8 tường thuật đại tá Tạ Quang Huy, Phó giám đốc Công an tỉnh Hà Giang cho biết ông “sững sờ”, “sốc” khi nghe thông tin “tỉnh Hà Giang trong 6 tháng đầu năm 2016 đã xảy ra 16 vụ/16 nạn nhân bị bắt cóc, mổ lấy nội tạng”.

“Chúng tôi không biết Công an Lào Cai lấy số liệu đó từ đâu”, báo này dẫn lời ông Huy.

“Theo đại tá Huy, thông tin về số vụ bắt cóc như trên là không chính xác. Ông Huy cho biết mình là lãnh đạo công an tỉnh, nhưng trong các cuộc họp giao ban ông chưa hề nghe nhắc đến số liệu báo cáo nào khủng khiếp như vậy”, báo Tuổi Trẻ viết.

“Cũng theo ông Huy, tình trạng bắt cóc, buôn bán trẻ em, phụ nữ trên địa bàn tỉnh biên giới Hà Giang là cũng có, nhưng cùng lắm chỉ là một vài vụ bắt cóc trẻ em đưa sang biên giới. Tình hình từ đầu năm đến nay đã xẹp xuống và nó cũng không xảy ra nhiều vụ như những năm trước đây”.

Trang Lào Cai Online hôm 11/8 dẫn lời Phó giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc bệnh viện Việt Đức khẳng định “không thể có chuyện mổ lấy nội tạng như miêu tả” và “đây là thông tin bịa đặt”.

“Để chuẩn bị lấy tạng ra khỏi ổ bụng, các bác sĩ phải đặt các đường ống truyền để bơm dung dịch đặc biệt vào để rửa tạng, và khi tạng đã được lấy ra khỏi cơ thể thì vẫn phải được rửa bằng môi trường được làm lạnh”.

“Tạng phải được bảo quản ở trong nhiệt độ 3-4 độ C, và được ngâm trong dung dịch bảo quản đặc biệt. Để bảo quản được tạng và lấy tạng ghép cho người khác thì yêu cầu đầu tiên là ca mổ lấy tạng phải được thực hiện trong điều kiện môi trường vô trùng tuyệt đối, với những máy mọc đặc biệt, dung dịch đặc biệt, tạng được bảo quản trong thời gian 5 – 10 – 15 giờ…”, báo này tường thuật lời ông Quyết. - BBC

No comments:

Post a Comment