Monday, May 23, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Hai 23/5

Tin Thế Giới

1.
Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với cựu thù Việt Nam --- Mỹ-Việt đồng ý tăng cường các mối quan hệ song phương

Chính Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang là người bất ngờ thông báo tin này tại một cuộc họp báo chung với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại Hà Nội sau cuộc hội đàm song phương. Ông Quang nói Hoa Kỳ sẽ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đã áp dụng lâu nay đối với Việt Nam.

Ông Quang nói Washington và Hà Nội đã đồng ý củng cố quan hệ hợp tác về thực chất và chiều sâu, biến công cuộc hợp tác thành cơ sở trong sự hỗ trợ quân sự, thương mại, y tế và trao đổi giữa nhân dân hai nước. Ông Quang hoan nghênh quyết định này như một sự kết thúc một “chương đau khổ.”

Tổng thống Obama đã xác nhận tin này: Ông nói: “Hoa Kỳ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán thiết bị quân sự cho Việt Nam đã áp dụng khoảng 50 năm nay” Ông nói thêm, “Việc bán này vẫn sẽ phải đáp ứng những điều kiện gắt gao, bao gồm những điều kiện về nhân quyền, nhưng sự thay đổi này bảo đảm là Việt Nam tiếp cận được với các thiết bị cần thiết để tự bảo vệ.”

Tổng thống Obama nói trong thế kỷ vừa qua, Hoa Kỳ và Việt Nam đã chứng kiến sự hợp tác và xung đột, và sau hơn 20 thập niên bình thường hóa quan hệ, bang giao đã “đạt tới một thời điểm mới.”

Đáp lại câu hỏi của một phóng viên về thái độ ngày càng hung hăng của Trung Quốc trong khu vực, tổng thống Obama nói quyết định vừa kể không dựa vào Trung Quốc. Ông nói quyết định được dựa trên ý muốn hoàn tất một tiến trình lâu dài đã bắt đầu hai thập niên trước đây của nhiều cựu chiến binh trong cuộc Chiến tranh Việt Nam, trong đó theo lời ông, có cả cựu tù binh chiến tranh là Thượng nghị sĩ Cộng Hòa John McCain.

Phản ứng của Trung Quốc

Trung Quốc đã phản ứng một cách dè dặt trước thông báo hôm nay. Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh nối. “Là một nước láng giềng thân cận với Việt Nam, chúng tôi hoan nghênh mối quan hệ hợp tác bình thường giữa Việt Nam và các nước khác, và chúng tôi hy vọng chắc rằng một diễn biến như thế trong bang giao song phương là thuận lợi cho hòa bình và an ninh trong khu vực.”

Bà Hoa Xuân Oánh không bình luận về lý do khiến Hà Nội muốn dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí, mà chỉ nói rằng, “Có thể quý vị nên hỏi Việt Nam. Lệnh cấm vận vũ khí là sản phẩm của thời Chiến tranh Lạnh. Lẽ ra lệnh này không nên tồn tại. Chúng tôi đặt hy vọng vào một mối quan hệ bình thường giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.

Nhưng hôm qua, Tân Hoa Xã của nhà nước Trung Quốc đã đăng một bài xã luận nói rằng, “quyết định theo tính toán sẽ chỉ phục vụ cho các mục đích chiến lược của chính Washington trong khi Hoa Kỳ tìm cách tái quân bình ở vùng châu Á Thái Bình Dương.”

Nhân quyền

Tổng thống Obama nói Hoa Kỳ và Việt Nam vẫn còn những bất đồng về nhân quyền, và mỗi thương vụ bán vũ khí sẽ được xét duyệt trên căn bản từng trường hợp một. Nhưng ông nói thời điểm là đích đáng để dỡ bờ một “lệnh cấm bao quát” dựa vào sự cách biệt về ý thức hệ. Ông viện dẫn một mức độ mới về sự tin tưởng và đối thoại giữa quân đội hai nước, và tỏ dấu hiệu có thể có thêm những tàu bè của Hoa Kỳ cập cảng ở Việt Nam “theo lời mời” của chính phủ ở Hà Nội.

Việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đã khơi ra một phản ứng gây gắt từ phía ông Phil Robertson, phó giám đốc đặc trách châu Á của tổ chức Human Rights Watch. Ông Robertson nói: “Trong khi ông Obama dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí thì chính quyền Việt Nam bận bắt giữ ký giả Đoan Trang và các nhà hoạt động nhân quyền và blogger khác ngoài đường phố và trong nhà họ. Trong một quyết định bất ngờ, Tổng thống Obama đã từ bỏ lợi thế còn lại của Hoa Kỳ để cải thiện nhân quyền ở Việt Nam, và cơ bản không nhận được điều gì.”

Hai nhà lãnh đạo cũng loan báo các thỏa thuận thương mại mới lên tới 16 tỷ đôla. - VOA

***
Hoa Kỳ và Việt Nam hôm nay đồng ý tăng cường các mối quan hệ song phương, với việc Tổng thống Barack Obama loan báo dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam. Thông tín viên Cindy Saine của đài VOA gởi về bài tường thuật từ Hà Nội.

Tổng thống Obama hôm nay đã được nghênh đón trọng thể tại Hà Nội khi ông bắt đầu chuyến viếng thăm chính thức đến Việt Nam.

Tại cuộc họp báo chung, Chủ tịch nước Trần Đại Quang loan báo nhà lãnh đạo Mỹ đã trao món quà mà Việt Nam mong muốn nhất từ Washington.

Việt Nam đánh  giá cao quyết định của Hoa Kỳ gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Việc này cho thấy quan hệ hai nước đã được bình thường hóa hoàn toàn.

Sự cải thiện các mối quan hệ, kể cả lãnh vực quân sự, giữa Washington và Hà Nội diễn ra trong lúc Việt Nam cảm thấy lo ngại về những hành vi của Trung Quốc mà nhiều người cho là hung hãn ở Biển Đông, nơi hai nước có những vụ tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.

Tuy nhiên, Tổng thống Obama nói quyết định cho phép bán vũ khí cho Việt Nam không “căn cứ vào Trung Quốc”, mặc dù giới hữu trách ở Bắc Kinh có phần chắc sẽ không chấp nhận sự diễn giải đó.

Vì tất cả những công việc mà chúng ta làm chung với nhau trong mọi lãnh vực – từ kinh tế, thương mại, an ninh cho tới cứu trợ, nên chúng ta không nên có một lệnh cấm bao quát bao trùm mọi thứ.

Việt Nam và Hoa Kỳ giờ đây dường như đồng ý với nhau là hai bên vẫn còn bất đồng ý kiến về vấn đề gai góc nhất trong mối quan hệ song phương: Tình hình nhân quyền tệ hại ở Việt Nam.

Ngày mai, Tổng thống Obama sẽ gặp gỡ những người thuộc xã hội dân sự tại Hà Nội trước khi lên đường đến Sài Gòn, là nơi mà trọng tâm của chuyến viếng thăm sẽ chuyển sang lãnh vực mậu dịch và các mối liên hệ kinh doanh.

Tòa Bạch Ốc cho biết thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã tăng gần gấp ba trong 7 năm qua, lên tới hơn 45 tỉ đô la mỗi năm. - VOA
|
|

2.
Ông Alexander Van der Bellen đắc cử tổng thống Áo

Chiều hôm nay, 23/05/2016, truyền thông Áo đưa tin, ứng viên độc lập được đảng Xanh ủng hộ, ông Alexander Van der Bellen đã vượt lên trên ứng viên thuộc đảng cực hữu Norbert Hofer để đắc cử tổng thống.

Như vậy là phải đợi thêm gần một ngày sau khi kiểm số phiếu bầu gửi qua đường bưu điện, kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Áo ngày hôm qua mới được ngã ngũ. Mặc dù bộ Nội vụ Áo chưa thông báo kết quả chính thức, nhưng truyền thông trong nước đến đầu giờ chiều hôm nay đã loan tin ông Alexander Van der Bellen thắng cử. Đồng thời ứng cử viên Norbert Hofer thuộc Đảng Tự Do (FPÖ) có xu hướng bài Hồi giáo, hoài nghi Liên Hiệp Châu Âu, đã thừa nhận thất bại trên trang Facebook cá nhân.

Tại vòng 1 của cuộc bầu cử, ứng viên Norbert Hofer đã dẫn đầu với 35% phiếu bầu, bỏ xa đối thủ Alexander Van der Bellen chỉ giành được 21% phiếu. Hai đảng chính trị truyền thống, Xã Hội –Dân Chủ (SPÖ) và đảng Bảo Thủ Thiên Chúa Giáo (ÖVP), từng thay phiên nhau cầm quyền tại Áo từ sau Thế chiến thứ 2 đã bị loại toàn bộ.

Cuộc đua giữa hai ứng viên tại vòng 2 đã diễn ra khá căng thẳng với kết quả kiểm phiếu bầu trực tiếp : Ông Hofer giành được 51,9% phiếu và ông Van der Bellen thu được 48,1% phiếu. Tuy nhiên kết quả cuối cùng phải đợi kiểm số phiếu bầu qua bưu điện. Vì trong số 6 triệu cử tri Áo, có 900.000 người chọn cách bầu trước và phiếu bầu được gửi qua đường bưu điện.

Dù gì đến lúc này, giới quan sát đều ghi nhận thấy một điều qua cuộc bầu cử ngày hôm qua là xã hội Áo đang bị chia rẽ sâu sắc. Có 86% người lao động đã bỏ phiếu cho ứng viên cực hữu, trong khi đó 80% cử tri thuộc thành phần có học thức bỏ phiếu cho ông Alexander Van der Bellen. 

Một sự phân hóa liên quan đến địa lý đó là các cử tri nông thôn thì bỏ phiếu cho ông Norbert Hofer còn các đô thị lớn thì bầu ứng viên đảng Xanh. Về giới tính, 60% cử tri nữ bầu cho ông Van der Bellen, 40% bầu cho ông Norbert Hofer. Trái lại, 60% giới trẻ bỏ phiếu cho ông Norbert Hofer. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Kế hoạch thăm Hiroshima của TT Obama gây nhiều tranh cãi

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ được ghi tên trong lịch sử như nhà lãnh đạo Mỹ đương nhiệm đầu tiên đến thăm Hiroshima, nơi Mỹ đã thả quả bom nguyên tử đầu tiên trong thời Thế chiến Thứ hai. Loan báo trước khi ông Obama đặt chân tới địa điểm được nhiều người xem là mảnh đất linh thiêng này đã khơi dậy một cuộc tranh cãi mới về quyết định ném bom nguyên tử và Hoa Kỳ có nên xin lỗi Nhật hay không và Tổng thống Mỹ có nên thăm viếng nơi này hay không. Theo dự kiến, ông Obama sẽ đọc bài diễn văn tại Hiroshima và có phần chắc ông sẽ rất thận trọng để tránh gây thêm tranh cãi. Thông tín viên Tòa Bạch Ốc của đài VOA Cindy Saine tường trình từ Việt Nam.

Đó là thời khắc đã thay đổi thế giới. Khoảng 140 ngàn người thiệt mạng trong năm đó, nỗi thống khổ mà những người sống sót và con cháu họ phải chịu đựng vì nhiễm độc phóng xạ không thể kể xiết. Lý do căn bản của Mỹ khi quyết định thả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki là nhằm nhanh chóng chấm dứt những năm tháng xâm lăng của Nhật, và giảm bớt những tổn thất nhân mạng sẽ xảy ra trong trường hợp lính Mỹ phải đổ bộ lên nước Nhật. Tuy nhiên, nhiều người dân Nhật Bản nhìn vấn đề hoàn toàn khác hẳn. Họ cho rằng thường dân vô tội đã bị nhắm mục tiêu.

Tháng rồi, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đến thăm Hiroshima. Ông chia sẻ cảm nhận đau thắt tim gan và kêu gọi mọi người nên ghé thăm địa điểm này. Một số chuyên gia, trong đó có ông Chris Appy của đại học Massachusetts, cho rằng Tổng thống Mỹ cũng là một trong những người nên đến thăm Hiroshima.

Ông Appy phát biểu với đài VOA qua Skype:

"Tôi vui mừng khi thấy Tổng thống quyết định đi thăm Hiroshima. Theo tôi, sự hiện diện của ông tại đây là một hành động biểu tượng quan trọng mà nhiều người Nhật mong đợi lâu nay."

Theo lời chuyên gia Appy, Mỹ nên xin lỗi Nhật về các vụ tấn công bằng bom nguyên tử.

"Tôi thất vọng vì dường như Tổng thống không muốn đưa ra lời xin lỗi. Nghĩ cho cùng, trong đời sống cá nhân chúng ta xem một người sẵn sàng nhận trách nhiệm vì các hành động của mình là người đạt tới đỉnh cao của sự trưởng thành, đặc biệt đối với những hành động gây ra sự thống khổ cho các nạn nhân vô tội."

Những người khác không tán thành quan điểm này, trong số đó có ông Brian Harding, một nhà nghiên cứu của Trung tâm Tiến bộ Mỹ.

"Tổng thống Mỹ sẽ không đưa ra lời xin lỗi và chính phủ Nhật cũng không đòi hỏi điều này."

Thượng nghị sĩ John McCain, một cựu chiến binh trong cuộc chiến Việt Nam, cho rằng của chuyến đi của ông Obama không mang lại lợi ích nào.

"Việc của tôi không phải là mách bảo Tổng thống Mỹ nên đi đâu. Nhưng mục đích của chuyến viếng thăm là gì. Trong vài phương diện, việc này đào bới lại những quá khứ không tốt đẹp, nhưng dĩ nhiên, Tổng thống có quyền tham quan bất cứ nơi nào ông muốn."

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ đi cùng với Tổng thống Obama tới Công viên Tưởng niệm Hòa bình. Các giới chức Tòa Bạch Ốc cho hay hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nhật sẽ nhấn mạnh tới sự tàn khốc của chiến tranh và nhu cầu cần phải cùng nhau tiến tới một thế giới không có võ khí hạt nhân. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

4.
Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam, TQ nói gì? --- Mỹ bỏ cấm vận vũ khí, Nga nghĩ gì?

Trung Quốc hôm nay bày tỏ hy vọng rằng mối quan hệ tăng cường giữa Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ đóng góp cho hòa bình và ổn định khu vực, sau khi Washington dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh lên tiếng sau khi được hỏi về quyết định không mấy bất ngờ mà Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Việt Nam trước đó cùng xác nhận ở Hà Nội.

Bà Oánh nói: “Là nước láng giềng của Việt Nam, chúng tôi sẵn lòng muốn chứng kiến Việt Nam thúc đẩy mối quan hệ bình thường và thân thiện với tất cả các quốc gia, trong đó có cả Hoa Kỳ”.

Nữ phát ngôn viên này nói thêm: “Chúng tôi hy vọng rằng việc phát triển mối quan hệ hợp tác, thân thiện như thế có thể đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực”.

Bà Oánh nói thêm: “Lệnh cấm vận vũ khí bản thân nó là một sản phẩm của Chiến tranh Lạnh và không nên tồn tại. Vì thế, chúng tôi hy vọng rằng các lệnh cấm vận vũ khí tương tự sẽ được dỡ bỏ, và giải pháp đối với vấn đề này sẽ đóng góp vào sự phát triển, ổn định và hòa bình khu vực. Như chúng tôi đã nói, chúng tôi vui mừng chứng kiến Việt Nam và Hoa Kỳ có thể phát triển mối quan hệ hợp tác bình thường”.

Trước đó, trong một cuộc họp báo chung ở Hà Nội, Tổng thống Mỹ nói rằng “quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận không phải vì Trung Quốc hay vì bất kỳ lý do nào khác”.

“Nó dựa trên mong muốn của chúng tôi muốn hoàn tất một tiến trình kéo dài nhằm tiến tới bình thường hóa quan hệ với Việt Nam,” Tổng thống Obama nói.

Trước đó, trong một bài bình luận đăng hôm 19/5, tờ Hoàn cầu Thời báo viết rằng việc “Việt Nam tiến lại gần hơn Mỹ là một tiến trình tự nhiên đối với việc phát triển nền kinh tế dựa vào xuất khẩu ở Đông Nam Á, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc Hà Nội có ý định xa lánh Trung Quốc, vì điều đó sẽ làm tổn hại tới mối quan hệ kinh tế với một đối tác thương mại quan trọng”.

Ấn phẩm của tờ Nhân dân Nhật Báo thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc viết tiếp: “Phát triển mối quan hệ với Hoa Kỳ có thể giúp Việt Nam thúc đẩy hơn nữa các lợi ích quốc gia, và mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp nội địa trong một loạt các lĩnh vực như dệt may, giầy dép và điện tử”.

“Tuy nhiên, không có bất kỳ lý do gì khiến Trung Quốc ghen tị hoặc hoảng sợ về mối quan hệ gần gũi hơn giữa Việt Nam và Hoa Kỳ,” tờ báo nhà nước Trung Quốc viết.

Tờ báo cũng dẫn lời Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói tuần trước rằng Bắc Kinh “vui mừng chứng kiến Việt Nam phát triển quan hệ bình thường với Hoa Kỳ”.

Hoàn cầu Thời báo viết rằng sự tự tin của Trung Quốc xuất phát từ “mối quan hệ kinh tế gần gũi” với Hà Nội, cũng như Việt Nam “không thể quay lưng với một thị trường tiêu dùng đang phát triển một cách nhanh chóng của Trung Quốc”.

“Nếu Hoa Kỳ tính dùng Việt Nam để khống chế Trung Quốc thì đó là điều vô vọng,” tờ báo viết. - VOA

***
Báo chí Nga đưa nhiều bình luận về quyết định gỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam của Tổng thống Obama.

Ông Obama đã chính thức loan báo điều này sáng 23/5 tại Hà Nội.

Hãng thông tấn Interfax cho rằng Việt Nam có truyền thống mua vũ khí từ Nga và điều này sẽ không thay đổi trong thời gian gần. Thế nhưng Interfax dẫn lời một nguồn tin hoạt động trong lĩnh vực hợp tác quân sự-kỹ thuật nói rằng Nga "không nên coi nhẹ" việc này.

"Không giống như các nước khác trong khu vực, Hà Nội không đa dạng hóa nhiều các hoạt động mua bán vũ khí. Thế nhưng các nhà xuất khẩu vũ khí của Nga không nên lơi là. Thực tế mới... có nghĩa là tình trạng ngày càng cạnh tranh gay gắt."

Trong khi đó, hãng thông tấn nhà nước Tass dẫn lời ông Anatoly Punchuk, Phó giám đốc Cục hợp tác Quân sự-Kỹ thuật Quốc gia, nói rằng Moscow và Hà Nội có quan hệ đối tác lâu dài và việc Mỹ bỏ cấm vận "không ảnh hưởng xuất khẩu vũ khí của Nga".

Việt Nam là khách hàng mua vũ khí lớn thứ ba của Nga, theo tờ báo chuyên kinh doanh Kommersant.

Báo này dẫn nguồn Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm cho hay Hà Nội mua 11% tổng vũ khí xuất khẩu của Nga trong giai đoạn 2010 - 2014.

Kommersant nói đây là chủ đề "tế nhị" đối với Moscow.

"Tại hội nghị thượng đỉnh Nga-Asean mới rồi ở Sochi, đoàn Việt Nam đã gắng sức thuyết phục Điện Kremlin rằng không có chuyển dịch về hướng Hoa Kỳ và Moscow vẫn là đồng minh chủ chốt."

Theo Kommersant, máy bay do thám biển sẽ là một trong những mặt hàng Việt Nam mua đầu tiên từ Mỹ. Mới đây Boeing và Lockheed Martin đã tham gia hội thảo về vũ khí do Việt Nam tổ chức.

Tuy nhiên đang có các chỉ dấu rằng Hà Nội muốn thay đổi cách hành xử với Moscow. Trong một phỏng vấn với tờ báo Rossiiskaya Gazeta của chính phủ Nga, Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang nói rằng hai nước cần "tiếp tục đẩy mạnh và củng cố hợp tác quốc phòng-kỹ thuật".

Ông Quang được dẫn lời nói điều này có nghĩa tiến lên một nấc mới trong hợp tác, "từ mua bán vũ khí sang chuyển giao công nghệ và liên doanh, tới dịch vụ và hiện đại hóa trang thiết bị quốc phòng".

Báo Nezavisimaya Gazeta thì tường thuật rằng Đại sứ Việt Nam tại Moscow cũng đánh động dư luận bằng ám chỉ rằng sẽ có khả năng cho Nga quay trở lại Cảng Cam Ranh mà hải quân Nga rút khỏi từ năm 2002.

Tờ Rossiiskaya Gazeta lại tỏ ra hoài nghi về cử chỉ của Hoa Kỳ.

Báo này viết: "Xin được khuyên nhủ miễn phí cho các lãnh đạo thế giới. Nếu quý vị muốn Barack Obama hiền hòa hơn, nếu quý vị muốn Nhà Trắng bỏ cấm vận thì cần mau chóng đối thoại với Moscow".

"Quý vị chỉ cần nói muốn có quan hệ thương mại sâu rộng hơn với Nga là lập tức Washington sẽ thay đổi giọng điệu. Tốt hơn nữa là hãy nói quý vị mong Nga lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ của quý vị." - BBC
|
|

5.
Tác động của thương vụ VietJet-Boeing

VietJet Air hôm thứ Hai xuất hiện tràn ngập trên báo chí với tin ký hợp đồng trị giá 11,3 tỷ đôla đặt 100 chiếc 737 MAX 200 với hãng sản xuất máy bay Hoa Kỳ, Boeing, ngay trong ngày đầu tiên chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama.

Với việc tiếp tục mua 100 phi cơ, VietJet nay trở thành một trong những hãng hàng không giá rẻ phát triển nhanh nhất tại Đông Nam Á.

Trước đó, hãng đã ký mua từ Airbus của Âu châu 100 chiếc hồi 6/2013 trong hợp đồng trị giá trên 9 tỷ đôla và mua bổ sung 30 chiếc hồi 11/2015 trị giá gần 3,5 tỷ đôla.

'Bước phát triển của quan hệ thương mại Mỹ-Việt'

Hợp đồng vừa ký với sự chứng kiến của Tổng thống Obama và Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang được coi là hợp đồng lớn nhất trong lịch sử thương mại Mỹ-Việt.

Đây cũng là thương vụ có tính lịch sử đối với Boeing với việc giành được hợp đồng lớn với hãng vốn trước nay chỉ dùng phi cơ của đối thủ cạnh tranh, Airbus.

Hợp đồng với VietJet Air đưa danh sách đơn đặt hàng thương mại của Boeing vượt lên hẳn với tổng số 275 chiếc, bỏ xa số lượng 92 chiếc mà Airbus đang có trong tay tính đến thời điểm này, theo thống kê của trang tin bidnessetc.

"Việc VietJet Air mua 100 chiếc Boeing của Mỹ là hệ quả của một tiến trình phát triển quan hệ thương mại giữa Mỹ và Việt Nam," Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng từ TP Hồ Chí Minh bình luận với BBC Tiếng Việt. "Tôi nghĩ là quan hệ này sẽ tiếp tục, đặc biệt là trong bối cảnh hiệp định hợp tác thương mại TPP có thể có hiệu lực trong vài năm tới."

Thỏa thuận với Boeing chắc chắn đã được thương thảo từ lâu, theo kinh tế gia Bùi Kiến Thành, nhưng việc ký kết đúng thời điểm Tổng thống Obama tới thăm Việt Nam "cho thấy sự phát triển quan hệ thương mại giữa Hoa Kỳ với Việt Nam".

Không những thế, việc một công ty tư nhân của Việt Nam ký kết hợp đồng lớn với sự chứng kiến của nguyên thủ hai nước cũng là dấu hiệu cho thấy Hà Nội đang dịch chuyển dần từ nền kinh tế kế hoạch tập trung sang nền kinh tế thị trường, ông Bùi Kiến Thành nhận xét.

Vị trí của VietJet Air trong ngành hàng không khu vực và kinh tế VN?

Với các hợp đồng đã ký, lượng máy bay của VietJet sẽ tăng mạnh trong những năm tới, trong lúc hãng hiện chỉ mới chủ yếu khai thác các đường bay quốc nội và các chặng bay quốc tế ngắn.

Việc liên tiếp ký các hợp đồng tiền tỷ trong vài năm qua cho thấy VietJet có những bước tiến to lớn, các chuyên gia nhận xét.

"Đây là một bước đi rất đáng kể," Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu nhận xét, tuy nhiên, cũng cần chờ xem kế hoạch kinh doanh của VietJet sắp tới ra sao.

Tiến sỹ Hiếu cho rằng đây là hãng máy bay hoạt động khá hiệu quả và còn nhiều tiềm năng khai thác ở thị trường nội địa. "Nhu cầu đi lại của mọi người là rất lớn trong lúc thu nhập bình quân đầu người đã tăng hơn nhiều trong thời gian qua. Thị trường hàng không sẽ càng ngày càng lớn, dẫn đến ngày càng cần có nhiều các hãng hàng không giá rẻ để đáp ứng nhu cầu dân chúng."

Trong lúc đó, kinh tế gia Bùi Kiến Thành đánh giá VietJet rất có triển vọng chiếm lĩnh thị trường khu vực nhờ lợi thế vị trí địa lý của Việt Nam.

"Việc phát triển hàng không khu vực từ Việt Nam là rất thuận lợi, bởi chỉ cần hai giờ bay từ Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh là đã có thể đến được Nhật, Ấn Độ, Trung Quốc, tức là những nơi chiếm gần nửa dân số thế giới."

Do đó, VietJet Air có nhiều cơ hội để phát triển, và nếu đáp ứng được thị trường hàng không của Đông Nam Á và vùng châu Á - Thái Bình Dương thì "điều đó sẽ kéo nền kinh tế Việt Nam tiến lên, ít nhất là trong lĩnh vực hàng không, vận tải", ông Bùi Kiến Thành nhận định.

Tuy nhiên, để sử dụng hiệu quả đội bay hơn 200 chiếc, sẽ có rất nhiều vấn đề cần được phát triển đồng bộ, theo đánh giá của Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, chẳng hạn như "lượng hành khách phải đủ, các đường bay nội địa và nhiều cụm cảng hàng không khác cần được khai triển, cần thêm nhiều sân bay được cải thiện hoặc xây mới". Đây là những vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát của một hãng hàng không tư nhân.

Cạnh tranh với Vietnam Airlines?

Hiện VietJet có 36 chiếc Airbus đang hoạt động. Nếu được giao nhận theo đúng các hợp đồng đã ký, dự kiến từ 2019 tới 2023, hãng sẽ có đội bay trên 200 chiếc tính đến cuối năm 2023, nhiều khả năng sẽ là mạnh hơn của Vietnam Airlines, hiện đang có 89 phi cơ.

Không chỉ dừng ở việc khai thác các chặng bay ngắn, VietJet Air cũng đang có kế hoạch phát triển xa hơn. "Việc đầu tư vào đội bay của chúng tôi với B737 Max 200 sẽ hỗ trợ cho chiến lược phát triển các tuyến bay quốc tế của VietJet trong thời gian tới đây, bao gồm cả việc có các chặng bay dài," Tổng giám đốc Nguyễn Thị Phương Thảo nói trong một tuyên bố.

Ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng một khi bước vào cuộc cạnh tranh thực sự, VietJet Air sẽ là một đối thủ rất đáng gờm cho bất kỳ hãng hàng không trong nước nào, kể cả Vietnam Airlines.

Tuy nhiên, việc một công ty tư nhân có được nguồn vốn, nguồn tài trợ để ký được các hợp đồng lớn sẽ "là vấn đề tất cả mọi người đều quan tâm", ông nói. "Chắc chắn là Vietjet Air mua với số lượng khổng lồ như vậy thì sẽ phải có những định chế tài chính, những ngân hàng đứng đằng sau."

"Vietjet Air có quan hệ với một ngân hàng tại Việt Nam. Có thể là ngân hàng đó đứng ra làm đầu mối, và việc đồng tài trợ bởi nhiều ngân hàng là việc làm bình thường. Tất nhiên, mọi người đều quan tâm xem tổ hợp các ngân hàng đồng tài trợ đó là những ngân hàng nào."

Và với vị trí là công ty tư nhân, không có sự bảo trợ của nguồn vốn nhà nước, thì rủi ro tài chính là điều không thể không nhắc tới.

"Khi một hãng hàng không đặt mua máy bay với số lượng lớn như vậy, với giá trị lớn như vậy, vấn đề quản lý rủi ro luôn phải đặt ra."

"Làm sao để họ có thể hoạt động được một cách hiệu quả với 100 máy bay mới này để vừa đáp ứng nhu cầu thị trường, vừa đảm bảo an toàn vốn cho cổ đông và các nhà tài trợ, đó là vấn đề cần chú ý," ông Nguyễn Trí Hiếu nói.

Hãng tin Reuters đánh giá rằng với thương vụ mới nhất này, VietJet Air cũng sẽ trở thành một trong hai hãng hàng không giá rẻ duy nhất trong khu vực sử dụng cả máy bay Airbus A320 và Boeing 737, điều giới chuyên gia đánh giá là tốn kém hơn nhiều so với việc chỉ dùng một loại.

Chỉ có Lion Air áp dụng chiến lược tương tự, với việc chạy Boeing 737 trước và sau đặt hàng Airbus A320. - BBC
|
|

6.
B. Obama, người hoàn tất tiến trình bình thường hóa quan hệ Mỹ-Việt

Khi khởi sự chuyến công du Việt Nam vào hôm nay, 23/05/2016, ông Barack Obama đã trở thành vị tổng thống thứ ba của Mỹ đến thăm Việt Nam từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1995. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Hà Nội và Washington được cho là đang chia sẻ cùng một mối quan tâm chiến lược và ngày càng vun bồi lòng tin chiến lược trước một Trung Quốc hung hăng.

Đối với Việt Nam, vấn đề là làm sao bảo vệ chủ quyền biển đảo trên Biển Đông đang bị Trung Quốc đe dọa, còn đối với Hoa Kỳ, mối quan tâm là đẩy mạnh chiến lược xoay trục qua vùng châu Á-Thái Bình Dương, tăng cường trọng lượng của Mỹ tại Đông Nam Á, duy trì quyền tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông.

Chuyến thăm Việt Nam của ông Obama khác biệt ra sao với các lần công du trước đây của hai người tiền nhiệm là Bill Clinton và G.W. Bush ? Liệu ông Obama có đáp ứng hay không yêu cầu của Việt Nam là gỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí nhân dịp này, trở thành vị tổng thống Mỹ hoàn tất tiến trình bình thường hóa quan hệ với Việt Nam khi giải tỏa cản lực cuối cùng trong địa hạt quốc phòng ?

Về các vấn đề trên, RFI đã được giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng thuộc trường Đại Học George Mason (Hoa Kỳ) giải thích trong bài phỏng vấn sau đây, được thực hiện trước ngày tổng thống Mỹ lên đường qua Việt Nam.

Bình thường hóa quan hệ Việt Mỹ : Ba tổng thống Mỹ, ba lãnh vực

RFI : Từ khi Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa bang giao (năm 1995) đến nay, ông Barack Obama là tổng thống đương nhiệm thứ ba của Mỹ đi thăm Việt Nam. Theo giáo sư, ý nghĩa chuyến công du này so với hai lần trước đây như thế nào ?

Nguyễn Mạnh Hùng : Những chuyến thăm đó có hai đặc tính, thứ nhất là ý nghĩa biểu tượng : Mỗi khi Mỹ có tổng thống mới thì Việt Nam cũng muốn được ông ghé thăm để Việt Nam tăng uy tín. Về thực chất thì phải thấy là mỗi tổng thống Mỹ đều đi thăm Việt Nam vào những thời điểm khác nhau, với những nhiệm vụ khác nhau…

Ông Bill Clinton là tổng thống Mỹ đầu tiên đi thăm Việt Nam vào năm 2000, sau khi cuộc chiến tranh Việt Nam chấm dứt. Ông thăm Việt Nam vào cuối nhiệm kỳ, khi cuộc bầu cử tổng thống mới ở Mỹ đã kết thúc, (nghĩa là không còn ở tư thế đưa ra những quyết định lớn), nhưng vì ông là người quyết định bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam năm năm trước đó, nên khi đến Hà Nội, ông được người dân Việt tiếp đón rất niềm nở.

Nhưng ngược lại, ông lại có một cuộc đối thoại khá gay gắt với tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Lê Khả Phiêu. Điều đó có nghĩa là vào giai đoạn đó, lòng tin chiến lược giữa hai bên còn thấp, và trong giới lãnh đạo Việt Nam vẫn còn sự nghi ngờ ý định của Hoa Kỳ.

Chuyến thăm của tổng thống Bush diễn ra tốt đẹp hơn. Ông thăm Việt Nam lúc còn ở đỉnh cao quyền lực, hai năm trước khi nhiệm kỳ chấm dứt. Ông thăm Việt Nam để dự hội nghị thượng đỉnh APEC. Chuyến thăm đó có thể được coi là thành công, vì trước đó tình trạng nhân quyền ở Việt Nam được coi là đã cải tiến đủ để chính quyền Mỹ rút Việt Nam ra khỏi danh sách các nước "Cần quan tâm đặc biệt" (về vi phạm tự do tôn giáo).

Rồi sau khi ông Bush về nước, Quốc Hội Mỹ đồng ý cấp cho Việt Nam quy chế "quan hệ mậu dịch bình thường" (Normal Trade Relations), tức là hoàn tất tiến trình bình thường hóa quan hệ kinh tế với Việt Nam.

Như vậy, ông Bill Clinton là người bình thường hóa quan hệ ngoại giao, ông Bush là người bình thường hóa quan hệ kinh tế, còn bây giờ ông Obama cũng thăm Việt Nam, cũng vào cuối nhiệm kỳ, nhưng với nhiệm kỳ còn dài hơn ông Clinton, ông còn làm tổng thống 8 tháng nữa với đầy đủ quyền hành của một cường quốc mạnh số một trên thế giới.

Ông Obama đến Việt Nam trong khi tình hình Biển Đông căng thẳng và quan hệ quốc phòng giữa hai nước đã đạt được tiến bộ trông thấy. Nhưng bởi vì có vụ "cá chết", rồi sự chống đối, và một số vụ bắt bớ, điều đó đã tạo ra một hoàn cảnh khá bất lợi cho việc hoàn tất tiến trình bình thường hóa quan hệ quốc phòng bằng việc Mỹ bãi bỏ toàn phần lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam…

Bỏ cấm vận vũ khí thể hiện bước đột phá

RFI : Có nhà phân tích gọi đây là một bước "đột phá" mới trong quan hệ Mỹ-Việt ? Ý kiến giáo sư ra sao ?

Nguyễn Mạnh Hùng : Người ta rất kỳ vọng là ông Obama sẽ tuyên bố bãi bỏ toàn phần cấm vận vũ khí Việt Nam, tức là hoàn tất việc bình thường hóa quan hệ về mặt quốc phòng.

Nhưng mà như tôi nói, khung cảnh hiện nay tương đối khá bất lợi cho việc ông Obama làm chuyện đó. Dĩ nhiên ông Obama có quyền làm, nhưng ông sẽ phải trả giá chính trị rất lớn. Mà ông Obama lại đang trong giai đoạn để ý đến di sản mà ông để lại cho sau này.

Tuy nhiên, nếu hai bên dàn xếp được – tôi thấy có những bước, thí dụ như vụ thả cha Lý – để tiến đến việc ký kết các cam kết quan trọng trong cộng tác quốc phòng giữa hai nước, hay là đến tuyên bố bỏ toàn phần cấm vận bán vũ khí cho Việt Nam, thì người ta có thể coi đó là môt bước « đột phá ».
Từ Clinton đến Obama, lòng tin chiến lược ngày càng nẩy nở 

RFI : Việc xây dựng lòng tin chiến lược giữa hai bên thường được nhắc đến như là chìa khóa để đẩy mạnh hơn nữa quan hệ song phương Mỹ-Việt, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam cần hậu thuẫn của Mỹ để đối phó với các thủ đoạn bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông. Giáo sư nhận xét sao về vấn đề này ? Có thuận buồm xuôi gió hay không ?

Nguyễn Mạnh Hùng : Tôi nghĩ là có tiến bộ trong việc xây dựng lòng tin chiến lược giữa hai nước. Khái niệm lòng tin chiến lược đã được thủ tướng trước của Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đưa ra rất nhiều lần và được Việt Nam nhắc lại nhiều lần.

Một chỉ dấu đầu tiên cho thấy lòng tin chiến lược được tăng tiến là khi ông Obama bỏ qua các thủ tục ngoại giao thông thường để đặc biệt đón tiếp tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Mỹ. Việc này được Việt Nam coi là một tiến bộ lớn trong việc xây dựng lòng tin chiến lược.

Với hành động này, người Mỹ cho Việt Nam cái chỉ dấu rằng họ nhìn nhận không chống lại thế chế chính trị của Việt Nam, và cũng không có ý định can thiêp vào nội bộ chính trị của Việt Nam.
Tuy nhiên sự khác biệt về thể chế và giá trị chính trị luôn luôn là cản lực không cho hai nước đi đến "lòng tin chiến lược" hoàn toàn.

Gần đây, ngoài việc ông Trọng, còn có một cuộc phỏng vấn cựu đại sứ (Việt Nam tại Mỹ) Lê Văn Bàng, trong đó ông ấy nói đến "hội chứng Mỹ" của Việt Nam, tức là nếu phía Mỹ có "hội chứng Việt Nam", thì bên Việt Nam cũng có "hội chứng Mỹ", tức là tâm lý rất nghi ngờ ý định của Mỹ. Nhưng theo ý ông Bàng,chuyện đó đã bớt đi nhiều, mà chỉ còn một bộ phận còn nghi kỵ thôi.

Và ông Bàng nghĩ rằng nếu hai nước muốn tiến lên hơn nữa thì phải đẩy mạnh lòng tin chiến lược, mà ở Việt Nam thì phải bỏ bớt cái "hội chứng Mỹ". Nhân quyền vẫn là cản lực

RFI : Phải chăng nhân quyền tiếp tục là cản lực trong tiến trình xây dựng lòng tin chiến lược đó ?

Nguyễn Mạnh Hùng : Điều đó đúng. Thật ra, những người có trách nhiệm về vấn đề nhân quyền của hai nước đã có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc xử lý vấn đề nhân quyền.

Nhưng trong khung cảnh hiện tại, với những diễn biến tôi vừa nói (bầu cử Quốc Hội, sự bắt bớ một số người,vụ chết cá ở miền Trung, các cuộc biểu tình chống đối...) thì vấn đề xử lý nhân quyền trong khung cảnh hiện tại gặp nhiều khó khăn hơn, và sẽ tiếp tục gặp khó khăn vì một số lý do như sau đây :

(1) Trào lưu thời đại đã biến nhân quyền thành một vấn đề không thể hoàn toàn gạt bỏ trong quan hệ quốc tế ; (2) càng ngày càng có thêm các đoàn thể, cá nhân, quan tâm và hoạt động cổ vũ cho vấn đề nhân quyền ; (3) các tiến bộ kỹ thuật khiến việc vi phạm nhân quyền không những khó giấu kín, mà còn được khuếch đại và phổ biến rộng rãi và nhanh chóng qua internet, blog, facebook, và text messages (tin nhắn)..., làm cho vấn đề khó giải quyết ; (4) tiến bộ kỹ thuật này cũng khiến cho chính quyền gặp nhiều khó khăn trong việc ngăn chặn những lời kêu gọi hoặc tổ chức những cuộc biểu tình chống đối, hoặc có quy mô lớn, hoặc có tính cách du kích.

Mỹ : Đối trọng khả tín duy nhất cho Việt Nam 

RFI : Theo giáo sư, Mỹ có thể mang lại cho Việt Nam điều gì trong đối sách kháng lại bành trướng Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt trong bối cảnh Nga có dấu hiệu "về hùa" với Trung Quốc trên hồ sơ này ?

Nguyễn Mạnh Hùng : Mỹ đã tuyên bố rõ rằng sẽ giúp Việt Nam tăng cường khả năng phòng thủ và cũng đã cung cấp cho Việt Nam ngân khoản và tàu để gia tăng khả năng cảnh sát biển Việt Nam.

Trong bối cảnh gần đây chúng ta thấy Nga có thể nói một cách nào đó là "về hùa" với Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông, thì Mỹ ngày càng trở nên một đối trọng quan trọng cho Việt Nam. Mà ngay cả trước khi Nga có dấu hiệu đó, thì Mỹ vẫn là một đối trọng khả tín duy nhất trước sức mạnh của Trung Quốc.

Nhưng việc Mỹ giúp đỡ Việt Nam tới mức độ nào, và việc cộng tác quốc phòng giữa hai nước đi đến đâu, thì còn tùy thuộc rất nhiều vào sự tính toán và các hành động cụ thể của Việt Nam nhằm đẩy mạnh sự giúp đỡ ấy. - RFI

No comments:

Post a Comment