Wednesday, April 13, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Tư 13/4

Tin Thế Giới

1.
Dân Syria đi bầu trong các vùng do chính phủ kiểm soát

Cử tri Syria tại những vùng nằm dưới quyền kiểm soát của chính phủ ngày 13 tháng 4 đi đầu phiếu trong cuộc bầu cử quốc hội, giữa lúc cuộc hoà đàm được mở lại ở Geneve.

Giới lãnh đạo phương Tây và các nhóm đối lập Syria đã chỉ trích cuộc bầu cử này là một trò hề, và là một mối đe doạ đối với tiến trình hoà đàm, cũng như thoả thuận ngưng chiến mong manh đã kéo dài 6 tuần lễ.

Các phòng phiếu mở cửa sớm hôm 14/3 tại các khu vực do chính phủ kiểm soát, lên tới khoảng 1/3 lãnh thổ Syria.

Giới quan sát dự kiến đảng Baath sẽ duy trì đa số trong quốc hội. Khoảng 3.500 ứng cử viên tham gia cuộc đua để giành 250 ghế trong quốc hội. Hàng ngàn người khác đã bỏ cuộc đua.

Trong khi đó cuộc thương thuyết do Liên Hiệp Quốc bảo trợ tái tục ở Geneve giữa lúc Đặc sứ Liên Hiệp Quốc đặc trách Syria, ông Staffan de Mistura, gặp gỡ các nhân vật đối lập và các giới chức đến từ Hoa Kỳ và các cường quốc phương Tây khác để tìm một phương cách hầu chấm dứt cuộc nội chiến ở Syria vốn đã khởi sự từ năm 2011.

Chính quyền Syria nói các đại diện của họ sẽ tham dự cuộc hoà đàm vào ngày 16 tháng 4, sau khi cuộc bầu cử kết thúc. - VOA
|
|

2.
Kenya trục xuất 45 công dân Đài Loan sang Trung Quốc

Trung Quốc cho biết họ đang điều tra một nhóm người Đài Loan bị Kenya trục xuất sang Trung Quốc vì bị nghi can tội lừa đảo. Theo tường thuật của thông tín viên Richard Green của đài VOA, chính phủ ở Bắc Kinh cũng bác bỏ sự chống đối kịch liệt của Đài Loan đối với vụ trục xuất này.

45 công dân Đài Loan đã bị đưa sang Trung Quốc hôm thứ hai và thứ ba. Tất cả những người này bị bắt ở Kenya năm 2014 và bị truy tố về những hành vi tội phạm trên mạng. Một toà án Kenya đã bác bỏ các cáo trạng và cho nhóm người này một thời hạn là 21 ngày để rời khỏi Kenya.

Chính phủ Đài Loan đã giận dữ tố cáo Bắc Kinh bắt cóc công dân của họ bằng cách gây sức ép lên chính phủ Kenya để trục xuất những người này sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông An Phong Sơn, phát ngôn viên Phòng Đài Loan Sự vụ của chính phủ Trung Quốc, nói rằng nhóm người Đài Loan này đã lường gạt hàng triệu đô la của công dân và doanh nghiệp Trung Quốc.

"Vì những hành vi tội phạm nay được thực hiện ở nước ngoài và toàn bộ nạn nhân là người Đại lục, giới hữu trách Đại lục chắc chắn sẽ hành sử quyền quản hạt. Hơn nữa, quốc gia liên hệ có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Để làm cho mọi việc được rõ ràng và để giúp đỡ cho cuộc điều tra, cơ quan tư pháp ở Trung Quốc Đại lục sẽ dựa theo pháp luật để điều tra những phần tử tội phạm Đài Loan. Các quyền lợi pháp lý và lợi ích của những phần tử tội phạm này sẽ được bảo đảm theo qui định của pháp luật."

Hôm qua, cảnh sát Kenya đã dùng sức mạnh để đưa 15 người Đài Loan ra khỏi một trạm cảnh sát sau khi những người này không chịu đáp chuyến bay bay sang Trung Quốc.

Ngoài số người Đài Loan vừa kể, còn có 32 công dân Trung Quốc bị Kenya trục xuất về nước.

Vụ khủng hoảng hiện nay phát sinh từ cuộc tranh đấu kéo dài nhiều thập niên của Đài Loan để được công nhận như một thục thể độc lập và tách biệt khỏi sự cai trị của Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh cho rằng Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc, và hầu hết các chính phủ trên khắp thế giới, kể cả Kenya, cũng thừa nhận tuyên bố đó.

Phát ngôn viên Bộ Nội vụ Kenya, ông Mwenda Nkoja, nói với đài VOA rằng chính phủ ông đã không tham khảo ý kiến với giới hữu trách Đài Bắc trước khi tiến hành vụ trục xuất. Ông nói thêm rằng “Chúng tôi không có quan hệ ngoại giao với Đài Loan.”

Trong thời gian gần đây Trung Quốc đã gây sức ép lên bà Thái Anh Văn, người được bầu làm tổng thống Đài Loan và sẽ lên nhậm chức vào tháng 5 tới đây. Bà Thái là người lãnh đạo Đảng Dân Tiến và không chấp nhận điều kiện tiên quyết của Bắc Kinh là đôi bên chỉ có thể đàm phán với nhau trong tư cách là một phần của một của một nước Trung Hoa duy nhất. - VOA
|
|

3. 
Lễ hội Thịt Chó tại Trung Quốc bị đả kích

Các nhà hoạt động cho quyền của thú vật đã gia tăng những nỗ lực để chặn đứng một lễ hội thịt chó hàng năm tại Trung Quốc. Lễ hội đã bắt đầu cách đây 6 năm tại thành phố Ngọc Lâm nằm ở phía tây nam Trung Quốc, để thu hút du khách đến Khu Tự trị nghèo khổ sống về nông nghiệp của dân tộc Choang ở tỉnh Quảng Tây. Thông tín viên Shannon Van Sant của đài VOA tường thuật từ Hồng Kông.

Theo bà Layla Wen, điều phối viên các dự án đặc biệt của Hội Bảo vệ Động vật châu Á thì hàng ngàn chó mèo đã bị giết một cách tàn bạo trong lễ hội và sau đó thịt được bán tại các nhà hàng địa phương.

“Tôi nghĩ việc giết, nấu và ăn thịt chó thật là kinh tởm đối với hầu hết chúng ta tại Trung Quốc hay trên toàn thế giới vì chúng ta biết chúng, chúng ta biết chó. Những con vật này là thành viên trong gia đình chúng ta và là bạn tốt nhất của chúng ta. Chúng ta có thể tưởng tượng nổi sợ hãi của chúng khi bị nhốt chung với những con chó khác, khi chúng không thể cục cựa được, và những tuyệt vọng kèm theo đó.”

Các nhà hoạt động nói các con vật này thường bị bắt trộm trước khi được chở đi xa hàng trăm kilômét trong những lồng chật hẹp không được ăn uống gì cả.

Tại Ngọc Lâm, những nhà giết mổ đôi khi dùng chày giết chó và mèo, trước mặt những con vật khác, để tăng gia hóc-môn adrenaline do sợ hãi gây ra trong thịt con vật,  mà những người buôn bán cho rằng làm cho thịt ngon hơn.

Tuy nhiên vào lúc việc nuôi chó mèo trong nhà trở thành phổ biến trong giới trung lưu mới ở Trung Quốc, lễ hội thịt chó ngày càng làm gia tăng sự phẫn nộ trên truyền thông xã hội Trung Quốc.

Một số tổ chức về quyền của thú vật đã tổ chức những cuộc biểu tình tại các nơi công cộng, và nỗ lực chặn những xe tải chở chó và mèo đến các lò mổ. Một vài tổ chức khác như Quỹ Thú vật châu Á, đã phát động một chiến dịch thầm lặng, làm việc trực tiếp với các giới chức chính phủ để đóng cửa lễ hội này. Bà Jill Robinson, người sáng lập Quỹ Động vật châu Á nói “Có nhiều lúc chúng tôi chỉ làm việc thầm lặng với chính quyền địa phương, hơn là đi ra ngoài đường phố như các tổ chức khác. Chúng tôi đều có những chiến thuật khác nhau. Quỹ Động vật châu Á làm việc trong nước, và chúng tôi muốn làm việc này để chính phủ hiểu được những gì chúng tôi làm và tại sao chúng tôi làm.”

Những nỗ lực của các nhà hoạt động dường như mang lại kết quả. Trước đây khi lễ hội Ngọc Lâm mới bắt đầu, có 10.000 con chó bị giết trong thời gian lễ hội. Con số này đã giảm chỉ còn 1.000 con.

Tuy nhiên tại Trung Quốc có khoảng từ 10 triệu đến 20 triệu con chó bị làm thịt hàng năm và một số nhà hoạt động cho quyền của thú vật nói chỉ riêng tại Ngọc Lâm có khoảng 300 con chó bị giết mỗi ngày.

Thịt chó có liên hệ đến việc lây lan bệnh chó dại, và dịch tả, và chính quyền địa phương Ngọc Lâm, được các tổ chức về quyền của động vật thúc đẩy, đã bắt đầu hành động. Chính quyền đã đóng cửa một số chợ và những lò mổ, và cấm các quan chức không được ăn thịt chó hay thịt mèo tại các nhà hàng địa phương.

Bác sĩ Peter Li, Chuyên gia về Chính sách Trung Quốc của Hội Bảo vệ Động vật Quốc tế nói “Vào giữa tháng 5 năm 2014, nhà cầm quyền Ngọc Lâm ban hành chỉ thị nội bộ yêu cầu các công nhân viên chức tránh xa các nhà hàng bán thịt chó. Đây là lần đầu tiên nhà chức trách Ngọc Lâm có hành động tích cực.

Tuy nhiên Lễ hội Thịt chó Ngọc Lâm vẫn được dự trù tiến hành vào tháng 6. Lễ hội này được tổ chức vào dịp hạ chí mỗi năm và ăn thịt chó vẫn còn một một truyền thống mùa hè tại hầu hết các nơi ở Trung Quốc. - VOA
|
|

4.
Bầu cử Nam Hàn: Tổng thống Park yếu thế

Đảng đương quyền tại Nam Hàn, Saenuri, rất có thể đã mất đa số ghế trong Quốc hội sau kỳ bầu cử nhằm củng cố vị thế của đảng, các kết quả thăm dò dư luận cho thấy.

Các thăm dò ngoài phòng phiếu cho thấy Saenuri dẫn trước với khác biệt không đáng kể trước các phe đối lập, nhưng không đủ để giành đa số phiếu trong Quốc hội gồm 300 thành viên.

Tính cho đến nay, Saenuri giành được đa số gần như chỉ vừa đủ trong Quốc hội.

Điều này đồng nghĩa với việc thời gian tại vị của Tổng thống Park Geun-hye sẽ bị tác động bởi thế giằng co trong cơ quan lập pháp.

Saenuri đã hy vọng sẽ thắng được ba phần năm số ghế cần thiết trước khi các dự luật mới được đưa ra cho Quốc hội thông qua.

Hãng truyền thông Nam Hàn KBS dự đoán Saenuri sẽ giành được từ 121 đến 143 ghế, trong lúc phe đối lập chính, Đảng Minju, có thể lấy được từ 101 đến 123 ghế.

Cử tri đã đi bỏ phiếu tại gần 14.000 phòng phiếu để bầu 253 trong tổng số 300 dân biểu. Số 47 ghế còn lại được phân bổ theo tỷ lệ cho các đảng, tương ứng với tổng số phiếu mỗi đảng nhận được.

Tổng thống Park đang hy vọng tạo được sức mạnh to lớn hơn trong Quốc hội để bà cho thể thúc đẩy việc thông qua các cải tổ về lao động và kinh tế trước khi bà mãn nhiệm, trong vòng 20 tháng tới.

Tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ tăng 12,5% trong tháng Hai, cao hơn nhiều so với mức trung bình gần 5% ở Nam Hàn. Toàn bộ các đảng phái chính trị lớn đã cam kết sẽ đưa ra các biện pháp nhằm giảm mức đói nghèo ở người cao tuổi. - BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

5.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ không muốn được đề cử tổng thống

Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan cho biết ông sẽ không làm ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa.

Ông Ryan tổ chức một cuộc họp báo chiều thứ Ba tại thủ đô Washington, sau những đồn đoán suốt mấy tuần qua nói rằng dân biểu này của bang Wisconsin đang định sẽ xuất hiện như một ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa tại đại hội đảng toàn quốc diễn ra vào tháng 7 tới.

Một lần nữa khẳng định ông không có kế hoạch tranh cử tổng thống và sẽ khước từ nếu đề cử được trao cho ông. Ông nói rằng nếu không có ứng cử viên nào giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu kín đầu tiên tại Đại hội Đảng Cộng hòa, ứng cử viên cuối cùng nên được lựa chọn trong số những chính trị gia đã tham gia những cuộc bầu cử sơ bộ.

"Tôi không muốn, và tôi sẽ không chấp nhận đề cử của Đảng Cộng hòa," ông Ryan nói.

Những phàn nàn của ông Trump

Hôm thứ Hai, ứng cử viên đang dẫn đầu của Đảng Cộng hòa phàn nàn rằng những quan chức của đảng đã tạo ra một "hệ thống gian trá" để ngăn ông ta giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu kín đầu tiên tại đại hội đảng vào tháng 7 ở thành phố Cleveland, bang Ohio.

Sự phẫn nộ của ông Trump nhắm vào đợt bỏ phiếu diễn ra vào cuối tuần qua ở bang miền tây Colorado, nơi mà đối thủ chính của ông ta, Thượng nghị sĩ bang Texas Ted Cruz, giành hết tất cả 34 đại biểu của bang này cho đại hội toàn quốc tại một hội nghị chính trị chỉ giới hạn cho những nhà hoạt động của đảng, thay vì cho thành phần cao cấp của Đảng Cộng hòa hay công chúng bỏ phiếu.

Ông Ryan bật cười khi được hỏi rằng liệu ông ta có đang làm việc trong hậu trường để "đánh cắp đề cử của Đảng Cộng hòa khỏi tay Donald Trump và Ted Cruz'' hay không.

"Không, tôi không làm chuyện đó," ông nói với một đài phát thanh ở thành phố Milwaukee sáng thứ Ba. "Thật khó tin là chuyện này cứ tiếp diễn. Hôm nay tôi sẽ cố gắng một lần nữa dẹp yên chuyện này." - VOA
|
|

6.
Ngoại trưởng Mỹ tố cáo Trung Quốc độc chiếm chủ quyền biển Đông

Bắc Kinh đơn phương khẳng định chủ quyền tại Biển Đông và hành động tranh giành biển đảo với các nước láng giềng. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry xác định như trên và cho biết tình hình ở châu Á Thái Bình Dương rất nghiêm trọng vì một chính quyền không thượng tôn pháp luật.

Trong cuộc hội thảo về chính sách Thái Bình Dương do cơ quan nghiên cứu độc lập Pacific Council on International Policy ở Los Angeles tổ chức ngày thứ Ba 12/04/2016, ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết Trung Quốc có « quyết tâm và hành động » một mình khống chế biển Đông.

Bài diễn văn 30 phút của Ngoại trưởng John Kerry nhấn mạnh hai điểm :

Hoa Kỳ ý thức tình thế rất nghiêm trọng tại châu Á Thái Bình Dương. Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông và quyết liệt tranh giành biển đảo với một số nước trong khu vực. Tuy Hoa Kỳ không bênh vực bên nào trong cuộc xung khắc này nhưng lập trường của Mỹ là yêu cầu các bên không được đơn phương có hành động quân sự hóa Biển Đông mà phải giải quyết bằng ngoại giao và thương thuyết.

Điểm thứ hai liên quan đến Hiệp định Tự Do Thương Mại xuyên Thái Bình Dương TPP.

Ngoại trưởng Mỹ cảnh báo là hãy coi chừng Trung Quốc tranh giành ảnh hưởng. Nếu Hoa Kỳ và các đối tác không ấn định được nguyên tắc nâng cao chuẩn mực và giá trị (trong TPP) thì « kẻ khác » sẽ chiếm lấy chỗ trống. Ông cho biết thêm là Bắc Kinh đang thúc đẩy thành lập một « TPP kiểu Trung Quốc » gồm 16 nước từ Ấn Độ cho đến Nhật Bản. Theo kiểu Trung Quốc có nghĩa là « không có luật lao động, không quan tâm đến biến đổi khí hậu, không bảo vệ sở hữu trí tuệ và nói chi đến tự do thông tin mạng ».

Cuối cùng Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi « ủng hộ TPP » mà ông gọi là sự lựa chọn hay nhất để bảo vệ những giá trị đặt trên nền tảng thượng tôn pháp luật mà Hoa Kỳ đã và đang thực hiện từ sau Đệ Nhị Thế Chiến. - RFI
|
|

Tin Việt Nam

7.
Trung Quốc loan báo xả thêm nước xuống hạ nguồn sông Mekong --- Trung Quốc lại điều chiến đấu cơ đến đảo Phú Lâm Hoàng Sa

Trung Quốc tiếp tục xả thêm nước từ một con đập trên thượng nguồn sông Mekong để giúp xoa dịu hạn hán tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á ở hạ nguồn, theo thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Phát ngôn nhân Lục Khảng ngày 12/4 cho hay đợt xả nước lần hai từ đập thủy điện Cảnh Hồng (tỉnh Vân Nam) được khởi sự đầu tuần này và sẽ kéo dài cho tới hết mùa nước thấp.

Bắc Kinh đã tiến hành đợt xả nước lần thứ nhất từ ngày 15/3 tới ngày 10/4 sau khi Việt Nam lên tiếng yêu cầu hỗ trợ.

Ông Lục tuyên bố lượng nước được xả trong đợt này sẽ tùy vào tình hình nước ở thượng nguồn và nhu cầu của người sử dụng từ vùng hạ lưu.

Trung Quốc nói động thái này sẽ giúp giảm bớt các tác động của trận hạn hán khắc nghiệt đang hoành hành Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, và Thái Lan.

Tại Việt Nam, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân ở 10 trong số 13 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, với khoảng 1,8 triệu người đang bị thiếu nước sinh hoạt và gần 160 ngàn ha lúa bị phá hủy tính từ cuối năm ngoái tới nay.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Việt Nam, ông Hoàng Văn Thắng, cho biết:

"Ảnh hưởng rất lớn. Như tỉnh Bến Tre chẳng hạn, hiện nay nước sinh hoạt rất khó khăn, thiệt hại trên 30 ngàn ha lúa, bị ảnh hưởng rất lớn, năng suất thậm chí có thể mất trắng. Các tỉnh khác cũng bị rất nghiêm trọng. Đây là đợt hạn rất đặc biệt, ít xuất hiện trong lịch sử trong những năm vừa qua."

Về giải pháp ứng phó với tình hình ở vựa lúa miền Nam, ông Thắng nói:

"Chúng tôi cũng đang nghiên cứu và xây dựng rất nhiều giải pháp để thích nghi, thích ứng với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn có thể sẽ ngày càng gia tăng do tác động của biến đổi khí hậu. Chúng tôi đang thông qua Ủy hội Hợp tác Mekong đề nghị các nước thượng nguồn, trong đó có Trung Quốc, gia tăng xả nước để hỗ trợ cho vùng hạ du."

Campuchia đầu tuần này cũng báo động về tình trạng hạn hán nghiêm trọng và kêu gọi Trung Quốc tiếp tục xả thêm nước.

Thái Lan cho hay đang rơi vào tình trạng thiếu nước tồi tệ nhất trong 20 năm qua.

Năm 2010, Trung Quốc từng bị lên án là không xả đủ lượng nước từ các đập thượng nguồn, gây khó khăn kinh tế cho các cộng đồng cư dân hạ nguồn Mekong.

Bộ Ngoại giao Bắc Kinh hôm qua tuyên bố sẵn sàng hợp tác với các nước hạ lưu sông Mekong trong công tác ứng phó với hiện tượng khí hậu khắc nghiệt và bảo vệ tài nguyên nước.

Sông Mekong bắt nguồn từ Trung Quốc (với tên gọi là sông Lancang) trước khi chảy qua Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.

Đợt hạn kéo dài tại các nước dọc theo sông Mekong bắt đầu từ cuối năm ngoái, do ảnh hưởng của hiện tường thời tiết El Nino. - VOA

***
Vào lúc bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ chuẩn bị công du Philippines, trong bối cảnh tình hình Biển Đông căng thẳng, các ảnh vệ tinh chụp đầu tháng Tư cho thấy quân đội Trung Quốc lại triển khai hai máy bay chiến đấu trên đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa, nơi mà Bắc Kinh đã thiết lập hệ thống phòng không.

Website của đài truyền hình Fox News, ngày hôm qua, 12/04/2016, đưa tin, các ảnh vệ tinh thuộc công ty ImageSat International (ISI), chụp ngày 07/04 và đã được các quan chức quốc phòng Hoa Kỳ xác thực, cho thấy hai chiến đấu cơ Trung Quốc Thẩm Dương J-11 (Shenyang J-11) hiện diện trên đảo Phú Lâm.

Theo bộ Quốc Phòng Mỹ, tiêm kích J-11 của Trung Quốc còn được biết đến với tên « Flankers » được đưa vào hoạt động từ năm 1998. Đây là một phiên bản có sửa đổi của loại tiêm kích Nga Sukhoi Su-27, tương đương với tiêm kích F-15 của không quân Hoa Kỳ hoặc F/A-18 Hornet của hải quân Mỹ.

Trước đây, Trung Quốc cũng đã có lần điều máy bay chiến đấu đến đảo Phú Lâm, Hoàng Sa. Theo đài truyền hình Fox News, chiến đấu cơ Trung Quốc J-11 đã tới hòn đảo này vào cuối tháng Hai vừa qua, trong lúc ngoại trưởng Mỹ John Kerry tiếp đồng nhiệm Trung Quốc tại Washington. Tháng 11 năm ngoái, truyền thông Trung Quốc đã đăng ảnh máy bay J-11 ở trên đảo Phú Lâm.

Cũng theo các ảnh vệ tinh vừa được công bố, Trung Quốc đã lập một hệ thống ra-đa trên đảo Phú Lâm, hoàn chỉnh hệ thống phòng không mà Bắc Kinh đã bắt đầu lắp đặt ở đây từ hồi tháng Hai.

Qua các ảnh vệ tinh, giới quân sự Hoa Kỳ lo ngại là hệ thống ra-đa mới sẽ cho phép Trung Quốc theo dõi hoạt động của các tiêm kích, máy bay ném bom và máy bay trinh sát Mỹ trong khu vực này. Vệ tinh đã chụp rõ 4 trong số 8 giàn tên lửa phòng không của Trung Quốc sẵn sàng hoạt động, đặt ở phía đông đảo Phú Lâm.

Trung Quốc đã cho triển khai hệ thống tên lửa phòng không trên đảo Phú Lâm vào thời điểm tổng thống Barack Obama đón tiếp lãnh đạo các nước dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN tại Palm Springs.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết không quân sự hóa Biển Đông khi ông công du nước Mỹ hồi tháng Chín năm ngoái. Trong cuộc họp báo chung hồi tháng Hai vừa qua với ngoại trưởng Mỹ John Kerry, tại Washington, ngoại trưởng Trung Quốc đã đề nghị quân đội Mỹ chấm dứt « các hoạt động vì tự do lưu thông » trên biển và trên không.

Ngoại trưởng Kerry đã đáp lại: "Điều quan trọng là tất cả các quốc gia – Trung Quốc, Việt Nam và các nước khác – không đơn phương tiến hành các hoạt động đòi hỏi lãnh thổ, xây dựng, quân sự hóa".

Quần đảo Hoàng Sa là nơi có tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan. Tháng Giêng năm 1974, Trung Quốc đã đánh chiếm quần đảo này từ tay Việt Nam Cộng Hòa.

Các quan chức quốc phòng Mỹ lo ngại là sau Phú Lâm, Hoàng Sa, Trung Quốc có thể điều chiến đấu cơ đến vùng quần đảo Trường Sa. - RFI
|
|

8.
Việt Nam, Philippines cân nhắc tập trận chung ở Biển Đông

Giới chức quốc phòng của Việt Nam và Philippines tuần này sẽ họp bàn về khả năng tổ chức các cuộc tập trận và tuần tra hải quân chung, dấu hiệu hình thành một liên minh mới giữa hai nước đang có tranh chấp chủ quyền lãnh hải với Trung Quốc ở Biển Đông.

Reuters hôm nay dẫn nguồn tin từ các giới chức quân sự cấp cao không muốn nêu tên cho hay hai nước sẽ thảo luận về khả năng này trong tuần, nhưng có khả năng là chưa đạt được một thỏa thuận tức thì.

Một quan chức nói với Reuters rằng: ‘Đây là những cuộc bàn thảo sơ khởi. Các kế hoạch này sẽ phải mất một thời gian, nhưng chúng tôi muốn tiến tới một cấp độ kế tiếp.’ Thông tin này đã được xác nhận bởi một nguồn tin khác trong Bộ Quốc phòng ở Manila.

Cuộc họp giữa Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh của Việt Nam với người đồng cấp phía Philippines, Honorio Azcueta, được lên kế hoạch vào ngày mai và Biển Đông là một trọng tâm thảo luận giữa các chủ đề hợp tác song phương khác bao gồm chia sẻ thông tin, hậu cần quân sự, và công nghệ quốc phòng.

Theo dự kiến, ông Vịnh sẽ tham quan các căn cứ quân sự của Philippines trong đó có một cơ sở hải quân lớn. Chưa thấy truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin về chuyến đi này.

Quan hệ giữa Hà Nội với Manila đang được tăng cường trước các bước đi xác quyết chủ quyền gây hấn của Trung Quốc ở  Biển Đông như ráo riết bồi đắp các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa mà Việt Nam và Philippines đều có tuyên bố chủ quyền.

Tháng 11 năm ngoái, Việt Nam và Philippines đã ký thỏa thuận về quan hệ đối tác chiến lược để thúc đẩy các mối quan hệ an ninh giữa lúc Trung Quốc mở rộng sự hiện diện trên hải lộ chiến lược của khu vực và triển khai các thiết bị quân sự ra hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Các cuộc tập trận chung sắp tới giữa Việt Nam và Philippines sẽ là một trong những bước đi quan trọng nhất của quân đội hai nước kể từ khi đôi bên ký thỏa thuận quốc phòng cách đây 6 năm.

Ngoại trưởng Philippines Jose Rene Almendras là quan chức nước ngoài đầu tiên hội kiến tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc của Việt Nam hôm thứ hai đầu tuần.

Phát biểu từ Hà Nội hôm qua, Ngoại trưởng Philippines cho hay hai nước cũng vừa đồng ý soạn thảo một chương trình hành động 6 năm để siết chặt hợp tác an ninh. Kế hoạch 2017-2011 xoay quanh các vấn đề về an ninh, quốc phòng, chống khủng bố, và chống tội phạm xuyên quốc gia.

Hai tàu khu trục của Việt Nam đã ghé thăm Manila vào năm 2014 và một tàu chiến của Philippines có thể sẽ cập cảng của Việt Nam trong tháng 6 năm nay.

Kể từ năm 2014, quân đội hai bên đã hai lần giao lưu thể thao trên các hòn đảo mà hai nước chiếm đóng ở Biển Đông. - VOA

No comments:

Post a Comment