Sunday, June 26, 2016

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 26/6

Tin Thế Giới

1.
Ngoại trưởng Mỹ đến Anh sau cuộc bỏ phiếu Brexit

Những chấn động vẫn tiếp diễn hôm Chủ nhật sau quyết định của Anh quốc rút khỏi Liên hiệp Âu châu (EU), trong lúc tình hình chính trị và các mối quan hệ của nước này với thế giới rơi sâu vào tình trạng không rõ ràng.  

Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, John Kerry, đang có mặt ở châu Âu, đã thêm vào các chặng dừng không báo trước đến London và Brussels vào phút cuối trong chuyến công du của ông.

Ngoại trưởng Kerry dự định sẽ họp với Ngoại trưởng Anh Philip Hammond và các giới chức khác trong nỗ lực duy trì các mối quan hệ của Washington với đồng minh hàng đầu trong một giai đoạn mới khi Anh trở nên ít tương tác với Âu Châu hơn.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama trước đó đã kêu gọi Anh quốc không nên rút khỏi EU. Mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước, cụm từ được cố Thủ tướng Winston Churchill sử dụng lần đầu tiên đã cho phép Mỹ có một tiếng nói lớn hơn tại EU thông qua Anh.

Chính quyền của Tổng thống Obama đã lo ngại về cuộc trưng cầu dân ý của Anh rút khỏi EU và hậu quả của nó đối với các mối quan hệ của Washington với London và của Mỹ với Liên hiệp Âu Châu.

Tổng thống Obama hôm thứ Sáu nói: “Vương quốc Anh và Liên hiệp Âu Châu vẫn là các đối tác không thể thiếu được của Hoa Kỳ ngay cả khi họ bắt đầu thương thảo về các mối quan hệ sắp tới.”

Tại London, Ngoại trưởng Kerry sẽ tìm một giải pháp cho tình hình. Thủ tướng David Cameron sau cuộc trưng cầu dân ý đã tuyên bố sẽ từ chức và tỏ dấu hiệu cho thấy rõ là ông sẽ không phải là người thương lượng các thủ tục cho việc Anh quốc tách khỏi EU.

Ông Cameron sẽ lập một nhóm thương thuyết để bắt đầu tiến trình, nhưng một thông báo chính thức nói rằng tiến trình tách khỏi EU cho đến tháng 10 mới bắt đầu, khi có thủ tướng mới cũng của Đảng Bảo thủ đương quyền của ông Cameron, theo dự trù sẽ tiếp quản.

Quyết định rút khỏi EU cũng khiến cho Đảng Lao động đối nghịch bị xáo trộn. Ngày càng có nhiều tiếng nói đòi thủ lãnh Jeremy Corbyn của đảng này từ chức.  

Các đảng viên cáo buộc ông Corbyn đã không quy tụ được sự ủng hộ trong nội bộ đảng để chống lại quan điểm rút khỏi EU.

Trong khi đó, các quốc gia thành viên sáng lập Liên hiệp Âu Châu đang tăng sức ép muốn Anh nhanh chóng rút khỏi khối.

Trước khi đến London, ông Kerry sẽ họp với trưởng ban chính sách đối ngoại của EU, bà Federica Mogherini tại trụ sở của EU ở Brussels vào thứ hai tới.

Ông Kerry đến Rome hôm Chủ nhật để họp về tiến trình hòa bình Trung Ðông đang bế tắt.

Tại London, ông Kerry sẽ bắt đầu một tiến trình củng cố mối quan hệ trong một bối cảnh bi kịch mới.

Một số người Anh dùng vấn đề chủ quyền làm lập luận chính cho việc bỏ phiếu rút khỏi EU nói rằng Tổng thống Obama đã giúp họ đi đến quyết định khi ông đến thăm Anh quốc hồi tháng 4 và cảnh báo họ không nên bỏ phiếu rút khỏi EU, và khuyến cáo họ rằng Anh sẽ đứng cuối hàng trong các thỏa thuận thương mại nếu họ biểu quyết “rút.”

Thứ Ba, Thủ tướng Cameron sẽ đi Brussels, nơi mà 27 nước thành viên EU sẽ họp lần đầu tiên không có Anh. - VOA
|
|

2.
Châu Âu yêu cầu Luân Đôn nhanh chóng ra khỏi Liên Hiệp --- Anh Quốc: Hơn 2,5 triệu chữ ký yêu cầu bỏ phiếu lần thứ hai --- Ấn Độ bị chấn động vì Brexit

Luân Đôn bị tố cáo bắt cả Liên Hiệp Châu Âu làm "con tin". Trong cuộc họp khẩn hôm thứ Bảy 25/06/2016, Ngoại trưởng sáu thành viên sáng lập Liên Hiệp Châu Âu thúc giục Anh Quốc nhanh chóng tiến hành thủ tục "ly dị", để sang trang sử mới.

Hai ngày sau khi phe "Brexit" chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý, ngoại trưởng sáu nước sáng lập Liên Hiệp Châu Âu họp khẩn tại Berlin vào ngày hôm qua 25/06. Cùng với năm đồng nhiệm Pháp, Ý, Hà Lan, Bỉ, Luxembourg, Ngoại trưởng Đức Franck-Walter Steinmeier tuyên bố không muốn Liên Hiệp Châu Âu bị sa lầy. Ông nói thêm là Luân Đôn phải nhanh chóng áp dụng điều khoản 50 của Hiệp ước Lisboa, khi một thành viên đơn phương và tự nguyện rút lui. 

Trong khi đó, thủ tướng Anh sau khi đưa đất nước vào cuộc phiêu lưu bất trắc, cho biết sẽ từ chức vào tháng 10 để cho người kế nhiệm đàm phán với Bruxelles.

Một cách thẳng thừng hơn, hai vị chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker và chủ tịch Nghị Viện Châu Âu Martin Schultz công kích trực tiếp thủ tướng Anh David Cameron cố tình kéo dài thời gian. Tuyên bố trên đài truyền hình Đức, ông Jean-Claude Juncker nhận định dường như Anh Quốc không muốn một cuộc "ly dị có thỏa thuận", tại sao phải chờ đến tháng 10 mà không gửi ngay bây giờ thông báo "ly hôn". Còn chủ tịch Nghị Viện Châu Âu Martin Schultz thì lên án ông David Cameron bắt cả Châu Âu là "con tin" khi nói là phải chờ đến tháng 10.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault cũng kêu gọi thủ tướng Anh nhanh chóng trao quyền cho người mới trong khi đồng nhiệm Hà Lan kêu gọi sang trang sử mới.

Theo AFP, các thành viên Liên Hiệp Châu Âu lo ngại Luân Đôn chơi trò "mèo vờn chuột" vì không ai trong Liên Hiệp Châu Âu có thẩm quyền buộc Anh Quốc thực thi điều khoản 50 trong Hiệp ước Lisboa. - RFI

***
Hôm nay, 26/06/2016, sau hai ngày có kết quả Brexit, một cuộc vận động bỏ phiếu lần thứ hai thu thập được hơn 2,5 triệu chữ ký, với mong muốn đảo ngược tình thế.

Cuộc vận động được thực hiện trên trang web của Nghị Viện Anh Quốc trước cuộc bỏ phiếu hôm thứ Năm vừa rồi. Theo đó, một cuộc trưng cầu lần thứ hai diễn ra nếu một trong hai kết quả "Rời khỏi" hay "Ở lại" có dưới 60% số phiếu và tổng số người bỏ phiếu dưới 75%.

Bên ủng hộ Brexit đã chiến thắng với tỉ lệ 52%. Số người đi bỏ phiếu là 72%.Theo một thăm dò hôm thứ Sáu, một nửa số người được hỏi cho biết không nên xem xét lại, ngay cả khi Liên Hiệp Châu Âu có những nhượng bộ. Khoảng 39% cho biết nếu châu Âu có những nhượng bộ mới, thì nên có một cuộc trưng cầu mới.

Tính đến chiều tối hôm qua, cuộc vận động trên Internet đã thu thập được hơn 2,5 triệu chữ ký. Phần lớn chữ ký đến từ những vùng muốn nước Anh ở lại, nhất là thủ đô Luân Đôn.

Nghị Viện Anh Quốc phải xem xét tổ chức thảo luận bất kỳ cuộc vận động nào có được hơn 100,000 chữ ký. Thủ tướng Anh, David Cameron, cho biết sẽ không có cuộc trưng cầu lần thứ hai.

Sau Brexit, 52% dân Scotland muốn tách khỏi Liên hiệp Anh

Hôm nay, 26/06/2016, theo một thăm dò vừa được công bố, hơn một nửa người dân Scotland muốn nước này độc lập với Liên hiệp Anh, sau khi có kết quả Brexit.

Cuộc khảo sát do viện Panelbase thực hiện cho tạp chí Sunday Times, trong hai ngày thứ Sáu và thứ Bảy với 620 người tham gia. Có 52% trong số này muốn Scotland tách ra khỏi Liên hiệp Anh.

Trong một cuộc trưng cầu vào năm 2014, người dân Scotland đã chọn ở lại với Liên hiệp Anh với tỉ lệ 55%. Tuy nhiên, sau khi có kết quả Brexit, nữ thủ tướng Scotland, Nicola Sturgeon cho biết việc tổ chức trưng cầu dân ý có nhiều khả năng xảy ra. Nếu đa số người dân muốn ở lại với Liên Hiệp Châu Âu, Scotland sẽ trưng cầu dân ý là có ở lại với Liên hiệp Anh hay không.

Trong cuộc bỏ phiếu hôm thứ Năm vừa qua, 62% người dân Scotland chọn "ở lại" châu Âu. Sau một cuộc họp khẩn với nội các hôm qua, bà Sturgeon cho biết một cuộc trưng cầu lần thứ hai về việc Scotland có ở lại với Liên hiệp Anh chắc chắn sẽ đưa ra bàn bạc. - RFI

***
Không phải chỉ có Châu Âu bị chấn động, quyết định "ly hôn" của Anh Quốc đã lan đến tận thuộc địa cũ Ấn Độ. New Delhi lo ngại bị nhiều hệ quả nặng nề do Luân Đôn là đầu cầu thương mại kinh tế của Ấn Độ trong thị trường châu Âu.

Từ New Delhi, thông tín viên Antoine Guinard phân tích:

"Cũng như đa số các nước trên thế giới, ngày 24/06, Ấn Độ bị choáng váng khi hay tin phe Brexit chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý ngày hôm trước. Nhiều trị giá niêm yết trên thị trường chứng khóan Ấn Độ bị sụt giảm. Về cụ thể, sự kiện Anh Quốc ra đi có thể gây ra nhiều tác động tai hại cho Ấn Độ. 

Trước hết, đồng bảng Anh mất giá sẽ làm cho nhiều nhà đầu tư Ấn Độ thiệt hại theo. Hiện nay, Ấn Độ đứng hàng thứ hai tính theo nguồn vốn nước ngoài đầu tư trực tiếp vào Anh Quốc, nơi có đến 800 công ty Ấn hoạt động. Phần lớn các xí nghiệp này như tập đoàn xe hơi Tata, kiểm soát nhóm Jaguar-Lanrover, muốn xâm nhập vào thị trường chung châu Âu, nay đã thông báo phải xem xét lại "chiến lược" sau Brexit. Lợi nhuận do công nghiệp điện toán Ấn Độ trên thị trường châu Âu mang lại cũng có thể giảm đi trong ngắn hạn.

Thật ra Brexit không chỉ mang lại hệ quả xấu. Nhiều chuyên gia Ấn cho rằng một khi không còn bị luật lệ của Bruxelles cản trở, Anh Quốc sẽ dễ mở cửa cho công ty Ấn. NewDelhi cũng có thể hy vọng thương lượng với Luân Đôn một thỏa thuận trao đổi thương mại song phương có lợi cho xuất khẩu của Ấn". - RFI
|
|

3.
Bắc Kinh và Matxcơva biểu dương hữu nghị

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã được lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp đón theo lễ nghi quân cách tại Đại Sảnh Đường Nhân Dân ngày thứ Bảy 25/06/2016. Tính từ năm 2013 khi họ Tập lên cầm quyền, đây là chuyến công du Trung Quốc lần thứ tư của chủ nhân điện Kremlin. Hai bên đã ký một loạt 50 hợp đồng hợp tác song phương. Một mối lợi bất ngờ cho tổng thống Nga trong bối cảnh suy yếu vì cấm vận quốc tế.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Heike Schmith tường thuật:

"Tôi chắc chắn rằng hai nước chúng ta có thể thành công hơn trong mọi lãnh vực – thương mại, đầu tư, nông nghiệp, năng lượng, và tất nhiên sáng tạo là ưu tiên hàng đầu". Ông Vladimir Putin đã nói với ông Tập Cận Bình như thế, và đồng nhiệm Trung Quốc trịnh trọng đáp lời: "Hai nước chúng ta phải xúc tiến ý tưởng là bạn bè với nhau vĩnh viễn".

Những người bạn đang cần lẫn nhau: cấm vận của phương Tây đã cô lập Matxcơva trên trường quốc tế. Tổng thống Putin vì vậy phải tìm kiếm các nhà đầu tư và các khách hàng mua khí đốt, dầu khí, vũ khí của Nga. Về phía Trung Quốc có thể trông cậy vào đồng minh Nga, nhằm ủng hộ tham vọng lãnh thổ của Bắc Kinh tại Biển Đông.

Nhưng sự hồ hởi ban đầu khi hai nước ký kết một hợp đồng thế kỷ trị giá 360 tỉ euro năm 2014, để xây dựng đường ống dẫn dầu mang tên "Sức mạnh Xibêri", đã nhường chỗ cho nỗi thất vọng. Bởi vì trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và Nga từ 90 tỉ euro năm 2014 đã sụt xuống chỉ còn 54 tỉ euro trong năm ngoái, do đồng rúp và giá dầu sụt giảm". - RFI
|
|

4.
Tây Ban Nha bầu lại Quốc Hội sau sáu tháng bế tắc

Cử tri Tây Ban Nha phải đi bầu lại Quốc Hội trong ngày Chủ nhật 26/06/2016, ngay sau khi cơn bão Brexit tại Anh, để quyết định phe nào lên cầm quyền sau sáu tháng khủng hoảng vì hai đảng tả hữu truyền thống không thành lập được liên minh.

Theo AFP, cho đến trưa nay, số cử tri đi bầu có vẻ thưa vắng hơn lần trước. Vào tháng 12/2015, cử tri Tây Ban Nha đã bầu Quốc Hội mới và trừng phạt hai đảng chính trị truyền thống. Chính phủ cánh hữu bình dân của thủ tướng Mariano Rajoy tuy về nhất với gần 29% nhưng mất đa số ở Quốc Hội. Trong khi đó, đảng Xã hội bị thất bại nặng nề, đứng hạng nhì. Kẻ chiến thắng là tổ chức cực tả Podemos và đảng Ciudadanos theo xu hướng thị trường tự do, mới xuất hiện trên chính trường, giành nhiều ghế của hai đảng truyền thống.

Vấn đề là liên tục nhiều tuần lễ sau đó, không phe nào chấp nhận liên minh với phe nào để điều hành cường quốc kinh tế thứ tư của vùng đồng tiền chung Euro. Bầu lại Quốc hội là giải pháp cuối cùng theo quy định của Hiến pháp.

Từ sáu tháng nay, chính phủ thủ tướng Rajoy chỉ xử lý thường vụ.

Theo các kết quả thăm dò ý kiến thì đảng cánh hữu bảo thủ vẫn còn được đông đảo dân chúng ủng hộ. Theo AFP, câu hỏi đặt ra là liệu cử tri Tây Ban Nha hăng hái đi bầu khi mùa nghỉ hè đã tới ? Nếu tỉ số vắng mặt càng cao thì cánh hữu có nhiều hy vọng thắng vì ở Tây Ban Nha, cử tri phe tả có tiếng lười đi bầu. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

5.
TransCanada kiện Mỹ hủy dự án đường ống dẫn dầu Keystone

Tập đoàn năng lượng khổng lồ TransCanada kiện Hoa Kỳ về việc hủy dự án đường ống dẫn dầu gây nhiều tranh cãi Keystone XL.

TransCanada đòi bồi thường 15 tỉ đôla cho các phí tổn và những thiệt hại.  

Hồi tháng Giêng, công ty năng lượng này đã loan báo ý định kiện Mỹ, nhưng nói rằng họ muốn tạo cơ hội cho trọng tài phân xử trước. Công ty này nói họ đã không đạt được thỏa thuận “giải quyết êm thắm” với Mỹ.

TransCanada khởi kiện căn cứ vào Hiệp định Tự do Thương Mại Bắc Mỹ có mục tiêu bảo vệ các nhà đầu tư nước ngoài.

Dự án Keystone XL nhắm mục tiêu vận chuyển dầu thô từ các mỏ cát dầu ở miền tây Canada đến các nhà máy lọc dầu ven Vịnh Mexico của Mỹ.

Tổng thống Barack Obama đã quyết định ngưng dự án này hồi năm ngoái.

Ông Obama nói rằng một dự án khổng lồ liên quan đến nhiên liệu hóa thạch không nằm trong lợi ích quốc gia của Mỹ, trong lúc ông đang dẫn đầu nỗ lực chống tình trạng trái đất ấm dần lên.

Các nhà bảo vệ môi trường nói rằng dầu thô khai thác từ cát dầu cực kỳ bẩn và nếu xảy ra một vụ tràn dầu từ đường ống dẫn của dự án này thì sẽ là một thảm họa. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

6.
Gần 50 nước ủng hộ Trung Quốc về biển Đông

Bắc Kinh tuyên bố rằng ít nhất 47 quốc gia đã ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong cuộc tranh chấp ở biển Đông.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh công bố con số này trong cuộc họp báo hôm 23/6.

Bà Hoa nói: “Số ủng hộ Trung Quốc tăng lên mỗi ngày, cho nên tôi không thể cung cấp con số cụ thể”.

Nữ phát ngôn viên này nói thêm rằng con số thực tế “không phải là điều quan trọng nhất”.

“Chừng nào ai đó có quan điểm khách quan, bất thiên vị, hiểu các điểm chính về lịch sử của biển Nam Trung Hoa [biển Đông] cũng như hiểu bản chất của cái gọi là ‘vụ phân xử’ [vụ kiện của Philippines], bất kỳ quốc gia, tổ chức và cá nhân không thiên vị nào đều sẽ không do dự ủng hộ quan điểm công bằng của Trung Quốc,” bà Hoa nói.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington, Mỹ, Trung Quốc đang “ráo riết vận động sự hậu thuẫn” đối với Bắc Kinh trước khi Tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc dự kiến sẽ ra phán quyết về vụ kiện “đường lưỡi bò” của Bắc Kinh trong tháng tới.

Hồi tháng Tư, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ủng hộ lập trường của Trung Quốc về việc giải quyết song phương tranh chấp biển Đông.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga cũng kêu gọi “các quốc gia ngoài cuộc ngừng can thiệp vào các cuộc đàm phán giữa các bên liên quan”.

Trong khi đó, hôm 24/6, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình đã lên tiếng về việc Trung Quốc tiếp tục tiến hành xây dựng và đưa vào sử dụng một số công trình ở quần đảo Trường Sa, , cũng như về thông tin Tập đoàn Vận tải biển Trung Quốc COSCO có kế hoạch tổ chức các tuyến du lịch ra quần đảo Hoàng Sa.

Ông Bình tuyên bố rằng Hà Nội “kiên quyết phản đối", và rằng “những hành động phi pháp như vậy không thể làm thay đổi sự thực về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này”. VOA
|
|

7.
Báo VN đưa tin phóng sự của Đài Loan (về cá chết)

Hai báo Việt Nam đưa tin về phóng sự cá chết của truyền hình Đài Loan trong lúc một nhà hoạt động nói với BBC “lẽ ra chủ động truyền thông trong vụ này phải là báo Việt Nam”.

Hôm 26/6, báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ cùng đăng bài về phóng sự dài 60 phút ‘Việt Nam – Cái chết của cá’ phát trên kênh truyền hình PTS của Đài Loan.

“Trước việc cá chết hàng loạt, người dân địa phương đã nghi ngờ có liên quan tới Formosa.

Tất cả những người được PTS phỏng vấn đều khẳng định cá chết là do Formosa xả nước thải trực tiếp ra biển.

PTS cũng nhận định, lý do tảo đỏ được đưa ra là khó chấp nhận và thuyết phục”, Tuổi Trẻ tường thuật.

“Phóng sự của PTS cũng nhắc đến tuyên bố gây sốc “chọn cá hay chọn thép” của đại diện lãnh đạo Formosa khiến dư luận Việt Nam bất bình, phẫn nộ”.

Báo Thanh Niên cùng ngày viết: 

“Người xem cũng không thể không thấy nhói lòng trước những hình ảnh tay ngư dân bị lở ngứa bởi chất nhớt màu vàng bám dính vào lưới, biển vắng tanh không ai dám tắm hay những lời ngậm ngùi từ bạn lặn của người thợ lặn xấu số Lê Văn Ngày”.

‘Cải trang thành người địa phương’

Hôm 26/6, trả lời BBC từ Đà Nẵng, nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn, người đã có hơn một tháng điều tra độc lập tại Hà Tĩnh và là một trong các nhân vật được truyền hình Đài Loan phỏng vấn, nói:

“Các báo Việt Nam đã bỏ qua hai chi tiết nổi bật trong phóng sự. Một là chuyện 155 học sinh ở Kỳ Lợi không được phép đến trường vì bố mẹ các em không đồng ý với phương án giải phóng mặt bằng cho dự án Formosa của chính quyền”.

“Hai là những mô tả về việc bố ráp của lực lượng an ninh địa phương, việc bắt giữ các nhà hoạt động về đưa tin trong vùng cũng như việc chính phủ đàn áp biểu tình ở Sài Gòn, Hà Nội”.

Ông Tuấn cho biết thêm: “Tôi vui vì góp phần giúp đoàn làm phim Đài Loan tác nghiệp, mang được tiếng nói của ngư dân và cư dân miền Trung đến với công chúng Đài Loan. Buồn là vì lẽ ra phần chủ động về truyền thông trong vụ việc này phải thuộc về báo chí Việt Nam, vốn có nhiều lợi thế hơn về thực địa”.

“Dù tôi đã cảnh báo việc tác nghiệp ở Vũng Áng trong thời điểm đó có thể khiến các nhà báo Đài Loan gặp phải rủi ro, kể cả khả năng bị bắt, song cuối cùng họ vẫn quyết định đến Việt Nam thực hiện phóng sự”.

“Trong quá trình tác nghiệp, họ đã phải cải trang thành người địa phương, đi làm tin trong cảnh phập phồng lo sợ, bị các nhân viên an ninh mặc thường phục theo sát và chỉ có thể thoát nạn nhờ vào sự giúp đỡ tận tình của người dân địa phương”.

“Thật sự tôi tin là những nhà báo Việt Nam cũng có tinh thần dấn thân, trình độ tác nghiệp cũng không thua kém đồng nghiệp Đài Loan, song sản phẩm của họ khó mà đến được với công chúng một cách chính thức, vì bị kiểm duyệt và tự kiểm duyệt”, nhà hoạt động nói với BBC.

“Một nhà báo Đài Loan nói với tôi lúc ở Hà Tĩnh: 'Tôi cũng biết tự do báo chí ở Việt Nam không được tôn trọng, giống Trung Quốc. Nhưng không hề nghĩ tình hình lại tệ đến thế, tới mức mà việc làm tin có thể khiến nhà báo bị đánh đập, bắt giữ'.

“Nếu như trước ngày 29/4, các nhà báo tràn ngập ở Kỳ Anh, khai thác mọi khía cạnh của vụ việc, phỏng vấn rất nhiều ngư dân và cư dân địa phương; thì sau ngày đó, Kỳ Anh vắng hẳn bóng nhà báo, đến nổi nhiều người dân phải hỏi tôi là sao nhà báo đi đâu hết rồi”.

“Tôi nghĩ đây là một trở ngại chính khiến báo chí Việt Nam sẽ còn tụt hậu so với báo chí các nước. Và đây cũng là một thiệt thòi lớn cho những nhà báo chân chính ở Việt Nam”. - BBC

No comments:

Post a Comment