Sunday, August 7, 2016

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 7/8

Tin Thế Giới

1.
Thái Lan trưng cầu dân ý hiến pháp mới

Hàng triệu người Thái bước vào cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp mới, có thể sẽ mở đường cho cuộc tổng tuyển cử năm 2017 nhưng đòi hỏi chính phủ tương lai phải tuân thủ các điều khoản của quân đội.

Hãng tin Reuters nhận định cuộc trưng cầu là phép thử trước công chúng đầu tiên với Thủ tướng Prayuth Chan-oCha, người đã đàn áp các hoạt động chính trị trong suốt hai năm qua kể từ khi ông nắm quyền sau cuộc đảo chính năm 2014 ở Thái Lan.

Khảo sát cho thấy một số người chấp nhận hiến pháp mới, nhưng hầu hết cử tri vẫn chưa có quyết định. Có khoảng 50 triệu người đủ điều kiện đi bỏ phiếu và Uỷ ban Bầu cử nhắm đến chỉ tiêu 80% người dân tham gia bỏ phiếu. Kết quả bỏ phiếu sơ bộ có thể được công bố vào khoảng 20:00 giờ Việt Nam.

Tưởng Prayuth nói ông sẽ không từ chức nếu người Thái từ chối bản hiến pháp và cuộc tổng tuyển cử vẫn sẽ được tiến hành vào năm tới dù kết quả trưng cầu có ra sao chăng nữa.

"Chúng tôi cần tổ chức tổng tuyển cử vào năm 2017 vì đó là lời hứa chúng tôi phải thực hiện," Thủ tướng Prayuth nói trước ngày trưng cầu. "Không có bản hiến pháp nào có thể làm hài lòng mọi người 100%."

Quân đội đã lật đổ chính phủ của gia đình Shinawatra hai lần trong hơn một thập niên ồn ào của nền chính trị Thái.

Trong khi Thaksin đang sống lưu vong ở nước ngoài, ông vẫn duy trì ảnh hưởng mạnh mẽ, đặc biệt với sự hỗ trợ cho nông dân ở miền Bắc Thái Lan. Em gái ông, bà Yingluck trở thành thủ tướng Thái Lan vào năm 2011.

Các phe đối lập nói cuộc trưng cầu không công bằng vì các chiến dịch bị cấm.

Luật Trưng cầu Dân ý, được đưa ra để quản lý các hoạt động trưng cầu, kết tội "bất cứ ai phổ biến các văn bản, hình ảnh và âm thanh không phản ánh sự thật".

Ít nhất 17 người đã bị truy tố vì vi phạm Luật Trưng cầu Dân ý và phải đối mặt với án phạt tù lên đến 10 năm.

Người Thái sẽ bầu gì?

40 triệu cử tri sẽ trả lời có/không cho hai câu hỏi: Bạn có chấp nhận bản hiến pháp mới không?

Nếu đa số cử tri trả lời có, dự thảo sẽ trở thành hiến pháp và quân đội được trao quyền hợp pháp để tiến hành cuộc bầu cử mà thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha hứa sẽ tiến hành năm tới.

Nếu hiến pháp không được thông qua, hiện chưa rõ việc gì sẽ xảy ra tiếp theo, nhưng quân đội vẫn sẽ nắm quyền.

Cử tri cũng được hỏi: "Thượng viện có được phép cùng Hạ viện chọn thủ tướng không?

Thay đổi quan trọng trong hiến pháp mới

Quân đội tranh luận rằng các chính trị gia tham nhũng chính là nguyên nhân gây bất ổn và chia rẽ trong nền chính trị Thái Lan trong thập niên vừa qua.

Bản dự thảo hiến pháp được công bố vào tháng 3/2016, với nội dung khiến một đảng chính trị khó có thể chiếm được đa số trong chính phủ.

Một trong những phần gây tranh cãi nhất là cho phép 250 ghế ở thượng viện hoàn toàn do chính quyền quân đội bổ nhiệm.

Trước cuộc đảo chính, hơn một nửa số ghế Thượng viện được bầu cử và số còn lại là chỉ định.

Thay đổi này có nghĩa là các nhà làm luật do quân đội bổ nhiệm luôn chiếm số đông hơn các lãnh đạo được bầu trong Quốc hội Thái Lan.

Nếu được thông qua, đây sẽ là bản hiến pháp thứ 20 của Thái Lan kể từ năm 1932.

Gothom Arya, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Xây dựng Hoà bình từ Đại học Mahidol và là nhà phê bình chính quyền quân sự nói với Reuters: "Quân đội muốn việc nước được điều hành ít nhiều dưới sự giám sát của họ."

Ở thành phố miền Bắc Khon Kaen, một cựu lãnh đạo phe áo đỏ ủng hộ nhà Shinawatra nói quân đội sẽ thắng dù kết quả trưng cầu có ra sao hôm Chủ Nhật 7/8.

Luc Stevens, Đại diện Liên Hiệp Quốc tại Thái Lan nói dù kết quả trưng cầu có ra sao, Liên Hiệp Quốc muốn thấy sẽ có thêm đối thoại giữa quân đội và những phe đối lập chính trị. - BBC
|
|

2.
Nhật Bản phản đối Trung Quốc đặt radar gần vùng tranh chấp ở Hoa Đông --- Nhật Hoàng Akihito muốn truyền ngôi cho con trai

Hôm nay 07/08/2016, bộ Ngoại Giao Nhật Bản cho biết đã trao công hàm phản đối Bắc Kinh sau khi phát hiện một radar của Trung Quốc được đặt trên một giàn khoan thăm dò dầu khí gần vùng có tranh chấp giữa hai nước ở biển Hoa Đông. Động thái này của Bắc Kinh có thể gây leo thang căng thẳng giữa hai nước.

Theo Tokyo, loại radar này thường được các tàu tuần duyên sử dụng và không cần thiết cho các hoạt động khai thác dầu khí. Truyền thông Nhật Bản cho biết Tokyo lo ngại đây là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh có ý định dùng các giàn khoan này làm cơ sở quân sự.

Theo lời một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nhật Bản, được AFP trích dẫn, Tokyo đã phát hiện ra thiết bị radar này hồi cuối tháng 06/2016 và đã trao công hàm phản đối, thông qua đại sứ quán Nhật Bản tại Trung Quốc vào ngày 05/08/2016, trong đó yêu cầu Bắc Kinh giải thích hành động trên.

Tokyo đã kêu gọi Trung Quốc ngừng xây các giàn khoan thăm dò dầu khí trên biển Hoa Đông và đã cáo buộc Trung Quốc đơn phương mở rộng các giàn khoan, phá vỡ thỏa thuận năm 2008 về việc cam kết duy trì hợp tác trong quản lý tài nguyên tại vùng biển chưa có ranh giới chính thức giữa hai nước. - RFI

***
Nhật Bản đang chờ đợi thông điệp của Nhật Hoàng được ghi hình và dự kiến sẽ được phát sóng vào ngày thứ Hai 08/08/2016.  Thông báo được đưa ra hai tuần sau khi kênh truyền hình quốc gia NHK bất ngờ tiết lộ rằng Nhật Hoàng đã nói với những người thân cận là muốn thoái vị.

Từ Tokyo, thông tín viên Frédéric Charles cho biết thêm chi tiết:

Nhật Hoàng năm nay 82 tuổi, đang trong tình trạng sức khỏe không tốt, đã qua phẫu thuật tim và tuyến tiền liệt. Nếu Nhật Hoàng Akihito có quyền tự quyết định thì ông sẽ thông báo thoái vị. 

Nhưng Hiến Pháp Nhật không cho phép điều đó. Tất cả những gì Nhật Hoàng có thể làm chỉ là bày tỏ mong muốn truyền ngôi cho con trai vào ngày mà ông không thể đảm đương trọng trách được nữa. 

Nhưng mong muốn này sẽ phải được diễn đạt một cách rất khéo léo vì theo Hiến Pháp, Nhật Hoàng chỉ là biểu tượng của dân tộc và không có quyền can thiệp vào các công việc của Nhà nước và xã hội. 

Cả hoàng gia và cánh hữu bảo thủ do thủ tướng Shinzo Abe đứng đầu đều không muốn Nhật Hoàng thoái vị. Mặc dù xã hội thế tục luôn coi hoàng đế như là đại diện của thần Đạo tại Nhật Bản, tương tự như  giáo hoàng của Công giáo. 

Khi nói tới khả năng thoái vị, có nghĩa là Nhật Hoàng đang tìm cách dân chủ hóa vương triều. Có lẽ Nhật Hoàng đã tự nhủ : Giáo Hoàng Benedicto XVI đã thoái vị thì tại sao hoàng đế Nhật lại không thể? - RFI
|
|

3.
Philippines: Các thẩm phán, giới quân đội liên quan đến buôn bán ma túy

Tổng thống Philippines đã công bố một danh sách hơn 150 thẩm phán, thị trưởng, nghị sĩ và nhân viên quân đội mà ông nói có liên quan đến buôn bán ma túy bất hợp pháp.

Ông Rodrigo Duterte đã thu hồi giấy phép mang súng của bất cứ ai trong danh sách và khuyên họ đầu thú vào ngày 8/8 trong một cuộc điều tra.

Trong bài phát biểu được phát sóng truyền hình trên cả nước hôm 7/8, nhà lãnh đạo gây tranh cãi cũng ra lệnh cho các nhân viên cảnh sát và quân đội đã được giao nhiệm vụ bảo vệ một số người trong danh sách phải rút về đơn vị của họ.

Kể từ khi ông Duterte nhậm chức vào cuối tháng 6, cuộc chiến của ông chống ma túy đã khiến hàng trăm kẻ bị tình nghi buôn bán ma túy phải chết và hàng ngàn kẻ khác bị bắt, trong khi hàng trăm ngàn người đã đầu thú với chính quyền.

Ông Duterte nổi danh về việc thực thi pháp luật chống ma túy một cách tàn nhẫn khi ông là thị trưởng Davao, thành phố lớn thứ hai của Philippines. Ông đã thề sẽ trên cương vị tổng thống ông cũng làm tương tự cho đất nước để đối phó với nạn buôn bán ma túy bất hợp pháp.

Tổng thống nói ông sẽ chịu toàn bộ trách nhiệm nếu có ai trong danh sách này lại là người vô tội.

Trong diễn văn nhậm chức của ông hôm 30/6, ông Duterte cam kết sẽ tiêu diệt nạn tham nhũng và ma túy. Với cách nói mạnh mẽ đặc trưng, ông cũng đã nói về mối nghi ngờ của nhiều người về việc ông đã triển khai các đội xử tử để thiết lập trật tự ở Davao.

Ông nói: "Tôi biết rằng có một số người không tán thành phương pháp của tôi chống tội phạm, ma túy và tham nhũng. Để đáp lại, tôi xin nói rằng tôi đã thấy cách tham nhũng hoạt động. Tôi đã thấy cách ma túy bất hợp pháp hủy hoại nhiều người và các mối quan hệ... tôi đã thấy cách tham nhũng làm chảy máu tiền vốn của chính phủ”.

Ông nói thêm: “Là một luật sư và cựu công tố viên, tôi biết giới hạn của các quyền của tổng thống, quý vị hãy chú ý đến việc mình bạn còn tôi sẽ chú ý đến việc của tôi. Tôi biết điều gì thì hợp pháp và điều gì thì không".

Theo phát ngôn viên Davao Leo Villareal trong một bình luận ông này đưa ra khi ông Duterte nhậm chức, là thị trưởng Davao trong 22 năm, ông ấy nổi danh về nói năng thô tục và đe dọa khi phẫn nộ về một vấn đề, cũng như đã làm giảm tội phạm bằng những cách thức không lường trước được. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Washington lo sợ các mạng lưới khủng bố đã bám rễ ở Mỹ

Sau nhiều năm hoạt động bí mật, Hoa Kỳ đã khởi sự vén bức màng để phơi ra ánh sáng những mạng lưới những kẻ khủng bố tiềm tàng gồm những thành viên liên kết với nhau một cách lỏng lẻo, nhưng dường như đã bám rễ sâu tại Mỹ, hỗ trợ cho nhau dù cho trong nhiều trường hợp, nhiều người sẵn sàng hành động một cách đơn độc.

Càng làm tăng thêm quan ngại, các mạng lưới và những sự liên kết phức tạp, hỗ trợ lẫn nhau đã hiện diện trong nhiều năm, vượt qua đường ranh ý thức hệ phân cách nhóm khủng bố này với một nhóm khủng bố khác.

Theo một giới chức thực thi công lực quen thuộc với một trong các trường hợp gần đây nhất thì Cơ quan Điều tra Liên Bang Hoa Kỳ-FBI ngày càng thấy sự hiện diện các mạng lưới khủng bố như vậy.

Nói chuyện với VOA với điều kiện danh tính được giữ kín, giới chức này nói điều rõ rệt là “tất cả các hoạt động đó đã có trước Nhà Nước Hồi giáo.”

Những quan tâm về nguy cơ khủng bố tiềm tàng đã vươn lên tới tận Toà Bạch Ốc. Sau một cuộc họp với các giới chức an ninh nội địa chiều tối thứ Năm tuần này ở Ngũ Giác Đài, Tổng Thống Obama nói: “Điều có thể nghĩ tới là có một số mạng lưới khủng bố như vậy đã ở đây có thể được kích hoạt.”

Ông nói thêm, “chúng ta phải làm tốt hơn công tác phá vỡ các mạng lưới ấy.”

Tuy vậy, các giới chức chống khủng bố cảnh báo rằng những lời hứa hẹn rất khó thực hiện, bởi vì những gì liên kết các mạng lưới ấy với nhau không thể bị phá vỡ chỉ bằng cách giải tán một nhóm khủng bố duy nhất.

Ông Seamus Hughes, Phó Giám đốc Chương trình về Chủ nghĩa Cực đoan tại trường Đại học George Washington nói rằng những sự khác biệt giữa nhóm al-Nusra và Nhà Nước Hồi giáo, cũng như với al-Qaida và al-Shabab, khó thấy được dưới con mắt của người thường, và đằng sau là những nền tảng ý thức hệ đã động viên những người đó.

Theo các nhà nghiên cứu, trong nhiều trường hợp đối với các thành viên của các nhóm đó, là sự sẵn sàng dùng bạo lực để lắp đầy những khoảng trống trong cuộc sống của họ.

Ông Hughes, trước đây làm việc tại Trung tâm Quốc gia Chống Khủng bố, nói :“Nếu như ngày mai Nhà Nước Hồi giáo bị tiêu diệt thì các nhóm khác sẽ xuất hiện, với những cá nhân đã chuẩn bị sẵn. Họ sẽ bám lấy ngay tổ chức khủng bố nước ngoài kế tiếp.”

Có lẽ không có trường hợp nào nêu bật mối nguy hơn là trường hợp của Nicholas Young, 36 tuổi, một nhân viên cảnh sát hệ thống tàu điện ngầm ở thủ đô Washington. Young đến từ bang Virginia và bị bắt hồi tuần trước về âm mưu hỗ trợ cho Nhà Nước Hồi giáo thủ đắc các tài khoản tin nhắn điện thoại di động với mục đích tuyển mộ thành viên.

Vụ bắt giữ Young là cao điểm của nhiều năm hoạt động bí mật của các cơ quan thi hành công lực Mỹ, khởi sự từ cuối năm 2010, khi các nhân viên FBI thẩm vấn Young về một người quen của nghi can này. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Vận động viên Việt Nam phá kỷ lục Olympics

Một vận động viên của Việt Nam phá kỷ lục Olympics ngay trong ngày thi đấu đầu tiên của Thế vận hội 2016 ở Brazil.

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh giành huy chương vàng ở chung kết nội dung 10m súng ngắn hơi nam, sau khi giành được tổng điểm là 202.5, đồng thời phá kỷ lục Olympics ở nội dung này.

Vận động viên này đánh bại các xạ thủ mạnh khác từ các nước như Brazil, Trung Quốc, Slovakia, Hàn Quốc, Nga và Ấn Độ.

Anh trở thành vận động viên đầu tiên của Việt Nam giành huy chương vàng tại một kỳ Thế vận hội.

Cho tới nay, qua các kỳ Olympics, Việt Nam mới chỉ đạt được hai huy chương bạc ở nội dung Taekwondo và cử tạ.

Trong ngày thi đấu đầu tiên ở Thế vận hội Rio, sau khi xạ thủ Vinh lên ngôi vô địch, Việt Nam tạm đứng ở top đầu cùng với Mỹ, Trung Quốc, Bỉ và Brazil (tính tới 5 giờ chiều giờ địa phương thứ Bảy, ngày 6/8).

Đoàn thể thao Việt Nam hôm 6/8 ra quân ở các bộ môn như đấu kiếm, judo và bơi lội nhưng đều thất bại.

Việt Nam tham dự Olympics Rio 2016 với 23 vận động viên và 27 lãnh đạo, huấn luyện viên, bác sĩ… - VOA
|
|

6.
Người Việt và Philippines cùng biểu tình chống Trung Quốc

Gần 200 người biểu tình Việt Nam và Philippines đã tuần hành bên ngoài lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố Makati nằm ở phía nam thủ đô Manila, kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc.

Khoảng 50 người Việt và 100 người Philippines cùng biểu tình bên ngoài cơ quan đại diện ngoại giao của quốc gia đông dân nhất thế giới hôm 6/8, hát vang quốc ca và giơ quốc hoa của Philippines.

Họ còn giương cao các biểu ngữ có nội dung như: “Chúng tôi đoàn kết chống lại sự xâm lược của Trung Quốc”, hay “Chúng tôi cầu nguyện cho hòa bình, đoàn kết và pháp quyền”.

Tòa có trụ sở ở La Haye, Hà Lan, hôm 12/7 ra quyết định bác bỏ đường lưỡi bò của Trung Quốc ở biển Đông, coi như trao phần thắng cho bên đâm đơn kiện là chính quyền Manila.

Đây không phải là lần đầu tiên người biểu tình Philippines và Việt Nam cùng xuống đường.

Trước đây, người dân hai nước cũng đã nhiều lần cùng nhau sát cánh phản đối các hành động tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở biển Đông.

Theo nhận định của giới quan sát, việc làm đó cho thấy sự đoàn kết của các nước nhỏ trước nước lớn trong cuộc tranh chấp.

Trong một diễn biến khác có liên quan hôm 6/8, không quân Trung Quốc đã triển khai máy bay ném bom và chiến đấu cơ “tuần tiễu tác chiến” gần các hòn đảo tranh chấp ở biển Đông.

Theo Tân Hoa Xã, một số máy bay ném bom H-6 và chiến đấu cơ Su-30 đã bay tuần tra và trinh sát cũng như huấn luyện tiếp nhiên liệu quanh quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough.

Báo chí Trung Quốc dẫn lời quan chức cấp cao của không quân nước này nói rằng đây là một nỗ lực nhằm bình thường hóa các cuộc diễn tập như vậy, đáp trả các mối đe dọa về an ninh và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Tuy nhiên, truyền thông quốc gia đông dân nhất thế giới không cho biết các cuộc tuần tiễu trên diễn ra khi nào. - VOA

No comments:

Post a Comment