Monday, April 11, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Hai 11/4

Tin Thế Giới

1.
Các ngoại trưởng G7 phản đối sự khiêu khích ở Biển Đông --- Ngoại trưởng Mỹ thăm đài tưởng niệm Hiroshima

Sau hội nghị ở Hiroshima, Nhật Bản, hôm 11/4, các ngoại trưởng của nhóm G7 tuyên bố họ phản đối mạnh mẽ sự khiêu khích ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, những nơi Trung Quốc đang lún sâu vào tranh chấp lãnh thổ với Việt Nam, Philippines, Nhật Bản và một số nước khác.

Tuyên bố của các ngoại trưởng G7, nhóm gồm các nền kinh tế hàng đầu thế giới, nêu rõ: “Chúng tôi bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với bất kỳ hành động cưỡng ép đe dọa hay khiêu khích đơn phương nào có thể làm thay đổi nguyên trạng và gia tăng căng thẳng”.

Các ngoại trưởng cũng nói họ “quan ngại về tình hình ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, và nhấn mạnh tầm quan trọng cơ bản của việc quản lý và giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình”.

Tại hai vùng biển nêu trên, trong những năm gần đây Trung Quốc ngày càng hung hăng và mạnh bạo hơn trong việc khẳng định chủ quyền. Đặc biệt là ở Biển Đông, Trung Quốc đã cải tạo một số bãi đá, bãi san hô để củng cố cho tuyên bố của mình, bất chấp sự phản đối của Việt Nam, Philippines và một số nước khác cũng đòi chủ quyền về toàn phần hoặc một phần vùng biển.

Gián tiếp nhắc đến vụ kiện của Philippines chống lại Trung Quốc, nhóm G7 cũng kêu gọi các nước tuân thủ luật hàng hải quốc tế và thực thi bất kỳ phán quyết có tính ràng buộc nào của các tòa án và tòa trọng tài. Manila đã đề nghị Tòa trọng tài Quốc tế ở La Haye phân xử tranh chấp với Bắc Kinh. Dự kiến sẽ có phán quyết vào tháng 6.

Chưa có tin tức về phản ứng của Việt Nam và Trung Quốc về tuyên bố của các ngoại trưởng G7.

Hội nghị G7 vừa qua bao gồm các ngoại trưởng của Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Anh và Mỹ, ngoài ra còn có một đại diện của Liên hiệp châu Âu. Hôm 9/4, ngoại trưởng Trung Quốc nói hội nghị G7 chớ nên “thổi phồng” vấn đề ở hai vùng biển có tranh chấp.

Ông Malcom Davis, nhà phân tích kỳ cựu tại Viện Chính sách Chiến lược Australia ở Canberra, cho rằng: “G7 đang có những cử chỉ để làm rõ với Trung Quốc rằng nếu họ làm gì hơn nữa, sẽ có cái giá phải trả. Tuyên bố của G7 mang lại cho Mỹ một cơ sở vững mạnh hơn nhiều để Mỹ đi đến với các đồng minh chủ chốt, gồm cả Australia, và làm cho họ hành động nhịp nhàng cùng với Mỹ”.

Ông Davis cho rằng Mỹ muốn vận động sự ủng hộ chính trị quốc tế trước khi tòa La Haye ra phán quyết về vụ khiếu nại của Philippines đối với Trung Quốc. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm đi đến một tuyên bố tương tự của Liên Hiệp Quốc sẽ bị chận đứng bởi Trung Quốc, là một hội viên thường trực của Hội đồng Bảo an. Ông Davis nhận định: “Tuyên bố của G7 có lẽ là điều tốt nhất mà Mỹ có thể có được vào giai đoạn này”.

Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Brunei, Malaysia, và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền đối với Biển Đông, nơi được cho là có trữ lượng dầu khí khổng lồ, đồng thời là nơi lượng thương mại trị giá khoảng 5 nghìn tỷ đôla đi qua bằng vận tải biển hàng năm.

***
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry cho biết ông cảm thấy “hết sức xúc động” và “rất hân hạnh” được trở thành ngoại trưởng đầu tiên của Mỹ đến thăm Hiroshima, một thành phố của Nhật Bản từng bị Hoa Kỳ dội bom nguyên tử vào những ngày cuối của Thế chiến Thứ hai. Thông tín viên Pam Dockins của đài VOA gởi về bài tường thuật từ Hiroshima.

Vào ngày cuối của hội nghị hai ngày của các vị ngoại trưởng khối G-7, bao gồm một chuyến viếng thăm đài tưởng niệm dành cho các nạn nhân Thế chiến Thứ hai ở Hiroshima, Ngoại trưởng Kerry nói ông cảm thấy “hết sức xúc động” khi đến thăm Công viên Hoà bình Hiroshima.

Khi được hỏi Tổng thống Barack Obama có đến thăm Hiroshima hay không khi ông đến dự hội nghị thượng đỉnh G-7 tại Nhật Bản vào tháng sau, ông Kerry nói ông hy vọng một ngày nào đó tổng thống của nước Mỹ sẽ nằm trong số những người tới thăm thành phố này.

Cũng theo lời Ngoại trưởng Kerry, Tổng thống Obama cho biết ông muốn đi thăm Hiroshima nhưng hiện chưa rõ lịch trình của ông có cho phép ông làm như vậy hay không trong chuyến đi Nhật Bản sắp tới.

Ngăn chận nạn khuyếch tán hạt nhân và giải trừ vũ khí hạt nhân là một trong những đề tài chính tại hội nghị G-7 lần này.

Ngoại trưởng Nhật Bản, ông Fumio Kishida, nói “Đối với chúng tôi, việc thủ đắc vũ khí hạt nhân là một việc hoàn toàn không thể nghĩ bàn.”

Ông Kishida cho biết như thế khi được hỏi về những ý kiến của ông Donald Trump, người dẫn đầu cuộc chạy đua của phe Cộng hoà vào Tòa Bạch Ốc, cho rằng Nhật Bản và Nam Triều Tiên nên có vũ khí hạt nhân để giảm bớt sự lệ thuộc vào ô dù hạt nhân của Mỹ.

Ngoại trưởng Kerry không nêu đích danh ông Trump để chỉ trích, nhưng ông nói rằng những đề nghị như vậy của một người ra tranh cử tổng thống là “vô lý” và “đi ngược” với tất cả những mục tiêu mà nước Mỹ đã cố gắng để đạt được.

An ninh toàn cầu là một trong những trọng tâm của cuộc thảo luận giữa ông Kerry với các vị Ngoại trưởng khác của khối G-7, sau khi xảy ra những vụ tấn công khủng bố hồi gần đây ở Brussels và Paris.

Trong một thông cáo chung, các vị ngoại trưởng lên án những vụ tấn công đó và những hành vi tàn ác khác của các nhóm khủng bố.

Thông cáo có đoạn “Những vụ chà đạp nhân quyền một cách trắng trợn và sự tán phá và rối loạn do Nhà nước Hồi giáo và những nhóm khủng bố khác gây ra tiếp tục tạo ra một mối đe dọa nghiêm trọng cho hoà bình và an ninh địa phương, quốc gia, khu vực và quốc tế.”

Các vị ngoại trưởng cũng bàn tới những nỗ lực để mang lại ổn định cho Syria thông qua cuộc đàm phán về một cuộc chuyển tiếp chính trị do Liên Hiệp Quốc làm trung gian.

Thông cáo chung nói “Có một việc hết sức cần thiết là tất cả các bên của Thoả thuận ngưng chỉ các hành vi thù địch, cũng như những nước hỗ trợ cho họ, tiếp tục tuân thủ một cách đầy đủ những qui định của thoả thuận và tiếp tục cuộc thương thuyết về sự chuyển đổi chính trị tách khỏi sự cai trị của Tổng thống Assad.”

Hội nghị ngoại trưởng G-7 cũng bàn tới những hành vi khiêu khích hồi gần đây của Bắc Triều Tiên, trong đó có vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư và những vụ thử nghiệm phi đạn đạn đạo.

Ngày mai, Ngoại trưởng Kerry sẽ diễn thuyết tại cuộc hội thảo của Hội đồng Thái Bình Dương ở tiểu bang California. Bộ Ngoại giao cho biết ông sẽ nói với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở đó về điều gọi là “những cơ hội an ninh quốc gia” của Hiệp định Hợp tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP). - VOA
|
|

2.
Ông Tập Cận Bình muốn Trung Quốc trở thành siêu cường bóng đá

Trung Quốc đã đặt mục tiêu đầy tham vọng là trở thành một trong những đội tuyển bóng đá mạnh nhất thế giới vào năm 2050. 

Mục tiêu trước mắt của nước này là trở thành một trong các đội tuyển tốt nhất châu Á vào năm 2030, và có khoảng 50 triệu người chơi bóng đá vào năm 2020, trong đó có 30 triệu học sinh. 

Mục tiêu này đã được các cơ quan chuyên trách về bóng đá và thể thao của Trung Quốc công bố hôm 11 tháng 4.

Trung Quốc chưa từng có kế hoạch đẩy mạnh đội tuyển bóng đá quốc gia cho tới khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nhậm chức năm 2012. 

Là một người hâm mộ bóng đá từ khi còn nhỏ, ông Tập đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi cải thiện giáo dục về bóng đá trong giới trẻ nhằm nâng chất lượng của bộ môn thể thao được nhiều người xem nhất nước này. 

Trong khi ông Tập còn làm phó chủ tịch năm 2011, ông đã có 3 điều ước đối với tương lai của bóng đá Trung Quốc: đội tuyển lọt vào vòng chung kết World Cup; tổ chức giải Vô địch Bóng đá Thế giới và giành chức vô địch World Cup. 

Vào năm 2015, một chỉ thị về cải tổ bộ môn bóng đá đã được thông qua bởi một nhóm chuyên trách do thích thân ông Tập sáng lập và chủ trì. 

Theo tài liệu công bố hôm 11/4, tới năm 2030, đội tuyển bóng đá nam Trung Quốc sẽ nằm trong top các đội mạnh nhất châu Á, trong khi đội tuyển nữ trở lại nhóm "mạnh nhất thế giới". 

Còn theo tài liệu này, vào năm 2050, đội tuyển nam của nước này sẽ lọt vào nhóm mạnh nhất thế giới. 

Cho tới nay, đội tuyển bóng đá nam của Trung Quốc mới chỉ một lần lọt vào chung kết World Cup năm 2002.

Còn đội tuyển nữ đứng hạng tư World Cup bóng đá nữ năm 1995 và hạng tám năm ngoái. 

Mới nhất, Trung Quốc đã lọt qua vòng bảng thứ 3 của World Cup 2018 sau chiến thắng 2-0 đầy kịch tính trước Qatar ngày 29/3. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Mỹ cố thúc đẩy quan hệ quốc phòng với Ấn Độ

Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter hôm qua, 10/04/2016 đã bắt đầu chuyến công du 3 ngày tại Ấn Độ nhằm thúc đẩy mối quan hệ quốc phòng mới với một quốc gia mà Washington xem là một đối trọng với thế lực ngày càng mạnh của Trung Quốc.

Đây là chuyến viếng thăm Ấn Độ lần thứ hai của ông Carter trong vòng chưa đầy một năm . Để nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ quốc phòng Mỹ-Ấn, lãnh đạo Lầu Năm Góc đã mở đầu chuyến đi tại bang Goa, sinh quán của đương kim bộ trưởng Quốc Phòng Ấn Độ Manohar Parrikar.

Trong một cử chỉ cũng mang tính biểu tượng không kém, bộ trưởng Parrikar hôm qua đã mời đồng nhiệm Mỹ lên chiếc hàng không mẫu hạm INS Vikramaditya của Ấn Độ, đang đậu ngoài khơi hải cảng Karwar. Hành động này nhằm đáp lễ việc bộ trưởng Quốc Phòng Ấn Độ được mời lên thăm hàng không mẫu hạm USS Dwight D Eisenhower khi ông công du Hoa Kỳ tháng 12 năm ngoái.

Đối với New Delhi, qua việc thắt chặt quan hệ quốc phòng với Hoa Kỳ, Ấn Độ sẽ được tiếp cận nhiều hơn các công nghệ quân sự của Mỹ, vì New Delhi đang rất hiện đại hóa nhanh chóng lực lượng quân đội trước mối đe dọa của hải quân Trung Quốc tại vùng Ấn Độ Dương. Nhưng cho tới nay, Ấn Độ vẫn có truyền thống là cố không quá « thân mật » với bất cứ quốc gia nào.

Theo lời Shane Mason, một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Stimson ở Washington, Ấn Độ rất ngại bị xem là quá thân với Hoa Kỳ, nhưng Lầu Năm Góc đang rất cần đẩy mạnh quan hệ quốc phòng Mỹ-Ấn. Năm ngoái, ông Carter đã lập một nhóm đặc biệt trong Lầu Năm Góc để đẩy mạnh hợp tác với Ấn Độ.

Vào tháng trước, tư lệnh lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương, đô đốc Harry Harris, cũng đã tuyên bố là Hoa Kỳ muốn mở rộng các cuộc tập trận hải quân thường niên với Ấn Độ thành các chiến dịch tuần tra chung ở vùng châu Á-Thái Bình Dương. Nhưng New Dehli đã khẳng định ngay là không hề có những kế hoạch như vậy với Washington. Cho tới nay, Ấn Độ chưa hề tiến hành tuần tra chung với bất cứ quốc gia nào.

Về phần các nhà sản xuất vũ khí, thiết bị quốc phòng của Mỹ, họ hy vọng là việc thắt chặt quan hệ quân sự với Ấn Độ sẽ mang lại những mối lợi to lớn, vì đó là một trong những quốc gia chi tiêu cho quốc phòng nhiều nhất thế giới hiện nay, nhưng đang rất cần nâng cao khả năng phòng thủ.

New Delhi đang xây dựng lại lực lượng không quân (hiện chủ yếu là những phi cơ cũ ), cho nên hai hãng Lockheed Martin và Boeing đang thảo luận với Ấn Độ về việc sản xuất các chiến đấu cơ phản lực của hai hãng này ở Ấn Độ. Bên cạnh đó, hai nước đang thương lượng về yêu cầu của Ấn Độ muốn được cung cấp 40 máy bay không người lái Predator ( loại có trang bị vũ khí ) của Mỹ.

Cho tới nay, New Delhi vẫn không muốn ký những hiệp ước có thể kéo nước này vào một liên minh quân sự với Hoa Kỳ, chẳng hạn như Hiệp định Hỗ trợ Hậu cần - Logistics Support Agreement ( LSA). Với hiệp định này, quân đội hai nước có thể đi vào các căn cứ quân sự của nhau. Nhưng trước chuyến viếng thăm của ông Carter, một nguồn tin quốc phòng Ấn Độ cho biết là cả hai bên đều mong muốn nhanh chóng kết thúc đàm phán ký kết hiệp định LSA. - RFI
|
|

Tin Việt Nam

4.
Chính sách của Việt Nam sẽ không thay đổi dưới dàn lãnh đạo mới

Sau khi Việt Nam hoàn tất những thay đổi nhân sự ở các cấp cao nhất vào cuối tuần qua, truyền thông quốc tế đang dồn sự chú ý vào những thay đổi chính sách dưới dàn lãnh đạo mới.

Các hãng tin quốc tế cho rằng chính sách của Việt Nam khó có thể thay đổi trong tương lai.

Hãng tin Reuters hôm 10/11 chạy hàng tít: “Nhiều khuôn mặt mới trong chính phủ, nhưng khó có thay đổi về mặt chính sách”.

Bài báo viết rằng trong khi cuộc chuyển tiếp quyền lực đầy kịch tính đã kết thúc hôm thứ Bảy vừa rồi với 21 khuôn mặt mới, nội các được giao nhiệm vụ cải cách một nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn trong nỗ lực tư hữu hoá và đối phó với những vấn đề về nợ công.

Tân chính phủ Việt Nam dưới quyền lãnh đạo của ông Nguyễn Xuân Phúc lên nắm quyền sau một năm tăng trưởng kinh tế mạnh, với tỷ lệ tăng 6,7% và một nền kinh tế 200 tỉ đôla, cùng với mức đầu tư nước ngoài cao kỷ lục.

Ba Phó Thủ Tướng mới gồm nguyên Chánh án Toà Án Nhân Dân Tối Cao Trương Hoà Bình, và ông Vương Đình Huệ, nguyên Trưởng Ban Kinh tế Trung ương,

Ông Lê Minh Hưng được bổ nhiệm vào chức Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thay thế ông Nguyễn Văn Bình.

Một số nhân vật quan trọng trong chính phủ tiền nhiệm từng cổ vũ một nghị trình ủng hộ các hoạt động kinh doanh, vẫn được lưu nhiệm gồm có Bộ trưởng Tài Chính Đinh Tiến Dũng và các Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam và Phạm Bình Minh, còn kiêm nhiệm chức Bộ trưởng Ngoại giao.

Bản tin của Reuters nói rằng dù cho cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, một nhân vật đầy thế lực từng ủng hộ cải cách kinh tế, đã ra đi nhưng chính phủ mới theo dự kiến sẽ duy trì các chính sách tương tự.

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo đăng tải một bài viết hôm 10/4, đại ý cho rằng các nhà lãnh đạo mới tại Hà Nội sẽ duy trì các chính sách cũ.

Tờ báo này chỉ trích giới truyền thông là thường dùng các từ như “bảo thủ, cải cách, thân Trung Quốc, hay thân Mỹ” khi nói tới các nhà lãnh đạo Việt Nam, nhưng đó chỉ là một cách để tạo sự chú ý mà thôi.

Theo tác giả bài báo, một nhà nghiên cứu về các vấn đề Việt Nam tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, các quan điểm chính trị của giới lãnh đạo Việt Nam không khác nhau bao nhiêu, họ đều là những nhà cải cách, mặc dù có một số người thận trọng hơn, nhưng tất cả đều chia sẻ ước vọng là duy trì ổn định chính trị và phát triển kinh tế.

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhấn mạnh là Việt Nam có một chính sách đối ngoại rõ rệt là duy trì các quan hệ hữu nghị với tất cả các cường quốc, trong đó có Trung Quốc, Nga và Mỹ, trong khi không ngả về bất cứ nước nào.

Bài báo kết luận rằng bất kể những thay đổi nhân sự sâu rộng tới chừng nào, chính sách ngoại giao mà tác giả cho là đã chứng tỏ là rất thành công ấy sẽ không thay đổi đáng kể.

Về cuộc tranh chấp trên Biển Đông mà tờ báo cho đang là thử thách lớn nhất giữa Bắc Kinh và Hà Nội, trong bối cảnh các cường quốc thế giới, kể cả Mỹ và Nhật Bản, đang ve vãn Hà Nội, tờ báo nói rằng Việt Nam hiểu rất rõ về tầm quan trọng của nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc, đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam trong 12 năm liên tiếp. Và với sự trỗi dậy tiếp tục của Trung Quốc, Việt Nam sẽ ngày càng lệ thuộc hơn vào nước này về mặt thương mại và kinh tế. Tờ báo còn nêu ra những ảnh hưởng sâu đậm của Khổng Tử đối với nền văn hoá của Việt Nam.

Reuters trích dẫn tập đoàn Albright Stonebridge, một công ty tư vấn có trụ sở ở Hoa Kỳ, cho rằng mặc dù Thủ Tướng Dũng là khuôn mặt được biết đến của các sáng kiến cải cách kinh tế và thắt chặt các quan hệ với Washington, các chính sách này được sự ủng hộ mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo Việt Nam nói chung.

Theo bản tin, chính phủ mới sẽ phải cật lực làm việc để củng cố sự hồi phục còn mong manh của ngành ngân hàng, và đẩy mạnh việc tư hữu hoá các công ty quốc doanh, và kiềm chế món nợ công lớn được ước lượng lên tới 60% GDP.

Theo Báo Việt nam Đầu tư, quốc hội mới đã đề ra chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức từ 6,5% tới 7% trong thời gian từ năm 2016 tới 2020, cao hơn tỷ lệ tăng trưởng trung bình của giai đoạn 2011-2015 là 5,9%.

GDP của Việt Nam tính trên đầu người được dự báo sẽ ở vào khoảng từ 3,200 tới 3,500 đôla, so với con số của năm ngoái là 2,109 đôla.

Báo Việt nam Đầu Tư dẫn lời tân thủ tướng Việt Nam nói rằng “Trọng tâm trong thời gian tới là tập trung cải cách hành chính, tạo ra một môi trường thuận lợi cho kinh doanh, củng cố dân chủ, củng cố kỷ luật trong hệ thống hành chính và xã hội nói chung”. - VOA
|
|

5.
Trung Quốc muốn 'tham vấn thân thiện' về đánh cá ở Biển Đông

Báo Philippines Daily Inquirer hôm 11/4 đưa tin Trung Quốc nói rằng họ sẽ tiến hành "hiệp thương hữu nghị" với các nước láng giềng để tránh đối đầu trong các hoạt động đánh bắt cá ở những nơi có tranh chấp Biển Đông, nhưng Philippines cho biết sẽ chờ đợi phán quyết của tòa án quốc tế về tuyên bố chủ quyền biển của Trung Quốc.

Philippines hiện đang chờ đợi phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) tại La Haye, có thể sẽ được đưa ra trong vài tuần tới, sau khi Philippines nộp đơn khiếu nại về tuyên bổ chủ quyền của Trung Quốc đối với một diện tích lớn ở Biển Đông. Việt Nam đã phát tín hiệu ủng hộ nỗ lực của Philippines tuy không nộp đơn kiện.

Vụ khiếu nại của Philippines nêu ra một số vấn đề kể cả hoạt động đánh bắt cá ở vùng gọi là Biển Tây Philippines. Trong số các vấn đề là việc Trung Quốc đã không làm theo luật và không ngăn chặn các công dân và tàu của nước này khai thác hải sản trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, và Trung Quốc đã ngăn cản bất hợp pháp các ngư dân Philippines kiếm sống thông qua can thiệp vào hoạt động đánh bắt cá truyền thống tại bãi cạn có tranh chấp Scarborough, mà Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham.

Trong động thái mới nhất, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói sự đối đầu giữa các ngư dân Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, và Đài Loan có thể tránh được thông qua "hiệp thương hữu nghị".

Ông Lục Khảng nói tại cuộc họp thường kỳ ở Bắc Kinh tuần trước rằng "Hợp tác nghề cá là một phần quan trọng trong sự hợp tác cùng có lợi giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, trong đó có các nước ven Biển Đông". Văn bản ghi lại nội dung cuộc họp báo được đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Ông Lục nói chính phủ Trung Quốc coi trọng việc quản lý nghề cá và chỉ đạo ngư dân Trung Quốc tiến hành hoạt động khai thác phù hợp với luật pháp và các quy định.

Nhưng kể từ năm 2012, Việt Nam và Philippines đã ghi nhận nhiều trường hợp gây hấn của các tàu Trung Quốc. - VOA
|
|

6.
VN cho công dân Mỹ hưởng visa 12 tháng

Trước chuyến thăm của Tổng thống Obama, chính quyền Việt Nam cho công dân Mỹ hưởng quy chế visa nhập cảnh nhiều lần 12 tháng liền, tăng lên từ 3 tháng.

Việc này diễn ra theo đề nghị của Bộ Ngoại giao Việt Nam vài tháng trước đã đề xuất lên Quốc hội Việt Nam về chế độ visa một năm cho công dân Mỹ.

Đại Sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội hôm 11/4 ra thông cáo báo chí viết:

"Vào ngày 9 tháng 4, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã thông qua kế hoạch cấp thị thực 12 tháng, nhiều lần nhập cảnh cho công dân Hoa Kỳ đến Việt Nam ngắn hạn vì mục đích thương mại hoặc du lịch."

Thị thực loại mới này có hiệu lực từ cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6/2016.

Tổng thống Hoa Kỳ, ông Barack Obama dự kiến thăm Việt Nam vào cuối tháng 5 năm nay.

Quy chế về thị thực mới 12 tháng này sẽ cấp cho các công dân Hoa Kỳ đến Việt Nam với mục đích thương mại hoặc du lịch ngắn hạn, đồng thời đáp ứng các yêu cầu nhập cảnh khác của Việt Nam, theo văn bản được trích dẫn.

Cho tới nay, thời hạn thị thực tối đa mà Việt Nam cấp cho các mục đích tương tự đa số là ba tháng, một lần nhập cảnh.

Theo Sứ quán Hoa Kỳ thì nước này "vẫn tiếp tục cấp thị thực có hạn một năm ,nhiều lần nhập cảnh cho công dân Việt Nam vào Hoa Kỳ vì mục đích thương mại (loại thị thực B-1) hoặc du lịch (thị thực B-2)."

Chính vì thế, hồi cuối năm 2015, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đề xuất Việt Nam áp dụng chế độ visa tương tự với công dân Mỹ, tương xứng với chính sách Mỹ dành cho Việt Nam những năm qua.

Phó thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh vào hôm 11/12/2015 đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc đàm phán và trao đổi công hàm thỏa thuận về việc cấp thị thực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Ông Minh giải thích Mỹ đã nhiều lần yêu cầu Việt Nam thay đổi chính sách khiến công dân Hoa Kỳ chỉ được cấp thị thực nhập cảnh ngắn hạn ba tháng và không được gia hạn thời gian lưu trú.

Trong khi đó, công dân Việt Nam xin thị thực Mỹ với mục đích du lịch, công tác, hội nghị… ngắn hạn đều được Mỹ cấp thị thực nhập cảnh nhiều lần trong vòng một năm và được lưu trú mỗi lần nhập cảnh tối đa 6 tháng.

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, phía Mỹ đã từng cảnh báo có thể thay đổi chính sách này nếu Việt Nam không thay đổi. - BBC
|
|

7.
Nghị trình Obama tại Việt Nam?

“Trong chuyến thăm này, phía Việt Nam muốn Hoa Kỳ công nhận là nền kinh tế thị trường và dỡ bỏ toàn bộ lệnh cấm buôn bán vũ khí sát thương.”

“Phía Hoa Kỳ mong muốn Việt Nam cải thiện hồ sơ nhân quyền, nhà nước không can thiệp vào thị trường cũng như có một đồng tiền có thể quy đổi. Tính hợp tác có điều kiện là điều thường gặp trong quan hệ quốc tế, cũng như quan hệ song phương Việt-Mỹ”.

Đây là dự đoán của ông Murray Hiebert, chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược (CSIS) ở Hoa Kỳ, về chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama đến Việt Nam sắp diễn ra vào cuối tháng 5 năm 2016.

Trong năm cuối nhiệm kỳ Tổng thống, ông Barack Obama đang tiến hành các chuyến thăm quốc tế nhằm đánh dấu di sản đối ngoại của mình.

Chuyến thăm Cuba hồi tháng 3 năm 2016 có ý nghĩa như vậy.

Lần cuối cùng một tổng thống Mỹ đương nhiệm đến Việt Nam cách đây 10 năm (2006) dưới thời Tổng thống Mỹ George W. Bush.

Trao đổi với BBC, ông Murray Hiebert cho rằng chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama sẽ thúc đẩy thể chế hóa quan hệ song phương Việt - Mỹ. Đây là nền tảng một mối quan hệ lâu dài, tiếp nối thành tựu đã đạt được trong những chuyến thăm trước đó của Chủ tịch nước Việt Nam ông Trương Tấn Sang (năm 2013) và đương kim Tổng bí thư ông Nguyễn Phú Trọng (năm 2015).

Hợp tác kinh tế

Về hợp tác kinh tế, chuyến đi này của ông Obama được kỳ vọng thúc đẩy việc thực thi Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhằm tăng cường thương mại và cơ hội đầu tư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

“Việt Nam sẽ là nước có lợi nhất trong 12 nước tham gia Hiệp định TPP. Đặc biệt hiệp định này sẽ khiến sản phẩm may mặc và giày thể thao của Việt Nam hưởng thuế quan thấp hơn tại thị trường Mỹ. Điều này giúp cho khả năng cạnh tranh của Việt Nam so với Trung Quốc, Campuchia và Bangladesh,” ông Hiebert bình luận.

Ông đưa ra dẫn chứng từ một nghiên cứu của World Bank, cho thấy nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng khoảng 8% trong những năm tới nhờ vào vị thế là thành viên của Hiệp định TPP.

Mặt khác, trong chuyến thăm này, ông Obama và những người đồng nhiệm có thể sẽ bàn thảo về việc triển khai đường bay thẳng giữa Việt Nam và Mỹ. Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Ted Osius, hiện đang tích cực đẩy mạnh hiện thực hóa đường bay này, giúp cho việc đi lại của thương nhân, khách du lịch hay du học sinh giữa hai nước được thuận lợi hơn.

Một vấn đề quan trọng khác có thể bàn bạc trong chuyến đi của ông Obama là việc Việt Nam muốn Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường. Như một điều kiện để gia nhập Tổ chức thương mại quốc tế (WTO), Việt Nam trước đó đã chấp nhận danh nghĩa là nền kinh tế phi thị trường cho đến năm 2018. Dưới danh nghĩa này, các công ty Việt Nam dễ bị doanh nghiệp Mỹ cáo buộc bán phá giá sản phẩm giá rẻ vào thị trường này. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng muốn Mỹ chấm dứt một số biện pháp bảo hộ đối với sản phẩm cá da trơn có nguồn gốc từ Việt Nam.

Để Việt Nam được công nhận kinh tế thị trường, Quốc hội Mỹ đã đưa ra khá nhiều điều kiện mà Việt Nam phải đáp ứng. Trong đó bao gồm nhà nước không can thiệp vào thị trường, cũng như Việt Nam phải có một đồng tiền có thể được tự do chuyển đổi cho loại tiền tệ khác hoặc vàng mà không cần sự cho phép của các ngân hàng trung ương.

Lệnh cấm vận vũ khí

Ông Murray Hiebert nói lãnh đạo hai nước có thể bàn về vấn đề Biển Đông, cũng như hợp tác đối phó biến đổi khí hậu và môi trường. Sẽ không ngạc nhiên nếu Tổng thống Obama tuyên bố tăng ngân sách cho các dự án hỗ trợ nạn nhân chất độc màu da cam, theo ông Hiebert.

Trong khi đó, Việt Nam sẽ yêu cầu phía Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm mua bán vũ khí sát thương. Lệnh cấm này đã được dỡ bỏ một phần vào năm 2014 nhằm giúp Việt Nam nâng cao sức mạnh an ninh hàng hải.

Quốc hội Mỹ đã yêu cầu để dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm mua bán vũ khí này, Việt Nam phải cải thiện hồ sơ nhân quyền, đặc biệt là việc giam giữ các blogger và người bất đồng chính kiến.

“Trong quan hệ quốc tế, tính có điều kiện trong thương lượng song phương là điều thường gặp,” ông Hiebert nói với BBC.

Trong chuyến thăm này, Việt Nam và Hoa Kỳ cũng có thể bàn bạc hợp tác về lực lượng gìn giữ hòa bình. Bắt đầu từ việc phía Mỹ thể cử chuyên gia đến làm việc tại Trung tâm Gìn giữ Hòa bình Việt Nam. Tuy nhiên điều này có thể chưa kịp hoàn thành trong chuyến thăm của ông Obama, theo ông Hiebert.

Trung tâm Gìn giữ Hòa bình Việt Nam trực thuộc Bộ Quốc phòng là cơ quan chuyên môn tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc.

Trước đó, truyền thông trong nước đưa tin các sĩ quan Việt Nam đầu tiên nhận sứ mệnh gìn giữ hoà bình của Liên Hiệp Quốc tại Cộng hòa Trung Phi từ tháng 4/2014, và tại Nam Sudan từ tháng 6/2014.

Gặp giới trẻ?

Ông Murray Hiebert dự đoán là ngoài Hà Nội, Tổng thống Obama có thể ghé thăm thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế của Việt Nam. Nếu thời gian cho phép, ông Obama có thể gặp mặt một số lãnh đạo kinh tế, đặc biệt là những người trẻ để tăng cường hình ảnh và sự kết nối của nước Mỹ với thế hệ lãnh đạo tương lai của Việt Nam.

Nếu ông Obama thăm thành phố Hồ Chí Minh, ông Hiebert cho rằng có thể ông Obama sẽ tham dự khánh thành Đại học Fulbright Việt Nam tại thành phố này.

Đây là đại học phi lợi nhuận đầu tiên của Việt Nam được Quốc hội Mỹ đầu tư một phần kinh phí. Dự án Đại học Fulbright Việt Nam lần đầu được đề cập trong Tuyên bố chung của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Barack Obama ngày 25/7/2013.

Theo ông Hiebert, Trung Quốc sẽ không trực tiếp bình luận về chuyến đi thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barrack Obama.

Tuy nhiên nếu có hiệp định liên quan đến an ninh chính trị được ký kết giữa Mỹ và Việt Nam, rất có thể Trung Quốc sẽ tăng cường hoạt động của mình tại khu vực tranh chấp ở Biển Đông. - BBC

No comments:

Post a Comment