Tin Thế Giới
1.
Mỹ-Trung mở đối thoại cấp cao hàng năm --- Mỹ-Trung 'dịu giọng' về vấn đề Biển Đông
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry cho biết Washington đang thúc giục Trung Quốc và các lân bang vùng Á châu Thái Bình Dương “tìm kiếm một giải pháp ngoại giao” cho những vụ tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông. Theo tường thuật của các thông tín viên đài VOA tại Washington và Bắc Kinh, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cho biết như vậy ngày hôm nay tại Bắc Kinh vào lúc khai mạc cuộc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung lần thứ 8.
Phát biểu ngày hôm nay của Ngoại trưởng Kerry phản ánh mối lo ngại mỗi lúc một tăng trong khu vực Á Châu Thái Bình Dương về những hành động hung hãn của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh không ngớt xây dựng các cơ sở quân sự trên những hòn đảo mà nhiều quốc gia Đông Nam Á, kể cả Việt Nam và Philippines, cũng có yêu sách chủ quyền.
“Chúng tôi không phải là nước đòi chủ quyền, cũng không đứng về phía bên nào trong những quốc gia đòi chủ quyền. Quan điểm duy nhất của chúng tôi là không nên giải quyết việc này bằng hành động đơn phương. Hãy giải quyết thông qua luật pháp, ngoại giao và thương lượng. Chúng tôi kêu gọi tất cả các nước hãy tìm giải pháp ngoại giao theo tiêu chuẩn và pháp luật quốc tế”.
Khoảng 5.000 tỉ đô la hàng hoá mỗi năm được vận chuyển qua Biển Đông, nơi mà nhiều người tin là có những trữ lượng lớn dầu lửa và khí đốt.
Các nhà quan sát quan sát cho biết Trung Quốc đang xem xét tới việc thiết lập một Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, đòi hỏi tất cả các máy bay bay vào khu vực này phải thông báo với giới hữu trách Trung Quốc. Trong lúc ghé thăm Mông Cổ hôm chủ nhật, Ngoại trưởng Kerry nói rằng nếu Trung Quốc làm như vậy thì đó là “một hành động gây hấn và gây bất ổn.”
Trong khi đó, tân Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan, ông Phùng Thế Khoan, hôm nay nói với quốc hội ở Đài Bắc rằng đảo quốc này sẽ không công nhận vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc. Ông cảnh báo rằng hành động của Bắc Kinh sẽ tạo ra một làn sóng căng thẳng mới trong khu vực.
Ông Ankit Panda, phó biên tập của tạp chí The Diplomat, cho đài VOA biết rằng căng thẳng ở Biển Đông sẽ tiếp tục, dựa trên những gì mà ông nhìn thấy tại cuộc đối thoại an ninh vừa kết thúc ở Singapore.
“Trung Quốc không thực sự cho thấy họ sẵn sàng tham gia vào cuộc đối thoại tại Shangri La. Chúng ta thấy là Đô đốc Tô Kiến Quốc gần đây đã lặp lại quan điểm lâu nay của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông là họ không ngại rắc rối. Điều thú vị là ông ấy đã dùng những lời lẽ cứng rắn để nói Philippines chính là kẻ xâm chiếm đầu tiên”.
Tại Bắc Kinh ngày hôm nay, Ngoại trưởng Kerry đã nói tới điều ông gọi là “những dấu mốc mới trong sự hợp tác” giữa Bắc Kinh và Washington đối với nhiều vấn đề, kể cả biến đổi khí hậu, các tình huống khẩn cấp y tế toàn cầu và ngăn chận nạn phổ biến vũ khí hạt nhân, trong đó có việc siết chặt chế tài đối với Bắc Triều Tiên vì chương trình hạt nhân của họ.
Trong diễn văn khai mạc hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói có một việc vô cùng quan trọng là hai nước xử lý những sự bất đồng với một cách thức mà ông gọi là “thực tế và xây dựng”.
Trong khi Ngoại trưởng Kerry và Chủ tịch Tập Cận Bình tập trung vào chính sách đối ngoại, Bộ trưởng Tài chánh Mỹ Jack Lew kêu gọi Bắc Kinh giảm thiểu sản lượng công nghiệp dư thừa, nhất là thép và nhôm, mà ông cho là có tác động tiêu cực đối với các thị trường toàn cầu.
“Sản lượng dư thừa phá hoại kinh tế toàn cầu. Các chính sách thực thi phải giảm thiểu sản lượng sản phẩm trên những lĩnh vực sản xuất dư thừa, bao gồm cả thép và nhôm. Điều này rất quan trọng cho sự vận hành và sự ổn định của các thị trường quốc tế.”
Bộ trưởng Jack Lew cũng ca ngợi điều ông gọi là “sự hợp tác rất mạnh mẽ” giữa hai nước để ứng phó với nạn biến đổi khí hậu.
Trong số nhiều vấn đề ngoại giao và kinh tế mà hai nước sẽ thảo luận trong hội nghị hai ngày này là vấn đề an ninh mạng. Ông Tập Cận Bình và Tổng thống Barack Obama năm ngoái đồng ý với nhau là chính phủ hai nước sẽ không thực hiện hoặc hỗ trợ cho những hoạt động gián điệp mạng để mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp của nước mình.
Một cuộc nghiên cứu của Viện Ponemon năm ngoái đã đo lường những ảnh hưởng của tội phạm mạng đối với hơn 250 tổ chức, và phát giác rằng chi phí bình quân hàng năm mà mỗi tổ chức phải chi tiêu để ứng phó với tội phạm mạng là hơn 7 triệu đô la. - VOA
***
Hoa Kỳ và Trung Quốc đã dùng phiên họp khai mạc của hội nghị cấp cao hàng năm tại Bắc Kinh ngày hôm nay để tìm cách giảm bớt những mối căng thẳng về các vụ tranh chấp ở Biển Đông. Tuy nhiên, theo tường thuật của thông tín viên Nike Ching của đài VOA tại Bắc Kinh, các chuyên gia cho rằng những lời lẽ ngoại giao có phần chắc sẽ không ngăn được những hành động quân sự hoá của Trung Quốc ở vùng biển chiến lược này.
Những mối lo ngại đang gia tăng trong vùng Châu Á Thái Bình Dương về cách tiếp cận có tính chất hung hãn của Trung Quốc đối với những vụ tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry cho biết cần thực hiện thêm những hoạt động ngoại giao để tìm kiếm một giải pháp.
"Chúng tôi không có lập trường đối với bất kỳ yêu sách nào của bất kỳ quốc gia có yêu sách nào. Lập trường duy nhất của chúng tôi là chúng ta không nên giải quyết vấn đề này bằng hành động đơn phương, hãy giải quyết thông qua sự thượng tôn luật pháp, thông qua ngoại giao, thông qua thương thuyết. Và chúng tôi thúc giục tất cả các nước tìm kiếm một giải pháp ngoại giao, đặt cơ sở trên các tiêu chuẩn quốc tế và luật pháp."
Trung Quốc lâu nay vẫn tố cáo Washington thiên vị và Chủ tịch Tập Cận Bình hôm nay lên tiếng hô hào chi việc xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau.
"Trung Quốc và Hoa Kỳ cần gia tăng tiếp xúc và hợp tác về những vấn đề ở Châu Á Thái Bình Dương. Khu vực Thái Bình Dương rộng lớn nên là một nơi chốn của sự hợp tác của tất cả các nước, chứ không nên là một vũ đài cạnh tranh."
Tuy nhiên, trong lúc toà án trọng tài quốc tế chuẩn bị đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines chống lại những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc mà họ cho là thái quá, các chuyên gia cho rằng Bắc Kinh có phần chắc sẽ không thay đổi đường lối tổng quát của mình.
Bà Bonnie Glaser, giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, nhận định như sau.
"Tôi nghĩ rằng phán quyết đó sẽ không ngăn chận được, mà thậm chí còn không làm chậm lại được, những hoạt động, những hoạt động xây dựng cải tạo đất, và những hoạt động quân sự hoá của Trung Quốc. Nhưng tôi nghĩ rằng một số phần của phán quyết đó có lẽ sẽ được tuân thủ một cách âm thầm, mặc dù Trung Quốc sẽ bác bỏ phán quyết đó."
Bà Glaser cho rằng Trung Quốc có thể sẽ ngưng can thiệp vào các hoạt động đánh bắt cá ở Biển Đông. Tuy không nhận thấy có sự thu hẹp bất đồng nào giữa Washington và Bắc Kinh, bà Glaser cho rằng tiếp tục thảo luận với nhau về vấn đề này là một việc có ích. - VOA
|
|
2.
Đài Loan phủ nhận 'vùng phòng không TQ'
Bộ Quốc phòng Đài Loan nói họ sẽ không công nhận bất cứ vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) nào mà Trung Quốc định nêu ra.
Theo hãng tin Reuters 06/06/2016, quan chức Hoa Kỳ bày tỏ lo ngại rằng phán quyết của một toà quốc tế trong những ngày tới về vụ Philippines kiện Trung Quốc có thể khiến Bắc Kinh công bố 'vùng nhận diện phòng không' hay 'ADIZ' ở Biển Đông.
Năm 2013 Trung Quốc đã làm như vậy với vùng biển Hoa Đông.
Ông Phùng Thế Khoan, Bộ trưởng Quốc phòng trong tân chính phủ của Dân Tiến Đảng ở Đài Loan cho hay hôm thứ Hai rằng Đài Bắc sẽ "không công nhận bất cứ vùng nhận diện phòng không nào do Trung Quốc công bố ở Biển Nam Trung Hoa".
Phát biểu của Bộ trưởng Đài Loan được đưa ra trong trao đổi với Viện Lập pháp của đảo quốc.
Dân Tiến Đảng vốn đã từng theo đuổi xu hướng đòi độc lập cho Đài Loan nhưng nay chỉ công khai xác nhận họ muốn duy trì tình trạng hiện hữu trong quan hệ xuyên eo biển với Hoa lục.
Thắng lợi của bà Thái Anh Văn thuộc Dân Tiến Đảng trong cuộc tranh cử Tổng thống hồi đầu năm đã chấm dứt tám năm cầm quyền của ông Mã Anh Cửu, thuộc Quốc Dân Đảng, vốn có xu hướng xích lại gần Trung Quốc.
Trước khi sang Bắc Kinh dự hội đàm song phương cao cấp với Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ, ông John Kerry, nói hôm Chủ Nhật rằng Hoa Kỳ sẽ coi việc Trung Quốc đặt ra ADIZ ở Biển Đông là 'khiêu khích và gây bất ổn'. - BBC
|
|
3.
Bầu cử tổng thống Peru: Pedro Pablo Kuczynski đắc cử
Theo kết quả kiểm phiếu bán phần, ứng cử viên Pedro Pablo Kuczynski thuộc khuynh hướng tự do, đắc cử tổng thống Peru. Cử tri đã chọn một chính trị gia lão luyện điều hành đất nước trong nhiệm kỳ 5 năm Tới. Bà Keiko Fujimori không đủ sức thuyết phục.
Trong số gần 80 % phiếu được kiểm cho tới sáng ngày 06/06/2016, ông Pedro Pablo Kuczynski dẫn đầu với 50,8 % số phiếu ủng hộ. Đối thủ của ông, Keiko Fujimori, con gái cựu tổng thống Alberto Fujimori, chỉ dành được 49,2 %.
Thông tín viên Eric Samson từ Lima cho biết thêm :
Trước trụ sở vận động tranh cử của ứng viên Pedro Pablo Kuczynski, người dân reo mừng chiến thắng, nhất là khi biết rằng thắng lợi của chính trị gia lão thành này không có gì là chắc chắn. Mới chỉ tuần trước, các cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy ông bị bà Keiko Fujimori qua mặt. May nhờ có được lá phiếu của phe chống gia đình Fujimori mà ông Kuczynskicựu thủ tướng, cựu bộ trưởng Peru, mới thắng được.
Cũng phải nói là ứng viên Fujimori, con gái cựu tổng thống Peru, người gốc Nhật Bản đang thi hành bản án 25 năm tù, đã bị đánh bại vì bà không vượt qua được hai trở ngại lớn : một là quá khứ những năm tháng thân phụ bà, ông Alberto Fujimori, cầm quyền và hai là tai tiếng nghi ngờ chủ tịch đảng của bà Keiko có liên hệ với các tổ chức tội phạm ma túy.
Thực ra một phần cử tri Peru không hẳn là ủng hộ ông Kuczynski, nhưng họ không thể chấp nhận để gia đình Fujimori trở lại điều hành đất nước. Nhiều người muốn quên đi những năm tháng Alberto Fujimori cai trị Peru như một nhà độc tài. Người dân Peru giờ đây chờ đợi tổng thống Kuczynski trong nhiệm kỳ 5 năm tới thực hiện những gì ông đã hứa với dân.
Tuy nhiên, ông Pedro Pablo Kuczynski sẽ phải điều hành đất nước trong hoàn cảnh, đa số Quốc hội đang trong tay đảng Fuerza Popular của Keiko Fujimori. Đảng này đang chiếm 73 trên tổng số 130 ghế ở Hạ Viện. Quốc hội Peru có thể gây trở ngại cho các chương trình cải tổ của bên hành pháp. - RFI
|
|
4.
Tổng thống Liberia Sirleaf nhậm chức chủ tịch ECOWAS
Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf vừa nhậm chức chủ tịch Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS), hứa hẹn củng cố hòa bình và an ninh, cũng như kêu gọi các nước thành viên làm việc tích cực hơn để đánh bại chủ nghĩa khủng bố. Thông tín viên James Butty của đài VOA gửi về bài tường thuật.
Tổng thống Sirleaf tiếp quản chức vụ này từ Tổng thống Senegal Macky Sall. Cuộc bỏ phiếu bầu cho bà đã diễn ra tại hội nghị thượng đỉnh của ECOWAS ở Dakar, thủ đô Senegal, hồi cuối tuần qua.
Các mục tiêu: gia tăng thương mại, ổn định tài chính
Một thông cáo báo chí của văn phòng tổng thống cho hay bà Sirleaf kêu gọi kết thúc đàm phán và các biện pháp pháp lý để tăng cường hội nhập thương mại ở Tây Phi.
Tân chủ tịch ECOWAS hứa hẹn bà sẽ làm việc để cải thiện ổn định tài chính.
Ông Ousmane Sene, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tây Phi có trụ sở ở Dakar, cho rằng đạt được hội nhập tiền tệ sẽ là một bước quan trọng tiến tới hội nhập khu vực.
Ông Sene nói: “Tôi cho rằng ECOWAS chuyển động từ đây, tổ chức tiểu vùng này sẽ củng cố. Họ đang bàn thảo hội nhập tiền tệ rồi. Sau này sẽ không còn đồng niara ở Nigeria, hay đồng franc Trung Phi CFA ở Senegal, mà sẽ chỉ có một đồng tiền chung và điều đó cực kỳ quan trọng vì nó tiến tới hợp nhất các quan hệ kinh tế trong cộng đồng”.
Hợp tác kinh tế
Ông Sene cho hay các nhà lãnh đạo ECOWAS đang bàn về việc đạt được một đồng tiền chung cho khu vực sớm nhất vào năm 2020.
Ông Sene nói: “Chỉ cần nghĩ về số lượng các nước đang lưu hành đồng CFA mà xem, vì nhóm CFA gồm 8 nước mà cũng đồng thời là thành viên ECOWAS. Bạn có thể dễ dàng hình dung rằng ở Ghana người ta sẽ sẵn sàng đặt đồng cedi sang một bên, ở Nigeria người ta sẵn sàng đạt đồng naira sang một bên, và quyết định sẽ có một đồng tiền chung được lưu hành ở mọi nơi”.
Ông Sene nói việc hội nhập kinh tế của ECOWAS sẽ đồng nghĩa với một bước đi xa hơn tiến tới tăng quyền cho người dân của khu vực và của châu Phi nói chung nhờ có các thị trường rộng lớn hơn, dân số nhiều hơn và rất nhiều cơ hội kinh tế.
Ông Sene cho biết hội nhập thương mại ở Tây Phi từng gặp khó khăn vì thiếu ý chí của chính phủ ở từng nước thành viên.
Ông Sene nói: “Có một ví dụ, đó là vấn đề giữa Gambia và Senegal. Biên giới đang bị đóng cửa không phải vì nhà nước mà do các các lái xe tải chặn lại. Vì sao, đó là vì ở Gambia người ta quyết định tăng mạnh các loại phí cho việc đi qua biên giới sang Gambia. Như vậy, rõ ràng đây chính là vấn đề. Việc vận chuyển hàng hóa tự do và mọi người đi lại tự do đôi khi bị ngăn trở bởi những hạn chế và các khó khăn do các viên chức hải quan hay cảnh sát chịu trách nhiệm ở biên giới gây ra”.
Đánh bại khủng bố
Tổng thống Sirleaf cũng kêu gọi các nước thành viên ECOWAS làm việc tích cực hơn nữa để đánh bại chủ nghĩa khủng bố, tăng cường năng lực tình báo và củng cố việc điều phối với Liên hiệp châu Phi, Liên Hiệp Quốc và các định chế đối tác.
Bà nói nhóm Boko Haram phải bị “đánh bại hoàn toàn”.
Ông Sene nói các nước thành viên ECOWAS đang cân nhắc ý tưởng tích hợp các lực lượng để can thiệp vào các nước thành viên khi cần thiết.
Ông Sene cho biết: “Thay vì Senegal đưa quân đến Mali nhằm phòng vệ đối với nạn khủng bố, chúng tôi sẽ suy nghĩ về việc lập ra các lực lượng ECOWAS gồm binh sỹ Senegal, Nigeria, Ghana, Gambia, v.v… Họ sẽ thuộc một đội quân thống nhất có thể can thiệp vào bất cứ lúc nào, và đội quân đó sẽ mạnh hơn nhiều. Họ sẽ có thêm vũ khí, quân cụ; họ sẽ được huấn luyện tốt hơn, và họ sẽ có thể can thiệp bất cứ khi nào cần thiết”. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
5.
Donald Trump bài châu Mỹ La Tinh, đảng Cộng Hòa Mỹ lo ngại --- Bà Clinton dự kiến sẽ giành được đề cử tổng thống thứ Ba này --- Bầu cử Mỹ: Những người sau hậu trường giúp các ứng viên đắc cử
Ngay trước một thời điểm quan trọng trong vòng bầu cử sơ bộ, và trong lúc các cuộc thăm dò dư luận đang thuận lợi cho ông, ứng viên đảng Cộng Hòa Donald Trump lại có lời lẽ bài người châu Mỹ La Tinh, gây lo ngại cho giới lãnh đạo đảng Cộng Hòa, kể cả đối với những người hậu thuẫn cho ông Trump. Hôm Chủ Nhật 05/06/2016, ba nhân vật nặng ký trong đảng Cộng Hòa đã buộc phải lên tiếng.
Từ Washington, thông tín viên RFI, Anne-Marie Capomaccio, cho biết thêm chi tiết:
Donald Trump đánh giá là thẩm phán đặc trách vụ xét xử một trường đại học trước đây của ông là thiên vị, vì vị thẩm phán là người Mêhicô. Ông đã lập đi lập lại những lời đả kích thẩm phán Curiel trong các cuộc mít tinh ở California, gây bất bình nơi một số người ủng hộ ông trong ban tham mưu của đảng Cộng Hòa, và khiến cho nhiều luật gia bảo thủ lo ngại.
Paul Ryan, chủ tịch Hạ Viện và Mitch McConnell, lãnh đạo phe đa số Cộng Hòa ở Thượng Viện, đều không tán đồng lời lẽ của ông Trump. Tùy viên báo chí đặc trách quan hệ với cộng đồng gốc châu Mỹ La Tinh trong đảng vừa từ chức. Đối với nhân vật này, thật khó mà bảo vệ một ứng viên có tuyên bố đả kích cộng đồng của mình như thế.
Nhưng ông Trump lại không thấy có vấn đề gì. Ông nói : Tôi nghĩ là tất cả sẽ diễn ra tốt thôi đối với người châu Mỹ La Tinh. Tôi sử dụng hàng ngàn người châu Mỹ La Tinh, họ rất tốt ! Tôi buôn bán với họ, bán nhà cho họ, chúng tôi giao dịch với nhau mà !
Người gốc châu Mỹ La Tinh chiếm khoảng 15% cử tri, và không có một ứng viên nào có thể bỏ qua một cộng đồng quan trọng như thế trên con đường vào Nhà Trắng.
Đối với cựu chủ tịch Hạ Viện Mỹ Newt Gingrich, một người rất ủng hộ ông Trump, thì đây là sai lầm lớn nhất của Donald Trump. - RFI
***
Trong cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc, những cuộc bầu cử sơ bộ kết thúc trong tuần này bao gồm California tiểu bang đông dân nhất nước Mỹ với số đại biểu lớn nhất. Những cuộc bầu cử sơ bộ vào ngày mai sẽ trả lời cây hỏi duy nhất còn lại trong mùa bầu cử sơ bộ 2016 là liệu bà Hillary Clinton hay ông Bernie Sanders là ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ.
Ngày hôm qua, bà Clinton đánh bại ông Sanders trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ tại Puerto Rico, giúp bà tiến gần đến việc được đảng Dân chủ đề cử làm ứng cử viên tổng thống của đảng.
Các cuộc thăm dò cho thấy có cuộc tranh đua sít sao tại California, một tiểu bang mà cả bà Clinton lẫn ông Sanders đều mong muốn chiến thắng. Dù vậy, cả hai ứng cử viên đảng Dân chủ đều chỉa mũi dùi vào ông Donald Trump, người xem như đã được đảng Cộng hòa đề cử.
Trong một bài diễn văn về chính sách ngoại giao vào tuần trước, bà Clinton nói:
“Những ý kiến của ông Donald Trump không những chỉ khác biệt, mà còn bất nhất một cách nguy hiểm. Ông ấy không những không được chuẩn bị, mà ông ấy cũng có tính khí bất thường không xứng đáng được giữ một chức vụ đòi hỏi sự hiểu biết, ổn định và trách nhiệm to lớn.”
Trong một chặng dừng chân vận động tranh cử vào hôm thứ Sáu tuần qua, ông Sanders, Thượng nghị sĩ tiểu bang Vermont, nói:
“Bạn làm gì khi bạn không có những câu trả lời thực sự đối với những vấn đề thực sự? Bạn dùng người dân làm dê tế thần. Chúng ta không để ông Trump chia rẽ chúng ta.”
Ông Trump đã trả đũa bằng cách chỉ trích điện thư cá nhân bà Clinton dùng trong thời gian giữ chức vụ ngoại trưởng trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Barack Obama.
Hôm thứ Sáu tuần qua, doanh gia New York tuyên bố như sau.
“Bà Hillary Clinton phải vào tù. Bà ấy phải vào tù. Tôi nghĩ bà ấy có thể làm nhiều tiền hơn nếu bà viết diễn văn mang bán cho những người mất ngủ.”
Ông Trump cũng được đưa lên hàng đầu các tin tức khi ông nói rằng một thẩm phán liên bang đã thiên vị chống lại ông vì thẩm phán này gốc Mexico, và bằng cách kêu gọi chú ý đến chủng tộc trong một cuộc tập họp vận động tranh cử.
Trong một cuộc vận động tranh cử, ông Trump phát biểu như sau trong lúc chỉ tay vào đám đông.
“Ồ- hãy nhìn vào người bạn Mỹ gốc châu Phi của tôi ở đằng kia kìa. Hãy nhìn vào anh ấy. Có phải anh là người vĩ đại nhất hay không?”
Từ “vĩ đại nhất” ám chỉ võ sĩ quyền Anh huyền thoại Muhammad Ali, người đã bác bỏ đề nghị của ông Trump là cấm người Hồi Giáo vào nước Mỹ và thúc đẩy một sự hiểu biết nhiều hơn về Hồi Giáo.
Ông Trump đã nhận được sự ủng hộ của một số đảng viên Cộng hòa đầy thế lực trong quốc hội Mỹ và các nơi khác nữa. Tuy nhiên, nhiều người bày tỏ sự khó chịu đối với những nhận xét gây bất hòa hầu như thường xuyên của doanh gia này.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Bob Corker, đại diện tiểu bang Tennessee, tuyên bố trên chương trình This Week của đài ABC như sau.
“Tôi nghĩ ông Trump sẽ phải thay đổi.”
Ông Corker yêu cầu có sự thay đổi trong chiến thuật tranh cử của ông Trump để tiến tới cuộc tổng tuyển cử sắp đến.
“Tôi hy vọng là ông sẽ thay đổi. Ông ấy có cơ hội thực sự để thay đổi hướng đi của đất nước chúng ta, và tôi nghĩ là ông sẽ lợi dụng việc này.”
Các nhà phân tích nói dân chúng Mỹ không nên kỳ vọng về một cuộc chạy đua có tính chất cao thượng giữa bà Clinton và ông Trump.
Ông Norman Ornstein, thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ nhận định như sau.
“Vì chúng ta có hai ứng cử viên, cả hai đều không đáng tin tưởng hơn là tin tưởng được, không được yêu thích hơn là được yêu thích, nên cuộc đua này sẽ trở thành một cuộc đua để xem ai là người có nhiều thủ đoạn rẻ tiền nhất.”
Sự tính toán về các đại biểu cho thấy bà Clinton sẽ được đảng Dân chủ đề cử, bất kể là bà có thắng tại California hay một vài tiểu bang khác vào ngày mai hay không. Tuy nhiên, thất bại trước ông Sanders trong khi mùa bầu cử sơ bộ kết thúc có thể khiến cho Thượng nghị sĩ tiểu bang Vermont củng cố quyết tâm chiến đấu của ông Sanders tại Đại hội toàn quốc Đảng Dân chủ vào tháng tới. - VOA
***
Trong khi các ứng cử viên tổng thống có thể cần tiền để vận động tranh cử, những người tình nguyện và nhân viên vận động tranh cử cũng quan trọng để thắng cuộc chạy đua này. Những người này làm việc sau hậu trường là những người tạo sự phấn khích cho cử tri để họ đến phòng phiếu bỏ phiếu. Thông tín viên Đài VOA Elizabeth Lee gửi về bài tường thuật từ Los Angeles.
Không có gì hữu hiệu cho bằng một buổi tập họp để khích động cử tri, nhưng điều gì xảy ra trước và sau khi một ứng cử viên đọc diễn văn cũng quan trọng không kém.
Anh Tim Phan, một người tình nguyện vận động tranh cử toàn thời gian cho bà Clinton nói: “Đêm nào chúng tôi cũng phải thức khuya để nhập dữ liệu vào máy vi tính, lập kế hoạch cho những sinh hoạt trong ngày kế tiếp và đại loại như vậy.”
Anh Tim Phan, người ủng hộ bà Clinton, làm việc gần như 12 giờ đồng hồ mỗi ngày, tuyển mộ người tình nguyện đi gõ cửa từng nhà và gọi điện thoại bằng tiếng Anh, tiếng Hàn hay tiếng Tây Ban Nha để nhắc nhở mọi người đi bầu.
Anh Tim Phan nói: “Nếu họ nhấc điện thoại, vì đôi khi họ không trả lời điện thoại hay nói không phải số này, chúng tôi hy vọng họ sẽ trả lời vâng, họ sẽ bỏ phiếu cho bà Clinton.”
Anh Phan cũng giúp tổ chức những sinh hoạt để thu hút những người tình nguyện.
Cách đó vài dặm, anh Jeremy White, người tình nguyện nhiệt thành giúp ông Bernie Sanders, đang làm việc cho ứng cử viên của anh.
Anh White cho biết: “Đối với tôi phần tốt nhất là khi gặp một người nào đó và có cảm tình và có nhiệt tâm bỏ mọi việc và làm tất cả mọi sự có thể làm được cho cuộc cách mạng này và để cho tiếng nói của chúng ta được nghe thấy và tiếng nói của những người không được đại diện cũng được nghe thấy.”
Anh Jeremy White làm việc trong ngành phim ảnh và thành lập quán Cà phê Bernies, nói: “Thường thường chúng tôi có khoảng 3 người đến mua cà phê. Chúng tôi nói với họ là rất tiếc chúng tôi không phục vụ cà phê nhưng họ có thể ký tên làm người tình nguyện.”
Ngoài việc gõ cửa và gọi điện thoại đến các cử tri, những người ủng hộ ông Sanders cũng bán áo thun để hỗ trợ cho các nỗ lực của họ.
Không người nào trong chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump trả lời yêu cầu của Đài VOA phỏng vấn một nhân viên vận động tranh cử. Dù không được tiếp cận với các người tình nguyện, Đài VOA tìm được rất nhiều người ủng hộ ông Trump tại một cuộc tập họp vận động tranh cử. Trong khi phần lớn những người này là người da trắng, cũng có một số nhỏ người di dân và con cái họ lên tiếng ủng hộ ông Trump.
Anh Vishnu Vallatharasan, một người ủng hộ ông Trump nói: “Tôi nghĩ những điều ông ấy nói làm phiền lòng những người khác nhưng là những điều cần phải nói. Cuối cùng vấn đề quan trọng là nước Mỹ được an toàn, nước Mỹ hùng mạnh và nước Mỹ vĩ đại trở lại.”
Anh Peter Phạm, một người ủng hộ ông Trump nói: “Chúng ta có nhiều tổng thống, chúng ta có nhiều tài tử điện ảnh, chúng ta có nhiều tướng lãnh trở thành tổng thống, những người trong quân đội, Thống đốc, Thượng nghị sĩ nhưng chúng ta chưa có tỉ phú. Tôi muốn chúng ta làm thử một điều gì mới mẻ.”
Những người vận động tranh cử có thể bỏ phiếu cho những ứng cử viên khác nhau, nhưng họ có một điểm chung là họ cùng chia sẻ lòng tin là mỗi lá phiếu đều quan trọng. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
6.
Việt Nam sẽ mua máy bay P-3 và S-3 của Hoa Kỳ
Việt Nam dự tính mua máy bay loại P-3 và S-3 do công ty Lockheed Martin của Hoa Kỳ chế tạo, để tuần tra biển đảo.
Tin này được hãng thông tấn Reuters loan tải hồi chiều nay, 6 tháng 6, cho biết thêm những chiếc phi cơ Việt Nam muốn mua là loại cũ nhưng được tân trang.
Bản tin trích dẫn lời ông Clay Fearnow, một viên chức cao cấp của công ty Lockheed Martin, nói rằng Việt Nam muốn mua từ 4 đến 6 chiếc, và trong tháng tới, phía Việt Nam sẽ chính thức khảo giá.
Ông Fearnow cho biết thêm trước đây, công ty đã bán 12 chiếc máy bay loại P-3 tân trang cho Đài Loan, với giá từ 80 triệu dollars đến 90 triệu dollars một chiếc. Giá cả chênh lệnh vì tùy vào những dụng cụ được gắn trên chiếc phi cơ.
Tuy nhiên, bản tin của Reuters cũng trích dẫn lời Thượng Tướng Thứ Trưởng Bộ Quốc Phòng Nguyễn Chí Vịnh nói rằng đến giờ Hà Nội vẫn chưa rõ có thể được mua những khí cụ nào cũng như nên mua loại vũ khí nào do Hoa Kỳ sản xuất.
Vài tuần trước, khi đến thăm Hà Nội, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama loan báo quyết định bãi bỏ lệnh cầm bán vũ khí cho Việt Nam.
Khi thông báo quyết định quan trọng này, Tổng Thống Mỹ có nói là chính phủ Hoa Kỳ sẽ cứu xét từng trường hợp một, tức tùy theo yêu cầu và nhu cầu của Việt Nam, nhưng tất cả các nhà quan sát đều cho rằng Hoa Kỳ muốn giúp Việt Nam để hai nước cùng ngăn chặn mức bành trướng quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh đang tranh chấp chủ quyền với một số nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Tại Washington, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ từ chối trả lời những câu hỏi liên quan đến bản tin này, nói rằng sẽ không lên tiếng cho đến khi nhận được yêu cầu của Việt Nam và phải thông báo cho Quốc Hội Liên Bang biết.
Theo Reuters, chính phủ Nam Hàn cũng muốn mua hai loại phi cơ tuần tra P-3 và S-3 của Hoa Kỳ, để theo dõi hoạt động quân sự của Bắc Hàn. - RFA
|
|
7.
Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc nhận xét về Trung Quốc và vấn đề biển Đông
Vấn đề Biển Đông lại trở thành đề tài nóng ở Đối thoại Shangri-la vừa kết thúc vào ngày hôm qua 5 tháng 6.
Việc đưa vấn đề Biển Đông ra bàn thảo như thế có hứa hẹn những chuyển biến tích cực gì cho tình hình tranh chấp lâu nay là nội dung cuộc phỏng vấn nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc từ Sài Gòn ngày 3 tháng 6.
Gia Minh: Có thể đánh giá Trung Quốc đã thành công khi đặt những sự việc đã rồi không?
Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc: Tôi tán thành với anh. Năm 1974 khi Trung Quốc chiếm phần còn lại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trước sự phản kháng mạnh mẽ của Việt Nam Cộng Hòa và một số nước nhưng rồi từ từ Trung Quốc cũng xác lập vùng chiếm đóng trên quần đảo Hoàng Sa đến nay hơn 40 năm.
Rồi vấn đề Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép 7 cụm đảo thuộc Trường Sa của Việt Nam xong biến chúng thành các đảo nhân tạo; Mỹ, Nhật cũng lên tiếng và Liên hiệp quốc cũng cảnh báo…; và việc tôn tạo đó cũng ‘là sự đã rồi’. Rồi tiến đến Trung Quốc đưa máy bay quân sự, đưa tàu và đưa các lực lượng dân sự chuyển đến sinh sống trên các đảo này thì cũng là sự đã rồi và cũng không thấy có sức mạnh nào kiềm chế hành động của Trung Quốc. Do đó Trung Quốc cảm thấy rằng quốc tế đã bất lực trước hành động của mình, vì Trung Quốc bao giờ cũng cho đồng tiền đi trước với lợi thế là cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới. Do đó trong cuộc chiến ngăn chặn ảnh hưởng, sự bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông thì không thể một hai Shangri-la có thể giải quyết được mà đây là sự quyết tâm, sự đồng lòng của các siêu cường trên thế giới, của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.
Gia Minh: Mới ngày hôm qua (2/6), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Hải Bình, cho biết vào ngày 9 tháng 6 tại Hạ Long sẽ có cuộc họp cấp cao ASEAN - Trung Quốc về việc thực hiện DOC (Tuyên bố các bên về ứng xử tại Biển Đông). Là một nhà nghiên cứu thì ông thấy có thêm một hoạt động như thế nữa sẽ có tín hiệu gì cho tình hình tại Biển Đông?
Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc: Nếu Trung Quốc đồng ý họp với ASEAN về Tuyên bố Ứng xử tại Biển Đông cũng chỉ nhằm hòa hoãn và kéo dài thời gian mà thôi. Còn COC (Bộ Quy tắc về ứng xử tại Biển Đông) thì tương lai rất mù mịt, vì các nước ASEAN, bao gồm Việt Nam, bao giờ cũng yêu cầu giữ nguyên trạng, không làm phức tạp tình hình, không đe dọa, không dùng vũ lực; nhưng nguyên trạng là nguyên trạng lúc nào, nguyên trạng của các đảo mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép, hay là nguyên trạng về thể hiện chủ quyền, quá trình thực hiện chủ quyền, hay là nguyên trạng ‘ở đâu, ở đó’ như tình hình hiện nay mà Trung Quốc mong muốn?
Gia Minh: Ông cũng có ý kiến Liên hiệp quốc phải tham gia vào vấn đề này, và người ta dự đoán Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc tế trong thời gian sắp đến sẽ đưa ra phán quyết về vụ kiện do Philippines đệ nạp hồi đầu năm 2013. Thế nhưng có những diễn tiến như Đài Loan vừa lên tiếng, rồi Philippines có tổng thống mới mà đường lối có vẻ khác với vị tiền nhiệm; tất cả những điều đó có ý nghĩa gì trong tình hình hiện nay?
Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc: Trước hết nói về thái độ của tân tổng thống Philippines muốn hòa hoãn, muốn đối thoại với Trung Quốc, tôi cho rằng đây là một bước lùi trong đường lối đấu tranh của Philippines với Trung Quốc.
Còn vấn đề Tòa sắp sửa phán quyết về đơn kiện của Philippines thì tôi nghĩ rằng có khả năng tòa cũng sẽ tuyên bố đường lưỡi bò ‘vô giá trị’. Bao nhiêu đó cũng đủ để Trung Quốc mất mặt trên thế giới dù Trung Quốc đã tuyên bố sẽ không thực hiện phán quyết của Tòa.
Nhưng đây là dịp may để chúng ta đấu tranh chính trị và đấu tranh pháp lý trên toàn thế giới để cho cộng đồng trên toàn thế giới thấy được bộ mặt thật của Trung Quốc.
Còn nói đối với Liên hiệp quốc, hay cụ thể là Hội Đồng Bảo an Liên hiệp quốc thì chúng ta thấy có hai nhân tố: Trung Quốc và Nga là thành viên Hội Đồng Bảo an; mà Nga bao giờ cũng đứng ngoài ‘tọa sơn quan hổ đấu’ tìm cho mình cái lợi nhiều nhất. Nga có quyền phủ quyết cũng như Trung Quốc nên vấn đề tiếng nói của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc trong giải quyết vấn đề Biển Đông, tôi nghĩ cũng dừng lại ở mức độ ‘bảo vệ hòa bình, tránh chiến tranh, không đe dọa sử dụng vũ lực’… dù có nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.
Do đó vấn đề quan trọng nhất hiện nay muốn đấu tranh chặn đứng bá quyền của Trung Quốc trên Biển Đông là các nước ASEAN phải nhất trí, phải quyết tâm cùng thống nhất phương án đấu tranh; còn nếu cứ để Trung Quốc xé lẻ ra từng nước - quan điểm của Lào, quan điểm của Campuchia, quan điểm của Philippines như hiện nay, thì Biển Đông mất về tay Trung Quốc chỉ còn là vấn đề thời gian!
Gia Minh: Như vậy không có gì sáng sủa lắm. Trong thực tế vừa rồi Lào cũng tuyên bố nên đàm phán song phương, Campuchia đường lối của họ lâu nay cũng như vậy; khả năng đoàn kết ASEAN theo ông thấy ra sao?
Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc: Là một người nghiên cứu về ASEAN trong mấy mươi năm qua, tôi thấy ASEAN không phải như Châu Âu, không phải như Bắc Mỹ, không phải khối NATO. Trong lòng bản thân các nước ASEAN có quá nhiều mâu thuẫn và xung đột giữa các quốc gia với nhau.
Có một điều cụ thể chúng ta nhìn thấy trong hơn 40 năm hình thành và phát triển của ASEAN chưa có một công trình, chưa có một thành tựu nào mang dáng dấp của ASEAN, có hay chăng chỉ là từng nước ASEAN riêng biệt; do đó đừng mong ASEAN trong một sớm một chiều đoàn kết, nhất trí để đối phó lại Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Vì họ cần ổn định chính trị, họ cần phát triển kinh tế mà hiện nay người ra tay đầu tư, đổ tiền cho họ nhiều nhất là Trung Quốc chứ không phải Mỹ.
Chính vì vậy, ASEAN sẽ bị xé lẻ, ASEAN sẽ tiếp tục mất đoàn kết và ASEAN sẽ không có tiếng nói chung trong vấn đề Biển Đông.
Gia Minh: Theo ông thì thái độ của Việt Nam trong thời gian sắp đến phải thế nào để có thể giữ được những cái có thể giữ?
Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc: Tôi nghĩ chiến lược của Việt Nam hiện nay là đi luồn lách giữa các thế lực siêu cường trên thế giới để giữ vững những phần đất chưa mất và tìm cách đấu tranh pháp lý với Trung Quốc. Nhưng tôi nghĩ những biện pháp đó cũng chưa phải là biện pháp tối ưu.
Tôi mong muốn rằng Nhà nước Việt Nam phải xác định được Trung Quốc là ai? Bạn hay thù! Nếu xác định được bạn hay thù thì mới có được một đối sách hoàn toàn hữu hiệu với Trung Quốc; nhất là nếu trong thời gian gần tuyên bố thiết lập vùng nhận diện phòng không; thậm chí dẫn đến vùng cấm bay, thậm chí đe dọa tất cả các tàu thuyền của Việt Nam di chuyển trên Biển Đông và trong khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam thì lúc đó bạn - thù sẽ rõ và lúc đó sẽ dễ có phương pháp đối phó với Trung Quốc hơn.
Gia Minh: Cám ơn nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc. - RFA
No comments:
Post a Comment