Tin Thế Giới
1.
Trung Quốc chuẩn bị xây các nhà máy hạt nhân ở Biển Đông --- Trung Quốc thử phi đạn mang nhiều đầu đạn ở Biển Đông --- Biển Đông: Vương Nghị ca ngợi Cam Bốt ủng hộ Trung Quốc
Hoàn cầu Thời báo, một ấn bản thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 22/4 đăng bài nói rằng Trung Quốc sắp xây các “cơ sở điện hạt nhân trên biển” có thể sử dụng để hỗ trợ cho các công trình ở Biển Đông có nhiều tranh chấp. Bài báo nói các cơ sở này có thể di chuyển đến những nơi xa xôi và cung cấp nguồn điện ổn định.
Báo trích dẫn lời một quan chức họ Lưu của Tập đoàn Đóng tàu Trung Quốc nói rằng tập đoàn này đang xúc tiến công việc. Tập đoàn này có nhiệm vụ thiết kế và chế tạo các cơ sở đó.
Một chuyên gia hải quân họ Lý nói với tờ Hoàn cầu Thời báo rằng các cơ sở hạt nhân nổi có thế cấp điện cho các tháp hải đăng, các cơ sở quốc phòng, sân bay và cảng ở Biển Đông, thay cho việc phải phát điện từ đốt dầu hoặc than đá.
Tuy nhiên phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh, nói tại cuộc họp báo hàng ngày là bà chưa nghe thông tin gì về các kế hoạch như vậy.
Trung Quốc trong nhiều tháng nay đã gây căng thẳng với các hoạt động quân sự và xây dựng ở các thực thể họ chiếm đóng ở Biển Đông, nơi có tranh chấp chủ quyền với Việt Nam và một số nước khác. - VOA
***
Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 21/4 xác nhận nước này đã bắn thử phi đạn tầm xa mới nhất của họ vào Biển Đông trong tuần này, vào lúc căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh.
Tin về vụ thử đã được trang tin Mỹ Washington Free Beacon đưa tin hôm 19/4. Bộ Quốc phòng Trung Quốc biện hộ về vụ thử này như sau: “Trung Quốc tiến hành thí nghiệm khoa học bên trong lãnh thổ của mình là điều bình thường, và các thí nghiệm này không nhằm vào bất cứ đất nước hay mục tiêu cụ thể nào”.
Tuyên bố của bộ này cho hay phi đạn tầm xa đã được bắn thử “gần Trung Hoa Nam Hải [tức Biển Đông] hôm 12/4”. Địa điểm cuộc thử DF-41 không được tiết lộ. Các vệ tinh tình báo và các cảm biến khác của Mỹ đã theo dõi chặt chẽ cuộc thử này.
Các quan chức bộ quốc phòng Trung Quốc tiết lộ rằng một phi đạn DF-41 mới đã được phóng và mang 2 đầu đạn giả thuộc loại phương tiện bay quay lại bầu khí quyển mang nhiều đầu đạn độc lập nhắm các mục tiêu khác nhau, hay MIRV.
Biển Đông là nơi cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền và có tranh chấp gay gắt kéo dài nhiều năm.
Trên báo chí Việt Nam không có tin gì về phản ứng của nhà chức trách Việt Nam đối với vụ thử, trong khi có một số bài báo đưa tin thuần túy về vụ thử, được tóm tắt từ các nguồn nước ngoài, với nội dung như thể hành động của Trung Quốc ở Biển Đông chỉ là căng thẳng, thách thức của nước này với Mỹ, không liên quan gì đến Việt Nam.
DF-41 là phi đạn tầm xa mới nhất và sát thương nhất của Trung Quốc, có tầm bắn ước tính lên đến khoảng 14.000 kilomet, có thể bắn tới mọi địa điểm của Mỹ.
Gần đây Trung Quốc đã tiến hành một số vụ thử phi đạn mang đầu đạn mô phỏng. Việc gia tăng sức mạnh hạt nhân của nước này làm dấy lên mối quan ngại là họ đang xây dựng năng lực tấn công trước tiên, sử dụng các phi đạn cơ động mang nhiều đầu đạn.
Học thuyết quân sự của Trung Quốc trong quá khứ là Bắc Kinh không sử dụng vũ khí hạt nhân trước trong một cuộc xung đột. - VOA
***
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) hôm nay 22/04/2016 khi kết thúc chuyến viếng thăm Cam Bốt, đã ca ngợi quốc gia đồng minh thân cận nhất Đông Nam Á vì sự ủng hộ của Phnom Penh đối với lập trường của Bắc Kinh trên hồ sơ Biển Đông.
Trung Quốc bất đồng với nhiều nước cùng là thành viên trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với Cam Bốt. Các nước này lên án Bắc Kinh bành trướng lãnh thổ một cách bất hợp pháp tại Biển Đông.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và đồng nhiệm Cam Bốt Prak Sokhon trong cuộc họp báo chung ở Phnom Penh tuyên bố, Cam Bốt ủng hộ lời kêu gọi của Bắc Kinh về việc tìm kiếm một giải pháp trong đó không có nước ngoài can thiệp. Tuy không nói cụ thể, nhưng tuyên bố này ám chỉ việc Hoa Kỳ hỗ trợ cho một số quốc gia đang phải đối phó với các hành động hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông.
Vương Nghị nói rằng, việc Bắc Kinh xây dựng cơ sở hạ tầng trên các đảo nhỏ trong vùng biển tranh chấp không ảnh hưởng đến lợi ích của các nước khác, và cũng không gây trở ngại cho tàu bè đi qua khu vực.
Cam Bốt lâu nay nhận được nguồn viện trợ và đầu tư hào phóng từ Trung Quốc. Vương Nghị tái khẳng định Bắc Kinh sẽ tiếp tục hỗ trợ Phnom Penh trong giáo dục, du lịch, y tế và gỡ mìn. Hãng tin AP cho biết, ngoại trưởng Trung Quốc cũng gặp gỡ quốc vương Nordom Sihamoni và thủ tướng Hun Sen trong chuyến công du hai ngày này.
AP nhận định, ảnh hưởng của Trung Quốc lên Cam Bốt rất lớn, dù Bắc Kinh từng hỗ trợ mạnh mẽ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ đã làm cho 1,7 triệu người chết trong thập niên 70.
Việt Nam phản đối Trung Quốc đáp máy bay xuống Đá Chữ Thập
Hôm qua 21/04/2016 phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Hải Bình đã lên tiếng phản đối việc Trung Quốc cho máy bay quân sự đáp xuống phi đạo mới xây dựng trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa hôm 18/4, lấy cớ là đưa người bệnh đi chữa trị.
Ông Lê Hải Bình tuyên bố: "Hoạt động nói trên của Trung Quốc là một diễn biến mới, làm phức tạp tình hình tại Biển Đông. Mọi hoạt động của nước ngoài ở khu vực này dù với bất kỳ lý do gì mà không được phép của Việt Nam đều là phi pháp". Ông cũng cho biết thêm, ngày 20/4 đại diện bộ Ngoại Giao Việt Nam đã gặp đại diện đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để trao công hàm phản đối. - RFI
|
|
2.
Thổ Nhĩ Kỳ truy tố học giả, nhà báo, hạn chế quyền tự do ngôn luận
4 học giả và 2 nhà báo đang bị truy tố ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm 22/4 trong những vụ án riêng rẽ có liên quan tới việc hạn chế tự do ngôn luận trong nước này dưới quyền của Tổng thống Tayyip Erdogan.
Các học giả sẽ đối mặt với những cáo trạng liên quan tới tội “tuyên truyền khủng bố” sau khi họ ký một tuyên bố, lên án hành động của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chống lại phe nổi dậy người Kurd. Trong khi đó, hai nhà báo sẽ phải ra tòa lần thứ ba để bị xét xử về tội làm gián điệp.
Hai nhà báo là Can Dundar, chủ biên của tờ báo đối lập Cumhuriyet, và trưởng phòng tin của ông ở Ankara, là Erdem Gul, có thể bị tuyên án tù chung thân về một câu chuyện họ đã cho đăng, cáo buộc chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ là đã chuyển lậu vũ khí sang Syria.
4 học giả và hơn 1.000 đồng nghiệp của họ đã ký bản kiến nghị, hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ hãy ngưng “những vụ thảm sát cố ý, và trục xuất người Kurd và những dân tộc khác trong khu vực”. Bản kiến nghị này đã làm Tổng thống Erdogan giận dữ, dẫn tới những thủ tục pháp lý để truy tố họ.
Thổ Nhĩ Kỳ đã phát động các chiến dịch quân sự chống phe ly khai là Đảng Công nhân Kurdistan tại khu vực đông nam Thổ Nhĩ Kỳ. Các nhà hoạt động người Kurd tố cáo là nhiều thường dân đã bị giết trong các chiến dịch quân sự này và tố cáo Thổ Nhĩ Kỳ là sử dụng sức mạnh quá tay.
Nếu bị kết tội, các học giả có thể bị tuyên án tới 7 năm rưỡi tù giam. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
3.
FBI chi 1 triệu đôla để mở khóa iPhone của kẻ khủng bố
Giám đốc Cơ quan Điều tra Liên Bang Hoa Kỳ (FBI) nói rằng cơ quan này đã chi ra 1 triệu đôla để mua một công cụ nhằm mở khóa và vô hiệu hóa các biện pháp an ninh của chiếc điện thoại iPhone của một kẻ khủng bố vũ trang ở San Bernardino, bang California.
Phát biểu tại một diễn đàn an ninh ở London hôm 21/4, Giám đốc Cơ quan Điều tra Liên Bang Hoa Kỳ James Comey nói rằng mặc dù chính phủ Mỹ đã ngưng vụ kiện để buộc công ty Apple phải mở khóa chiếc iPhone, các cuộc thảo luận về quyền riêng tư của các cá nhân và các nhu cầu an ninh công cộng cần phải tiếp tục.
Ông Comey nói các cuộc thảo luận đó phải tiếp tục bởi vì chúng ta vẫn phải giải quyết vấn đề, là trong khi tất cả chúng ta đều chia sẻ một thang giá trị chung nó đôi khi đối nghịch với nhau, và chúng ta phải tìm cách để giải quyết giữa quyền riêng tư và nhu cầu an ninh trên mạng, khi mà hai nhu cầu này và chạm với nhau trong các trường hợp khủng bố và những công việc khác mà cơ quan FBI phải làm.
Ông Comey nói ông không biết câu giải đáp là gì, nhưng người Mỹ cần tìm ra một giải pháp, chứ không thể để mặc mọi sự ra sao thì ra.
Ông Comey không tiết lộ thêm chi tiết hữu ích nào khác đã được phát hiện từ chiếc iPhone của một trong các nghi can đã thực hiện vụ cuộc tấn công khủng bố tại California, giết chết 14 người.
Giám đốc Cơ quan Điều tra Liên Bang Hoa Kỳ chỉ nói rằng cuộc điều tra đang được tiến hành. - VOA
|
|
4.
Fans khắp nước Mỹ đổ ra đường suốt đêm để vinh danh biểu tượng âm nhạc Prince
Các lễ lạc tổ chức ngoài đường phố để vinh danh cuộc đời của biểu tượng âm nhạc Prince đã kéo dài cho tới sáng sớm 22/4, nhiều tiếng đồng hồ sau khi tin về cái chết của ông được loan báo.
Tại thành phố Minneapolis của bang Minnesota, thị trấn nhà của ngôi sao âm nhạc vừa qua đời, hàng ngàn người ăn mừng cuộc đời và sự nghiệp của Prince trong một sự kiện lớn bên ngoài hộp đêm nơi mà Prince đã nhiều lần tới trình diễn.
Tại New York, nhà làm phim Spike Lee chủ trì một buổi tiệc cho 1.000 người bên ngoài trụ sở chính của ông ở Brooklyn.
Tại Los Angeles, một tay trống biểu diễn tài nghệ để vinh danh Prince, vài giờ đồng hồ sau khi thế giới được tin Prince đã qua đời ở tuổi 57 tại tư gia ở ngoại vi thành phố Minneapolis.
Một người hâm mộ nói: “Prince có biệt tài tận dụng nỗi đam mê của mình, âm nhạc của mình để cho chúng ta cái cảm tưởng rằng ông sẽ không bao giờ ngừng nghỉ cho tới khi chúng ta đã cảm nhận được điều mà ông muốn nói”.
Trong một cử chỉ tương hợp diễn ra trong các lễ lạc vinh danh người nghệ sĩ vừa ra đi, kéo dài suốt cả đêm trên khắp nước Mỹ, tòa thị chính thành phố Los Angeles đã bật đèn màu tím để tưởng niệm Prince. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
5.
Việt-Mỹ sắp đối thoại nhân quyền 2016
Cuộc đối thoại nhân quyền thường niên lần thứ 20 giữa Việt Nam với Hoa Kỳ sẽ diễn ra vào ngày 25/4, đầu tuần tới.
Thông cáo báo chí trên trang web Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay cuộc đối thoại năm nay được tổ chức tại thủ đô Washington DC.
Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Dân chủ, Nhân quyền, Lao động, ông Tom Malinowski, dẫn đầu đoàn đàm phán Mỹ và phái đoàn Việt Nam do ông Vũ Quang Anh, Tổng giám đốc Văn phòng Tổ chức Quốc tế thuộc Bộ Ngoại Giao làm trưởng đoàn.
Thông cáo nói cuộc đối thoại nhân quyền lần này sẽ bàn về nhiều vấn đề, nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc tiếp tục đạt tiến bộ trong các lĩnh vực như cải cách luật pháp, nhà nước pháp quyền, quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do tôn giáo, quyền của người lao động, người tàn tật, người đồng tính hay chuyển giới.
Ngoài ra, đôi bên Việt-Mỹ cũng sẽ thảo luận về hợp tác đa phương cũng như trường hợp của các cá nhân đang được công luận quan tâm liên quan đến nhân quyền Việt Nam.
Thông cáo từ văn phòng người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh nhân quyền vẫn là một phần quan trọng trong chính sách ngoại giao của Mỹ và là lĩnh vực chủ chốt của quá trình đối thoại tiếp diễn trong khuôn khổ mối Quan hệ Đối tác Toàn diện Việt-Mỹ.
Đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ lần này diễn ra không bao lâu sau một loạt án tù Hà Nội vừa tuyên phạt các nhà hoạt động nhân quyền, chống tham nhũng và phản đối tình trạng cướp đất. Chỉ trong tuần cuối tháng 3 vừa qua, có 7 người bị lãnh các mức án từ 3 tới 5 năm tù vì các tội danh ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước’ và ‘tuyên truyền chống nhà nước’ lần lượt theo điều 258 và điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam, những điều khoản bị cho là có nội dung mơ hồ nhằm trấn áp những người bất đồng quan điểm hoặc chỉ trích nhà nước.
Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội nói ‘Sử dụng các điều khoản hình sự để ngăn chặn quan điểm bất đồng rất đáng lo ngại và không phù hợp với quyền tự do biểu đạt được quy định trong Hiến pháp của Việt Nam, cũng như các nghĩa vụ của Việt Nam theo Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị và các cam kết quốc tế khác của Việt Nam’.
Lên tiếng từ Mỹ trong chuyến quốc tế vận kêu gọi các nước gia tăng áp lực buộc Việt Nam cải thiện nhân quyền, bà Vũ Minh Khánh, vợ luật sư nhân quyền đang bị giam cầm Nguyễn Văn Đài, chia sẻ:
“Nước Mỹ luôn đi đầu thế giới về vấn đề quyền con người. Nước Mỹ có được sự văn minh, tốt đẹp như bây giờ đó là vì họ xây dựng trên nền tảng quyền của con người. Việc nhắm tới các lợi ích của con người sẽ mang đến những điều tốt đẹp cho xã hội, chứ không phải là vấn đề kinh tế điều khiển hay quyền lực điều khiển. Tôi mong muốn nước Mỹ khi đầu tư kinh tế hay các mặt nào khác vào một quốc gia thì buộc đất nước đó phải có nhân quyền để đảm bảo rằng quyền lợi đó đến được với tất cả mọi người dân”.
Hoa Kỳ, các nước Tây phương và các tổ chức nhân quyền quốc tế liên tục kêu gọi Hà Nội ngưng đàn áp các nhà hoạt động ôn hòa, tuân thủ cam kết bảo vệ nhân quyền và đây cũng là lý do và là nội dung chính của các cuộc đối thoại nhân quyền giữa các nước như Mỹ, Australia, hay Liên hiệp châu Âu với Việt Nam hằng năm.
Thân nhân nhà hoạt động Nguyễn Văn Đài bày tỏ nguyện vọng:
“Nhà nước Việt Nam nên xem xét lại bản thân mình. Hãy lắng nghe tiếng nói chung của cộng đồng thế giới. Việt Nam so với các nước trên thế giới vẫn còn quá lạc hậu, quá yếu kém. Tôi mong chính quyền Việt Nam hãy nhìn nhận lại mình, học tập theo các nước khác để người dân Việt Nam được hưởng những gì tốt đẹp hơn”.
Hà Nội không thừa nhận vi phạm nhân quyền, chỉ công nhận còn những vấn đề cần khắc phục và cho rằng có cách biệt trong quan điểm nhân quyền giữa các nước cần được thu hẹp.
Đáp lại, cộng đồng quốc tế nói nhân quyền là giá trị phổ quát trên toàn cầu, không thể có cách biệt trong cách diễn giải và áp dụng giữa nước này với nước khác.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đầu tháng này tố cáo qua việc siết chặt kiểm soát các nhà hoạt động, các blogger và các nhà bình luận xã hội độc lập, Việt Nam đang thách thức phản ứng của Mỹ và cộng đồng quốc tế.
Human Rights Watch đề nghị: ‘Các hành động đó phải được đáp trả bằng sự lên án mạnh mẽ để chính quyền Hà Nội thấy rõ là để được các nước đối tác thương mại tôn trọng thì bản thân phải tôn trọng nhân quyền’. - VOA
|
|
6.
Ban nhạc Viet Cong chính thức đổi tên vì phản ứng công luận
Ban nhạc rock người Canada có tên Viet Cong chính thức lên tiếng xin lỗi và đổi tên mới thành Preoccupations sau khi gặp nhiều chỉ trích vì tên gọi của ban nhạc khơi dậy vết thương lòng nơi các nạn nhân của chế độ cộng sản tại Việt Nam.
Việt Cộng, tên của quân đội Mặt trận Giải phóng Quốc gia đã chiến đấu chống lại lực lượng miền Nam Việt Nam và Hoa Kỳ, bị tố cáo là đã gây ra những hành động tàn bạo đối với thường dân trong cuộc chiến Việt Nam.
Ban nhạc nói họ quyết định đổi tên sau nhiều cuộc đối thoại với cộng đồng người Việt hải ngoại, lắng nghe và thấu hiểu tâm tư của họ.
Cộng đồng người Việt ở nước ngoài đa số là những người tị nạn chế độ cộng sản. Trong số này có những người đã bị đày ải trong ngục tù cộng sản, những người phải bỏ nước ra đi tìm đường tự do, những người mất mát người thân, những người liều chết vượt biển trong những cuộc vượt thoát sau ngày 30/4/75 khi quân đội cộng sản Bắc Việt đánh chiếm miền Nam.
Không ai trong số các thành viên của ban nhạc rock này là người gốc Việt. Thoạt đầu ban nhạc nói tên của họ không mang ý nghĩa chính trị mà chỉ lấy cảm hứng từ các cuốn phim về chiến tranh.
Thông cáo của ban nhạc nay là Preoccupations nêu rõ: ‘Chúng tôi xin lỗi những ai đã bị ảnh hưởng không tốt vì tên gọi cũ của chúng tôi. Chúng tôi không lường trước việc này và cũng không chủ ý’.
‘Chúng tôi là những nghệ sĩ không phải những chính trị gia. Chúng tôi hiểu rằng tên gọi đó khơi dậy nỗi đau cho một số người và chúng tôi sẵn lòng đổi tên, tiến tới phía trước và tập trung vào âm nhạc’, thông cáo nói.
Tên mới được công bố sau khi các buổi biểu diễn của ban nhạc bị hủy vì phản ứng quyết liệt từ công chúng.
Cách đây không lâu, một nhà hàng Việt Nam tại Úc mang tên Uncle Ho (Bác Hồ) đã phải 2 lần đổi tên sau phẫn nộ gay gắt từ cộng đồng người Việt tại đây.
Các danh xưng và hình tượng về nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam hoặc chế độ cộng sản Việt Nam thường là đề tài gây tranh cãi đối với người Việt tị nạn cộng sản sinh sống ở hải ngoại. - VOA
|
|
7.
'Đình chỉ vụ án quán cà phê Xin Chào'
Vụ khởi tố chủ quán cà phê Xin Chào ở huyện Bình Chánh, TP. HCM sẽ được đình chỉ.
Báo Tuổi Trẻ nói Viện KSND TP.HCM đã thống nhất với các cơ quan liên quan sẽ đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can sau cuộc họp chiều 22/4.
Báo Pháp Luật TP. HCM cũng đưa tin này.
Viện KSND TP.HCM đã họp chiều 22/4 với TAND TP.HCM và Công an TP.HCM, thống nhất đình chỉ vụ án.
Một nguồn tin nói với Tuổi Trẻ: “Viện KSND TP.HCM mới thống nhất được quan điểm đó, còn việc đình chỉ như thế nào, thời điểm nào thì chưa quyết định.”
Báo Pháp Luật TP. HCM dẫn nguồn tin nói quan điểm cuộc họp là tuy việc khởi tố “có cơ sở pháp lý nhưng chưa hợp tình nên khiến dư luận dễ hoang mang”.
Câu chuyện đã trở thành tin tức lớn ở Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đều có ý kiến yêu cầu làm rõ.
Theo truyền thông trong nước, ngày 8/8/2015, ông Nguyễn Văn Tấn mở quán cà phê, điểm tâm sáng và cơm trưa Xin Chào tại thị trấn Tân Túc, đối diện Công an huyện Bình Chánh.
Ngày 25/9/2015, Công an huyện Bình Chánh ra quyết định khởi tố bị can với ông Tấn.
Ngày 11/3/2016, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Bình Chánh hoàn tất cáo trạng, truy tố ông Tấn tội Kinh doanh trái phép. - BBC
No comments:
Post a Comment