Tin Thế Giới
1.
Bộ trưởng Giao thông Bỉ từ chức sau những chỉ trích về sơ suất an ninh phi trường
Bộ trưởng Giao thông Bỉ Jacqueline Galant từ chức hôm 15/4, sau khi bị tố cáo là đã làm ngơ những phúc trình của Liên hiệp Âu châu, chỉ trích gay gắt những sơ suất về an ninh tại các phi trường của nước này.
Bà Galant trở thành mục tiêu bị đả kích nặng nề sau khi một phúc trình mật của Liên hiệp Âu châu về các điều kiện an ninh tệ hại ở các phi trường Bỉ bị lộ ra cho giới truyền thông tiếp theo sau các vụ đánh bom hôm 22/3, giết chết 32 người kể cả 16 nguời tại phi trường quốc gia và một xe điện ngầm. Nhà nước Hồi giáo đã lên tiếng nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công này.
Bà Galant nói bà không hề được biết về các phúc trình nói rằng việc giám sát các biện pháp an ninh tại các phi trường của Bỉ có nhiều vấn đề, viện dẫn những thiếu sót trầm trọng về việc quản lý những vụ kiểm tra an ninh. Nhưng một giới chức hàng đầu nói ông rõ ràng đã lưu ý Bộ trưởng Giao thông và văn phòng của bà về vấn đề này.
Thủ tướng Bỉ Charles Michel nói sau các cuộc thảo luận với bà Galant, rằng “bà Bộ trưởng đã đệ đơn từ chức cho nhà vua và nhà vua đã chấp thuận đơn”. - VOA
|
|
2.
Brazil: Tòa Án Tối Cao bật đèn xanh cho thủ tục truất phế tổng thống
Chính phủ Brazil đã đưa đơn khiếu nại lên Tòa Án Tối Cao Brazil dể ngăn chận thủ tục truất phế tổng thống, nhưng sau cuộc họp suốt đêm hôm qua rạng sáng hôm nay 15/04/2016, các thẩm phán định chế này cuối cùng đã bác bỏ khiếu nại của chính phủ. Hạ viện Brazil như vậy sẽ tiến hành cuộc bỏ phiếu quyết định vào Chủ nhật này, và triệu tập một phiên họp vào hôm nay.
Theo giới quan sát quyết định của Tòa Án Tối Cao là một cái tát tai đối với chính phủ vốn hy vọng có kết quả thuận lợi như thủ tục truất phế bị dời lại hay đình chỉ.
Cuộc bỏ phiếu tại Quốc Hội vào Chủ nhật tới đây diễn ra trong bối cảnh rất đặc biệt. Và đây là lần thứ hai trong không đầy một phần tư thế kỷ Quốc Hội Brazil bỏ phiếu về việc truất phế tổng thống, lần trước đây là vào năm 1992.
Theo giới phân tích, trong cuộc bỏ phiếu này nếu phe ủng hộ tổng thống Dilma ngăn chận được cuộc tấn công của phe đối lập, thì vụ việc được giải quyết, bà Rousseff giữ chiếc ghế của mình, nhưng nếu đối lập giành được số phiếu ủng hộ truất phế là 2/3 số dân biểu tức 342 phiếu trên 513, thì hồ sơ sẽ đưa lên Thượng viện.
Giành được đa số phiếu như thế không dễ nhưng một số đảng đã không còn ủng hộ bà Rousseff đẩy tổng thống Brazil vào thế nguy hiểm, hai ngày trước cuộc bỏ phiếu ở Quốc Hội. - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
3.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm hàng không mẫu hạm ở Biển Đông --- Mỹ triển khai chiến đấu cơ ở Philippines giữa những căng thẳng về Biển Đông
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã thăm hàng không mẫu hạm Mỹ USS John C. Stennis đi ngang qua Biển Đông, nơi đang có những tranh chấp gay gắt. Đây là lần thứ hai ông thực hiện một chuyến thăm như vậy kể từ tháng 11 năm ngoái.
Chuyến thăm của ông có mục đích nhấn mạnh vào cam kết của Mỹ đối với an ninh ở khu vực, nơi Trung Quốc đang có xung đột với Việt Nam, Philippines và một số nước khác vì tranh chấp chủ quyền.
Hôm 15/4, phát biểu tại lễ bế mạc cuộc thao dượt quân sự chung với Philippines, ông Carter nói về tầm quan trọng của an ninh ở Biển Đông.
“Về khu vực này, người ta nói an ninh giống như ôxy, nếu chúng ta có đủ, không ai quan tâm cả. Nhưng khi không có đủ, chúng ta sẽ không thể nghĩ về điều gì khác. Tại châu Á-Thái Bình Dương này, thông qua các cuộc thao dượt như Balikatan và các hoạt động thực tế, tất các các bạn - người Mỹ và Philippines, binh sỹ, thủy thủ, phi công và thủy quân lục chiến - là người cung cấp nguồn ôxy đó”.
Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Carter cũng nói “Với mỗi cuộc Balikatan, mỗi chuyến tuần dương của tàu Stennis, và mỗi hiệp định quốc phòng mới, chúng ta lại tăng cường thêm cho mạng lưới an ninh của khu vực”. Ông nói thêm rằng “Đây là mạng lưới hòa bình, có nguyên tác và bao trùm, là điều Mỹ ủng hộ và sát cánh cùng”.
Trung Quốc đã phản đối chuyến thăm, nói rằng Mỹ có cách tiếp cận thiên vị các đối thủ của Trung Quốc trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc mới đây nói rằng các kế hoạch tăng cường quan hệ quân sự giữa Mỹ và Philippines công bố hôm 14/4, bao gồm cả việc tuần tra chung ở Biển Đông, thể hiện “não trạng Chiến tranh Lạnh”.
Trung Quốc đòi chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông và đã ráo riết cải tạo các bãi cạn, bãi đá thành đảo nhân tạo ở các điểm mà Việt Nam và một số nước khác cũng tuyên bố chủ quyền.
Trước đó hôm 13/4, Bộ trưởng Quốc phòng Carter nói chiến lược của Mỹ là nhằm duy trì hòa bình và giải quyết đúng luật các tranh chấp, không khiêu khích xung đột với một cường quốc trên thế giới. Ông nói: “Những nước nào không ủng hộ, không sát cánh vì những điều đó kết cục sẽ tự cô lập mình. Đó là sự tự cô lập, không phải chúng tôi cô lập họ”. - VOA
***
Sau cuộc thao dượt quân sự Mỹ-Philippines kéo dài 10 ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter hôm 14/4 cho biết 5 phi cơ tấn công mặt đất A-10, 3 trực thăng H-60G và một phi cơ phục vụ biệt kích MC-130H sẽ được để lại ở Căn cứ Không quân Clark ở phía bắc Manila, cùng 300 người của phi hành đoàn.
Động thái này được xem là để đối trọng lại vụ Trung Quốc chiếm giữ bãi Scarborough gây nhiều tranh cãi, mà nước này gọi là Hoàng Nham, từ tay của Philippines vào năm 2012. Nhiều nước cho rằng Trung Quốc đã vi phạm vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines. Bãi Scarborough chỉ cách Philippines khoảng 233 kilomet về phía tây.
Phi cơ A-10 là vũ khí hoàn hảo để Ngũ Giác Đài triển khai ở miền bắc Philippines, gần với bãi Scarborough. Loại A-10C đã được nâng cấp với công nghệ và vũ khí mới sẽ là mối đe dọa to lớn với bất cứ hành động khiêu khích nào mới của Trung Quốc đối với các vùng lãnh thổ ở Biển Đông, nơi Trung Quốc có nhiều tranh chấp chủ yếu với Việt Nam và Philippines. Ngoài ra, loại phi cơ này còn có năng lực tấn công mà Mỹ và Philippines cần trong trường hợp có chiến sự ở khu vực cũng như cho việc lấy lại Scarborough.
Tuyên bố của Bộ trưởng Carter được đưa ra sau khi ông hủy bỏ chuyến thăm Bắc Kinh đã có trong kế hoạch giữa lúc Mỹ ngày càng quan ngại về việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo và quân sự hóa ở Biển Đông. Các quan chức bộ quốc phòng Mỹ nói nguyên nhân chính thức của việc hủy chuyến thăm là có những khó khăn về lịch trình.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin nói ông hy vọng động thái triển khai các phi cơ quân sự của Mỹ sẽ “ngăn ngừa các hành động không mong muốn của Trung Quốc”.
Tháng trước, Philippines nói họ sẽ dành cho Mỹ sử dụng 5 căn cứ quân sự theo các điều khoản của một thỏa thuận quốc phòng mới được ký năm 2014.
Kể từ khi bắt đầu chiến lược xoay trục sang châu Á vào đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Obama, Ngũ Giác Đài đã tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực để đối trọng sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc. - VOA
|
|
4.
Ông Sanders và bà Clinton đối đầu nhau trong cuộc tranh luận tại New York --- Người quản lý chiến dịch của Trump không bị truy tố tội hành hung
Các ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders và cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã mở một cuộc tranh luận sôi nổi tối qua tại một vùng đất quen thuộc là Brooklyn ở bang New York, trước cuộc bầu sơ bộ rất quan trọng vào thứ Ba tới ở bang này.
Hai bên đã có một cuộc trao đổi gay gắt trong đó họ nêu thắc mắc về khả năng phán đoán của mỗi người. Là người trong những tuần qua đã tuyên bố không tin rằng bà Clinton hội đủ điều kiện để làm tổng thống, tối 14/4 ông Sanders nói ông nhận là bà Clinton có đủ điều kiện, nhưng thắc mắc về khả năng phán đoán của bà. Ông nêu ra sự kiện bà ủng hộ cuộc chiến tại Iraq và nhận sự tài trợ cho cuộc vận động tranh cử của các ngân hàng và công ty ở Wall Street.
Bà Clinton tố cáo ban vận động của ông Sanders là moi móc những lời nói dối về bà, Bà Clinton nói người dân New York đã bầu bà vào Thượng viện hai lần và Tổng thống Obama bổ nhiệm bà làm ngoại trưởng. Bà nói bà có khả năng phán đoán, nhưng nhấn mạnh những gì bà cho là sự yếu kém của ông Sanders về các vấn đề đối ngoại.
Bà gọi việc ông Sanders tập trung vào chuyện bà nhận những khoản đóng góp lớn của Wall Street là một “sự tấn công giả dối”.
Cả hai đồng ý rằng những ngân hàng được coi là quá lớn không thể thất bại được là một nguy cơ cho nền kinh tế và phải bị tách ra. Nhưng họ tranh cãi một cách dữ dội về việc nâng mức lương tối thiểu, và gần như la hét lẫn nhau.
Ông Christopher Faricy, trợ giảng về môn khoa học chính trị tại trường Đại học Syracuse, nói cuộc tranh luận đã mang giọng điểu nổi tiếng của bang New York.
“Họ rất hiếu thắng, lớn tiếng, và có sự mỉa mai. Vì thế nếu không biết là chuyện xảy ra ở New York thì ta có thể gần như đoán được qua giọng điệu”.
Cả hai ứng viên đều có quan hệ chặt chẽ với New York. Ông Sanders sinh ra ở Brooklyn 74 năm trước và vẫn còn giữ giọng nói đặc biệt của khu vực này. Bà Clinton đại diện cho bang New York trong tư cách thượng nghị sĩ từ năm 2001 cho đến năm 2009.
Cả hai ứng viên đều có nhiều ủng hộ viên ở New York, nhưng các cuộc thăm dò trước cuộc tranh luận đêm 14/4 cho thấy bà Clinton dẫn trước ở mức 2 con số trước ông Sanders ở toàn bang. Ít nhất một cuộc thăm dò cho thấy lợi thế 17 điểm của bà. Bà cũng dẫn trước nhiều về số đại biểu.
Ông Faricy nói các ứng viên đã không khai phá được gì mới trong cuộc tranh luận. Ông nói bà Clinton sáng chói với các câu hỏi về chính sách đối ngoại, trong khi ông Sanders đạt thành tích tốt hơn về các vấn đề đối nội như sự bất bình đẳng kinh tế và bảo hiểm y tế phổ cập.
Ông Faricy nêu ra rằng các vấn đề đối nội là những vấn đề cử tri có xu hướng chú ý nhiều hơn, bởi vì đó là những vấn đề ảnh hưởng tới cá nhân họ - thông qua gia đình, công ăn việc làm hay tài khoản ở ngân hàng.
“Thông thường, các vấn đề quốc nội sẽ thắng thế. Đối ngoại thì phức tạp hơn, không tác động trực tiếp đến cuộc sống của nhiều người. Vì thế mọi người thường bỏ phiếu về những vấn đề cơm áo”.
Ông Sanders đã thắng 7 trong 8 cuộc bầu sơ bộ của đảng Dân chủ và đã ve vãn các khối thiểu số và cử tri trẻ tuổi với sự trông đợi tiếp tục động năng đó. Nhưng với khoảng dẫn trước 2 con số của bà Clinton trong các cuộc thăm dò công luận ở New York và Pennsylvania, ông Faricy cho rằng có phần chắc cuộc tranh luận sẽ không thay đổi triển vọng của cả hai ứng viên trong tương lai gần.
“Ông Bernie Sanders thực sự cần phải đạt được thành tích tuyệt luân nếu không Ngoại trưởng Clinton phải vấp váp hay trục trặc sao đó để các đài truyền hình dây cáp tin tức chiếu đi chiếu lại trong nhiều tuần lễ sắp tới, và đã không xảy ra cả hai chuyện”.
Phe Dân chủ dự định tổ chức đại hội đề cử tại Philadelphia trong bang Pennsylvania vào tháng 7, khiến còn nhiều thời giờ cho những bất ngờ, những tiết lộ và đảo lộn trước khi đảng đưa ra quyết định. - VOA
***
Một công tố viên ở bang Florida của Mỹ hôm thứ Năm đã xóa bỏ cáo buộc hành hung đối với người quản lý chiến dịch tranh cử cho ứng cử viên tổng thống đang dẫn đầu của Đảng Cộng hòa, tỉ phú bất động sản Donald Trump.
Công tố viên David Aronberg nói có "lí do chính đáng" để bắt giữ phụ tá chính trị hàng đầu của ông Trump, Corey Lewandowski, về việc chộp cánh tay của một nữ phóng viên vào cuối buổi vận động tranh cử hồi đầu tháng Ba khi cô ta đến gần ông Trump để đặt câu hỏi.
Nhưng công tố viên, trong hồ sơ đệ trình lên tòa án, cho biết "bằng chứng không thể chứng minh tất cả những yếu tố cần có về mặt pháp lý của tội phạm bị cáo buộc và không đủ để hỗ trợ việc truy tố hình sự."
Ông Aronberg nói trong cuộc họp báo rằng Lewandowski "có giả thuyết vô tội hợp lý," trong đó có việc anh ta đã cố gắng bảo vệ ông Trump sau khi nữ phóng viên này áp sát ông Trump hoặc chạm vào cánh tay của ông ta.
Phóng viên Michelle Fields, khi đó làm việc cho trang tin chính trị Breitbart News, bị bầm tím trên cánh tay ở nơi bị Lewandowski ghì, và cô ta đã đệ đơn khiếu nại với cảnh sát.
Cả Lewandowski và Trump đều bác bỏ hoàn cảnh xung quanh vụ việc, nhưng cảnh sát đã buộc tội Lewandowski. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
5.
Vợ LS. Nguyễn Văn Đài trả lời RFA ngay khi đến Mỹ
Hôm qua, 14 tháng 4 năm 2016, bà Vũ Minh Khánh, vợ của LS Nguyễn Văn Đài, đã đặt chân đến Hoa Kỳ để vận động cho việc trả tự do cho luật sư Nguyễn Văn Đài, người đang bị giam giữ trong nhà tù Việt Nam về tội “tuyên truyền chống nhà nước”. Ngay sau khi đặt chân xuống sân bay Los Angeles, bà Vũ Minh Khánh đã có cuộc trao đổi ngắn với phóng viên Chân Như, Đài Á Châu Tự Do.
Chân Như: Xin chào chị Minh Khánh. Trước hết xin hỏi thăm sức khỏe của chị sau một chuyến đi dài từ Việt Nam qua đến Mỹ để chuẩn bị cho những cuộc vận động cho luật sư Nguyễn Văn Đài. Tiếp đến, xin chị cho chúng tôi biết thêm về tình hình cũa luật sư Nguyễn Văn Đài từ khi luật sư bị bắt vào năm ngoái cho đến nay; Chị có những thông tin gì mới không ạ?
Bà Vũ Minh Khánh: Xin trân trọng kính chào quý thính giả của đài và cảm ơn rất là nhiều vì đã quan tâm và hỏi thăm người nhà của chúng tôi là luật sư Nguyễn Văn Đài. Anh bị bắt vào ngày 16 tháng 12 năm 2015, tính đến hiện nay là khoảng 4 tháng. Từ khi bị bắt đến giờ, anh Đài vẫn ở trong tình trạng bị giam cách ly, tức là không được gặp người nhà cũng không được gặp luật sư. Vì vậy, gia đình hoàn toàn không hề biết gì về vấn đề sức khỏe của anh Đài.
Và vấn đề vẫn chưa hoàn toàn được cải thiện mặc dù theo tôi được biết cũng có rất nhiều các tổ chức quốc tế đã lên tiếng trong việc trả tự do của anh Đài. Họ cũng đã đề nghị hướng giải quyết trước mắt, đó là chấm dứt tình trạng cách ly và được đọc kinh thánh nhưng hiện nay tình hình vẫn chưa được cải thiện. Chúng tôi vẫn hoàn toàn biệt tăm về tin tức và gia đình không thể gởi kinh thánh vào trại giam được.
Chân Như: Dạ vâng, đương nhiên trong chuyến đến Mỹ lần này thì chị sẽ có nhiều cơ hội để gặp và tiếp xúc với các tổ chức nhân quyền cũng như các vị dân biểu. Vậy chị sẽ nói gì với họ và chị kỳ vọng gì vào những cuộc gặp gỡ này?
Bà Vũ Minh Khánh: Xin thưa là trong những cuộc tiếp xúc lần này thì tôi cũng cố gắng vận động họ trong những khả năng và trong những cái mà họ có thể làm được cho vấn đề trả tự do cho anh Đài. Tôi sẽ vận động họ hết sức để có thể giúp đỡ cho công việc nầy. Sang đây, tôi cũng có ý định là gặp các đài phát thanh, đài truyền hình, báo chí, các chính giới ngoại giao ở các tiểu bang khác nhau của Mỹ cũng như là trong Quốc hội của Hoa Kỳ. Đồng thời, tôi sẽ bay sang châu Âu, Canada và Úc để vận động họ.
Tôi cũng mong muốn rằng mỗi người sẽ đóng góp một công sức nào đó cho công việc này vì nhờ vận động cho việc trả tự do của anh Đài thì cũng chính là vận động cho vấn đề nhân quyền của Việt Nam được cải thiện bởi hiện nay anh Đài giống như một tiêu biểu cho nhiều người cũng như cho các thế hệ sau về đấu tranh nhân quyền nên trong vụ việc của anh Đài đang có rất nhiều cơ quan trong và ngoài nước lên tiếng. Vì vậy, tôi cũng rất mong rằng mọi người hãy góp sức để giúp đỡ cho anh Đài cũng chính là góp sức cho vấn đề cải thiện nhân quyền ở Việt Nam. Và tôi cũng sẽ cố gắng hết sức để vận động cho điều đó.
Mong chấm dứt tình trạng cách ly
Chân Như: Chị có gặp những trở ngại nào trong chuyến đi qua Mỹ lần này hay không, thưa chị?
Bà Vũ Minh Khánh: Thưa khi sang đây, thật sự đây là vấn đề hết sức tế nhị và tất nhiên tôi cũng phải suy nghĩ, tính toán trong việc sang bên này. Nói ra điều này thì tôi cũng không biết diễn tả như thế nào cả. Có thể sau khi trở về Việt Nam thì tôi cũng sẽ nói.
Tôi cũng muốn quý vị quan tâm thêm một chút nữa về tình hình của anh Đài vì từ khi anh Đài bị giam đến nay đã 4 tháng rồi. Gia đình hoàn toàn không biết một chút nào về tin tức của anh Đài cả. Trong khi đó, trước khi bị bắt, anh Đài bị công an đánh rất là nặng và vết thương chưa kịp bình phục thì đã bị bắt giam vào tù. Bản thân anh Đài từ xưa đến nay vẫn bị tình trạng viêm gan B nhưng trong tình trạng ổn định, chưa phải dùng thuốc. Không biết sau khi bị giam giữ như vậy thì tình hình sức khỏe như thế nào. Gia đình rất là lo lắng.
Lần bị bắt trước, giai đoạn đó tình trạng viêm gan B của anh Đài rất là nặng, mỗi một ngày đều phải dùng thuốc. Nếu không có thuốc thì cực kỳ nguy hiểm nhưng sau khi anh Đài được ra khỏi tù đã cố gắng chữa chạy nên tình trạng viêm gan B của anh đã ổn định, không cần dùng thuốc nữa. Khi anh bị bắt lần này, không biết là bệnh có chuyển biến hay có suy suyển gì không.
Lúc này, tôi thật sự lo lắng. Tôi bày tỏ những điều đó đến những quý vị quan tâm để mọi người cũng hãy lên tiếng ủng hộ cho việc trả tự do cho anh Đài. Vấn đề trước mắt là chúng ta cần phải đấu tranh để chấm dứt tình trạng giam cách ly như hiện nay để có thể gặp người nhà, được gặp luật sư trong thời kỳ thụ án. Đó là điều tôi mong muốn. Xin cảm ơn quý vị.
Chân Như: Xin cảm ơn phần chia sẻ của chị Minh Khánh đã dành cho chúng tôi ngày hôm nay. Tất nhiên, chúng tôi hy vọng sẽ có cơ hội được gặp chị tại thủ đô Washington vào một ngày gần đây. Xin chào chị.
Bà Vũ Minh Khánh: Cảm ơn anh. - RFA
|
|
6.
Nguyễn Viết Dũng: Họ đã bóp méo sự thật.
Tù nhân chính trị Nguyễn Viết Dũng mãn án và ra khỏi tù vào ngày 13 tháng Tư và về nhà cha mẹ ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
Anh bị bắt khi vừa tham gia cuộc tuần hành chống chặt cây xanh tại Hà Nội với nhiều người khác vào ngày 12 tháng 4 năm ngoái. Và trong khi đi tuần hành anh mặc chiếc áo có quốc huy Việt Nam Cộng Hòa cũng như dòng chữ tiếng Anh trên mặt lưng với nghĩa ‘Chính quyền phải sợ dân, chứ người dân không cần sợ chính quyền’.
Khi “án tại hồ sơ”
Sau khi về đến nhà vào tối ngày 13 tháng tư, anh Nguyễn Viết Dũng dành cho Đài Á Châu Tự Do một cuộc phỏng vấn. Trước hết anh thông tin cho biết một số điều liên quan hai phiên xử sơ và phúc thẩm đối với anh diễn ra tại Hà Nội:
Một điều rất là buồn cười ở chỗ là mình cứ nói mà thư ký phiên tòa lại không ghi những gì mình nói. Ở phiên sơ thẩm, khi mà tôi đứng ra đấu tranh là tôi có phản ánh về chế độ ăn uống của anh em như “cơm lẫn đất, rau lẫn cỏ”, bị cắt xén...thì làm anh em chúng tôi đủ sức khỏe. Rõ ràng mình có nói nhưng câu đấy trước phiên tòa mà họ không hề “nửa điểm” để ý đến lời nói của mình. Tôi nhớ hôm xét xử sơ thẩm thì chủ tọa phiên tòa là Trần Thị Thúy Hồng nói với thư ký phiên tòa rằng hãy ghi vào biên bản tòa án là bị cáo Nguyễn Viết Dũng không hề nói gì, không hề lên tiếng. Thế là hoàn toàn sai. Họ đã bóp méo sự thật.
Chuyện đó cũng đã xảy ra trong phiên tòa phúc thẩm. Rõ ràng mình đứng ra tự bào chữa cho mình như thế là hoàn toàn đúng đắn. Mình bào chữa theo phương pháp vô tội như thế. Và mình vô tội thật. Thế mà họ lại ghi là chuyển biến về tư tưởng thì không hiểu là như thế nào.
Thật ra trước đó tôi cũng đã được gặp đại diện bên kiểm sát, cũng như đại diện của tòa án. Lúc đấy tôi còn nhớ là tôi vẫn còn bị giam giữ tại trại tạm giam số 1, công an TP Hà Nội (nói cách khác là trại từ Hỏa Lò). Sau ngày xử sơ thẩm thì họ có đến gặp tôi và họ cũng gần như là đã “lật bài ngửa”. Họ còn nói rằng anh hãy yên tâm là bên ban nội chính trung ương sẽ đảm bảo cho các phiên xét xử phúc thẩm sắp tới của anh sẽ diễn ra một cách công bằng hơn và vô tư hơn dành cho anh.
Tôi nghĩ rằng một khi “án tại hồ sơ” như thế thì phiên tòa diễn ra như thế nào thì thật ra chỉ là hình thức vì “án tại hồ sơ” mất rồi chứ không phải án tại phiên tòa.
Chỉ tại chiếc áo?
Gia Minh: Cũng có những ý kiến khác nhau của những người biết vấn đề thì họ nói rằng là tại sao Nguyễn Viết Dũng lại mặc những cái áo có logo của một chính thể mà bây giờ không còn ở Việt Nam nữa?
Nguyễn Viết Dũng: Nói về chiếc áo mà hôm mặc đi tuần hành thì thật ra mà nói bản thân là một người sinh trưởng ở miền Trung và sinh năm 1986, như vậy cách năm 1975 đã 11 năm, tức là tôi sinh sau chiến tranh. Thật ra nhiều người đặt câu hỏi tại sao lại yêu thích, hay yêu mến, hay có những tình cảm đặc biệt dành cho bên Việt Nam Cộng Hòa như thế, Dũng đã trả lời rằng "Vì bản thân tôi đã tự tìm hiểu về lịch sử và tôi biết rằng dưới chế độ VNCH ít nhất là đệ nhất CH từ năm 55 đến năm 63 hay đệ nhị CH từ 1/1/1963 đến 30/4/1975 đã xây dựng được một thể chế tự do, một thể chế dân chủ mà bây giờ chúng ta còn đang đấu tranh cho điều đó. Chúng ta còn đang đấu tranh và đang mơ ước bao giờ cho đến ngày xưa!"
Tiếc thay là những người trẻ ở miền Bắc, miền Trung hay thậm chí còn rất nhiều bạn trẻ ở miền Nam cũng đang bị che mờ đi những chuyện đó. Chế độ VNCH, một chế độ tự do-dân chủ như thế, một chế độ tôn trọng con người như thế mà họ lại gán cho những từ như bán nước, ngụy quân-ngụy quyền thì mình, vốn là người hiểu lịch sử, mình không chịu nổi chuyện đó. Do đó mình muốn ở một thế hệ sinh sau, mặc dù hứng chịu nhiều búa rìu dư luận nhưng mình vẫn quyết tâm cùng với nhóm của mình, rất, rất nhiều người trẻ ngộ ra chân lý và họ cũng muốn chọn đứng dưới màu cờ để thứ nhất là minh oan cho chế độ tốt đẹp ngày xưa, thứ hai là sự nối tiếp truyền thống tự do và dân chủ của dân tộc mình nữa khi mà lá cờ vàng ba sọc đỏ đó đã được dùng ít ra từ năm 1890 dưới thời vua Thành Thái. Ông là vị vua kháng Pháp, yêu nước.
Gia Minh: Nguyễn Viết Dũng cũng mới ra khỏi nhà tù và cũng còn rất là mệt nhưng đã dành cho quý thính giả của đài cuộc nói chuyện này. Vậy xin phép hỏi một câu nữa đó là dù trong nước có những người chưa hiểu việc làm của Nguyễn Viết Dũng và các bạn cùng nhóm nhưng Nguyễn Viết Dũng có thể chia sẻ là sẽ tiếp tục có những dự định gì trong tương lai?
Nguyễn Viết Dũng: Tương lai gần nhất thì có lẽ mình muốn viết một cuốn sách và có tựa là Hồi ký trại tù cộng sản 2015 chẳng hạn, để cho những người đang đấu tranh và thậm chí kể cả những người dân Việt Nam trong và ngoài nước muốn tìm hiểu về tình hình tù cộng sản năm 2015, 2016 đã như thế nào thì họ có thể hiểu được. Và tôi cũng muốn qua cuốn sách để tôi truyền lửa đấu tranh đến những bạn bè, những người trong và ngoài nước. Cụ thể như chuyện chiếc áo thôi, thông điệp qua chiếc áo là người dân không nên sợ chính phủ của mình mà chính chính phủ phải sợ người dân của họ.
Gia Minh: Một lần nữa, xin thay mặt quý thính giả của đài Á Châu Tự Do cảm ơn Nguyễn Viết Dũng.
Nguyễn Viết Dũng: Có một điều Dũng muốn chia sẻ thêm với mọi người nữa đó là hình xăm ở trên tay có chữ “Sát Cộng”. Mới về đến nhà, chưa kịp nghe gì lắm nhưng cũng có em gái ở Hà Nội bảo “một số người bảo anh đi cổ súy cho một chế độ bạo động” nhưng Dũng không hề cổ súy hay cổ vũ cho một phong trào bạo động, cho bạo lực vì nếu dùng bạo lực để xây nên một chính quyền mới, thể chế mới thì chế độ mới đó cũng chả có tốt đẹp gì so với chế độ hiện tại cả.
Bản thân Dũng sợ nhiều người hiểu lầm theo cách đó. Thật ra, trong chữ “Sát Cộng”, Dũng để trắng toàn bộ vì Dũng muốn xăm vào trong chữ “có chữ” nữa. Thực tế là Dũng muốn xăm chữ Human Rights, chữ A nữa. Có nghĩa là Dũng đã xăm dòng chữ nhân quyền, ngụ ý rằng mình sẽ tiêu diệt chế độ CS nhưng không phải là bằng bạo lực mà mình muốn sử dụng nhân quyền, bằng sức mạnh tự do, bằng tam quyền phân lập, bằng tự do báo chí. Tiếc thay, trong tù thì cũng không thực hiện được. Đến giờ thì mình chỉ xăm được chữ Human Rights. Đấy là điều mình muốn chia sẻ thêm.
Gia Minh: Một lần nữa xin cảm ơn Nguyễn Viết Dũng. - RFA
No comments:
Post a Comment