Tin Thế Giới
1.
Thượng đỉnh Á-Âu không nêu Biển Đông trong thông cáo chung
Các nhà lãnh đạo châu Á và phương Tây đã không chính thức nêu « Biển Đông » trong bản tuyên bố chung của thượng đỉnh Á-Âu (ASEM) diễn ra trong hai ngày 15 và 16/07/2016, tại thủ đô Ulan-Bator, Mông Cổ. Theo trang The Japan News, có thể là do sự phản đối của Trung Quốc về việc đưa tranh chấp lãnh thổ vào chương trình nghị sự.
Vào thứ Bẩy 16/07, lãnh đạo của 51 quốc gia và hai tổ chức (Liên Hiệp Châu Âu và ASEAN), thông qua chủ tịch ASEM, đã thông qua bản tuyên bố chung. Giống như bản tuyên bố ra năm 2014, các nhà lãnh đạo Á- Âu kêu gọi giải quyết các tranh chấp lãnh thổ theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Tuy nhiên, từ « Biển Đông » đã không được nêu rõ trong bản tuyên bố chung.
Trước đó, trong một cuộc thảo luận vào sáng thứ Bẩy (16/07), thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu rằng tình hình Biển Đông là « một mối bận tâm chung của cộng đồng quốc tế. Các quy tắc luật pháp là một nguyên tắc phổ quát ».
Thủ tướng Abe cũng yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết ngày 12/07 của Tòa Trọng Tài Thường Trực về tranh chấp tại Biển Đông. Ông nói : « Phán quyết của Tòa là quyết định cuối cùng và mang tính ràng buộc pháp lý đối với các bên liên quan ».
Ngược lại, Trung Quốc bác bỏ phán quyết của Tòa La Haye và gay gắt phản đối đưa tình hình Biển Đông vào chương trình nghị sự của thượng đỉnh Á-Âu (ASEM). Nhân cuộc họp này, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng đã có những buổi làm việc song phương với các nhà lãnh đạo Nga, Việt Nam, Cam Bốt và Lào, nhằm gây sức ép để họ ủng hộ lập trường của Trung Quốc.
Tại thượng đỉnh ASEM, các nước tham gia cũng đã thảo luận về vấn đề hợp tác chống khủng bố, sau vụ tấn công đêm ngày Quốc Khánh Pháp 14/07 tại thành phố Nice. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo cũng trao đổi quan điểm nhằm tăng cường nỗ lực ổn định nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt từ sau khi Anh Quốc bỏ phiếu ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu. - RFI
|
|
2.
Chiến dịch oanh kích ISIL do Mỹ lãnh đạo xuất phát từ Thổ Nhĩ Kỳ được nối lại --- Liệu Thổ Nhĩ Kỳ có trở thành một đồng minh của Mỹ giống Pakistan? --- Giáo sĩ Thổ Nhĩ Kỳ ở Mỹ bác bỏ cáo buộc âm mưu đảo chính
Chiến dịch oanh kích Nhà nước Hồi giáo của liên quân do Mỹ lãnh đạo xất phát từ Thổ Nhĩ Kỳ được nối lại sau khi bị gián đoạn do không phận bị đóng vì một âm mưu đảo chính ở nước này hôm thứ Sáu.
Các cuộc không kích chống Nhà nước Hồi giáo bị chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tạm ngưng tiếp theo sau một vụ đảo chính.
Người phát ngôn Peter Cook của Bộ Quốc phòng Mỹ ra một thông báo nói rằng giới hữu trách Thổ Nhĩ Kỳ đã mở lại không phận cho máy bay quân sự hôm Chủ nhật, và “chiến dịch oanh kích ISIL của liên quân tại tất cả các căn cứ không quân ở Thổ Nhĩ Kỳ được nối lại.”
Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ trong khu vực, đã cho phép Mỹ sử dụng Căn cứ Không quân Incerlik ở thành phố Adana để mở các cuộc tấn công chống Nhà nước Hồi giáo.
Ông Cook nói các cơ sở tại căn cứ không quân vẫn hoạt động bằng nguồn điện nội bộ và hy vọng nguồn cấp điện thương mại sớm được mở lại.
Trong khi đó, giới hữu trách Thổ Nhĩ Kỳ đã câu lưu tư lệnh của Căn cứ Không quân Incerlik, Đại tướng Bekir Ercan Van, cùng với 10 quân nhân khác và một sĩ quan cảnh sát vì vai trò của họ trong cuộc đảo chánh bất thành.
Hãng thông tấn tư nhân DHA ở nước này đăng tải hình ảnh Đại tướng Van bị còng tay và đẩy vào một chiếc xe ở bên ngoài một tòa án. - VOA
***
Theo một số chuyên gia về chính sách đối ngoại của Mỹ, cách thức chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ xử lý hậu quả của cuộc đảo chính quân sự ngày 15/7 có thể có những tác động lâu dài đến quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ, là một thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, là một đồng minh có giá trị của Mỹ. Theo Michael Rubin thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ, nếu Ankara tiếp tục trượt dốc về mặt dân chủ, pháp quyền và quyền con người, Thổ Nhĩ Kỳ có thể ngày càng trở thành một đồng minh theo khuôn mẫu của Pakistan, là nước có rất ít điểm chung với các giá trị phương Tây, và trong mối quan hệ đồng minh này, thường có xích mích song phương, không tin tưởng và những lời trách cứ, mặc dù cả hai nước phụ thuộc vào nhau để có ổn định khu vực.
Sau khi cuộc đảo chính bất thành, nhiều nhà quan sát lo ngại rằng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sẽ thắt chặt hơn nữa việc kiểm soát quyền lực, thanh lọc quân đội và kiểm soát nhiều hơn nữa các tiến trình dân chủ trong nước. Tuy việc cai trị của Tổng thống Erdogan đã được nhiều người coi là độc tài về cách thức, song hầu hết cộng đồng quốc tế vẫn lên án cuộc đảo chính quân sự và tuyên ủng hộ các định chế dân chủ của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng nếu ông Erdogan sử dụng cuộc đảo chính để biện minh cho việc gia tăng trấn áp, sự cảm thông này có thể biến mất.
Chưa đầy 24 giờ sau khi cuộc đảo chính bắt đầu, Tổng thống Erdogan đã xuất hiện trên truyền hình trực tiếp tại một cuộc biểu tình ở Istanbul, tuyên bố ông đã kiểm soát chính phủ, và cho biết ông đã sẵn sàng đương đầu với những người ủng hộ ông Gulen, người mà ông nói đã gây ra nhiều đau khổ cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Erdogan sau đó công khai yêu cầu Tổng thống Mỹ Barack Obama dẫn độ Fethullah Gulen về Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Gulen là một giáo sĩ Thổ Nhĩ Kỳ 75 tuổi sống lưu vong ở Pennsylvania kể từ năm 1999. Đáp lại, Ngoại trưởng John Kerry nói nhà chức trách Mỹ sẽ điều tra và ra phán quyết chống lại Gulen nếu Thổ Nhĩ Kỳ nộp bằng chứng về hành vi sai trái.
Nhiều vụ bắt giữ
Trong khi đó, hàng ngàn nhân viên quân sự đã bị bắt giữ.
Khi cuộc đảo chính diễn ra, phương Tây cho thấy sự ủng hộ rõ ràng đối với dân chủ của Thổ Nhĩ Kỳ. Giám đốc điều hành của Viện McCain về Lãnh đạo Quốc tế, đồng thời là cựu Đại sứ Mỹ tại NATO Kurt Volker tin rằng "sự ủng hộ này sẽ đem lại không gian để ông Erdogan thiết lập trật tự và an ninh trong nước" sau cuộc đảo chính. Ông cũng nói rằng "ông Erdogan, người đã thể hiện một số xu hướng phản dân chủ rất mạnh mẽ trước cuộc đảo chính này, sẽ sử dụng nó như một sự biện minh cho việc trấn áp xã hội nhiều hơn". Hình thức quản trị có tính đàn áp này có thể dẫn đến một "môi trường cấm đoán hơn ở Thổ Nhĩ Kỳ, ít tự do báo chí hơn, và ít cởi mở chính trị hơn".
Michael Rubin, một học giả thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ và là một cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ, nói phương Tây sẽ không bị mắc kẹt bởi tuyên bố ủng hộ dân chủ này, nếu chính phủ tiến hành trấn áp.
Ông Rubin nói với đài VOA: "Truy đuổi giới tư pháp, truy đuổi giới báo chí sẽ không thể chấp nhận được. Người châu Âu, người Mỹ và những người khác có thể nói họ đã chống lại cuộc đảo chính bất hợp pháp. Tuy nhiên, họ ủng hộ pháp quyền và pháp quyền có thể bị vi phạm, bởi những kẻ âm mưu đảo chính hoặc bởi tổng thóng Thổ Nhĩ Kỳ".
Ông Volker không nghĩ rằng các mục tiêu chiến lược tổng thể của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thay đổi. Do đó ông không tiên liệu sẽ có bất kỳ sự rạn nứt nào về chính sách ngoại giao với Mỹ trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nếu nhân quyền và pháp quyền bị chính phủ xâm hại, “về lâu dài, nó sẽ dẫn đến xích mích" với phương Tây.
Ngoại giao tinh tế
Vào lúc đang có một năm bầu cử nhiều xáo trộn ở Mỹ, cũng như các hoạt động khủng bố ở châu Âu đã gia tăng, các nhà lãnh đạo phương Tây có khuynh hướng giảm chỉ trích chế độ độc tài Erdogan để duy trì sự ổn định trong khu vực. Ông Rubin nhìn nhận: "Ông ấy có thể cố lèo lái trên con sóng của sự ổn định này". Tuy nhiên, ông cho rằng việc Mỹ "dựa vào một nhân vật có thế lực nhằm ổn định khu vực có thể là một chiến lược ngắn hạn".
Ông Rubin cho rằng quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ đã thay đổi và không theo hướng tốt đẹp lên. Ông nói: "Mỹ đang bước vào một tình huống mang tính hệ quả tất yếu như những gì chúng ta có với Pakistan. Trong đó, chúng ta đối phó với chủ nghĩa chống Mỹ, mà đôi khi do chính phủ kích động. Đồng thời, mặc dù chúng ta nhận ra đó là một đồng minh không ra gì, chúng ta làm bất cứ điều gì có thể để duy trì mối quan hệ đó, cho dù thế nào đi nữa".
Trong khi có thể còn quá sớm để nói cuộc đảo chính thất bại ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể có tác động sâu xa gì đối với quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ, những bước đi như thế này có thể cho thấy rằng Ankara đã bắt đầu việc đe dọa. - VOA
***
Giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen bác bỏ các cáo buộc của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, cho rằng ông đứng sau âm mưu đảo chính xảy ra hôm qua, 15/7.
Cáo buộc này lại làm xấu đi mối quan hệ giữa hai nhân vật từng được coi là đồng minh thân thiết.
Ông Erdogan đổ lỗi cho các ủng hộ viên của đối thủ chính trị sống ở Mỹ, với phong trào Hizmet có ảnh hưởng lớn trong xã hội Thổ Nhĩ Kỳ, kể cả trong ngành truyền thông, cảnh sát và tư pháp.
Ông Gulen ra tuyên bố lên án mạnh mẽ âm mưu đảo chính, và hoàn toàn bác bỏ các cáo buộc cho rằng ông đứng sau vụ này.
Ông nói: “Cần phải giành được chính phủ thông qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng, chứ không phải bằng vũ lực. Tôi cầu nguyện cho Thổ Nhĩ Kỳ, cho người dân Thổ Nhĩ Kỳ, và cho tất cả những ai hiện ở Thổ Nhĩ Kỳ, rằng tình hình sẽ được hóa giải một cách nhanh chóng và hòa bình”.
Vị giáo sĩ nói thêm: “Là người từng trải qua nhiều cuộc đảo chính quân sự trong vòng 5 thập kỷ qua, thực sự là điều sỉ nhục khi bị cáo buộc có dính líu tới một âm mưu như vậy”.
Đối mặt với các cuộc biểu tình chống chính phủ và các cuộc điều tra tham nhũng, ông Erdogan đã đổ lỗi cho các ủng hộ viên của ông Gulen và các cường quốc trên thế giới một phần nào đó đã gây ra các vấn đề của mình.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên cáo buộc cựu đồng minh, hiện sống lưu vong ở Pennsylvania, tiểu bang nằm ở miền đông Hoa Kỳ, tìm cách lật đổ chính phủ.
Nhưng trong các tuyên bố của mình, ông Gulen cho rằng ông Erdogan có “suy nghĩ xấu xa”, và bác bỏ cả các cáo buộc.
Chính quyền Washington chưa phát hiện ra các bằng chứng thuyết phục liên quan tới các tuyên bố của ông Erdogan.
Trao đổi với các phóng viên ở Luxembourg hôm 16/7, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng Hoa Kỳ sẽ xem xét đề nghị dẫn độ ông Gulen, nhưng chỉ khi nào đồng minh của NATO đưa ra các bằng chứng cho thấy các hành động sai trái của ông Gulan. - VOA
|
|
3.
Pakistan “thấy khó hiểu” về việc Mỹ tăng chỉ trích về nỗ lực chống khủng bố
Các nhà hoạch định chính sách và lập pháp Pakistan "thấy khó hiểu" về cách nước Mỹ tiến hành quan hệ với Islamabad trong thời gian gần đây và "quan điểm cực kỳ chống đối" xuất phát từ trong Quốc hội Hoa Kỳ về hoạt đống chống khủng bố của Pakistan cũng như những nỗ lực để thúc đẩy hòa bình ở Afghanistan.
Pakistan và Mỹ từ lâu đã có mối quan hệ không êm ả. Quan hệ gần đây đã trở nên căng thẳng vì những cáo buộc rằng các hoạt động chống khủng bố của Pakistan chỉ tập trung vào các chiến binh liên quan đến lực lượng Taliban ở Pakistan chống lại nhà nước, trong khi không động đến các khu vực liên quan đến phiến quân Afghanistan, kể cả nhóm khủng bố Haqqani.
Gần đây, Quốc hội Mỹ đã chặn việc chính quyền của ông Obama trợ cấp cho việc bán 8 chiến đấu cơ F-16 cho Pakistan, với lý do thiếu sự hợp tác trong cuộc chiến các chống mạng lưới khủng bố.
Các quan chức Pakistan đặc biệt tức giận với một phiên điều trần của Quốc hội hồi tuần trước tại Washington với chủ đề "Pakistan: bạn hay thù".
Một số nhà lập pháp và các nhân chứng trong quá trình điều trần của một tiểu ban thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện đã yêu cầu Washington cắt viện trợ tài chính và quân sự cho Islamabad, cáo buộc quân đội Pakistan duy trì quan hệ với các chiến binh Taliban và Haqqani chống chính phủ Afghanistan được Mỹ hậu thuẫn.
Họ thậm chí còn đề nghị phải cô lập quốc tế đối với Pakistan và tuyên bố nước này là một nhà nước tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố.
Tuy nhiên, các quan chức Pakistan cao cấp đã xem nhẹ cuộc điều trần của Quốc hội và nói những lời lẽ chống Pakistan là "những quan ngại vô căn cứ" của một bộ phận các nhà lập pháp Mỹ.
Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Mohammad Nafees Zakaria khẳng định: "Cuộc điều trần được nhắc đến không mang tính chính thức và có ít người tham dự. Chính ông Ted Poe, người đứng sau ý tưởng thực hiện buổi điều trần, đã không tham dự. Ông ấy có tiếng là định kiến tiêu cực về Pakistan, vì vậy không thể trông đợi là có điều gì tích cực".
Người phát ngôn nói thêm từ góc nhìn chung của Pakistan và Mỹ hai nước là "những đối tác và các đồng minh lâu năm trong mục tiêu chung là đánh bại chủ nghĩa khủng bố" và vẫn đã hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố. - VOA
|
|
4.
Các lãnh đạo thể thao dự kiến sẽ đề nghị cấm tất cả các vận động viên Olympic Nga
Các vận động viên và các nhà lãnh đạo về chống doping trên thế giới đã soạn một bức thư kêu gọi gạch tên tất cả các vận động viên Nga khỏi Đại hội thể thao Olympic sắp diễn ra ở Brazil.
Bức thư sẽ được gửi đến các quan chức Olympic sau khi kết quả của một cuộc điều tra được công bố về cáo buộc là Nga đã có một chương trình doping được nhà nước bảo trợ, do các quan chức Nga thực hiện tại Thế vận hội Sochi 2014.
Cuộc điều tra đã được khởi động sau khi Grigory Rodchenkov, cựu giám đốc phòng xét nghiệm chống doping của Nga, nói với tờ New York Times hồi tháng 5 rằng ông đã tuân lệnh của chính phủ khi ông che giấu việc hàng chục vận động viên tại Olympic Sochi sử dụng rộng rãi các loại thuốc tăng cường hiệu suất. New York Times đưa tin là ít nhất 15 người trong số những vận động viên đó đã giành huy chương.
Việc vi phạm về doping đã dẫn đến việc gạch tên gần như toàn bộ đội điền kinh của Nga khỏi Thế vận hội Rio. Hai vận động viên được miễn vì họ đã vượt qua các hệ thống chống doping ở các nước khác.
Theo phóng sự của New York Times, Joseph de Pencier, giám đốc điều hành của Viện thuộc Tổ chức Chống Doping Quốc gia, đã yêu cầu các thành viên trên toàn thế giới ký vào bức thư.
De Pencier viết rằng "có phần chắc" là cuộc điều tra "sẽ xác nhận đây sẽ là một trong những vụ bê bối về doping lớn nhất trong lịch sử, cho thấy Chính phủ Nga liên quan đến một âm mưu lớn chống lại các vận động viên trong sạch của thế giới". Ông nói thêm: "Đây sẽ là một 'thời điểm bước ngoặt' đối với thể thao trong sạch."
Các kết quả của cuộc điều tra dự kiến sẽ được công bố hôm 18/7 tại Toronto. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
5.
Xảy ra vụ bắn cảnh sát ở Baton Rouge
Một số nhân viên cảnh sát đã bị bắn ở Baton Rouge, Louisiana.
Báo chí địa phương đưa tin ít nhất 2 cảnh sát viên đã chết.
Chi tiết về vụ việc xảy sáng 17/7 vẫn đang được cập nhật.
Baton Rouge là nơi đã xảy ra vụ cảnh sát bắn chết một người đàn ông da đen hồi đầu tháng này.
Alton Sterling đã bị cảnh sát bắn hôm 5 tháng 7 khi anh này bán đĩa CD bên ngoài một cửa hàng tiện lợi. Vụ nổ súng này bị ghi lại bằng điện thoại di động và đoạn video đã phát tán rộng rãi trên truyền thông xã hội.
Cái chết của Sterling, cùng với vụ cảnh sát bắn chết một người đàn ông da đen khác ở Minnesota, đã gây ra nhiều cuộc biểu tình phản đối cách thức lực lượng thực thi pháp luật đối xử với các nhóm thiểu số. Tại một trong những cuộc biểu tình, một tay bắn tỉa da đen đã bắn chết 5 cảnh sát trắng ở Dallas. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
6.
VN: Câu lưu nhiều người biểu tình chống TQ
Hàng chục người biểu tình bị bắt trong các cuộc xuống đường phản đối Trung Quốc bị chính quyền Việt Nam giải tán hôm Chủ Nhật, theo truyền thông quốc tế.
Cùng lúc, đã diễn ra một số cuộc biểu tình khác phản đối vụ doanh nghiệp chế tạo thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường ở miền Trung Việt Nam.
Hôm 17/7/2016, hãng tin AP đưa tin hàng chục người Việt Nam tập hợp và xuống đường trong một cuộc phản đối ở trung tâm thủ đô Hà Nội đã bị nhà cầm quyền bắt giữ và đưa đi, trong lúc họ đang 'ủng hộ' một phán quyết của tòa trọng tài quốc tế bãi bỏ tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông.
"Khoảng hai chục người đã bị đưa lên xe bus và mang đi khỏi khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm ở thủ đô của Việt Nam, thậm chí trước khi họ bắt đầu cuộc phản đối," hãng AP hôm Chủ nhật cho hay.
"Cảnh sát hiện diện đông đảo ở quanh hồ này, với xe cộ bị cấm qua lại quanh khu vực."
Theo hãng tin Mỹ, cuộc tuần hành do nhóm No-U, một nhóm ở Hà Nội phản đối các tuyên bố chủ quyền bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, tổ chức.
"Cuộc phản đối diễn ra sau khi Tòa Trọng tài Thường trực có trụ sở ở The Hague, Hà Lan, đưa ra phán quyết trong tuần trong một vụ kiện của Philippines, quốc gia cùng với Việt Nam là một trong các bên tuyên bố chủ quyền ở vùng biển tranh chấp," AP cho biết thêm.
"Trung Quốc đã bác bỏ phán quyết của tòa và từ chối tham gia vào vụ trọng tài".
'Bao phủ dày đặc'
Hãng AP dẫn lời của ông Nguyễn Chí Tuyến, một thành viên của nhóm No-U, nói "tất cả các nhà hoạt động bị cảnh sát bắt đều được thả ra vào lúc đầu buổi chiều Chủ nhật."
Một nhóm nhỏ các nhà hoạt động khác tập hợp ở trước cửa Đại sứ quán Philippines ở Hà Nội vào lúc buổi trưa, một số mang theo các băng-rôn, biểu ngữ viết:
"Cảm ơn Philippines, các bạn có một chính phủ dũng cảm" và "Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế," vẫn theo AP.
Hãng tin AFP cùng ngày cũng đưa tin cho hay:
"Lực lượng an ninh mặc thường phục đã được triển khai, bao phủ dày đặc ở trung tâm thành phố Hà Nội và để mắt theo dõi chặt chẽ bất cứ đám đông nào có thể tụ tập," một phóng viên của hãng tin Pháp tại chỗ cho biết hôm 17/7.
"Trong suốt buổi sáng, khoảng 30 nhà hoạt động đã bị các lực lượng an ninh đẩy rất nhanh lên các xe bus và xe hơi khác sau khi họ tụ tập tiến hành một cuộc phản đổi gần khu vực hồ Hoàn Kiếm, một địa điểm thường diễn ra các cuộc biểu tình."
"Một số hô to: 'Đả đảo Trung Quốc xâm lược', vào lúc họ bị đưa đi tới các nơi bị giữ," vẫn theo hãng tin Pháp.
Còn hãng tin Reuters hôm Chủ nhật bình luận:
"Chính phủ Việt Nam thường tỏ ra nhạy cảm về các tình cảm bài Trung Quốc trong nhân dân mà trong số đó nhiều người đã chào mừng thắng lợi pháp lý của Philippines," hãng tin Anh đưa tin từ Hà Nội.
'Biểu tình sáng tạo'
Trong khi đó, mạng truyền thông xã hội từ Việt Nam cũng đưa tin đã diễn ra một số hoạt động phản đối Trung Quốc và 'đường lưỡi bò' ở TP. Hồ Chí Minh mà các thành viên mạng tự đánh giá là có hình thức 'sáng tạo'.
"Lúc 9h sáng ngày 17/7/2016, tại Khu công nghiệp Tân Bình, quận Tân Phú, các bạn trẻ Sài Gòn yêu nước đã biểu tình phản đối lưỡi bò Trung cộng, ủng hộ phán quyết của toà án The Hague ngày 12-7," trang mạng Ba Sàm dẫn nguồn của Facebooker Suong Quynh cho hay.
"Tại trung tâm Sài Gòn sáng ngày 17/7 dày đặc an ninh và cảnh sát cùng các lực lược sẵn sàng đối phó biểu tình. Anh em trẻ đã không biểu tình tại Trung Tâm mà dùng xe chạy khắp các phố phường để biểu tình. Đoàn gồm 30 các bạn trẻ Sài với biểu ngữ 'Phản đối đường lưỡi bò", trang Ba Sàm cho biết thêm.
Cũng trên trang Facebook cá nhân, Phạm Thanh Nghiên, một nhà hoạt động và cựu tù nhân lương tâm cho hay:
"Những người yêu nước biểu tình tại Hà Nội bị bắt vì sáng nay, 17/4 gồm có: Trương Minh Hà, Lê Minh Hằng..., Huỳnh Ngọc Chênh, Nguyễn Thúy Hạnh, Đặng Bích Phượng... Trịnh Bá Tư, Nguyễn Văn Đoàn, Hà Chí Hải, Trương Hồng Hạnh... và một số người khác nữa," Facebooker này viết.
"Nhà báo Phạm Đoan Trang tưởng "được" công an khinh vì đau chân nên cũng "âm mưu" đi biểu tình nhưng không thành, đành trở vào nhà.
"Trong một diễn biến khác, vào lúc 8 giờ sáng cùng ngày hàng ngàn giáo dân giáo xứ Vinh, tỉnh Nghệ An đã xuống đường phản đối Formosa gây ra thảm họa biển miền Trung, và yêu cầu truy tố Formosa, phản đối vụ công ty chế tạo gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, của Đài Loan, gây ô nhiễm môi trường biển và xả thải chất thải công nghiệp gây độc hại cho môi trường ở Việt Nam."
Cũng trên mạng Facebook hôm Chủ nhật, đã diễn ra mọt cuộc biểu tình của người dân ở một huyện ở tỉnh Nghệ An trong một diễn biến khác cùng ngày:
"8h40 phút sáng ngày 17/7 tại xã An Hoà, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ an, có khoảng 1.000 người biểu tình phản đối Formosa và yêu cầu khởi tố và đuổi công ty này khỏi Việt Nam," một thành viên mạng xã hội Facebook hôm Chủ nhật cho hay.
"Trong số, 1.000 người nói trên chủ yếu là giáo dân tại giáo Phú Yên do linh mục Anton Đặng Hữu Nam phụ trách," Facebooker có tên Ant Son Chu Manh cho biết.
Anh phải làm gì?
Hôm Chủ nhật, một nhà hoạt động trong số 30 người phản đối Trung Quốc bị câu lưu khi biểu tình ở khu vực hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, thuật lại với BBC việc biểu tình bị giải tán và người tham gia bị câu lưu như thế nào.
Bà Đặng Bích Phượng thuật lại một phần cuộc đối thoại trong một đồn Công an Phường, nơi bà được đưa tới sau khi bị bắt.
"Tôi cho rằng đi biểu tình như thế này là một cách thức ngoại giao nhân dân, nếu như về ngoại giao các anh phải giữ kẽ," nhà hoạt động nói với giới chức trong đồn công an phường, "thì các anh phải để cho người dân tự do thể hiện lòng yêu nước của họ chứ," bà Phượng nói.
"Và đến một ông Phó Trưởng Công an phường có nói như thế này: 'Nhưng mà ông Tập Cận Bình có chấp nhận đâu phán quyết của Tòa án (PCA)!'
"Thì tôi mới nói: Ô hay tại sai các anh lại nói như vậy nhỉ? Thế họ (Trung Quốc) không chấp nhận thì anh phải làm gì? Anh nghĩ là anh sẽ phải làm gì? Anh phải phản đối nó chứ!
"Và thế giới phải phản đối, bởi vì thế giới bây giờ phải là một thế giới có luật lệ chứ không phải là một thế giới hoang dã như ngày xưa mà cá lớn nuốt cá bé, quốc gia này thôn tính quốc gia kia, bây giờ đã có luật lệ rồi, thì phải tuân thủ luật lệ đó. Và người nào không tuân thủ thì phải có biện pháp để trừng phạt người đó chứ.
"Tôi nói như vậy, nhưng mà họ nói chung bao giờ cũng là người làm theo lệnh, cho nên tôi nói là khi mà tư duy của các anh còn trong lúc các anh khoác bộ cảnh phục như thế này, thì các anh không thể nào tư duy theo như kiểu chúng tôi được.
"Nhưng mà tôi tin chắc rằng khi nào các anh cởi bỏ bộ quân phục này, các anh sẽ hiểu", nhà hoạt động Đặng Bích Phượng thuật lại cuộc trao đổi ở đồn công an với BBC từ Hà Nội. - BBC
No comments:
Post a Comment