Friday, May 6, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 6/5

Tin Thế Giới

1.
Khai mạc đại hội Đảng Công nhân lần thứ 7 tại Bình Nhưỡng --- Bắc Triều Tiên cấm truyền thông nước ngoài đến Đại hội Đảng

Bắc Triều Tiên đã khai mạc một trong những hội nghị chính trị lớn nhất trong 36 năm qua khi Đại hội Đảng Công nhân lần thứ 7 khai mạc ngày hôm nay (6/5) tại Bình Nhưỡng.

Hoa Kỳ đang tham khảo chặt chẽ với các đồng minh châu Á để theo dõi tình hình trên bán đảo Triều Tiên trong suốt cuộc họp của các đại biểu cao cấp của đảng Công nhân Bắc Triều Tiên. Đại hội này hy vọng sẽ mang lại việc thay đổi một số chức vụ cao cấp.

Washington cũng dự đoán là chính phủ của quốc gia cô lập này có thể nhân dịp đại hội đảng để phóng một phi đạn hay thử nghiệm hạt nhân.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner ngày hôm qua tuyên bố

“Chúng ta đang tìm những phương cách có thể áp dụng và tăng cường áp lực lên nước này, đồng thời chúng ta của đảm bảo là an ninh của bán đảo Triều Tiên được thắt chặt”.

Trong những tháng gần đây, Bình Nhưỡng đã vài lần phóng thử nghiệm phi đạn đạn đạo cũng như cho nổ thử nghiệm hạt nhân lần thứ 4 vào tháng 1 năm nay. Ông Toner nói Hoa Kỳ sẽ hoan nghênh bất cứ dấu hiệu xuống thang nào của chế độ Bắc Triều Tiên.

Trước đây trong tuần, ông James Clapper, giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ đã đến Seoul.

Theo tin của Thông tấn xã Yonhap thì ông Clapper đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Nam Triều Tiên Han Min-koo để thảo luận về các vấn đề an ninh. Khả năng thử nghiệm hạt nhân lần nữa của Bắc Triều Tiên cũng được thảo luận.

Ngày hôm qua, ông James Person, thuộc Trung tâm Quốc tế Woodrow Wilson về Học giả tại Washington nói với Đài VOA:

“Ông Kim Jong Un sẽ cần báo cáo tóm lược những thành tựu của Đảng Công nhân Triều Tiên kể từ đại hội đảng lần cuối vào năm 1980 và những đường hướng về chính sách mới, tôi hy vọng ông sẽ nhấn mạnh đến đường ranh Byungjin”.

"Byungjin" là chính sách phát triển đồng thời chương trình hạt nhân và công nghiệp hàng tiêu thụ.

Tuy nhiên, ông Person không hy vọng sẽ có bất cứ đường hướng chính sách quan trọng mới vì Đại hội Đảng Công nhân Bắc Triều Tiên thường là “những công việc dàn dựng trước” và không đưa ra những loan báo quan trọng nào về chính sách.

Trong khi chờ đợi thêm những khiêu khích của Bắc Triều Tiên, trong đó có thử nghiệm hạt nhân lần thứ 5, các giới chức cao cấp Hoa Kỳ cảnh báo về “những bước thêm nữa” để trừng phạt Bình Nhưỡng và bảo vệ Washington và các đồng minh.

Tại một buổi hội thảo do Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế tổ chức vào ngày thứ Ba vừa qua, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel tuyên bố là “Dù tất cả những khoa trương, tôi không tin là Bắc Triều Tiên sẽ có bất cứ ảo tưởng nào về hậu quả của những cuộc tấn công”.

Washington đã chính thức bắt đầu thảo luận với Seoul về khả năng triển khai hệ thống phòng vệ phi đạn tiên tiến tại Nam Triều Tiên, có tên là Phòng vệ Khu vực ở Độ cao, viết tắt là THAAD. - VOA

***
Sau khi mời hàng trăm ký giả quốc tế tường thuật đại hội đảng cầm quyền đầu tiên từ 36 năm nay, Bắc Triều Tiên lại cấm giới truyền thông vào địa điểm họp thực sự.

Đại hội Đảng Công nhân là cuộc họp chính trị lớn nhất ở Bắc Triều Tiên từ nhiều thế hệ và theo dự kiến sẽ củng cố thềm quyền hành của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un và hợp thức hóa chính sách gọi là "Byongjin" của ông này nhằm thúc đẩy đồng thời cả phát triển kinh tế lẫn khả năng hạt nhân.

Đại hội đảng lần cuối được tổ chức vào năm 1980, trước khi ông Kim Jong Un ra đời và được dàn dựng để hợp pháp hóa cha của ông là Kim Jong Il là người thừa kế lãnh tụ lập quốc miền Bắc Kim Il Sung, ông nội của đương kim lãnh tụ.

Ông Kim dự kiến sẽ phát biểu trước phiên khai mạc đại hội đảng dự trù kéo dài 4 ngày, nhưng giới truyền thông không được tham dự phần này của đại hội và phần này cũng sẽ không được phát trên đài truyền hình nhà nước.

Truyền hình trực tiếp gần đó

Trưởng văn phòng ở Tokyo của báo Washington Post, bà Anna Fifield thực ra đã truyền hình trực tiếp trên Internet bên ngoài Cung Văn Hóa ngày 25 tháng 4 khi sự kiện diễn ra, nhưng không được phép vào bên trong.

Phóng viên báo The Washington Post đã sử dụng một ứng dụng điện thoại di động gọi là Periscope để gửi video trực tiếp, cho thấy nhiều nhóm phóng viên và những người được chính phủ Bắc Triều Tiên chỉ định đi hộ tống họ chờ đợi từ phía bên kia đường nơi diễn ra sự kiện. Những người xem qua Periscope đã gửi câu hỏi hỏi bà làm cách nào để truy cập internet trong một nước được cho là hạn chế gay gắt thông tin từ thế giới bên ngoài.

Bà Fifield giải thích rằng bà đã có thể sắp xếp một mang lưới tư nhân ảo gọi là VPN vượt qua những hạn chế đối với dịch vụ điện thoại di động của bà ở Bắc Triều Tiên.

Giới truyền thông quốc tế sau đó đã được đưa trở lại trung tâm báo chí trong khách sạn của họ và được phép xem truyền hình trực tiếp đại hội trên mạng truyền hình nội bộ.

Truyền thông quốc tế

Bắc Triều Tiên đã mời khoảng 100 ký giả nước ngoài tường thuật đại hội, mặc dù việc đi lại của họ đã được quản lý sát và phần lớn đất nước cũng như dân chúng không được tiếp xúc với người ngoài.

VOA là cơ quan phát thanh tin tức vào Bắc Triều Tiên qua sóng trung bình và sóng ngắn, đã không được mời tham gia việc tường thuật quốc tế này.

Trước khi đại hội diễn ra, các ký giả được mời đã được đưa theo tour tham quan các trường học và nông trại phô trương một xã hội mãn nguyện và thịnh vượng.

Tuy nhiên, nghèo khó và suy dinh dưỡng ở miền Bắc vẫn được cho là hiện tượng phổ biến, mặc dầu tin cho hay các cải cách nông nghiệp và sự xuất hiện của một số thị trường tư nhân đã cải thiện điều kiện cho nhiều người.

Trong một phúc trình hồi tháng 2, tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) nói rằng dân chúng Bắc Triều Tiên đang chịu đựng tình trạng thiếu hụt thực phẩm nghiêm trọng.

Thông tín viên của hãng Reuters James Pearson, chuyên tường thuật về Bắc Triều Tiên, nêu ra rằng các điều kiện ở thủ đô dường như có tốt hơn. Ông nói có "thêm những xe taxi và xe hơi tư nhân trên đường phố, thêm hàng hóa trong các cửa hiệu, và thêm các tòa nhà đang được xây dựng cho thấy mức tiêu thụ và phồn vinh đang gia tăng trong số cư dân ở Bình Nhưỡng".

Thông tín viên Steve Evans của đài BBC ở Seoul nói quan hệ giữa các ký giả và những người “hướng dẫn” họ đã có nhiều lúc căng thẳng và họ thường bị hạn chế về những gì họ có thể nhìn thấy và những ai họ có thể nói chuyện với.

Nhà hoạt động nhân quyền Phil Robertson của tổ chức Human Rights Watch cũng chỉ trích màn biểu diễn chính trị được dàn dựng ở Bình Nhưỡng là không giải quyết những hành động tàn ác có hệ thống và tràn lan trong nước được Liên Hiệp Quốc ghi nhận, bao gồm một mạng lưới tù nhân chính trị, việc sát hại, bắt làm nô lệ, tra tấn và cưỡng hiếp.

Ông Robertson nói: “Kim Jong Un nói rất nhiều về việc cải thiện đời sống của người Bắc Triều Tiên, nhưng chúng ta chỉ biết được là ông ấy nghiêm túc nếu như ông có biện pháp chấm dứt những vụ vi phạm nhân quyền”.

Có tin đồn rằng Bắc Triều Tiên đang chuẩn bị một vụ thử nghiệm hạt nhân khác trùng hợp với đại hội để thách thức các biện pháp chế tài gay gắt mà quốc tế áp đặt với Bình Nhưỡng sau vụ thử nghiệm lần chót vào tháng Giêng.

Kể từ khi ông Kim lên nắm quyền sau cái chết của thân phụ vào tháng 12 năm 2011, Bắc Triều Tiên đã tiến hành 2 vụ thử nghiệm hạt nhân và 2 vụ phóng hỏa tiễn vào không gian được nhiều người coi là các cuộc thử nghiệm phi đạn đạn đạo trá hình. - VOA
|
|

2.
Tập Cận Bình tấn công Đoàn thanh niên Cộng sản Trung Quốc --- Tập Cận Bình lại chống tham nhũng trong quân đội Trung Quốc

Là nơi ươm mầm các lãnh đạo, trong đó có thủ tướng Lý Khắc Cường, tổ chức Đoàn thanh niên Cộng sản danh giá nay dường như đã bị lọt vào tầm ngắm của chủ tịch Tập Cận Bình. Tình hình này cho thấy có thể đang diễn ra đấu đá nội bộ trên thượng tầng của chế độ Trung Quốc.

Được thành lập từ năm 1920 để phổ biến chủ nghĩa Mác-Lênin đến các thanh niên Trung Quốc tuổi từ 14 đến 28, Đoàn thanh niên Cộng sản, tổ chức thanh niên trực thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), xưa nay luôn là lò đào tạo những cán bộ tương lai cho Đảng.

Ngoài đương kim thủ tướng, người tiền nhiệm của Tập Cận Bình là cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào – nguyên bí thư Trung ương Đoàn – là biểu tượng thành công của phe Đoàn thanh niên, một tổ chức mà hầu như tất cả những người trẻ tuổi ở Trung Quốc phải gia nhập nếu muốn tiến thân.

Với 88 triệu đoàn viên thanh niên, tổ chức Đoàn cũng có số lượng thành viên đông đảo như Đảng. Đoàn thanh niên thực sự là một phe trong ĐCSTQ, và theo truyền thống thì phe này có khuynh hướng cởi mở hơn là bảo thủ.

Nhưng Đoàn thanh niên Cộng sản Trung Quốc gần đây phải hứng chịu những cuộc tấn công liên tục, trong đó có những cảnh cáo từ chính tổng bí thư Đảng. Tập Cận Bình đang ra sức tăng cường quyền hành trên mọi phương diện, để chuẩn bị cho Đại hội Đảng năm 2017, trong dịp này ông Tập sẽ được giao phó thêm một nhiệm kỳ 5 năm.

Trong một thông cáo vào tuần rồi, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng vốn đầy quyền lực, đã lên án Đoàn thanh niên không hoàn thành các nhiệm vụ cơ bản được Đảng giao cho: đó là tổ chức tuyên truyền giáo dục ý thức hệ nơi giới trẻ.

Đoàn phải tự kiểm thảo

Trang web của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng - cơ quan do Vương Kỳ Sơn, cánh tay phải của Tập Cận Bình lãnh đạo - đã đăng tải một bản "tự kiểm thảo" dài dằng dặc của Trung ương Đoàn. Đoàn nhìn nhận là phải có "tinh thần trách nhiệm cao hơn và làm nhiệm vụ tốt hơn" để phục vụ yêu cầu của Đảng, cũng như "giới trẻ Trung Quốc nói chung".

Việc tự kiểm chưa từng thấy này được công bố sau khi cuộc điều tra các hoạt động của Đoàn cho thấy đã có những vụ biển thủ công quỹ và mua bán chức quyền, theo tờ Hoàn Cầu Thời Báo.

Các cáo buộc không thể kiểm tra được trên đây tung ra đúng vào lúc mà theo các nhà phân tích, nhằm phục vụ cho mục đích thực sự của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng: tăng cường vị trí của Tập Cận Bình trước Đại hội Đảng lần thứ 19. Trong dịp Đại hội, sẽ thay thế hầu như toàn bộ Thường trực Bộ Chính trị - cơ quan có quyền năng tối thượng - mà năm trong số bảy ủy viên thường trực sẽ về hưu.

Chuyên gia về Trung Quốc Jean-Pierre Cabestan của trường đại học Tin Lành ở Hồng Kông nhấn mạnh: "Tung ra một cuộc điều tra về Đoàn thanh niên là hành động mang nặng tính chính trị. Chiến dịch này chắc chắn sẽ góp phần củng cố vị thế của Tập Cận Bình".

Nhiều nhà nghiên cứu dự báo sẽ có một cuộc chiến giữa chủ tịch Tập Cận Bình và thủ tướng Lý Khắc Cường trong việc chọn lựa các ủy viên thường trực mới, với mục đích bảo vệ vị trí của mình.

Ông Lâm Hòa Lập (Willy Lam), một chuyên gia khác về chính trị của trường đại học Trung Quốc ở Hồng Kông, nhận định: "Tất cả cho thấy Tập Cận Bình cố gắng làm giảm sút ảnh hưởng của Đoàn thanh niên Cộng sản trước Đại hội".

Ông cho rằng đối với Tập Cận Bình, tổ chức Đoàn là hiện thân của một "mối đe dọa chính trị". Tương lai của Đoàn thanh niên có thể tóm gọn trong công thức "xúc tiến quan điểm chính trị và ý thức hệ đúng đắn nơi giới trẻ, và không còn là chiếc nôi cho những tài năng".

Xung đột quan điểm

Sự thiếu minh bạch trong đời sống chính trị Trung Quốc đã lên đến đỉnh điểm, nên các chuyên gia đành phải quan sát kỹ lưỡng từng chi tiết nhỏ những sự kiện và hành động của giới chức cao cấp để tìm ra những chỉ dấu cho tương lai.

Ngược lại, những vụ tấn công liên tục vào Đoàn thanh niên Cộng sản trong những tháng gần đây lại mang một ý nghĩa rõ rệt.

Tháng Bảy năm ngoái, chính Tập Cận Bình đã chế nhạo tổ chức Đoàn, cho rằng quá "quý tộc". Mỉa mai thay, sự tấn công này lại đến từ một "thái tử đảng" - cụm từ để chỉ con cái của các lãnh đạo cộng sản lão thành thuộc thế hệ trước. Tập Cận Bình là con của Tập Trọng Huân, một trong« Bát đại nguyên lão », cùng thời với Đặng Tiểu Bình.

Kể từ nay, Đoàn thanh niên phải "nghiên cứu sâu sắc và thấm nhuần tinh thần các bài diễn văn chính của tổng bí thư Tập Cận Bình" - theo Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng. Hồi tháng Hai, ủy ban này đã khiển trách tổ chức Đoàn vì đã lơi lỏng trong việc này.

Và theo Hoàn Cầu Thời Báo, Đoàn thanh niên sắp tới sẽ phải công bố "một kế hoạch chi tiết về cải cách tổ chức Đoàn".

Đối với ông Hạ Phương Vệ (He Weifang), giáo sư luật thuộc trường đại học Bắc Kinh: "Cách nhìn của Tập Cận Bình về vai trò của Đoàn thanh niên Cộng sản rõ ràng là không giống như các lãnh đạo tiền nhiệm. Có sự xung đột quan điểm ở đây". - RFI

***
Báo chí chính thức Trung Quốc hôm nay 06/05/2016 loan báo một số lượng đông đảo các nhà điều tra đã được điều thêm để trấn áp các vụ tham nhũng trong quân đội. Đây là dấu hiệu cho thấy ý đồ của chủ tịch Tập Cận Bình, một lần nữa muốn gia tăng quyền hành để thống lĩnh quân đội.

Mười ê-kíp thanh tra, vừa được Quân ủy Trung ương bổ nhiệm, sẽ điều tra trong 15 cơ quan chuyên môn và năm bộ tư lệnh quân khu của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (tức quân đội Trung Quốc).

China Daily cho biết, đây là lần đầu tiên Quân ủy Trung ương, cơ quan lãnh đạo quân đội của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đặt một đơn vị chống tham nhũng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của mình.

Cho đến nay, ê-kíp chống tham nhũng vẫn được ban chỉ huy quân sự địa phương chọn lựa. Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times) dẫn lời chuyên gia quân sự Song Zhongping cho rằng do thiếu độc lập nên họ hoạt động không hiệu quả.

Tập Cận Bình, chủ tịch Quân ủy Trung ương, tiến hành chiến dịch chống tham nhũng được tuyên truyền rầm rộ, đã đánh gục nhiều lãnh đạo cao cấp. Có thể kể: cựu bộ trưởng Công An Chu Vĩnh Khang đầy quyền lực, và khoảng năm chục chỉ huy quân đội, trong đó có tướng Quách Bá Hùng (Guo Boxiong) và tướng Từ Tài Hậu (Xu Caihou), nguyên là các nhân vật số hai và số ba của Quân ủy Trung ương.

Theo các nhà phân tích, sau ba năm nỗ lực "làm trong sạch", việc tung ra một loạt các cuộc điều tra mới trong quân đội có thể là khởi đầu của một cuộc thanh trừng mạnh mẽ hơn nhắm vào lực lượng này, cho thấy Tập Cận Bình đang gặp những khó khăn khi muốn giới quân nhân phải quy phục.

Chuyên gia trên nhấn mạnh, các thanh tra mới đảm bảo rằng những mệnh lệnh của Quân ủy Trung ương sẽ được "áp dụng tận lực". Hoàn Cầu Thời Báo cho biết thêm, các điều tra viên này sẽ được luân chuyển sau vài năm để "tránh mọi sự thông đồng và tình trạng phe phái". Ủy ban Thanh tra Kỷ luật của Quân ủy Trung ương được thành lập vào tháng Giêng với nhiệm vụ "xử lý các lãnh đạo cao cấp trong quân đội" và "thanh trừng" lực lượng này. 
Các nhà điều tra trước đây đã đưa ra ánh sáng một hệ thống quy mô mua bán chức tước và thăng cấp bậc trong quân đội.

Quân đội Trung Quốc còn có được nhiều lợi ích thương mại lớn lao trong các ngành viễn thông, địa ốc, hậu cần hay dịch vụ y tế, những lãnh vực béo bở cho tham nhũng. Hồi tháng Ba, chính quyền đã ra lệnh cho quân đội chấm dứt "các dịch vụ có thu", tức hoạt động thương mại, trong kỳ hạn ba năm. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
SpaceX đáp thành công hỏa tiễn tăng cường

Công ty SpaceX một lần nữa lại thành công trong việc cho đáp một hỏa tiễn tăng cường xuống một bệ đặt trên đại dương.

Kết quả đạt được sau khi tên lửa mang theo một vệ tinh viễn thông của Nhật Bản đi vào quỹ đạo.

Tên lửa Falcon 9 không người lái đáp xuống hồi sáng sớm ngày thứ Sáu, trên một sà lan nổi trên Đại Tây Dương ngoài khơi vùng bờ biển Florida miền đông nam Hoa Kỳ.

Tháng trước, công ty Space X của nhà kinh doanh mạo hiểm internet Elon Musk hạ cánh thành công một tên lửa tăng cường đã qua sử dụng, sau khi phóng một phi thuyền chở hàng không người lái lên Trạm Không gian Quốc tế.

SpaceX đang cố gắng tái sử dụng các hỏa tiễn tăng cường thay vì bỏ đi thiết bị đắt tiền trong đại dương sau mỗi lần phóng. - VOA
|
|

4.
Ông Trump không được các nhân vật nổi tiếng đảng Cộng hòa ủng hộ

Vị thế của ông Donald Trump trong tư cách là ứng cử viên tổng thống có thể được đảng Cộng hòa đề cử đã không biến thành hậu thuẫn dành cho ông từ giới lãnh đạo đảng này.

Thực vậy, nhân vật cao cấp nhất của đảng Cộng hòa trong chính phủ, là Chủ tịch Quốc hội Paul Ryan, hôm 5/5 tuyên bố ông “chưa sẵn sàng” ủng hộ ông Trump làm ứng cử viên tổng thống của đảng.

Ông Ryan trước đó đã chỉ trích ông Trump vì ông này nói rằng nếu ông không được đề cử, các ủng hộ viên của ông sẽ nổi loạn tại Đại hội Toàn quốc đảng Cộng hòa vào tháng 7 này.

Trong khi đó, ông Trump nói ông chưa sẵn sàng ủng hộ nghị trình làm việc của Chủ tịch Quốc hội Paul Ryan, nhưng cũng chưa gạt bỏ một quan hệ đối tác trong tương lai để giúp nhân dân Mỹ.

Ông Trump cũng không được sự ủng hộ của nhiều nhân vật nổi danh của đảng Cộng hòa, kể cả của cựu tổng thống H.W.Bush và con trai, là cựu tổng thống George W. Bush.

Cả hai ông sẽ không đến dự đại hội đảng Cộng hòa vào tháng 7 và từ chối không bình luận về ông Trump. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Biển Đông: Trung Quốc sẽ siết chặt lệnh cấm đánh cá --- Việt Nam đề nghị Nhật Bản cung cấp tầu tuần duyên

Trung Quốc chuẩn bị bước vào mùa cấm đánh cá thường niên tại Biển Đông, do Bắc Kinh đơn phương áp đặt, vốn thường xuyên bị Việt Nam bác bỏ. Ngày 05/05/2016, người đứng đầu ngành ngư nghiệp Trung Quốc tuyên bố năm nay lệnh cấm đánh cá sẽ được thực thi một cách nghiêm ngặt hơn, kể cả với các tàu thuyền nước ngoài.

Theo Tân Hoa Xã, trả lời báo chí, ông Dư Hân Vinh (Yu Xinrong), một thứ trưởng phụ trách nghề cá của bộ Nông Nghiệp Trung Quốc, thông báo việc thực thi lệnh cấm đánh bắt sẽ do lực lượng tuần duyên và cơ quan ngư nghiệp phụ trách. Thứ trưởng Nông Nghiệp Trung Quốc cũng cho biết chính quyền có chủ trương tái định hướng nghề cá, theo hướng giảm sản lượng, giảm số tàu đánh bắt, khuyến khích ngư dân chuyển nghề để bảo vệ nguồn hải sản. 

Theo quan chức Trung Quốc nói trên, chính quyền đã tiến hành bốn chiến dịch truy bắt các tàu cá hành nghề bất hợp pháp và các phương tiện khai thác bất hợp pháp, với kết quả là 16.000 tàu không có giấy phép bị cấm hành nghề và 600.000 lưới đánh cá không hợp lệ (với mắt lưới quá nhỏ) bị thu giữ.

Lệnh cấm đánh bắt hải sản do Trung Quốc đơn phương ban hành có hiệu lực từ ngày 16/05 đến ngày 01/08 hàng năm, tại gần như toàn bộ vùng Biển Đông, trải dài tới vĩ tuyến 12, sát với Indonesia, nhưng không bao gồm phần lớn quần đảo Natuna của Indonesia. Theo chính quyền Trung Quốc, việc cấm khai thác vào mùa này là để tạo điều kiện cho nguồn cá phục hồi. Biển Đông, vốn được coi là một trong các khu vực có trữ lượng cá hàng đầu thế giới, được đánh giá bị khai thác quá mức.

Theo một nghiên cứu chính thức được Tân Hoa Xã công bố, hàng năm có khoảng từ 8 đến 9 triệu tấn hải sản đánh bắt được tại khu vực này. Báo chí Việt Nam cũng đưa ra con số 10 triệu tấn/năm, chiếm khoảng 12% lượng cá toàn cầu. Tuy nhiên, lượng cá khai thác thực có thể cao hơn khá nhiều.

Trong bối cảnh Biển Đông căng thẳng, can thiệp đơn phương của Trung Quốc nhắm vào các tàu nước ngoài rất có thể sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường.

Trong thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục bị cáo buộc hủy hoại môi trường Biển Đông, đặc biệt với việc phá hoại san hô khi bồi đắp, mở rộng nhiều đảo nhân tạo tại Trường Sa, và khai thác hải sản bừa bãi tại các vùng có san hô, nơi trú ẩn và sinh trưởng của nhiều loài cá có giá trị kinh tế cao, nguồn thực phẩm quan trọng của các cư dân ven bờ Biển Đông.

Các quốc gia ven Biển Đông, trước hết là Việt Nam và Philippines, cũng liên tục phải đối mặt với nạn tàu cá Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế. Tàu cá Trung Quốc còn gây lo ngại cho cả Indonesia và Malaysia. Cá Biển Đông ngày càng cạn kiệt, ngư dân Trung Quốc chuyển sang đánh bắt ồ ạt tại nhiều nơi khác, đặc biệt là ở ngoài khơi miền tây châu Phi. Đầu năm nay, 24 quốc gia châu Phi ra tuyên bố chung kêu gọi Trung Quốc ngừng khai thác bất hợp pháp tại vùng biển này. Theo một nghiên cứu, hàng năm ước tính Trung Quốc đánh bắt hơn 2 triệu tấn cá tại Tây Phi. - RFI

***
Hà Nội đã đề nghị Nhật Bản cung cấp tầu biển để tăng cường lực lượng tuần duyên của Việt Nam. Thêm một dấu hiệu  cho thấy mối quan hệ ngày càng được tăng cường giữa hai nước có tranh chấp chủ quyền trên biển với Trung Quốc.

Theo hãng tin Reuters, phát biểu trước báo giới ngày 05/05/2016, phát ngôn viên Nhật Bản, ông Masato Otaka, cho biết lời yêu cầu từ phía Việt Nam được đưa ra trong cuộc hội đàm giữa ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh. Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Ngoại trưởng Nhật Bản diễn ra trong hai ngày 05 và 06/05 nằm trong khuôn khổ chuyến công du châu Á.

Ông Masato Otaka cho biết: "Việt Nam muốn có tầu tuần duyên mới". Tuy nhiên, thời điểm và cách thức bàn giao, giá bán và số lượng tầu vẫn chưa được quyết định. Ông cũng nhấn mạnh: "Việt Nam nhận thấy cần phải tăng cường lực lượng hải cảnh và đó là lý do chúng tôi đáp ứng nhu cầu (của Hà Nội). Tuy nhiên, những con tầu được giao không liên quan trực tiếp đến Biển Đông".

Việt Nam đang hiện đại hóa lực lượng quân sự. Mới đây, chính phủ đã mua sáu tầu ngầm lớp Kilo của Nga. Hiện Nga và Ấn Độ là nguồn cung cấp vũ khí chính của Hà Nội, đồng thời tham gia huấn luyện và hợp tác tình báo. Hà Nội cũng đã thiết lập mối quan hệ với Hoa Kỳ và các nước đồng minh của quốc gia này như Nhật Bản, Úc, Philippines, cũng như với châu Âu và Israel.

Trong ngày 06/05, ngoại trưởng Kishida dự kiến tham dự một cuộc họp của chính phủ Việt Nam, ch yếu bàn về hợp tác kinh tế. Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ hai vào Việt Nam, sau Hàn Quốc, với tổng trị giá các dự án lên tới 39 tỉ đô la tính tới tháng 04/2016, theo số liệu thống kê của chính phủ Việt Nam.

Trước đó, vào tháng 04/2016, hai chiến hạm của Nhật Bản đã ghé thăm vịnh Cam Ranh, miền trung Việt Nam. Tokyo cũng đang cải thiện quan hệ với Philippines thông qua việc tăng cường hợp tác và cung cấp trang thiết bị và công nghệ quốc phòng trong năm vừa qua.

Tokyo không có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại Biển Đông, nhưng lo ngại về việc Trung Quốc không ngừng tăng cường hiện diện quân sự tại tuyến đường hàng hải huyết mạch của thế giới, nơi nhiều tàu thương mại của Nhật Bản đi qua. - RFI
|
|

6.
GS. Đặng Hùng Võ: Siêu đề án sông Hồng có lợi nhiều nhất cho Vân Nam

Một đề án phát triển vận tải và thủy điện đầy tham vọng định thực hiện trên sông Hồng đang khơi ra nhiều băn khoăn, lo lắng về môi trường ở Việt Nam, nhất là về những ảnh hưởng đối với vựa lúa Đồng bằng sông Hồng. Giáo sư Đặng Hùng Võ, một chuyên gia về tài nguyên và môi trường nhận định nếu thực thi, đề án sẽ có lợi cho tỉnh Vân Nam của Trung Quốc là chính.

Báo chí Việt Nam đưa tin một công ty của tỷ phú Nguyễn Văn Thiện, người Ninh Bình, hồi đầu năm nay đã gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề án đầu tư 1,08 tỷ đôla để lập ra “thủy lộ xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện”. Công ty này chuyên đầu tư, xây dựng trong lĩnh vực thủy điện, nhà máy xi măng và khách sạn nghỉ dưỡng.

Theo tin tức xuất hiện giữa tuần này, công ty của ông Thiện đề xuất xây dựng khoảng 6 đập dâng nước và âu tàu, nạo vét 288 km luồng sông Hồng từ tỉnh Việt Trì gần Hà Nội, lên tỉnh Lào Cai giáp với Trung Quốc, kết hợp xây 6 nhà máy thủy điện nhỏ có công xuất 228 megawatt, cũng như xây dựng 7 cảng từ Hà Nội tới Lào Cai để khai thác vận tải dọc tuyến đường thủy này.

Nhà đầu tư nêu kỳ vọng nếu được thực hiện, họ sẽ lấy lại vốn trong 25 năm. Công ty tính toán nguồn thu chính là bán điện và nguồn thu từ phí đường thủy tính trên lượng hàng hóa vận chuyển.

Nhận xét về đề án này trong một cuộc phỏng vấn với VOA, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường, cho rằng cần phải xem xét kỹ đề án vì những tác động có thể rất to lớn của nó.

“Chúng ta còn cần phải nghiên cứu rất nhiều thứ. Đặc biệt là câu chuyện có đánh đổi các vấn đề xã hội, môi trường để lấy lợi ích kinh tế hay không. Thứ hai là lợi ích kinh tế trong dự án này, đó là gì? Ai được, ai mất, thì phải làm thật rõ. Bên cạnh đó, những vấn đề về địa chất, những vấn đề về tự nhiên, thậm chí những vấn đề về phong thủy, thì chúng ta cũng phải xem xét rất kỹ lưỡng”.

Lưu vực sông Hồng bao gồm gần như toàn bộ miền bắc của Việt Nam và có nhiều sông lớn khác gắn kết vào sông Hồng. Theo giáo sư Võ, tác động vào sông Hồng sẽ tác động vào “gần như toàn bộ lưu vực sông”, dẫn đến việc hầu hết các cộng đồng dân cư sống nhờ vào con sông hoặc dọc hai bên sông, đặc biệt là ở vùng Đồng bằng sông Hồng, có thể sẽ bị tác động trực tiếp hoặc gián tiếp.

Hiện nay, sông Hồng về cơ bản vẫn duy trì trạng thái tự nhiên. Nhưng Giáo sư Võ cho rằng nếu xây các nhà máy thủy điện trên 6 bậc khác nhau cùng với các âu tàu sẽ tạo ra “tác động táo bạo” vào con sông. So sánh với sông Đà, một con sông hợp lưu với sông Hồng, Giáo sư chỉ ra rằng mới có 3 bậc thủy điện trên sông Đà đã gây tác động lớn, đó chính là lời cảnh báo về đề án với sông Hồng.

“Trên sông Đà là sông có khả năng thủy điện cao hơn sông Hồng rất nhiều, hiện nay nhà nước Việt Nam có cho làm 3 bậc thủy điện ở Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, thì chúng ta đã thấy mức độ ảnh hưởng của 3 bậc này đối với dòng sông Đà, đối với người dân sống dựa vào dòng sông này, là những tác động khá lớn. Cho đến hiện nay vẫn phải tái định cư các cộng đồng dân cư, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Thế thì huống chi là bây giờ chúng ta có 6 bậc sông Hồng. Trong khi đó, con sông Hồng không có tiềm năng thủy điện cao. Thế thì chúng ta thấy rằng tính đảo lộn với con sông Hồng sẽ cực kỳ lớn”.

Về việc bên nào sẽ mất mát còn bên nào hưởng lợi nếu đề án được thông qua, Giáo sư Võ đưa ra nhận định có thể làm nhiều người giật mình:

“Tôi cho rằng bên thiệt hại, bên mất, bên chịu ảnh hưởng có lẽ là một cái phạm vi khá rộng. Còn được lợi, cũng có thể nhà đầu tư được lợi, nhưng trên thực tế nếu chúng ta loại trừ lợi ích của nhà đầu tư ra, thì tôi cho rằng bên được lợi nhất là tỉnh Vân Nam của Trung Hoa. Đây là tỉnh mà rất khó khăn tiếp cận với đường biển. Và tỉnh Vân Nam vẫn khao khát tìm cách gì để có được tuyến vận tải rẻ nhất để đi ra biển, thì có lẽ là đi theo sông Hồng với cái dự án cải tạo để tàu có trọng tải lớn có thể đi được, thì tôi cho rằng chắc chắn là bên được lợi nhất chính là tỉnh Vân Nam của Trung Hoa”.

Một khi con sông được cải tạo để các tàu trọng tải lớn hoạt động, có phần chắc sẽ do một số công ty kinh doanh có thế lực điều hành một cách có hệ thống, điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của những người đang kinh doanh vận tải nhỏ lẻ trên dòng sông. Giáo sư Võ phân tích thêm như sau:

“Đây là một dự án muốn khơi thông lòng sông Hồng với một cái độ sâu ở một mức độ phù hợp cho các tàu trọng tải lớn. Thế thì chắc chắn là nó sẽ tạo ra một mặt bằng kinh doanh mới mà sẽ có nhiều nhóm vận tải liên quan đến dự án, liên quan đến chủ đầu tư dự án thì sẽ có thể chiếm được thế độc quyền và đánh bật được tất cả các khả năng vận tải hiện nay mà vẫn chuyên chở bằng những xà lan nhỏ dọc sông từ tỉnh này qua tỉnh khác. Và đặc biệt nó thay đổi cái điều chúng ta đáng ngại, chính là sự thay đổi về sinh kế, về thu nhập của tất cả những người đang sinh sống dựa vào con sông”.

Tại phiên họp báo của chính phủ Việt Nam hôm 5/5, ông Nguyễn Xuân Tự, Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết đề án gần 1,1 tỷ đôla của tỷ phú Thiện “mới ở bước sơ khai, dưới dạng đề xuất, thí điểm ban đầu”.

Ông Tự nói bộ của ông đã xin ý kiến các bộ ngành, địa phương liên quan và "nhận được sự đồng thuận cao của các bộ ngành, địa phương" về việc bộ có thể “báo cáo chính phủ cho chủ đầu tư tiếp tục nghiên cứu” về đề án.

Ông Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định Đầu tư nói thêm nếu muốn được đầu tư đề án này còn phải qua ít nhất hai bước là được các cơ quan nhà nước phê duyệt đề xuất dự án, sau đó các cơ quan lập báo cáo dự án khả thi và phê duyệt dự án khả thi. - VOA
|
|

7.
Việt Nam sẽ tiếp tục biểu tình vụ cá chết miền Trung

Lời kêu gọi toàn dân tiếp tục xuống đường vì môi trường được lan truyền rộng rãi trên các trang mạng xã hội hôm nay (6/5) sau một tháng chưa được công bố thủ phạm gây cá chết hàng loạt tại miền Trung.

Theo thư ngỏ phổ biến trên mạng, biểu tình dự kiến diễn ra vào 9 giờ sáng chủ nhật 8/5 tại Nhà hát lớn Hà Nội, Công viên 30/4 Sài Gòn, Công viên Tứ Tượng ở Huế, hay ‘bất cứ địa điểm công cộng nào ở các tỉnh khác’.

Thư viết ‘Chúng tôi, những người đã tổ chức, thực hiện và tham gia cuộc biểu tình vì môi trường ngày 1/5 vừa qua tiếp tục kêu gọi đồng bào cả nước hướng về ngư dân miền Trung thân yêu’ để yêu cầu chính phủ công bố ‘thủ phạm đầu độc biển miền Trung’.

Thư kêu gọi người dân tiếp tục tuần hành để phản đối việc chính phủ trì trệ công bố nguồn gốc gây cá chết, đàn áp những người biểu tình ôn hòa và bắt bớ các nhà báo độc lập đưa tin về vụ việc. 

Thư nói ‘Lên tiếng yêu cầu nhà nước bảo vệ môi trường, bảo vệ người dân là trách nhiệm của mỗi người’.

Hôm 1/5, đông đảo người dân từ nhiều miền trên cả nước đã xuống đường tuần hành ôn hòa với các biểu ngữ kêu gọi ‘môi trường sạch’, ‘chính quyền sạch’.

Bất chấp những tin tức và hình ảnh về một số vụ hành hung, bắt bớ của lực lượng chính quyền đối với người biểu tình hồi Chủ nhật tuần qua, những người tham gia khẳng định họ không chùn bước.

Huỳnh Phương Ngọc, một người tham gia cuộc tuần hành tại Sài Gòn, nói với VOA Việt ngữ:

“Bây giờ biểu tình vẫn là phương pháp em lựa chọn mà em nghĩ là tốt nhất. Ngoài cách đó ra, mình không bao giờ phản kháng được bằng cách nào khác với vị trí của mình hiện nay để nói lên nguyện vọng, mong muốn đối với các vấn đề của đất nước. Việc người biểu tình bị đánh đập chỉ càng làm tăng thêm sự phẫn nộ mà thôi”.

Nhà hoạt động xã hội Thái Văn Dung từ Nghệ An nói biểu tình là quyền thể hiện quan điểm được Hiến pháp quy định và công dân nên mạnh dạn thực hành quyền này để cùng lên tiếng vì môi trường trong sạch, thúc đẩy xã hội phát triển.

“Tôi kêu gọi người dân đứng lên tuần hành để đòi các quyền lợi của mình. Chúng ta đòi quyền về môi trường-môi sinh là điều tốt chứ không có gì xấu, nhưng nhà cầm quyền lại có chính sách đàn áp. Tôi mong nhà cầm quyền nên xem xét lại, tìm hiểu tâm tư-nguyện vọng của người dân để cùng nhau phát triển đất nước”.

Văn phòng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc khu vực Đông Nam Á hôm 5/5 lên tiếng quan ngại về việc nhà chức trách Việt Nam đàn áp các cuộc biểu tình liên quan vụ cá chết, đồng thời kêu gọi Hà Nội tôn trọng quyền tự do tập hợp ôn hòa được bảo đảm trong Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị của công dân mà Việt Nam đã ký kết.

Thảm họa ô nhiễm tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế gây rúng động công luận trong và ngoài nước từ đầu tháng 4 với hàng tấn cá chết trôi vào bờ la liệt.

Giới chức ngành Môi trường và Y tế Việt Nam trấn an dân chúng rằng biển và hải sản tại các khu vực bị ảnh hưởng vẫn ‘an toàn’ trong khi báo nhà nước đưa tin tình trạng cá chết hàng loạt vẫn tiếp diễn tại nhiều nơi.

Truyền thông trong nước ngày 5/5 dẫn tin từ ngư dân Quảng Bình cho biết phát hiện vô số hải sản chết xếp lớp dưới đáy biển trong phạm vi cách bờ 6 hải lý, nhiều hơn cả lượng xác cá dạt lên bờ.

Tỉnh Quảng Trị cho hay hiện tượng cá chết gây thiệt hại khoảng 134 tỷ đồng, ảnh hưởng tới hàng chục ngàn cư dân và hàng ngàn tàu bè.

Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Thừa Thiên Huế ngày 5/5 báo cáo cá nuôi trên vùng đầm phá trong tỉnh chết hàng tấn trong khi Sở Tài Nguyên Môi trường của tỉnh nói xét nghiệm mẫu nước gần vùng bị ảnh hưởng, tại cửa biển và tại bãi tắm Thuận An cho kết quả ‘an toàn’.

Báo Giao thông cùng ngày loan tin tại khu vực Thanh Hóa mấy ngày nay, cá vẫn chết hàng tấn, trôi nổi trên sông, bốc mùi hôi thối.

Tờ Tiền Phong ngày 5/5 trích lời Thứ trưởng Nông Nghiệp-Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám loan báo kết quả phân tích của Bộ về hiện tượng cá chết ở các tỉnh miền Trung cho thấy có kim loại nặng. Tuy nhiên, hàm lượng bị nhiễm đến mức nào thì Bộ ‘không được công bố’.

Ông Tám nói kết quả đã được chuyển qua Bộ Tài Nguyên Môi trường và Bộ Khoa học Công nghệ để thông báo nguyên nhân.

Ông cho biết công tác điều tra nguyên nhân cá chết có sự tham gia của giới khoa học cả trong lẫn ngoài nước.

Vẫn theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn, số liệu chưa đầy đủ cho thấy số cá chết trôi vào bờ ở các tỉnh Bắc Trung Bộ thời gian qua ước khoảng 100 tấn, số cá chết chìm dưới đáy biển không thống kê được. - VOA

No comments:

Post a Comment