Tin Thế Giới
1.
TT Obama: Vụ xả súng Orlando là hành động khủng bố và thù ghét --- Hồ sơ tay súng tấn công Orlando
Tổng thống Obama gọi vụ tàn sát hôm qua tại một hộp đêm ở Florida là vụ nổ súng giết chết nhiều người nhất trong lịch sử nước Mỹ. Một người đàn ông đã nổ súng giết chết ít nhất 50 người và làm bị thương hơn 50 người khác tại một hộp đêm của người đồng tính luyến ái ở thành phố Orlando. Các giới chức thi hành luật pháp cho biết đang điều tra vụ tàn sát này như một hành động khủng bố.
Tổng thống Obama nói vụ tấn công vào một hộp đêm mà cộng đồng người đồng tính luyến ái thường lui tới là một cuộc tấn công vào Hoa Kỳ và những giá trị của nước Mỹ.
“Đây là một hành động khủng bố và một hành động thù ghét, và là người Mỹ, chúng ta đoàn kết trong đau buồn, trong phẫn nộ và trong quyết tâm bảo vệ người dân của chúng ta.”
Tổng thống Obama cũng nói một hành động như vậy có thể thực hiện chính yếu là do mua vũ khí quá dễ dàng tại Mỹ.
“Và chúng ta phải quyết định xem liệu đây quả thật có phải chúng ta muốn sống trong một một đất nước chúng ta như thế này hay không. Và thực sự không làm gì cả cũng là một quyết định.”
Tay súng được nhận diện là Omar Mateen, một công dân Mỹ gốc Afghanistan, đã xông vào hộp đêm Pulse vào khoảng 2 giờ sáng ngày hôm qua và nổ súng vào khoảng 300 người có mặt trong hộp đêm. Một số người thoát được bằng cửa sau. Những người khác nằm xuống sàn hay trốn vào những nơi nào có thể được.
Cô Rosie Debo và Sylvia Serrano là những người sống sót nói:
Họ nói, “Đầu tiên tôi tưởng đây là tiếng nhạc, nhưng sau đó tôi thấy anh ta. Anh ta cách tôi khoảng mươi mười lăm mét và tôi thấy ánh lửa lóe ra từ họng súng của anh ta mỗi khi anh ta bắn. Mọi người đều nằm xuống sàn.”
Tay súng bị bắn chết trong cuộc chạm súng với cảnh sát đến tại hiện trường. Các giới chức cho biết đang điều tra xem anh ta có liên hệ gì đến các tổ chức cực đoan Hồi Giáo hay không.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Bill Nelson thuộc tiểu bang Florida nói:
“Tôi đã tham khảo với các nhân viên tình báo và họ tin là nghi can có một số liên hệ với Nhà nước Hồi Giáo nhưng tôi có thể nói việc này không chính thức.”
Các nhà lãnh đạo các tổ chức Hồi Giáo tại Mỹ đã nhanh chóng lên án vụ nổ súng và yêu cầu giới truyền thông tránh loan tin có tính cánh giật gân.
Giáo sĩ Muhammad Musri, Chủ tịch Hội Hồi Giáo vùng Trung Florida cho biết:
“Chúng ta nên chờ tất cả mọi tin tức-sự kiện-được các nhà điều tra đưa ra, và chúng ta tất cả sẽ biết những gì xảy ra, hiểu rõ và cùng nhau làm việc để giúp cho cộng đồng chúng ta vững mạnh.”
Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi Giáo đã nhận trách nhiệm trong vụ nổ súng tại Orlando qua các mạng lưới truyền thông của họ. Vụ tấn công xảy ra giữa lúc người Hồi Giáo cử hành tháng chay Ramadan của họ. - VOA
***
Tay súng sát hại hàng chục người trong một câu lạc bộ người đồng tính ở Orlando, Florida, được tiết lộ danh tính là Omar Mateen, công dân Mỹ, đã được FBI biết đến từ năm 2013.
Mateen xả súng trong câu lạc bộ Pulse vào sáng sớm Chủ nhật 12/06, là cuộc sát hại đẫm máu nhất trong lịch sử Hoa Kỳ hiện đại.
Quan chức FBI nói tay súng 29 tuổi, bị cảnh sát hạ gục, dường như “ngả theo” Hồi giáo cực đoan, mặc dù không rõ vụ tấn công là khủng bố ở tầm nội địa hay quốc tế.
Mateen gọi dịch vụ khẩn cấp 911 ngay trước khi tấn công, và được cho là đã tuyên bố trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Nhóm này sau đó nói một “chiến binh” IS thực hiện tấn công nhưng không nêu cụ thể về mối liên hệ trực tiếp, hay chỉ nhận trách nhiệm về việc truyền cảm hứng cho vụ tấn công.
Trong khi đó cha của Mateen nói với NBC News rằng vụ tấn công “không hề liên quan tới tôn giáo”.
Seddique Mateen nói con trai ông gần đây “rất giận dữ” sau khi nhìn thấy hai người đàn ông hôn nhau trên đường phố Miami.
Ông nói gia đình không biết việc Mateen có thể đã lên kế hoạch vụ tấn công. “Chúng tôi bị sốc cũng giống như cả đất nước này.”
Khi những câu hỏi về quá khứ của tay súng được lật lại, Đặc vụ Ron Hopper của FBI nói với phóng viên rằng cơ quan này đã hai lần thẩm vấn Mateen từ năm 2013, sau những bình luận khiêu khích đồng nghiệp và khẳng định mối liên hệ với IS.
Điều tra kết thúc sau khi FBI không chứng minh được những tuyên bố này. Tuy nhiên, đến năm 2014 Mateen bị thẩm vấn một lần nữa về khả năng có liên hệ với Moner Mohammad Abu-Salha, người Mỹ thực hiện vụ đánh bom tự sát trong xung đột ở Syria.
Điều tra của FBI không tìm thấy “mối quan hệ đáng kể nào” giữa Mateen và Abu-Salha và vụ việc được khép lại, theo Đặc vụ Hopper.
Mặc dù nằm trong diện theo dõi của FBI, Manteen không có tên trong danh sách theo dõi khủng bố chính thức và có giấy phép mang vũ khí hợp pháp, theo hồ sơ của Florida.
Thông tin cũng cho thấy Mateen từng là nhân viên bảo vệ được mang vũ khí làm việc cho hãng G4S từ năm 2007.
Cảnh sát nói tay súng tấn công câu lạc bộ Pulse bằng một khẩu súng trường sát thương và súng lục.
Thủ phạm có thể có thiết bị gây nổ, tuy thông tin này chưa được kiểm chứng.
Cha mẹ là người Afghan nhưng Mateen sinh ra ở New York và chuyển tới Fort Pierce, thành phố cách Orlando khoảng 2 giờ lái xe.
Vợ cũ của sát thủ, Sitora Yusufiy cho biết anh ta rất bạo lực, tinh thần không ổn định và nhiều lần đánh đập cô.
Hai người kết hôn ở Fort Pierce năm 2009 sau khi làm quen trên mạng, nhưng cha mẹ cô đã can thiệp và đưa cô ra khỏi nhà chỉ vài tháng sau khi biết được chuyện cô bị bạo hành.
“Anh ta không ổn định,” cô nói với trang Washington Post. “Anh ta đánh tôi. Anh ta về nhà và đánh tôi chỉ vì giặt đồ chưa xong hay vì những chuyện tương tự.”
Cô nói với trang tin rằng Mateen không quá sùng đạo khi cô sống chung với anh ta, và anh ta vẫn thường đi tập thể hình. Cô nói anh sở hữu một khẩu súng ngắn nòng nhỏ và làm bảo vệ ở một trung tâm giáo dưỡng thanh thiếu niên phạm tội gần đó.
Trả lời phóng viên hôm Chủ nhật, cô Yusufiy cho biết Mateen bị rối loạn lưỡng cực [một chứng bệnh tâm thần] và tuy một số người cho rằng hành động của anh có liên quan tới IS hay tôn giáo, nguyên nhân thực sự là do bệnh tâm lý.
Hai người ly dị năm 2011.
Nhắm vào người đồng tính
Cảnh sát cho rằng Mateen thuê xe hơi và lái tới Orlando để thực hiện vụ tấn công, truyền thông đưa tin. Trong cuộc gọi được cho là tới 911, tay súng nhắc tới những kẻ đánh bom sự kiện marathon ở Boston năm 2013, Tamerlan và Dzokhar Tsarnaev.
Cơ quan chức năng tin rằng kẻ tấn công chủ đích nhắm tới địa điểm của người đồng tính, trang TMZ viết.
Trong loạt ảnh đăng trên mạng xã hội, có thể thấy Mateen mặc áo gắn phù hiệu tên và logo của cơ quan Cảnh sát New York (NYPD).
Tuy nhiên NYPD nói Mateen không liên quan tới cơ quan này và đây là loại áo không chính thức có thể mua ở bất cứ đâu.
Tay súng gửi đề nghị đổi tên năm 2006 từ Omar Mir Seddique thành Omar Mir Seddique Mateen, theo truyền thông Hoa Kỳ.
Cha anh, Seddqiue Mateen có chương trình truyền hình trên một kênh ở California bày tỏ thái độ phản đối quan điểm của chính quyền Afghanistan và đồng cảm với quân Taliban ở Afghanistan. - BBC
|
|
2.
Đài Loan không cho phép cựu Tổng thống Mã Anh Cửu đi Hồng Kông
Chính phủ Đài Loan viện dẫn lý do an ninh để cấm cựu Tổng thống Mã Anh Cửu đi thăm Hồng Kông. Thông tín viên Ralph Jennings của đài VOA tường trình từ Đài Bắc.
Văn phòng của Tổng thống Thái Anh Văn hôm chủ nhật cho biết 6 cơ quan chính phủ đã họp hai lần trong tuần qua để xem xét kế hoạch du hành của ông Mã Anh Cửu, là người đã rời khỏi chức vụ hôm 20 tháng 5 và định đến Hồng Kông để đọc diễn văn tại một buổi lễ trao giải báo chí vào hạ tuần tháng 6.
Một thông cáo của chính phủ ở Đài Bắc bác bỏ kế hoạch của ông Mã Anh Cửu vì vị cựu tổng thống này nắm giữ những bí mật quốc gia và những thông tin tuyệt mật. Thông cáo nói thêm rằng yêu cầu du hành như vậy là không có tiền lệ.
Thông cáo vừa kể đánh dấu tuyên bố mạnh mẽ nhất của bà Thái Anh Văn kể từ khi lên giữ chức tổng thống nhắm vào Trung Quốc và đảng đối lập chính ở Đài Loan là Quốc Dân Đảng của ông Mã Anh Cửu.
Ông Hoàng Trọng Ngạn, phát ngôn viên Phủ Tổng thống, cho biết như sau.
"Việc đánh giá yêu cầu này được dựa trên tầm quan trọng của cựu Tổng thống đối với an ninh quốc gia, tính chất bất thường và sự nhạy cảm của trường hợp này. Cựu Tổng thống Mã Anh Cửu đã tiếp xúc rất nhiều với các bí mật quốc gia. Những bí mật quốc gia này và những thông tin tuyệt mật khác rất quan trọng vì ông ấy rời khỏi chức vụ chưa đầy một tháng."
Thông cáo của chính phủ Đài Loan cũng cho biết Hồng Kông là “một khu vực rất nhạy cảm”. Thành phố này là lãnh thổ của Trung Quốc, là nước có yêu sách chủ quyền đối với Đài Loan kể từ khi cuộc nội chiến ở Trung Quốc kết thúc vào cuối thập niên 1940.
Sau khi lên nắm quyền năm 2008, ông Mã Anh Cửu đã tiến hành cuộc đối thoại với Trung Quốc và đối xử với Bắc Kinh như một đối tác kinh tế. Bà Thái Anh Văn có thái độ dè dặt hơn, và không giống như ông Mã Anh Cửu, bà bác bỏ điều kiện tiên quyết của Trung Quốc để đối thoại là hai bên phải tự xem mình là một phần của một nước Trung Quốc.
Thông cáo của chính phủ Đài Bắc cũng nói rằng kế hoạch du hành của ông Mã Anh Cửu được đưa ra quá bất ngờ nên chính phủ hiện nay chưa kịp thảo luận vấn đề với giới hữu trách Hồng Kông hay Trung Quốc Đại lục.
Quốc Dân Đảng của ông Mã Anh Cửu tố cáo chính phủ của bà Thái Anh Văn áp dụng “tiêu chuẩn kép”. Họ nói rằng chính phủ của bà Thái Anh Văn mới đây đã để cho cựu Tổng thống Trần Thuỷ Biển đến dự một bữa tiệc chính trị trong lúc thọ án tù vì tội tham nhũng.
Ông Châu Chí Vĩ, người phát ngôn của Quốc Dân Đảng, phát biểu như sau.
"Chính phủ của đảng Dân Tiến đã để cho cựu Tổng thống Trần Thuỷ Biển tham dự bữa tiệc, gây ra những vụ tranh cãi. Rồi ngày hôm nay họ lại ngăn chận một chuyến đi hoàn toàn minh bạch của cựu Tổng thống Mã Anh Cửu. Những việc này tạo ra một tình huống là một phần tử tội phạm có thể xuất đầu lộ diện nhưng quyền tự do một người tuân thủ pháp luật thì bị hạn chế."
Bà Thái Anh Văn và ông Trần Thuỷ Biển đều là người thuộc đảng Dân Tiến. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
3.
Mỹ tiếp tục dẫn đầu thế giới về xuất khẩu vũ khí
Hoa Kỳ tiếp tục duy trì vị thế của nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, cung ứng một số lượng vũ khí trị giá gần 23 tỉ đô la cho các nước khác trong năm vừa qua, nhất là cho vùng Trung Đông.
Công ty tư vấn HIS Jane’s hôm qua công bố bản báo cáo hàng năm có tên Phúc trình Thương mại Quốc phòng Toàn cầu, trong đó cho thấy thị trường quốc phòng toàn cầu trong năm 2015 là 65 tỉ đô la, tăng 6,6 tỉ.
Ông Ben Moores, một nhà phân tích cấp cao của HIS, nói “Thị trường thương mại quốc phòng toàn cầu chưa bao giờ có sự gia tăng nhiều như sự gia tăng mà chúng tôi chứng kiến giữa năm 2014 và 2015. Năm 2015 là năm phá kỷ lục”.
Xuất khẩu vũ khí của Pháp trong năm 2015 tăng hơn gấp đôi, từ 8 tỉ lên tới 18 tỉ. Phúc trình nói nếu tốc độ này được duy trì, Pháp sẽ qua mặt Nga để trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ nhì vào năm 2018.
Sự gia tăng của thương mại quốc phòng trong năm ngoái được thúc đẩy phần lớn bởi nhu cầu gia tăng của các nước Trung Đông.
Khu vực này mua 21,6 tỉ trang thiết bị quân sự trong năm 2015, trong đó có 8,8 tỉ mua từ Hoa Kỳ.
Các nước Đông Nam Á ven Biển Đông cũng gia tăng chi tiêu quốc phòng khoảng 71% tính từ năm 2009 trong một nỗ lực ứng phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong vùng biển có tranh chấp.
Các tác giả của bản phúc trình cho rằng thương mại quốc phòng sẽ tiếp tục gia tăng, và sẽ đạt mức 69 tỉ trong năm 2016. - VOA
|
|
4.
Ông Sanders sẽ gặp bà Clinton sau cuộc bầu cử sơ bộ chót
Thượng nghị sĩ Bernie Sanders của tiểu bang Vermont cho biết ông sẽ gặp bà Hillary Clinton, ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ, sau cuộc bầu cử sơ bộ chót tại thủ đô Washington vào ngày mai để thảo luận về chương trình nghị sự chính trị trước khi quyết định có nên rút khỏi cuộc tranh đua hay không.
Tuần trước ông Sanders tỏ ý cho thấy cuộc vận động của ông đang tới hồi kết thúc, nhưng ông từ chối rút khỏi cuộc đua trước khi cử tri ở thủ đô Washington, hầu hết là người về phe đảng Dân chủ, có cơ hội bỏ phiếu vào ngày mai trong cuộc bầu cử sơ bộ cuối cùng của đảng Dân chủ.
Tuần trước, cựu Ngoại trưởng Clinton đã chiếm đủ phiếu đại biểu để trở thành phụ nữ đầu tiên được một đảng chính đề cử làm ứng viên tổng thống.
Tổng thống Barack Obama đã nhanh chóng bày tỏ sự hậu thuẫn cho bà Clinton, nhưng bà phải ra sức tranh thủ sự hậu thuẫn của những người ủng hộ ông Sanders cho cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11, nhất là những cử tri trẻ tuổi mà phần lớn là ủng hộ ông Sanders.
Trong cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình NBC hôm qua, ông Sanders nói đánh bại ông Donald Trump, người nắm chắc sự đề cử của đảng Cộng hoà, là ưu tiên số một của ông. Nhưng ông nói thêm rằng ông muốn bảo đảm là bà Clinton ủng hộ những ưu tiên của ông để chống lại ảnh hưởng của những tay tài phiệt ở Phố Wall và chống lại sự bất bình đẳng thu nhập ở nước Mỹ trước khi ông quyết định ủng hộ bà Clinton tới mức nào.
Trong khi đó, ông Donald Trump đang đối mặt với sự chia rẽ nhiều hơn trong đảng Cộng hoà.
Những nhân vật tiếng tăm của phe Cộng hoà công khai chống đối ông Trump vì những phát biểu có tính chất miệt thị của ông đối với người Mexico, người Hồi giáo, phụ nữ, người khuyết tật và những anh hùng thời chiến.
Cựu ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hoà năm 2012, ông Mitt Romney, mới đây nói rằng ông sẽ không bỏ phiếu cho ông Trump hay bà Clinton.
Các cuộc thăm dò cho thấy bà Clinton hơn ông Trump 3,8 điểm. Nhiều cuộc thăm dò cũng cho thấy bà Clinton chiếm ưu thế trong cuộc đầu phiếu của cử tri đoàn, là cuộc đầu phiếu định đoạt kết quả cuộc bầu cử tổng thống.
Bầu cử tổng thống ở Mỹ không dựa vào cuộc đầu phiếu phổ thông toàn quốc mà dựa vào cuộc tranh đua từng tiểu bang một, trong đó số phiếu của mỗi tiểu bang được xác định bởi dân số và số đại biểu tại quốc hội. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
5.
Các ngoại trưởng ASEAN, Trung Quốc mở cuộc họp đặc biệt
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi thông báo hôm 12/6 rằng Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã mời những người đồng nhiệm của 10 nước trong Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tham gia cuộc họp đặc biệt hôm 14/6 tại Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam ở miền tây nam của Trung Quốc.
Cuộc họp sẽ bàn về quan hệ ASEAN-Trung Quốc và việc thực thi đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của Các Bên ở Biển Đông, cũng như Tham vấn về Bộ Quy tắc Ứng xử.
Cuộc họp ở Côn Minh cũng đáng chú ý vì có thể có những diễn biến liên quan đến đề xuất của Singapore về Bộ Quy tắc Ứng xử mở rộng về Những Vụ chạm trán Bất ngờ trên biển, bao gồm cả các tàu tuần duyên, nhằm tránh những đụng độ đáng tiếc ở Biển Đông. ASEAN và Trung Quốc trước đây đã đồng ý xem xét đề xuất này.
ASEAN gồm các nước Việt Nam, Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore và Thailand.
Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan sẽ cùng ông Vương Nghị làm đồng chủ tọa cuộc họp. Tiến sỹ Balakrishnan hiện là điều phối viên về quan hệ đối thoại ASEAN-Trung Quốc.
Cuộc họp diễn ra vào lúc lo ngại đang tăng lên về nguy cơ xung đột do việc Trung Quốc xây dựng các cơ sở quân sự trên một số thực thể ở Biển Đông, trong khi đó, Mỹ đã tiến hành các cuộc hành quân vì tự do hàng hải và các chuyến bay có mục đích tương tự ở vùng biển.
Căng thẳng cũng gia tăng khi các bên chờ đợi phán quyết của một tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc về các tuyên bố của Trung Quốc đòi chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông. Vụ khiếu nại do Philippines nộp lên tòa năm 2013. Dự kiến vài tuần nữa sẽ có phán quyết, và nhiều người cho rằng phán quyết sẽ bất lợi cho Trung Quốc.
Nghị trình của cuộc họp cũng bao gồm thảo luận về những tiến triển trong Quan hệ Đối tác Hợp tác ASEAN-Trung Quốc và việc chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 25 năm quan hệ đối tác hợp tác ASEAN-Trung Quốc.
Hiện nay, ASEAN và Trung Quốc đang thực hiện các kế hoạch hợp tác cho giai đoạn 2016-2020. Một trong những trọng tâm là nâng giá trị thương mại ASEAN-Trung Quốc lên 1 nghìn tỷ đôla và tổng đầu tư laf 150 tỷ đôla vào năm 2020.
Năm 2014, giá trị thương mại ASEAN-Trung Quốc đạt 366,5 tỷ đôla. Trong cùng năm, đầu tư của Trung Quốc vào ASEAN đạt 21,3 tỷ đôla. - VOA
|
|
6.
Tranh chấp Biển Đông: Ai về phe ai? --- Biển Đông: Người biểu tình Philippines bị hải cảnh Trung Quốc chặn ở Scarborough
Việc Philippines đưa Trung Quốc ra trước toà án trọng tài quốc tế về yêu sách của Bắc Kinh, đòi chủ quyền trên hầu hết Biển Đông đang trở thành một bài toán ngoại giao làm nhức đầu giới lãnh đạo các nước trên thế giới.
Hãng tin AP hôm nay đăng tải một bài viết, điểm qua lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông, nói rằng càng gần tới ngày toà án quốc tế ở La Haye ra phán quyết, Washington và Bắc Kinh càng tăng áp lực để thuyết phục công luận thế giới ủng hộ lập trường của mình về vai trò của toà án trọng tài quốc tế trong cuộc tranh chấp Biển Đông, để tăng sức ép buộc Bắc Kinh phải tuân thủ phán quyết của toà án.
Trung Quốc vẫn duy trì lập trường cho rằng họ sẽ không chấp nhận phán quyết của toà án La Haye, và đang tìm cách vận động sự ủng họ của các nước khác, đa số là các nước ở Châu Phi và Trung Đông.
Hãng tin AP điểm qua danh sách của các bên về vấn đề Biển Đông của họ như sau:
Hiệp Hội các quốc gia Đông Nam Á-ASEAN
ASEAN từ lâu đã ra sức tìm một giải pháp ngoại giao để giải quyết các vụ tranh chấp Biển Đông, tuy nhiên khối này không đạt được bao nhiêu tiến bộ mà còn phơi bày những sự chia rẽ sâu sắc trong khối 10 nước thành viên. Đạt một giải pháp đồng thuận về phán quyết của Toà án Trọng tài quốc tế sẽ là một thách thức đầy khó khăn.
Khi Tổng Thống Mỹ gặp các nhà lãnh đạo ASEAN vào tháng Hai, các nước đồng ý sẽ “hoàn toàn tôn trọng các tiến trình pháp lý và ngoại giao” dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc, nhưng Campuchia và Lào, hai thành viên ASEAN thân Trung Quốc, cực lực chống đối bất cứ lúc nào toà án trọng tài được đề cập.
Theo AP, là một nước cũng tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại Biển Đông, Việt Nam là nước ủng hộ vụ kiện của Philippines. Hà Nội đã tuyên bố ủng hộ việc tuân thủ hoàn toàn các thủ tục pháp lý liên quan tới vụ kiện này.
Indonesia và Singapore không tranh chấp chủ quyền nhưng đã lên tiếng mạnh mẽ hơn. Ngoại Trưởng Singapore Vivian Balakhrishnan tuần trước nói phán quyết của toà quốc tế sẽ có những hệ quả vượt ra khỏi vùng Biển Đông, và “Singapore không thể chấp nhận lý lẽ là thuộc về kẻ mạnh.” Ngoại trưởng Indonesia không khẳng định lập trường về tính cách ràng buộc của phán quyết của toà án quốc tế, nhưng nói luật pháp quốc tế phải được tôn trọng.
Riêng Philippines, là nước đâm đơn kiện thì lập trường cũng chưa xác định được từ khi ông Duterte đắc cử và bày tỏ sẵn sàng khởi động lại các cuộc thương thuyết song phương với Trung Quốc.
Nga
Moscow, như Bắc Kinh cũng tỏ ra hoài nghi đối với Washington, và vì thế là nước nổi bật nhất ủng hộ Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Trong chuyến công du sang Trung Quốc hồi tháng Tư, Ngoại Trưởng Nga Sergei Lavrov nói Nga chống đối bất cứ sự can thiệp nào của các nước bên ngoài, rõ ràng ám chỉ Mỹ, và khẳng định Nga chống đối bất cứ nỗ lực nào để quốc tế hoá các cuộc tranh chấp Biển Đông. Nga ủng hộ lập trường của Trung Quốc, rằng các cuộc tranh chấp này phải được giải quyết song phương.
Các nước Châu Phi, Trung Đông ủng hộ Trung Quốc
Hãng tin Xinhua của nhà nước Trung Quốc hôm 20/5 nói hơn 40 nước đã bày tỏ sự ủng hộ đối với lập trường của Bắc Kinh về vụ kiện do Philippines khởi động. Trong mấy tuần gần đây, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nêu bật lập trường ủng hộ của các nước, chủ yếu là ở Châu Phi, Trung Quốc và Trung Á.
Nhưng trong số các nước được Bắc Kinh nêu tên, ít chính quyền nước ngoài nào ra thông báo để khẳng định lập trường của mình một cách độc lập. Một số, kể cả Campuchia, Lào và Fiji, còn phản đối cách Trung Quốc miêu tả lập trường của họ.
Các chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (CSIS) nói họ có thể xác nhận các tuyên bố chính thức của Afghanistan, Gambia, Niger, Sudan và Vanuatu mà thôi.
Liên Hiệp Âu Châu và khối G7
Liên Hiệp Âu Châu kêu gọi tất cả các bên đòi chủ quyền Biển Đông phải giải quyết tranh chấp một cách hoà bình, và dựa trên luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển. Khối Thất Cường G7 kêu gọi tất cả các nước phải hoàn toàn thi hành các phán quyết do các toà án trọng tài quốc tế đưa ra dựa trên công ước này.
Trong tháng Sáu, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean Yves Le Drian còn đề nghị các lực lượng hải quân Châu Âu phối hợp để thực hiện các cuộc tuàn hành trên Biển Đông để khẳng định trật tự hàng hải quốc tế. Ông khuyến cáo nếu luật pháp quốc tế trên biển không được tôn trọng trong vùng, thì luật pháp quốc tế tại các vùng biển khác như ở Biển Địa Trung Hải cũng sẽ bị thách thức.
Australia
Vào tháng 1 năm nay, Ngoại trưởng Julie Bishop nói phán quyết do toà án quốc tế đưa ra về vụ kiện Philippines chống Trung Quốc sẽ vô cùng quan trọng, và sẽ giải quyết một lần cuối cùng liệu các đảo và bãi đá nhân tạo có quyền có khu đặc quyền kinh tế hay không. Nhưng Australia không khẳng định rõ lập trường ủng hộ phán quyết của toà án trọng tài như Mỹ, vì lo ngại về hệ quả của nó đối với việc giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh hải với Đông Timor.
Ấn Độ
Ấn Độ không tuyên bố lập trường rõ rệt về vụ kiện, nhưng nói chung tuyên bố luật pháp quốc tế phải được tuân thủ. Ấn Độ chia sẻ các quan tâm của Mỹ về những tham vọng bá quyền của Trung Quốc trong các vùng biển của khu vực.
Nhật Bản
Nhật Bản là một trong các nước đầu tiên ủng hộ các nỗ lực của Philippines đưa Trung Quốc ra trước toà án trọng tài quốc tế, và nói cả hai nước liên quan phải tuân thủ phán quyết của toà. Lập trường của Nhật Bản phản ánh quan ngại của nước này về những hành động của Trung Quốc đòi chủ quyền của các tuyến hàng hải thiết yếu trên Biển Đông, nơi 80% các chuyến tàu nhập khẩu dầu hoả của Nhật Bản phải đi ngang qua. - VOA
***
Một nhóm người biểu tình Philippines hôm nay, 13/06/2016, cho biết các tàu hải cảnh Trung Quốc đã ngăn chặn và phun nước vào họ, khi nhóm đi tàu ra bãi cạn Scarborough ở vùng Biển Đông để cắm quốc kỳ Philippines nhân ngày quốc khánh.
Nhóm mang tên Kalayaan Atin Ito (Tự do, đó là của chúng ta) cho biết 16 trong nhóm của họ đã đi tàu đến gần bãi cạn Scarborough vào sáng sớm hôm qua nhân ngày quốc khánh Philippines. Nhưng tàu của họ đã bị hai tàu hải cảnh Trung Quốc chặn lại.
Điều phối viên của nhóm này cho AFP biết: "Năm người trong chúng tôi định bơi đến bãi cạn để cắm cờ Philippines và cờ của Liên Hiệp Quốc, nhưng họ đã dùng hai tàu để đuổi và chặn đường chúng tôi, phun nước vào chúng tôi. Hai trong số 5 người bơi đã có thể bơi đến được bãi cạn và cắm cờ Philippines trên đó".
Bãi cạn Scarborough, mà Bắc Kinh gọi là Hoàng Nham, chỉ nằm cách đảo Luzon của Philippines 230 km, đã bị Trung Quốc chiếm giữ từ năm 2012.
Vụ này xảy ra vào lúc quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh đang rất căng thẳng với việc Tòa án Trọng tài Thường trực sắp ra phán quyết về vụ Philippines kiện bản đồ đường "lưỡi bò" của Trung Quốc. Bắc Kinh đã không thừa nhận thẩm quyền của tòa án nói trên và đã phản ứng giận dữ trước những nỗ lực của Philippines đưa hồ sơ Biển Đông ra trước tòa án quốc tế, thay vì đàm phán song phương với Trung Quốc.
Hôm nay, đại sứ Trung Quốc tại Kuala Lumpur lại tuyên bố là Manila nên làm giống như Malaysia, tức là giải quyết các tranh chấp chủ quyền Biển Đông một cách "hữu nghị", thay vì chọn con đường "đối đầu" bằng cách "đơn phương nhờ trọng tài xét xử". - RFI
No comments:
Post a Comment