Monday, July 11, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Hai 11/7

Tin Thế Giới

1.
Thủ tướng Anh sẽ từ chức vào ngày 13/7 --- Chỉ một người tranh chức thủ tướng Anh

Thủ tướng Anh David Cameron cho biết ông sẽ chính thức từ chức vào thứ Tư tới (13/7), mở đường cho Bộ trưởng Nội vụ Theresa May trở thành nhà lãnh đạo kế tiếp của nước này. 

Trả lời các phóng viên, ông Cameron nói: “Bà ấy (Theresa May) là một người mạnh mẽ, có năng lực, có thừa khả năng dẫn dắt đất nước trong những năm sắp tới”. 

Đương kim Thủ tướng Anh tuyên bố “ủng hộ hoàn toàn” bà Theresa.

Ông cho biết sẽ tới Hạ viện để trả lời các chất vấn, rồi sau đó sẽ nộp đơn từ chức. Ông Cameron nói nước Anh sẽ có tân thủ tướng vào “tối thứ Tư”. 

Bà May và Bộ trưởng Năng lượng Anh Andrea Leadsom dự kiến sẽ đối đầu nhau trong cuộc lựa chọn vòng hai của phe Bảo thủ để lên thay thế ông Cameron. 

Đương kim thủ tướng tuyên bố từ chức sau khi không thể thuyết phục người dân Anh ở lại EU trong cuộc trưng cầu dân ý tổ chức tháng trước. 

Tuy nhiên, sớm hôm nay, bà Leadsom tuyên bố rút lui khỏi cuộc đua, bỏ lại bà May “một mình một ngựa” trong cuộc đua lên thay thế ông Cameron. 

Trong một tuyên bố gửi cho phóng viên, bà Leadsom nói rằng “quyền lợi của đất nước sẽ được phụng sự bằng việc bổ nhiệm ngay một thủ tướng mạnh mẽ và được nhiều người hậu thuẫn”. 

Bà nói thêm rằng bà May có “vị thế tốt nhất” để triển khai việc Anh rút khỏi Liên hiệp châu Âu, hay còn gọi là vụ Brexit. 

Nếu được xác nhận, bà May sẽ trở thành nữ thủ tướng đầu tiên ở Anh kể từ sau thời kỳ nắm quyền của cố thủ tướng Margaret Thatcher. - VOA

***
Bà Theresa May có đầy cơ hội lên làm lãnh đạo Đảng Bảo thủ và tân thủ tướng Anh sau khi một ứng viên khác rút lui.

Tin từ London 11/07 nói bà Andrea Leadson thuộc phái ủng hộ Anh Quốc rút khỏi EU tức Brexit, đã tuyên bố thôi không ra tranh chức lãnh đạo Đảng Bảo thủ nữa.

Vì thế, người đang dẫn đầu về số phiếu nghị sỹ ủng hộ, bà Theresa May, 59 tuổi, gần như chắc chắn sẽ được đảng cầm quyền bầu lên nắm chức lãnh đạo thay ông David Cameron.

Vì Đảng Bảo thủ đang nắm đa số trong Hạ viện Anh, bà Theresa May, hiện giữ chức Bộ trưởng Nội vụ sẽ làm tân thủ tướng.

Trước đó, Đảng Bảo thủ dự kiến Thủ tướng Cameron sẽ chuyển giao quyền lực cho người kế nhiệm vào tháng 10 năm nay.

Ý định ban đầu là một cuộc bầu chọn sẽ diễn ra trong khối nghị sỹ đảng Bảo thủ ở Hạ viện rồi chọn ra hai ứng viên hàng đầu để đảng viên chọn tại Đại hội dự kiến vào tháng 10 này.

'Chỉ trong vài ngày'

Nhưng với sự ủng hộ cho bà May, ứng viên duy nhất, là cao gần tuyệt đối, việc chuyển quyền sẽ "chỉ diễn ra trong vài ngày", theo BBC News.

Thậm chí việc này có thể diễn ra ngay trong tuần này.

Ông David Cameron vừa nói ông sẽ đệ trình tên tuổi bà May lên Nữ Hoàng Elizabeth II chỉ trong ngày thứ Tư 13/07 để bà May có thể lên làm thủ tướng.

Bà Theresa May trả lời báo chí nói bà sẽ chọn cách đàm phán rút ra khỏi EU sau trưng cầu dân ý Brexit làm sao có lợi nhất cho Anh.

Sinh năm 1956 ở Eastbourne, vùng Nam nước Anh, bà không học ở các trường tư như các ông Boris Johnson, David Cameron và George Osbourne mà học trường công có tuyển chọn (grammar school).

Là con gái của một mục sư Anh giáo và có ông làm hạ sỹ quan Quân đội Anh, bà May không thuộc dòng giống quyền quý như một số nhân vật hàng đầu trong chính quyền.

Bà có chồng là ông Philip May nhưng hai vợ chồng không có con.

Cuộc đua 'chỉ còn một ngựa'

Vài hôm trước sau khi chỉ có hai phụ nữ, bà Theresa May và bà Andrea Leadson ra tranh cử chức lãnh đạo Đảng Bảo thủ Anh, báo Telegraph đã gọi đây là "cuộc đua hai ngựa" (two horse race)
Trước đó, số ứng viên cũng rơi rụng dần sau một loạt lời tuyên bố từ chức của các thủ lĩnh phái Brexit ở Anh.

Nay thì cuộc đua hóa ra chỉ còn "một ngựa", theo như bình luận của trang Sky News.

Trang này cũng nói bà Andrea Leadsom đã ra tranh cử "với động thái đầu tiên thật đen đủi".

Bà Leadsom, người có ba con, đã ám chỉ đối thủ của mình, Theresa May không có con nên "không hiểu hết chuyện tương lai nước Anh" và khó có khả năng làm thủ tướng.

Điều này đã gây phản ứng nhiều trong báo chí và mạng xã hội Anh quốc, khiến bà Leadsom phải xin lỗi bà May. - BBC
|
|

2.
Euro 2016: Bồ Đào Nha ngây ngất với chiến thắng lịch sử vô địch châu Âu

Cuối cùng đội tuyển Bồ Đào Nha đã có được chiến thắng sử lần đầu tiên giành chiếc Cúp vô địch bóng đá châu Âu, sau khi đánh bại chủ nhà của Euro 2016, tuyển Pháp, bằng kết quả 1-0 trong trận chung kết căng thẳng kéo dài 120 phút trên sân Stade de France, tại thành phố Saint- Denis tối qua, 10/07/2016.

Bước vào trận chung kết tối qua, mọi con số thống kê về quá khứ cũng như trình độ chuyên môn đều thuận cho chủ nhà Pháp. Đội tuyển Bồ Đào nha chưa bao giờ vượt qua được người Pháp ở các giải đấu chính thức. Hơn nữa ở Euro 2016, tuyển Bồ Đào Nha đã có một hành trình thi đấu nhạt nhòa, những ngôi sao như Cristiano Ronaldo hay Nina đều chơi dưới mức bình thường. Trong khi đội Pháp với lợi thế chơi trên sân nhà đã có một kết quả thi đấu từ đầu giải được cho là khá hoàn hảo, thắng 4 trận hòa 1 và chưa một lần phải kéo dài trận đấu đến hiệp phụ.

Trong trận chung kết tối qua, cầu thủ của cả hai đội đã cống hiến tất cả những gì họ có thể làm. Cuối cùng thần may mắn đã quay lưng lại với đội tuyển Pháp và mỉm cười với người Bồ Đào Nha để đến phút thứ 109 của trận đấu, cầu thủ Eder của Bồ Đào Nha trong một pha phản công đã tung cú sút sệt vào góc xa của cầu môn hạ thủ thành Pháp Hugo Lloris. Tỷ số 1-0 được các cầu thủ Bồ Đào Nha giữ cho đến khi tiếng còi trọng tài cất lên chấm dứt trận đấu.

Trên sân Stade de France, đội tuyển Bồ Đào Nha đăng quang ngôi vô địch trong niềm vui tột độ. Đội trưởng Cristiano Ronaldo, bị chấn thương chỉ chơi được 24 phút đầu trận đấu, đã nâng cao chiếc Cúp vô địch bóng đá châu Âu với niềm hạnh phúc khôn xiết.

Lịch sử bóng đá Bồ Đào Nha đã được các cầu thủ của huấn luyện viên Fernado Santos viết lên trang mới: Đánh bại đội bóng khắc tinh Pháp ngay trên sân nhà của họ để lần đầu tiên bước lên đỉnh cao nhất của bóng đá châu Âu.

Ngay sau khi kết thúc trận đấu, hàng nghìn người Bồ Đào Nha đã đổ về đại lộ Champs-Elysée của Paris để ăn mừng chiến công của đội nhà. Trong khi đó tại Bồ Đào Nha, không khí lễ hội tràn ngập khắp nơi.

Thông tín viên RFI Domitille Piron tại Lisboa ghi lại niềm vui tột độ của người dân:

Không khí sau trận đấu thật là đặc biệt, khu fan zone trên quảng trường Thương Mại ở thủ đô Lisboa bùng nổ trong niềm vui. Tất cả mọi người nhảy múa, hát hò tưng bừng. Các cổ động viên Bồ Đào Nha thực sự rất hạnh phúc, anh Luis cho biết tâm trạng của mình: "Tôi cực kỳ hạnh phúc, tôi chưa bao giờ tôi cảm thấy tự hào và hạnh phúc là người Bồ Đào Nha như lúc này".

Từ khu fan zone cho đến tất cả các phố của thủ đô tràn ngập không khí ngày hội cho đến tận đêm khuya. Còn Diego cho biết: "Thật là tuyệt vời, đã bao nhiêu năm chờ đợi, cuối cùng chúng tôi đã có được. Chúng tôi đã mất Cristiano Ronaldo ngay từ đầu trận, rất tiếc cho đội, chúng tôi thực sự không còn tiền đạo và Eder đã làm tất cả chúng tôi phải ngạc nhiên".

Họ nhảy múa ca hát trong khắp các góc phố, xe hơi bấm còi liên tục, nhiều người dừng xe ngay giữa đường để xuống nhảy múa, ca hát với mọi người.

Cô Karina rất phấn khích: "Chiến thắng này thật tuyệt vời. Tất nhiên với người Pháp quả là nặng nề. Nhưng nước Pháp đã giành được nhiều Cúp rồi, chúng tôi chưa có cái nào. Cuộc sống là vậy mà. Đây là chiếc Cúp đầu tiên của chúng tôi, nếu Chúa phù hộ chúng tôi thì đây là chiếc đầu tiên của nhiều chiếc Cúp khác".

Người Bồ Đào Nha hôm nay được tận mắt nhìn thấy khi các cầu thủ của họ trở về.

Pháp: Một ngày Chủ nhật ngắn hơn bình thường

Nếu như người Bồ Đào Nha ngập tràn trong niềm hạnh phúc thì người Pháp chìm trong nỗi thất vọng lớn chưa từng thấy. Giấc mơ của thầy trò huấn luyện viên Didier Deschamps mang về cho nước Pháp chiếc Cúp vô địch châu Âu đã bị tan vỡ ở những phút cuối của trận đấu cuối cùng.

Sau trận đấu, huấn luyện viên Didier Deschamps chỉ có thể nói được rằng: "Nỗi thất vọng này thật là vô biên. Không có từ nào để tả cái cảm giác đó. Phải cần có thời gian mới nguôi được".

Từ sáng sớm ngày hôm qua, cả nước Pháp đã sống trong một ngày Chủ nhật khác thường, một ngày Chủ nhật rạo rực với niềm tin chiến thắng của đội tuyển. Khắp nơi trong cả nước, ở đâu người Pháp cũng đều chuẩn bị đón ngày hội. Nhưng, niềm hy vọng của người Pháp đã chấm dứt sau tiếng còi kết thúc trận chung kết Euro 2016. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Mỹ kêu gọi Campuchia ‘điều tra kỹ’ vụ sát hại ông Kem Ley

Hoa Kỳ bày tỏ “sự đau buồn” trước vụ giết hại nhà hoạt động Kem Ley ở Phnom Penh, và kêu gọi Campuchia tiến hành một cuộc điều tra “tường tận và công bằng”.

Trong tuyên bố phát đi hôm 10/7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nói: “Chúng tôi hết sức đau buồn và quan ngại trước các tin tức về vụ giết hại nhà bình luận chính trị nổi tiếng của Campuchia, tiến sỹ Kem Ley. Chúng tôi xin gửi lời chia buồn sâu xa tới gia đình, bạn hữu và đồng nghiệp của ông”. 

Ông Kirby cho biết Hoa Kỳ “theo dõi sát vụ này”, đồng thời thúc giục chính quyền Campuchia bảo đảm rằng quá trình điều tra được thực hiện “tường tận và công bằng”. 

Trong khi đó, hôm nay, 11/7, hàng nghìn người đã dự tang lễ ông Kem tại thủ đô, một ngày sau khi ông bị bắn chết giữa thanh thiên bạch nhật bên trong một cửa hàng tạp hóa ở Phnom Penh. 

Một số người nói cái chết của ông Kem Ley là một “vụ sát hại vì động cơ chính trị,” trong khi Thủ tướng Hun Sen kêu gọi bình tĩnh.

Vụ sát hại ông Kem xảy ra trong bối cảnh căng thẳng chính trị gia tăng giữa ông Hun Sen và phe đối lập muốn thách thức quyền lực của vị Thủ tướng trong các cuộc bầu cử địa phương năm 2017, và bầu cử toàn quốc năm 2018. 

Thi thể của ông Kem sẽ được quàn tại một ngôi chùa ở Phnom Penh trong 10 ngày để người dân tới viếng. 

Theo Bộ Nội vụ Campuchia, một nghi can 38 tuổi đã bị bắt giữ và thú nhận sát hại nhà hoạt động 46 tuổi do tranh cãi về tiền bạc. 

Tuy nhiên, một số người dân tỏ ra hoài nghi về lý do này, cho rằng vụ giết hại có động cơ chính trị.

Một tòa án hôm 11/7 cho biết nghi can chưa bị truy tố. 

Trong khi đó, Thủ tướng Hun Sen lên án vụ giết người, và thúc giục người dân giữ bình tĩnh trong khi chính quyền tiến hành cuộc điều tra. - VOA
|
|

4.
Hai đối thủ Đảng Dân chủ cùng vận động tranh cử

Bà Hillary Clinton, người được coi sẽ đại diện Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, sẽ cùng với người từng là đối thủ, thượng nghị sĩ Bernie Sanders, đi vận động tranh cử vào ngày mai, 12/7, tại tiểu bang New Hampshire ở đông bắc Hoa Kỳ.

Nhóm vận động tranh cử của bà Clinton cho biết hai ứng viên sẽ “thảo luận về quyết tâm cùng gây dựng một nước Mỹ hùng mạnh và một nền kinh tế cho tất cả mọi người, chứ không phải những ai ở thượng tầng,” ám chỉ những người giàu có nhất. 

Hiện có nhiều lời đồn đoán rằng, tại sự kiện này, ông Sanders có thể công khai ủng hộ bà Clinton tại cuộc tụ tập vận động tranh cử.

Ông Sanders chưa cho biết ông sẽ ủng hộ cựu ngoại trưởng Mỹ, nhưng nói với các phóng viên hôm 9/7 rằng hai người sẽ đoàn kết. 

Cuộc vận động ở New Hampshire sẽ diễn ra sau các cuộc thảo luận riêng giữa hai ứng viên về các vấn đề liên quan tới chính sách. 

Tại bang này, ông Sanders đã dứt khoát thắng bà Clinton với khoảng cách biệt 22% số phiếu trong cuộc bầu cử sơ bộ hồi tháng Hai.- VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Nhiều nhà hoạt động bị côn đồ tấn công

Một số nhà hoạt động bị khủng bố, tấn công đến thương tích trong vài ngày qua tại cả 3 miền Việt Nam.

Đối tượng bị tấn công

Nạn nhân mới nhất của việc bị theo dõi rồi bị tấn công tại nơi vắng đến thương tích là nhà hoạt động Lã Việt Dũng, nhóm No-U ở Hà Nội vào tối ngày 10 tháng 7 vừa qua.

Chỉ một ngày trước đó vào ngày 9 tháng 7, cựu tù nhân trẻ Nguyễn Viết Dũng, cũng bị ngăn chặn khi đang có mặt ở Sài Gòn, sau đó bị đưa lên máy bay về Nghệ An.

Ngay tại sân bay Vinh, anh này bị bắt đưa lên xe và bị đánh chừng 1 tiếng rồi mới được thả xuống đường. Anh này phải tự tìm các liên lạc với gia đình để được đưa về nhà.

Vào sáng  ngày 11 tháng 7, chúng tôi liên lạc với gia đình anh Nguyễn Viết Dũng, và được bà mẹ cho biết sức khỏe anh đang yếu không thể trả lời điện thoại được và bà nói thêm:

“Cách đây khoảng 2 tháng cũng bị họ đánh dữ hơn lần này. Cũng từ Sài Gòn rồi về Vinh bị đánh: mắt thâm quần, mặt sưng lên đau. Lần này bị nơi miệng, còn mặt ít hơn!” 

Cũng vào ngày 9 tháng 7, một nhóm gồm 8 bạn trẻ trong đó có những thành phần thuộc Hội Anh em Dân chủ tại khu vực miền Trung đến dự đám cưới của một bạn tại Cửa Lò, Nghệ An. Tuy nhiên trước khi đến được đám cưới, họ đã bị chặn, tước hết tiền bạc, điện thoại rồi bị đưa lên xe.

Anh Nguyễn Trung Trực, một trong 8 nạn nhân kể lại sự việc:

“Chúng tôi xuất phát từ quê vào lúc khoảng 6 giờ sáng và đến cầu Bến Thủy rẽ xuống Cửa Lò khoảng 11 giờ kém, trên đường đến, cách Cửa Lò chừng vài cây số nữa thôi, tôi và các anh em dừng lại mua một số phong bì và quà. Bỗng nhiên xuất hiện 7-8 ô tô và một số xe gắn máy, cùng lực lượng chừng 40-50 người vây lấy chúng tôi. Họ nhanh chóng giật chìa khóa, cướp tài sản và tống chúng tôi lên xe; mỗi người lên 1 xe, chỉ có duy nhất 1 xe có 2 người. Trên xe có sẵn an ninh và như thế họ đánh túi bụi, đè đầu. 

Sau đó họ chạy theo hướng đường Trường Sơn. Chạy được 15-20 cây số, họ lôi xuống đánh tiếp, đánh nhừ tử. Bản thân tôi bị đánh ngất hai lần và mọi người đều bị đánh như vậy!

Khi chạy đến rừng Trường Sơn, ranh giới giữa Hà Tĩnh và Nghệ An, họ tống chúng tôi xuống lề rừng và lấy hết tài sản, tiền bạc, điện thoại, giấy tờ tùy thân. Họ để chúng tôi ở đó; đặc biệt họ xé hết áo quần, có người chỉ còn lại quần lót, có người không còn mảnh vải che thân! Rồi họ biết mất.

Một số dân địa phương đến hỏi han chúng tôi, giúp đỡ một ít áo quần mặc tạm.

Sau đó chúng tôi lần mò về được giáo xứ Kẻ Động cách đó chừng 15-20 cây số. Nhờ sự che chở của giáo dân và cha Micae Trần Định, cũng như chữa vết thương, bảo vệ an ninh. Mãi đến trưa ngày 10/7 chúng tôi mới về được đến nhà.”

Nhận định

Anh Lã Việt Dũng vào sáng ngày 11 tháng 7, đưa ra nhận định về việc anh bị đánh đến thương tích vào tối hôm trước như sau:

“Có nhiều vụ như thế này xảy ra rồi; nhưng để chỉ mặt đích danh nói công an đánh thì rất khó tại Việt Nam. Bởi vì họ đánh rất kín, mình thường không có bằng chứng gì để khẳng định. Tuy nhiên về mặt logic mình hoàn toàn có thể suy ra được vì hôm qua tôi hoàn toàn không hề có va chạm với ai. Thứ hai đối tượng đi theo chúng tôi từ đầu đến cuối chỉ có an ninh thôi.

Do đó những người đánh tôi nếu không phải là an ninh thì cũng là đầu gấu, tay sai theo chỉ đạo của an ninh. 

Đây là hành vi mang tính khủng bố để khủng bố tinh thần đội bóng No-U. Việc quấy nhiễu đội bóng No-U xảy ra từ đầu đến giờ nhưng gần đây họ tăng cường quấy nhiễu. 

Tôi nghĩ ngoài việc đá bóng của No-U ra; đây còn là sân chơi cho mọi người nữa nên họ sợ mọi người tham gia biểu tình… Họ không muốn nên chặn phá!”

Thông thường những nạn nhân bị tấn công có thể trình báo vụ việc với công an để truy tìm thủ phạm nhằm xét xử công minh, bảo đảm an ninh, trật tự xã hội. Tuy nhiên theo những nhà hoạt động từng bị hành hung thương tích bấy lâu nay thì chuyện trình báo theo thủ tục mà họ làm nhiều lần trước đây đều không được giải quyết.

Anh Nguyễn Trung Trực nói về điều đó:

“Khi chúng tôi đến giáo xứ Kẻ Động và được bà con giáo dân, cha xứ che chở, giúp đỡ về mặt vật chất cũng như tinh thần, thì chính quyền ở đó họ cũng đến. Được phép của cha xứ họ vào gặp chúng tôi để làm việc. Chúng tôi trình báo sự việc xảy ra. Họ nhận trình báo của chúng tôi và cũng cấp cho chúng tôi 1 giấy chứng nhận về sự trình báo. Rồi cũng giúp bảo đảm an ninh cho chúng tôi từ Hà Tĩnh về lại Quảng Bình. Họ nói sẽ điều tra vấn đề; nhưng đối với những người tranh đấu như chúng tôi thì không còn lạ gì nữa; có lẽ đây là 1 bài diễn của họ.”

Và thực tế được anh Lã Việt Dũng cho biết:

“Việc đó chúng tôi đã làm nhiều lần rồi. Việc (hành hung) do ai chúng tôi cũng biết chắc là ai nhưng thường câu trả lời của họ là không có bằng chứng gì cả!”

Chúng tôi cũng cố gắng liên lạc qua điện thoại di động của ông chủ tịch thành phố Hà Nội, Nguyễn Đức Chung, để hỏi về tình trạng bất an tại địa bàn thủ đô nơi được gọi là ‘thành phố hòa bình’; thế nhưng ông này không trả lời với lý do bận họp.

“Tôi đang họp, tôi đang trong hội nghị.”

Vừa qua nhân dịp quốc khánh Hoa Kỳ 4 tháng 7, đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội có mời một số nhà hoạt động tại Việt Nam đến tham dự cuộc tiếp tân nhân sự kiện đó; tuy nhiên cũng như bao lần khác tư gia của những người được mời bị đặt chốt chặn không thể ra khỏi nhà.

Luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân là một trong số đó. Bản thân ông bị lực lượng an ninh không chỉ ngăn chặn mà còn tấn công thân thể. Khi ông này dùng luật để phản bác lại thì họ công khai tuyên bố họ chính là ‘côn đồ’. Bằng chứng của thừa nhận đó được ghi lại đầy đủ. - RFA
|
|

6.
Đảng kết luận vụ Trịnh Xuân Thanh

Phó chủ tịch UBND Hậu Giang và là tân Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân Thanh bị Đảng Cộng sản Việt Nam kết luận có nhiều khuyết điểm, vi phạm.

Thông cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương chiều 11/7 kiến nghị Hội đồng Bầu cử quốc gia xem xét, không công nhận tư cách đại biểu quốc hội khóa 14 đối với ông Trịnh Xuân Thanh.

Cơ quan kiểm tra của Đảng Cộng sản cũng yêu cầu kỷ luật ông Thanh.

Ông Trịnh Xuân Thanh bị báo chí đưa tin hồi tháng Năm khi phát hiện chiếc xe Lexus 570 biển số xanh chở ông Thanh.

'Sai phạm'

Nhưng không dừng lại ở sự việc này, nay Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói thời gian ông Thanh làm lãnh đạo Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) từ 2007 đến 2013 đã xảy ra các sai phạm.

Từ 2007 đến 2013, ông Thanh là Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).

Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói ông Thanh và ban lãnh đạo PVC đã “thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế”.

Theo cơ quan này, do khuyết điểm khi làm ở PVC, ông “không đủ điều kiện, tiêu chuẩn” để luân chuyển hay lên cao hơn.

Tuy vậy, sau khi rời PVC năm 2013, ông Thanh được Bộ Công Thương bổ nhiệm làm Phó chánh văn phòng Bộ, rồi Vụ trưởng, Ban đổi mới doanh nghiệp Bộ.

Sang tháng 5/2015, ông Thanh luân chuyển và được bầu làm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói đã có “vi phạm nguyên tắc, quy trình, thủ tục và tiêu chuẩn cán bộ” trong việc tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm, quy hoạch, giới thiệu bầu cử ở Bộ Công Thương và tỉnh Hậu Giang đối với ông Thanh.

Về chiếc xe Lexus mang biển số xe công (biển xanh), ủy ban này đề nghị phía công an thu hồi biển số.

Ủy ban cũng đề nghị “tiếp tục kiểm tra, làm rõ trách nhiệm và xem xét việc kiểm điểm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm tại PVC”.

“Kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Bộ Công Thương và Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2010-2015,” thông cáo nói.

Ủy ban này cũng kiến nghị Hội đồng Bầu cử quốc gia xem xét, không công nhận tư cách đại biểu quốc hội khóa 14 đối với ông Trịnh Xuân Thanh.

Trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng Năm, ông Thanh đạt 75,28% số phiếu hợp lệ ở tỉnh Hậu Giang, trúng cử đại biểu Quốc hội.

Cuộc điều tra của Đảng đối với ông Thanh bắt đầu sau khi có ý kiến chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. - BBC

No comments:

Post a Comment