Wednesday, June 1, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Tư 1/6

Tin Thế Giới

1.
'Mỹ cần minh bạch về các vụ tấn công bằng máy bay không người lái'

Từ cuộc tấn công mới đây của Mỹ tại Pakistan giết chết thủ lĩnh phe Taliban ở Afghanistan cho đến cuộc tấn công vào tháng 3 năm nay tại Somalia làm cho 150 phần tử hiếu chiến của al-Shabab thiệt mạng, việc sử dụng máy bay không người lái đã gia tăng dưới thời Tổng thống Barack Obama. Trong lúc chính phủ Mỹ chuẩn bị công bố, lần đầu tiên, những thông tin về những người bị giết trong các cuộc tấn công này, nhiều người trông đợi Washington tiết lộ nhiều hơn về một chương trình từ lâu bị che phủ trong màn bí mật.

Các tổ chức nhân quyền từ lâu đã kêu gọi chính phủ Mỹ công bố những con số rõ rệt về những cuộc tấn công chống khủng bố bằng máy bay không người lái, nhưng cho đến nay yêu cầu đó vẫn chưa được đáp ứng, và chính quyền Mỹ thậm chí còn không chịu xác nhận là họ có thực hiện những vụ tấn công như vậy.

Bà Rita Siemion thuộc Tổ chức Nhân quyền Trên hết nói:

“Chỉ nói là quí vị nên tin chúng tôi, chúng tôi có những tiêu chuẩn cao, chúng tôi làm hết sức mình, quả thật là không đủ. Họ cần phải tiết lộ nhiều hơn nữa.”

Chính quyền Obama hứa sẽ sớm công bố phúc trình để đưa ra con số những chiến binh và thường dân thiệt mạng trong các cuộc tấn công của máy bay không người lái Mỹ kể từ năm 2009, bên ngoài những khu vực chiến sự nóng bỏng như Iraq, Afghanistan và Syria.

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest nói:

“Trước đây, chúng tôi không công khai thừa nhận là những sự việc này đã xảy ra. Do đó, tôi nghĩ rằng sự kiện là chúng tôi chuẩn bị công bố các kết quả và đưa ra các con số về ảnh hưởng của những hoạt động quân sự này trên cơ sở định kỳ, thường xuyên, là một tiến bộ lớn hướng tới minh bạch."

Tuy nhiên, bà Siemion thuộc Tổ chức Nhân quyền Trên hết nói việc kiểm kê thiệt hại nhân mạng là chưa đủ, và chính quyền cần phải định nghĩa một cách rõ ràng những từ ngữ như chiến binh, mối đe dọa tức thời và khả năng bắt giữ, đồng thời phải thực hiện những biện pháp để luật hoá chính sách máy bay không người lái.

“Tất cả những việc chính quyền làm trong những năm qua, như ấn định tiêu chuẩn, ấn định ranh giới, cần phải được hệ thống hóa ngõ hầu di sản mà Tổng thống Obama để lại không phải là một cuộc chiến tranh không ranh giới, bất tận, không bao giờ chấm dứt.”

Ông John Hannah, người sáng lập Quỹ Bảo vệ Dân chủ, trước đây là một cố vấn cao cấp của các chính phủ của Tổng thống Clinton và Tổng thống George W. Bush, người bị chỉ trích vì thành lập nhà tù quân sự tại Vịnh Guantanamo. Ông Hannah nhận định như sau:

“Chính quyền Obama hầu như hoàn toàn bỏ qua nỗ lực bắt giữ và giam cầm để thu thập tin tình báo từ những phần tử khủng bố này. Thay vào đó, họ đã quyết định nắm giữ cùng một lúc các vai trò thẩm phán, bồi thẩm đoàn và người thi hành án tử hình.”

Tuy nhiên, ông Hannah nói thêm là những cuộc tấn công bằng máy bay không người lái là một chiến thuật hữu hiệu tại những nước như Yemen và Pakistan, nơi mà các chính phủ hoặc không muốn hay không có khả năng để truy lùng những phần tử khủng bố. Những vụ tấn công bằng máy bay không người lái tại những nước này có thể làm giảm bớt những thiệt hại của thường dân so với cuộc xung đột quân sự qui ước.

Ông Hannah nói vấn đề chính yếu là cân bằng.

“Phải bảo đảm là chúng ta làm tất cả mọi thứ có thể làm và thiết lập tất cả những định chế cần thiết và những biện pháp bảo đảm an toàn để tìm được sự cân bằng đúng đắn nhằm bảo vệ an ninh cho nước Mỹ và đồng thời bảo đảm là chúng ta không vượt qua lằn ranh để trở thành một nước vô luật pháp.”

Các nhà phân tích nói đây là một thách thức sẽ tiếp tục trong tương lai, với việc sử dụng máy bay không người lái trở thành một bộ phận chính trong chính sách của Mỹ để chống khủng bố. - VOA
|
|

2.
Quan chức Bắc Triều Tiên thăm Trung Quốc để xoa dịu căng thẳng --- Bắc Triều Tiên: Trump là lựa chọn khôn ngoan cho chức tổng thống Mỹ

Một giới chức cấp cao Bắc Triều Tiên đang có mặt ở Bắc Kinh trong nỗ lực nhằm hàn gắn các quan hệ với nước đồng minh chủ yếu và là nước giúp Bắc Triều Tiên nhiều nhất.

Quan hệ giữa hai nước đã xấu đi vì Bình Nhưỡng tiếp tục tăng cường chương trình vũ khí hạt nhân và phi đạn đạn đạo.

Ông Ri Su-yong, người đứng đầu ban đối ngoại của đảng cầm quyền ở Bắc Triều Tiên, đến Bắc Kinh ngày hôm qua để thảo luận với vị tương nhiệm là Trưởng ban liên lạc đối ngoại trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc Tống Đào.

Đảng Cộng sản Trung Quốc nói hai vị đặc sứ tái khẳng định quan hệ hữu nghị lâu năm của hai nước, và cam kết sẽ tăng cường sự giao lưu giữa hai bên và đồng thời cổ vũ cho hoà bình và an ninh khu vực.

Bắc Kinh trước đó đã tỏ thái độ ngày càng bực dọc hơn về các vụ thử hạt nhân và phi đạn đạn đạo mà Bắc Triều Tiên liên tục thực hiện dưới quyền của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un, bất chấp nhiều biện pháp chế tài do Liên Hiệp Quốc áp đặt. - VOA

***
Bắc Triều Tiên đã dành sự ủng hộ cho người có nhiều phần chắc được đảng Cộng Hòa đề cử ra làm ứng viên Tổng thống, ông Donald Trump, thông qua một trang web tuyên truyền ca ngợi ông là “một ứng viên Tổng thống có tài tiên liệu” có thể giải phóng người dân Mỹ sống trong sự sợ hãi hàng ngày về một vụ tấn công hạt nhân của miền Bắc.

Một bài đăng hôm thứ ba trên báo DPRK Today, một trong những tiếng nói của nhà nước khép kín và theo hệ thống cha truyền con nối này, mô tả ông Trump là một “chính trị gia không ngoan” và là lựa chọn đúng đắn của cử tri Hoa Kỳ trong cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 8 tháng 11 sắp tới.

Bài báo mô tả người có phần chắc nhất sẽ là đối thủ của ông Trump về phía đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton là 'Hillary ngu xuẩn' về đề nghị của bà định áp dụng mô hình Iran là các biện pháp chế tài rộng rãi để giải quyết vấn đề vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Bắc Triều Tiên với danh xưng chính thức là nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đang bị đặt dưới các biện pháp chế tài của Liên Hiệp Quốc vì những vụ thử nghiệm hạt nhân vừa qua. Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ cho biết những lời kêu gọi đối thoại của miền Bắc là vô ý nghĩa cho đến khi nào họ tiến hành các biện pháp chấm dứt các tham vọng hạt nhân của họ.

Báo DPRK Today cũng nói gợi ý của ông Trump cho rằng Hoa Kỳ nên rút quân ra khỏi Nam Triều Tiên cho đến khi nào Seoul chi trả nhiều hơn là phương sách để đạt được sự thống nhất của Triều Tiên.

Bài báo viết, “Rút cuộc ông Trump không phải là ứng viên ăn nói thô lỗ, điên rồ, dốt nát mà người ta nói, mà thực ra là một chính trị gia không ngoan và một ứng viên tổng thống biết tiên liệu.” Tác giả là một học giả Triều Tiên làm việc ở Trung Quốc được xác nhận tên là Han Yong Muk.

Báo DPRK Today nằm trong số một vài trang web tin tức nằm dưới sự điều hành của miền Bắc cô lập, mặc dầu nội dung trang web này không phải luôn luôn được xử lý bởi giới truyền thông nhà nước chính.

Bài báo nói hứa hẹn giải quyết các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên thông qua “thương nghị chứ không phải chiến tranh” là phương án tốt nhất cho nước Mỹ, mà báo này nói là “sống từng giây từng phút canh cánh lo sợ một cuộc tấn công hạt nhân” của Bắc Triều Tiên.

Từ nhiều năm, miền Bắc đã hô hào việc triệt thoái quân đội Hoa Kỳ ra khỏi miền Nam như một bước đầu tiên hướng tới hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và yêu cầu Washington ký một hòa ước để thay thế cho cuộc hưu chiến đã kết thúc Chiến tranh Triều Tiên từ 1950 đến 1953.

Lập luận thường lớn lối của họ cũng nhiều lần đe dọa tiến hành các cuộc tấn công hạt nhân nhắm vào Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ. - VOA
|
|

3.
Đường hầm xe lửa dài nhất thế giới

Tuyến đường hầm xe lửa hai làn dài nhất và sâu nhất thế giới vừa chính thức được khánh thành tại Thụy Sĩ sau gần hai thập niên xây dựng.

Đường hầm Gotthard Base dài 57km tạo ra một tuyến đường xe lửa cao tốc chạy trong lòng dãy núi Alps của Thụy Sĩ, nối bắc Âu và nam Âu.

Thụy Sĩ nói đường hầm sẽ cách mạng hóa giao thông tại châu Âu.

Hàng hóa hiện đang được một triệu chiếc xe tải chuyên chở mỗi năm sẽ được vận chuyển bằng xe lửa qua đường hầm này.

Thành công của ngành kỹ sư xây dựng Thụy Sĩ

Đường hầm Gotthard Base vượt qua đường hầm xe lửa Seikan dài 53,9 km của Nhật, hiện đang là đường hầm xe lửa dài nhất thế giới, và đẩy đường hầm dưới lòng biển Channel nối Anh và Pháp (có chiều dài 50,5 km) xuống đứng thứ ba trên thế giới.

Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel, Tổng thống Pháp, ông Francois Hollande, và Thủ tướng Ý, ông Matteo Renzi, cùng với các viên chức Thụy Sĩ dự lễ khánh thành trọng thể.

"Đây chỉ là một phần bản sắc Thụy Sĩ," Giám đốc Văn phòng Giao thông Liên bang, ông Peter Fueglistaler, nói với hãng thông tấn Reuters.

"Đối với chúng tôi, chinh phục rặng núi Alps cũng giống như người Hà Lan thám hiểm đại dương vậy."

Dự án tốn hơn 12 tỷ đô la xây dựng được người dân Thụy Sĩ bỏ phiếu ủng hộ trong một cuộc trưng cầu dân ý năm 1992. Các cử tri khi đó hậu thuận cho một đề xuất từ các nhóm môi trường muốn chuyển mọi vận chuyện hàng hóa qua Thụy Sĩ bằng đường bộ sang bằng đường xe lửa sau hai năm.

Toàn bộ đường hầm chạy xuyên qua núi có đoạn có độ sâu cách bề mặt núi 2,3km và qua những đoạn núi đá có nhiệt độ lên tới 46 độ C.

Các kỹ sư đã đào và phá nổ tổng cộng 73 loại đá khác nhau, một số cứng như đá granite và một số khác mềm như đường. Hơn 28 triệu tấn đất đá được đào xúc ra và 9 công nhân đã bị chết trong khi xây dựng đường hầm này.

Nay đường hầm đã hoàn tất đúng thời hạn và trong ngân sách dự tính, và nó tạo ra đường xe lửa nối Rotterdam ở Hà Lan và Genoa ở Ý.

Khi những dịch vụ này hoạt động toàn diện vào tháng 12, hành trình đi từ Zurich (Thụy Sĩ) và Milan (Ý) sẽ giảm được một tiếng, xuống chỉ mất 2 tiếng 40 phút.

Đường hầm ống sẽ chạy thẳng và nằm phẳng chứ không uốn lượn trong lòng núi như tuyến đường hầm xe lửa và tuyến đường hầm xe hơi được khánh thành hồi năm 1980.

Khoảng 260 xe lửa chở hàng và 65 xe lửa chở khách sẽ đi qua đường hầm này trong vòng 17 phút.

Đường hầm hiện được tài trợ bằng tiền thuế xăng dầu và thuế giá trị gia tăng, tiền phí lộ áp dụng với xe hạng nặng và các khoản vay nhà nước sẽ phải hoàn trả trong vòng 10 năm.

Ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sĩ cho biết những lợi ích kinh tế sẽ bao gồm việc hàng hóa được chuyên chở dễ dàng hơn và du lịch gia tăng. - BBC
|
|

4.
Duterte: 'Giết một số nhà báo là đúng'

Tổng thống tân cử của Philippines, ông Rodrigo Duterte bị các nhóm truyền thông phê phán vì nói 'nhiều nhà báo bị giết là xứng đáng'.

Ông Duterte nói như vậy tại thành phố Davao quê nhà hôm thứ Ba, khi ông công bố danh sách tân nội các.

Từ năm 1986 đến nay, có 176 nhà báo bị giết ở Philippines.

Bình luận về họ, ông nói, "nếu không làm gì sai thì không bị giết".

Theo ông, những nhà báo nhận hối lộ hoặc tham gia hoạt động xã hội đen thì đáng bị giết.

Nhắc lại trường hợp một nhà báo và người chỉ trích ông là Jun Pala, người bị giết năm 2003, ông Duterte buông một câu:

"Tôi không muốn làm nhỏ chuyện về sự tưởng nhớ y nhưng y là một thằng chó đẻ thối rữa. Y đáng bị như thế."

'Gây phẫn nộ'

Hội Nhà báo Philippines đã ngay lập tức phê phán phát biểu của vị tổng thống tân cử.

Ông Shawn Crispin từ Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) phát biểu từ Bangkok rằng "đây là phát biểu gây phẫn nộ nhất từ một tổng thống Philippines".

Ông Duterte sẽ tuyên thệ nhậm chức ngày 30/06 năm nay và ông nói sẽ chỉ mời chừng 150 khách và không có tiệc tùng ăn uống gì để khỏi lãng phí.

Nội các mà ông công bố chỉ có hai phụ nữ và cũng gây tranh cãi vì có một cựu quân nhân thuộc lực lượng thủy quân lục chiến, ông Nicanor Faeldon.

Nay được trao trách nhiệm nắm Cục Hải quan Philippines, ông Faeldon đã từng tổ chức đảo chính không thành năm 2003.

Ông cũng từng dự dẫn một nhóm phản đối ra hòn đảo ngoài Biển Đông trong vùng Trung Quốc cũng coi là của họ, gây phản đối dữ dội từ Bắc Kinh.

Khi làm thị trưởng Davao ông Duterte đã gặp một nhóm phiến quân cộng sản thuộc lực lượng NPA (Quân đội Nhân dân mới) tại Mindanao sau khi họ thả 5 nhân viên cảnh sát.

Năm nay 71 tuổi, ông Duterte thuộc sắc tộc Visayan và nổi tiếng là chính trị gia không khoan nhượng với băng đảng tội ác và tham nhũng.

Nhưng các phát biểu của ông cũng gây nhiều tranh cãi.

Khoe là "có một lúc vài bạn gái", ông nói ông dùng Viagra.

Ngay sai khi đắc cử, ông Rodrigo Duterte nói ông dự định sẽ khôi phục án tử hình, và sẽ trao quyền bắn - giết cho lực lượng an ninh với những nghi phạm trốn chạy trong các cuộc bắt giữ.

Ông cam kết sẽ hội đàm với các nhóm phiến quân, gồm cả phe cộng sản, và muốn theo đuổi chính sách đối ngoại không phụ thuộc vào Hoa Kỳ. - BBC
|
|

Tin Việt Nam

5.
Bắc Kinh đã thiết kế xong vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông --- Biển Đông: Vì hung hăng, Trung Quốc sắp mất thêm "bạn" Malaysia?

Nhật báo Hồng Kông South China Morning Post hôm nay 01/06/2016 đã trích dẫn nhiều nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh đã hoàn chỉnh phương án thiết lập một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông, nhưng sẽ chỉ tuyên bố áp dụng trong trường hợp bị Mỹ lấn lướt. Việc tiết lộ nguồn tin đáng ngại này được cho là nhằm gây thêm sức ép trên Hoa Kỳ vào lúc sắp mở ra cuộc đối thoại chiến lược thường niên gọi là "2+2" giữa Bắc Kinh và Washington.

Theo báo South China Morning Post, các nguồn tin phù hợp từ giới có liên hệ mật thiết với quân đội Trung Quốc và từ một chuyên san quốc phòng có uy tín tại Canada đều đã thẩm định rằng Bắc Kinh đã sẵn sàng thiết lập một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông, hai năm sau khi tuyên bố một vùng tương tự trên Biển Hoa Đông.

Tuy nhiên, theo một nguồn tin từ Trung Quốc thì thời điểm Bắc Kinh công khai tuyên bố vùng nhận dạng đó còn tùy thuộc vào tình hình an ninh trong khu vực, đặc biệt là sự hiện diện quân sự của Mỹ và quan hệ ngoại giao giữa Bắc Kinh với các láng giềng.

Theo nguồn tin trên: "Nếu quân đội Mỹ tiếp tục có hành động khiêu khích nhằm thách thức chủ quyền Trung Quốc trong khu vực thì đó chính là cơ hội tốt để Bắc Kinh tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông".

Bao trùm Hoàng Sa và 7 đảo nhân tạo ở Trường Sa

Chuyên san quốc phòng Hán Hòa (tên tiếng Anh là Kanwa Defense Review), trụ sở Canada, cho biết nhiều thông tin cụ thể về quy mô vùng phòng không trên Biển Đông mà Bắc Kinh đã thiết kế, và thời điểm thông báo chính thức là một quyết định chính trị.

Theo Kanwa, vùng nhận dạng phòng không mới của Trung Quốc sẽ dựa vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) quanh đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, và quanh 7 đảo nhân tạo vừa được Trung Quốc bồi đắp tại vùng quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Ông Nghê Nhạc Hùng (Ni Lexiong), chuyên gia bình luận quân sự ở Thượng Hải, nói 7 đảo nhân tạo ở Trường Sa đã tạo nền tảng để Trung Quốc lập vùng phòng không trên Biển Đông.

Theo ông Trương Nghị Hoằng (Andrei Chang), tổng biên tập chuyên san Kanwa : « Vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông của Trung Quốc sẽ chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Philippines và Malaysia », 
Nhật báo Hồng Kông đã đặt câu hỏi cho bộ Quốc Phòng Trung Quốc về vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông và đã được trả lời bằng văn bản rằng việc ban bố một vùng phòng không là "quyền của một quốc gia có chủ quyền".

Về thời điểm thiết lập một vùng như vậy, bộ Quốc Phòng Trung Quốc cũng xác định rằng điều đó tùy thuộc vào vấn đề "liệu Trung Quốc có phải đối mặt với các mối đe dọa an ninh từ trên không hay không và mức độ đe dọa an toàn trên không thế nào".

Giới quan sát đã nêu bật thái độ tiền hậu bất nhất của Trung Quốc. Theo báo mạng Philippines Rappler, nếu Bắc Kinh tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông, thì đó sẽ là một sự quay ngoắt hoàn toàn với tuyên bố của bộ Ngoại Giao Trung Quốc năm 2014, theo đó Bắc Kinh không cần đến vùng phòng không tại Biển Đông.

Hoa Kỳ đã nhiều lần cho biết là sẽ không bao giờ công nhận một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông. Gần đây nhất, vào tháng Ba vừa qua, ông Robert Work, thứ trưởng Quốc Phòng Mỹ đã lại nhắc lại rằng Hoa Kỳ sẽ không công nhận một vùng cấm tương tự trên Biển Đông như đã từng không công nhận vùng nhận dạng phòng không trên Biển Hoa Đông.

Trung Quốc từng thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông vào tháng 11/2013, bao trùm lên cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư có tranh chấp với Nhật Bản. Động thái này đã bị cả Mỹ, Nhật Bản lẫn Hàn Quốc cực lực phản đối. - RFI

***
Trước việc Trung Quốc ra oai tại Biển Đông, Malaysia đang cân nhắc phản ứng cứng rắn hơn. Trong một phóng sự công bố hôm nay, 01/06/2016, hãng tin Anh Reuters đã đưa ra nhận định như trên về chuyển biến gần đây trong chính sách Biển Đông của Kuala Lumpur, từ một thái độ nhẫn nhịn đang ngày càng có dấu hiệu cứng rắn hơn trước các động thái hung hăng áp đặt chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.

Hãng tin Anh đã nêu bật một sự cố xẩy ra hồi tháng Ba vừa qua tại khu vực bãi cạn South Luconia, nằm ở phía nam Biển Đông, hiện do Malaysia quản lý nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền. Một hôm, khi đang tuần tra trong khu vực, một chiếc tàu của lực lượng tuần duyên Malaysia đã đột nhiên thấy một chiếc tàu lớn lao thẳng về phía họ với tốc độ cao và hụ còi inh ỏi. Khi tiến gần đến nơi, chiếc tàu lạ đã bẻ lái ngoặt sang hướng khác, để lộ dòng chữ "Cảnh Sát Biển Trung Quốc" trên thân tàu.

Theo một quan chức thuộc Cơ Quan Thực Thi Hàng Hải Malaysia (MMEA), họ đã phát hiện tàu cảnh sát biển Trung Quốc nhiều lần xung quanh khu vực bãi cạn South Luconia, ngoài khơi thị trấn giàu dầu mỏ Miri thuộc bang Sarawak của Malaysia, thế nhưng hôm đó hành động lao tàu như vậy « chẳng khác gì một mưu toan tấn công, có thể là để hù dọa ». Viên chức này xin giấu tên, nhưng đã cho hãng Reuters xem một đoạn video ghi lại sự cố chưa hề được báo cáo đó.

Hành động hung hăng kể trên của tàu hải cảnh Trung Quốc xẩy ra vào lúc dư luận Malaysia đang hết sức quan ngại trước vụ hàng trăm tàu cá Trung Quốc xuất biện trong khu vực South Luconia, có tàu hải cảnh Trung Quốc đi theo bảo vệ.

Chính trong bối cảnh đó mà nhiều tiếng nói đã vang lên đòi chính quyền Malaysia phải có phản ứng dứt khoát hơn đối với hành vi coi thường Malaysia của Trung Quốc, và từ bỏ thái độ nhẫn nhịn vốn có để khỏi đụng chạm một đối tác thương mại và một nhà đầu tư lớn.

Liên tiếp trong hai năm 2013 và 2014, Hải Quân Trung Quốc đã hai lần kéo đến tập trận ngay tại bãi cạn James Shoal mà Malaysia tuyên bố chủ quyền, cách bờ biển bang Sarawak không đầy 50 hải lý. Thế nhưng Kuala Lumpur đã công khai giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của hành vi khiêu khích đó. Cũng như vậy, Malaysia cũng đã làm ngơ trước vụ ngư dân Malaysia ở cảng Miri, bang Sarawak bị lực lượng võ trang trên tàu Cảnh Sát Biển Trung Quốc hiếp đáp.

Thế nhưng, sau vụ 100 tàu cá Trung Quốc tại bãi cạn South Luconia tháng Ba vừa qua, Malaysia như đã thay đổi thái độ. Theo hãng Reuters, một viên tướng cấp cao của Malaysia đã cho rằng Kuala Lumpur bây giờ cần phải đứng lên chống lại những hành vi xâm nhập hải phận Malaysia do Trung Quốc tiến hành. Để trấn an dân tình, chính quyền Kuala Lumpur còn loan báo cho triển khai tàu Hải Quân đến khu vực, và trong một động thái hiếm hoi, cho triệu mời đại sứ Trung Quốc lên để đòi giải thích rõ vụ việc.

Vấn đề là Bắc Kinh vẫn phớt lờ phản đối của Kuala Lumpur. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc không hề nhận lỗi, với luận điệu cố hữu là tàu cá của họ chỉ đánh bắt bình thường ở « các vùng biển liên quan ». 

Phải chăng thái độ "ngoan cố" của Trung Quốc đã khiến Malaysia nổi giận ? Chỉ biết là một vài tuần sau đó, Malaysia đã công bố kế hoạch thiết lập một căn cứ hải quân tiền phương gần Bintulu, phía Nam của Miri.Theo bộ trưởng Quốc Phòng Malaysia, cơ sở đó sẽ có trực thăng, máy bay do thám không người lái và một lực lượng đặc nhiệm, có nhiệm vụ bảo vệ tài sản dầu mỏ và khí đốt phong phú của đất nước.

Kuala Lumpur đã giải thích đó là để đối phó với nguy cơ tấn công của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, đang hoạt động tại miền Nam Philippines, tức là cách đấy hàng trăm cây số về phía Đông Bắc. Nhưng theo Ian Storey, chuyên gia về Biển Đông tại Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á ở Singapore, ông không hề tin rằng Daech là mục tiêu, hàm ý rằng hành vi trên Biển Đông của Trung Quốc mới là đích nhắm thực sự. - RFI
|
|

6.
Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức đồng ý sẽ ngưng tuyệt thực

Tin mới nhất chúng tôi nhận được từ gia đình tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức cho biết ông Thức đã đồng ý sẽ ngưng tuyệt thực từ ngày 7 tháng 6, tức là đúng 15 ngày tuyệt thực.

Hôm nay ngày 1 tháng 6 gia đình tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức được gặp thân nhân tại trại 6 thuộc xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ An.

Vào lúc 5 giờ chiều, anh Trần Huỳnh Duy Tân là em trai và và ba chị gái của Trần Huỳnh Duy Thức được vào trong trại giam, bên ngoài trại giam là những bạn bè thân hữu của anh Thức như Luật sư Lê Công Định, Phạm Bá Hải và Lê Thăng Long cũng đi kèm nhưng do không có giấy phép thăm nuôi nên không được vào.

Trong lần thăm này gia đình anh Thức có mang theo một bức thư của nhiều trí thức cùng gửi cho anh kêu gọi anh ngưng tuyệt thực để bảo tồn mạng sống, tiếp tục làm ngọn đuốc dẫn đường cho phong trào tranh đấu cho tự do dân chủ nhân quyền của Việt Nam.

Anh Phạm Bá Hải, một trong ba người có mặt trước cổng trại giam cho chúng tôi biết:

“Đoàn chúng tôi đến đây khoảng 4 giờ chiều gồm có 7 người từ Sài Gòn ra. Gia đình anh Thức 4 người, tôi, anh Lê Công Định và anh Lê Thăng Long. Sau khi chúng tôi gom lại tất cả chứng minh nhân dân và đề xuất được gặp anh Thức nhưng sau hơn nửa tiếng xem xét thì họ chỉ cho vào 4 người thân nhân của anh Thức và hiện giờ đang ở trong đó còn chúng tôi đang chờ bên ngoài.”

Khi được hỏi về bức thư anh Hải cho biết:

“Lá thư đó gia đình anh Thức đã mang vào và sẽ đưa cho trại giam xem nội dung là khuyên anh Thức ngưng tuyệt thực và chúng tôi không biết trại có duyệt cho anh Thức xem hay không. Gia đình đã bàn với nhau nếu trại không đồng ý thì trong khi tiếp xúc gia đình sẽ báo lại nội dung lá thư đó cho anh Thức nghe.”

Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức bắt đầu tuyệt thực vô thời hạn vào ngày 24 tháng 5 để đòi nhà cầm quyền thả anh ra khỏi trại giam và thực thi những cải tổ về chính sách mà họ đang theo đuổi.

Tin mới nhất chúng tôi nhận được từ gia đình anh Thức là anh đã đồng ý ngưng tuyệt thực sau ngày 7 tháng 6 cho đủ 15 ngày tuyệt thực. - RFA

No comments:

Post a Comment