Tin Thế Giới
1.
Bắc Kinh đả kích tuyên bố chung Mỹ-Nhật-Úc tại hội nghị ASEAN --- Ngoại trưởng Mỹ: Washington muốn tránh "đối đầu" tại Biển Đông --- Mỹ và Philippines cố giảm ý nghĩa thắng lợi của Trung Quốc ở ASEAN --- Biển Đông: Bắc Kinh thuê biển quảng cáo ở Times Square (NY) để tuyên truyền
Trung Quốc tiếp tục lớn tiếng đả kích tất cả các nước dám kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye về Biển Đông. Trong một thông báo công bố hôm nay, 27/07/2016, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) đã đả kích bản tuyên bố chung Mỹ-Nhật-Úc về Biển Đông vừa được đưa ra sau cuộc họp tay ba, bên lề các hội nghị ASEAN tại thủ đô Lào.
Theo hãng tin Mỹ AP, ngoại trưởng Trung Quốc đã cho rằng bản tuyên bố nói trên chỉ có tác dụng "thổi bùng ngọn lửa" gây căng thẳng trong khu vực, vào lúc mà các nước có liên can đã đồng ý hạ nhiệt.
Ông Vương Nghị cho rằng động thái của ba ngoại trưởng Mỹ, Nhật Bản và Úc không hợp thời, cũng như không mang tính chất xây dựng. Đối với Bắc Kinh, "Bây giờ là lúc trắc nghiệm" xem ba nước nói trên là những người "kiến tạo hòa binh" hay là kẻ "gây rối".
Trong bối cảnh khối ASEAN – vì chia rẽ nội bộ - đã không ra được một tuyên bố mạnh mẽ phản đối các hành động quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông, đặc biệt là không nói gì đến phán quyết của Tòa Trọng Tài Trường Trực La Haye được đánh giá là tối quan trọng cho an ninh khu vực, ba ngoại trưởng Kerry của Mỹ, Kishida của Nhật và Bishop của Úc đã họp lại với nhau tại Vientiane và thông qua một tuyên bố chung.
Văn kiện này đã thể hiện lập trường hậu thuẫn mạnh mẽ cho các quốc gia Đông Nam Á, như Philippines và Việt Nam đang bị Trung Quốc thúc ép trên vấn đề Biển Đông, khi kêu gọi Bắc Kinh không tiếp tục bồi đắp đảo nhân tạo và xây dựng tiền đồn quân sự tại vùng biển đang tranh chấp. - RFI
***
Sau buổi họp với đồng nhiệm Philippines Perfecto Yasay tại Manila ngày 27/07/2016, ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố rằng Washington muốn tránh "đối đầu" tại Biển Đông. Những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên hầu hết vùng biển này đã bị Tòa Trọng Tài La Haye bác bỏ ngày 12/07.
Theo hãng tin AFP, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cho rằng cả Bắc Kinh và Manila cần đối thoại. Ông phát biểu: "Quyết định của Tòa mang tính ràng buộc nhưng chúng tôi không tìm cách đối đầu. Chúng tôi cố gắng tìm ra một giải pháp căn cứ theo quyền của các dân tộc mà luật pháp quy định".
Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye đã xử Philippines thắng trong vụ kiện "đường chín đoạn" tại Biển Đông và cho rằng Trung Quốc không có bất kỳ "quyền lịch sử" nào tại khu vực chiến lược này. Bắc Kinh đã gay gắt phản đối và khẳng định không tuân thủ phán quyết của tòa.
Tuy nhiên, Washington lại thấy phán quyết trên là "cơ hội" để các nước có tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông giải quyết những bất đồng một cách ôn hòa. Ngoại trưởng Mỹ phát biểu: "Chúng tôi hy vọng tham dự vào tiến trình thu hẹp phạm vi địa lý các cuộc tranh chấp lãnh hải, thiết lập một bộ quy tắc ứng xử tại các vùng tranh chấp và dẫn đến những giải pháp mà các bên đều chấp nhận được, thậm chí có thể là một loạt các biện pháp có thể gây lòng tin".
Ngày 26/07, ông Kerry đã đến Manila sau khi tham dự hội nghị ngoại trưởng ASEAN diễn ra tại Lào và đã gặp tân tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Trước đó, ngoại trưởng Mỹ cho biết sẽ khuyến khích nguyên thủ Philippines đi theo con đường đối thoại và "lật sang trang mới với Trung Quốc".
Một quan chức tháp tùng phái đoàn của ngoại trưởng Mỹ phát biểu với báo chí: Trong buổi làm việc với tổng thống Duterte, ông Kerry đã nhắc đến sự tăng cường hợp tác quân sự giữa hai nước, đồng thời cũng bày tỏ những quan ngại của Washington về tình hình nhân quyền tại Philippines.
Cựu thị trưởng thành phố Davao được bầu làm tổng thống Philippines nhờ chiến dịch vận động tranh cử với những lời hứa triệt hạ những kẻ buôn bán ma túy. Theo ước tính của cảnh sát, từ ngày tân tổng thống nhậm chức 30/06, hơn 200 người đã bị tử hình vì tội buôn ma túy.
Úc khẳng định tiếp tục tuần tra tại Biển Đông
Vẫn liên quan đến tình hình Biển Đông, Úc không có ý định giảm cường độ các cuộc tuần tra hàng hải và hàng không tại Biển Đông trong năm 2016. Thông tin trên được phó đô đốc David Johnston tuyên bố trước các nhà báo tại thủ đô Canberra vào ngày 26/07.
Người đứng đầu các chiến dịch phối hợp quốc phòng khẳng định, Úc đã tiến hành nhiều cuộc tuần tra tại Bắc Ấn Độ Dương và Biển Đông trong chiến dịch mang tên "Operation Gateway" và kế hoạch này không có gì thay đổi vào năm nay. Ông khẳng định: "Hải quân và không quân Úc sẽ tiếp tục thực hiện các chuyến bay và quá cảnh trong khu vực Biển Đông chiểu theo luật pháp quốc tế". - RFI
***
Vào hôm nay, 27/07/2016, cả Philippines lẫn Hoa Kỳ đều lên tiếng cho rằng việc ASEAN không lên tiếng về phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye không phải là thắng lợi ngoại giao của Trung Quốc. Những tuyên bố này hoàn toàn trái ngược với ngày càng nhiều phân tích, theo đó Trung Quốc đã hoàn toàn chiến thắng trên hồ sơ Biển Đông tại hội nghị ngoại trưởng ASEAN vừa bế mạc hôm qua tại Lào.
Điển hình cho tuyên bố biện minh kể trên là phát biểu của ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay Jr. vào hôm nay, cho rằng không thể nói là Trung Quốc hay Philippines chiến thắng sau các sự kiện vừa qua. Theo ông, kẻ thắng chính là ASEAN vì đã "duy trì được những nguyên tắc của pháp luật quốc tế và ... quan trọng hơn, là theo đuổi các cuộc đàm phán về tranh chấp một cách hòa bình."
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng không nói gì khác hơn, khi tuyên bố rằng kết quả chung của các hội nghị tại Lào là "thắng lợi của ASEAN".
Vấn đề là trong lúc Hoa Kỳ tuyên bố ủng hộ các cuộc đàm phán song phương Philippines-Trung Quốc để giải quyết vấn đề tranh chấp Trường Sa, thì chính ngoại trưởng Philippines cũng khẳng định rằng "Tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines là một vấn đề song phương", một lập trường giống hệt như những gì Bắc Kinh chủ trương từ trước đến nay.
Đối với hãng tin Mỹ AP, thực tế cho thấy là tại hội nghi ASEAN vừa kết thúc, Trung Quốc hầu như đã áp đặt được toàn bộ các quan điểm của mình, và các nước ASEAN có tranh chấp với Trung Quốc đã lần lượt thúc thủ.
Trả lời phỏng vấn của AP, Ian Storey, một chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á ở Singapore cho rằng thực tế đó là một điều đáng hổ thẹn, không chỉ cho ASEAN, mà cả cho Trung Quốc, nước không ngần ngại dùng thủ đoạn để giành thắng lợi về minh:
"Tại các cuộc họp ở Vientiane, cả Trung Quốc lẫn ASEAN đều không chứng tỏ được danh dự của mình". Đối với chuyên gia này, thì "Quả là một thực tế đáng buồn khi kỳ vọng của ASEAN là sẽ làm được một cái gì đó để hạ thấp căng thẳng ở Biển Đông đã biến thành con số không, trong lúc ưu tư lại phải tập trung vào việc tìm phương cách làm việc chung với nhau".
Theo hãng AP, "cú ân huệ" đầu tiên mà Trung Quốc giáng vào đầu ASEAN là tại hội nghị ngoại trưởng khối Đông Nam Á, khi thông qua Cam Bốt và Lào, Bắc Kinh đã ngăn chặn thành công một thông cáo chung đề cập đến các phán quyết ngày 12/07 của Tòa Trọng Tài La Haye bất lợi cho Trung Quốc. Cho dù thông cáo chung ASEAN đã nêu bật quan ngại về những căng thẳng ở Biển Đông, nhưng Trung Quốc không bị nêu tên.
Một chỉ dấu thứ hai về thắng lợi của Trung Quốc: Các nước có tranh chấp Biển Đông với Bắc Kinh như kém hẳn nhiệt tình hơn các nước khác trong việc thúc đẩy một thái độ cứng rắn đối với Trung Quốc.
Ngay cả Philippines, nước đã kiện Trung Quốc, lần này cũng không quá mạnh mẽ trong việc yêu cầu tuyên bố chung của ASEAN phải có lời lẽ cứng rắn đối với Bắc Kinh. Không những thế, Philippines còn liên tục nói rằng phán quyết quốc tế về Biển Đông là kết quả một vụ kiện "đơn phương" của Manila, hàm ý rằng ASEAN không nên can dự vào.
Về phía Malaysia, ngoại trưởng nước này thậm chí còn không đến Lào, trong lúc Brunei thì chờ đến phiên họp cuối để lên tiếng khen sự lãnh đạo của Trung Quốc.
Còn Việt Nam, vào hôm qua, khi trả lời hãng tin AP, thứ trưởng ngoại giao Lê Hoài Trung, cho rằng Việt Nam muốn giải quyết các tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông thông qua đàm phán song phương, dù không loại trừ việc áp dụng luật pháp quốc tế. Đối thoại song phương chính là quan điểm từ trước đến nay của Bắc Kinh. - RFI
***
Theo một trang mạng Hồng Kông hôm nay, 27/07/2016, từ ngày 23/07 vừa qua, những ai đi qua quảng trường Times Square nổi tiếng ở New York đều không thể không để ý đến một đoạn video quảng bá lập trường Biển Đông của Trung Quốc, được chiếu liên tục trên một tấm biển quảng cáo điện tử khổng lồ tại nơi này. Đây được xem là chiêu mới nhất trong cuộc chiến tranh tuyên truyền do Bắc Kinh khởi động để chống lại phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực.
Theo trang web ejinsight. com, đoạn video dài 3 phút 12 giây, mang nội dung giải thích lịch sử Biển Đông và tính đúng đắn của các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Trong video, có những đoạn ghi lại phát biểu của một số chuyên gia bảo vệ quan điểm của Bắc Kinh và đả phá phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye.
Tấm biển quảng cáo rộng 240 mét vuông, đã được công ty Trung Quốc Xinhua Gallery Media (tại Bắc Kinh) thuê dài hạn. Video về Biển Đông được chiếu trên màn hình này cho đến ngày 03/08, với nhịp độ là 120 lần mỗi ngày.
Theo Tân Hoa Xã, đoạn video "làm rõ sự thật đằng sau những trò hề của thủ tục trọng tài quốc tế về tranh chấp Biển Đông", nhưng không cho biết công ty sản xuất là ai. Hãng tin chính thức của Trung Quốc không ngần ngại khoe rằng đoạn quảng cáo đã thu hút sự chú ý của rất nhiều người.
Theo trang mạng Hồng Kông, đoạn video tuyên truyền của Trung Quốc đã được phát ra sau khi Tòa Trọng Tài Thường Trực ở La Haye ra phán quyết ngày 12/07, cho rằng các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên hầu hết Biển Đông đều không có cơ sở pháp lý, và Bắc Kinh đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines khi xây dựng các hòn đảo nhân tạo và ngăn chặn hoạt động khai thác và thăm dò dầu khí ở vùng biển tranh chấp. - RFI
|
|
2.
Hai cựu tổng thống Brazil tẩy chay lễ khai mạc Olympic
Bà Dilma Rousseff, tổng thống Brazil bị đình chỉ chức vụ, và người tiền nhiệm Lula da Silva, sẽ không tham dự lễ khai mạc Thế Vận Hội tại sân vận động Maracana, thành phố Rio, vào ngày 05/08/2016. Nhờ cựu tổng thống Lula da Silva, năm 2009, Brazil đã giành được quyền đăng cai thế vận hội JO-2016.
Hãng tin Pháp AFP nhận định, sự vắng mặt của hai chính trị gia thuộc cánh tả tại buổi lễ khai mạc Thế Vận Hội cho thấy không khí căng thẳng của cuộc khủng hoảng chính trị đang làm đảo lộn Brazil từ vài tháng gần đây.
Trong buổi phỏng vấn với đài RFI, ban tiếng Bồ Đào Nha, bà không chấp nhận "đóng vai trò phụ" trong buổi lễ trên. Bà nhấn mạnh: "Thứ nhất, đây là thành quả của cựu tổng thống Lula da Silva (2003-2010). Thứ hai, vì chính phủ (dưới thời của bà, 2011-2016) là nhà cung cấp cơ sở hạ tầng cho Thế Vận Hội".
Ngày 12/05, phó tổng thống Michel Temer thay thế bà Rousseff giữ chức tổng thống sau khi Thượng Viện bỏ phiếu ủng hộ thủ tục phế truất. Bà Rousseff lên án ông Temer đã phản bội bà và quyết định của lưỡng viện ủng hộ thủ tục phế truất tổng thống là một "cú đảo chính".
Theo báo chí Brazil, tổng thống tạm quyền Michel Temer sẽ đọc một bài diễn văn ngắn tuyên bố khai mạc Thế Vận Hội, vì sợ những người ủng hộ bà Rousseff la ó phản đối. Các cựu tổng thống Fernando Henrique Cardoso, Fernando Collor de Mello và José Sarney cũng được mời tham dự lễ khai mạc sự kiện thể thao quan trọng này. - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
3.
Hillary Clinton làm nên lịch sử với đề cử tổng thống của Đảng Dân chủ --- Ông Clinton ủng hộ vợ vào Nhà Trắng
Bà Hillary Clinton đã làm nên lịch sử, sau khi đã vượt thắng những trở ngại trong cuộc sống riêng tư và trong sự nghiệp chính trị để trở thành người phụ nữ đầu tiên được một chính đảng lớn đề cử làm ứng cử viên tổng thống của đảng này. Nếu đắc cử trong cuộc bầu cử tháng 11 tới đây, bà sẽ hoàn tất cuộc hành trình, bắt đầu từ một “Đệ nhất Phu nhân”, thành Thượng nghị sĩ đại diện bang New York, để rồi sau đó trở thành Bộ trưởng Ngoại giao của Hoa Kỳ và cuối cùng là “Bà Tổng thống.” Các cuộc thăm dò công luận cho thấy bà Clinton là một người vừa được yêu vừa bị ghét bỏ. Bà là một trong những người nổi tiếng nhất thế giới, tuy vậy một số người quen biết cá nhân bà nói bà vô cùng thận trọng, không muốn tiết lộ cá tính của mình quá mức ở nơi công chúng. Thông tín viên của VOA tại Tòa Bạch Ốc đi tìm chân dung một phụ nữ mà cả giới ủng hộ, lẫn những người chỉ trích, đều đồng ý là một người có ý chí phấn đấu đáng nể phục.
Bà Hillary Clinton đã tiến rất gần tới chỗ được Đảng Dân chủ đề cử làm ứng cử viên tổng thống của đảng vào năm 2008, để sau cùng, bị đánh bại bởi một Thượng nghị sĩ chỉ mới phục vụ nhiệm kỳ đầu tiên, ông Barack Obama.
Khi đọc bài diễn văn thừa nhận thất cử, bà đơn cử cuộc phấn đấu suốt đời của mình để vượt qua những rào cản đối với phụ nữ, đôi khi được miêu tả trong tiếng Anh là “trần nhà bằng kiếng”, và nhắc đến 18 triệu phiếu mà bà đã đoạt được trong các cuộc bầu cử sơ bộ.
Bà Clinton phát biểu:
“Mặc dù chúng ta chưa thể đập tan được tấm kiếng cao nhất, khó phá vỡ nhất trong lần này, nhờ quý vị, chúng ta đã đập vào nó, gây ra 18 triệu vết rạn nứt… và ánh sáng vẫn rọi chiếu, sáng hơn bao giờ hết, làm chúng ta tràn đầy hy vọng và tự tin trong sự hiểu biết rằng con đường dẫn tới thành công lần sau sẽ dễ dàng hơn.”
Tám năm sau, bà Clinton đoạt được sự đề cử và hy vọng sẽ đập tan được trần nhà bằng kiếng cuối cùng để trở thành Tổng thống Mỹ.
Theo trang mạng của Hillary Clinton, Hillary là một cô bé hạnh phúc xuất thân từ một gia đình trung lưu ở một khu ngoại ô Chicago, con gái của một thành viên kiên cường của Đảng Cộng hoà. Bà nói bà tham gia chính trường là vì ảnh hưởng của người mẹ, một người theo Đảng Dân chủ. Bà Dorothy Rodham có một thời ấu thơ khác hẳn.
Vẫn theo trang mạng Hillary Clinton, bà nói về mẹ bà như sau:
“Bà bị cha mẹ bỏ rơi khi vừa lên 8, bà bị đưa từ Chicago sang Los Angeles để sống chung với ông bà trong khi ông bà tôi không muốn phải vác thêm một gánh nặng. Nhưng nhiều người khác đã tỏ ra tốt bụng, và cho bà một cơ hội. Như một nhà giáo biết mẹ tôi không có tiền mua thức ăn và bắt đầu mang thêm thức ăn cho bà từ nhà, rồi nói nhỏ bên tai mẹ tôi ‘Này Dorothy, tôi mang theo nhiều thức ăn quá!’”
Thông tin trích ra từ hồ sơ của Trường Cao đẳng Wellesley thì Hillary vào lúc ban đầu thời còn trong tuổi teen là một người theo Đảng Cộng hoà. Bà theo học tại trường nữ Wellesley và hoạt động chính trị nhiều hơn, và là sinh viên được đề cử đọc bài diễn văn trong ngày lễ tốt nghiệp vào năm 1969.
Sau đó bà theo ngành Luật ở trường đại học Yale, nơi bà trở thành một người cấp tiến theo Đảng Dân chủ, và gặp người chồng tương lai, Bill Clinton, trong thư viện. Hillary và Bill lập gia đình vào năm 1975, và bà theo ông về tiểu bang nhà của ông là Arkansas, nơi ông được bầu vào chức Thống đốc năm 1978.
Con gái của ông bà, Chelsea ra đời tại Arkansas. Đây cũng là nơi mà nhà báo Ron Fournier lần đầu tiên tường trình về vợ chồng Clinton. Ông được tự do tiếp xúc với cả hai ở Little Rock, và sau đó tại Tòa Bạch Ốc. Nhà báo Fournier nói với VOA rằng ông tin là bà Hillary còn thông minh hơn, và có tài hài hước hơn cả Bill Clinton. Ông nói:
“Bill rất giỏi khi thuật lại một chuyện cười, hay kể một chuyện hài, nhưng chính Hillary mới thực sự là người làm người khác cười trong lúc đó. Bà có một óc hài hước tự chế giễu mình, và có những tràng cười làm người khác phát điên. Cá nhân tôi thích bởi vì nó rất là thành thực, không kiểu cách. Khi chứng kiến tận mắt, người nghe không thể không cười theo. ”
Cựu phát ngôn viên của Tòa Bạch Ốc dưới thời Tổng thống Bill Clinton nói với VOA rằng bà Hillary Clinton rất thông minh, có thể hiểu thấu một vấn đề và đề ra một giải pháp hay hơn Bill Clinton hay Tổng thống Barack Obama, tuy nhiên bà không có một đức tính mà hai ông có.
Ông Bob Weiner giải thích:
“Bà biết rằng bà không có hấp lực, bà không thu hút được người khác, nhưng bà có bộ óc thông minh và khả năng cai trị rất lớn.”
Ông Bill Clinton được bầu làm tổng thống vào năm 1992, lúc đó ông đùa rằng bầu cho ông “là được hai tổng thống với giá trả cho 1 tổng thống”. Đi ngược lại truyền thống, Hillary Clinton vẫn hoạt động chính trị trong cương vị Đệ nhất Phu nhân, bà phấn đấu mạnh mẽ, nhưng thất bại, không thành công với nỗ lực thay đổi chính sách chăm sóc sức khoẻ cho tất cả mọi người.
Trong Tòa Bạch Ốc, các câu chuyện kéo dài về những vụ ngoại tình của Bill Clinton rốt cuộc đổ vỡ với vụ tai tiếng về tình dục với cô Monica Lewinsky, dẫn tới chỗ ông bị Hạ viện Mỹ tìm cách truất phế ông.
Thời gian nhiều tháng bị bẽ mặt trước công chúng đã tác động tới cá nhân bà Hillary Clinton, theo nhà báo Ron Fournier:
“Bà ấy đã thay đổi bởi vì nhiều điều đã xảy ra cho bà. Bà đã chồng chất nhiều vết sẹo vì những thương tổn do những vụ tấn công xảy đến trong cuộc sống của bà. Một số các cuộc tấn công ấy hoàn toàn bất công.”
Những tháng tiếp theo sau vụ tai tiếng là một thời gian thương đau đối với Hillary, theo phụ tá Weiner trong câu chuyện với VOA, nhưng hôn nhân của ông bà Clinton vẫn trải qua được giai đoạn khó khăn này.
“Hai ông bà tìm cách giải quyết những sự thất bại trong cuộc hôn nhân trong vòng riêng tư, nhưng cuối cùng họ đã giải quyết được những vấn đề đó. Tôi đã từng có mặt tại đó, tôi đã thấy họ, và họ yêu thương nhau.”
Bây giờ bà Hillary đang phấn đấu để quay trở lại, và vạch ra sự nghiệp chính trị riêng của mình. Bà thắng cử ở New York để vào Thượng viện Mỹ vào năm 2000, và được bầu lại vào năm 2006. Năm 2008, Tổng thống Obama bổ nhiệm bà nắm chức Bộ trưởng Ngoại giao.
Bà đã từng đến thăm 112 quốc gia, và dùng chức vụ của mình để nêu bật các quyền phụ nữ, và sức mạnh của ngoại giao, còn gọi là “quyền lực mềm”.
Trong bài diễn văn đọc tại Đại hội Đảng toàn quốc Đảng Dân chủ tuần này, Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama ca ngợi cá tính và quá trình hoạt động của bà Clinton như sau:
“Quý vị biết đấy, có rất nhiều thời điểm khi mà Hillary có thể quyết định là công việc này quá khó, cái giá phải trả để phục vụ công chúng quá cao, rằng bà đã mệt mỏi vì bị chê trách đủ kiểu về ngoại hình của mình, về cách bà nói, và ngay cả cách bà cười. Nhưng điều cốt lõi là đây. Điều mà tôi ngưỡng mộ nhất nơi Hillary là bà không bao giờ khuất phục trước áp lục. Bà không bao giờ tìm một lối thoát dễ dàng. Hillary không bao giờ buông tay bỏ dở bất cứ việc gì trong cuộc đời mình.”
Giờ đây, bà Hillary Clinton lại đang phấn đấu trong cuộc chiến chính trị quan trọng nhất đời bà, cạnh tranh với doanh nhân nổi tiếng Donald Trump, một nhân vật, cũng như bà Clinton, nổi danh thế giới, nhưng gây chia rẽ cùng cực.
Các cuộc thăm dò cho thấy hai nhân vật này đang trong một cuộc đua rất sát sao. Câu chuyện về cuộc đời của Hillary Clinton cho thấy bà sẽ chiến đấu hết sức mình cho tới tận ngày bầu cử 8 tháng 11 năm nay. - VOA
***
Cựu tổng thống Bill Clinton nói lý do vì sao phu nhân, đồng thời là "bạn thân" của ông, bà Hillary nên là người dẫn dắt đất nước.
Ông nói tại đại hội Đảng Dân chủ ở California rằng bà là "người tạo ra sự thay đổi tuyệt vời nhất mà tôi từng biết".
Trong một diễn văn đậm tính cá nhân, ông nhiệt thành nói về việc họ đã gặp gỡ nhau ra sao, bà tận tâm cống hiến cho đất nước như thế nào.
Vài giờ đồng hồ trước đó, phu nhân cựu tổng thống đã trở thành người phụ nữ đầu tiên chính thức được một đảng phái chính trị lớn của Mỹ đề cử cho vị trí tranh cử tổng thống.
Bà Clinton đã khép lại buổi đêm hôm qua bằng một video gửi gắm thông điệp: "Tôi không thể tin được là chúng ta đã vừa tạo nên được vết nứt lớn nhất lên bức tường trần bằng kính."
"Nếu như có những bé gái vẫn đang thức khuya và theo dõi tin, thì tôi chỉ muốn nói rằng tôi có thể sẽ trở thành nữ tổng thống đầu tiên, nhưng một trong số các em sẽ là người tiếp theo."
Trước đó, ông Clinton đã chia sẻ câu chuyện ông bà gặp gỡ nhau ra sao tại Trường Luật Yale hồi mùa xuân 1971.
"Tôi đã kết hôn với người bạn thân của mình," ông nói. "Chúng tôi đã đi bên nhau, chuyện trò với nhau và cùng nhau cười vang kể từ đó tới nay."
Nhìn từ khía cạnh cuộc sống đời thường - bình luận của Anthony Zurcher, BBC News, Philadelphia
Bill Clinton đã cố gắng thực hiện được hai thứ trong đêm thứ Ba. Ông chia sẻ những câu chuyện riêng tư qua đó họa nên bức chân dung một người phụ nữ từng được công chúng theo dõi từ rất lâu.
Ông cũng muốn đặt vợ mình vào vị thế một nhà vô địch có thể đem lại những thay đổi mà người dân Mỹ mong muốn.
Tuy nhấn nhá vào các chi tiết nhiều hơn mức cần thiết, nhưng ông đã khiến cử tọa hình dung ra vợ ông trong vai trò người mẹ, người bạn, một người bạn đời yêu thương. Điều này tạo sự tương phản với Donald Trump, khi mà những bài phát biểu tương tự của người phối ngẫu hay con gái ông Trump đã rất khó khăn trong việc truyền tải những kỷ niệm cá nhân khiến người nghe xúc động.
Tuy nhiên, việc ông nỗ lực tạo hình ảnh vợ mình như một "người tạo nên sự thay đổi" có vẻ như không hiệu quả bằng.
Để nói về bề dày kinh nghiệm của bà Clinton thì dễ. Nhưng để phác họa bà như một người ngoài, người sẽ làm sạch được một hệ thống mà nhiều người coi là đã đổ vỡ, là chuyện khó hơn nhiều.
Nhưng ông đã thành công trong việc giới thiệu phần cảm xúc, phần nhân văn của vợ mình.
Vài giờ đồng hồ trước khi ông phát biểu, vợ ông đã nhận được sự ủng hộ của 2.383 đại biểu, đủ để được đề cử vào vị trí đại diện Đảng Dân chủ chạy đua chức tổng thống sau khi tiểu bang South Dakota công bố kểt quả kiểm phiếu.
Trong một hành động mang tính biểu tượng nhằm chứng tỏ sự đoàn kết của đảng, cựu đối thú cạnh tranh của bà Clinton, Thượng nghị sỹ Bernie Sanders đã cầm micro tuyên bố bà Clinton là người được đề cử, trong tiếng reo hò ủng hộ của cử tọa. - BBC
|
|
Tin Việt Nam
4.
Hé lộ khả năng chế tài Formosa?
Chính phủ Việt Nam trong báo cáo gởi Quốc hội chỉ nói tới thiệt hại trong vụ cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh ven biển miền Trung, mà không đề cập tới trách nhiệm của bất kỳ cơ quan hay cá nhân nào ở Trung ương cũng như địa phương. Sự kiện này hé lộ một khả năng mới về việc chế tài Formosa Vũng Áng theo một hình thức nào đó, ngoài tiền đền bù 500 triệu USD.
Formosa có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Thông tin Đại biểu Quốc hội đặt vấn đề xem xét cẩn trọng sự tồn tại của Formosa Hà Tĩnh, cũng như ý kiến thành lập Ủy ban Lâm thời của Quốc hội điều tra công ty này, dẫn tới dự đoán Formosa có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trao đổi với chúng tôi, TS Phạm Chí Dũng, nhà phân tích thời sự độc lập từ Saigon cho biết, có nhiều thông tin là nhà nước tính tới chuyện phải có hành động nào đó để chế tài một số nhân vật của Formosa, thậm chí nghĩ tới phương án đóng cửa Formosa. Tuy vậy, TS Phạm Chí Dũng nhận định:
“Tôi không tin tưởng lắm, cũng như không nghĩ rằng việc tổ chức điều tra Formosa của nhà nước Việt Nam lại có thể dẫn tới kết quả hoàn toàn. Tại vì một trong những nhân vật tai tiếng nhất hiện nay là ông Võ Kim Cự, nguyên Bí thư Hà Tĩnh, ông Cự hiện nay đang chịu một số dư luận cho là ‘cõng rắn cắn gà nhà’. Ông Võ Kim Cự lại là người có mối quan hệ sâu rộng với một số lãnh đạo cấp cao trên nhà nước. Thành thử nếu không giải quyết chuyện Võ Kim Cự thì không thể nói chuyện điều tra Formosa, điều tra Formosa sẽ dẫn tới trách nhiệm của những người liên quan như ông Võ Kim Cự.”
Ông Võ Kim Cự, nguyên Bí thư, Chủ tịch Hà Tĩnh biện minh với báo chí nhà nước là bản thân ông không có gì sai trái, đồng thời choàng trách nhiệm cho Trung ương về việc cấp phép 70 năm cho Formosa Vũng Áng. Sự kiện này cho thấy khó có khả năng truy cứu trách nhiệm ông Võ Kim Cự. Nhân vật này, sau khi thành công đưa Formosa vào Vũng Áng Hà Tĩnh, đã chuyển sang làm Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam, tiếp tục đắc cử Quốc hội, thậm chí được chọn làm thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Khóa 14 hiện nay.
Một trong các phản ứng được Đài RFA ghi nhận về trường hợp ông Võ Kim Cự là từ Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội.”
“Nếu xét về trách nhiệm của ông Võ Kim Cự trong vụ Formosa thì tôi thấy rằng không nên đưa một người như thế vào Ủy ban kinh tế của Quốc hội.”
Trách nhiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam?
Câu chuyện ông Võ Kim Cự sử dụng các kênh thông tin báo chí chính thức của Nhà nước, trả lời khá bài bản về việc Hà Tĩnh dưới thời ông làm Bí thư, Chủ tịch Tỉnh đã làm đúng quy trình, thủ tục trong việc cấp giấy chứng nhận đầu tư 70 năm cho Formosa, làm cho dư luận cảm thấy ông có chỗ dựa vững vàng.
Ông Võ Kim Cự còn nhắc lại khi Thanh tra Chính phủ nêu vấn đề Hà Tĩnh cấp phép 70 năm, thì sau đó Bộ kế hoạch Đầu tư đã đề nghị tiếp tục giữ nguyên quy định thời hạn 70 năm và ý kiến nay đã được cấp có thẩm quyền đồng ý. Cấp có thẩm quyền mà ông Cự đề cập ở mốc thời gian đó, chính là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và các Bộ trưởng đã tham mưu cho Thủ tướng.
Tuy vậy báo Dân Trí, bản tin trên mạng ngày 26/7/2016, trích lời ông Lê Hồng Lĩnh, người phát ngôn của Thanh tra Chính phủ đã phản bác quan điểm của ông Võ Kim Cự. Theo đó, tại thời điểm thanh tra tháng 7/2014, việc Hà Tĩnh cấp giấy phép chứng nhận đầu tư cho Formosa 70 năm là sai quy định tại Điều 52 Luật đầu tư 2005 và các quy định của pháp luật có liên quan. Được biết sau đó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hợp thức hóa việc cấp phép 70 năm cho Formosa.
Trước trận bão dư luận đòi xử lý trách nhiệm ông Võ Kim Cự và sự liên quan của các cấp thẩm quyền cao hơn. Trả lời Cát Linh Đài RFA, TS Nguyễn Quang A, nhà hoạt động dân quyền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS từ Hà Nội nhận định:
“Toàn bộ việc cho Formosa vào, quá trình hoạt động ấy hoàn toàn là trách nhiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam và người đứng đầu là ông Nguyễn Phú Trọng. Ông ấy thực sự phải là một người chịu trách nhiệm cao nhất về thảm họa môi trường này, bất luận kể cả việc ông Cự ký sai lẫn ông Nguyễn Tấn Dũng hay ông Hoàng Trung Hải vi phạm pháp luật khi đã làm ngược với pháp luật. Tất cả các quan chức này đều là cán bộ cao cấp của đảng Cộng sản Việt Nam vi phạm pháp luật như thế, thì người chịu trách nhiệm chính là ông đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng… Nếu ông ấy tỉnh ra, lệnh là phải xử thì cũng giống hệt như ông ấy chỉ thị xử ông Thanh ở Hậu Giang, ông Cự cũng thế, nếu ông ấy quyết thì sẽ xử… khả năng này là ít.”
Khả năng truy tố Formosa
TS Nguyễn Quang A e ngại việc xử lý trách nhiệm ông Võ Kim Cự và những cấp trên dính tới dự án Formosa có thể bị chìm xuồng. Nhà phản biện còn cho là, khó biết tình hình sẽ diễn biến ra sao, nếu người dân đòi truất quyền đại biểu Quốc hội của ông Võ Kim Cự và những người có trách nhiệm liên quan.
Ngày 30/6/2016 vừa qua, khi họp báo công bố Formosa là thủ phạm thảm họa môi trường, phía Việt Nam cho biết đã phát hiện Formosa có 53 hành vi vi phạm liên quan đến thiết kế, vận hành, xây dựng thi công…quan trọng nhất là Formosa đã tự ý thay đổi công nghệ rẻ tiền hơn nhưng phát sinh nhiều chất thải hơn… Với những vi phạm như thế là quá đủ để khởi tố vụ án, chưa cần xét tới việc xả thải chưa qua xử lý ra biển gây ra thảm họa cá chết hàng loạt. Lúc đó khi trả lời câu hỏi của báo chí nước ngoài, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ vẫn để ngỏ khả năng truy tố Formosa.
Giới phân tích cho rằng, trước dư luận sôi sục về hậu quả thảm họa môi trường và việc tiếp tục cho rằng quá trình cấp phép cho Formosa Hà Tĩnh không sai trái. Khẳng định vi phạm pháp luật xuất phát từ nhà máy thép Formosa, thì chính phủ Việt Nam sẽ phải khởi tố một vài người có trách nhiệm của nhà máy này. - RFA
|
|
5.
Đà Nẵng đánh giá cao chương trình PP16 và sự trợ giúp của Mỹ
Hoạt động đặc biệt nhất và nổi bật nhất trong chương trình Đối tác Thái Bình Dương 2016 là cuộc diễn tập lớn về phòng chống thiên tai và cứu nạn được thực hiện trên sông Hàn, Đà Nẵng vào sáng 26/7.
Theo báo chí Việt Nam, gần 150 người thuộc các lực lượng dân sự và vũ trang của Đà Nẵng cùng với các nhân viên tàu bệnh viện Mỹ USNS Mercy và tàu Hải quân Nhật JSDS Shimokita đã tham gia cuộc diễn tập.
Hai kịch bản diễn tập là bão lớn đổ bộ vào Đà Nẵng với sức gió lên tới 80-100km/giờ, gây ra cháy và hỏng hóc máy móc, làm nhiều ngư dân rơi xuống nước và bị thương. Các lực lượng phải phối hợp để sơ cứu và lai dắt thuyền bị nạn về cầu cảng trong vòng 35-45 phút sau khi sự cố xảy ra.
Đánh giá về cuộc diễn tập, bà Lê Thu Hạnh, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Đà Nẵng, nói với VOA:
“Các đối tác tham gia chương trình Đối tác Thái Bình Dương cùng với các cơ quan ban ngành của Đà Nẵng đã thực hiện theo đúng kịch bản và kế hoạch đã xây dựng, thống nhất trước đó. Chúng tôi cũng đánh giá rằng đây là một cuộc diễn tập rất là thành công”.
Chương trình Đối tác Thái Bình Dương 2016 (PP16) đã khởi động hôm 15/7 ở thành phố Đà Nẵng, với mục tiêu tăng cường ứng phó thảm họa ở các quốc gia khu vực. Về phía Mỹ, nước có vai trò chủ đạo trong chương trình, có sự tham gia của Tàu bệnh viện USNS Mercy. Lần đầu tiên nước chủ nhà Việt Nam cử tàu bệnh viện Khánh Hòa của hải quân tham gia, đây là một điều đặc biệt. Một đối tác lớn trong chương trình là Nhật Bản đã điều đến Đà Nẵng tàu Hải quân JSDS Shimokita.
Trong khuôn khổ chương trình kéo dài đến ngày 28/7, các bác sỹ, nhân viên y tế dự kiến phẫu thuật, khám chữa bệnh cho khoảng gần 1000 người bị các bệnh về khớp, bỏng, mắt, tiết niệu, răng miệng, dị tật.
Bên cạnh đó, các đối tác Việt Nam cùng với Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ nâng cấp 3 trường học và 1 trạm y tế ở Đà Nẵng.
Các bên tham gia cũng có nhiều cuộc trao đổi chuyên môn về cứu hộ cứu nạn, y tế, và các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao.
Bà Lê Thu Hạnh, đại diện thành phố Đà Nẵng, nhận xét: “Chúng tôi đánh giá những hoạt động này rất là có ý nghĩa về mặt nhân đạo, về mặt nhân văn. Nhiều hoạt động giao lưu khác cũng để lại tình cảm tốt đẹp trong lòng người dân”.
Các hoạt động của chương trình có sự đóng góp công sức của nhiều thành viên hoặc quân nhân Mỹ gốc Việt và sự tham gia của họ được đánh giá cao. Bà Hạnh cho VOA biết thêm chi tiết:
“Chúng tôi đã được cộng tác với rất nhiều các em công dân Mỹ gốc Việt. Phải nói là các em rất là nhiệt tình. Dù xa quê hương lâu năm rồi, tiếng Việt cũng không còn sõi nữa, nhưng các em đã sử dụng các chuyên môn của mình để phục vụ cho người dân. Ví dụ như Bác sỹ Tiến sỹ Andrew Đoàn, Bác sỹ Thành, rồi cả người lập kế hoạch đó là Jason Đào chẳng hạn. Thì tất cả các bạn đấy đều rất là nhiệt tình với quê hương. Và chúng tôi cũng cảm ơn các bạn ấy đã là cầu nối cho tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Hoa Kỳ và Việt Nam”.
VOA được biết Thiếu tá Jason Dao là sĩ quan Mỹ phụ trách địa bàn Việt Nam trong chương trình PP16.
Trong bối cảnh hồi đầu năm nay có những tin tức là quân đội Mỹ cân nhắc một đề xuất đặt các kho hậu cần ở nước ngoài trong đó có Việt Nam để giúp cho các hoạt động khắc phục thiên tai và trợ giúp nhân đạo được nhanh chóng trong khu vực, khi được hỏi về triển vọng hợp tác Hoa Kỳ-Việt Nam trong vấn đề này, bà Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Đà Nẵng phát biểu:
“Chúng tôi đánh giá rất cao công tác cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn. Bởi vì Đà Nẵng nằm ở khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi bão lũ và nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu […] Chúng tôi rất là cần trang bị, tăng cường năng lực để ứng phó với thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong thiên tai”.
Đây là lần thứ 7 trong vòng 11 năm Chương trình Đối tác Thái Bình Dương do Mỹ đứng đầu đã diễn ra ở Việt Nam. Sau Việt Nam, Chương trình PP16 sẽ tiếp tục đến Malaysia và Indonesia. - VOA
|
|
6.
Các chuyên gia dự báo TQ không thay đổi sự hiện diện ở Biển Đông
Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc có phần chắc vẫn duy trì các tuyên bố chủ quyền trước đây về Biển Đông, bất chấp việc Tòa Trọng tài quốc tế ra phán quyết phủ nhận giá trị pháp lý của đường 9 đoạn mà Bắc Kinh dùng để đòi chủ quyền đối với hầu hết diện tích vùng biển giàu tài nguyên.
Các tuyên bố của Trung Quốc lâu nay luôn vấp phải sự phản đối của hai bên tranh chấp chính khác là Việt Nam và Philippines.
Nhà nghiên cứu Muhamad Arif tại Trung tâm Habibie, Indonesia, hôm 26/7 phát biểu tại một phiên thảo luận ở Jakarta rằng: “Các nước chỉ tuân thủ luật pháp quốc tế khi điều đó phục vụ lợi ích của họ”.
Ông Arif nói luật pháp quốc tế có sức mạnh hạn chế vì luật quốc tế không thể được cưỡng chế thực thi bởi bất cứ cơ quan nào có thẩm quyền vượt qua các đường biên quốc gia, và vì vậy không có vai trò độc lập trong việc quản trị hành vi của các nước. Ông nói thêm rằng các luật như vậy thiếu một cơ chế cưỡng hành hợp pháp được các bên cùng nhất trí.
Hôm 12/7, Tòa Trọng tài (PCA) ở La Haye đã ra phán quyết về việc áp dụng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) mà Trung Quốc là một bên ký kết. Trung Quốc khẳng định PCA không có thẩm quyền về vấn đề và đã tẩy chay thủ tục tố tụng.
Ông Rene Pattiradjawane, chủ tịch một quỹ thuộc Trung tâm Nghiên cứu Trung Hoa, nói Trung Quốc đã đầu tư quá nhiều nên không thể dỡ bỏ các hòn đảo giả mà họ đã xây để củng cố cho các tuyên bố chủ quyền ở vùng biển rộng lớn. Ông Rene cũng nhận định rằng cho dù có những căng thẳng cao độ ở vùng biển tranh chấp, Trung Quốc có phần chắc vẫn kiềm chế nhằm tránh xung đột. Ông cho rằng “Trung Quốc sợ dính líu vào một cuộc xung đột nếu xét đến tình trạng kinh tế hiện nay của nước này”. - VOA
No comments:
Post a Comment