Friday, July 15, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 15/7

Tin Thế Giới

1.
84 người tử nạn trong vụ xe tải tông vào đám đông ăn mừng lễ Quốc khánh ở Pháp

Một người lái xe đã gây thiệt mạng cho 84 người và làm hơn 100 người khác bị thương khi tông chiếc xe tải đang chạy với vận tốc cao vào một đám đông ở Nice đêm thứ năm trong một lễ hội mừng ngày phá ngục Bastille, là ngày lễ Quốc khánh của Pháp. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa xác nhận có 2 người Mỹ trong số những người bị giết hại.

Kẻ tấn công đã lái xe 2 kilomet xuyên qua đám đông người trên một dải đường dành cho khách bộ hành, và chỉ ngừng lại khi bị cảnh sát bắn chết.

Các giới chức chính phủ ở Nice cho hay có nhiều cảnh sát viên trong số người thiệt mạng. Ít nhất 18 người sống sót đang trong tình trạng nguy kịch.

10 trẻ em được cho là nằm trong số những người thiệt mạng trong khi đang ăn mừng ngày lễ trên một quãng đường dành cho người đi bộ dọc theo địa điểm nghỉ mát Riviera của Pháp.

Thủ phạm tấn công đã chết, được cảnh sát chính thức nhận diện là một người Pháp gốc Tunisia, 31 tuổi, sinh sống ở Nice. Hắn ta bị cảnh sát địa phương ghi nhận là đã phạm nhiều tội, nhưng không bị các cơ quan an ninh quốc gia nghi là phần tử khủng bố hay nằm trong các chi nhánh khủng bố.

Tổng thống Pháp Francois Hollande nói vụ tấn công mang tất cả các yếu tố của một vụ tấn công khủng bố.

Phát biểu với quốc dân hồi sớm thứ sáu, ông Hollande nói: “Không có gì làm chúng ta lùi bước trong cuộc chiến chống khủng bố”. Ông viện dẫn những vụ tấn công ở Paris hồi tháng 11 năm ngoái, và nói rằng toàn bộ nước Pháp bị đặt dưới sự đe dọa của Nhà nước Hồi giáo. “Nói chung nằm dưới sự đe dọa của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo. Chúng ta phải biểu dương sự đề cao cảnh giác tuyệt đối và chứng tỏ quyết tâm không lay chuyển”.

Nhà lãnh đạo Pháp đã họp với các giới chức an ninh ở điện Elysee để cứu xét các biện pháp sắp tới. Thủ tướng Valls đã phát biểu với công chúng bên ngoài điện và thông báo cả nước sẽ để tang 3 ngày sau vụ tấn công.

Ông Hollande nói tình trạng khẩn trương, đã định sẽ kết thúc vào cuối tháng này, sẽ được kéo dài thêm 3 tháng nữa. Ông cũng tuyên bố áp dụng Operation Sentinel, đã được đề xuất sau những vụ tấn công khủng bố vào tháng 1 năm 2015 cho phép tăng cường 10.000 nhân viên quân đội để củng cố hàng ngũ lực lượng an ninh khắp nước. Ông nói Pháp sẽ tăng cường các vai trò của mình ở Syria và Iraq.

84 người thiệt mạng

Bộ Nội vụ Pháp xác định số tử vong là 84 người và nói tay lái xe đã bị “trừ khử”, có nghĩa hắn đã bị cảnh sát bắn chết. Các cảnh sát viên sau đó đã phát hiện chiếc xe tải chở chất nổ, lựu đạn và các loại vũ khí khác.

Tin tức của Pháp nói văn phòng công tố Paris, là cơ quan xử lý các vụ khủng bố quan trọng, đã được giao trọng trách tiến hành cuộc điều tra. Nice, thành phố lớn hàng thứ năm của Pháp và là thủ phủ vùng Côte d’Azur, đã được lực lượng an ninh đặt trong tình trạng bất động trong trường hợp có thể có thêm những vụ tấn công khác được hoạch định.

Các giới chức chính quyền ở Nice nói nhiều cảnh sát viên nằm trong số người thiệt mạng. Có ít nhất 18 trong số những người sống sót ở trong tình trạng nguy kịch.

Nhân viên sản xuất của VOA là Linda Ringe đang ở một khách sạn trông ra con phố Promenade des Anglais, nơi xảy ra vụ tấn công, cho biết: “Tôi sắp đi ngủ thì bắt đầu nghe thấy tiếng người la hét và tôi nhìn thấy mọi người chạy hoảng loạn, tiếng cảnh sát, tiếng người la khóc”.

“Chúng tôi đi xuống tầng dưới và băng qua đường và xác người la liệt, và chúng tôi biết họ đã chết vì được phủ những tấm vải. Nhiều người tìm cách cứu người bị thương, nhưng có quá nhiều người chết. Mọi người khóc và kêu la…”

Bà nói xe tải tiếp tục chạy qua con phố, là một con đường dành cho khách bộ hành, cho đến khi bị cảnh sát giết.

Bà Ringe nói vào lúc 7 giờ sáng, nhiều giờ đồng hồ sau vụ tấn công, từ trên cửa sổ bà còn nhìn thấy nhiều xác chết phủ mền.

Tổng thống Obama lên án vụ tấn công

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã lên án “vụ tấn công khủng bố ghê gớm” và vụ tàn sát thường dân vô tội. Ông đã ra lệnh cho các giới chức Hoa Kỳ dành mọi sự hỗ trợ có thể được cho giới hữu trách Pháp.

Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nói thêm: “Vào ngày lễ Quốc khánh này của Pháp, chúng ta được nhắc nhở về sự kiên trì phi thường và các giá trị dân chủ đã làm cho Pháp trở thành một sự khích lệ cho cả thế giới, và chúng ta biết rằng đặc trưng của nước Cộng hòa Pháp sẽ còn sống mãi sau vụ tổn thất sinh mạng tai hại và bi thảm này”.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry cho hay Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Paris đang làm việc để kiểm tra an sinh của các công dân Mỹ ở Nice. Lãnh sự quán Mỹ ở Marseille cho biết đang tìm cách “xác định xem có công dân Hoa Kỳ nào bị thương vong trong sự cố này hay không”.

Ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ của đảng Dân chủ Hillary Clinton nói vụ tấn công khiến bà “hết sức đau lòng”. Đối thủ phía đảng Cộng hòa của bà, ông Donald Trump, gọi vụ tấn công là “khủng khiếp” và cho biết ông đã hoãn kế hoạch loan báo người ra ứng cử phó tổng thống đứng chung liên danh với ông trong ngày hôm nay (15/7).

Cảnh sát Pháp cho hay họ đang kiểm tra xem có ai khác ở hiện trường có thể dính líu đến âm mưu tấn công hay không. Video quay ở Nice cho thấy cảnh sát vũ trang chạy bộ đuổi theo chiếc xe tải một cách vô vọng vào lúc chiếc xe phóng dọc theo tuyến đường đi bộ ven biển, đâm vào những người đang đi về nhà sau khi đi xem pháo hoa mừng lễ Quốc khánh.

Cảnh tượng chết chóc

Kính trước của chiếc xe tải bị lỗ chỗ đầy vết đạn, có thể do cảnh sát bắn, nhưng một số nhân chứng nói tay lái xe đã nổ súng trước khi hắn ta khởi sự phóng dọc qua quãng đường đi bộ dài 2 kilomet.

Sảnh đường của một khách sạn hạng sang gần đó đã được biến thành một trung tâm cấp cứu khẩn cho những người bị thương và hoảng sợ. Tất cả các bệnh viện ở vùng Nice đều được đặt trong tình trạng báo động để tiếp nhận người bị thương.

Các nhân chứng nói họ chắc chắn vụ tàn sát là có chủ ý trên một con đường mà xe cộ đã bị cấm chạy vào lúc đó. Tay lái xe đã đâm qua một hàng rào để đi vào khu dành cho khách bộ hành, rồi lạng xe qua lại qua đám đông, tăng tốc trước khi tông vào những đám người tìm cách chạy trốn.

Những mảnh kim loại trước xe tải, dường như là một chiếc xe chở hàng hay một chiếc xe van, đã bị bẹp dúm khi đâm vào những người tìm cách chạy bán sống bán chết.

Vụ tàn sát hôm thứ Năm là vụ tấn công khủng bố lớn thứ ba ở Pháp kể từ năm ngoái. Một vụ tấn công có phối hợp ở Paris vào ngày 13 tháng 11 đã làm ít nhất 130 người thiệt mạng trong vụ tấn công mà Nhà nước Hồi giáo nhận là thủ phạm, và một loạt các vụ tấn công vào tháng Giêng năm 2015 khởi đầu bằng vụ tấn công vào văn phòng tạp chí Charlie Hebdo làm 17 người thiệt mạng. - VOA
|
|

2.
TQ chặn ngư dân Philippines trên biển --- Manila tiến thoái lưỡng nan với Vành Khăn --- Phán quyết Biển Đông 'bất công' cho TQ --- Trung Quốc cảnh báo Úc: Đứng ngoài Biển Đông hoặc rủi ro thiệt hại các mối quan hệ song phương

Tàu tuần duyên Trung Quốc hôm thứ Năm 14/7 đã chặn, không cho một nhóm các ngư dân Philippines tới bãi cạn đang có tranh chấp trên Biển Đông, bất chấp phán quyết Tòa Trọng tài Thường trực (PCA).

PCA hôm 12/7 ra phán quyết theo đó nói Philippines có quyền đánh bắt cá trong Vùng Đặc quyền Kinh tế của mình.

Một nhóm phóng viên thuộc hãng tin địa phương, ABS-CBN, đã cùng nhóm ngư dân Philipines ra bãi cạn Scarborough, nơi Trung Quốc gọi là bãi Hoàng Nham. Đây là nơi được PCA xác định là nằm trong Vùng Đặc quyền Kinh tế của Philippines, và đã bị Trung Quốc chiếm từ năm 2012.

Họ đã bị một tàu tuần duyên Trung Quốc chặn lại, ra lệnh phải rời đi.

Các ngư dân đã quyết định quay trở lại, đánh bắt cá bên ngoài bãi cạn, hãng tin ABS-CBN tường thuật.

Tại Manila, luật sư cao cấp của chính phủ Philippines tuyên bố phán quyết của PCA là "chiến thắng lịch sử".

"Phán quyết xác nhận rằng không một quốc gia nào có quyền đối với toàn bộ vùng biển. Phán quyết là một chiến thắng lịch sử, không chỉ cho Philippines mà còn cho cả cộng đồng, bởi nó khiến chúng ta tiếp tục có niềm tin vào những nguyên tắc trật tự thế giới," Luật sư Joe Calida, Trưởng Văn phòng Tư pháp Philippines phát biểu tại Diễn đàn về Trọng tài Biển Đông, được tổ chức hôm 15/7.

Thị trấn duyên hải Masinloc đã khuyên các ngư dân trong khu vực không đánh bắt cá tại bãi cạn Scarborough cho tới khi các tranh chấp được giải quyết triệt để với Trung Quốc.

Cho đến nay, Manila vẫn hy vọng sẽ khởi động đối thoại với Bắc Kinh, mở đường cho việc Philippines thực thi quyền trên biển của mình theo nội dung phán quyết của PCA.

Phán quyết của PCA không có cơ chế cưỡng chế thi hành, nhưng chiến thắng của Philippines có thể khiến các nước khác trong khu vực, gồm Đài Loan, Việt Nam, Malaysia và Brunei tiến hành khởi kiện tương tự. - BBC

***
Theo phân tích của hãng tin Reuters, chính phủ Philippines có thể giành chiến thắng trong vụ kiện Trung Quốc về biển Đông, nhưng trên thực tế thì Manila không thể gọi là thắng lợi trong vùng biển chiến lược khi nói về Đá Vành Khăn.

Những bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy từ những chòi canh ọp ẹp được Trung Quốc xây dựng từ hai thập kỷ trước, nay bãi đá được nới rộng trên một diện tích lớn hơn 500 sân bóng đá, trong đó có một đường băng dài 3 km với nhiều nhà cửa trang hoàng, những bãi đất có thể diễu hành được và có cả một hệ thống radar chằng chịt.

Theo phán quyết được Tòa Trọng tài đưa ra vào hôm thứ Ba 12/07 thì bãi đá và tất cả những gì trên đó thuộc về Philippines một cách hợp pháp, bất kể thời gian và những gì được xây mới trên đó cũng không thay đổi được điều này.

Tuy vậy, trong tuyên bố công khai về phán quyết của tòa án, Manila đã thận trọng và kêu gọi phản ứng một cách “tỉnh táo và có kiềm chế”. Các quan chức Philippines hiểu rằng họ không có nhiều hy vọng lấy lại Đá Vành Khăn ngay tức thì dựa theo phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực ở Hague.

“Vấn đề này cần thời gian, không chỉ năm hay 10 năm nữa,” một quan chức cao cấp của Hải quân Philippines nói với yêu cầu không được tiết lộ danh tính đối với vấn đề nhạy cảm này.

Vị quan chức này còn nói, “trục xuất người Trung Quốc ra khỏi khu vực đó là bất khả thi”.

Đáp trả một cách cương quyết

Bắc Kinh, không chỉ từ chối tham gia phiên tòa mà còn nói phán quyết không có giá trị pháp lý đối với chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông và tái khẳng định chủ quyền đối với Đá Vành Khăn và nhiều hòn đảo khác.

Vào hôm thứ Năm, 14/07, tờ Nhân dân Nhật báo đăng một bức ảnh trên trang nhất cho thấy một chiếc máy bay dân sự hạ cánh tại sân bay Vành Khăn, với hai lá cờ Trung Quốc tung bay từ khoang lái.

“Như tôi đã nói từ trước, phán quyết sẽ không có tác dụng,” phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng trả lời, khi được hỏi liệu Trung Quốc sẽ tiếp tục khẳng định chủ quyền ở Đá Vành Khăn.

“Cũng nhân dịp này, tôi muốn nói rằng nếu bất cứ ai dùng phán quyết của Tòa Trọng tài để có những hành động khiêu khích, chống lại lợi ích của Trung Quốc, chúng tôi sẽ có sự đáp trả một cách cương quyết,” phát ngôn viên Lục Khảng nói với báo giới.

Các chuyên gia ở Trung Quốc cho rằng Tòa Trọng tài không có quyền hạn để bắt buộc các bên thực thi theo phán quyết nên nước này chắc chắn sẽ không giảm đi các hành động ở khu vực biển Đông.

“Phán quyết của Tòa Trọng tài quá chung chung nên có thể nói là không giải quyết được vấn đề,” chuyên gia luật Quốc tế của Đại học Vũ Hán Hà Hiển Dị nói.

Một số chuyên gia Trung Quốc khác thì nói phán quyết là chi tiết và kỹ lưỡng, dù các quan chức Trung Quốc luôn nói không xác đáng.

Một số lãnh đạo cao cấp thì cảm thấy như bị giáng một đòn đau điếng trước thái độ hoàn toàn chống lại Trung Quốc.

“Thật là đáng ngạc nhiên khi mà một nhóm quan tòa kiêu ngạo chỉ ngồi một chỗ (ở châu Âu) và đưa ra quyết định thế nào là bãi đá và thế nào là một hòn đảo,” một học giả ở Bắc Kinh nói.

“Điều này chỉ làm tăng thêm sự đồng lòng của giới lãnh đạo và thái độ của Trung Quốc thêm cứng rắn, bao gồm cả về quân sự. Sẽ không có chuyện Trung Quốc lùi bước.”

Các tiếp cận “rón rén” của Manila cho thấy nước này hiểu rõ những rủi ro, quan chức Philippines nói.

“Chúng ta nên chừa đường cho những hành động giữ thể diện vì Trung Quốc sẽ phải đối diện với sức ép khủng khiếp từ trong nước,” quan chức Hải quân Philippines nói. “Chúng tôi không muốn Đảng Cộng Sản Trung Quốc bị lật đổ bởi những cái đầu nóng trong lực lượng Quân đội Nhân dân. Điều này rất là nguy hiểm.”

Chủ tịch Tập Cận Bình có những động thái thắt chặt quyền lực kể từ khi lên nắm quyền gần bốn năm trước và chưa có dấu hiệu nào cho thấy có những hành động như vậy.

Chỉ là Thềm lục địa

Phán quyết về Đá Vành Khăn là một trong những phán quyết quan trọng nhất của toàn bộ phán quyết dài 479 trang từ Tòa Trọng tài, xem xét về chủ quyền lãnh thổ đối với những bãi ngầm, bãi đá và bãi cạn nằm dọc theo tuyến đường hàng hải quan trọng.

Tòa cũng bác bỏ đường chín đoạn mà Bắc Kinh đưa ra trong vòng 69 năm qua, tuyên bố chủ quyền gần hết cả khu vực biển Đông và bác bỏ mọi căn cứ pháp lý mà Bắc Kinh đưa ra liên quan chủ quyền đảo và các khu đặc quyền kinh tế, các chuyên gia về luật nói.

Đá Vành Khăn là khu vực giàu tài nguyên mà Trung Quốc chiếm giữ ở phía đông, cách khoảng 300 km đối với phía tây đảo Palawan của Philippines và cách khoảng 1.100 km từ đảo Hải Nam của Trung Quốc, là khu vực nằm trọn vẹn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines.

Tòa Trọng tài cho rằng Trung Quốc tiến hành việc xây dựng, được đẩy mạnh kể từ sau 2014, để tuyên bố chủ quyền, là bất hợp pháp và làm “trầm trọng” thêm tranh chấp, chiếu theo Công ước Liên hợp Quốc về Luật biển mà Manila đã khởi kiện ra tòa vào năm 2013.

Các vị quan tòa đồng thuận với luật sư bên phía Philippines, dựa vào bằng chứng là những ảnh chụp vệ tinh, thông tin từ lịch sử và từ khảo sát, bao gồm cả những ghi chú của hoa tiêu Trung Quốc để chỉ ra rằng, Đá Vành Khăn-về mặt pháp lý- chỉ là thềm lục địa, nổi lên khi thủy triều xuống.

Các luật sư đưa bằng chứng rằng bãi đá có tên Trung Quốc cổ là Mỹ Tế Phục- tên tiếng Anh là Mischief, là nhằm mục đích chứng minh Trung Quốc đã sử dụng và làm chủ khu vực biển Đông trong 2.000 năm qua. Ngày nay Trung Quốc gọi Đá Vành Khăn là Đá Mỹ Tế.

Khả năng xung đột

Các quan chức quân sự và ngoại giao trong khu vực nói Vành Khăn có thể là điểm gây nên sự xung đột trong bối cảnh khu vực sẽ tiếp tục có căng thẳng trong nhiều tháng sau khi có phán quyết.

Khu vực khác bao gồm Bãi Scarborough (Hoàng Nham), là ngư trường truyền thống của Philippines đã bị Trung Quốc chiếm đóng từ 2012 và Bãi Cỏ Mây (Second Thomas), nơi có một nhóm binh lính Philippines đóng quân trên một chiếc tàu bị mắc cạn đã mục nát.

Mỹ cũng đang quan sát Đá Vành Khăn một cách chặt chẽ và thường xuyên cảnh báo Trung Quốc không được xây dựng thêm trên hòn đảo thuộc về Philippines, là đồng minh quân sự của Mỹ.

Vào hôm thứ Tư vừa qua, Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa Dan Sullivan đã yêu cầu các tàu chiến của Mỹ di chuyển đến gần Đá Vành Khăn như một động thái đảm bảo cho tự do hàng hải trong khu vực.

Một quan chức bộ Quốc phòng Mỹ nói với Reuters rằng nếu có xảy ra đối đầu trong khu vực, hải quân và không quân Mỹ sẽ có những hành động nhằm bảo vệ tự do hàng hải.

Manila, ngược lại, không muốn có thêm những hành động khiêu khích Trung Quốc.

“Họ đang giận dữ vào lúc này,” Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nói với Reuters. “Cảm xúc đang dâng cao và chúng tôi không muốn cho họ có thêm lý do để có những hành động bạo lực.” - BBC

***
Một quan chức Nga cho rằng phán quyết trên Biển Đông là do phương Tây muốn 'kiềm chế' ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn cầu.

Ông Leonid Kalashnikov, Phó chủ tịch thứ nhất Ủy ban đối ngoại Hạ viện Nga trả lời phóng viên ở Moscow hôm 13/07 rằng phán quyết này là 'bất công'.

Tòa Trọng tài Thường trực quốc tế hôm 12/07 ra phán quyết bác bỏ yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông, mà nước này gọi là Nam Hải.

Trung Quốc vẫn khẳng định tòa không có quyền tài phán đối với vụ kiện, và không chấp nhận quyết định phân xử này. - BBC

***
Úc nhận được một cảnh báo thẳng thừng bất thường từ Trung Quốc - đứng ngoài Biển Đông hoặc rủi ro thiệt hại đối với quan hệ song phương.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết họ đã bị sốc bởi những nhận xét của Ngoại trưởng Julie Bishop hôm sáng Thứ tư rằng Trung Quốc nên tuân theo phán quyết của toà trọng tài LHQ và Úc tiếp tục diễn tập quyền tự do hàng hải.

Trung Quốc gọi phán quyết của tòa án quốc tế là một trò hề, âm mưu của Mỹ và là một mảnh giấy vụn.

Bây giờ TQ đưa ra lời lẽ bốc lửa và huớng mối đe dọa tới Úc và bà Bishop.

Lục Khảng, phát ngôn nhân Bộ Ngoai giao Trung Quốc khẳng định rằng bà Bishop sai khi nói Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết có tính cách cuối cùng và ràng buộc.

"Úc không nên xem phán quyết bất hợp pháp từ một tòa trọng tài bất hợp pháp là luật pháp quốc tế".

Ông cảnh báo tuyên bố bà Bishop, Úc Would đó tiếp tục tự do của các chuyến bay chuyển hướng và tuần tra trong vùng biển Nam Trung Quốc, sẽ đe dọa mối quan hệ song phương.

"Úc không phải là một bên trong vấn đề Biển Đông.

"Chúng tôi hy vọng rằng Úc nên chặc chẽ trong việc tuân thủ lời hứa không đứng bên nào trong tranh chấp lãnh thổ.

Người Trung Quốc đang tức giận là bà Bishop tuyên bố uy tín của Trung Quốc như một siêu cường đang lên có thể bị thiệt hại nếu không tôn trọng phán quyết.

Ông Lục Khảng cảnh cáo Úc không nên cư xử với luật pháp quốc tế như một trò chơi.

"Trung Quốc đã gởi công hàm nghiêm trọng đến Úc về những tuyên bố sai của các nhà lãnh đạo Úc," ông nói.

"Chúng tôi cương quyết chống lại điều này."

Và các đe dọa khác, Trung Quốc nói sẽ dứt khoát đáp trả cho những ai có chủ truơng chống lại lợi ích an ninh của TQ ở Biển Đông.

Trung Quốc đã nói họ có quyền thiết lập một vùng nhận diện phòng không để bảo vệ lợi ích và bất cứ các chuyến tuần tra về tự do hàng hải hay hàng không nào của Úc sẽ được Bắc Kinh coi là một thách thức trực tiếp. - ABC
|
|

3.
Khủng bố ở Pháp và căng thẳng Biển Đông phủ bóng thượng đỉnh Á-Âu

Vụ khủng bố đẫm máu tại Nice, thành phố du lịch miền nam nước Pháp, và không khí căng thẳng gia tăng tại Biển Đông, sau phán quyết của Tòa Trọng Tài, bao trùm thượng đỉnh Á-Âu (ASEM) lần thứ 11 tại Ulan Bator, Mông Cổ, khai mạc ngày 15/07/2016.

Thượng đỉnh ASEM được tổ chức hai năm một lần, với sự tham gia của lãnh đạo hơn 50 quốc gia, kỷ niệm 20 năm thành lập, dự kiến là một dịp để các quốc gia hai châu lục, tăng cường hợp tác về kinh tế và chính trị. Thế nhưng, vụ khủng bố tối ngày 14/07 tại Pháp đã đảo lộn lịch trình. Thượng đỉnh mở đầu với một phút mặc niệm tưởng nhớ nạn nhân vụ khủng bố trên đại lộ Promenade des Anglais ở Nice, khiến hơn 80 người chết.

Lãnh đạo 51 nước tham dự ASEM ra thông cáo chung, lên án "các hành động tấn công khủng bố, đầy hận thù và hèn hạ", tái khẳng định "cam kết phối hợp chống nạn khủng bố".

Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk tuyên bố: "Đây là một ngày đau buồn với nước Pháp, châu Âu và với tất cả chúng ta tại Mông Cổ". Ông nhấn mạnh: "Điều bi thảm là chứng kiến vụ thảm sát nhắm vào những con người đang vinh danh tự do, bình đẳng và bác ái (nhân ngày Quốc Khánh Pháp)... Chúng ta hãy đoàn kết với nhân dân Pháp và chính phủ Pháp trong cuộc chiến chống bạo lực và thù hận". Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (Li Keqiang), trong một phát biểu ngắn bằng tiếng Trung, tỏ lòng thương tiếc các nạn nhân, và nhắc lại là Bắc Kinh "chống lại mọi hình thức khủng bố".

Có mặt tại Ulan Bator, ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault cho biết, thảm kịch kinh hoàng tại Nice làm dấy lên "một tình cảm đoàn kết tự nhiên" trong giới lãnh đạo các nước Á-Âu tham dự ASEM, đối với nước Pháp. Theo lãnh đạo ngoại giao Pháp, không một nơi nào trên thế giới hiện nay có thể bình yên trước đe dọa khủng bố, thông cáo chung của ASEM về chủ đề này chắc chắn sẽ phải được "tăng cường".

Biển Đông được đề cập tại ASEM bất chấp Trung Quốc 

Biển Đông là chủ đề lớn bất ngờ thứ hai bao trùm ASEM, ít ngày sau khi Tòa Trọng Tài La Haye ra phán quyết, bác bỏ các tham vọng chủ quyền của Trung Quốc trên hầu hết Biển Đông. Trung Quốc gửi tín hiệu cảnh báo, thượng đỉnh ASEM không phải là "một nơi thích hợp" để thảo luận về vấn đề này. Bất chấp việc Bắc Kinh tức giận, hồ sơ Biển Đông chắc chắn có mặt trong nhiều đối thoại song phương ngày 15 và 16/07.

Tổng thống Philippines Duterte tuyên bố sẽ cử đặc phái viên tới Trung Quốc để "tái khởi động đàm phán", như một cử chỉ hòa dịu. Cùng lúc đó, ngoại trưởng Perfecto Yasay khẳng định sẽ dùng cơ hội tại Mông Cổ, để "thảo luận về một tiếp cận hòa bình, dựa trên luật pháp, của Philippines, và việc các bên tuân thủ quyết định của Tòa Trọng Tài".

Trả lời AFP ngày 14/07, ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh ca ngợi phán quyết của Tòa, và cho biết mọi vấn đề liên quan hiện đang được bàn thảo. Phán quyết La Haye là thắng lợi lịch sử của Philippines, nhưng cũng có thể rất có lợi cho nhiều quốc gia ven bờ Biển Đông, như Việt Nam, Malaysia, Brunei hay Indonesia.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, trước chuyến đi Mông Cổ, hy vọng sẽ thảo luận về các tranh chấp, và tầm quan trọng của việc "tìm ra giải pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế". "Đối thoại và cam kết tôn trọng trật tự quốc tế, dựa trên luật pháp là điều cần thiết. Các quy tắc ứng xử chung và có thể tiên liệu trước khiến các quốc gia được bảo vệ" là nhận đinh của chủ tịch Hội Đồng Châu Âu. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Trump đã chọn được ứng viên đồng hành --- Ông Trump mời người nhà tới phát biểu tại đại hội đảng

Ứng viên tranh cử tổng thống Donald Trump đã chọn thống đốc bang Indiana là Mike Pence là người ra tranh cử cùng ông với vị trí phó tổng thống, theo truyền thông Hoa Kỳ.

Chiến dịch tranh cử của ông Trump lên kế hoạch công bố tin này vào hôm thứ Sáu nhưng đã hủy vì vụ tấn công tại Nice, Pháp.

Các nguồn thân cận với chiến dịch tranh cử nói với truyền hình ABC News rằng ông Pence đã chấp nhận đề nghị này.

Tuy nhiên, ông Trump nói với kênh truyền hình Fox News vào hôm thứ Năm rằng: "Tôi chưa có quyết định cuối cùng."

Ông Trump hy vọng ông Pence có thể giúp ông giành sự ủng hộ từ những người bảo thủ trong đảng Cộng hòa.

Người ta cho rằng các ứng viên khác gồm cựu chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich và Thống đốc New Jersey Chris Christie.

Ông Pence, 57 tuổi, từng là dân biểu 12 năm tại Washington.

Kinh nghiệm lập pháp và vị trí thống đốc bang Indiana của ông có thể giúp ông Trump có thêm lợi thế trong cuộc tranh cử vào tháng 11.

Ông Pence có lập trường mạnh về chống phá thai và ký thành luật một dự luật về tự do tôn giáo bị xem là luật chống người đồng tính.

Ông Trump từng nói ông muốn một người ra tranh cử cùng ông có thể giúp ông làm việc với Quốc hội.

Tuy nhiên ông Trump và thống đốc Indiana khác nhau về quan điểm đối với một số chủ đề chính như ý tưởng cấm người Hồi giáo vào Hoa Kỳ mà ông Trump đề xuất. - BBC

***
Tỉ phú bất động sản Donald Trump đã lên danh sách một loạt các thành viên gia đình, những ủng hộ viên chính trị và một số nhân vật nổi tiếng đến phát biểu tại Đại hội Toàn quốc của Đảng Cộng hòa vào tuần sau, nơi ông dự kiến sẽ giành được đề cử tổng thống năm 2016 của đảng.

Danh sách hơn 60 diễn giả sẽ phát biểu ủng hộ ông Trump bao gồm vợ ông, bà Melania, bốn người con trưởng thành của ông là Ivanka, Eric, Donald và Tiffany, cùng với những nhà lãnh đạo quốc hội chủ chốt khác của Đảng Cộng hòa, bao gồm Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan và lãnh đạo khối đa số Thượng viện Mitch McConnell.

Ít nhất 5 trong số 16 ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa mà ông Trump đã đánh bại để vươn lên dẫn đầu cuộc đua trên chính trường Mỹ cũng sẽ phát biểu, trong đó có Thượng nghị sĩ bang Texas Ted Cruz, Thống đốc bang New Jersey Chris Christie và Thống đốc bang Wisconsin Scott Walker.

Ông Trump cũng mời những diễn giả khác tới phát biểu tại thành phố Cleveland thuộc bang Ohio ở vùng trung tây. Những người này có thể chưa được công chúng Mỹ biết nhiều.

Trong số này có hai người sống sót sau vụ tấn công khủng bố hồi năm 2012 nhắm vào cơ sở ngoại giao của Mỹ tại thành phố Benghazi, Libya - Mark Geist và John Tiegen; tay golf chuyên nghiệp Natalie Gulbis; chủ sòng bạc Las Vegas Phil Ruffin; người đồng sáng lập PayPal là Peter Thiel, và Dana White, chủ tịch tổ chức chuyên về võ thuật hỗn hợp Ultimate Fighting Championship.

Một quan chức chấp pháp hay thẳng thừng nêu quan điểm, Cảnh sát Trưởng David Clarke của thành phố Milwaukee bang Wisconsin, cũng sẽ phát biểu tại đại hội sắp tới. Ông Clarke đã lên án nhóm Black Lives Matter, nhóm đã thu hút sự chú ý tới những vụ cảnh sát làm thiệt mạng những người Mỹ gốc Phi trong những vụ đối đầu trên đường phố, nói rằng nhóm này là "kích động" sự thù ghét đối với cảnh sát Mỹ.

Với tranh cãi xung quanh nhiều quan điểm chính trị của ông Trump - chẳng hạn như việc ông ta kêu gọi trục xuất 11 triệu người nhập cư không có giấy tờ sống ở Mỹ - danh sách diễn giả cũng gây chú ý vì những nhân vật chủ chốt của Đảng Cộng hòa quyết định không tham dự cuộc họp mặt diễn ra bốn năm một lần này.

Hai cựu tổng thống Đảng Cộng hòa, George H.W. Bush và con trai ông George W. Bush, không định tham dự. Hai ứng cử viên tổng thống gần đây của đảng, Thượng nghị sĩ John McCain của bang Arizona và cựu Thống đốc bang Massachusetts Mitt Romney cũng sẽ vắng mặt. Trong bốn người này, chỉ có ông McCain là đã công khai tuyên bố ủng hộ ông Trump, và ông Romney đã công khai lên án tư cách ứng cử viên của ông Trump. - VOA
|
|

5.
Các nhân vật chính trị Hoa Kỳ muốn trả đũa các phần tử khủng bố

Cả hai ứng viên tổng thống Hoa Kỳ đều đáp lại vụ tấn công khủng bố ở Pháp đêm thứ năm bằng lời tuyên bố Hoa Kỳ tuyên chiến với các phần tử Hồi giáo quá khích. Tuy nhiên, phản ứng của bà Hillary Clinton có phần hòa dịu hơn so với ông Donald Trump.

Ứng viên của đảng Cộng hòa Donald Trump nói Hoa Kỳ cần phải “cứng rắn” đối với các phần tử khủng bố, và nếu ông lên làm tổng thống, ông sẽ yêu cầu Quốc hội chính thức tuyên chiến với tổ chức Nhà nước Hồi giáo, trong khi bà Clinton của đảng Dân chủ kêu gọi thận trọng và đề nghị thu thập tình báo nhiều hơn chống lại các phần tử khủng bố.

Ông Trump nói với đài truyền hình Fox rằng ông sẵn sàng tuyên chiến với những phần tử khủng bố không rõ là ai và cam kết đưa binh sĩ NATO vào một cuộc “thế chiến.”

Đáp lại yêu cầu của đài CNN bình luận về các nhận định của ông Trump, bà Clinton nói:

“Tôi nghĩ điều rõ ràng là chúng ta đang ở trong tình trạng chiến tranh với các tổ chức khủng bố này và những gì bọn chúng đại diện. Đây là một hình thức chiến tranh khác và chúng ta cần phải khôn ngoan về cách thức tiến hành và chiến thắng. Do đó tôi nghĩ chúng ta cần phải cứu xét mọi đường lối có thể được để làm chính điều đó.”

Các nhân vật chính trị trên khắp nước và từ cả hai chính đảng đồng ý với các cảm nghĩ của các ứng viên tổng thống về việc loại trừ những mối đe dọa khủng bố Hồi giáo.

Thống đốc bang Indiana và được đồn đoán sẽ là ứng viên phó tổng thống của đảng Cộng hòa, ông Mike Pence gọi vụ tấn công là “lời nhắc nhở khủng khiếp về mối đe dọa mà nền văn minh Tây phương phải đối phó.”

Trong một thông cáo, ông Pence nói: “Trong khi chúng ta để tang cùng với nhân dân Pháp, chúng ta phải quyết tâm áp dụng công lý đối với tất cả những kẻ chịu trách nhiệm và đánh bại kẻ thù này của nền văn minh ngay từ gốc rễ.”

Dân biểu Sean Maloney của đảng Dân chủ, đại diện bang New York đăng trên Twitter rằng ông “hết sức đau lòng nghe tin một vụ tấn công khác xảy ra ở Pháp.”

Ông nói: “Chúng ta phải phá tan ISIS và loại trừ vĩnh viễn mối đe dọa khủng bố Hồi giáo quá khích.”

Dân biểu Mike Kelly của đảng Cộng hòa, đại diện bang Pennsylvania nhắn tin trên Twitter rằng ông đang cầu nguyện cho nước Pháp, “Cầu nguyện cho hòa bình, cho sự an toàn, cho quyết tâm, cho lòng can đảm, cho sức mạnh để vĩnh viễn chấm dứt sự độc ác này.”

Nhiều chính trị gia khác đã ngỏ lời chia buồn và bày tỏ thiện cảm đối với các nạn nhân vụ tấn công.

Dân biểu Cheri Bustos của đảng Dân chủ, đại diện bang Illinois nhắn qua Twitter: “Tôi hết sức ghê sợ trước tấn thảm kịch vừa xảy ra ở Pháp. Tôi vô cùng đau xót cho các nạn nhân và gia đình họ.”

Dân biểu Scott Peters của đảng Dân chủ, đại diện bang California nhắn qua Twitter: “Tin thật đau buồn từ Nice vào ngày lễ Quốc khánh Pháp. Chúng tôi thông cảm các gia đình nạn nhân và như thường lệ, sát cánh với dân chúng Pháp đêm nay.”

Đêm thứ năm, một người đàn ông lái xe tải đã tông qua một đám đông người ăn mừng lễ Quốc khánh Pháp ở Nice, làm 84 người thiệt mạng và nhiều người bị thương. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

6.
Vụ ông Trịnh Xuân Thanh bộc lộ kẽ hở trong bầu đại biểu quốc hội

Báo chí Việt Nam đưa tin Hội đồng bầu cử quốc gia đã họp hôm 15/7 để biểu quyết về tư cách đại biểu Quốc hội của 496 người trúng cử trong kỳ bầu cử hồi tháng 5. Hội đồng đã không công nhận ông Trịnh Xuân Thanh đủ tư cách là đại biểu Quốc hội khóa 14. Ông Thanh, nguyên Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, là người duy nhất bị hủy tư cách đại biểu Quốc hội. Trong cuộc bầu cử vừa qua, ông Trịnh Xuân Thanh đạt tỷ lệ 75,28% số phiếu hợp lệ và trở thành người trúng cử tại tỉnh Hậu Giang. Tuy nhiên, trong hơn một tháng trở lại đây, dư luận xã hội và báo chí đã phanh phui ra nhiều sai phạm của ông khi ông nắm các vị trí khác nhau trong hệ thống nhà nước, tạo ra sức ép dẫn đến việc ông phải chủ động không tái ứng cử chức phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang và nay là bị hủy tư cách đại biểu Quốc hội. - VOA

No comments:

Post a Comment