Tin Thế Giới
1.
Trực thăng Nga bị bắn rơi ở Syria --- Mỹ không kích IS ở Libya
Năm người Nga đã thiệt mạng sau khi một trực thăng quân sự của Nga bị lực lượng phiến quân bắn rơi ở miền bắc Syria, thông tin từ Nga nói.
Thông tin từ bộ Quốc phòng Nga cho biết chiếc trực thăng Mi-8 bị bắn rơi ở tỉnh Idlib, trong lúc chở theo phi hành đoàn ba người và hai sĩ quan và đang trên đường quay về sau chuyến cứu trợ nhân đạo cho thành phố đang bị cô lập Aleppo.
Hiện chưa rõ nhóm phiến quân nào đã bắn hạ trực thăng Nga, nhưng tại Idlib có sự hiện diện của một liên minh phiến quân, trong đó có các nhóm Hồi giáo cực đoan.
Kể từ khi tiến hành các hoạt động quân sự hỗ trợ chính phủ Syria vào tháng Chín 2015, Nga rất ít khi có máy bay bị bắn hạ.
Vào hồi tháng Bảy, hai phi công Nga bị thiệt mạng sau khi trực thăng của họ bị lực lượng IS bắn rơi ở phía đông thành phố Palmyra.
Trong tháng 11 năm ngoái, phi công của chiếc chiến đấu cơ Su-24 cũng bị thiệt mạng sau khi máy bay bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi tại khu vực biên giới giáp với Syria.
Một lính thủy quân lục chiến của Nga được gửi đi cứu hộ phi công của chiếc Su-24 cũng bị giết sau khi chiếc trực thăng của anh này bị bắn hạ.
Những hình ảnh được đưa lên các mạng xã hội cho thấy trực thăng Nga bị bắn rơi chỉ còn là đống sắt vụn với các thi thể, trong khi một vài chiến binh của lực lượng phiến quân đứng xung quanh.
Hình ảnh ghi lại cũng cho thấy có ít nhất một thi thể bị lôi đi.
Nga có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad và các lực lượng quân sự thân chính phủ thông qua hoạt động oanh kích nhắm vào các lực lượng phiến quân.
Trong tháng trước, lực lượng quân sự của chính phủ đã lấy lại được khu vực phía đông của thành phố Aleppo, vốn bị phiến quân chiếm giữ.
Chính phủ Nga và Syria ra thông cáo nói sẽ mở các tuyến đường cho hoạt động cứu trợ nhân đạo cho thường dân và những phiến quân muốn đầu hàng, nhưng một số người đã sử dụng nói họ có thể là mục tiêu.
Vào Chủ nhật 31/07, các nhóm phiến quân ở phía nam của Aleppo đã tiến hành các cuộc phản công, theo các nhà quan sát nhận xét là lớn nhất trong nhiều tháng qua, nhằm phá vỡ thế bị bao vây. - BBC
***
Hoa Kỳ đã tiến hành không kích vào các vị trí của Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Libya, theo sau yêu cầu của chính phủ Libya được Liên Hiệp Quốc ủng hộ, theo tuyên bố của Lầu Năm Góc.
Các vụ không kích diễn ra tại thành phố Sirte, cứ điểm của IS.
Thủ tướng Libya Fayez al-Sarraj nói các vụ tấn công gây ra “thiệt hại nặng nề”.
Các nước phương Tây ngày càng lo ngại về sự có mặt của IS tại Libya.
Đây là lần đầu tiên Mỹ can thiệp quân sự có phối hợp với chính phủ Libya.
Tổng thống Barack Obama đã đồng ý tiến hành không kích.
Chính phủ Libya bắt đầu tấn công IS từ tháng Năm. - BBC
|
|
2.
Phe diều hâu Trung Quốc đòi "đánh Mỹ" ở Biển Đông --- Nga-Trung đồng sàng chống Mỹ nhưng dị mộng về Biển Đông
Chủ tịch Trung Quốc dường như đang bị áp lực của phe chủ chiến trong quân đội đòi phải có phản ứng mạnh ở Biển Đông, sau phán quyết bất lợi của Tòa Án Trọng Tài La Haye. Theo các nguồn tin quân sự tại Hoa lục, nguy cơ xảy ra xung đột với Mỹ rất lớn.
Phán quyết của Tòa Án Trọng Tài La Haye công bố ngày 12/07/2016 vừa qua phủ nhận những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông đã gây ra phản ứng bất bình trên báo chí và truyền thông Nhà nước tại Hoa lục.
Cho đến nay, giới lãnh đạo chính trị không tỏ dấu hiệu sẽ có hành động đáp trả cứng rắn mà chỉ kêu gọi giải pháp hoà bình và "cam kết bảo vệ chủ quyền". Nhưng thái độ của quân đội hoàn toàn khác hẳn, tự cho là đủ mạnh để "đương đầu với Mỹ và các đồng minh của Mỹ" trong khu vực.
Một nguồn tin quân sự xin giấu tên vì không được phép tiết lộ với báo chí nước ngoài, đã xác định với Reuters là "Giải phóng quân đã sẵn sàng, và cần đập vỡ mũi chúng nó như Đặng Tiểu Bình đã từng dạy cho Việt Nam một bài học".
Theo hai nhà phân tích Ben Blanchard và Benjamin Kang Lim của hãng thông tấn Reuters, phe chủ chiến trong quân đội đang gây sức ép với chủ tịch Tập Cận Bình phải hành động. Trên thực tế, lãnh đạo Trung Quốc không sợ áp lực vì qua chiến dịch chống tham ô, ông đã thanh lọc hàng ngũ tướng lãnh và dường như đã kềm chế được quân đội.
Trong chính sách cải cách nâng cao khả năng chiến đấu của quân đội Trung Quốc, chủ tịch Tập Cận Bình cần thời gian và không gian tương đối yên bình nên không muốn gây chiến. Trả lời câu hỏi liệu quân đội Trung Quốc sẽ đáp trả phán quyết La Haye bằng quân sự, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Dương Vũ Côn tuyên bố là "quân đội sẽ đương đầu với mọi đe dọa". Tuy nhiên, phe diều hâu, qua nhận định "lửa khói" của giáo sư Lương Phương (Liang Fang) thuộc đại học quốc phòng Bắc Kinh, thì "quân đội phải tăng cường chiến đấu không bỏ rơi chủ quyền biển đảo không nhượng bộ bất cứ nước nào". Nhân vật này chỉ không nói rõ là "gia tăng như thế nào".
Một nguồn tin quân sự khác nêu lên giải pháp Trung Quốc thiết lập "vùng nhận dạng phòng không" trên Biển Đông như đã tuyên bố ở biển Hoa Đông.
Một phương án khác là cho chiến đấu cơ tuần tra trên Biển Đông mang tên lửa đủ sức tấn công Việt Nam và Philippines. Theo Nhạc Cương (Yue Gang), một sĩ quan hồi hưu thuộc phe chủ chiến, quân đội Trung Quốc đã đủ tự tin để thách thức lực lượng hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ.
Trên tập san Southeast Asian Studies của Trung Quốc, giáo sư Lý Kim Minh (Li Jin Ming) đề ra "chiến lược lâu dài tại biển Nam Trung Hoa" mà ông gọi là một "khúc quanh chiến lược quân sự".
Từ muốn đến được
Theo Reuters, lập luận của phe diều hâu Trung Quốc thấy rất dễ, nhưng thực hành không phải dễ.
Một nhà ngoại giao Tây phương tại Bắc Kinh cho biết là Tập Cận Bình ý thức được cái giá phải trả nếu đụng trận với Mỹ. Ban lãnh đạo Bắc Kinh cũng đã "co chân" vì rất ngại phản ứng quốc tế. Quân đội cũng nhìn nhận sẽ bị công nghệ quân sự của Hoa Kỳ đè bẹp và nếu xung đột xảy ra nạn nhân đầu tiên là người dân Hoa lục chứ không phải Mỹ. Xu hướng này dường như có thế mạnh hiện nay vì bài học 1979 còn in đậm : tuy nói là dạy cho Việt Nam một bài học nhưng người dân không ai tin vào bộ máy tuyên truyền của đảng Cộng sản Trung Quốc về hiệu năng của quân đội Trung Quốc.
Về chiến thuật lập "vùng nhận dạng phòng không", kế hoạch này nói dễ nhưng làm rất khó vì không quân Trung Quốc không đủ năng lực bao trùm một vùng trời quá xa lãnh thổ.
Cho đến nay, Trung Quốc tuy rất bực tức sự kiện Hải quân Mỹ gia tăng lực lượng tuần tra trong vùng, nhưng chỉ đe dọa bằng mồm, chứng tỏ họ không muốn gây chuyện. Từ nay đến tháng 9, thời điểm Trung Quốc tổ chức Thượng đỉnh G20 tại Hàn Châu chắc Trung Quốc sẽ "án binh bất động" tại Biển Đông. Giới ngoại giao quốc tế tại Bắc Kinh kêu gọi đề phòng giai đoạn từ sau hội nghị G20 cho đến tháng 11, lúc bầu cử tổng thống Mỹ. Đây là cơ hội thuận lợi để "nắn gân" Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, nhà ngoại giao Tây phương được trích bên trên giải thích : Trung Quốc sẽ tính lầm nếu cho là Mỹ ngồi yên để cho Trung Quốc muốn làm gì thì làm. - RFI
***
Vỏn vẹn hai tuần sau phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye ngày 12/07/2016, phủ nhận đòi hỏi chủ quyền rộng khắp của Trung Quốc trên Biển Đông, Bắc Kinh hôm 26/07 đã loan báo một cuộc tập chung của Hải Quân Nga và Trung Quốc tại Biển Đông vào tháng Chín tới đây. Trong bối cảnh Bắc Kinh lớn tiếng bác bỏ phán quyết quốc tế và tái khẳng định chủ quyền Trung Quốc trên vùng biển đang tranh chấp, việc Nga đồng ý tham gia tập trận đã đặt ra câu hỏi về ý định thực thụ của Mátxcơva.
Mục tiêu răn đe quân sự của Trung Quốc khi tung ra cuộc tập trận đã rất hiển nhiên, vì ngay sau khi Tòa Trọng Tài Thường Trực ra phán quyết về Biển Đông, Bắc Kinh đã cho tập trận trong khu vực, thậm chí còn cho oanh tạc cơ chiến lược bay ngang bãi Scarborough đang tranh chấp, chụp hình để thị uy.
Với việc loan báo một cuộc tập trận chung với cường quốc nặng ký duy nhất mà Bắc Kinh đưa vào danh sách các nước ủng hộ lập trường Biển Đông của Trung Quốc, ý đồ hù dọa các đối phương – trong đó có Việt Nam - còn rõ nét hơn nữa, nhất là khi đối tác tập trận lại là Nga, chỗ dựa chủ yếu của Việt Nam về vũ khí.
Tập trận Nga Trung chỉ nhằm phô diễn hình thức
Câu hỏi từng được giới quan sát nêu lên gần đây là phải chăng nước Nga đã thôi không còn trung lập trên vấn đề Biển Đông, mà đã về hùa với Trung Quốc, làm cho so sánh lực lượng quân sự trong vùng thay đổi theo chiều hướng có lợi cho Bắc Kinh?
Trên vấn đề này, bà Bonnie Glaser, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS ở Washington tỏ ra rất dè dặt. Trả lời nhật báo Mỹ New York Times ngày 29/07, chuyên gia này cho rằng cuộc tập trận hải quân chung Nga-Trung có lẽ nhằm mục tiêu phô trương quan hệ gắn bó giữa hai nước có liên can vào một thời điểm căng thẳng, hơn là một sự thay đổi quân sự đáng kể trong khu vực.
"Còn quá sớm để rút ra một kết luận dứt khoát… Tôi thiên về quan điểm cho rằng cuộc tập trận nằm trong một loạt các phản ứng chống lại phán quyết (của Tòa Trọng Tài Thường Trực) để chứng tỏ quyết tâm của đảng Cộng Sản Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền đất nước, và giải tỏa áp lực đến từ công chúng và quân đội."
Đối với bà Glaser, cuộc tập trận Nga-Trung không nhất thiết là một sự leo thang so với toàn cảnh là một thái độ tự kiềm chế tương đối của Trung Quốc trong phản ứng chống lại phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực.
Tập trận diễn ra gần Trường Sa mới là vấn đề !
Về phần mình, chuyên gia về quân đội Trung Quốc Taylor Fravel, thuộc Học Viện Công nghệ Massachusetts MIT của Mỹ, cũng thận trọng cho rằng cần phải chờ xem hai nước Nga-Trung tập trận ở khu vực nào trên Biển Đông, thì mới rõ được ý nghĩa thực của sự can dự của Mátxcơva vào hồ sơ Biển Đông.
Theo ông Fravel, hai bên có thể tập trận tại vùng biển miền Nam Trung Quốc, như ngoài khơi tỉnh Quảng Đông, thâm chí ngoài khơi đảo Hải Nam. Đó là những địa điểm "vô hại". Tuy nhiên, nếu hai bên quyết định tập trận gần quần đảo Trường Sa đang tranh chấp, thì đó sẽ là một vấn đề đáng để cho các láng giềng báo động.
Khi loan báo cuộc tập trận vào hôm 26/07 vừa qua, bộ Quốc Phòng Trung Quốc không cho biết ngày giờ hay địa điểm diễn ra cuộc tập trận, trong lúc Nga hoàn toàn im hơi lặng tiếng, chỉ có truyền thông Nga là trích lại thông báo từ phía Trung Quốc để đưa tin mà thôi.
Nga không hoàn toàn theo đuôi Trung Quốc về Biển Đông
Tuy nhiên, có một thực tế mà tất cả các nhà quan sát đều ghi nhận. Đó là nước Nga của ông Vladimir Putin, và nước Trung Quốc của ông Tập Cận Bình đang trên đà xích lại gần nhau hơn, kể cả trên bình diện hợp tác an ninh và quốc phòng. Khởi xướng từ năm 2015, các cuộc tập trận hải quân hỗn hợp Nga-Trung ngày càng thường xuyên hơn, mà gần đây nhất là cuộc thao diễn tại vùng Biển Nhật Bản vào tháng 8 năm 2015.
Đối thủ chung là Mỹ được cho là nhân tố thúc đẩy Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn. Thế nhưng trong vấn đề Biển Đông, dù bị Bắc Kinh lôi kéo, nhưng Nga vẫn có dấu hiệu kháng lại.
Tháng 06/2016, tại Bắc Kinh, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Nga Putin đã ra tuyên bố chung về việc "Tăng cường ổn định chiến lược toàn cầu", nhấn mạnh đến các điểm tương đồng giữa hai nước trên nhiều vấn đề quốc tế.
Ông Tập Cận Bình khi ấy không ngần ngại nói rằng "Trung Quốc và Nga sẽ hỗ trợ lẫn nhau về các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi của hai bên". Biển Đông đã được Trung Quốc đưa vào diện lợi ích cốt lõi.
Nga tránh ủng hộ việc Trung Quốc bác bỏ phán quyết quốc tế
Thời điểm của cuộc gặp Tập Cận Bình-Putin rất đáng chú ý vì đó là lúc Bắc Kinh đang cố sức vận động các nước ủng hộ lập trường của Trung Quốc phủ nhận phán quyết về Biển Đông sắp được Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye đưa ra, mà tất cả các chuyên gia đều dự đoán là sẽ rất bất lợi cho Trung Quốc.
Theo ghi nhận của báo New York Times, trước công chúng, các quan chức Nga cho biết họ ủng hộ một giải pháp thương lượng cho các tranh chấp ở Biển Đông, nhưng không công khai lên tiếng ủng hộ việc Trung Quốc bác bỏ phán quyết quốc tế.
Trả lời ban Việt Ngữ RFI bằng thư điện tử, giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về các vấn đề châu Á và Biển Đông thuộc Học Viện Quốc Phòng Úc, đã giải thích thêm về tình trạng đồng sàng dị mộng giữa Bắc Kinh và Mátxcơva hiện nay:
"Nước Nga thời Putin đang tìm cách khôi phục vai trò của mình trong khu vực Đông Á. Đây là cuộc tập trận hải quân chung Nga-Trung lần thứ hai trong năm nay trong vùng Châu Á, lần đầu tiên là gần Nhật Bản.
Cả Trung Quốc lẫn Nga đều chia sẻ cùng một lợi ích là chống lại việc Mỹ thống trị về Hải Quân ở vùng Tây Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Nga vẫn quan ngại trước việc Trung Quốc thâm nhập vào khu vực gọi là Á-Âu (Eurasia) thông qua sáng kiến ‘Một vành đai, một con đường’, đặc biệt là vào vùng Trung Á (vốn nằm trong khu vực ảnh hưởng của Nga). Nga và Trung Quốc có cùng lợi ích trên một số vấn đề, nhưng lại có quan điểm khác nhau về những vấn đề khác."
Đối với giáo sư Thayer, Biển Đông chính là một trong những vấn đề mà quan điểm của Nga khác với Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh Nga phải chú ý đến nhân tố Việt Nam khi xem xét hồ sơ này.
Giáo sư Thayer đã dẫn chứng bằng phản ứng mới đây của Mátxcơva đối với phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye, hoàn toàn không giống như Bắc Kinh mong đợi :
"Nga không trực tiếp giúp Trung Quốc, hoặc hậu thuẫn các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Điều đó được phản ánh rất rõ trong tuyên bố do Bộ Ngoại Giao Nga ban hành sau khi Tòa Trọng Tài La Haye ra phán quyết về Biển Đông: Nga ủng hộ luật pháp quốc tế và nhấn mạnh rằng Mátxcơva sẽ không can dự vào việc giải quyết các tranh chấp trên biển.
Nga đã bị Việt Nam công khai phản đối vào đầu năm nay sau khi Ngoại trưởng Nga Lavrov lên tiếng chỉ trích sự can thiệp từ bên ngoài vào tranh chấp Biển Đông. Ông đã đưa ra những nhận xét nói trên trước ngày đi thăm Trung Quốc và Mông Cổ.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã thẳng thắn lưu ý rằng một số vấn đề ở Biển Đông có liên quan đến bên thứ ba, và lợi ích của họ cần phải được quan tâm. Nga đã phản đối sự can thiệp của Mỹ, trong lúc Việt Nam lại hoan nghênh hành động này."
Nhân tố Việt Nam trong quan hệ Nga-Trung về Biển Đông
Theo giáo sư Thayer, hợp tác quan hệ quốc phòng chặt chẽ giữa Mátxcơva và Hà Nội, vai trò không thể coi nhẹ của Việt Nam trong khối Đông Nam Á là những nhân tố khiến cho Nga phải cân nhắc khi bị Trung Quốc lôi kéo vào trong vấn đề Biển Đông:
"Nga tìm cách bán vũ khí cho cả Trung Quốc lẫn Việt Nam. Trong bốn năm qua, Việt Nam là nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ tám của thế giới. Nga cung cấp hơn 90% lượng vũ khí nhập khẩu của Việt Nam. Hà Nội là một cầu nối cho Mátxcơva vào vùng Đông Nam Á, nhưng Nga lại cần bán năng lượng cho Trung Quốc.
Mátxcơva rõ ràng là đang phải đối mặt với những căng thẳng nẩy sinh từ những cố gắng để duy trì quan hệ tốt với cả Bắc Kinh lẫn Hà Nội. Thế nhưng Hà Nội không cố kéo Nga về phía mình mà chỉ tìm cách tận dụng căng thẳng Nga-Trung để giành lợi thế về mình."
Tóm lại cần phải chờ xem là cuộc tập trận Hải Quân chung với Nga mà Trung Quốc đang quảng cáo sẽ được tiến hành như thế nào thì mới hiểu rõ thêm về sự can dự của Nga vào Biển Đông, trung lập như Mátxcơva luôn tuyên bố, hay đồng tình với Trung Quốc như Bắc Kinh cố cho thấy khi đưa Nga vào danh sách các nước gọi là ủng hộ lập trường Biển Đông của Trung Quốc. - RFI
|
|
3.
Đài Loan xin lỗi thổ dân về những "bất công" trong lịch sử
Lần đầu tiên chính quyền Đài Bắc xin lỗi các sắc dân bản địa. Ngày thứ hai 01/08/2016, tổng thống Thái Anh Văn đã chính thức "xin lỗi" thổ dân Đài Loan về nhữn "khổ đau" mà người Hoa lục, nắm quyền qua các chế độ, đã gây ra trong suốt 400 năm qua.
Theo AFP, trong cuối tuần qua, hàng trăm người dân Đài Loan thuộc các sắc dân thiểu số đã biểu tình trước phủ tổng thống tại thủ đô Đài Bắc đòi bảo vệ quyền tự do săn bắn truyền thống. Hôm nay, tổng thống Thái Anh Văn, nhà lãnh đạo đầu tiên có mang dòng máu sắc dân bản địa, đã lên tiếng "thay mặt chính phủ chân thành xin lỗi vì những khổ đau và bất công mà người dân bản địa đã chịu đựng trong suốt 400 năm".
Tổng thống Thái Anh Văn thông báo sẽ đích thân lãnh đạo một ủy ban điều tra về những bất công trong quá khứ trong khuôn khổ nỗ lực của chính phủ xoa dịu căng thẳng với cộng đồng dân bản địa.
Trong số 23 triệu dân Đài Loan, cộng đồng thổ dân với khoảng 13 sắc tộc khác nhau chiếm 2%. Đại đa số là người Hoa lục trong đó có khoảng 2 triệu người chạy ra đảo vào năm 1949 khi Mao Trạch Đông chiến thắng Tưởng Giới Thạch.
Theo AFP, phần lớn đất đai của các sắc dân thiểu số bị biến thành công viên quốc gia tạo ra xung khắc về săn bắn và đánh bắt hải sản. Một hệ quả khác phát sinh từ chính sách phân biệt đối xử là tỉ lệ thất nghiệp trong cộng đồng thổ dân cao hơn công dân gốc Hoa lục và mức lương bổng cũng thấp hơn đến 40%. Theo luật hiện hành, thổ dân Đài Loan chỉ được đi săn trong những ngày nghĩ lễ và không được dùng súng tự chế.
Trong cuộc vận động tranh cử tổng thống hồi năm 2015, ứng cử viên Thái Anh Văn (đảng Dân Tiến) cam kết sẽ gia tăng quyền tự trị của các sắc dân bản địa và quyền lợi của thành phần bị phân biệt đối xử này. - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
4.
Cuộc đua vào Nhà Trắng: Hai ứng viên tiếp tục khẩu chiến --- Hai ứng viên Tổng thống Mỹ tranh cãi về Nga và ông Putin --- Ai làm tổng thống Mỹ sẽ có tác động khác nhau đến Biển Đông
Chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ tiếp tục nóng lên, và hôm qua, 31/7, cả hai ứng viên của đảng Cộng hòa và Dân chủ tiếp tục chỉ trích lẫn nhau, đồng thời, thuyết phục cử tri lý do vì sao họ nên được bầu vào Nhà Trắng.
Ứng viên của Đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton, cùng người liên danh tranh cử vị trí Phó tổng thống, ông Tim Kaine, hôm qua xuất hiện tại Columbus, Ohio.
Đây là chặng cuối trong chuyến vận động tranh cử kéo dài ba ngày tới Ohio và Pennsylvania, hai tiểu bang được các nhà phân tích dự đoán sẽ là “chiến trường” trọng yếu trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.
Phát biểu tại Columbus, bà Clinton tìm cách làm rõ các khác biệt giữa bà với đối thủ thuộc Đảng Cộng hòa Donald Trump.
Cựu ngoại trưởng Mỹ nói:
“Tôi đã theo dõi tình hình hai tuần qua. Nhiều tuyên bố từ ông Trump và từ đại hội của Đảng [Cộng hòa] đầy bi quan và tiêu cực. Tôi biết là chúng ta vẫn còn các vấn đề và thách thức. Không phải tôi cho rằng chúng ta không có việc gì để làm, mà trên thực tế, tôi có nói với quý vị về những điều chúng ta có thể cùng nhau thực hiện. Nhưng rốt cuộc, người Mỹ chúng ta mạnh hơn khi chúng ta cùng xắn tay áo, đặt mục tiêu và cùng nỗ lực, bởi vì, đúng là chúng ta mạnh hơn khi cùng nhau nỗ lực”.
Trong khi đó, trả lời kênh truyền hình ABC, ông Donald Trump phản bác lại tuyên bố của đối thủ Clinton về việc gọi Tướng John Allen là một “anh hùng” sau khi tỷ phú bất động sản này gọi ông Allen là một “vị tướng thất bại”.
Ông Trump nói:
“Tôi có thể nói với quý vị rằng các vị tướng [Mỹ] hiện chưa làm tốt việc của mình. Giờ tôi có cảm giác rằng đó có thể là lỗi của ông Obama. Nhưng nếu ta nhìn vào Nhà nước Hồi giáo, Tướng MacArthur và Tướng Patton dường như đang bị sốc [vì những gì tổ chức này làm]. Các vị tướng lúc này không làm tốt việc của mình. Sau khi Tướng Allen nói một cách rỗng tuếch về tôi, người ông ta chưa từng gặp mặt, tôi có kiểm chứng thông tin, và mọi người không hài lòng với ông ấy. Ông ấy không đánh bại được Nhà nước Hồi giáo, thậm chí là không làm tốt việc [ngăn chặn] tổ chức này”.
Ông Trump hôm nay sẽ vận động tranh cử tại hai trong số các thành phố mà đối thủ của Đảng Dân chủ mới tới, đó là Columbus ở Ohio và Harrisburg ở Pennsylvania.
Trong khi đó, bà Clinton sẽ tới Omaha ở Nebraska và Boulder ở Colorado.
Trong khi ông Trump tự mãn cho rằng số khán giả truyền hình xem ông phát biểu nhận đề cử của Đảng Cộng hòa nhiều hơn so với bà Clinton, các số liệu cho thấy bà Clinton đang dẫn trước so với ông Trump trong thời kỳ hậu đại hội của hai đảng.
Tổ chức có tên gọi Morning Consult hôm qua đưa tin rằng bà Clinton dẫn trước ông Trump với tỷ lệ cử tri ủng hộ là 43% so với 40%. Cuộc thăm dò này cũng cho thấy rằng một số lớn cử tri, 17%, vẫn chưa quyết định bầu cho ai. - VOA
***
Ứng viên Tổng thống của Đảng Dân chủ Hillary Clinton đang đặt nghi vấn về việc ông Trump bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong bối cảnh có những cáo buộc nói rằng tin tặc Nga xâm nhập máy tính tại trụ sở của Đảng Dân chủ. Trong khi đó, đối thủ của bà, ông Donald Trump tuyên bố ông “không có mối quan hệ nào” với ông Putin.
Ứng cử viên tổng thống Mỹ của Đảng Dân chủ Hillary Clinton hôm qua, 31/7, cáo buộc đối thủ Đảng Cộng hòa Donald Trump "trung thành tuyệt đối" với những mục tiêu chính sách của Nga. Ông Trump từng gợi ý rằng nếu đắc cử, ông có thể sẵn lòng chấp nhận việc Moscow sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014.
Trong những cuộc phỏng vấn riêng biệt trên các chương trình tin tức, hai ứng cử viên tổng thống Mỹ tranh cãi về cách thức Hoa Kỳ đối phó với Nga và Tổng thống Vladimir Putin.
Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton nói trên chương trình "Fox News Sunday" rằng quan điểm của ông Trump về Nga khơi ra "những vấn đề an ninh quốc gia" cũng như các nghi vấn về tính khí của một người có thể trở thành tổng tư lệnh của Mỹ.
Bà nói: "Chúng ta biết rằng Donald Trump đã cho thấy một điều rất đáng lo ngại là ông ta sẵn lòng hậu thuẫn Putin, ủng hộ Putin, chẳng hạn như nói rằng NATO sẽ không đến giải cứu những nước đồng minh nếu họ bị xâm lăng, hay nói về chuyện dỡ bỏ lệnh trừng phạt mà Mỹ và Châu Âu cùng áp đặt đối với các quan chức Nga, vì hành vi gây hấn của Nga tại Crimea và Ukraine."
Bà nói thêm rằng "cơ quan tình báo Nga đã xâm nhập" hệ thống máy tính đặt tại trụ sở của Đảng Dân chủ ở Washington, và nói thêm rằng đã thu xếp cho WikiLeaks “công bố nhiều email đó”. Các email này cho thấy rằng giới lãnh đạo đảng ưu ái bà hơn đối thủ của bà là Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders, trong chiến dịch tranh cử kéo dài nhiều tháng nhằm giành lấy đề cử của Đảng Dân chủ.
Trong một cuộc phỏng vấn khác hôm Chủ nhật, người sáng lập WikiLeaks Julian Assange từ chối cho biết nguồn gốc của các email mà tổ chức của ông đã nhận được. Mỹ chưa công khai cáo buộc Nga xâm nhập máy tính của Đảng Dân chủ, nhưng các chuyên gia máy tính cho biết họ tin rằng đó là điều đã xảy ra.
Một tuần trước, WikiLeaks đã công bố hơn 19.000 email của các lãnh đạo Đảng Dân chủ, trong bối cảnh các thành viên của đảng tề tựu về đại hội toàn quốc của họ để công bố bà Clinton là ứng cử viên tổng thống năm 2016 của đảng, mở đường cho bà trở thành người phụ nữ đầu tiên đại diện một chính đảng lớn của Mỹ chạy đua vào Nhà Trắng.
Còn về phần ông Trump, trong một cuộc phỏng vấn với đài ABC News, nói rằng ông "không có mối quan hệ" nào với ông Putin và chưa bao giờ gặp gỡ hay điện đàm với Tổng thống Nga. Nhưng trùm bất động sản này nói rằng: "Nếu đất nước của chúng ta hòa thuận với Nga, đó sẽ là một điều tuyệt vời."
Ông Trump nói: "Nếu chúng ta có thể có một mối quan hệ tốt với Nga, và nếu Nga giúp chúng ta diệt trừ Nhà nước Hồi giáo thì đó sẽ là một điều tích cực, vì thành thật mà nói, tôi thấy là chúng ta sẽ tiết kiệm được biết bao nhiêu tiền của và cứu được biết bao nhiêu sinh mạng."
Ứng viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa gợi ý rằng người Crimea thà trở thành một phần của nước Nga hơn là Ukraine. Đây được coi là một lập trường trái ngược với chính sách của Mỹ. Tổng thống Barack Obama đã áp đặt các biện pháp chế tài kinh tế đối với Moscow, hiện vẫn còn hiệu lực, sau vụ Nga sáp nhập lãnh thổ này của Ukraine.
Trong khi đại hội toàn quốc của Đảng Dân chủ diễn ra tuần trước, ông Trump đã kêu gọi Nga xâm nhập máy tính của bà Clinton để tìm ra 33.000 email mà bà đã xóa sau khi làm Ngoại trưởng Mỹ từ năm 2009 đến năm 2013. Trong khoảng thời gian đó, bà đã sử dụng một máy chủ email riêng, không được bảo mật, thay vì một máy chủ email được bảo đảm an ninh của chính phủ.
Sau khi vấp phải chỉ trích, một ngày sau đó, ông Trump nói rằng mình "nói mỉa" khi đưa ra phát biểu này.
Suốt nhiều tháng qua, bà Clinton đã thừa nhận việc bà sử dụng máy chủ email cá nhân là một sai lầm, và nói rằng những email mà bà đã xóa có tính riêng tư, không liên quan đến công việc chính phủ.
Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI) mới đây kết luận rằng bà đã "cực kỳ bất cẩn" khi xử lý những thông tin bảo mật chứa trong 30.000 email liên quan đến công việc chính phủ, nhưng FBI cho biết không đề nghị truy tố bà về vụ này. - VOA
***
Cuối tuần trước, tờ Global Times, còn gọi là Hoàn Cầu Thời Báo, của nhà nước Trung Quốc đăng một bài xã luận công kích Australia và đe dọa sẽ có hành động quân sự liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông. Việt Nam là một trong các bên tranh chấp chính trong số 5 nước đưa ra tuyên bố chủ quyền về các khu vực lớn nhỏ khác nhau trong vùng biển.
Bài xã luận kêu gọi tấn công tàu bè Australia tại biển Đông, sau khi chính quyền Canberra ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài về vụ kiện của Philippines.
Nhận xét về bài xã luận, Tiến sỹ Michael Clarke thuộc Đại học An ninh Quốc gia ở Australia nói trong một cuộc phỏng vấn rằng rõ ràng Trung Quốc đang tỏ ra hung hăng với Australia ở thời điểm này, tuy nhiên ông chỉ ra rằng tờ Global Times là một “cơ quan ngôn luận lá cải” có tính dân tộc chủ nghĩa không cần phải quá lo ngại về nó.
Tiến sỹ Clarke nói thay vì xem bài xã luận như một dấu hiệu cảnh báo về cuộc tấn công, chỉ nên coi nó như một biểu tượng của cuộc tranh luận về chủ đề lớn hơn: đó là Australia có phải lựa chọn giữa những liên minh toàn cầu của mình và quan hệ kinh tế với Trung Quốc hay không.
Ông Clarke nói số phận của Australia trong kịch bản này rất khác nhau tùy thuộc vào ai sẽ trở thành tổng thống Mỹ vào tháng 11.
Ông đưa ra nhận định: “Nếu bà Clinton thắng, chúng ta sẽ hình dung rõ hơn về điều gì sẽ xảy ra. Những đường đi nước bước trước đây của bà ấy rõ ràng hơn. Rất khó đoán định về ông Trump. Ông ấy bận tâm hơn đến việc nói mồm về an ninh của Mỹ”.
Tiến sỹ Adam Lockyer, chuyên gia an ninh thuộc Đại học Macquarie, nói lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc là việc chẳng đặng đừng đối với Australia. Ông phát biểu: “Ngay khi chúng ta buộc phải chọn, chúng ta thua. Nguyên tắc chỉ đạo của chính sách đối ngoại Australia là ‘Đừng lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc’. Làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến an ninh hoặc kinh tế của chúng ta, hoặc là cả hai”.
Ông Lockyer cũng quan ngại về khả năng ông Trump lên làm tổng thống. Ông nhận xét rằng ứng cử viên của đảng Cộng hòa Mỹ nói năng rất mạnh bạo về Trung Quốc và cảnh báo những lời lẽ đao to búa lớn có thể gây tổn hại đến quan hệ với Trung Quốc. - VOA
|
|
5.
Các ca lây nhiễm Zika ở Florida gây báo động tại Washington
Muỗi truyền virút Zika được cho là đã xuất hiện ở Mỹ, với ít nhất 4 ca nhiễm bệnh ghi nhận được bang Florida.
Các giới chức y tế Mỹ đã lên tiếng cảnh báo về dịch bệnh Zika cách đây nhiều tháng, và tin xác nhận virút Zika đã đến nước Mỹ gây ra một đợt đổ lỗi qua lại mới giữa các nhà lập pháp dân chủ và Cộng hòa, những người chưa thông qua ngân sách cho công tác chống virút Zika.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Richard Blumenthal của bang Connecticut viết trên Twitter rằng: “Tôi yêu cầu giới lãnh đạo Cộng hòa trong Quốc hội làm phận sự của mình, và tạm ngưng kỳ nghỉ để ngay lập tức giải quyết cuộc khủng hoảng dịch bệnh Zika.”
Với đa số người Mỹ, muỗi gây phiền phức trong mùa hè. Còn bang Florida giờ đây phải xem chúng là một mối đe dọa về sức khỏe công cộng.
Thống đốc Rick Scott của bang Florida nói: “Bốn người trong tiểu bang của tôi hình như đã nhiễm virút Zika do bị muỗi đốt. Điều này có nghĩa là Florida trở thành tiểu bang đầu tiên của Mỹ có ca nhiễm virút Zika ngay tại địa phương.”
Cư dân và du khách ven Vịnh Mexico bày tỏ lo sợ ở những mức độ khác nhau.
Ông Jimmy Stewart ở Galveston, bang Texas, cho biết: “Tôi lo ngại cho con cái và cháu chắc của tôi. Nhưng tôi không biết là lo lắng có mang lại ích lợi gì hay không, bởi vì nếu Zika đã có mặt ở đây thì có lo cũng chẳng làm được gì hơn."
Các ca nhiễm virút Zika tại Florida chứng minh cho dự đoán hồi trước đây trong năm của các giới chức y tế rằng Zika, virút có thể gây ra dị tật cho trẻ sơ sinh, một ngày nào đó có thể được muỗi lan truyền tại nhiều vùng rộng lớn ngay ở nước Mỹ.
Quốc hội bắt đầu nghỉ hè hồi giữa tháng 7 và cho đến tháng 9 mới làm việc lại.
Hồi tháng 2, chính quyền của Tổng thống Obama đề nghị chuẩn chi 1,9 tỉ đôla để phòng chống Zika. Thượng viện ban đầu đã đồng ý chi 1,1 tỉ đôla. Nhưng thương lượng giữa Hạ viện do phe Cộng hòa lãnh đạo và Thượng viện đã dẫn đến một dự luật với các điều kiện mà phe Dân chủ không thể ủng hộ liên quan đến phá thai, môi trường và cờ của Liên minh Miền nam Hoa Kỳ.
Ông Richard Durbin của bang Illinois sau khi cùng các đảng viên Dân chủ khác chặn dự luật được Ðảng Cộng hòa hậu thuẫn, nói: “Giới lãnh đạo Cộng hòa trong Hạ viện làm gì? Họ đưa ra những luật hoàn toàn mang tính đảng phái, nhắm đến việc không thể hình thành được, và họ biết rõ điều đó.”
Ông Mitch McConnell, thủ lãnh khối đa số Thượng viện nói: “Không thể giải thích và không thể chấp nhận được. Để giải quyết cuộc khủng hoảng y tế công cộng quan trọng này phải đặt trên cơ sở phi đảng phái. Tất cả phụ nữ mang thai ở Mỹ đang quan tâm đến vấn đề này. Chúng ta cần phải hành động.”
Các chuyên gia nói rằng muỗi lan truyền virút Zika sẽ lan ra khỏi bang Florida.
Bác sĩ Todd Price, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, nói: “Miami có khí hậu giống như ở Houston. Miami cũng có cùng loại muỗi như ở Houston, và ở khắp Vịnh Mexico. Đo đó đây là một vấn đề cấp bách.”
Các nhà lập pháp sẽ tiếp tục tranh cãi về vấn đề cấp ngân quỹ chống dịch bệnh Zika khi họ trở lại làm việc ở Washington vào tháng 9. Ngay vào lúc này, chính quyền các tiểu bang phải theo dõi và khống chế muỗi mòng lan rộng bằng các nguồn lực hiện có. - VOA
|
|
6.
Uber bán doanh nghiệp cho công ty TQ
Ứng dụng đặt taxi Uber đã chính thức bán doanh nghiệp của mình tại Trung Quốc cho đối thủ– Didi Chuxing.
Đại diện của Didi Chuxing nói rằng Uber China sẽ giữ lại thương hiệu của mình và Uber toàn cầu sẽ nhận được 5,9% cổ phần của công ty mới sát nhập này.
Uber China được ra mắt vào năm 2014 nhưng cho đến bây giờ vẫn không thu được lợi nhuận
Hai công ty cạnh tranh mạnh mẽ trong thời gian qua nhưng Didi Chuxing đã thống trị thị trường taxi ở Trung Quốc.
Didi Chuxing nói rằng công ty này đã phục vụ 14 triệu chuyến đi mỗi ngày và chiếm 87% thị phần tại Trung Quốc.
Công ty được hỗ trợ bởi hai gã không lồ internet là Tencent và Alibaba. Đồng thời Didi Chuxing cũng đang đầu tư vào Lyft, một ứng dụng đặt taxi của khác là đối thủ của Uber.
Lỗ lớn
"Chinh phục thị trường Trung Quốc trở nên quá đắt đỏ với Uber," ông Duncan Clark, Chủ tịch Hội tư vấn tại Bắc Kinh (BDA), nói với BBC.
"Nhiều người đã nhìn thấy nó như là một trở ngại cho việc phát hành cổ phiểu của công ty.”
Mặc dù đã có chủ đầu tư là ứng dụng tìm kiếm Baidu, Uber vẫn gặp khó khăn trong việc thâm nhập vào thị trường Trung Quốc.
Vào tháng 2 vừa qua, công ty thừa nhận đã lỗ 1 tỷ đôla Mỹ tại Trung Quốc trong việc chi một khoản tiền lớn trong chương trình giảm giá cước.
"Một điều cần xem xét cẩn thận là tác động khi các khoản khuyến mãi biến mất người tiêu dùng sẽ nhận ra rất nhanh", ông Clark nói thêm.
Sự cạnh tranh khốc liệt đã khiến cả hai công ty cần rất nhiều trợ cấp cho cuộc hành trình của họ. Việc sáp nhập giúp giảm thiểu các khoản trợ cấp này.
Luật chơi mới
Thỏa thuận với Didi Chuxing được ký kết chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc đồng ý đưa ra quy định pháp lý cho các ứng dụng đặt taxi.
Cả Uber và Didi đều hoan nghênh quyết định này, sau khi phải hoạt động trong vùng tranh tối tranh sáng ở Trung Quốc.
Trong khi các ứng dụng trở nên rất phổ biến, họ đã làm suy yếu kinh doanh của các hãng taxi bình thường khác và khiến các tài xế taxi lên tiếng biểu tình.
Các quy định mới sẽ có hiệu lực vào ngày 1/11 đồng thời sẽ cấm các hoạt động nằm dưới mức giá chung; và nhà nước cũng có khả năng sẽ hạn chế phạm vi cung cấp các khoản khuyến mãi. - BBC
|
|
Tin Việt Nam
7.
Vụ tin tặc làm Việt Nam 'giật mình' nhưng có dẫn đến thay đổi? --- Tin tặc TQ nước đôi về vụ Vietnam Airlines
Báo chí Việt Nam đưa tin vụ tin tặc hồi cuối tuần trước đã trở thành một chủ đề thảo luận trong cuộc gặp giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang với các cử tri ở thành phố Hồ Chí Minh hôm 1/8. Vụ tin tặc hôm 29/7 đã làm tê liệt một số sân bay lớn của Việt Nam trong vài giờ.
Cử tri đã bày tỏ nỗi lo ngại lớn về hệ thống công nghệ thông tin của ngành hàng không nói riêng và an ninh mạng nói chung ở Việt Nam. Phát biểu với các cử tri, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết việc bảo đảm an ninh không gian mạng “đã được Đảng, Nhà nước đặt lên bàn và đang chỉ đạo xây dựng chiến lược an ninh”.
Ông cũng nhìn nhận là có nguy cơ về chiến tranh mạng, ông nói đó là “hình thái chiến tranh mới, nếu để xảy ra sẽ để lại hậu quả khôn lường”.
Chủ tịch của Việt Nam cũng khẳng định “sự phát triển của Internet khiến chúng ta không thể lãnh đạo theo kiểu cũ nữa”.
Về phát biểu kể trên của Chủ tịch Quang, Cựu đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết nhận định rằng Việt Nam có đủ khả năng thay đổi khi tình hình đòi hỏi:
“Chắc chắn là Việt Nam sẽ có những biện pháp rất tích cực để ứng phó. Công nghệ thông tin ở Việt Nam là một ngành phát triển ở trình độ khá trong khu vực. Tôi tin rằng ở Việt Nam có thể làm được. Nếu mà cần phải huy động nhiều sức người, sức của thì chắc chắn cũng phải làm vì đây là vấn đề an ninh của đất nước”.
Giáo sư Thuyết cũng nhận xét rằng vụ tin tặc vừa rồi làm cho Việt Nam “giật mình” và phải lường trước rằng có thể còn có những vụ nghiêm trọng hơn.
Trong khi đó, ở vị trí cử tri Tp. HCM, nhà hoạt động vì tiến bộ xã hội Hoàng Dũng không có sự lạc quan như ông Thuyết. Ông Dũng nêu lý do:
“Tôi không kỳ vọng và tôi không tin họ có thể làm được, bởi vì những cảnh báo này có từ cách đây 10, 20 năm rồi chứ không phải bây giờ nó xảy ra rồi thì người ta mới muốn thay đổi. Thực ra là người cộng sản người ta nghĩ ra được hết những cái đấy, nhưng mà người ta không thể thay đổi được, bởi vì nó nằm ở mặt ý thức hệ”.
Tại cuộc họp ngày 1/8 với cử tri Tp. HCM, Chủ tịch nước Quang đã phát biểu rằng: "Các chuyên gia mạng khẳng định, Việt Nam là một trong những mục tiêu tấn công hàng đầu của tội phạm mạng nhưng ý thức phòng ngừa của chúng ta chưa đầy đủ”.
Nhà hoạt động Hoàng Dũng dẫn lại thông tin báo chí cũng như nêu ra quan sát cá nhân rằng điều làm cho Việt Nam khó thay đổi trong phương thức quản lý an ninh mạng là nhân sự trong các cơ quan Việt Nam còn non nớt trong sử dụng công nghệ thông tin, bên cạnh đó là mối nguy của việc cả các cơ quan nhà nước lẫn người dân sử dụng quá nhiều phần mềm, thiết bị máy tính, mạng là hàng do Trung Quốc sản xuất.
Trong một bài viết đăng trên trang Dân Việt, nhà nghiên cứu Lê Ngọc Sơn đã ví việc sử dụng các thiết bị và phần mềm “từ những nơi xuất xứ có nguy cơ cao” không khác nào “hành động rắc lông ngỗng của Mỵ Châu” trong câu chuyện tổ tiên người Việt bị mất nước thời xa xưa, để nêu bật lên những mối nguy hiểm to lớn tiềm ẩn đối với Việt Nam.
Cả cựu đại biểu Quốc hội Thuyết lẫn nhà hoạt động Dũng đều đồng ý về nhận định đó. Ông Thuyết nói:
“Cái nhận xét đó cũng có lý vì chúng tôi cũng có biết là có những mạng của Việt Nam toàn sử dụng đồ Trung Quốc thôi, và các máy tính được lắp ráp tại Trung Quốc, có linh kiện của Trung Quốc thì cũng rất là nhiều. Cho nên là nếu bây giờ mình muốn khắc phục, mà khắc phục ngay một lúc thì chắc cũng phải hết sức tốn kém. Nhưng mà tôi nghĩ phải khắc phục thôi, không có cách nào khác cả”.
Ông Dũng bày tỏ hy vọng sau vụ việc vừa qua, hàng Trung Quốc sẽ ít được sử dụng ở Việt Nam hơn:
“Bây giờ cái mức thu nhập của nhiều người dân hoàn toàn có thể lựa được cái đồ của nước ngoài rồi, đồ không phải của Trung Quốc rồi, thì hoàn toàn chúng tôi có thể mua cái đồ đấy để chúng tôi nhặt bỏ những cái lông ngỗng đấy đi”.
Sau vụ tin tặc, nhiều báo Việt Nam đã cáo buộc nhóm hacker 1937cn của Trung Quốc là thủ phạm. Tuy nhiên, hôm 30/7, website được cho là của nhóm 1937cn lên tiếng phủ nhận trách nhiệm.
Công chúng Việt Nam đã bàn luận nhiều trên mạng xã hội về những nguy cơ tấn công mạng vẫn còn tồn tại do tranh chấp biển giữa Việt Nam và Trung Quốc chưa thể giải quyết trong những năm tới, thậm chí còn có thể căng thẳng hơn.
Cựu đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết không nêu tên một nước cụ thể song ông cảnh báo rằng “đối với một kẻ bên ngoài luôn luôn rình rập nước mình thế này, phá nước mình thế này thì mình phải cảnh giác hơn nữa”. - VOA
***
Nhóm tin tặc Trung Quốc 1937CN "không nhận nhưng cũng không bác bỏ trách nhiệm" trong vụ tấn công mạng Vietnam Airlines hôm 29/7.
Tuyên bố này được đăng trên trang Facebook của 1937CN chiều 1/8 giờ Việt Nam, nhưng đã được Lưu Vĩnh Phát, thủ lĩnh nhóm này, nói với báo giới Trung Quốc vào Chủ nhật 31/7.
Trước đó có tin 1937CN phủ nhận liên quan, gọi cáo buộc nhóm này tấn công mạng Vietnam Airlines cũng như màn hình thông tin nhiều sân bay ở Việt Nam là "quy chụp", "vô lý và không khoa học".
Chiều 29/7, một số website của Vietnam Airlines trong có Chương trình Bông Sen vàng đã bị tin tặc tấn công. Trong nhiều phút, giao diện chính của các website bị chiếm đoạt, đổi thành hình thông điệp phản đối nỗ lực của Philippines và Việt Nam tại Biển Đông với logo của nhóm hackers 1937CN.
Đây là một trong các nhóm tin tặc lớn nhất từ Trung Quốc, được nhiều chuyên gia bảo mật cho là có liên hệ với chính quyền Bắc Kinh và đã thực hiện hàng trăm cuộc tấn công vào hạ tầng công nghệ của Việt Nam.
Cũng chiều 29/7, hệ thống loa của sân bay Nội Bài và màn hình quảng cáo của một số sân bay khác bị chiếm sóng, trong nhiều phút phát đi thông điệp cũng về Biển Đông của Trung Quốc.
Các sân bay cho tới tận Chủ nhật vẫn chưa quay lại hoạt động hoàn toàn bình thường, gây quan ngại rất lớn về vụ tin tặc chưa từng có tiền lệ này.
Website của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cũng bị tấn công.
'Kiên quyết phản đối Việt Nam về Nam Hải'
Thủ lĩnh 1937CN Lưu Vĩnh Phát nói với Minh Báo đặt tại Hong Kong rằng lập trường của nhóm này là "không thừa nhận nhưng cũng không bác bỏ" trách nhiệm trong các vụ tin tặc mới nhất ở Việt Nam.
Ông này cho hay 1937CN đã chuyển hướng từ hoạt động tin tặc sang công nghệ an ninh mạng, chuyên sâu "các vấn đề ngoại giao và pháp luật".
Tuy nhiên, ông nói có thể một số thành viên vẫn thực hiện tin tặc dưới danh nghĩa của nhóm nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Lưu Vĩnh Phát nói với một tờ báo khác, Hoàn Cầu Thời báo: "1937CN là tổ chức phi chính phủ. Chúng tôi không muốn làm nạn nhân của chính trị".
Thế nhưng ông Lưu khẳng định: "Trong khi định nghĩa về tội phạm mạng còn mơ hồ ở Trung Quốc, nhóm chúng tôi sẽ khởi chiến trên không gian ảo nhằm bảo vệ đất nước và nhân dân khi chủ quyền và quyền lợi quốc gia bị các nước ngoài xâm phạm".
1937CN được thành lập năm 2008, từng tham gia cuộc chiến trên mạng Trung-Nhật năm 2012 và một cuộc chiến tương tự với các hackers Việt Nam năm 2013, theo Lưu Vĩnh Phát.
Nhiều thành viên nhóm này hiện đang làm việc cho các công ty an toàn mạng.
1937CN chủ trương "Nam Hải (Biển Đông), đảo Hoàng Nham (bãi cạn Scarborough), đảo Điếu Ngư (đảo Senkaku), đảo Thái Bình (Ba Bình)... đều thuộc Trung Quốc". - BBC
|
|
8.
Trung Quốc sẽ lại ‘dạy cho Việt Nam một bài học’?
Một số thành phần trong quân đội Trung Quốc đang gây áp lực cho giới lãnh đạo nước này phải có phản ứng mạnh mẽ hơn sau phán quyết của Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc. Hãng tin Reuters đăng tải thông tin trên hôm qua, 31/7, dẫn các nguồn tin giấu tên có quan hệ gần gũi với quân đội và lãnh đạo nước này.
Cho dù phản bác quyết định của Tòa ở La Haye, Hà Lan, Bắc Kinh tới nay vẫn chưa đưa ra chỉ dấu nào cho thấy sẽ hành động cứng rắn hơn nữa.
Nhưng hãng tin Reuters dẫn lời bốn nguồn tin nhận định rằng “một số thành phần trong quân đội Trung Quốc đang thúc ép chính quyền phải phản ứng mạnh hơn nữa, có thể cả hình thức vũ trang, nhắm vào Hoa Kỳ và các đồng minh của nước này trong khu vực”.
Một nguồn tin thân cận với quân đội nói với hãng tin Reuters rằng “Quân đội Giải phóng Nhân dân đã sẵn sàng”, và rằng “chúng ta cần phải đánh cho họ hộc máu mũi như Đặng Tiểu Bình từng làm với Việt Nam năm 1979”.
Hãng tin Reuters dẫn lời một nguồn tin khác có quan hệ với giới lãnh đạo Trung Quốc nói rằng quan điểm chung hiện nay trong quân đội nước này khá là “diều hâu”.
Trong khi đó, khi được hỏi là liệu quân đội Trung Quốc có thúc đẩy một phản ứng mạnh mẽ hơn, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc chỉ nói rằng các lực lượng vũ trang sẽ “quyết tâm bảo vệ lãnh thổ và lãnh hải của Trung Quốc cũng như hòa bình và ổn định, trong khi đương đầu với bất kỳ mối đe dọa hay thách thức nào”.
Theo Reuters, hiện chưa rõ các bước đi mà những người có tư tưởng cứng rắn trong quân đội muốn thực hiện.
Nhưng hãng tin này viết rằng mọi sự chú ý đang dồn vào khả năng Trung Quốc có thể lập Vùng Nhận dạng Phòng không ở biển Đông, hay trang bị tên lửa có khả năng bắn trúng các mục tiêu ở Philippines hoặc Việt Nam cho các máy bay ném bom tuần tra biển Đông.
Reuters dẫn lời các chuyên gia nhận xét rằng dù có những động thái trên, chưa thấy quân đội Trung Quốc thực hiện các bước đi cụ thể có thể gây căng thẳng, vì “giới lãnh đạo Trung Quốc hiểu rõ các nguy cơ của một cuộc xung đột”.
Khi được hỏi có bất ngờ trước các tuyên bố của quan chức Trung Quốc, ông Phan Tất Thành, một cựu du học sinh tại Trung Quốc, nói “không” với VOA Việt Ngữ.
Về dư luận ở trong nước sau các tuyên bố mạnh mẽ của Trung Quốc, ông Thành nói thêm:
“Dân đòi hỏi chính phủ phải quyết liệt hơn, phải kiện [Trung Quốc], phải đủ thứ, nhưng mà chính phủ Việt Nam vẫn có một đối sách mềm dẻo, giữ tình thân thiết đồng chí, 16 chữ [vàng] và 4 [tốt], mặc dù liên tục bị o ép. Thật ra mà nói, các ông lãnh đạo bây giờ cũng rất là khó, chứ không phải không. Bây giờ mà xảy ra chiến tranh thì cũng tan nát hết. Giữ hòa bình, giữ như thế nào, cũng là vấn đề rất khó mà dân chúng cứ sôi sục”.
Trong khi đó, tờ Giáo dục Việt Nam cũng dẫn lại bài viết của Reuters, đặt tựa đề: “Ông Tập Cận Bình đang bị các tướng 'ép' chống phán quyết trọng tài Biển Đông?”
Tờ này viết rằng “đã đến lúc Chủ tịch Tập Cận Bình cần xem lại công tác tham mưu, đội ngũ tham mưu của mình về chính sách đối ngoại, cụ thể là biển Đông”.
Báo thuộc Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Việt Nam từng đăng các bài viết được cho là “chống” Bắc Kinh mạnh mẽ thời gian qua.
Tờ này từng cho rằng tờ “Tầm nhìn” của Trung Quốc “xấc xược” khi nhận định rằng “chỉ cần 3 ngày là biến Việt Nam thành tỉnh của Trung Quốc".
Trong một diễn biến khác liên quan, tờ Nhân dân Nhật báo dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Thường Vạn Toàn nói hôm 31/7 rằng Trung Quốc “đủ bản lĩnh và khả năng xử lý một loạt các khiêu khích và đe dọa về an ninh”.
Phát biểu tại buổi lễ đánh dấu 89 năm ngày thành lập Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa, ông Thường nói rằng lực lượng này “kiên định bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh và các quyền lợi phát triển, bao gồm sự toàn vẹn lãnh thổ cũng như chủ quyền lãnh hải”.
Dù quan chức quốc phòng cấp cao này không đề cập trực tiếp tới phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế, nhưng nói rằng căng thẳng leo thang trong năm 2016 vì các cuộc tuần tra của Mỹ [ở biển Đông] và vụ kiện Trung Quốc của Philippines. - VOA
|
|
9.
VN thanh tra vụ Mobifone mua AVG
Chính phủ Việt Nam quyết định thanh tra toàn diện việc Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), theo sau chỉ đạo của lãnh đạo Đảng Cộng sản.
Vào tháng 1/2016, Mobifone thông báo hoàn thành việc mua cổ phần của AVG.
Thương hiệu truyền hình An Viên của AVG sau đó đổi tên thành MobiTV.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Thanh tra Chính phủ “khẩn trương tiến hành thanh tra toàn diện về Dự án Mobifone mua 95% cổ phần của AVG”.
“Nếu có dấu hiệu vi phạm thì chuyển cơ quan điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật,” theo văn bản ngày 1/8 do Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình ký thay.
Văn bản cho biết quyết định đưa ra theo sau ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư trong văn bản của Văn phòng Trung ương Đảng ngày 22/7.
Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam hiện là ông Đinh Thế Huynh.
Văn bản của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng gửi cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để báo cáo.
Chờ đợi cổ phần hóa
Mobifone, trực thuộc thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, là một trong những doanh nghiệp nhà nước thành công nhất Việt Nam.
Giới đầu tư từ lâu rất quan tâm phương án cổ phần hóa doanh nghiệp này, mà hiện vẫn chưa có quyết định cuối cùng.
Hồi tháng 1 khi thực hiện phi vụ, báo Đầu tư thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt câu hỏi về tin đồn giá mua 8.900 tỷ đồng, nhưng lãnh đạo Mobifone từ chối trả lời, nói rằng đây là “điều khoản bảo mật giữa hai bên”.
Mobifone giải thích với tờ báo này khi đó rằng họ mua AVG là “để đa dạng dịch vụ cung cấp cho khách hàng, bước chân vào mảng truyền hình trả tiền”.
Mobifone cũng tuyên bố việc mua AVG sẽ nâng giá trị thương hiệu của họ khi cổ phần hóa.
Việc mua AVG diễn ra sau khi Thủ tướng nhiệm kỳ trước Nguyễn Tấn Dũng chấp thuận về chủ trương cho phép Mobifone tham gia đầu tư cung cấp dịch vụ truyền hình. - BBC
|
|
10.
Dân bị đánh đập vì phản đối doanh nghiệp xây dựng nhà máy khi chưa đền bù
Thêm một dự án xây dựng chính quyền giao đất cho doanh nghiệp xây dựng nhà máy, trong khi doanh nghiệp chưa đền bù cho dân, dân phản đối nhà máy xây dựng thì chính quyền lại huy động một lực lượng lớn công an đánh dân.
Đền bù không thỏa đáng
Vào khoảng 8h sáng ngày 30 tháng 7 năm 2016, nhiều người dân ở một số thôn trên địa bàn xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đã vào tận nơi nhà máy xi măng Sông Lam được xây dựng trên địa bàn để phản đối không cho nhà máy hoạt động vì chưa đền bù cho người dân.
Theo anh Hào, một người dân ở địa phương cho biết nhà máy đã tiến hành xúc tiến xây dựng hơn 1 năm nay, đến nay đã chuẩn bị được đưa vào hoạt động, các máy móc đã được chuyển về đây, doanh nghiệp có hứa sẽ đền bù thỏa đáng cho người dân, tuy nhiên đến nay người dân vẫn chưa được nhận 1 số tiền đền bù nào dù nhiều lần người dân đã lên tiếng. Bức xúc trước việc đó, sáng nay người dân mới tập trung vào nhà máy để phản đối.
Anh Hào cho biết:
“Mới năm ngoái, chưa đền bù cái chi cả, họ đã làm rồi, hoạt động xong rồi, máy cẩu múc máy chi về rồi.”
Chị N xin được giấu tên một người dân ở địa phương cũng cho biết thêm, hiện nay xã Nghi Thiết đa số là những người đi đánh bắt cá và từ biển đi vào trong dân cư chỉ có 1 người duy nhất, tuy nhiên doanh nghiệp lại đổ đất lấp đường, lấp biển không cho dân đi, hơn nữa lại đền bù không thỏa đáng, khi dân ra đứng ra phản đối không cho doanh nghiệp đổ đất lấp đường đi của người dân thì chính quyền không bảo vệ người dân mà họ lại huy động một lực lượng lớn cảnh sát cơ động để đánh đập người dân.
Chị N chia sẻ:
“Con đường này người ta đền bù cũng không thỏa đáng cho người dân là chuyện thứ nhất, thứ hai 2 nữa người dân chỉ có duy nhất 1 con đường này để đi nhưng người ta không cho đi thì lấy đâu mà đi làm ăn nữa.”
Trong khu vực nhà máy xi măng Sông Lam này có 1 nghĩa trang của người dân, và nghĩa trang này đã bị doanh nghiệp giải tỏa từ tháng 4 năm 2016, người dân cũng đã biểu tình phản đối nhưng họ đều bị chính quyền đàn áp.
Chị N cho biết thêm:
“Ngày trước cũng có biểu tình, có xô xát nhưng lực lượng công an chỉ đứng về phía phe công ty Vissai này thôi không đứng về người dân.”
Người dân bị đánh đập
Khi người dân phản đối yêu cầu nhà máy xi măng Sông Lam đền bù cho dân như những gì họ đã hứa thì người dân không nhận được sự hợp tác của doanh nghiệp mà doanh nghiệp lại yêu cầu chính quyền can thiệp để xử lý giúp cho doanh nghiệp.
Trên mạng xã hội Facebook, nhiều cư dân mạng đã chia sẻ về video cảnh đụng độ giữa cảnh sát và cơ động với người dân. Cảnh sát cơ động thì được huy động với một lực lượng lớn được trang bị vũ khí trong khi người dân lại tay không.
Chị N cho biết, ngay từ sáng sớm, vào lúc 6h thì lực lượng cảnh sát cơ động để chặn con đường không cho người dân ra phản đối, chị cũng cho biết có một người đàn ông đi khám chữa bệnh thì lực lượng cảnh sát không cho lại còn đánh đập người này.
Chị N cho biết thêm.
“Có một bác lúc sáng đi khám bệnh đi qua con đường công ty Vissai đang còn thi hành, công an không cho đi và đánh đập, giẫm trên người, trên ngực rồi đưa bác lên xe, bác còn đang nằm trên này.”
Chị N cũng cho biết khi người dân đứng ra phản đối không cho doanh nghiệp này đổ đất thì chính quyền đã huy động lực lượng lớn cảnh sát cơ động ngăn chặn sau đó cuộc đụng độ giữa người dân và cảnh sát cơ động đã diễn ra, người dân bị thương rất nhiều trong đó có 5 người bị thương rất nặng hiện đang cấp cứu tại bệnh viện huyện Nghi Lộc, ở xung quanh bệnh viện cũng được công an bảo vệ, nếu không phải người nhà cũng những người bị thương họ sẽ không cho vào.
Chị N nói:
“Bị thương rất nhiều người thì không nói, nhưng bị thương nặng thì có 4, 5 người.”
Theo ông Thao một người dân ở địa phương cho biết thì tình hình hiện nay tại xã Nghi Thiết đang còn rất nóng, hiện nay cảnh sát cơ động đang còn đi lại trong dân, nhưng người dân quyết sẽ bảo vệ con đường ra biển, con đường đi làm ăn này.
“Chiều này công an vẫn dạo qua dạo lại, chuẩn bị mai đổ đất, mà dân đang định bố trí cột thuyền không đi biển ở nhà bảo vệ đất của mình, chưa thỏa thuận khoản hỗ trợ nên dân không cho đổ, sáng nay họ đã đổ đất rồi đó.”
Chị N cũng cho biết thêm:
“Người dân thì đang còn ngồi ở đây, lúc nào họ đổ cát xuống dưới biển thì người dân sẽ đi biểu tình còn lực lượng công an thì một số rất đông còn đang đứng ngoài đường.”
Vào chiều ngày 31 tháng 7 năm 2016, sau 1 ngày người dân bị lực lượng cảnh sát cơ động đánh, chúng tôi có liên lạc được với chị Hạnh 1 người dân ở địa phương và chị cho biết tình hình những người bị đánh.
“Có 1 người đang điều trị ở bệnh viện huyện Nghi Lộc thì bị nặng, còn mấy người kia đã được về nơi làng để điều trị lại.”
Ý kiến của các cơ quan chính quyền
Để tìm hiểu rõ hơn thông tin, chúng tôi có liên lạc với các cơ quan chính quyền địa phương cũng như bên phía doanh nghiệp, nhưng họ đều từ chối trả lời.
Chúng tôi tiếp tục liên lạc với trưởng công an xã Nghi Thiết thì ông trả lời như sau rồi cúp máy:
“Tôi không biết.”
Dẫn lời của ông Lê Ngọc Hoa Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An trả lời trên báo Lao Động số ra ngày 8 tháng 4 năm 2016 cho biết: Dự án đang triển khai ở xã Nghi Thiết là dự án trọng điểm của tỉnh để phát triển kinh tế cho toàn tỉnh, tuy nhiên hiện nay đang còn một số vướng mắc trong việc giải tỏa mặt bằng, ông cũng cho biết sẽ vận dụng chính sách để hỗ trợ cho người dân để đẩy nhanh tiến độ thi công.
Dự án đang thực hiện ở xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc tỉnh Nghệ An do công ty cổ phần xi măng Sông Lam thuộc Vissai Group là đơn vị thi công.
Chị N cũng chia sẻ với chúng tôi, người dân đóng thuế để nuôi chính quyền, nhưng chính quyền lại không bảo vệ dân mà lại còn bảo vệ cho doanh nghiệp để đánh đập người dân điều đó không thể chấp nhận được. Chị N cũng cho biết nếu con đường mà bị lấp thì dân ở đây sẽ không có con đường để đi làm ăn nên người dân sẽ kiên quyết bảo vệ trong khi công an vẫn còn ở đây rất đông. - RFA
No comments:
Post a Comment