Tin Thế Giới
1.
Dân biểu Anh thiệt mạng do bị tấn công
Một dân biểu Anh tử vong sau khi bị bắn và đâm trong vụ tấn công xảy ra tại địa hạt bầu cử của bà, cảnh sát nói.
Jo Cox, 41 tuổi, dân biểu thuộc Đảng Lao động đại diện đơn vị bầu cử Batley và Spen, bị kẻ tấn công bỏ mặc, nằm trong vũng máu.
Chồng bà, ông Brendan Cox, nói bà muốn mọi người "đoàn kết chống lại sự thù hận vốn đã cướp đi sinh mạng của bà".
Cả phe vận động Anh ở lại EU lẫn phe muốn Anh rời EU đều đã tuyên bố tạm ngưng chiến dịch sau vụ tấn công.
Một người đàn ông 77 tuổi cũng bị thương nhẹ trong vụ việc.
Một người đàn ông 52 tuổi đã bị bắt gần Market Street, Birstall, cảnh sát vùng Tây Yorkshire ở bắc xứ Anh (England) nói.
Một số tờ báo Anh nói rằng người bị bắt có tên là Tommy Mair. Ông này có vẻ như đã hô to "Nước Anh trước hết" khi bắn bà.
Jo Cox và chồng bà, ông Brendan, là những người vận động để Anh ở lại EU trong kỳ trưng cầu dân ý sẽ được tổ chức vào ngày 23/6 tới đây.
Bà dân biểu khi đó đang có buổi gặp gỡ định kỳ hàng tuần với cử tri ở gần đó.
Bà bị bắn và bị đâm bên ngoài một thư viện ở Tây Yorkshire vào lúc 12:53 trưa hôm thứ Năm 16/6, giờ địa phương. Cảnh sát tuyên bố bà tử vong vào lúc 13:48, báo Independent đưa tin.
Cảnh sát nói họ không truy lùng ai khác trong vụ tấn công này.
Lãnh đạo đảng Lao động Jeremy Corbyn nói cả nước sẽ "thấy sốc về vụ sát nhân kinh khủng này", và gọi bà dân biểu là một "đồng nghiệp rất được yêu mến".
Ông nói thêm: "Jo thiệt mạng trong khi đang làm nghĩa vụ của mình ở ngay tâm điểm của nền dân chủ chúng ta, khi bà lắng nghe và đại diện cho những người đã bầu chọn bà."
"Trong những ngày tới, sẽ có những câu hỏi cần được trả lời về việc vì sao bà thiệt mạng, bà đã thiệt mạng như thế nào."
"Nhưng vào lúc này, mọi suy nghĩ của chúng ta hướng về Brendan, chồng của Joe, và hai đứa con còn nhỏ của họ. Chúng sẽ lớn lên mà không có mẹ, nhưng chúng có quyền tự hào về những gì mẹ chúng đã làm, những gì bà ấy đã đạt được."
'Mọi người la hét'
Chủ tiệm cà phê Clarke Rothwell, người chứng kiến vụ tấn công, nói ông nghe thấy "một tiếng nổ 'bụp' lớn, giống như tiếng một quả bóng bay lớn bị vỡ".
"Khi tôi nhìn quanh, có một người đàn ông đứng đó, tầm ngoài 50 tuổi, đội mũ chơi bóng chày màu trắng và mặc áo khoác, có súng, có vẻ như một khẩu súng kiểu cổ trong tay," ông nói.
"Ông ta bắn bà ấy một lần, rồi lại bắn lần nữa."
"Có ai đó cố gắng tóm ông ta, vật ngã xuống, thế rồi ông ta vung dao, trông giống như con dao săn, đâm vào lưng bà ấy chừng dăm bảy lần. Mọi người gào thét và chạy khỏi khu vực.
Nhân chứng Hithem Ben Abdallah, 56 tuổi, có mặt tại quán cà phê cạnh thư viện ngay sau lúc 13:00. Ông nghe thấy tiếng gào thét và chạy ra xem.
'Vũ khí tự tạo'
"Có một người rất dũng cảm, đã cố gắng khống chế một người đàn ông đội mũ chơi bóng chày màu trắng. Rồi người đàn ông đội mũ trắng bất ngờ rút súng từ trong túi ra."
Ngay sau cuộc ẩu đả ngắn, ông nói người đàn ông đó lui lại và bà dân biểu bắt đầu can thiệp.
Ông Abdallah nói thứ vũ khí ông nhìn thấy "trông giống như đồ tự tạo".
Ông nói: "Người đàn ông có súng bước lui ra sau và bắn, rồi lại bắn thêm lần nữa, lúc bắn ông ta nhìn xuống dưới."
"Ông ta đá bà ấy khi bà ấy đã nằm trên sàn đất," ông nói.
Chồng bà Jo Cox, Brendan, sau vụ tấn công đã đăng trên twitter bức hình vợ đứng bên bờ sông Thames ở London.
Thủ tướng Anh David Cameron cũng đăng tweet bày tỏ quan ngại. "Chúng tôi cầu nguyện cho Jo và gia đình bà," ông viết.
Bà Cox, người sinh tại Batley, được bầu vào vị trí dân biểu năm 2015.
Bà từng học tại trường trung học Heckmondwike Grammar School và tốt nghiệp Đại học Cambridge hồi 1995. - BBC
|
|
2.
Chiến hạm Trung Quốc bám tàu sân bay Mỹ trên Biển Đông
Trong một động thái bị cho là nhằm công khai thách thức đối phương, Trung Quốc đã cho tàu hải quân của mình bám sát theo hải đội tàu sân bay Mỹ John C Stennis khi đoàn chiến hạm Mỹ đi qua Biển Đông ngược lên phía bắc tham gia cuộc tập trận chung với Nhật Bản và Ấn Độ. Trả lời báo chí vào hôm qua, 15/06/2016, một số sĩ quan chỉ huy Mỹ đã ghi nhận thái độ ngày càng quyết đoán trên đây của Bắc Kinh.
Theo nhật báo Mỹ USA Today, khi các chiến hạm Mỹ vừa khởi động cuộc tập trận Malabar cùng với Hải Quân Ấn Độ và Nhật Bản tại vùng Biển Philippines gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông, họ đã gặp một vị khách không mời mà đến : Hải Quân Trung Quốc.
Các chiến hạm Trung Quốc đã bám sát theo hải đội tác chiến của hàng không mẫu hạm John C. Stennis ngay từ lúc đơn vị này tiến vào Biển Đông tuần tra từ đầu tháng Ba đến nay. Theo phó đô đốc Marcus Hitchcock, chỉ huy hải đội tác chiến của chiếc tàu sân bay Mỹ, trong suốt thời gian ở trên Biển Đông, thì hầu như ngày nào các chiến hạm Mỹ đều nhìn thấy ít nhất là một tàu chiến Trung Quốc, có mặt 24/24 tiếng đồng hồ.
Theo ghi nhận của phía Mỹ, Hải Quân Trung Quốc đã ngày càng quyết đoán hơn, trái với thời kỳ một vài năm trước đây, và việc bám sát, theo dõi tàu Mỹ đã trở thành thường nhật.
Hải đội tác chiến của tàu sân bay nguyên tử Stennis sắp kết thúc thời gian sáu tháng tuần tra tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Nhóm tấn công này còn bao gồm bốn tàu chiến khác và một tàu ngầm tấn công lớp Los Angeles.
Theo phó đô đốc Hitchcock, Hải Quân Trung Quốc đã cho tàu bám khá sát hàng không mẫu hạm USS Stennis khi chiếc tàu này hoạt động trong vùng biển quốc tế ở Biển Đông, có lúc chỉ cách khoảng từ 3 đến 4 dặm.
Ông cho biết một tàu do thám của Hải Quân Trung Quốc đã bám theo hải đội Stennis tiến vào vùng Biển Philippines từ tuần trước, và hôm qua, 15/06, chiếc tàu này đã hoạt động cách hàng không mẫu hạm Stennis khoảng từ bảy đến 10 dặm khi hải đội Mỹ tham gia cuộc tập trận với Nhật Bản và Ấn Độ trên vùng biển quốc tế.
Riêng hạm trưởng tàu sân bay Stennis, đại úy Gregory Huffman, cho biết tàu Trung Quốc đã hoạt động một cách chuyên nghiệp, không cản trở công việc của hải đội Stennis.
Tuy nhiên, theo ông Jeffrey Hornung, một chuyên gia Mỹ về an ninh Đông Á, thì các "hành vi nói trên của Hải Quân Trung Quốc không phải là điều mà Hải Quân Mỹ sẽ làm, và cũng không phải là cách hành xử của một quốc gia tôn trọng luật lệ quốc tế. Có điều là hành vi đó đã trở thành chuẩn mực của Trung Quốc". - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
3.
Bà Clinton dẫn trước ông Trump trong những cuộc khảo sát mới nhất
Nhiều cuộc khảo sát chính trị ở Mỹ trong tuần này cho thấy ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ Hillary Clinton đang dẫn trước đối thủ bên Đảng Cộng hòa, Donald Trump giữa bối cảnh còn 5 tháng nữa diễn ra cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11.
Bà Clinton, cựu Ngoại trưởng đang nỗ lực trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Mỹ, dẫn trước ông Trump trung bình là 5,6 điểm phần trăm trong các cuộc khảo sát. Tỉ phú bất động sản lộng ngôn này đã vượt lên trên tất cả những ứng cử viên Đảng Cộng hòa, nhiều người trong số đó đã hoặc đang là những thượng nghị sĩ và thống đốc, trong nỗ lực tranh cử tổng thống đầu tiên của ông ta.
Tất cả những cuộc khảo sát được thực hiện sau khi bà Clinton, vợ của cựu Tổng thống Bill Clinton, hồi tuần trước trở thành ứng cử viên sắp được đề cử của đảng Dân chủ sau một trận chiến dài với đối thủ đồng đảng duy nhất, Thượng nghị sĩ bang Vermont, ông Bernie Sanders. Ông Trump, người tính tới hôm nay đã bước vào cuộc đua tổng thống tròn một năm, cũng đã nhận được sự ủng hộ ngày càng nhiều, ít nhất là trong một khoảng thời gian, khi ông trở thành người sắp được Đảng Cộng hòa đề cử vào đầu tháng 5 vừa qua khi những đối thủ cuối cùng của ông bỏ cuộc.
Hầu như tất cả những cuộc khảo sát gần đây đều được thực hiện trước vụ một người Hồi giáo sinh ra ở Mỹ thực hiện vụ xả súng hàng loạt đẫm máu nhất trong lịch sử của Mỹ hôm Chủ nhật tại một hộp đêm của người đồng tính ở thành phố Orlando, bang Florida, làm 49 người chết và 53 người bị thương. Chưa rõ sự kiện này sẽ ảnh hưởng như thế nào tới nhận thức của cử tri về cách thức mà bà Clinton và ông Trump sẽ ứng phó với một vụ tấn công như vậy nếu họ được bầu làm tổng thống. Cả hai người đã có những phản ứng khác biệt sau vụ thảm sát.
Ông Trump, kêu gọi Mỹ cứng rắn với những kẻ khủng bố, đã nhân vụ thảm sát này lặp lại lời kêu gọi tạm thời cấm người Hồi giáo nhập cảnh vì lo sợ họ có thể thực hiện một vụ tấn công mới, dù tay súng ở Orlando là công dân Mỹ không bị ảnh hưởng gì bởi đề xuất của ông Trump. Nhà chức trách nói tay súng bị hạ gục trong cuộc đột kích của cảnh sát đã bị cực đoan hóa bởi những bài viết hô hào thánh chiến đọc được trên Internet.
Bà Clinton lên án kế hoạch bài Hồi giáo của ông Trump cùng lời kêu gọi của ông đòi xây một bức tường dọc theo biên giới Mỹ-Mexico để ngăn chặn người nhập cư không giấy tờ vào Mỹ. - VOA
|
|
4.
TT Obama an ủi gia đình các nạn nhân vụ xả súng Orlando
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm thứ Năm đã "ôm và vỗ về" các gia đình nạn nhân ở thành phố Orlando, bang Florida. Ông nói rằng ông không có câu trả lời dễ dàng cho những thắc mắc của họ về lý do tại sao những vụ xả súng hàng loạt vẫn tiếp diễn.
Ông Obama và Phó Tổng thống Joe Biden đã gặp riêng thân nhân của 49 người thiệt mạng và 53 nạn nhân bị thương tại hộp đêm Pulse của người đồng tính trong vụ xả súng hàng loạt lớn nhất lịch sử Mỹ hồi Chủ nhật tuần trước.
Ông nói ‘không thể diễn tả’ nỗi đau buồn của các gia đình này.
Kêu gọi sự đoàn kết, ông Obama nói rằng nạn nhân trong các vụ việc như thế này ‘có thể là thân nhân của mỗi chúng ta’. Ông nói với những người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi vụ xả súng rằng "cõi lòng chúng tôi cũng tan nát như thế."
Ông nói: "Nếu chúng ta không hành động, chúng ta sẽ tiếp tục nhìn thấy thêm những cuộc tàn sát như thế này, bởi vì chúng ta chọn cách để cho chúng xảy ra."
Trên chuyến bay từ Washington đến Orlando, thành phố vùng đông nam của Mỹ, một phát ngôn viên của Tòa Bạch Ốc nói rằng ông Obama "nhận thấy không có cách nào hữu hình hơn để bày tỏ sự ủng hộ đối với người dân Orlando bằng cách đi đến đó." Người phát ngôn này cho biết Tổng thống "muốn chứng minh dân chúng Mỹ kề vai sát cánh với người dân Orlando."
Vụ xả súng
Vụ tấn công xảy ra vào rạng sáng Chủ nhật khi một người Hồi giáo sinh ra ở Mỹ liên tục nã đạn vào những người đang nhảy nhót trong điệu nhạc Latin và tiệc tùng với bạn bè. Vụ khống chế kéo dài ba tiếng đồng hồ kết thúc khi cảnh sát phá tường xông vào hộp đêm Pulse và hạ sát hung thủ Omar Saddiqui Mateen trong một cuộc đọ súng.
Ông Obama và ông Biden cũng gặp gỡ những nhân viên ứng phó đầu tiên, những nhân viên y tế và giới chức chấp pháp để cảm ơn họ về những nỗ lực ứng phó của họ, cùng chủ nhân và nhân viên của hộp đêm, nơi vụ tấn công xảy ra. Họ cũng đặt vòng hoa tại một địa điểm tưởng niệm.
Hai nhà lập pháp đại diện bang Florida, Thượng nghị sĩ Marco Rubio và Dân biểu Corrine Brown, đã bay cùng ông Obama đến Orlando trên chuyên cơ Air Force One, nhưng họ không tham gia những cuộc gặp gỡ của ông với những người bị ảnh hưởng bởi vụ nổ súng.
Ủy ban An ninh Nội địa Thượng viện đang yêu cầu Facebook cung cấp bất cứ dữ liệu nào có được về bất kỳ tài khoản nào có liên hệ với tay súng Mateen 29 tuổi. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
5.
Chủ tịch đảng cứu quốc Campuchia: VN và Campuchia phải chung sống hòa bình
Tình hình đất nước láng giềng Campuchia thời gian gần đây đã trở nên căng thẳng với việc chính phủ của Thủ tướng Hun Sen gia tăng đàn áp đối với đảng đối lập là đảng cứu quốc Campuchia. Tình hình Campuchia ảnh hưởng thế nào tới Việt Nam và người Việt Nam sinh sống tại đây? Nhân dịp này đài Á châu Tự do có cuộc phỏng vấn với ông Sam Rainsy, chủ tịch Đảng cứu quốc, người đang phải sống lưu vong vì cáo buộc của chính phủ là nói xấu thủ tướng Hun Sen.
Việt Hà: Thưa ông, đảng cứu quốc Campuchia thời gian gần đây phải đối mặt với những đàn áp gia tăng từ chính phủ của Thủ tướng Hun Sen. Mới đây ông Hun Sen cũng nói là ông sẽ không lùi bước trước sức ép của quốc tế. Vậy ông đánh giá thế nào về tình hình của đảng ông trong thời gian từ giờ tới cuộc bầu cử tới vào năm 2017?
Sam Rainsy: Những gì mà ông Hun Sen nói là một chuyện nhưng thực tế tình hình, nguyện vọng và quyết tâm của người Campuchia là chuyện khác và quan trọng hơn cả. Đây không phải là lần đầu tiên chúng tôi đối mặt với những đàn áp. Hun Sen đang lo lắng vì ông ta nhận ra rằng sự ủng hộ dành cho ông ta đang giảm sút vì những ủng hộ cho phe đối lập dân chủ đang tăng lên. Ông ta muốn tạo những sự việc, ông ta muốn làm chệch hướng cuộc bầu cử vì ông ta biết cuộc bầu cử sắp tới sẽ tốt hơn so với cuộc bầu cử trước đó sẽ cho thấy nguyện vọng thực sự của người Campuchia, những người muốn thay đổi dân chủ và hòa bình.
Việt Hà: Trong cuộc phỏng vấn gần đây với đài Á châu Tự do, ông có chỉ trích chính phủ của Thủ tướng Hun sen trong vấn đề nhượng đất đai lãnh thổ cho các công ty nước ngoài và tư nhân gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người nông dân Campuchia. Xin ông cho biết cụ thể những khu vực nào của Campuchia và công ty nước ngoài nào có liên quan và hoạt động cụ thể của các công ty này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người nông dân Campuchia?
Sam Rainsy: Vấn đề hết sức nghiêm trọng mà người Campuchia đang đối mặt và làm người nông dân Campuchia gặp khó khăn là tình trạng lấy đất. Nông dân, những nông dân nhỏ và vừa đang mất đất đai canh tác của mình, mất các cánh đồng lúa, nhà cửa của mình, mất rừng của mình và thậm chí mất môi trường của mình. Điều này có nghĩa là họ đang mất đi cuộc sống của mình vì chính sách nông nghiệp của chính phủ Hun Sen bao gồm việc trao những mảnh đất lớn cho các công ty tư nhân với chi phí của người nông dân. Đó là lý do vì sao nông nghiệp ở Campuchia đang đi xuống. Người nông dân Campuchia không thể sống được. Họ phải di cư hàng loạt sang Thái Lan. Hơn 1 triệu nông dân Campuchia đã rời Campuchia vì họ không thể sống ở trong nước của mình, điều này cho thấy chính sách thất bại của chính phủ của Thủ tướng Hun Sen.
Việt Hà: Xin ông cho biết cụ thể là khu vực nào và công ty nước ngoài nào có liên quan trong các hoạt động này?
Sam Rainsy: Có nhiều công ty, có những công ty nước ngoài, có những công ty Campuchia. Có những công ty Campuchia được sử dụng như công ty bình phong cho các công ty nước ngoài. Nhưng chắc chắn là nông dân Campuchia đang mất đất và họ không thể sống nổi trong tình hình hiện tại.
Việt Hà: Việt Nam và Campuchia đã hoàn tất khoảng 83% phân định biên giới. Năm ngoái, hai bên cũng đã thống nhất là sẽ sớm hoàn tất việc phân định biên giới. Xin ông cho biết ý kiến của ông về vấn đề này?
Sam Rainsy: Chúng tôi muốn quá trình phân định biên giới phải minh bạch để mọi người có thể biết điều gì đang diễn ra. Điều đáng tiếc là chính phủ của ông Hun Sen đã đưa ra quyết định mà người Campuchia không biết và không để những người quan sát độc lập, những nhà báo, sinh viên, thành viên của các tổ chức xã hội dân sự đến xem tình hình thực tế tại chỗ. Vì thế chúng tôi không cảm thấy là chúng tôi có thể tin tưởng vào những gì mà chính phủ của ông Hun Sen đang làm.
Việt Hà: Tờ Phnompenh Post có trích lời ông gần đây nói rằng đảng cứu quốc của ông sẽ ủng hộ đòi hỏi về chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông. Xin ông giải thích lập trường của ông về vấn đề này?
Sam Rainsy: Chúng tôi sẽ không ủng hộ bất cứ bên nào. Chúng tôi sẽ đảm bảo là lãnh thổ của Campuchia phải được tôn trọng. Cho nên chúng tôi biết ơn những nước nào giúp Campuchia bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của mình và chúng tôi mong muốn các nước tôn trọng chủ quyền của Campuchia.
Việt Hà: Liên quan đến người Việt sinh sống ở Campuchia, có những lo ngại về sự phân biệt chủng tộc đối với người Việt ở Campuchia. Có những tin nói rằng ông đã sử dụng vấn đề liên quan đến người Việt Nam như là một cách để kích động thù hằn với người Việt vì lý do chính trị. Xin ông cho biết phản ứng của mình về ý kiến này?
Sam Rainsy: Đây là cáo buộc từ đảng cầm quyền và những người không hiểu tình hình thực tế thường nhắc lại những cáo buộc đó. Thực tế là chúng tôi muốn có hòa bình và quan hệ tốt đẹp với tất cả các nước láng giềng, đặc biệt là Việt Nam. Tôi đã đến Hà Nội và đã gặp một số lãnh đạo cao cấp của Việt Nam. Tôi nói với họ là Campuchia và Việt Nam phải sống trong hòa bình và cùng làm việc cùng nhau vì thịnh vượng chung.
Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn. - RFA
|
|
6.
Máy bay đi tìm kiếm phi công Su-30 ‘mất tích’
Quan chức Việt Nam cho biết đang triển khai các lực lượng đi tìm kiếm một máy bay tuần thám bị “mất tích” trong khi bay tới nơi phát hiện áo phao nghi là của phi công của chiến đấu cơ Su-30 MK2 gặp nạn trước đó.
Báo chí trong nước dẫn lời chính quyền Thành phố Hải Phòng cho biết chiếc CASA 8983 của cảnh sát biển “mất liên lạc” trưa 16/6 khi đang chuẩn bị hạ độ cao tại nơi phát hiện vật thể trên ở phía đông nam đảo Bạch Long Vỹ.
Chiếc máy bay chở 9 người trước đó xuất phát từ sân bay Gia Lâm ở Hà Nội.
Tối 16/6, ông Lưu Đức Tùng từ Trung tâm phối hợp tìm kiếm hàng hải Việt Nam cho VOA Việt Ngữ biết các lực lượng đang đi tìm kiếm chiếc máy bay.
Ông nói thêm: “Chúng tôi đang điều tra. Chúng tôi chưa rõ cụ thể như thế nào”.
Hiện Việt Nam đã huy động lực lượng hải quân, cảnh sát biển, biên phòng và cả tàu thuyền của ngư dân, tới vị trí chiếc máy bay “biến mất khỏi radar”.
Theo báo chí trong nước, tới tối 16/6, giờ Hà Nội, các lực lượng này vẫn chưa tiếp cận được nơi chiếc máy bay “mất liên lạc”.
Máy bay chiến đấu Su-30 MK2 của không quân Việt Nam mất liên lạc sáng 14/6 khi đang tham gia bay huấn luyện ở ngoài khơi bờ biển Nghệ An.
Hôm 15/6, Thiếu tá Nguyễn Hữu Cường, một trong hai viên phi công trên chiếc SU-30, đã được cứu sống và đưa vào bờ.
Việt Nam tiếp tục huy động các lực lượng cứu hộ đi tìm kiếm phi công còn lại là Trần Quang Khải.
Máy bay tuần thám CASA 8983 là một trong ba chiếc Việt Nam mới mua của Tây Ban Nha, trong nỗ lực bảo vệ chủ quyền lãnh hải trước sự lấn lướt của Trung Quốc ở biển Đông. - VOA
|
|
7.
Formosa Đài Loan hoãn khánh thành nhà máy thép ở Hà Tĩnh
Bị tình nghi là thủ phạm gây ra một vụ ô nhiễm hiếm thấy tại vùng biển miền Trung Việt Nam, vào hôm qua, 15/06/2016, tập đoàn nhựa Đài Loan Formosa đã loan báo dời ngày đưa một nhà máy gang thép của công ty con của họ tại Việt Nam vào hoạt động. Theo báo chí Đài Loan, lý do hoãn có thể bắt nguồn từ nguyên nhân chính trị.
Theo nhật báo Đài Loan Taipei Times, ông Trương Phục Ninh (Chang Fu-ning), phó chủ tịch công ty gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh cho biết là kế hoạch đưa lò số 1 của khu liên hợp gang thép tại Vũng Áng (Hà Tĩnh) sẽ không khởi sự vào ngày 25/06 như dự kiến. Theo nhân vật này, ngày hoạt động của nhà máy chưa được xác định.
Lời xác nhận của tập đoàn Formosa được đưa ra sau khi truyền thông Đài Loan cho biết là Formosa đã hoãn việc đưa lò luyện thép nói trên vào hoạt động vì bị chính quyền Việt Nam đòi trả 70 triệu đô la tiền thuế bị cho là chưa nộp.
Tờ Taipei Times cũng cho biết việc hoãn mở cửa cũng bắt nguồn từ việc chính quyền Việt Nam cần thêm thời gian để giải quyết vấn đề giấy phép hoạt động của nhà máy nói trên.
Trích dẫn các nguồn tin từ Việt Nam, tờ báo Đài Loan còn khẳng định rằng việc chính quyền Việt Nam theo dõi vụ trốn thuế của Formosa còn xuất phát từ những động cơ chính trị không nói ra.
Theo tờ Taipei Times, một số nguồn tin thẩm định rằng việc đình hoãn hoạt động của nhà máy thép Formosa tại Hà Tĩnh sẽ là một vố đau cho chính sách « Tân Nam Tiến » của Đài Loan nhằm thắt chặt quan hệ với nhiều đối tác kinh doanh hơn trong vùng, trong đó có tham vọng biến ASEAN thành một phần mở rộng của thị trường nội địa Đài Loan.
Trong thời gian gần đây, công ty gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, đã trở thành đối tượng bị dư luận tại Việt Nam tố cáo là thủ phạm gây nên thảm họa cá chết hàng loạt ở nhiều tỉnh dọc theo bờ biển miền Trung Việt Nam.
Trước đó, vào năm 2014, tổ hợp gang thép ở Vũng Áng đã từng bị người biểu tình chống Trung Quốc tấn công, sau khi Bắc Kinh đưa giàn khoan HD-981 vào cắm trong vùng thềm lục địa của Việt Nam. - RFI
No comments:
Post a Comment