Tin Thế Giới
1.
Indonesia ban hành cảnh báo sóng thần sau trận động đất mạnh --- Động đất mạnh ngoài khơi Indonesia
Giới hữu trách Indonesia vừa ban hành lệnh cảnh báo sóng thần sau khi một cơn địa chấn mạnh xảy ra ở vùng cách đảo Sumatra vài trăm cây số về hướng tây nam.
Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ cho biết trận địa chấn 7.9 này thuộc loại cạn, với tâm chấn nằm cách bề mặt trái đất từ 6 đến 10 kilomét. Trận động đất được cảm nhận trên một khu vực rộng lớn ở Indonesia, Malaysia và Singapore.
Cảnh báo sóng thần được ban hành bao gồm các khu vực Tây Sumatra, Bắc Sumatra và tỉnh Aceh. Nhà chức trách Australia cũng cảnh báo sóng thần cho vùng bờ biển phía tây của nước này.
Trận động đất xảy ra lúc 06:50 giờ địa phương (1250 UTC).
Chưa có tin gì về thiệt hại từ khu vực nằm gần trận động đất này. - VOA
***
Một trận động đất mạnh 7,9 độ Richter vừa xảy ra ngoài khơi duyên hải phía tây Indonesia, Cơ quan Khảo sát Địa lý Hoa Kỳ (USGS) nói.
Hiện chưa có tin tức gì về các thiệt hại từ vụ việc.
USGS nói trận động đất xảy ra vào lúc 19:49 giờ địa phương (12:49 GMT), với tâm chấn cách thành phố Padang 808km về phía tây nam, ở độ sâu 10km.
Giới chức Indonesia đã ra cảnh báo sóng thần cho các khu vực Tây Sumatra, Bắc Sumatra và Aceh.
Úc cũng ra cảnh báo sóng thần cho vùng đảo Cocos Island và Christmas Island trên Thái Bình Dương, và theo dõi sát tình hình tại vùng duyên hải phía tây Australia, gồm cả thành phố Perth.
Người ta cảm nhận được rõ rệt trận động đất tại Padang trong vài giây; người dân đã bỏ chạy ra khỏi nhà để tới những nơi cao hơn.
Giao thông đã bị tê liệt và trên các đường phố tràn ngập bầu không khí hoảng loạn.
Hồi 2004, một trận động đất 8,9 độ đã gây ra trận sóng thần khủng khiếp nhất, gây chết nhiều người nhất thế giới, với hơn 200 ngàn người thiệt mạng.
Sau thảm họa đó, một hệ thống theo dõi cảnh báo sóng thần hiệu quả hơn đã được thiết lập. Các cảnh báo hiện được đưa ra thường xuyên hơn sau các trận động đất tại khu vực. - BBC
|
|
2.
Mỹ cảnh cáo Trung Quốc sẽ lãnh hậu quả vì quân sự hóa Biển Đông --- Moody's hạ bậc tín nhiệm Trung Quốc
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cảnh cáo Trung Quốc chớ có ‘quân sự hóa’ Biển Đông và đe dọa sẽ có ‘những hậu quả cụ thể’ tiếp theo nếu Bắc Kinh không hạ giảm các hoạt động trong khu vực.
Phát biểu tại San Francisco hôm qua, Bộ trưởng Ash Carter khẳng định: ‘Trung Quốc không được quân sự hóa Biển Đông.’
Ông Carter nhấn mạnh các hoạt động của Bắc Kinh có thể làm gia tăng nguy cơ tính toán sai lầm hay xung đột giữa các nước có tranh chấp, đồng thời tuyên bố rằng ‘Những hành động cụ thể sẽ dẫn tới những hậu quả cụ thể.’ Bộ trưởng Ash Carter nói
"Trung Quốc trỗi dậy, không thành vấn đề, nhưng hành xử một cách gây hấn thì đó là một vấn đề."
Bộ trưởng Carter nói nếu Trung Quốc coi thường lời cảnh báo này, quân đội Mỹ sẵn sàng tăng cường điều động tới Châu Á-Thái Bình Dương và sẽ chi thêm 425 triệu đô la cho các hoạt động diễn tập quân sự chung với những nước trong khu vực bị Trung Quốc đe dọa.
Ông Carter cho biết thêm Ngũ Giác Đài cũng dự định chi hơn 8 tỷ đô la trong năm tài khóa 2017 để mở rộng đội tàu ngầm và các máy bay không người lái dưới mặt biển. Bộ trưởng Carter nói tiếp:
"Cốt lõi chung xuyên suốt chính sách quốc phòng Mỹ là phải cạnh tranh trong thế giới cạnh tranh ngày nay."
Quả quyết sẽ có hậu quả đối với các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ nói ‘Chúng tôi đã có kế hoạch trong cả ba khía cạnh vừa kể và quý vị sẽ thấy những việc đó diễn ra.’
Tuyên bố mạnh mẽ của người đứng đầu Ngũ Giác Đài được đưa ra sau những hình ảnh và tin tức cho thấy Bắc Kinh đã đưa hệ thống tên lửa đất đối không cùng các máy bay chiến đấu ra Phú Lâm, đảo lớn nhất trong quần đảo Hoàng Sa.
Việt Nam nói Phú Lâm thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng từ thập niên 50 và Hà Nội trong những ngày qua cũng đã lên tiếng phản đối sau các động thái triển khai quân sự của Bắc Kinh tại đây.
Hoa Kỳ, một đối tác quân sự quan trọng của Việt Nam, đang đẩy mạnh các bước ứng phó trước những ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực, với việc gia tăng tuần tra hải quân thường xuyên cùng các hoạt động do thám trên không ở Biển Đông.
Ngoài ra, Washington cũng tăng cường các cuộc tập trận do Mỹ dẫn đầu, phối hợp với các đồng minh Châu Á.
Trong bài phát biểu hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhắc lại ‘Phải nói rõ là Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cho máy bay, tàu bè qua lại và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép, như những gì chúng ta đang làm trên khắp thế giới.’ Ông Carter nhấn mạnh ‘Tất cả chúng ta đều có lợi ích cơ bản trong an ninh hàng hải Châu Á, kể cả ở Biển Đông.’
Trước đó một ngày, Trung Quốc cảnh cáo Hoa Kỳ chớ hành xử như một quan tòa quốc tế trong vấn đề Biển Đông. Bắc Kinh nói các nỗ lực của họ ở Biển Đông chính yếu mang mục đích dân sự nhằm biến nơi đây thành một vùng biển an toàn hơn.
Hà Nội tố cáo Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam, quân sự hóa Biển Đông, đe dọa hòa bình khu vực và an ninh hàng hải Biển Đông khi đưa tên lửa và máy bay chiến đấu ra Phú Lâm.
Bộ Ngoại giao Việt Nam tuần rồi một lần nữa yêu cầu Trung Quốc hành xử có trách nhiệm, tôn trọng luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển 1982 và Tuyên bố Ứng xử các bên ở Biển Đông.
Tuy nhiên, Trung Quốc trước nay không hề nao núng trước những phản đối ngoại giao của Hà Nội. - VOA
***
Công ty đánh giá tín dụng Moody's của Hoa Kỳ hạ đánh giá tín nhiệm Trung Quốc từ “ổn định” xuống “tiêu cực”.
Tổ chức này cảnh báo cải cách là cần thiết nếu Trung Quốc không muốn bị hạ bậc thêm nữa.
Moody's cho biết việc thay đổi mức đánh giá dựa trên dự đoán sức mạnh tài chính của Trung Quốc sẽ tiếp tục suy giảm.
Đánh giá tiêu cực được đưa ra ngay sau khi thống kê mới nhất cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang tiếp tục đi xuống.
Moody's cho biết họ quan ngại Trung Quốc thực hiện không đầy đủ quá trình cải cách cần thiết.
Gánh nặng nợ tăng cao
“Không có những cải cách đáng tin cậy và hiệu quả, tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ chậm lại đáng kể khi gánh nặng nợ nần làm suy giảm đầu tư và cơ cấu dân số ngày càng bất lợi”- Moody's nói trong một ghi chú.
“Nợ của chính phủ có thể tăng nhanh hơn mức chúng tôi dự đoán.”
Nhưng công ty đánh giá tín dụng cũng cho biết hiện thời Trung Quốc vẫn xếp hạng Aa3, và cho rằng vẫn còn thời gian để xử lý những mất cân bằng hiện thời trong nền kinh tế và thực hiện cải cách.
Chỉ một tuần trước, Trung Quốc tìm cách trấn an cộng đồng kinh tế toàn cầu về sức mạnh của mình.
Tại hội nghị các nước G20 tại Thượng Hải, Bộ trưởng Tài chính Lâu Kế Vĩ nói Bắc Kinh có thể giải quyết những áp lực mà họ đang phải đối mặt.
Nền kinh tế Trung Quốc lớn thứ hai thế giới, và đang phát triển với tốc độ chậm nhất trong vòng 25 năm qua. Nước này đang nỗ lực chuyển đổi từ quốc gia tăng trưởng nhờ xuất khẩu thành nền kinh tế tăng trưởng nhờ tiêu dùng và dịch vụ.
Kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại tạo ra những bất ổn đáng kể trên thị trường tài chính, và dẫn đến giảm mạnh giá hàng hóa. - BBC
|
|
Tin Hoa Kỳ
3.
Bà Clinton và ông Trump thắng lớn trong cuộc bầu cử Siêu Thứ Ba
Bà Hillary Clinton và ông Donald Trump thắng lớn trong cuộc bầu cử Siêu Thứ Ba, ngày bầu cử quan trọng nhất của mùa bầu cử sơ bộ trong cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc. Thông tín viên William Gallo của đài VOA tường thuật.
Cựu Ngoại trưởng Clinton thắng tại các tiểu bang Tennessee, Alabama, Georgia, Virginia, Texas và Massachusetts. Đối thủ của bà, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders thắng tại các tiểu bang Vermont, Oaklahoma, Minnesota và Colorado.
Về phía Cộng hoà, tỉ phú Trump thắng tại các tiểu bang Arkansas, Gerogia, Alabama, Tennessee, Virgina, Vermont và Massachusetts. Thượng nghị sĩ Ted Cruz giành được thắng lợi tại tiểu bang nhà Texas cùng với hai tiểu bang Oaklahoma và Alaska. Thượng nghị sĩ Marco Rubio giành được thắng lợi đầu tiên của ông tại Minnesota.
Những kết quả vừa kể không gây ngạc nhiên, vì trước đó các cuộc thăm dò cho thấy ông Trump và bà Clinton dẫn đầu khá xa tại các tiểu bang có tổ chức đầu phiếu trong ngày Siêu Thứ Ba và trên cả nước.
Trong những phát biểu mừng chiến thắng, hai chính khách này đã chỉa mũi dùi vào nhau thay vì công kích các đối thủ của họ trong cuộc bầu cử sơ bộ.
"Tại một cuộc mít-tinh ở Florida, bà Clinton nói “Nước Mỹ chưa bao giờ hết vĩ đại” để phản bác khẩu hiệu của ông Trump là “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại.” Bà tuyên bố “Chúng ta phải đoàn kết đất nước” và nói thêm rằng những lời lẽ của phe Cộng hoà “đã trở nên đê tiện hơn lúc nào hết.”
Ông Trump đã phản bác ngay những tuyên bố của bà Clinton trong lúc ông diễn thuyết tại Florida."
Nhà tỉ phú địa ốc này nói “Bà ấy muốn nước Mỹ đoàn kết lại. Tôi không biết bà ấy muốn nói gì. Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại là tốt hơn rất nhiều so với việc làm cho nước Mỹ đoàn kết trở lại.”
Ông Trump còn nói tới Thượng nghị sĩ Rubio, là người đã tranh cãi với ông rất kịch liệt trong tuần vừa qua. Ông Trump nói “Ông ấy đã cố gắng rất nhiều. Ông ấy đã tiêu rất nhiều tiền. Ông ấy là tay mơ, như tôi đã nói nhiều lần. Ông ấy là kẻ thất bại lớn của đêm nay.”
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Sanders tiếp tục có thái độ lạc quan khi ông phát biểu trước một đám đông rất lớn tiểu bang tiểu bang nhà Vermont.
Ông nói “Cuộc vận động này, như tất cả các bạn đều biết, không phải chỉ để bầu ra một vị tổng thống mà còn để chuyển đổi nước Mỹ. Mục tiêu của chúng ta là làm cho đất nước vĩ đại của chúng ta trở thành một đất nước mà chúng ta biết là nó có tiềm năng để được như vậy.”
Ông Sanders cũng nhấn mạnh tới sự kiện là số phiếu đại biểu trong các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ được phân chia theo tỉ lệ chiếm phiếu, chứ không phải người thắng chiếm hết. Ông nói “Đến cuối đêm nay, chúng tôi sẽ giành được nhiều trăm phiếu đại biểu.”
Sau khi cuộc đầu phiếu kết thúc, ông Sanders đưa ra một thông cáo, trong đó nói rằng cuộc vận động của ông “chỉ mới bắt đầu” và ông quyết định tiếp tục tham gia cuộc đua cho tới khi đại hội đề cử của đảng diễn ra vào tháng 7. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
4.
Xâm nhập mặn và khô hạn nặng vùng ĐBSCL
Nhiều khu vực tại Đồng bằng Sông Cửu Long đang bị nước mặn xâm nhập sâu và khô hạn nặng gây hại. Tình trạng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định là cấp bách và có chỉ đạo từ giữa tháng hai vừa qua.
Thực tiễn ra sao và cần có những biện pháp thế nào để giảm thiểu tác hại cho nông dân?
Nhận định từ cơ quan chức năng
Hội nghị Phòng chống xâm nhập mặn các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long được tổ chức tại thành phố Cần Thơ vào ngày 17 tháng 2 vừa qua. Đích thân ông phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự và sau đó đi tham quan một số nơi bị tác động nặng nề hiện nay.
Nhận định của Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn Việt Nam đưa ra tại hội nghị cho thấy diện tích lúa đông xuân 2015- 2016 ở khu vực đồng bằng Sông Cửu Long bị ảnh hưởng do hạn, mặn nặng là hơn 100 ngàn hecta, chiếm gần 7% diện tích xuống giống. Cụ thể tại hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau có 54 ngàn héc ta lúa bị thiệt hại; nếu qui ra tiền số thất thu có thể hơn 1 ngàn tỷ đồng.
Một quan chức của tỉnh Hậu Giang cho biết thị xã Ngả Bảy của tỉnh này từ bao đời nay chưa hề bị xâm nhập mặn nhưng năm nay phải chịu và có 400 hecta lúa trong tỉnh bị thiệt hại rồi.
Sở Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết đến trung tuần tháng hai, toàn tỉnh có gần 9 ngàn héc ta lúa bị tác động bởi hạn, mặn. Cơ quan chức năng tỉnh Bạc Liêu cũng cảnh báo nếu mặn xâm nhập sâu thì thỉnh này sẽ mất trắng 2500 hec ta lúa.
Tỉnh Bến Tre cũng nói có trên 10 ngàn héc ta lúa đông xuân 2015-2016 bị thiệt hại; hằng trăm diện tích cây ăn trái cũng bị ảnh hưởng do thiếu nước ngọt.
Chủ tịch tỉnh Cà Mau, Nguyễn Tiến Hải cho biết, mực nước trung bình tại tỉnh này giảm hơn 0,3 mét; nếu như khô hạn kéo dài trong thời gian tới thì nguy cơ cháy rừng tại Cà Mau rất cao.
Tiến sĩ Dương Văn Ni, thuộc trường Đại Học Cần Thơ, trình bày về thực tế nhiễm mặn, hạn hán ở khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long và một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó:
“Trước hết nguồn nước năm nay ít hơn so với nhiều năm và ít hơn so với nguồn nước trung bình của hằng năm; như vậy mặn xâm nhập cũng lâu hơn, nhiều hơn so với những năm trung bình. Đây cũng là sự kéo dài thay đổi thời tiết: từ cuối năm 2013, đầu năm 2014 đã có dấu hiệu lượng mưa trong lưu vực sông Mê kong giảm; nhưng đặc biệt mùa mưa trong năm 2014 lượng mưa giảm rất đáng kể, kéo dài từ phía bắc Lào qua đến miền bắc Thái Lan, qua Kampuchia và qua cả Việt Nam. Vì lượng mưa của năm 2014 giảm một cách đáng kể như vậy nên đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam trong năm 2015 không có nước lũ về.
Lượng mưa giảm đặc biệt như vậy, nhất là năm 2014 giảm một cách trầm trọng, theo nhiều người do ảnh hưởng của hiệu ứng El Nino làm cho lượng mưa của khu vực giảm. Điều đó làm cho lượng nước về đồng bằng sông Cửu Long cũng như lượng nước tại chỗ giảm đáng kể. Đó là nguyên nhân làm cho hạn hán và xâm nhập mặn tại Đồng bằng Sông Cửu Long năm nay nghiêm trọng hơn những năm khác.
Về các đập thủy điện dứt khoát có tác động rồi. Nhưng chúng ta cần phải thấy là lượng nước tích trong các hồ thủy điện, có nhiều hồ cạn không có nước. Điều đó chứng tỏ lượng nước đổ về các khu trữ nước hồ thủy điện đã không đủ, chứ không phải các hồ thủy điện đã tích đầy nước trong khi dưới hạ lưu không có nước. Từ đó chúng ta thấy lượng mưa giảm trên toàn khu vực là nguyên nhân chính.
Nguyên nhân tiếp theo là những hồ thủy điện giữ một lượng nước rất quan trọng mà lẽ ra phải để một phần chảy xuống hạ lưu.
Thứ ba nữa diện tích đất nông nghiệp, đặc biệt là diện tích lúa của nhiều quốc gia ví dụ như của Thái Lan, Kampuchia hay của Việt Nam ( diện tích lúa canh tác trong mùa nắng) tăng lên rất nhanh do vậy cần lượng nước bơm tưới rất nhiều. Đó là nguyên nhân làm cho lượng nước sử dụng bốc hơi đi rất nhanh. Thời tiết đã khô hạn, nước bơm lên mặt đất lại bốc hơi rất nhanh, do đó nước trong các sông rạch bị mất rất nhiều. Từ đó làm xâm nhập mặn càng sâu vào trong đất liền của Đồng bằng Sông Cửu Long.”
Một người chuyên canh dừa ở Bến Tre cho biết tình trạng nhiễm mặn năm nay so với thời gian trước và những ảnh hưởng đối với vườn dừa nhà ông:
“Thời tiết không biết sao 2-3 năm rồi lại ‘ngọt’. Trước đây nước ở khu vực này chỉ chừng 4-5/1000 nên dừa rất tốt. Thế nhưng độ mặn tăng lên 10/1000 một thời gian cũng lâu. Tôi đắp đê không cho nước mặn vào hai lần nên chỉ còn chừng 2/1000. Hai ba năm vừa rồi lại ngọt khiến mình chủ quan. Năm nay do El Nino nên mặn lên quá chừng, trở tay không kịp. Thường thường qua tết mới mặn, nhưng năm nay tháng 10 âm lịch đã mặn rồi và đồng thời độ mặn cao hơn nhiều.”
Giải pháp
Tại hội nghị vào ngày 17 tháng 2 ở Cần Thơ, ông phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn phối hợp với các tỉnh, thành trong khu vực đồng bằng Sông Cửu Long xem lại lịch thời vụ, chủ động dự báo cho dác địa phương và người dân để chủ động đối phó và xử lý các tình huống xãy ra.
Ông Nguyễn Xuân Phúc cho biết chính phủ sẽ xem xét ưu tiên dành 2300 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ cũng như vốn ODA cho đồng bằng Sông Cửu Long chống hạn, mặn.
Những hộ dân bị thiệt hại từ 70% trở lên sẽ được Bộ Tài chính và địa phương hỗ trợ theo mức 2 triệu đồng một héc ta.
Tiến sĩ Dương Văn Ni cho biết về những biện pháp được triển khai lâu nay:
“Thực ra không phải đến nay mà cách đây đã 3-4 năm vấn đề mặn xâm nhập vào đồng bằng sông Cửu Long cũng đã được các nhà khoa học cảnh báo, cũng được các cấp chính quyền lưu ý. Một số nơi chọn giải pháp tăng cường các công trình thủy lợi, tăng cường hệ thống đê ngăn mặn, tăng cường hệ thống cống đập… Một số nơi áp dụng biện pháp như chuyển đổi cây trồng, chuyển đổi mùa vụ, thay đổi giống… Một số nơi cũng có chủ trương giảm diện tích lúa, đẩy diện tích những loại cây trồng cạn như đậu, mè lên để giảm bớt lượng nước tiêu thụ.”
Người nông dân xứ dừa Bến Tre thì cho rằng cơ quan chức năng có nói về những biện pháp hỗ trợ, tuyên truyền cho người dân về những thay đổi bất lợi của thời tiết; tuy nhiên thực tế chưa đáp ứng được yêu cầu:
“Hôm trước có cho một số tiền để làm lộ nhưng làm không nên thân đến đâu hết! Nay được một khúc kha khá thôi, còn vẫn chưa được. Đê bao thì không nghe nói gì hết. Vùng trên thấy có chú ý, còn vùng này không thấy ai nói gì; mình chỉ lo cho mình thôi. Mình tự đắp đê bao ngăn mặn cho mình; lý ra nếu đừng chủ quan thì nếu bên ngoài 10/1000 thì trong tôi chỉ chừng 5/1000 thôi.”
Theo tiến sĩ Dương Văn Ni những biện pháp giảm thiểu tác động bất lợi của thời tiết, khí hậu đối với hoạt động canh tác của nông dân cần phải có chiến lược mang tính đồng bộ và tầm nhìn xa chứ không thể như lâu nay, ông phát biểu:
“Trong phần lớn các giải pháp thì phần lớn chỉ mang tính đối phó nhiều hơn là một giải pháp lâu dài. Theo tôi giải pháp lâu dài là làm so cho người dân có đủ năng lực để ứng phó với các rủi ro. Người ta có đủ khả năng, đủ kiến thức để sử dụng ứng phó với những thay đổi bất thường của môi trường. Việc đó không thể trong ngày một ngày hai, cần phải có thời gian và phải làm sớm.
Điều thứ hai không kém phần quan trọng là phải rà soát lại những vùng phù hợp cho việc canh tác lúa thì giữ lại, còn những vùng nào bấp bênh thì phải mạnh dạn không khuyến khích người ta trồng cây lúa trong những vùng đó. Bởi vì cho đến nay nhìn lại thiệt hại được báo cáo ở nhiều địa phương thì phần lớn thiệt hại trên cây lúa; không có nặng nề lắm đối với những lãnh vực khác. Như nuôi trồng thủy sản cũng có thiệt hại nhưng không trầm trọng. Và về lâu về dài phải nghĩ đến chuyện giảm mật độ dân cư ở những vùng cực kỳ rủi ro như vùng duyên hải.”
Một người nông dân tại Đồng Tháp khi được hỏi ý kiến về thực tế ứng phó lâu nay trước những đổi thay về thời tiết, nguồn nước…, người này cho biết tự thân xoay xở chứ không nghe cơ quan chức năng nói gì và trong thực tế cũng như chuyện buôn bán, người dân làm được thì ăn, còn mất mùa thì chịu chứ ai mà lo cho. - RFA
|
|
5.
2 năm 6 tháng tù cho Nguyễn Mai Trung Tuấn
Tòa án nhân dân tỉnh Long An tuyên phạt Nguyễn Mai Trung Tuấn 2 năm 6 tháng tù giam trong phiên phúc thẩm trong lúc luật sư Nguyễn Văn Miếng nói ‘một ngày tù với Tuấn cũng là oan’.
Trong phiên xét xử sơ thẩm ngày 24/11/2015, Tòa án Nhân dân huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An đã tuyên án 4 năm 6 tháng tù đối với Trung Tuấn, sinh năm 2000, về tội ‘chống người thi hành công vụ’ và ‘cố ý gây thương tích’ theo Điều 104 Luật hình sự nước CHXHCN Việt Nam.
Đồng thời bị cáo phải bồi thường 42 triệu 600 ngàn đồng cho người bị hại là ông Nguyễn Văn Thủy, Trưởng công an huyện Thạnh Hóa.
Ông Thủy là người tham gia đoàn công tác vận động cưỡng chế giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án đê bao chống lũ trong địa bàn huyện được thực hiện ngày 14/4/2015.
Hôm 2/3, luật sư Nguyễn Văn Miếng - người đại diện pháp lý của Nguyễn Mai Trung Tuấn, nói với BBC từ Long An: “Chín luật sư đã cố gắng hết mức bào chữa theo hướng vô tội để có được bản án công minh cho Tuấn nhưng cuối cùng thiếu niên này cũng phải chịu mức tù giam như vậy, dù theo tôi, một ngày tù với Tuấn cũng là oan”.
“Các luật sư đề xuất trong trường hợp mức án dưới 3 năm tù thì cho Tuấn hưởng án treo nhưng Hội đồng xét xử không chấp nhận. Có một điều quá đáng là ông ngoại của Tuấn không dự phiên tòa xử cháu do bị ủy ban xã mời triệu tập bất thường hôm 2/3 do người này cũng đang bị án treo”, luật sư nói thêm.
‘Chính trị hóa’
Luật sư Miếng nhận định: “Vụ án Trung Tuấn đã bị ‘chính trị hóa’, do yếu tố cưỡng chế đất đai và người dân không đồng ý mức bồi thường nên đã có những lời lẽ không hay về Đảng Cộng sản, khiến cơ quan tố tụng không hài lòng. Tuy vậy, điều này chỉ thể hiện trong bút lục chứ hội đồng xét xử không đề cập trong phiên tòa”.
“Thêm vào đó, bản kết luận giám định pháp y về mức thương tật 35% của ông Thủy khiến Tuấn bị khép tội ‘cố ý gây thương tích’. Cũng cần nói rõ là bản kết luận này bất thường do là bản photocopy và còn đóng dấu mật”, ông Miếng nói.
Hôm 2/3, khoảng 100 người tham dự gồm nhiều nhà hoạt động cho biết họ không được vào tòa mà phải theo dõi qua loa phát thanh ngoài sân, dù phiên tòa được thông báo ‘xử công khai’.
Một nguồn tin cho BBC biết trong phần tranh tụng giữa các luật sư bào chữa cho Trung Tuấn, loa bên ngoài đã bị vặn nhỏ xuống. Một người dân Đồng Tháp lên tiếng phản đối đã bị công an câu lưu.
Ngày 1/2/2016, tại tòa Thạnh Hóa, sau khi khai mạc được 1 giờ, Hội đồng xét xử đã quyết định tạm hoãn phiên tòa phúc thẩm lưu động xử Trung Tuấn, khi tám luật sư tham gia vụ án nêu ra các vi phạm tố tụng.
Luật sư Nguyễn Văn Miếng cho biết, những vi phạm được đưa ra là ‘đơn khiếu nại giám định pháp y không được giải quyết’, ‘giám định viên, nhân chứng, cùng cha mẹ bị cáo không được triệu tập’.
Cùng thời gian, các luật sư đã gửi đơn kiến nghị yêu cầu thiếu niên Tuấn được tại ngoại về ăn Tết Bính Thân nhưng không thành công. - BBC
|
|
6.
VTV bị YouTube đóng tài khoản
Một tài khoản YouTube của Đài truyền hình Việt Nam (VTV) bị đóng vì cáo buộc vi phạm bản quyền trên mạng.
Tuy nhiên người đã báo cáo khiến tài khoản YouTube VTVGo của đài truyền hình Việt Nam tạm ngưng hoạt động nói ông “không đòi tiền hay bất cứ kinh phí gì ở đây” và “chỉ cần lời xin lỗi”.
Từ tối ngày 28/2, khi người dùng truy cập vào tài khoản VTVGo trên YouTube đều nhận được thông báo: “VTV - Đài Truyền hình Việt Nam đã bị chấm dứt do chúng tôi nhận được nhiều khiếu nại của bên thứ ba về việc vi phạm bản quyền liên quan đến tư liệu mà người dùng đã đăng.”
VTVGo hiện vẫn chưa được cho phép hoạt động lại.
Một chủ tài khoản YouTube tên Yamaha Trung Tá cáo buộc: “Bên VTV vi phạm của tôi, phát hiện ra được là gần 20 vụ”.
Người này, tên thật là Bùi Minh Tuấn, cho biết VTV đã “xóa luôn logo” và xóa luôn dòng chữ “Copyright by Yamaha Trung Tá của tôi”.
'Liên tiếp vi phạm'
Trên blog cá nhân, ông Tuấn cho biết đã bắt đầu quá trình theo đuổi vụ việc từ tháng 7/2015. Ông Tuấn nói: “Đã có ba lần các biên tập viên và người sản xuất của VTV xin lỗi tôi vì lấy clip, nên tôi bỏ qua không nhắc đến. Nhưng sau đó các vụ vi phạm vẫn tiếp tục”.
“Đầu tiên tôi liên lạc với Ban Kiểm tra của Đài truyền hình Việt Nam. Bên kia báo bận, đi công tác, đi ra ngoài” – Ông Tuấn nói – “không ai trả lời tôi.”
“Sau đó tôi gửi đơn lên Bộ và bên Cục bản quyền để pháp luật bảo vệ. Nhưng bên kênh phát sóng vẫn tiếp tục đăng clip của tôi lên YouTube.”
“Đa số là vi phạm trong clip Việt Nam qua góc nhìn flycam mà tôi đã mất hơn một tháng ròng để quay”.
Sau ba lần ông Tuấn báo cáo qua hệ thống của YouTube, kênh VTVGo bị đóng.
Tối ngày 29/2, VTV phát đi thông cáo: “Nguyên nhân dẫn đến khiếu nại này là trong quá trình tác nghiệp, một số biên tập viên của VTV đã không thực hiện đúng quy trình sản xuất, sử dụng tư liệu trên mạng đưa vào nội dung chương trình mà chưa được sự chấp thuận của tác giả chủ sở hữu nội dung.”
Thông cáo này cũng nói: “Đài Truyền hình Việt Nam đã tích cực làm việc với các bên liên quan để giải quyết triệt để vấn đề bản quyền khai thác và sớm khôi phục lại kênh YouTube bị tạm ngưng.
Nói với BBC Tiếng Việt, ông Bùi Minh Tuấn cho hay: “Sáng hôm qua 1/3, tôi có nhận được cuộc điện thoại tự xưng là trưởng bên chương trình chào buổi sáng, gọi điện xin lỗi.”
“Nhưng tôi bảo là tôi đợi lời xin lỗi của lãnh đạo cao của VTV. Vụ việc này đã đi quá xa và quá nhiều nên tôi rất thất vọng và quá buồn nên tôi muốn đợi lời xin lỗi của lãnh đạo cao cấp của VTV. Vì các đại diện đã xin lỗi quá nhiều rồi.”
Ông Tuấn cũng cho biết trưa ngày 2/3, “Ban Kiểm Tra của VTV sẽ hẹn gặp tôi tại nhà tôi trong tuần này”.
'Không đòi tiền'
Trao đổi với BBC về vấn đề tác quyền và sự kiện gây xôn xao dư luận này, ông Nguyễn Khoa Hồng Thành – Phó giám đốc Emerald – chuyên gia trên thị trường kỹ thuật số tại Việt Nam gọi đây là “vấn đề rất nghiêm trọng” vì “với tư cách là đài truyền hình quốc gia mà dính vào chuyện bản quyền đến bị đóng cả kênh YouTube”.
Ông Thành nói: "Trên thực tế những đơn vị lớn được gọi là YouTube Partner (Đối tác YouTube). Các đơn vị này đều có quyền rất lớn, đó là quyền được đăng tải nội dung lên và có một công cụ, tạm gọi là CMS để đăng tải nội dung.
“Khi họ đăng lên, hệ thống này sẽ quét tất cả nội dung trên mạng để xem nội dung này có bị trùng các nội dung khác hay chưa. YouTube gọi cái này là Content ID.
Những đối tác YouTube này khi đăng video lên thì có thể quét để phát hiện những nội dung khác và có thể báo cáo lại YouTube để xóa nội dung vi phạm đi.
Trong vài năm trước đây, có một số đối tác của YouTube chuyên môn đi báo cáo những nội dung kiểu vậy. Mặc dù, bản thân họ chưa chắc có bản quyền, nhưng họ chuyên đi báo cáo để xóa nội dung kênh khác.
Bản thân VTV trước đây cũng có những động thái như vậy."
Bình luận về sự kiện một cá nhân có thể “báo cáo” cả một kênh truyền hình lớn, ông Thành nói: "Quay lại căn bản, khi ta kinh doanh trên nền tảng quốc tế. YouTube là một nền tảng quốc tế nên phải tuân thủ luật chơi và luật pháp quốc tế, nghĩa là tôn trọng bản quyền của nhau thôi.”
“Ít nhất người ta thấy môi trường kinh doanh không còn dựa trên cơ chế độc quyền để làm điều này hay điều khác mà không nghĩ đến lợi ích của chủ bản quyền thực sự.”
"Tôi chẳng đòi hỏi gì, chỉ cần lời xin lỗi từ ban lãnh đạo của VTV, có một buổi họp báo và gặp những người đã giúp tôi kêu gọi đừng vi phạm bản quyền. Tôi không đòi tiền hay bất cứ kinh phí gì ở đây” – Tác giả video "Việt Nam qua góc nhìn flycam" nói với BBC. - BBC
|
|
7.
Thị phần hàng dệt may của Việt Nam tăng tại Mỹ
Việt Nam năm nay tiếp tục tăng thị phần hàng dệt may ở thị trường Mỹ, dẫn đến dự báo xuất khẩu dệt may của các nước Trung Mỹ sẽ chậm lại, buộc các nước này phải tính đến những chiến lược cạnh tranh mới.
Năm ngoái, Việt Nam đã vượt qua doanh số của Trung Mỹ về xuất khẩu hàng dệt may vào Mỹ, thị trường tiêu thụ các mặt hàng này lớn nhất thế giới, chiếm thị phần 11,48% so với mức 11,26% của tất cả các nước Trung Mỹ cộng lại. Năm 2014, Việt Nam chiếm thị phần 10,73%, Trung Mỹ chiếm 11,67%.
Với việc Việt Nam là nước thành viên hiệp định thương mại tự do Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, TPP, và TPP đang có thêm sự ủng hộ, bà Karin de Leon, giám đốc điều hành của Cecate, một hội đồng vận động hành lang về dệt may của Trung Mỹ, nói "Nhiều đơn hàng và đầu tư sẽ chuyển đến Việt Nam".
Theo TPP, Việt Nam sẽ phải tuân thủ quy định về xuất xứ nguồn gốc nguyên liệu, còn gọi là quy định yarn forward, và đi theo một lộ trình giảm thuế kéo dài cả một thập kỷ, song Mỹ cũng cho Việt Nam được hưởng Chương trình Trợ cấp Nhập khẩu (IPA) và các quy định mềm dẻo hơn về cung ứng những mặt hàng khan hiếm, mà các nước Trung Mỹ không có sự ưu đãi tương tự theo hiệp định thương mại tự do giữa Cộng hoà Dominica và Trung Mỹ (DR-CAFTA). Vì các điều kiện như vậy, bà Karin de Leon dự báo Trung Mỹ sẽ thua thiệt hàng tỷ đôla.
Trung Mỹ lo ngại IPA cho Việt Nam hưởng "tín nhiệm nhập khẩu" nhờ đó Việt Nam có thể nhập nguyên liệu đến 70% từ các nước như Trung Quốc tương ứng với 100% lượng vải Mỹ mà Việt Nam sử dụng, con số "tín nhiệm" này sẽ tăng dần và chấm dứt và năm 2021. Các nước Trung Mỹ sợ rằng Việt Nam sẽ mua nhiều nguyên liệu của Trung Quốc, làm tăng thêm hàng nhập khẩu của Trung Quốc và phá hoại hơn nữa ngành dệt may là cần câu cơm của các nước này.
Bà Karin de Leon nói "Chính phủ Việt Nam có chiến lược rất mạnh bạo nhằm phát triển ngành công nghiệp này. Họ xây thêm nhà máy, tăng gấp đôi công suất trong 5 đến 10 năm. TPP đã xong. Các quân bài đã được chia. Điều mà các nước Trung Mỹ có thể làm là phối hợp hành động".
Để đối phó với Việt Nam, bà Karin nói các nước Trung Mỹ đang gấp rút lập ra một chiến lược cạnh tranh và bà hy vọng chiến lược mới sẽ ra đời trong những tháng tới. Bà không nói rõ chi tiết nhưng cho hay chiến lược có mục tiêu đẩy mạnh năng lực cạnh tranh về hàng thời trang chuyên biệt và tận dụng khoảng cách địa lý gần Mỹ.
Theo bà Karin, Việt Nam sẽ phải đợi 10 đến 12 năm mới có thể đưa hàng sợi tổng hợp và dệt vào thị trường Mỹ, và đó là cơ hội cho các nước Trung Mỹ. Cụ thể, đó là các sản phẩm quần áo thể thao, quần áo lót và váy nữ, quần áo ngủ và một số loại áo khoác nữ.
Hồi tháng 12 năm ngoái, các quan chức thương mại và Quốc hội Mỹ đã gặp các các quan chức Trung Mỹ. Họ trấn an rằng Mỹ sẽ không bỏ rơi khu vực này. Bà Karin nói "Họ đang cân nhắc lợi ích của khu vực chúng tôi vì chúng tôi là một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng của họ".
Về phần Việt Nam, dự kiến Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định TPP do Mỹ dẫn đầu. Hiệp định gồm 12 thành viên, chiếm 40% nền kinh tế thế giới, giúp cho Việt Nam có thể tiếp cận với nhiều thị trường lớn mà không phải chịu thuế quan. - VOA
No comments:
Post a Comment