Tin Thế Giới
1.
Ba vấn đề trong chuyến thăm của Obama
Báo USA Today có bài viết nói về ba vấn đề chính trong chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tới Việt Nam.
Các vấn đề này là sức ép của Việt Nam đòi Hoa Kỳ bỏ cấm vận vũ khí, lo ngại về các vi phạm nhân quyền và thương mại song phương.
Tác giả của bài viết, Thomas Maresca, nói Việt Nam cho rằng Hoa Kỳ cần bỏ cấm vận vũ khí để đối trọng với chuyện Trung Quốc ngày càng cứng rắn hơn.
Ông cũng dẫn lời nhà quan sát Việt Nam Carl Thayer từ Úc nói có thể đây là thời điểm chính trị thích hợp để ông Obama bỏ cấm vận vì nhiệm kỳ của ông gần hết và ông tập trung vào di sản mà ông sẽ để lại.
Nhưng, theo tác giả bài viết, vấn đề trở ngại đối với việc bỏ cấm vận chính là tình trạng nhân quyền tồi tệ ở Việt Nam dù có quan chức Mỹ nói Hà Nội đã có "một số tiến bộ" khi ký các công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tra tấn và về quyền của người khuyết tật trong mấy năm qua.
Về thương mại, Việt Nam là một trong 12 nước thành viên của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP.
Lợi ích gần nhau
Chuyến thăm sắp tới của Obama tới Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh được nhiều báo Hoa Kỳ đề cập tới.
Hôm 14/5, Washington Post có bài "Ông Obama phải nói gì ở Việt Nam" trong đó nói lợi ích của Hoa Kỳ và Việt Nam về thương mại và an ninh đang ngày càng gần nhau hơn.
Bài xã luận viết: "... Ông Obama phải để ý tới tình trạng nhân quyền ảm đạm của Việt Nam. Dù Việt Nam phát triển kinh tế nhanh trong những năm gần đây, họ vẫn là nhà nước độc đảng vốn tước đoạt tự do của người dân và cai quản bằng sức mạnh.
Ban Biên tập của tờ báo cũng viết: "Việc bỏ cấm vận vũ khí xem ra có thể chấp nhận được nhưng Obama cần cương quyết đòi có cải thiện nhân quyền thực sự trước khi làm [như vậy].
"Đảng Cộng sản giữ độc quyền quyền lực và hạn chế các quyền văn bản như tự do ngôn luận, ý kiến, báo chí, lập hội và tôn giáo, thường là qua trấn áp và hành hạ thể xác.
"Bộ luật hình sự của đất nước này cũng hình sự hóa việc thực hiện nhiều quyền căn bản."
'Hy vọng' bỏ cấm vận vũ khí
Trong khi đó Đài Tiếng nói Việt Nam dẫn lời ông Phạm Quang Vinh, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, nói ông "tin rằng sẽ có những thỏa thuận lớn trong những vấn đề này, từ hợp tác kinh tế cho đến những lĩnh vực hợp tác khác."
Ông Vinh cũng nói thêm:
"Nếu chúng ta nhìn lại 20 năm quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ và đặc biệt là 10 năm qua thì đây là chuyến thăm kế tiếp thứ 3 của 3 đời Tổng thống liên tục của Mỹ. Trong 10 năm qua, quan hệ giữa hai nước đã có những bước phát triển vượt bậc.
"Thứ nhất, quan hệ thương mại song phương đã lên tới 45 tỷ USD, gấp 90 lần so với 20 năm trước đây. Thứ hai, trong nhiệm kỳ của Tổng thống Obama, hai nước đã hình thành được khuôn khổ quan hệ lâu dài, ở đây là khuôn khổ Đối tác toàn diện được ký kết năm 2013 và đặc biệt là chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ năm 2015 đã thông qua tuyên bố tầm nhìn về quan hệ hai nước. Đây là nền tảng và cơ hội để thúc đẩy quan hệ hai nước mạnh hơn nữa.
"Bên cạnh đó, quan hệ Việt-Mỹ đã phát triển trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, an ninh quốc phòng, khoa học kỹ thuật, giáo dục, giao lưu nhân dân cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm.
"Tôi hoàn toàn tin tưởng chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Obama sẽ đạt được những kết quả tốt đẹp, làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác toàn diện giữa hai bên."
Riêng về việc gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương, ông Vinh được dẫn lời nói:
"Tôi cho rằng việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương là cần thiết và càng sớm càng tốt, đặc biệt là nếu đạt được trong chuyến thăm này thì đó là điều rất tốt cho quan hệ hai nước.
"Việc dỡ bỏ lệnh cấm sẽ chứng tỏ rằng sau 20 năm, trở ngại cuối cùng được dỡ bỏ để quan hệ hai nước được bình thường hóa hoàn toàn. Bên cạnh đó, dỡ bỏ lệnh cấm vận này sẽ giúp tăng thêm độ tin cậy giữa hai nước, qua đó mở ra các cơ hội hợp tác mới. Do đó, tôi đặt nhiều hy vọng vào điều này." - BBC
|
|
2.
Hoa Kỳ tăng thuế nhập khẩu thép của Trung Quốc lên trên 500%
Hãng tin Reuteurs cho biết ngày 17/5/2016, Hoa Kỳ chính thức tăng thuế nhập khẩu thép của Trung Quốc lên 522%, đặc biệt đối với thép tấm cán nguội được sử dụng trong công nghiệp xe hơi, công-ten-nơ và xây dựng.
Các nhà sản xuất thép Hoa Kỳ và châu Âu cáo buộc Trung Quốc bóp méo thị trường thép thế giới và phá giá với sản lượng dư thừa trong nước.
Theo Hoa Kỳ, cạnh tranh không bình đẳng của Trung Quốc đã khiến ngành thép Hoa Kỳ mất đi khoảng 12 ngàn việc làm trong năm 2015. Cũng trong năm 2015, Trung Quốc đã xuất khẩu thép tấm cán nguội sang Hoa Kỳ với tổng giá trị khoảng 272 triệu đô la.
Lượng thép nhập khẩu của Hoa Kỳ chỉ chiếm khoảng 2% lượng xuất khẩu của Trung Quốc. Tuy nhiên, do chống phá giá, các nước nhập khẩu thép của Trung Quốc sẽ phân tán hơn. Trung Quốc cho biết sẽ tiếp tục chính sách hỗ trợ thuế xuất khẩu cho các nhà xuất khẩu thép Trung Quốc trong nỗ lực vực dậy ngành này.
Thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn căng thẳng ở một số mặt hàng, gần đây nhất là Trung Quốc áp thuế phá giá đối với gà thịt của Mỹ. - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
3.
Donald Trump mở ngỏ khả năng đối thoại với Kim Jong Un
Người hầu như sẽ chắc chắn được Ðảng Cộng hòa đề cử ra tranh chức tổng thống Mỹ, ông Donald Trump, nói rằng ông sẽ mở ngỏ khả năng đối thoại với lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un để ngưng chương trình hạt nhân của nước Cộng sản này.
Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Reuters hôm thứ Ba, ông Trump nói: “Tôi sẽ đối thoại với ông Kim. Tôi sẽ không có gì trở ngại trong việc nói chuyện với ông Kim”.
Ông Trump còn nói rằng ông sẽ dùng cái ông gọi là ưu thế kinh tế của Mỹ đối với Trung Quốc để áp lực buộc chính phủ Trung Quốc phải tích cực trong việc tìm giải pháp.
Bắc Triều Tiên đang chịu nhiều vòng trừng phạt của Liên hiệp quốc nhắm vào chương trình vũ khí hạt nhân và nhiều lần thử nghiệm phi đạn bị cấm của Bình Nhưỡng.
Trung Quốc và Mỹ đã cùng với Nam Triều Tiên, Nga và Nhật Bản đàm phán với Bắc Triều Tiên để ngăn chặn các hoạt động hạt nhân của Bình Nhưỡng, nhưng nỗ lực đó đã đổ vỡ năm 2008.
Ông Jake Sullivan – cố vấn của bà Hillary Clinton, người có nhiều khả năng sẽ là đối thủ của ông Trump trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11 – chỉ trích phát biểu của ông Trump. Ông Sullivan cũng nhấn mạnh đến những tuyên bố trước đây của ông Trump, trong đó có phát biểu rằng có lẽ ông sẽ không có quan hệ tốt với Thủ tướng Anh David Cameron.
Ông Sullivan nói: “Ông Donald Trump xúc phạm đồng minh thân thiết nhất của chúng ta, xong lại quay sang nói rằng ông mong muốn nói chuyện với ông Kim Jong Un.”
Ông Trump nói với hãng Reuters hôm thứ Ba rằng ông Cameron có những vấn đề, nhưng ông tin chắc là ông và ông Cameron sẽ có quan hệ tốt đẹp.
Bà Clinton cũng từng chỉ trích tương tự như vậy với đối thủ của bà năm 2007, nay là Tổng thống Barack Obama, khi ông Obama nói rằng ông sẽ đối thoại với lãnh đạo của các nước như Cuba, Bắc Triều Tiên và Iran mà không cần điều kiện tiên quyết. Một nhật báo ở Iowa trích lại lời của bà Clinton nói rằng chính sách đó “là vô trách nhiệm và quá ngây thơ.”
Tổng thống Obama đã gặp gỡ với chủ tịch Raul Castro của Cuba hồi tháng 3, và đã nói chuyện điện thoại với Tổng thống Iran Hassan Rouhani, nhưng chưa có tiếp xúc trực tiếp nào giữa ông với lãnh tụ Kim Jong Un. - VOA
|
|
4.
Bà Clinton đến gần hơn đến đề cử của đảng Dân chủ
Cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tiến gần đến chỗ gần như chắc chắn giành được đề cử của Ðảng Dân chủ để ra tranh chức tổng thống sau hôm 17/5.
Với hầu như toàn bộ số phiếu của cuộc bầu cử sơ bộ bang Kentucky đã được đếm xong, bà Clinton được hơn Thượng nghị sĩ Bernie Sanders của bang Vermont 2.000 phiếu. Các giới chức bầu cử cho biết họ chưa công bố ai thắng, nhưng bà Clinton đã tuyên bố thắng lợi.
Kết quả chung cuộc không quan trọng lắm bởi vì Ðảng Dân chủ sẽ chia phiếu đại biểu theo tỉ lệ phiếu bầu giành được và hai ứng cử viên cuối cùng sẽ được số phiếu đại biểu của bang Kentucky gần nhưng ngang bằng nhau.
Tại một cuộc đua khác hôm 17/5, ông Sanders giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ ở bang Oregon thuộc miền đông bắc.
Tại các bang sắp tới, ông Sanders cần phải thắng được 85% số phiếu đại biểu còn lại thì mới vượt qua được bà Clinton để giành quyền đề cử của đảng. Ông Sanders chỉ thắng được một tiểu bang với tỉ lệ cao như vậy tính đến nay, và đó là bang nhà Vermont của ông.
Ðảng Dân chủ sẽ bầu cử sơ bộ tại Virgin Islands vào ngày 4 tháng 6, và tại Puerto Rico ngày 5 tháng 6. Các lãnh thổ đó không có nhiều phiếu đại biểu để bà Clinton có thể giành đủ để đạt quyền đề cử, nhưng theo trông đợi bà sẽ giành đủ số phiếu vào ngày 7 tháng 6 khi 6 tiểu bang bầu cử sơ bộ.
Người được Ðảng Dân chủ đề cử sẽ tranh đua với ứng cử viên của Ðảng Cộng hòa là ông Donald Trump trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11.
Một cuộc thăm dò dư luận do NBC News và Survey Monkey thực hiện hôm 17/5 cho thấy bà Clinton dẫn trước ông Trump với tỉ lệ sít sao là 48 trên 45 – giảm 5 điểm so với một tuần lễ trước đó.
Bình quân của nhiều cuộc thăm dò cho thấy bà Clinton dẫn trước ông Trump khoảng 6 điểm, còn ông Sanders dẫn trước ông Trump đến 13 điểm. - VOA
|
|
5.
Đối với nhiều cựu quân nhân Mỹ, chiến tranh Việt Nam vẫn tiếp diễn
Chủ nhật tuần này, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ đến thăm Việt Nam, nơi mà nước Mỹ từng trú đóng hơn nửa triệu binh sĩ để chiến đấu trong một cuộc xung đột hết sức khốc liệt và đã làm cho nước Mỹ bị chia rẽ trầm trọng. Cuộc xung đột đó đến nay vẫn còn làm bùng ra những cuộc tranh luận, nhất là trong số những người từng tham gia chiến đấu. Thông tín viên Greg Flakus của đài VOA tường thuật.
Cuối tháng tư vừa qua, nhiều cựu chiến binh cùng với các cựu quan chức chính phủ và các nhà báo đã tụ tập tại Thư viện Tổng thống Lyndon Johnson ở tiểu bang Texas để dự cuộc hội thảo được đặt tên Thượng đỉnh Chiến tranh Việt Nam.
Trước một cử toạ gồm nhiều người từng chiến đấu ở Việt Nam và những người phản đối cuộc chiến tranh đó, nhạc sĩ Joe McDonald đã hát lại bài hát phản chiến nổi tiếng một thời của ông. Ông cho biết như sau về bài hát này.
"Điều đặc biệt của bài hát là nó không qui lỗi chiến tranh cho các chiến sĩ. Tôi vẫn thường nói là qui lỗi chiến tranh cho các chiến sĩ cũng giống như qui lỗi hoả hoạn cho lính cứu hoả."
Những cựu chiến binh có những cảm xúc lẫn lộn khi nghĩ tới cuộc xung đột đã kết thúc cách nay hơn 40 năm. Họ không đồng ý với nhau về vấn đề là cuộc chiến tranh đó có chính đáng hay không và có thể thắng hay không, nhưng tất cả đều cảm thấy cuộc chiến đó đã làm cho cuộc đời của họ thay đổi rất nhiều.
Ông Kerry Orr, một cựu chiến binh bị thương năm 1969 ở Việt Nam, cho biết như sau.
"Thật khó để nghĩ là chúng ta đã thua bởi vì chúng ta đã không muốn thắng và cho tới giờ tôi vẫn không hiểu được tại sao chúng ta không muốn thắng."
Cảm giác đó còn mãnh liệt hơn đối với những người lính Việt Nam Cộng hoà, như cựu Đại uý Michael Đỗ.
"Tổng thống Nixon đã hứa là ông ấy sẽ giúp đỡ chúng tôi bằng mọi cách để bảo vệ đất nước trong trường hợp phe Cộng Sản tấn công trở lại."
Nhà văn Robert Schenkkan cho biết công chúng Mỹ khi đó đã cảm thấy chán ngán đối với cuộc chiến tranh Việt Nam và các hồ sơ chính phủ cho thấy những nhà hoạch định chính sách tin rằng cuộc chiến tranh đó là một cuộc chiến không thể thắng.
"Những hồ sơ lịch sử cho thấy một cách rất rõ ràng là nhiều người không nghĩ là sẽ có được một chiến thắng quân sự, xét theo hoàn cảnh chính trị và xã hội lúc đó."
Kiến trúc sư trưởng của chính sách của Mỹ lúc đó là Ngoại trưởng Henry Kissinger. Nhiều người chỉ trích nói ông đã phạm tội ác chiến tranh qua việc đề nghị Tổng thống Richard Nixon dội bom Campuchia, một nước trung lập nằm cạnh Việt Nam.
Ông Kissinger nói rằng chiến dịch oanh tạc đó là một hành động chính đáng vì quân đội Bắc Việt đã đưa 4 sư đoàn tới Campuchia.
"Trong tuần lễ thứ ba của nhiệm kỳ tổng thống của ông Nixon, họ đã phát động một chiến dịch phản công làm cho 500 người Mỹ bị thiệt mạng mỗi tuần."
Cuộc hội thảo Thượng đỉnh Chiến tranh Việt Nam được tổ chức tại thư viện Tổng thống Lyndon Johnson, người đã quyết định tăng mạnh sự can thiệp của Mỹ vào cuộc chiến ở Việt Nam.
Bà Luci Baines Johnson, con gái của cố Tổng thống Johnson, nói đã tới lúc để chữa lành vết thương.
"Có lẽ là tất cả chúng ta, tất cả chúng ta, với tất cả những gì mà chúng ta có, đã thật sự cố gắng để làm những việc đúng đắn cho đất nước của mình."
Ngoại trưởng John Kerry là người từng tham chiến ở Việt Nam rồi trở thành một nhân vật hoạt động phản chiến. Ông cho rằng tiến trình chữa lành vết thương chiến tranh đang tiếp diễn với chuyến viếng thăm của Tổng thống Obama đến Việt Nam. Ông nói rằng các mối quan hệ giữa Washington và Hà Nội có thể là một kiểu mẫu cho sự hoà giải giữa các nước cựu thù. - VOA
|
|
6.
Thượng Viện Mỹ thông qua luật cho phép nạn nhân vụ 11/09 kiện Ả Rập Xê Út
Thượng Viện Mỹ ngày 17/05/2016 đã nhất trí bỏ phiếu thông qua một dự luật cho phép gia đình nạn nhân loạt khủng bố ngày 11 tháng Chín năm 2001 tại Hoa Kỳ kiện Ả Rập Xê Út. Để có hiệu lực, văn bản này phải được Hạ Viện thông qua theo cùng điều kiện. Tuy nhiên, Nhà Trắng không tán thành quyết định của các nghị sĩ và đe dọa dùng quyền phủ quyết.
Thông tín viên RFI Anne-Marie Capomaccio từ Washington giải thích thêm :
"Sự nhất trí của các thượng nghị sĩ về văn kiện trên cho thấy mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Ả Rập Xê Út đang xấu đi đến mức nào. Nếu như dự luật này được cả hai viện Quốc Hội Mỹ thông qua, Riyad dọa rút hết các khoản đầu tư của Ả Rập Xê Út khỏi Hoa Kỳ (ước tính khoảng 750 tỉ đô la).
Tổng thống Barack Obama cho biết sẽ dùng quyền phủ quyết… một cách thiếu thuyết phục. Vì đối với Nhà Trắng, luật này đã bỏ qua quyền miễn trừ của một quốc gia và có thể gây ra một chuỗi phản ứng nguy hiểm.
Còn đối với các thượng sĩ thì ngược lại, các nạn nhân có quyền biết sự thật và những kẻ gây ra tội ác phải bị truy tố trước pháp luật... bất chấp cái giá phải trả về ngoại giao.
Thế nhưng, vai trò của Ả Rập Xê Út trong vụ khủng bố 11/09 chưa bao giờ được làm rõ. Từ nhiều năm nay, các gia đình nạn nhân yêu cầu công bố kết quả một phần cuộc điều tra của Quốc Hội về loạt tấn công khủng bố nói trên, đặc biệt là chương liên quan đến vai trò của Riyad.
Song Nhà Trắng chưa bao giờ cho phép tiết lộ những tài liệu này. Theo một số người tiếp cận được hồ sơ, 28 trang hồ sơ của chương trên loại bỏ sự dính dáng của Ả Rập Xê Út, với tư cách là một nhà nước, trong loạt tấn công trên lãnh thổ Mỹ. Tuy nhiên, những thông tin gián tiếp đó vẫn không xoa dịu được các gia đình nạn nhân và không thuyết phục được các thượng nghị sĩ". - VOA
|
|
Tin Việt Nam
7.
Facebook bị chặn tại Việt Nam vì vụ cá chết
Cộng đồng mạng trong nước tố cáo Việt Nam ngăn chặn Facebook cuối tuần qua, một phần trong nỗ lực của nhà cầm quyền trấn áp các trang mạng truyền thông xã hội vì lo ngại tiếp tục bùng nổ các cuộc biểu tình vì vụ cá nhiễm độc chết hàng loạt tại miền Trung.
Các cuộc tuần hành đòi hỏi môi trường sạch-chính quyền sạch sau thảm họa môi trường ở các tỉnh Bắc Trung Bộ quy tụ đông đảo người dân trên cả nước hôm 1/5 và 8/5 xuất phát từ những lời kêu gọi được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội.
Cùng với hàng loạt các vụ bắt bớ người biểu tình hôm 15/5, các kênh thông tin liên lạc phổ biến tại Việt Nam như Facebook và dịch vụ Instagram của Facebook đều bị cản trở hầu ngăn người dân trao đổi thông tin và tổ chức các cuộc biểu tình về vụ cá chết.
Người sử dụng trong nước cho hay không thể truy cập được Facebook, nhất là trong hai ngày cuối tuần qua.
Hola, ứng dụng mạng và ứng dụng điện thoại di động miễn phí cung cấp đường truyền Internet nhanh hơn, riêng tư, và an toàn hơn, cho biết gần 200.000 người sử dụng từ Việt Nam đã dùng ứng dụng Hola hồi cuối tuần để vào Facebook.
Bất chấp chiến dịch trấn áp, người biểu tình tiếp tục kêu gọi mọi người xuống đường trong những ngày tới, nhất là khi Tổng thống Barack Obama tới Việt Nam vào đầu tuần sau, để yêu cầu tôn trọng tiếng nói của công dân đòi hỏi minh bạch hóa nguyên nhân gây thảm họa môi trường và có giải pháp thỏa đáng. - VOA
|
|
8.
Việt Nam mở ngỏ khả năng Nga trở lại Vịnh Cam Ranh
Việt Nam mở ngỏ với khả năng hải quân Nga trở lại căn cứ quân sự trước đây tại Vịnh Cam Ranh.
Cam Ranh, cảng nước sâu chiến lược gần quần đảo Trường Sa, được đánh giá có vai trò then chốt trên bàn cờ Biển Đông.
Hãng tin RIA Novosti ngày 17/5 dẫn lời đại sứ Việt Nam tại Nga, Nguyễn Thanh Sơn, tuyên bố ‘Chính sách đối ngoại nhất quán của Việt Nam là không gia nhập vào liên minh quân sự hoặc liên minh với một quốc gia khác nhằm chống lại nước thứ ba.’
Bình luận về triển vọng Nga trở lại Cam Ranh, ông Sơn nói trong bối cảnh hiện nay, thực hiện hợp tác tại cảng Cam Ranh nhằm đảm bảo hợp tác quốc tế đa phương, cung cấp dịch vụ vận tải biển, sửa chữa tàu thuyền và phát triển kỹ thuật quân sự để đảm bảo hòa bình-ổn định khu vực là đường hướng phù hợp.
Về các vấn đề cần giải quyết tại Biển Đông hiện nay, đại sứ Việt Nam nhắc lại rằng các nước trong khối ASEAN đã nhất trí tránh sử dụng võ lực hay đe dọa trong tranh chấp, đa dạng hóa các mối quan hệ, và giải quyết tranh chấp dựa trên luật quốc tế, đặc biệt là Công ước liên hiệp quốc về Luật Biển 1982, Tuyên bố về cách hành xử của các bên ở Biển Đông, và Bộ quy tắc Ứng xử Biển Đông.
Cam Ranh là căn cứ quan trọng của hải quân Mỹ và hải quân Việt Nam Cộng hòa trong thời chiến tranh Việt Nam.
Sau 1975, cảng Cam Ranh được dùng làm căn cứ hải quân quan trọng cho Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô trong bối cảnh cuộc Chiến tranh lạnh giữa khối Liên Xô và Hoa Kỳ.
Hiện cả Mỹ và Nga đều có chỉ dấu muốn quay trở lại Cam Ranh. - VOA
No comments:
Post a Comment