Tin Thế Giới
1.
Các nhà lãnh đạo Âu châu ta thán về lựa chọn rời khỏi EU của Anh --- Cử tri Anh bỏ phiếu rút khỏi EU, Thủ tướng Cameron sẽ từ nhiệm --- Brexit: Liên Hiệp Châu Âu cố ngăn chặn hiệu ứng domino --- Tác động của Brexit tới Việt Nam?
Dân chúng Anh hôm 24/6 bỏ phiếu với số cách biệt khít khao tách khỏi Liên hiệp châu Âu, một quyết định mà một số nhà lãnh đạo Âu châu cho là một lỗi lầm nghiêm trọng.
Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố: “Chúng tôi tiếp nhận quyết định của dân chúng Anh với sự tiếc nuối. Chắc chắn đây là một cú đánh giáng vào châu Âu và vào tiến trình thống nhất Âu châu.
Bà Merkel nói thêm rằng bà sẽ chủ trì các cuộc đàm phán với các nhà lãnh đạo Pháp, Ý và chủ tịch Ủy hội Âu châu Donald Tusk tại Berlin vào thứ Hai tới.
Hôm 24/6, ông Tusk tuyên bố Anh Quốc đã phạm một sai lầm khi rời khỏi EU, thị trường lớn nhất duy nhất trên thế giới. Ông nói: “Việc đó sẽ gây ra những hậu quả, và tôi không cho rằng các nước khác sẽ được khích lệ đi theo con đường nguy hiểm đó”.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói ông biết rằng Anh Quốc “sẽ tiếp tục là một đồng minh mạnh và kiên quyết của NATO, và sẽ tiếp tục đóng vai trò dẫn đầu của mình” trong liên minh, mà ông nói trong một thông cáo “sẽ vẫn cam kết hợp tác chặt chẽ hơn với Liên hiệp châu Âu”.
Tổng thống Pháp Francois Hollande nói ông rất lấy làm hối tiếc về quyết định của Anh và “đối với châu Âu, nhưng đó là chọn lựa của họ và chúng ta phải tôn trọng sự chọn lựa đó”.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault cũng dùng Twitter để bày tỏ sự bất bình về quyết định, và nói ông “lấy làm buồn cho Vương quốc Anh”.
Ông Ayrault nói: “Châu Âu sẽ tiếp tục nhưng phải phản ứng và hồi sinh sự tin tưởng của dân chúng các nước. Đó là điều khẩn thiết”.
Trong một thông cáo hôm 24/6, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói: "Dân chúng Vương quốc Anh đã lên tiếng, và chúng tôi tôn trọng quyết định của họ". Ông nói thêm rằng “bang giao đặc biệt” giữa Hoa Kỳ và Vương quốc Anh là “bền vững”, và tư cách thành viên của Anh trong khối NATO “vẫn là một nền tảng cấp thiết cho chính sách ngoại giao, an ninh và kinh tế của Hoa Kỳ”.
Ông Obama nói bang giao của Hoa Kỳ với EU đã “có tác động rất nhiều trong việc thúc đẩy sự ổn định, kích hoạt tăng trưởng kinh tế và nuôi dưỡng việc phổ biến các giá trị và lý tưởng dân chủ trên khắp châu lục này và xa hơn nữa”. Ông cũng nói rằng Vương quốc Anh và EU sẽ “vẫn là các đối tác không thể thiếu được của Hoa Kỳ ngay cả trong khi họ bắt đầu thương lượng về quan hệ đang diễn tiến để bảo đảm sự ổn đinh, an ninh và thịnh vượng liên tục cho châu Âu, Anh Quốc và Bắc Ireland với thế giới”.
Một phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cho biết ông trông đợi EU sẽ tiếp tục là “một đối tác vững chắc” đối với Liên Hiệp Quốc, và Vương quốc Anh “sẽ tiếp tục thực thi sự lãnh đạo của mình trong nhiều lãnh vực”.
Hơn 70% cử tri đã ghi danh tham gia vào cuộc trưng cầu dân ý, được thông qua với số cách biệt gần 4%. Cuộc trưng cầu được nhiều người ủng hộ chủ trương “Rời khỏi” coi là phản ánh cảm nghĩ của người Anh về di trú, chủ quyền, an ninh và tương lai kinh tế của nước Anh.
Ông Donald Trump, người được cho là được đảng Cộng hòa đề cử ra tranh chức tổng thống, đã ca ngợi quyết định rời khỏi EU.
Có mặt tại Scotland để khai trương một sân golf, ông Trump tuyên bố: “Dân chúng muốn lấy lại đất nước mình và họ muốn có độc lập trong một ý nghĩa nào đó. Và ta thấy điều đó với châu Âu, ở khắp châu Âu”.
Trước đó trong ngày, ông Trump đã so sánh việc ông ra ứng cử với cuộc trưng cầu dân ý, và nói nếu ông đắc cử vào tháng 11, ông sẽ gắng sức tăng cường quan hệ giữa Hoa Kỳ và một nước Anh độc lập.
Trong một thông cáo, ông Trump nói: “Đến tháng 11 này, dân chúng Mỹ sẽ có cơ hội tuyên bố một lần nữa sự độc lập của họ. Người Mỹ sẽ có cơ hội bỏ phiếu về thương mại, về di trú và các chính sách ngoại giao đặt người dân lên hàng đầu. Họ sẽ có cơ hội bác bỏ sự thống trị ngày nay của giới thượng tôn toàn cầu, và ủng hộ sự thay đổi thực sự đem lại một chính quyền của nhân dân, bởi nhân dân và phục vụ cho nhân dân”.
Người có phần chắc sẽ đối đầu với ông Trump trong cuộc chạy đua vào chức tổng thống, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton nói trong một thông cáo: “Chúng tôi tôn trọng sự lựa chọn mà dân chúng Vương quốc Anh đã thực hiện. Bà nói công tác chính hiện nay là “bảo đảm rằng sự bất ổn kinh tế do các diễn biến này gây ra không làm thiệt hại các gia đình lao động ở nước Mỹ này”. Đồng thời, bà cũng khẳng định rõ “sự cam kết vững chắc của nước Mỹ với mối quan hệ đặc biệt với Anh quốc và liên minh xuyên Đại Tây Dương với châu Âu”.
Bà Clinton nói: “Thời điểm bất định này chỉ nêu bật tính cách cần thiết của sự lãnh đạo bình tĩnh, vững tâm và dày dạn kinh nghiệm ở Tòa Bạch Ốc nhằm bảo vệ túi tiền và sinh kế của người Mỹ, để hỗ trợ cho bạn bè và đồng minh của chúng ta, để chống lại các đối thủ của chúng ta và bênh vực quyền lợi của chúng ta. Nó cũng nêu bật sự cần thiết chúng ta phải đoàn kết với nhau để giải quyết các thách thức trong tư cách một quốc gia, chứ không phải phá hoại lẫn nhau”.
Nhiều nhà lãnh đạo Âu châu nhìn thấy việc Anh quốc rút lui thành công ra khỏi EU như một cơ hội để vận động cho những cuộc trưng cầu dân ý tương tự ở nước họ, trong đó có nhà lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen của Pháp, người ca ngợi quyết định “Brexit” là một “chiến thắng của tự do”.
Nhà lãnh đạo Mặt trận Dân tộc Pháp nói qua Twitter: “Như tôi đã yêu cầu từ nhiều năm nay, chúng ta nay phải có một cuộc trưng cầu dân ý như thế ở Pháp và các nước EU”.
Lãnh tụ đảng Tự Do ở Hà Lan, ông Geert Wilders kêu gọi Hà Lan tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU ngay sau khi có tin về kết quả. Hiện đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò công luận, ông Wilders nói nếu đắc cử thủ tướng trong cuộc tổng tuyển cử tháng 3 tới, ông sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý.
Trong một thông cáo, ông nói: “Chúng ta muốn nắm quyền quyết định về đất nước của chính chúng ta, về tiền bạc của chính chúng ta, về đường biên giới của chính chúng ta và về chính sách di trú của chính chúng ta. Nếu tôi lên làm thủ tướng, cũng sẽ có một cuộc trưng cầu dân ý tại Hà Lan về việc rời khỏi Liên hiệp châu Âu. Hãy để cho dân chúng Hà Lan quyết định”.
Một cuộc thăm dò công luận thực hiện trong tuần này ở Hà Lan do kênh truyền hình Een Vandaag thực hiện cho thấy 54% dân chúng Hà Lan ủng hộ một cuộc trưng cầu dân ý.
Tiếp theo cuộc bỏ phiếu ở Anh quốc, các nhà lãnh đạo ở châu Âu và xung quanh châu Âu tìm cách xoa dịu những nỗi lo sợ của dân chúng trong nước họ sau những dấu hiệu ban đầu cho thấy các thị trường kinh tế trên khắp thế giới rúng động. Chứng khoán và thị trường đồng Euro ở Anh, Pháp và Đức sụt từ 7% đến 10% ngay đầu ngày giao dịch, trong khi các chứng khoán ở Hoa Kỳ cho thấy một sự sụt giảm mạnh theo trông đợi khi thị trường mở cửa.
Quyền Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã gửi một thông điệp “bình tĩnh và yên lặng” đến dân chúng Tây Ban Nha, và khuyến khích họ chớ nên quảng bá sự bất định trước việc Anh quốc rút ra khỏi EU.
Tiếp theo một cuộc họp hôm 24/6 của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Tashkent, Uzbekistan, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói với các phóng viên rằng ông nghĩ cử tri Anh đã chọn việc rời khỏi EU bởi vì “không ai muốn nuôi dưỡng và trợ cấp cho các nền kinh tế yếu kém hơn, hỗ trợ cho các nước khác, cho toàn bộ các dân tộc”. Ông cũng nói cử tri Nga không hài lòng về sự suy đồi của tình hình an ninh trong bối cảnh “các tiến trình di trú mạnh”.
Tổng thống Nga cũng đáp lại những lời bình do Thủ tướng Anh David Cameron đưa ra tuần trước, nói rằng ông Putin sẽ hoan nghênh quyết định ủng hộ Brexit, rồi nói thêm rằng ông đã nghi là thủ lãnh Nhà nước Hồi giáo Abu Bakr al-Baghdadi cũng sẽ hoan nghênh quyết định đó.
Ông Putin nói với các phóng viên tại Tashkent: “Tuyên bố của Thủ tướng Anh, ông Cameron, trước cuộc trưng cầu dân ý, trong đó ông nêu ra lập trường của Nga, thực ra không có cơ sở nào. Tôi nghĩ đây không khác gì một mưu toan bất xứng định gây ảnh hưởng lên công luận ở ngay nước ông”.
Ông Putin nói: “Không ai có quyền khẳng định điều gì về lập trường của Nga. Đây không khác gì một tuyên ngôn ở mức độ thấp về văn hóa chính trị”. - VOA
***
Nước Anh đã làm một quyết định lịch sử là rút ra khỏi Liên hiệp Âu châu trong một cuộc trưng cầu dân ý châm ngòi cho những cảm xúc phẫn nộ về vấn đề di trú và chủ quyền, và khiến Thủ tướng David Cameron phải từ chức.
Nói chuyện với các nhà báo hôm thứ Sáu trước tư thất và văn phòng ở số 10 Phố Downing, Thủ tướng Cameron nói:
“Nhân dân Anh đã đưa ra một quyết định rõ ràng là chọn một con đường khác, và như thế tôi cho rằng đất nước cần có một ban lãnh đạo mới để đưa đất nước đi theo hướng này”.
Thủ tướng Cameron cho biết cuộc chuyển tiếp quyền lực sẽ diễn ra vào tháng 10 năm nay.
Giới phân tích nói quyết định gây chấn động của cử tri Anh, rời khỏi Liên hiệp Âu Châu (EU), có nghĩa là ông Cameron đã mất nhiệm quyền. Người dẫn đầu chiến dịch vận động để nước Anh rút ra khỏi EU, cựu Thị trưởng London Boris Johnson, cũng thuộc đảng Bảo thủ của ông Cameron, được nhiều người cho là sẽ lên thay thế ông Cameron trong chức vụ thủ tướng.
Vào lúc tất cả các quận báo cáo kết quả vào sáng sớm 24/6, bên đòi “Rời EU” đã chiếm được 51,89% số phiếu. Tin này đã gây ra phản ứng tiêu cực trên các thị trường Á châu, khiến đồng bảng Anh rớt giá xuống mức thấp kỷ lục trong 3 thập niên.
Tỷ lệ cử tri đi bầu cao, tới 72%, mức cao nhất trong một cuộc bầu cử toàn quốc trong hơn 2 thập niên qua, bất chấp trời mưa như trút vào ngày diễn ra cuộc trưng cầu dân ý. Sự kiện này phản ánh những cảm nghĩ mãnh liệt rằng cuộc tranh luận đã khơi ra tại một quốc gia nơi mà tỷ lệ di trú đã tăng gấp đôi trong 16 năm qua.
Quyết định dường như được mồi thêm lửa bởi những tình cảm chống các thế lực đương quyền, và cảm nghĩ rằng cơ chế lãnh đạo EU đã tước đi quá nhiều quyền kiểm soát ra khỏi tay của người công dân Anh bình thường.
Phát biểu trước những người ủng hộ ông ở Westminster hôm 24/6, ông Nigel Farage, một người vận động chống EU nói: “Hãy để ngày 23/6 đi vào lịch sử như ngày độc lập của chúng ta”.
Ông Farage là thủ lãnh của đảng Độc lập UK, có lập trường siết chặt những biện pháp hạn chế di trú. Ông nói nếu những dự báo kết quả bầu cử là đúng thì “đây sẽ là một thắng lợi cho những người thật, một thắng lợi cho những con người bình thường, tử tế”.
Quyết định rút ra khỏi EU mở ra một giai đoạn bất định mới cho nước Anh, giờ sẽ phải xây dựng các quan hệ thương mại với lục địa châu Âu, và khởi sự tiến trình gỡ bỏ những mối liên hệ với khối EU gồm 28 nước, lật ngược một tiến trình đã khởi sự hơn 4 thập niên về trước, khi nước Anh gia nhập vào khối lúc đó mang tên ‘Cộng đồng Kinh tế châu Âu’.
Những người ăn mừng quyết định rời bỏ EU bên ngoài số 10 đường Downing vào sáng sớm 24/6, trong khi những chiếc xe chạy qua bóp còi để ủng hộ quyết định này.
Giới phân tích nói việc tách khỏi EU sẽ cần ít nhất 2 năm hay nhiều hơn mới hoàn tất.
Giới lãnh đạo doanh nghiệp cảnh báo những hạn chế di trú mới do kết quả bầu cử rút ra khỏi EU có thể buộc họ phải chuyển hàng ngàn công việc làm ăn sang những nước còn là thành viên EU.
Cử tri Anh rốt cuộc dường như chọn những rủi ro của giải pháp độc lập thay vì điều mà nhiều ủng hộ viên của chiến dịch vận động rời EU coi là cánh tay quá dài của một guồng máy lãnh đạo EU phản dân chủ, dường như ngày càng lớn hơn và can thiệp sâu hơn vào chuyện nội bộ ở nước họ. - VOA
***
Sau cú sốc của trận động đất Brexit, một câu hỏi đang được đặt ra : "Liên Hiệp Châu Âu có sẽ sống sót được khi nước Anh không còn ở trong khối này ? ". Có thể là hãy còn quá sớm để trả lời câu hỏi đó, nhưng một điều chắc chắn là Brexit sẽ buộc Liên Hiệp Châu Âu, sẽ chỉ còn 27 thành viên, phải có những thay đổi căn bản để đáp ứng dư luận ngày càng hoài nghi về dự án châu Âu hợp nhất.
Trước mắt, các lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu đang nỗ lực trấn an dư luận ở lục địa này để tránh hiệu ứng domino từ Brexit, nhất là vì phe cực hữu ở một số nước như Pháp, Hà Lan, Ý hôm nay đã đòi tổ chức trưng cầu dân ý tương tự như ở Anh.
Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk, phát biểu nhân danh các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu, hôm nay đã bày tỏ quyết tâm duy trì sự đoàn kết của 27 nước thành viên. Ông bảo đảm rằng từ đây đến khi nước Anh chính thức ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, luật lệ của châu Âu sẽ tiếp tục được áp dụng đối với Luân Đôn, cả về các quyền cũng như về các nghĩa vụ của nước này.
Trên đài truyền hình Đức ZDF hôm nay, chủ tịch Nghị Viện Châu Âu Martin Schulz cũng khẳng định rằng sẽ không có « phản ứng dây chuyền », như hy vọng của phe chống châu Âu hợp nhất.
Sau các cuộc họp khẩn cấp giữa các lãnh đạo châu Âu hôm nay, ngày mai, ngoại trưởng của các 6 nước sáng lập viên Cộng Đồng Kinh Tế Châu Âu, tiền thân của Liên Hiệp Châu Âu, dự kiến họp tại Đức. Cuộc họp thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu trong hai ngày 28 và 29/06 chắc chắn sẽ chủ yếu bàn về Brexit và những hậu quả cũng như các thủ tục của cuộc "ly dị" này.
Trước đó, 28 ủy viên châu Âu sẽ họp lại ngay từ thứ hai tuần tới, 27/06/2016, để bàn cụ thể các thủ tục pháp lý sẽ rất phức tạp. Ngay cả trước khi có kết quả trưng cầu dân ý về Brexit, các luật gia của Ủy Ban Châu Âu đã được yêu cầu khoan đi nghỉ hè để có thể bắt tay ngay vào « công trình » tư pháp đồ sộ này. Ủy Ban Châu Âu cũng vừa yêu cầu Anh Quốc nhanh chóng tiến hành thương lượng về thủ tục ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu.
Ngoài việc trấn an dư luận, Liên Hiệp Châu Âu còn phải trấn an các thị trường tài chính. Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu vừa ra tuyên bố bảo đảm rằng hệ thống ngân hàng của khu vực euro đủ vốn và thanh khoản để kháng cự với Brexit và nếu cần sẽ bơm thêm thanh khoản bằng đồng euro và ngoại tệ vào để ổn định các thị trường.
Những người lạc quan thì nghĩ rằng việc Anh Quốc quyết định ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu có thể là một cú sốc "cứu rỗi", vì nó sẽ thúc đẩy việc hình thành một châu Âu "hai vận tố", với một nhóm quốc gia "hạt nhân" hội nhập ngày càng chặt chẽ hơn và một nhóm các quốc gia khác bao quanh hạt nhân này, vẫn là thành viên Liên Hiệp Châu Âu nhưng được miễn trừ một số điểm về mặt tư pháp, nội vụ, thậm chí tiền tệ. Có lẽ với một cơ cấu như vậy, Liên Hiệp Châu Âu sẽ có thể sống sót sau cơn chấn động lịch sử hôm qua. - RFI
***
Một số chuyên gia kinh tế Việt Nam bình luận rằng việc Anh Quốc rời EU sẽ ảnh hưởng đến chuyện đầu tư vào Việt Nam và việc xuất khẩu hàng hóa qua Anh.
Hôm 24/6, trả lời BBC, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, từ Hà Nội, nói: “Có thể thấy ngay tác động đầu tiên là các nhà đầu tư ở Anh cần thời gian ứng phó với tình hình ở nước họ trước khi tính đến chuyện đầu tư ở Việt Nam”.
“Bên cạnh đó, việc đồng bảng Anh mất giá sẽ khiến tăng trưởng GDP của Anh giảm, hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp khó do giá tăng, sức mua hàng hóa tại Anh theo chiều hướng kém đi”.
Kinh tế gia này bày tỏ hy vọng “nước Anh vẫn giữ quan hệ tốt với Việt Nam và doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có những chọn lựa nhằm giảm tác động tiêu cực trong việc Anh Quốc rời EU”.
Theo ông, qua sự kiện này, Việt Nam cần học bài học nhất thể hóa trong liên kết kinh tế khi tham gia cộng đồng kinh tế Asean.
'Ảnh hưởng mậu dịch EU - Việt Nam'
Cùng ngày, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nói với BBC: “Anh Quốc không phải là đối tác lớn của Việt Nam nhưng việc EU suy yếu do mất đi một đồng minh quan trọng như Anh có thể khiến quan hệ mậu dịch giữa khối này và Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực, trong lúc EU là thị trường xuất khẩu số hai”.
“Việc đồng bảng Anh cũng như đồng euro đang trong chiều hướng mất giá có thể đem lại lợi ích cho những người Việt đi du lịch hoặc du học ở Anh, nhưng ngược lại, khiến hàng xuất khẩu Việt Nam đắt đỏ và kém cạnh tranh hơn khi vào thị trường Anh”.
“Ngoài ra, cũng nên tính đến tác động dây chuyền, đồng bảng Anh khiến nhân dân tệ tăng giá, tạo áp lực lên VND và hàng xuất khẩu của Việt Nam”.
Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Anh liên tục tăng những năm qua.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Anh đạt tăng trưởng kép (CAGR) gần 17% trong giai đoạn 2008-15, đạt mức kỷ lục 4,65 tỷ USD trong năm 2015, tương đương 15% giá trị xuất khẩu của Việt Nam vào khu vực EU.
Tính riêng 5 tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã duy trì thặng dư thương mại với Anh ở mức 3,9 tỷ USD trong năm 2015 và 1,7 tỷ USD.
Gần 47% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Anh là điện thoại, máy tính, các linh kiện và thiết bị điện tử khác.
Quan hệ đầu tư và thương mại giữa Anh và Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ kể từ khi hai nước ký Hiệp định quan hệ Đối tác Chiến lược hồi tháng 9/2010. - BBC
|
|
2.
Trung Quốc hoan nghênh tuyên bố của Nga về Biển Đông
Hôm 23/6, Trung Quốc đã hoan nghênh các phát biểu của các quan chức Nga về Biển Đông, gọi đó là tiếng nói của cộng đồng quốc tế.
Mới đây, Đại sứ Nga ở Trung Quốc Andrei Denisov bình luận rằng tình hình căng thẳng ở Biển Đông có liên quan đến sự can thiệp của các nước bên ngoài. Trước đó, ngày 10/6, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga nói nước này tin rằng sự can thiệp từ một nước bên ngoài chỉ làm cho tình hình vốn đã căng thẳng càng trở nên tồi tệ hơn.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói tại một cuộc họp báo rằng: “Quan điểm của Nga phản ánh tình hình thực tế ở Biển Đông và gốc rễ của vấn đề. Trung Quốc đánh giá cao điều đó”.
Trong nhiều năm nay, đã có những tranh chấp chủ quyền gay gắt giữa Việt Nam, Trung Quốc, Philippines và một số bên khác. Mỹ không có tranh chấp song tuyên bố có lợi ích trong khu vực và đã thực hiện một số cuộc hành quân khẳng định tự do hàng hải trong vùng biển, làm Trung Quốc tức tối.
Vào ngày 25/6, Tổng thống Nga Putin sẽ thăm Trung Quốc. Chuyến thăm diễn ra vào một thời điểm nhạy cảm về mặt ngoại giao đối với Trung Quốc. Các nhà ngoại giao nước này đang tích cực vận động các chính phủ nước ngoài ủng hộ Bắc Kinh phản bác phán quyết sắp tới của một tòa quốc tế có thể mâu thuẫn với các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc về Biển Đông.
Ông Alexander Korolev, nhà nghiên cứu về quan hệ Trung-Nga tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu ở Singapore, nói Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình “sẽ muốn một điều tương tự như những gì Trung Quốc đã thể hiện dành cho Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine, có nghĩa là hai nước vẫn tiếp tục làm ăn với nhau bình thường, không chỉ trích cụ thể và không tham gia các lệnh trừng phạt tiềm tàng”.
Để đổi lại sự ủng hộ của Moscow, ông Putin có thể muốn Trung Quốc đầu tư nhiều hơn nữa vào vùng Siberia của Nga, nhất là về hạ tầng vận tải và năng lượng.
Ông Korolev nhận định: “Việc ủng hộ hành động của Trung Quốc, hoặc không chỉ trích hành động của họ ở Biển Đông sẽ không phải là việc làm miễn phí. Có lý do để trông đợi rằng Nga sẽ thúc ép để có nhiều hành động hơn là lời nói”. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
3.
Ẩu đả bên ngoài cuộc tập họp của ông Trump ở California
Các cú đấm đá nhau và ít nhất một quả trứng đã bị ném bên ngoài địa điểm nơi ông Donald Trump, người có phần chắc được đảng Cộng hòa đề cử ra tranh chức tổng thống, mở một cuộc tập họp vận động đêm 23/6 tại thành phố San Jose trong bang California.
Mấy trăm người biểu tình và các ủng hộ viên của ông Trump đã đụng độ trước và sau cuộc tập họp. Cảnh sát trang bị vũ khí chống bạo động đã dàn hàng để ngăn cách hai bên.
Người biểu tình nhảy lên các nóc xe và ném những cột chắn giao thông và chai nước vào cảnh sát. Những người khác cướp những chiếc nón với khẩu hiệu vận động của ông Trump “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” của những người ủng hộ ông Trump và nổi lửa đốt. Một phụ nữ ủng hộ ông Trump được quay video đang chế nhạo người biểu tình đã bị bao vây và ném trứng.
Cảnh sát cho hay không có báo cáo về thương tích và thiệt hại tài sản đáng kể, theo tin của hãng AP. Tuy nhiên, truyền thông địa phương loan tin có mấy chục vụ đấm đá nhau đã bùng ra và người ta thấy nhiều người bị thương chảy máu.
Có 4 người bị câu lưu, theo AP, nhưng cảnh sát chưa công bố con số chung cuộc vào tối 23/6.
Thị trưởng San Jose, ông Sam Liccardo, một người ủng hộ người dẫn đầu cuộc đua bên đảng Dân chủ, đã chỉ trích ứng cử viên Cộng hòa là châm ngòi cho các vấn đề ở những thành phố mà các sở cảnh sát địa phương phải đối phó.
Ông Liccardo nói: “Vào một lúc nào đó, ông Donald Trump cần phải nhận lãnh trách nhiệm về thái độ vô trách nhiệm trong cuộc vận động tranh cử của ông”.
Bên trong cuộc tập họp, ông Trump đã kích động đám đông khi nói rằng để ngăn chặn ma túy bất hợp pháp vào Hoa Kỳ từ phía nam, ông sẽ xây một bức tường ở biên giới Hoa Kỳ và bắt Mexico trả tiền phí tổn.
Trong tiếng hô “hãy xây bức tường đó” của người ủng hộ, ông Trump nói “Chúng ta sẽ xây bức tường đó, đó là điều chắc chắn”.
Bà Debbie Tracey, một cựu chiến binh Hải quân Hoa Kỳ ở San Jose nói với hãng tin AP rằng bà là một ủng hộ viên của ông Trump và ủng hộ lời hô hào xây một bức tường ở biên giới.
Bà nói: “Tôi sẽ góp phần xây bức tường bởi vì nếu quý vị đến đất nước này, miền đất của cơ hội, quý vị phải đến một cách hợp pháp”.
Cuộc tập họp diễn ra vài giờ sau khi bà Clinton đọc một bài diễn văn gay gắt ở San Diego, trong đó bà nói ông Trump không “xứng hợp” để làm tổng thống.
Các cuộc biểu tình đã diễn ra thường xuyên hơn tại những buổi tập họp của ông Trump. Tháng trước ở New Mexico, người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát, hàng chục người bị bắt giữ tuần trước ở San Diego sau khi ông Trump tổ chức một cuộc tập họp, và ứng viên này đã phải bãi bỏ một cuộc tập họp ở Chicago hồi tháng 3 sau khi xảy ra những vụ đụng độ giữa những người ủng hộ ông và những người biểu tình. - VOA
|
|
4.
Ông Sanders tuyên bố sẽ bỏ phiếu cho bà Clinton
Ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ Bernie Sanders nói với chương trình buổi sáng của đài truyền hình MSNBC hôm 24/6 rằng ông sẽ bỏ phiếu cho bà Hillary Clinton trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 năm nay.
Vị thượng nghị sĩ này nói một trong các mục tiêu của ông là ngăn chặn ông Donald Trump vào Tòa Bạch Ốc.
Ông nói: “Phải, vấn đề ngay lúc này là tôi sẽ làm mọi thứ có thể được để đánh bại Donald Trump. Tôi nghĩ ông Trump sẽ là một tai họa về quá nhiều mặt nếu được bầu lên làm tổng thống”.
Ông Sanders tiếp tục vận động và phát biểu tại các cuộc tụ họp khắp nước mặc dầu bà Clinton đã hội đủ số phiếu đại biểu cần thiết để được đảng Dân chủ đề cử. Ông bác bỏ ý kiến cho rằng ông nên rút lui trước khi diễn ra Đại hội của đảng Dân chủ.
Ông nói: “Vì sao tôi lại không muốn làm những gì chúng ta có thể làm được khi tôi muốn tranh đấu để bảo đảm là chúng ta có cương lĩnh tốt nhất có thể có được”. Ông nhấn mạnh rằng sự có mặt của ông nhắm mục đích làm cho người Mỹ tham gia vào tiến trình chính trị. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
5.
Nhà Trắng trả lời thỉnh nguyện thư cá chết
Nhà Trắng vừa có phản hồi thỉnh nguyện thư được hơn 142.000 người ký trên website của họ về thảm họa cá chết hàng loạt tại miền Trung Việt Nam.
Thư phản hồi viết: “Chúng tôi bày tỏ sự cảm thông sâu sắc tới người dân các tỉnh ven biển miền Trung trong lúc người dân nỗ lực vượt qua thiệt hại về hải sản ảnh hưởng đến sinh kế của họ.
Khi Việt Nam đối phó cuộc khủng hoảng môi trường này, Chính phủ Hoa Kỳ sẵn sàng giúp đỡ. Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius đã tiếp cận các quan chức chính phủ cấp cao ở Hà Nội để ngỏ lời trợ giúp của chúng tôi, và hai chính phủ đang thảo luận về các lĩnh vực có thể hợp tác.
Sự tham gia của công chúng là một phần quan trọng trong việc giải quyết những thách thức về môi trường. Tương tự như kinh nghiệm tại Hoa Kỳ, chúng tôi khuyến khích Chính phủ Việt Nam tăng cường hợp tác với các tổ chức xã hội dân sự và các tổ chức phi chính phủ về môi trường, những nới có thể giúp các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi vụ cá chết, đảm bảo trách nhiệm và tính minh bạch trong các nỗ lực làm sạch vùng biển, và giúp xây dựng chính sách để ngăn ngừa các vấn đề trong tương lai."
'Thành tố quan trọng'
Thư phản hồi viết tiếp rằng khi thăm Việt Nam tháng 5/2016, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã trao đổi với chính phủ Việt Nam, giới doanh nhân, và các đại diện xã hội dân sự, cũng như sinh viên.
Lá thư dẫn lại lời Tổng thống Obama phát biểu khi đó: "Một khi người dân được quyền tự do tổ chức trong xã hội dân sự, quốc gia có thể giải quyết tốt hơn những vấn nạn mà chính quyền đôi khi không thể tự giải quyết”.
Thư của Nhà Trắng viết tiếp: “Việc hợp tác về môi trường là một thành tố quan trọng trong mối quan hệ đối tác toàn diện Mỹ - Việt. Trong chuyến thăm Việt Nam của ông Obama, hai nước đã khởi động Quan hệ Đối tác Khí hậu Mỹ - Việt, nhằm giúp hai nước thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu”.
“Chúng tôi đang trợ giúp các nỗ lực bảo tồn môi trường giúp đưa chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội dân sự lại gần nhau, chẳng hạn như Sáng kiến Liên minh Hạ Long - Cát Bà nhằm bảo vệ những kho báu quốc gia của Việt Nam”.
“Chúng tôi cũng đồng thời tăng cường mối cam kết chung đối với cuộc sống biển thế giới qua những chuẩn mực môi trường cao được định ra trong TPP, một hiệp ước cam kết bảo vệ môi trường thiết thực nhất trong các hiệp ước giao thương trong lịch sử." - BBC
|
|
6.
Trung Quốc sẽ không thay đổi những hành động tại Biển Đông
Vài tuần trước khi Tòa Trọng tài Quốc tế đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với những đòi hỏi về chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông, một cựu quan chức ngoại giao của Trung Quốc mới đây lên tiếng khẳng định lập trường của Trung Quốc là không chấp nhận phán quyết của tòa và lên án Philippines đã không công bằng.
Phát biểu tại Hội châu Á (Asia Society) tại New York vào sáng ngày 23 tháng 6, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, hiện là Chủ tịch Hiệp hội Ngoại giao công của Trung Quốc, ông Lý Triệu Tinh nói rằng phát quyết sắp tới của tòa trọng tài quốc tế về chủ quyền ở biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc sẽ không làm thay đổi những đòi hỏi và hành động của Trung Quốc trong khu vực. Ông cũng gọi hành động đưa Trung Quốc ra tòa quốc tế của Philippines là sai luật và không công bằng:
Chúng tôi sẽ không chấp nhận phán quyết của tòa sẽ không có bất cứ đòi hỏi chủ quyền hay hành động nào sẽ bị ảnh hưởng bởi phán quyết này. Lập trường này của Trung Quốc hoàn toàn tuân thủ với luật quốc tế bao gồm cả UNCLOS.
Hồi năm 2013, căn cứ theo Công ước về luật biển của Liên hiệp quốc năm 1982 (UNCLOS), Philippines đã nộp đơn lên tòa trọng tài quốc tế yêu cầu tòa phán quyết về những giải thích liên quan đến đòi hỏi chủ quyền ở biên Đông của Trung Quốc, nước hiện vẫn khẳng định đến 90% diện tích biển Đông bao gồm các đảo và bãi đá là thuộc chủ quyền của nước này theo lịch sử. Dự kiến, tòa trọng tài quốc tế ở the Hague sẽ đưa ra phán quyết trong vài tuần tới.
Trung Quốc đã tham gia vào UNCLOS nhưng ngay từ đầu đã tuyên bố không tham dự phiên tòa vì từ năm 2006, Trung Quốc đã chọn không chịu những phán quyết của tòa quốc tế theo UNCLOS.
Lên án Mỹ
Trong bài phát biểu dài khoảng 12 phút trước đông đảo cử tọa là các nhà báo, các nhà ngoại giao và chuyên gia quốc tế, ông Lý Triệu Tinh khẳng định Trung Quốc có chủ quyền lịch sử với khu vực biển Đông, bao gồm các đảo và bãi đá. Ông cũng khẳng định Trung Quốc là nước luôn yêu chuộng hòa bình và vấn đề biển Đông chỉ trở thành điểm nóng vào khoảng những năm 1970 khi phát hiện những trữ lượng dầu lớn ở đây khiến các nước như Việt Nam, Philippines đổ quân vào chiếm đóng các đảo. Ông Lý nói, Trung Quốc đã trở thành nạn nhân lớn nhất ở biển Đông.
Biển Đông chỉ trở thành vấn đề vào những năm 60 và 70 khi những mỏ dầu trữ lượng lớn được tìm thấy ở Trường Sa. Sau đó UNCLOS có quy định về vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế…. sau đó Việt Nam và Philippines đã có những đòi hỏi về chủ quyền với các đảo ở Trường SA và vùng nước xung quanh. Họ còn gửi quân đội đến chiếm các đảo, cho xây lấp đảo, triển khai vũ khí và xây dựng những cơ sở dân sự… ở khía cạnh này, Trung Quốc đã trở thành nạn nhân lớn nhất của vấn đề biển Đông.
Nhà ngoại giao Trung Quốc khẳng định Trung Quốc theo đuổi đàm phán hòa bình với các nước có liên quan, nhưng vụ kiện của Philippines là một hành động vi phạm cam kết giữa hai nước.
Ông Lý cũng không quên lên án Mỹ đã đưa quân đội, tàu chiến và máy bay đến khu vực biển Đông, dù ông không nêu tên trực tiếp:
Thật đáng tiếc, trong những năm gần đây, một số nước không thuộc trong khu vực đã cho thấy những quan tâm quá mức vào vấn đề này….
Ông Lý Triệu Tinh nói một số quan chức cho rằng vấn đề tự do hàng hải và an ninh khu vực đang bị đe dọa nhưng thực chất thì hoàn toàn khác:
Sự thực là biển Đông đã hoàn toàn yên bình và ổn định trong nhiều thập kỷ qua. Đã không có những xung đột hay đe dọa về tự do hàng hải và vùng biển này thực chất còn hòa bình hơn nhiều vùng khác trên thế giới. Cho nên cái gọi là đảm bảo tự do hàng hải ở biển Đông chỉ là cái cớ để một số nước khác không trong khu vực cố gắng sử dụng để can thiệp vào vấn đề. Điều này không hợp lý và không có tính xây dựng.
Bắt đầu từ năm ngoái, Hoa Kỳ đã thực hiện chiến dịch tự do hàng hải ở biển Đông khi cho các tàu chiến của mình đi gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc cho xây dựng ở khu vực tranh chấp. Mới đây, Hoa Kỳ cũng gửi 2 hàng không mẫu hạm cùng quân đội đến tham gia huấn luyện cùng quân đội của Philippine, đồng minh của Mỹ tại Đông Nam Á.
Kể công với VN
Trong bài phát biểu của mình, ông Lý Triệu Tinh luôn khẳng định Trung Quốc là nước yêu chuộng hòa bình, tuân thủ các điều luật của Liên hiệp quốc và vì vậy các nước khác không cần phải lo sợ về vấn đề biển Đông. Ông nhấn mạnh đây vẫn là đương giao thương lớn nhất có hòa bình trên thế giới.
Trả lời câu hỏi về những hành động tiếp theo mà Trung Quốc sẽ thực hiện nếu phán quyết của tòa đưa ra có lợi cho Philippines, ông Lý Triệu Tinh nói:
Dựa trên kinh nghiệm ngoại giao của tôi thì chúng ta nên đợi kết quả chứ không nên dựa vào giả thuyết. Tôi nghĩ, lập trường của chúng tôi là rõ ràng. Vụ kiện ra tòa của Philippines là không đúng luật và bất hợp lý. Bất luận kết quả là gì, phán quyết là gì, Trung Quốc là một nước đồng sáng lập ra Liên Hiệp Quốc, là nước ký hiệp ước 1945 San Francisco của Liên Hiệp Quốc, thành viên của UNCLOS, chúng tôi có tất cả mọi lý do để khước từ phán quyết và công lý đứng về phía chúng tôi.
Ông Lý Triệu Tinh cũng không trả lời trực tiếp vào câu hỏi liệu Trung Quốc có gây chiến tranh để bảo vệ quyền lợi cốt lõi của mình ở biển Đông hay không. Thay vào đó ông lên án các nhà báo là không công bằng với Trung Quốc vì Trung Quốc luôn là nước yêu chuộng hòa bình và là nạn nhân của chiến tranh. Trả lời phóng viên hỏi câu hỏi này, ông Lý Triệu Tinh nói:
Trung Quốc đã luôn là mục tiêu của một số nhà báo, những người không tôn trọng công lý. Tôi không muốn thấy ông là một trong những nhà báo đó, những người áp đặt bất công lên người Trung Quốc yêu chuộng hòa bình.
Khi được một nhà ngoại giao Việt Nam tại New York hỏi về cam kết của Trung Quốc đối với hòa bình trong khu vực và đảm bảo mọi bên đều thắng trong vấn đề hợp tác ở biển Đông, ông Lý Triệu Tinh đã kể lể về những sự giúp đỡ mà Trung Quốc làm đối với Việt Nam trong suốt thời gian chiến tranh Việt Nam trước năm 1975:
Trung Quốc đã giúp đỡ nước láng giềng Việt Nam. Tôi đã thăm Việt Nam nhiều lần. Trước 1975, khi nước ông (VN) bị xâm lược, ông có biết bao nhiêu người lính Trung Quốc đã hy sinh để bảo vệ các ông không? Khổng Tử nói là người ta không nên quên mình đến từ đâu, ngay cả khi anh đã mạnh hơn thì anh cũng không nên quên người bạn cũ đã giúp đỡ mình.
Nhà cựu Ngoại giao Trung Quốc kết thúc phần thảo luận về vấn đề biển Đông với khẳng định hòa bình có thể được duy trì ở biển Đông với cam kết giải quyết hòa bình các tranh chấp giữa ASEAN và Trung QUốc. Ông cũng không quên nhấn mạnh điều này cũng phải đi kèm với điều kiện không có sự can thiệp của nước ngoài. - RFA
No comments:
Post a Comment