Tuesday, August 9, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Ba 9/8

Tin Thế Giới

1.
TQ xây nhà để máy bay ở Biển Đông (Trường Sa) --- Trung Quốc lập phòng thí nghiệm tài nguyên Biển Đông

Hình chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã xây nhà để máy bay kiên cố trên các đảo tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Hãng tin Reuters dẫn nguồn tổ chức nghiên cứu độc lập CSIS ở Washington nói các hình ảnh vệ tinh chụp hồi tháng 07/2016 cho thấy các nhà để máy bay được xây trên đảo Đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa.

Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế phân tích, chưa có chứng cứ “cho thấy Bắc Kinh triển khai phi cơ quân sự tới những tiền đồn này. Nhưng việc nhanh chóng xây dựng các nhà để máy bay gia cố ở cả ba địa điểm là chỉ dấu cho thấy điều này có thể sẽ thay đổi”.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với đa số khu vực ở Biển Đông. Tuy nhiên hồi tháng Bảy, tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đưa ra phán quyết rằng tuyên bố của Bắc Kinh không có cơ sở, sau khi Philippines khởi kiện nước này về yêu sách ‘Đường Chín đoạn’.

Các nhà để máy bay trên ba đảo ở Trường Sa cho thấy cấu trúc đã được củng cố.

“Chúng dày hơn nhiều so với [những cấu trúc] được xây cho mục đích dân dụng,” theo Gregory Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) nói với New York Times.

“Chúng được gia cố để có thể tiếp nhận tấn công,” ông được dẫn lời nói.

Chiến đấu cơ

Các cơ sở khác gồm các tòa tháp chưa được nhận diện rõ và cấu trúc lục giác cũng được xây dựng trên các đảo nhỏ trong thời gian gần đây.

Trang Philstar.com của Philippines đưa tin, nhà để máy bay nhỏ nhất có thể chứa bất kỳ chiến đấu cơ nào của quân đội Trung Quốc, trong khi nhà để máy bay cỡ trung có thể chứa máy bay thả bom, máy bay tiếp nhiên liệu, máy bay dân dụng và một máy bay Kiểm soát và Cảnh báo trên không.

“Nhà để máy bay lớn nhất có thể chứa được phi cơ lớn nhất trong đội hình PLAAF [Không quân Trung Quốc] – máy bay vận tải Y-20 và II-76, máy bay tiếp nhiên liệu II-78, và máy bay giám sát KJ-2000,” bài báo dẫn báo cáo của AMTI.

Các hình ảnh vệ tinh được đưa ra sau phán quyết của PCA chỉ một tháng. Bắc Kinh tuyên bố không chấp nhận phán quyết này và khẳng định có chủ quyền “không thể tranh cãi” ở quần đảo Trường Sa và vùng nước xung quanh đó.

Việt Nam, Philippines, Malaysia, Đài Loan và Brunei cũng tuyên bố chủ quyền đối với nhiều khu vực trên Biển Đông.

Hoa Kỳ thúc giục Trung Quốc và các bên liên quan không quân sự hóa Biển Đông, tuy nhiên Trung Quốc phủ nhận điều này và ngược lại cũng chỉ trích các hoạt động tập trận và tuần tra trên biển của Hoa Kỳ trong khu vực.

Hôm 04/08, Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa ra phản hồi hai ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc được Tân Hoa Xã dẫn lời kêu gọi người dân Trung Quốc chuẩn bị "chiến tranh nhân dân ngoài biển" để đối phó đe dọa an ninh và bảo vệ chủ quyền.

Người Phát ngôn Ngoại giao Lê Hải Bình nói trong cuộc họp báo rằng, "quan chức của các nước cần phát biểu và hành động một cách phù hợp với các tuyên bố chính thức cũng như nghĩa vụ của quốc gia mình là tôn trọng luật pháp quốc tế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định của khu vực cũng như trên thế giới". - BBC

***
Trang thông tin mạng AsiaOne, hôm nay 09/08/2016, dẫn lời một quan chức tỉnh Hải Nam, Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẽ mở một phòng thí nghiệm tại tỉnh Hải Nam vào tháng 11/2016 để tập trung nghiên cứu việc khai thác nguồn tài nguyên của Biển Đông.

Phòng thí nghiệm quan trọng này là một công trình trọng điểm Nhà nước được thành lập theo trên ý tưởng của Cục Khoa học và Công Nghệ Hải Nam và Đại học Hải Nam. Mục đích hoạt động của cơ sở là nghiên cứu khái thác, sử dụng các nguồn tài nguyên trong vùng Biển Đông. 

Lãnh đạo Cục Khoa học và Công Nghệ Hải Nam cho biết,  phòng thí nghiệm sẽ giúp Trung Quốc sử dụng tốt hơn các nguồn tài nguyên biển ở Biển Đông. Đây là một trọng  điểm quốc gia để hỗ trợ cả công nghệ và các nhân tài cho chiến lược Biển Đông của Trung Quốc.

Ông Trần Ủng Quân (Chen Yongjun), phó giám đốc phòng thí nghiệm cho biết: "Sẽ có khoảng 40 nhà nghiên cứu làm việc tại phòng thí nghiệm, nhưng trước tiên chúng tôi sẽ tuyển 24 nhà nghiên cứu từ các trường đại học, và sau đó sẽ tuyển thêm các tài năng ở trong và ngoài nước".

Với các kế hoạch hoạt động năm năm, phòng thí nghiệm sẽ nhận mỗi năm 10 triệu nhân dân tệ (1.5 triệu đô la Mỹ) từ chính quyền tỉnh Hải Nam cho việc xây dựng, hoạt động hàng ngày, các dự án nghiên cứu và tuyển dụng nhân tài.

Một giáo sư về sinh học biển  của phòng thí nghiệm cho biết  cơ sở nghiên cứu quy mô này sẽ có tác động tích cực đến việc bảo đảm chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông vì "chỉ khi chúng tôi biết rõ hơn về vùng Biển Đông, thì chúng tôi mới có thể bảo vệ tốt hơn quyền lợi của dân tộc, nhà nghiên cứu nói". - RFI
|
|

2.
Trưng cầu Hiến pháp Thái Lan: Một "thảm họa chính trị"

Trưng cầu dân ý về Hiến pháp Thái Lan hôm Chủ nhật 07/08/2016 là chủ đề của xã luận báo Le Monde. Bài "Sự thụt lùi" giải thích vì sao cuộc trưng cầu dân ý nói trên lại là một "thảm họa chính trị".

Xã luận Le Monde mở đầu với mô tả tâm trạng thất vọng, mệt mỏi của người dân Thái trước điều mà họ gọi là "một thập niên phí phạm". Kể từ cuộc đảo chính năm 2006, lật đổ chính phủ của thủ tướng Thaksin, "vương quốc chìm trong khủng hoảng triền miên, với nhiều biểu tình, bạo động, đôi khi bị quân đội đàn áp khốc liệt, và các cuộc đảo chính".  Cuộc trưng cầu dân ý dường như không mở ra triển vọng cho việc chấm dứt giai đoạn bất ổn này. 

Theo quan điểm của tập đoàn quân sự cầm quyền và những người ủng hộ họ, thì "nền dân chủ cuối cùng cũng chỉ để phục vụ cho việc bầu lên những ‘‘kẻ tham nhũng’’ và ‘‘những người xấu’’, như kiểu ông Thaksin". Theo Hiến pháp vừa được đa số cử tri Thái Lan ủng hộ, chính phủ mới được cử tri lựa chọn "sẽ không có nhiều quyền hạn, và liên tục phải đối mặt với nguy cơ bị giải tán". Hệ thống bầu cử mới "sẽ gây bất lợi cho các đảng phái lớn và buộc họ phải liên minh với nhau để lập ra các chính phủ liên hiệp mong manh, và chắc chắn sẽ không hiệu quả".

Theo Le Monde, hiến pháp mới nhất này - trong khoảng 20 hiến pháp Thái Lan kể từ năm 1932 – chỉ là một phương tiện để chính quyền quân sự củng cố uy quyền trong bối cảnh nền kinh tế của "con hổ" già châu Á đang suy yếu, đặc biệt trong giai đoạn quá độ hết sức nhạy cảm, khi vua Bhumibol lâm bệnh nặng. Tương lai của nền quân chủ Thái Lan hết sức mờ mịt, uy tín của hoàng gia xuống thấp, khi không ít người dân dành sự ủng hộ cho các thủ tướng bị quân đội lật đổ.

Xã luận của Le Monde kết luận với nhận định : Hiến pháp mới do tập đoàn quân sự áp đặt - một bước thụt lùi của nền dân chủ Thái Lan – "càng trở nên đáng ngại hơn khi nó không giải quyết được ba vấn đề chính đang kìm hãm tương lai của đất nước". Đó là một nhà nước dựa vào một "nhà vua được thần thánh hoá", "vai trò của quân đội" và những toan tính "của tầng lớp thượng lưu trong một quốc gia đang trở nên bất ổn hơn và nghèo hơn".

Cũng trong hồ sơ này, Le Monde có bài "Bangkok, một Hiến pháp phục vụ cho giới quân sự", chỉ ra rằng, cho dù có đến 62% cử tri đồng ý với bản Hiến pháp mới, nhưng theo một chuyên gia, ở các vùng nông thôn, nhiều người bỏ phiếu thuận cũng chỉ vì mong muốn "cuộc sống trở lại bình thường". Tuy nhiên, thực tế là "cũng đã có gần đến 40% cử tri phản đối bản Hiến pháp", cho dù trước đó những người tuyên truyền chống Hiến pháp của tập đoàn quân sự, đã bị chính quyền "truy bức", "bịt miệng". - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
TNS Cộng hoà, cựu giới chức an ninh tuyên bố không bầu cho ông Trump

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hoà Susan Collines tuyên bố bà sẽ không bầu cho ứng cử viên tổng thống do chính đảng của bà đề cử, ông Donald Trump, bởi vì ông không đại diện cho các giá trị của Đảng Cộng hoà, hoặc cho lối tiếp cận “bao gồm mọi thành phần trong đường lối cai trị mà đất nước cần có.”
 
Thượng nghị sĩ Susan Collins viết một bài bình luận đăng trên tờ The Washington Post, nói rằng quan điểm của bà cho rằng ông Trump không đủ năng lực để làm tổng thống được dựa trên việc ông hoàn toàn gạt sang một bên nguyên tắc phải đối xử với mọi người bằng sự tôn trọng.

Thượng nghị sĩ Collins nói tiếp: “Thay vào đó, ông châm biếm những người dễ bị tổn thương nhất, và khơi dậy những thành kiến bằng cách tấn công các thiểu số sắc tôc và tôn giáo.”

Bà bày tỏ lo ngại rằng nếu được bầu lên, “sự thiếu tự chủ của ông Trump và những tràng phát biểu của ông dựa trên những thông tin sai lệch” sẽ khiến cho thế giới trở thành một nơi chốn nguy hiểm hơn.

Bà nói: “Một ứng cử viên Tổng thống mà lại công khai đặt nghi vấn về liệu có nên tôn trọng cam kết của chúng ta đối với các đồng minh hay không, là một hành động thiếu trách nhiệm. Khuynh hướng của ông Trump mạnh mẽ tấn công người khác mỗi khi bị thách thức sẽ làm leo thang nguy cơ tranh chấp có thể vuột ra khỏi tầm kiểm soát.”

Tính tới đêm hôm qua, thứ Hai 8/8 chiến dịch tranh cử của ông Trump chưa bình luận gì về tuyên bố của Thượng nghị sĩ Collins. Nhưng họ đã trả lời bức thư của 50 cựu quan chức an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại đã từng phục vụ dưới quyền các Tổng thống Đảng Cộng hoà, cũng đã tuyên bố rằng họ cũng sẽ không bầu cho ông Trump.

Trong số các quan chức này có các cựu Bộ trưởng An ninh Nội địa Michael Chertoff và Tom Ridge, cựu Giám Đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) Michael Hayden, và cựu Giám Đốc Tình báo Quốc gia kiêm Ngoại trưởng John Negroponte. Các quan chức này nói họ biết cần những gì để làm tổng thống, và nhận định ông Trump không có tính khí cũng như kinh nghiệm để có thể làm tổng thống.

Bức thư có đoạn viết: “Ông Trump đã nhiều lần chứng minh là ông không có sự hiểu biết sâu sắc về các quyền lợi quốc gia sống còn của Hoa Kỳ, các thách thức ngoại giao phức tạp, các quan hệ liên minh thiết yếu, và các giá trị dân chủ để làm căn bản cho chính sách đối ngoại.” Vẫn theo bức thư thì “cùng lúc, ông Trump liên tục ca ngợi các kẻ thù của Mỹ trong khi đe doạ các đồng minh và bạn bè của chúng ta.”

Các cựu quan chức cấp cao này viết rằng ông Trump chứng tỏ “một sự kém hiểu biết đáng lo ngại về những sự thật cơ bản” về chính trị quốc tế của thời nay và cho thấy ông không có ý định muốn học hỏi để nâng lên tầm hiểu biết của mình.

Chiến dịch tranh cử của ông Trump nói những người đã ký tên vào bức thư đáng tội “bị quy lỗi là đã làm cho thế giới trở nên nguy hiểm như thế này.”

Phe ông Trump nói tiếp: “họ không là gì khác hơn là thành phần ưu tú thất bại ở Washington đang tìm cách bám víu quyền lực, và đã tới lúc họ phải chịu trách nhiệm về những hành động của họ.” 

Chiến dịch của ông Trump quy lỗi cho nhóm cựu quan chức và đối thủ của ông Trump bên Đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton, về quyết định xâm lăng Iraq năm 2003, dẫn đến sự phát triển của Nhà nước Hồi giáo.

Mặt khác, chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton cũng ra một thông báo hôm qua sau khi gia đình của hai người Mỹ bị giết trong một cuộc tấn công năm 2012 vào lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi, Libya, đâm đơn truy tố bà Clinton.

Bà Patricia Smith, mẹ của Sean Smith và ông Charles Woods, cha của Tyrone Woods đã đệ đơn kiện bà Clinton về cái chết lẽ ra không đáng chết của con họ, nói rằng có xác suất cao là việc bà Clinton sử dụng hệ thống email tư trong thời làm ngoại trưởng đã giúp các phần tử chủ chiến tiếp cận thông tin nhạy cảm.

Cuộc tấn công đã giết 4 người Mỹ gồm Đại sứ Christopher Stevens, Smith, Woods và Glen Doherty.

Một cuộc điều tra kéo dài 2 năm của Hạ viện do Đảng Cộng hoà lãnh đạo, kết thúc hồi tháng 6 mà không có cáo buộc nào mới rằng bà Clinton đã làm bất cứ điều gì sai trái liên quan tới cuộc tấn công ở Benghazi.

Người phát ngôn của chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton, Nick Merril nói trong một tuyên bố đáp lại đơn kiện, rằng “Không ai có thể tưởng tượng được nỗi đau của các gia đình những người Mỹ can đảm mà chúng ta đã mất ở Benghazi, đã có 9 cuộc điều tra khác nhau vào cuộc tấn công ở đó và không có cuộc điều tra nào tìm thấy bất cứ chứng cớ nào về bất cứ hành vi sai trái nào của bà Hillary Clinton.”

Hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ tuần này đang tập trung vào kế hoạch của họ để phát triển kinh tế.

Hôm qua, ông Trump đọc một bài diễn văn ở Detroit, nói rằng ông muốn “khởi động lại nước Mỹ.”
 
Ông đề nghị cắt giảm thuế cho cá nhân người đóng thuế và các công ty, cũng như đình chỉ các quy định mà theo ông đặt ra một gánh nặng đối với doanh thương. 

Ông cam kết sẽ soạn lại hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đã có từ những năm của thập niên 1990, và rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), là hiệp định đã được trình lên quốc hội nhưng chưa được thông qua.

Ông Trump còn miêu tả bà Clinton là muốn tiếp tục các chính sách mà theo ông đã thất bại dưới chính quyền của Tổng thống Obama.

Ông nói: “Tất cả những gì mà bà Hillary Clinton đề nghị chỉ là mọi sự như cũ, thêm nhiều thuế hơn, nhiều quy định hơn, nhiều công chức hơn, nhiều hạn chế hơn đối với năng lượng của Mỹ và ngành sản xuất của Mỹ. Nếu quý vị là một thế lực bên ngoài muốn làm suy yếu nước Mỹ, quý vị không thể làm hơn nghị trình kinh tế của bà Hillary Clinton.” 

Bà Hillary Clinton đáp lại rằng các kế hoạch của ông Trump chỉ giúp cho thành phần giàu có: 

“Các kế hoạch thuế má của ông Donald Trump sẽ gồm các khoản cắt giảm thuế lớn cho các tập đoàn công ty, và thành phần giàu có như ông ta, và những người viết bài diễn văn cho ông, có đúng không nào?”

Bà nói chính sách kinh tế của ông Trump chỉ giúp đẩy đất nước vào tình trạng suy thoái kinh tế. Theo lịch trình, bà Hillary Clinton sẽ đọc bài diễn văn về chính sách kinh tế của bà ở Detroit vào ngày thứ Năm tuần này. - VOA
|
|

4.
Delta hủy thêm chuyến bay sau vụ trục trặc máy tính

Hãng hàng không Delta cho biết họ đã hủy gần 250 chuyến bay trong ngày thứ Ba trong lúc họ đang hồi phục từ vụ trục trặc hệ thống máy tính hôm thứ Hai.

Delta nói rằng sự cố này xảy ra là do mất điện tại trung tâm của họ ở thành phố Atlanta, rằng một số hệ thống trọng yếu của họ đã không thể bật sang nguồn điện dự phòng mà lẽ ra có thể giữ cho những hệ thống này hoạt động.

Vì mạng máy tính không hoạt động, tất cả những chuyến bay của Delta đã không thể cất cánh trong nhiều tiếng đồng hồ hôm thứ Hai, và cuối cùng khoảng 1.000 chuyến bay bị hủy trên khắp nước Mỹ và ở ngoài nước. Thêm hàng ngàn chuyến bay bị hoãn.

Những chuyến bay cất cánh trở lại vào đêm ngày thứ Hai, nhưng một quan chức của Delta nói rằng họ "vẫn đang hoạt động trong trạng thái hồi phục."

Những chuyên gia trong ngành đã bắt đầu liên kết những vụ trục trặc hệ thống máy tính của các hãng hàng không, với những thương vụ sáp nhập đòi hỏi phải tích hợp những hệ thống máy tính cũ từ những công ty đối thủ vào một hệ thống mở rộng duy nhất do công ty mới vận hành.

Những nhà phân tích nói những vụ mất điện như vậy trong những hệ thống cũ cũng đang trở nên phổ biến hơn, khi những hãng hàng không tiếp tục tự động hóa những dịch vụ liên quan đến chuyến bay, và một loạt những hoạt động sau hậu trường liên quan đến mọi thứ, từ lịch biểu của nhân viên cho đến những bảng điện tử hiển thị chuyến bay đến và đi.

Tháng trước, hãng Southwest đã đưa ra lời xin lỗi chính thức và nhiều hình thức giảm giá cho hành khách bị ảnh hưởng bởi 2.300 chuyến bay bị hủy và 8.000 chuyến bay bị hoãn khi những hệ thống máy tính của họ, vốn đã bị quá tải vì thương vụ sáp nhập hàng không vào năm 2010, bị sập. Công ty này kể từ đó đã bắt đầu đầu tư hàng triệu đôla vào công nghệ mới.

Hãng United cũng gặp phải những vấn đề tương tự hồi năm ngoái. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Đoàn xe của Thủ tướng VN gây ‘sốt’ mạng xã hội

Video và hình ảnh đoàn xe khoảng 10 chiếc màu đen của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại các tuyến đường được cho là phố đi bộ ở Hội An, Quảng Nam, đang gây ra các phản ứng trái chiều trên mạng xã hội.
 
Đài tiếng nói Việt Nam đưa tin, ông Phúc chiều tối 8/8 tới thăm khu phố cổ ở miền Trung, trước khi tham dự một hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch. 

Các hình ảnh được truyền thông nhà nước đăng tải cho thấy ông Phúc tươi cười nói chuyện với người dân địa phương, du khách và thậm chí còn chụp cả ảnh “selfie” với một số người. VOV dẫn lời ông Phúc nói rằng “tôi quảng bá cho du lịch Hội An đấy nhé”.

Trong khi đó, trên các trang mạng “lề trái”, xuất hiện các hình ảnh và video, mà VOA Việt Ngữ chưa thể kiểm chứng độc lập, cho thấy khoảng một chục chiếc xe tháp tùng ông Phúc lăn bánh trên các con phố nhỏ, hẹp trong khi các du khách vẫn đi lại. 

Ông Quang Ba, nhân viên một quán ăn ở Hội An, cho VOA Việt Ngữ biết ông có thấy đoàn xe đi qua khu phố cổ. 

Ông nói thêm: “Đoàn xe đi ngang qua đây ra đường Bạch Đằng rồi lên quảng trường Sông Hoài đó. Tuyến đường đó là đường đi bộ. Trong phố cổ thì phải đi bộ, không được đi xe điện. Ôtô phải đậu ở phía ngoài đó rồi thì bắt đầu đi bộ vô phố cổ. Thấy hôm qua đi ngang qua đó thôi, còn mục đích gì thì không biết”. 

Theo truyền thông trong nước, đề án “Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ” được thực hiện từ năm 2004 trên tất cả các phố nằm trong nội vi đô thị cổ Hội An gồm ba trục đường chính gồm Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Bạch Đằng làm trung tâm”. 

Tờ Lao Động điện tử đưa tin rằng “ban đầu chủ trương này nhằm giảm thiểu tiếng ồn từ tiếng động cơ của xe máy, đảm bảo an toàn cho du khách, đến nay đã trở thành sản phẩm văn hóa du lịch đặc trưng của Hội An, góp phần rất lớn trong công tác quảng bá văn hoá, du lịch Hội An”.

Ông Nguyễn Duy Tuấn, quản lý nhà hàng Vĩnh Hưng ở Hội An, cho VOA Việt Ngữ biết rằng ông cũng thấy đoàn xe của ông Phúc.

Ông nói tiếp: “Đi tới mười mấy chiếc, tối thui luôn, nhìn vô không thấy ai, không biết là chú Phúc. Đi một vòng quanh phố cổ vẫn là đi xe ôtô. Mặc dù ở đây cấm xe máy, xe ô tô trong thời điểm đó nhưng mà ổng vô thì phải ưu tiên chứ? Sau đó thì đi bộ, đi bộ vô thăm phố cổ”. 

Ông Tuấn cho biết thêm rằng người đứng đầu chính phủ Việt Nam “có ghé thăm nhà hàng” của mình, “hỏi tình hình kinh doanh, các món ăn đặc sản rồi khách nào là chính” thì “mấy nhân viên ở đây có nói thực tế rằng khách Trung Quốc dạo này nhiều lắm”. 

Báo điện tử của chính phủ Việt Nam dẫn lời phát biểu của Thủ tướng Phúc hôm 9/8 rằng hội nghị quy mô lớn đầu tiên do chính phủ tổ chức sẽ “góp phần vào phát triển du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước”.

VOA Việt Ngữ không thể liên lạc với chính quyền Hội An để hỏi rõ về các thắc mắc của các cư dân mạng liên quan tới đoàn xe của ông Phúc ở phố đi bộ. 

Trong khi đó, một số cư dân mạng trích Luật Giao thông Đường bộ về quyền ưu tiên của một số loại xe để chứng minh rằng đoàn xe của ông Phúc “không phạm luật”. - VOA
|
|

6.
Đại tướng quân đội Việt Nam lĩnh lương bao nhiêu?

Bộ Quốc phòng Việt Nam vừa ban hành thông tư hướng dẫn chi tiết việc tăng lương, phụ cấp và trợ cấp đối với các quân nhân trong đó có các tướng lĩnh cao cấp.

Theo quy định được báo chí trong nước đăng tải, lương cấp bậc quân hàm sĩ quan với đại tướng là 12.584.000 đồng/tháng, khoảng 500 đôla Mỹ/tháng; thượng tướng 11.858.000 đồng; trung tướng 11.132.000 đồng; thiếu tướng 10.406.000 đồng. 

Truyền thông Việt Nam đưa tin, ngoài bảng lương còn có bảng phụ cấp chức vụ lãnh đạo quân đội nhân dân. 

Bộ trưởng Quốc phòng có hệ số phụ cấp cao nhất 1,5 với số tiền hiện hưởng là 1.815.000 đồng/tháng; phụ cấp của Tổng tham mưu trưởng – Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị là 1.694.000 đồng. 

Theo quy định hiện hành, có ba chức vụ trong quân đội được giữ cấp bậc quân hàm cao nhất là đại tướng, gồm: Bộ trưởng Quốc phòng; Tổng Tham mưu trưởng; Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.

Báo chí quốc tế mới đây dẫn các nguồn tin cho biết rằng năm ngoái, chi tiêu quân sự của Việt Nam đạt 4,4 tỉ đôla, chiếm 8% tổng chi tiêu chính phủ. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Thế giới Stockholm (SIPRI), đó là sự gia tăng đáng kể từ năm 2005, khi Việt Nam chỉ chi tiêu vào khoảng 1 tỉ đôla. 

Trong khi đó, chuyên viên phân tích Công nghiệp Quốc phòng châu Á Thái Bình Dương tại IHS Jane's ước tính, chi tiêu quốc phòng của Việt Nam sẽ tăng lên tới 5 tỉ đôla trong năm nay và 6,2 tỉ đôla đến năm 2020.

Theo SIPRI, các con số này có thể gia tăng nhanh chóng nhưng vẫn kém xa so với các nước chi tiêu nhiều cho quốc phòng nhất thế giới. Mỹ dẫn đầu với 596 tỉ đôla trong năm 2015 và Trung Quốc đứng thứ hai với 215 tỉ đôla. - VOA
|
|

7.
Philippines 'kiểm tra kỹ công dân VN'

Sở Di trú Philippines cảnh báo các công dân Việt Nam phải đảm bảo có những lý do hợp lệ nếu muốn tới nước này.

Cơ quan này mới đây đã ra lệnh kiểm soát chặt việc công dân Việt Nam nhập cảnh sau khi phát hiện ra có đường dây chuyên tuyển dụng người làm việc bất hợp pháp tại Philippines, trang tin inquirer.net nói.

Giám đốc Sở Di trú, Jaime Morente, tuyên bố các chiến dịch triệt phá đường dây buôn người bất hợp pháp cho thấy có tình trạng người Việt được đưa lậu sang Philippines để làm việc, theo trang tin sunstar.com.

Tin tức nói có 78 công dân Việt Nam ở quá hạn visa, và những người này thừa nhận họ được tuyển mộ đi Philippines làm việc.

Luật sư Tonette Bucasas-Mangrobang nói yêu cầu kiểm soát chặt được đưa ra từ sau vụ khám phá ra đường dây bất hợp pháp trên.

Trước khi nhóm 78 người này bị phát hiện, theo luật sư Mangrobang, đã có hơn 100 người khác đầu hàng giới chức và xin được tuyên bố là thuộc dạng nghèo khổ.

Lao động Việt tại Philippines thường làm các công việc giúp việc nhà, bán hàng rong, thợ mộc hoặc các ngành nghề lao động phổ thông, rải rác ở các tỉnh khác nhau.

"Họ tới từ khoảng hai, ba năm trước, nhưng không xin gia hạn visa được do khó khăn tài chính," bà Mangrobang được Inquirer dẫn lời.

"Họ không đi theo nhóm mà đi đơn lẻ một, hai hoặc ba người mỗi chuyến bay. Họ chỉ được trả khoảng 5.000 peso (tiền Philippines - khoảng 105 đôla Mỹ) mỗi tháng," bà luật sư cho biết thêm.

Hiện Sở Di trú Philippines nói tính đến thứ Ba 9/8/2016 họ đã nhận được 69 yêu cầu tương tự, xin được cứu xét là thuộc dạng nghèo khổ.

Giám đốc Sở Di trú đã ra lệnh cho các nhân viên di trú tại sân bay quốc tế Ninoy Aquino kiểm tra chặt chẽ các trường hợp là công dân Việt Nam vào nước này.

"Philippines không chỉ phải chặn đứng việc trở thành nguồn cung ứng các nạn nhân của tình trạng buôn người. Chúng ta còn phải không được phép để đất nước mình trở thành đích đến của họ," ông Morente nói.

Trong một diễn biến khác, giới chức Malaysia cũng mới tiến hành các chiến dịch bố ráp người nhập cư bất hợp pháp tại thủ đô Kuala Lumpur trong hôm 8/8.

Tin tức nói trong số hàng chục người bị bắt giữ, có một số người đến từ Việt Nam. - BBC

No comments:

Post a Comment