Sunday, July 24, 2016

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 24/7

Tin Thế Giới

1.
Biển Đông: Hội nghị ngoại trưởng ASEAN bế tắc --- Cựu tổng thống Philippines làm đặc phái viên đàm phán với Trung Quốc --- Ngoại trưởng Mỹ thúc giục ASEAN giảm căng thẳng với TQ --- Mỹ gia tăng nỗ lực ngoại giao tại hội nghị ASEAN nhằm xoa dịu tình hình

Hội nghị các ngoại trưởng ASEAN họp hôm nay, 24/07/2016, tại Lào rất khó ra được một thông cáo chung, đề cập đến vấn đề Biển Đông. Các quốc gia Đông Nam Á tiếp tục bị chia rẽ do áp lực của Trung Quốc.

Cuộc họp các lãnh đạo ngoại giao ASEAN tại Vientiane là hội nghị quan trọng đầu tiên của các nước Đông Nam Á, kể từ khi Tòa Án Trọng Tài Thường Trực ra phán quyết bác bỏ các tham vọng chủ quyền của Bắc Kinh trên gần trọn Biển Đông, ngày 12/07/2016. Bốn quốc gia ASEAN, gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei, có các tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại vùng biển này.

Hội nghị ngoại trưởng ASEAN sẽ phải ra một thông cáo chung hôm nay. Theo các nguồn tin ngoại giao, được hãng tin Kyodo dẫn lại, ngoài Philippines và Việt Nam, thì Indonesia, Singapore và Miến Điện đều muốn đưa vấn đề Biển Đông vào bản thông cáo chung, yêu cầu các bên liên quan giải quyết các tranh chấp tại khu vực này bằng con đường "pháp lý và ngoại giao".

Tuy nhiên, các nỗ lực nói trên dường như đang rơi vào bế tắc do lập trường của Cam Bốt, muốn gạt vấn đề Biển Đông khỏi thông cáo chung để tránh làm mất lòng Bắc Kinh. Trung Quốc bị cáo buộc sử dụng ảnh hưởng, đặc biệt với Cam Bốt và Lào, để chia rẽ ASEAN, vốn vận thành theo nguyên tắc đồng thuận. Một số nguồn tin của AP cho biết ngày hôm qua mục Biển Đông trong bản dự thảo tuyên bố chung vẫn được để trống, để chờ sự đồng ý của toàn bộ các thành viên ASEAN.

Năm 2012, lần đầu tiên trong lịch sử của khối, hội nghi ngoại trưởng ASEAN tại Phnom Penh đã không ra được thông cáo chung, do Cam Bốt phản đối việc đưa vấn đề Biển Đông vào văn bản này.

Ngày mai, ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry sẽ tới Lào để tham gia đối thoại ASEAN – Hoa Kỳ và một số diễn đàn đối thoại khu vực khác. Trước chuyến công du của ông John Kerry, trả lời báo giới, một quan chức bộ Ngoại Giao Mỹ cho biết Washington sẽ thúc đẩy để các bên liên quan tìm kiếm giải pháp ngoại giao nhằm giải quyết hòa bình các tranh chấp tại Biển Đông. - RFI

***
Cựu tổng thống Philippines Fidel Ramos, ngày hôm qua, 23/07/2016, thông báo chính thức chấp nhận đề nghị của tổng thống Rodrigo Duterte làm đặc phái của chính phủ tiến hành đàm phán với Trung Quốc về hồ sơ Biển Đông, sau khi Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye ra phán quyết.

Theo báo The Philippine Star, nhiệm vụ chính của ông Ramos là giúp đỡ chính phủ Manila cải thiện quan hệ với Bắc Kinh đang rất bực bội về phán quyết của Tòa Án Trọng Tài bác bỏ các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc dựa trên bản đồ "đường chín đoạn".

Trong cuộc gặp với ông Ramos, tổng thống Duterte đã khẳng định cung cấp cho phái đoàn đàm phán những đường hướng cần thiết trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc.

Trước đó, ông Ramos tuyên bố chiến tranh không phải là một giải pháp cho các tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông (mà Manila gọi là biển Tây Philippines). Cựu tổng thống Philippines cũng nói sẽ rất chú ý tới khuyến nghị của ngoại trưởng Perfecto Yasay là trong các cuộc thương lượng với Trung Quốc, nên thận trọng và có thái độ khoan dung khi đề cập đến các phán quyết của Tòa Án Trọng Tài ngày 12/07 vừa qua.

Bản thân ông Ramos cũng khẳng định sẵn sàng không sử dụng các phán quyết của Tòa như là điều kiện để tiến hành đàm phán song phương với Trung Quốc về Biển Đông.

Về phần mình, tổng thống Duterte cũng đã từng nói rằng thắng lợi về mặt pháp lý của Philippines trong hồ sơ Biển Đông có thể không nằm trong chương trình nghị sự của các cuộc đàm phán với Trung Quốc.

Hôm thứ Sáu, 22/07, khi đến thăm một nhà máy điện ở tỉnh Maguindanao, phía nam Philippines, tổng thống Duterte cho rằng, trong hồ sơ tranh chấp lãnh thổ Biển Đông, "nếu chúng ta có thể giải quyết với Trung Quốc mà không cần phán quyết của Tòa Án, thì tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ được hưởng lợi nhiều từ phía Trung Quốc" và nếu đàm phán với Bắc Kinh đạt được tiến bộ thì sẽ giúp gia tăng trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và Philippines. - RFI

***
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry sẽ lên tiếng kêu gọi lãnh đạo các quốc gia Đông Nam Á tìm kiếm các giải pháp ngoại giao nhằm giảm căng thẳng với Trung Quốc về vấn đề biển Đông, sau phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế.

Ông Kerry sẽ tới thủ đô Vientiane của Lào vào ngày 25/7 để tham dự cuộc họp thường niên với ngoại trưởng 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Dự kiến, căng thẳng giữa các quốc gia ASEAN, nhất là Philippines và Việt Nam, với Trung Quốc về biển Đông sẽ bao trùm cuộc họp.

Một quan chức cấp cao của Mỹ trao đổi với các phóng viên trước chuyến đi: “Ngoại trưởng Kerry sẽ củng cố hy vọng của chúng tôi rằng các bên giờ nên thương thảo một cách xây dựng nhằm tìm ra các giải pháp ngoại giao để trao đổi một cách hòa bình [tranh chấp] ở biển Đông”.

Đây là lần đầu tiên các nhà ngoại giao hàng đầu của ASEAN nhóm họp kể từ khi Tòa Trọng tài ở La Haye ra phán quyết có lợi cho Philippines trong vụ kiện Trung Quốc hôm 12/7.

Bắc Kinh đã tuyên bố bác bỏ phán quyết, và sẽ tiếp tục giữ vững các tuyên bố chủ quyền đã và đang gây bất đồng với các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực.

Trung Quốc cũng đã đổ lỗi cho Hoa Kỳ gây bất ổn bằng các cuộc tuần tra tự do hàng hải ở vùng biển tranh chấp, nhưng Washington đã bác bỏ tố cáo này.

Quan chức Mỹ trên nói thêm rằng điều quan trọng là các nước ASEAN phải “lên tiếng và trình bày quan điểm chung về các vấn đề, trong đó có biển Đông, trong khi thảo luận lời lẽ cho tuyên bố chung công bố cuối cuộc họp".

Lào có mối quan hệ gần gũi với Trung Quốc cả về mặt kinh tế lẫn chính trị.

Ngoài biển Đông, Ngoại trưởng Kerry dự kiến sẽ thảo luận về các vấn đề kinh tế, thương mại, nỗ lực ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu, chống khủng bố và Bắc Hàn.

Cuộc họp của ASEAN là một trong số ít các sự kiện mà Ngoại trưởng Mỹ ngồi chung phòng với các quan chức Bắc Hàn.

Diễn đàn Khu vực ASEAN với sự tham dự của 27 nước như Mỹ, Bắc Hàn, Nga, Singapore, Pakistan, Ấn Độ, Việt Nam, Australia, Trung Quốc, Sri Lanka và Thái Lan. - VOA

***
Cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và các nước láng giềng về tranh chấp lãnh hải Biển Đông dự kiến sẽ lại là một vấn đề trọng tâm khi các ngoại trưởng trong khu vực và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry họp tại Lào tuần này. Lào sẽ là nơi diễn ra các chiến thuật ngoại giao ở hậu trường liên quan đến những tranh cãi về chủ quyền biển.

Phán quyết của Tòa Trọng tài La Haye về các tranh chấp ở Biển Đông đã bác bỏ giá trị pháp lý của hầu hết các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở khu vực, dẫn đến lo ngại rằng điều đó có thể làm tăng căng thẳng.

Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á và Diễn đàn Khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là các hội nghị khu vực đầu tiên kể từ phán quyết ngày 12 tháng 7.

Washington đang tăng gấp đôi nỗ lực ngoại giao thông qua cuộc đàm thoại trực tiếp để giảm căng thẳng.

Cố vấn An ninh Quốc gia của Tòa Bạch Ốc Susan Rice gặp Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì ở Bắc Kinh. Trong một tuyên bố, Tòa Bạch Ốc cho biết "Mỹ sẽ nhấn mạnh cam kết của mình đối với mở rộng hợp tác thiết thực và quản lý sự khác biệt một cách xây dựng với Trung Quốc".

Trong khi đó, Ngoại trưởng Kerry sẽ họp với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại Vientiane, Lào.

Các quan chức cấp cao cho biết Washington sẽ tiếp tục hoạt động vì tự do hàng hải và ủng hộ thương mại hợp pháp không bị cản trở, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh kiềm chế và tôn trọng quyền của các nước khác. - VOA
|
|

2.
Ấn Độ trục xuất ba nhà báo Trung Quốc

Theo Asian Age, nhật báo bằng tiếng Anh của Ấn Độ, nước này vừa quyết định trục xuất 3 nhà báo cấp cao thuộc hãng thông tấn nhà nước của Trung Quốc do "những quan ngại" từ cơ quan tình báo.

Theo Asian Age, nhật báo bằng tiếng Anh của Ấn Độ, số ra ngày hôm nay, 24/07/2016, nước này vừa quyết định trục xuất 3 nhà báo thuộc Tân Hoa Xã, hãng thông tấn Nhà nước Trung Quốc do "những quan ngại" của cơ quan tình báo.

Ba nhà báo nói trên gồm: Ông Wu Qiang, trưởng chi nhánh Tân Hoa Xã ở New Delhi, cùng hai đồng nghiệp tại Mumbai là Lu Tang và She Yonggang.

Theo nguồn tin của cơ quan tình báo Ấn Độ, những người này đã sử dụng danh tính của người khác để có thể đi tham quan các cơ sở hạn chế người nước ngoài của Ấn Độ. Ba người này phải rời khỏi Ấn Độ trước ngày 31/7 tới và thị thực của họ sẽ bị nhà chức trách Ấn Độ hủy bỏ.

Đây là lần đầu tiên mà Ấn Độ trục xuất nhà báo Trung Quốc theo cách trên. Tân Hoa xã là hãng thông tấn nổi tiếng nhất Trung Quốc, là cơ quan phát ngôn của chính quyền nước này.

Tân Hoa Xã đã xác nhận về thông tin trên, trong khi bộ Ngoại giao Ấn Độ và đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ chưa đưa ra bình luận gì. - RFI
|
|

3.
Đảng đương quyền và các đảng đối lập Thổ Nhĩ Kỳ tập họp để bày tỏ tinh thần đoàn kết

Thành viên của đảng đương quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ và các đảng đối lập chính tập họp để bày tỏ ủng hộ dân chủ và lên án âm mưu đảo chính bất thành hôm 15 tháng 7.

Cuộc mít tinh, diễn ra trong sự canh giữ an ninh nghiêm nhặt hôm Chủ nhật tại Quảng trường Taksim ở Istanbul, được nhóm đối lập lớn nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ là đảng Cộng hòa Nhân dân tổ chức. Cuộc mít tinh có sự tham gia của các đảng đối lập khác và đảng Công lý Hồi giáo và Bảo thủ của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, đảng đã nắm quyền tại nước này từ năm 2002.

Một cuộc tập trung biểu dương tinh thần đoàn kết khác do tư lệnh không quân Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi. Ông đã ra một thông báo hiếm thấy nhấn mạnh đến việc “tuyết đối tuân thủ” Tổng Tư lệnh quân đội, ông Hulusi Akar, người bị giữ làm con tin trong cuộc đảo chính mà trong đó có sự dính líu của một số thành viên của lực lượng không quân.

Tổng thống Erdogan đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp để cho phép ông ban hành luật mà không cần quốc hội thông qua trong một nỗ lực nhận diện những người ủng hộ cuộc đảo chính. Trong cuộc đảo chính có ít nhất 246 người thiệt mạng và 2.000 người bị thương.

Giới hữu trách Thổ Nhĩ Kỳ đã điều tra, câu lưu hoặc đình chỉ hơn 60.000 công nhân viên, thẩm phán, cảnh sát, binh sĩ và giáo viên trong tuần qua vì bị nghi có liên can đến âm mưu đảo chánh.

Tổ chức Ân xá Quốc tế hôm Chủ nhật nói rằng họ có bằng chứng đáng tin cậy cho thấy một số người bị bắt giữ ở Thổ Nhĩ Kỳ bị đánh đập, tra tấn, hãm hiếp, không được cho ăn uống và chăm sóc y tế. Nhóm bênh vực nhân quyền này cũng nói rằng những người bị bắt bị giam giữ tại những trung tâm giam giữ không chính thức và không được phép tiếp xúc với luật sư hay người thân trong gia đình.

Ân xá Quốc tế nói rằng họ có thông tin về điều kiện giam giữ do các luật sư, bác sĩ và một người làm việc tại một trung tâm giam giữ cung cấp.

Tổ chức này kêu gọi Ủy ban châu Âu về ngăn chận tra tấn (CPT) nhanh chóng đến Thổ Nhĩ Kỳ quan sát các điều kiện giam giữ người ở đó. Ân xá Quốc tế nói Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của Hội đồng Âu châu, nên nước này phải để cho CPT đến quan sát các điều kiện giam giữ người.

Một số người chỉ trích ông Erdogan nói ông dùng âm mưu đảo chính bất thành vừa rồi để đàn áp không phân biệt tiếng nói bất đồng.

Ông Erdogan đã ra lệnh đóng cửa hàng ngàn tổ chức từ thiện, quỹ và các trường học tư bị nghi có quan hệ với giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen đang sống lưu vong ở Mỹ nhưng có nhiều người ủng hộ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Erdogan quy cho ông Gullen và những người theo ông này chủ mưu cuộc đảo chính.

Ông Gullen bác bỏ mọi dính líu.

Các nước phương Tây hứa ủng hộ nền dân chủ của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng cũng đã bày tỏ lo ngại về mức độ thải hồi nhân sự to lớn ở các cơ quan chính phủ. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Thăm dò cho thấy người Mỹ ủng hộ luật nghiêm hơn về súng ống

Theo một cuộc thăm do mới của AP-GfK, ngày càng có nhiều người Mỹ ủng hộ các luật nghiêm ngặt hơn về súng ống, nhưng họ cũng bi quan cho rằng các nhà lập pháp sẽ không sớm có hành động để tạo ra những thay đổi.

Gần 2/3 số người được hỏi ủng hộ các luật nghiêm ngặt, trong khi hầu hết ủng hộ lệnh cấm trên toàn quốc đối với việc bán vũ khí tấn công bán tự động, chẳng hạn như súng AR-15, cũng như cấm bán các băng đạn dài chứa 10 viên đạn hoặc nhiều hơn.

Kết quả cuộc thăm dò cũng cho thấy quan điểm của từng đảng. 87% người của đảng Dân chủ được hỏi cho biết họ ủng hộ các luật về súng ống nghiêm ngặt hơn so với 41% người của đảng Cộng hòa.

Tỷ lệ phần trăm người Mỹ muốn có các luật cứng rắn hơn hiện ở mức cao nhất kể từ khi các nhà thăm dò dư luận bắt đầu cuộc khảo sát ý kiến về súng vào năm 2013, khoảng 10 tháng sau khi xảy ra vụ xả súng ở trường Tiểu học Sandy Hook ở Newton, Connecticut, giết chết 20 trẻ em và 6 giáo viên.

Đa số người được hỏi cho biết họ ủng hộ một cách tiếp cận cấp quốc gia đối với các luật về súng đạn thay cho một mớ bòng bong các quy định ở cấp bang và địa phương. Tuy nhiên, chưa đến một nửa số người được hỏi cho biết họ không nghĩ rằng các nhà lập pháp sẽ ban hành các luật cứng rắn hơn về súng đạn trong năm tới. - VOA
|
|

5.
Đảng viên Dân chủ Mỹ bỏ phiếu chống lại việc thay đổi hệ thống siêu đại biểu --- Đại hội đảng Dân Chủ Mỹ: Bà Clinton phải thuyết phục được những người do dự

Một nhóm chuyên trách về quy định trong Đảng Dân chủ Mỹ đã bỏ phiếu chống lại việc dẹp bỏ hệ thống siêu đại biểu mà những người ủng hộ cựu ứng cử viên Bernie Sanders đã đòi hỏi.

Vai trò của các siêu đại biểu là chủ đề chính trong cuộc thảo luận tại cuộc họp hôm 23/7 của ủy ban về quy định của đại hội đảng, trước khi diễn ra đại hội toàn quốc tại thành phố Philadelphia ở miền đông, nơi bà Hillary Clinton sẽ chính thức chấp nhận sự đề cử để tranh cử tổng thống.

Các siêu đại biểu là các quan chức dân cử và những người trong đảng và họ có thể bỏ phiếu cho ứng cử viên nào mà họ lựa chọn tại đại hội. Các siêu đại biểu đã ủng hộ mạnh mẽ bà Clinton. Bà đã có 602 siêu đại biểu so với 48 người đưa ra cam kết với đối thủ chính của bà trong đảng Dân chủ.

Ông Sanders đã luôn nói rằng ông muốn thấy vai trò của các siêu đại biểu được xem xét lại.

Nhưng những gì ông nhận được sau cuộc họp hôm 23/7 là đảng Dân chủ hứa thành lập một ủy ban để soạn thảo những thay đổi về hệ thống siêu đại biểu, và sẽ báo cáo vào năm 2018, hai năm trước cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo.

Tuy vậy, ông Sanders cũng đã có thể để lại dấu ấn của mình trong cương lĩnh tranh cử của đảng. Những điểm chính trong chiến dịch vận động bầu cử của ông Sanders là đề xuất về mức lương tối thiểu liên bang là 15 đôla, bãi bỏ án tử hình, và miễn học phí đại học cho một số sinh viên.

Việc đưa các đề xuất của ông vào cương lĩnh đồng nghĩa việc bất kỳ chia rẽ nào trong Đảng Dân chủ ít có khả năng sẽ trở thành đề tài tranh cãi công khai tại đại hội đảng vào cuối tuần này.

Đảng Dân chủ muốn thể hiện là một đảng thống nhất. Tuy nhiên, việc gần đây lộ ra các email của Ủy ban Quốc gia của Đảng Dân chủ bị tin tặc lấy trộm cho biết chi tiết sự chia rẽ giữa ủy ban và ông Sanders có thể cản trở mục tiêu đó. - VOA

***
Ngày mai 25/07/2016, Đại hội đảng Dân Chủ sẽ diễn ra tại Philadelphia. Bà Hillary Clinton sẽ chính thức được chỉ định là ứng viên tổng thống trong dịp bầu cử sẽ diễn ra vào tháng 11/2016. Cựu ngoại trưởng Mỹ sẽ phải thuyết phục được những người còn đang do dự hoặc vẫn còn nhiều ngờ vực, rằng bà xứng đáng là chủ nhân của Nhà Trắng.

Đặc phái viên của RFI Romain Lemaresquier tường trình từ Philadenphia,

"Đối với bà Hillary Clinton đây mới chỉ là phần mở đầu của cuộc phiêu lưu. Tuần tới, tại Đại hội đảng Dân Chủ họp tại Pennsylvanie, ứng viên đại diện của đảng này cho chức tổng thống sẽ phải thuyết phục được tất cả mọi người. Trái với những gì đã diễn ra tại Đại hội đảng Cộng Hòa, người dân Mỹ đang rất mong chờ những đề xuất sẽ được đưa ra trong bốn ngày diễn ra Đại hội đảng Dân Chủ tới đây. 

Theo nhận định của ông William Baldwin, vốn là nhân vật chủ chốt trong đảng Dân Chủ, nhưng có mặt với tư cách là quan sát viên trong Đại hội của phe bảo thủ đã diễn ra tại Cleveland, ê kip của bà Clinton tới đây cần nói đến hy vọng, đến tính thống nhất, cần chỉ ra rõ những việc sẽ làm trong tương lai. Và bà Hillary Clinton phải thể hiện được phong thái của một nhà lãnh đạo mà tới giờ bà vẫn chưa có được. Đến lúc này, mọi điều vẫn còn rất mờ nhạt đối với bà. Nhiều người nghiêng về ông Trump, bởi lẽ ngay cả khi họ không ưa ông Trump thì họ lại càng không thích gì bà Hillary Clinton.

"Thuyết phục" sẽ là từ chính của Đại hội lần này để có thể tập hợp được các phiếu bầu của những người đang do dự và của những người thuộc phe độc lập như trường hợp của cô Susan, nhân viên làm việc trong một siêu thị ở Philadelphia. Cô chia sẻ rằng cô rất chú ý đến nội dung các phát biểu của cả hai đảng. Đến hiện tại cô vẫn chưa quyết định chọn bầu ai, và cô cảm thấy phấn khởi khi có thể biết thêm thông tin qua Đại hội đảng Dân Chủ tới đây. Cô nói rằng sẽ hết sức chú ý lắng nghe và rằng năm nay sẽ là năm vất vả nhất mà cô từng trải qua kể từ khi cô đi bầu cử.

Hôm qua 23/07/2016, bà Hillary Clinton đã có chút thay đổi khi giới thiệu ông Tim Kaine, thượng nghị sĩ bang Virgina, sẽ đứng cùng trong liên danh với bà. Tuy nhiên con đường đi của bà Clinton vẫn còn dài, nếu bà muốn chắc chắc nắm được trong tay chiếc chìa khóa của Nhà Trắng vào tháng 11 tới đây".
|
|

Tin Việt Nam

6.
'Lòng dân không yên' nếu thiếu dân chủ [LMN: nếu xem video chứ không phải BBC trích thì bà Ngân nguỵ biện cho chế độ. Ông Hợp thì cả tin hay giả vờ là CSVN có ý muốn đa đảng]

Tân Chủ tịch Quốc hội Việt Nam khóa 14 vừa lên tiếng về vấn đề dân chủ và cho rằng 'đất nước thiếu dân chủ thì lòng dân không yên,' truyền thông của nước này cho biết.

Phát biểu tại buổi họp báo hôm 23/7/2016, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, người chỉ cách nhau vài tháng đã hai lần tuyên thệ trên cương vị Chủ tịch Quốc hội của Việt Nam, được báo chí Việt Nam trích thuật lời nói:

“Vai trò dân chủ rất quan trọng. Trong một gia đình, bố mẹ không tôn trọng con cái thì sau con cái cũng không tôn trọng người khác.

"Một đất nước thiếu dân chủ thì lòng dân không yên”, tân Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam nói.

Dự kiến sau bà Kim Ngân, một số các vị trí lãnh đạo cao cấp hàng đầu trong các cơ quan quyền lực của nhà nước Việt Nam cũng sẽ tuyên thệ, mà theo dự kiến, sẽ có nhiều người tái tuyên thệ như trường hợp của người đứng đầu Quốc hội Việt Nam, trong đó có các vị trí thuộc Tứ trụ như tân Chủ tịch Nước và tân Thủ tướng Chính phủ.

Bình luận về Quốc hội Việt Nam khóa 14 qua phiên họp đầu tiên đang diễn ra, nhà nghiên cứu chính trị Hà Hoàng Hợp từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á và Viện Chiến lược Quốc tế tại Singapore, nói:

"Có một nhận xét chung kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa 14 được diễn ra một cách bình thường, theo đúng quá trình mà người ta đã định sẵn.

"Tức là bầu cử Quốc hội trong tháng Năm, tháng Bảy có kỳ họp đầu tiên của Quốc hội để mà làm tất cả những việc như là bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Nước, Thủ tướng, (lãnh đạo) Viện Kiểm sát, Tòa án rồi Tổng kiểm toán v.v... và kèm theo, những bước quan trọng nữa là bàn về chính sách phát triển kinh tế, xã hội tới đây của khóa 14".

Nhất thể hóa chức vụ

Được biết, Việt Nam đang làm thí điểm dự án 'nhất thể hóa' các chức vụ đảng và chính quyền, nhà nước ở một số địa phương, khi được hỏi, liệu trong nhiệm kỳ này của Quốc hội Việt Nam, liệu có thể diễn ra thay đổi, đổi mới nào nữa, ở giữa nhiệm kỳ Quốc hội khóa mới hay không, với các vị trí tam, tứ trụ, nhất là ở hai vị trí đứng đầu nhà nước và người lãnh đạo Đảng cầm quyền, nhà phân tích nói:

"Nếu có một thay đổi như nói như vậy, thì chắc chắn là có tuyên thệ, đấy là theo luật.

"Chuyện tuyên thệ là một thủ tục, nhưng nó theo luật, nếu mà có xảy ra một việc mà giữa chừng có ai nghỉ, mà có người khác lên, mà người đó phải tuyên thệ thì bắt buộc phải tuyên thệ thôi.

"Còn người ta có nghỉ không, thì có người dự đoán là có, có người lại bảo là không," học giả nói thêm.

Gần đây, có một số ý kiến trong và ngoài đảng cộng sản đề cập hoặc tái đề cập nhu cầu về đổi mới, cải tổ chính trị của Đảng và nhà nước, có ý kiến thậm chí cũng đề nghị Quốc hội Việt Nam có một nghị quyết riêng, hoặc đưa vào nghị trình làm việc của khóa mới một nội dung về vấn đề này.

Khi được hỏi, nếu diễn ra một sự cải tổ nào đó như vậy, thì cải tổ sẽ có nét chính ra sao và liệu có vùng cấm hay không hay như thế nào, nhà nghiên cứu chính trị đáp:

"Cải cách chính trị ở Viêt Nam có nghĩa là cải cách từ hệ thống một đảng thành hệ thống nhiều đảng hơn, điều đó tôi nghĩ Đảng Cộng sản Việt Nam đã nghĩ tới, nhưng không biết bao giờ họ có thể làm được," Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp nói với BBC. - BBC

No comments:

Post a Comment