Tin Thế Giới
1.
Biểu tình vì băng ghi âm tổng thống Brazil
Hàng trăm nghìn người tiếp tục biểu tình vào tối thứ Tư trên nhiều thành phố ở Brazil sau khi thẩm phán Sergio Moro cho công bố băng nghi âm thu lời tổng thống Dilma Rousseff nói với người tiền nhiệm, ông Luiz Inácio ‘Lula’ da Silva.
Chừng 50 đoạn audio thu lén các trao đổi giữa hai chính trị gia cánh tả ở Brazil đã khiến dư luận lại nổi giận vì cho rằng bà Rousseff tìm cách bao che cho ông Lula vốn đang bị điều tra tham nhũng vụ công ty dầu khí Petrobras.
Phủ Tổng thống bác bỏ trên trang web của họ rằng các cuộc trao đổi có mục đích đẩy nhanh thủ tục khiến ông Lula không bị bắt.
Bà Rousseff nói với ông Lula rằng một quan chức từ Văn phòng Tổng thống sẽ nhanh chóng mang giấy tờ đến nhà cho ông ký.
Có vẻ như Lula có thể chìa ra cho cảnh sát 'hợp đồng lao động' mới toanh đó nếu họ đến bắt ông để chứng minh vị thế mới của mình.
Phe chỉ trích nói đây là động tác để bảo vệ ông Lula không bị truy tố vì để bắt quan chức chính phủ cấp bộ trưởng thì phải cần có lệnh do Tòa Thượng thẩm Brazil thông qua.
Hiện nay, chỉ cần có một toà án liên bang ra lệnh là người ta có thể truy tố ông Lula.
Ông Lula từng bị cảnh sát đến nhà bắt và tạm giữ tại đồn cảnh sát để tra hỏi về liên quan đến cáo buộc rửa tiền và nhận 'lại quả' từ công ty Petrobras.
Ông bác bỏ mọi cáo buộc đó và cho rằng đây là hành động chính trị nhắm vào ông và gia đình.
Vị cựu tổng thống cũng bác bỏ cáo buộc về bất động sản mà công tố viện nói ông mua nhưng đứng tên người khác.
Ông Lula, năm nay 70 tuổi, phủ nhận tất cả những cáo buộc và nói rằng ông chưa bao giờ sở hữu căn hộ penthouse đó.
Ông cũng cáo buộc công tố viên trong vụ này ‘độc đoán’, theo bình luận của phóng viên BBC Daniel Gallas ở Sao Paulo.
Việc bắt giữ ông Lula cũng bị các thẩm phán và chính trị gia phê phán vì họ cho rằng biện pháp này không cần thiết.
Những người ủng hộ Lula nói các cuộc tấn công vào cựu tổng thống nhằm làm tổn hại danh tiếng của ông, trong bối cảnh có tin đồn ông có thể ra tranh cử một lần nữa năm 2018.
Vợ và con trai ông Lula cũng bị tạm giữ cùng ông nhưng tất cả đã được thả ra cùng ngày, hôm 4 tháng 3.
Các dân biểu đối lập trong Quốc hội Brazil lớn tiếng yêu cầu bà Rousseff từ chức sau khi bà phong gấp cho ông Lula chức chánh văn phòng phủ Tổng thống, hàm bộ trưởng, dù ông đã về nghỉ sau nhiệm kỳ tổng thống.
Hàng trăm nghìn người dân đã xuống đường tối 16/3 tại Sao Paulo, Brasília, Belo Horizonte và các thành phố khác đòi Tổng thống Dilma Rousseff từ chức. Chừng 5000 người đã tụ tập trước Phủ Tổng thống và trụ sở Quốc hội ở Brasilia và có va chạm với cảnh sát.
Thẩm phán Sergio Moro, sinh năm 1972, đã cho kết án ông Marcelo Odebrecht 19 năm và bốn tháng tù hôm 8/03.
Ông Odebrecht, một nhân vật giàu có trong ngành xây dựng Brazil bị cho là lập ra một dự án nhằm dùng 2 tỷ USD để đưa hối lộ, giúp tập đoàn dầu khí nhận được các hợp đồng béo bở.
Theo giới chức tư pháp điều tra vụ việc, có các khoản tiền đã vào quỹ Đảng Lao động Brazil. - BBC
|
|
2.
Tàu ngầm Nhật khuấy động Biển Đông --- Nhật Bản và Đông Timor hết sức quan ngại về tình hình Biển Đông
Theo thông báo của Hải Quân Nhật Bản, lần đầu tiên từ 15 năm nay, một tàu ngầm của nước này, mang tên Oyashio, sẽ ghé thăm cảng Subic của Philippines vào cuối tuần này. Sau đó các tàu hộ tống tàu ngầm Oyashio cũng sẽ ghé thăm cảng Cam Ranh của Việt Nam lần đầu tiên vào cuối tháng 4.
Về mặt chính thức, Oyashio được mô tả là một tàu ngầm « huấn luyện », nhưng hộ tống tàu ngầm này là hai khu trục hạm. Ba chiếc tàu của Nhật được mời đến tham gia các cuộc tập trận chung với Hải Quân Philippines, kéo dài từ ngày 19/03 đến ngày 27/04.
Các cuộc tập trận này một lần nữa đánh dấu việc Tokyo quay trở lại Biển Đông, sau khi Manila vào tuần trước vừa loan báo sẽ thuê 5 phi cơ của Nhật để hỗ trợ việc tuần tra trên vùng biển mà Philippines đang tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.
Sau khi tập trận xong với hải quân Philippines, hai khu trục hạm hộ tống tàu ngầm Nhật Oyashio lần đầu tiên sẽ ghé thăm cảng Cam Ranh của Việt Nam, cũng là một quốc gia đối đầu với Trung Quốc trên Biển Đông.
Trên đường đi đến vịnh Subic, tàu ngầm Oyashio và hai khu trục hạm Nhật rất có thể sẽ đi ngang qua khu vực phía Đông quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, mà Trung Quốc chiếm giữ hoàn toàn từ năm 1974. Hành trình của đội tàu Nhật Bản cũng sẽ không xa đảo Scarborough, mà Philippines khẳng định chủ quyền, nhưng cũng đã bị Trung Quốc chiếm giữ từ năm 2012.
Việc quay trở lại vùng Biển Đông nằm trong bối cảnh là từ khi Hiến pháp Nhật Bản được sửa đổi, quân đội nước này, tên chính thức vẫn là Lực lượng Phòng vệ, kể từ nay có thể ứng cứu các đồng minh trong trường hợp những nước này bị tấn công. Việc mở rộng vai trò quân sự của Nhật Bản cũng chính là điều mà đồng minh Hoa Kỳ yêu cầu từ lâu.
Washington đã tuyên bố sẽ đưa ngày càng nhiều chiếm hạm đi ngang qua các khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước láng giềng trên Biển Đông. Như tuyên bố của tư lệnh lực lượng của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương vào cuối tháng 2 vừa qua : « Chúng tôi sẽ tiếp tục đi trên biển, bay trên không và hoạt động ở tất cả những nơi mà luật pháp quốc tế cho phép ». Trong việc ngăn chận tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ rất cần sự hỗ trợ của những đồng minh như Nhật Bản.
Thật ra khi quay trở lại Biển Đông, Tokyo tỏ ra khá kín đáo vì không muốn gây phản ứng mạnh từ Bắc Kinh. Nhưng không chỉ tập trận chung với Philippines, theo thông báo của bộ Quốc Phòng Nhật Bản, một tàu ngầm của nước này, chiếc Soryu, cũng với hai khu trục hạm hộ tống, vào tháng tới sẽ đến Sydney để tham gia tập trận chung với Hải Quân Úc, đúng vào lúc mà Nhật đang tranh với Đức và Pháp một hợp đồng cung cấp các tàu ngầm mới cho Úc, thay thế đội tàu ngầm hiện nay.
Như vậy, có thể nói, tàu ngầm Nhật Bản đang trở thành gần như là biểu tượng cho sự liên kết với các quốc gia mà trước đây từng là đối thủ của Nhật trong thời đệ nhị thế chiến. Những nước này sẽ hợp lực để tăng cường tuần tra ở Biển Đông, giám sát các hoạt động của Trung Quốc và nói chung là ngăn chận Bắc Kinh xác lập vĩnh viễn chủ quyền trên gần như toàn bộ vùng biển này. - RFI
***
Ngày 15/03/2016, Tổng thống Đông Timor Taur Matan Ruak đã tiếp xúc với thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhân chuyến ghé thăm Tokyo. Hai nước đã bày tỏ thái độ « quan ngại nghiêm trọng » trước việc Trung Quốc áp đặt một cách hung hăng quyền kiểm soát trên vùng Biển Đông mà Bắc Kinh đòi chủ quyền. Lập trường của Đông Timor gây ngạc nhiên vì nước này cho đến nay được xem là thân Trung Quốc.
Trong một tuyên bố chung, hai lãnh đạo Nhật Bản và Đông Timor ghi nhận "mối quan ngại nghiêm trọng về tình hình gần đây ở Biển Đông", nhưng không lên án đích danh Trung Quốc. Hai bên tuyên bố sẽ "phản đối bất kỳ hành động đơn phương nào có thể làm thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng."
Nếu lập trường của Nhật Bản không có gì lạ, thì thái độ của Đông Timor đã khiến giới quan sát ngạc nhiên. Lý do là vì tiểu quốc nằm cạnh Indonesia này không phải là một bên tranh chấp ở Biển Đông, chưa từng lên tiếng công khai về Biển Đông, và nhất là thường được xem là thân Bắc Kinh, được Trung Quốc hỗ trợ tài chính đáng kể từ nhiều năm nay.
Một bằng chứng được nhật báo Úc The Sydney Morning Herald nêu bật vào năm ngoái là từ phủ tổng thống, toàn bộ cơ sở của bộ ngoại giao, cho đến nhiều cơ sở quân sự của Đông Timor, đều được Trung Quốc xây dựng.
Bản thân tổng thống Đông Timor Ruak mới đây đã thăm Trung Quốc vào tháng Chín năm 2015, và đến tháng Giêng 2016, tàu chiến Trung Quốc đã thăm cảng Đông Timor để trao đổi kinh nghiệm « chống khủng bố » và đẩy mạnh quan hệ giữa lực lượng hải quân hai nước.
Về phần Nhật Bản, nước này từ lâu đã thể hiện thái độ chống lại các hoạt động bị cho là coi thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc trong khu vực, đặc biệt là Biển Đông. Tokyo đã không ngần ngại viện trợ cho Philippines và Việt Nam các phương tiện để đối phó với sự bành trướng của Bắc Kinh. - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
3.
Ông Trump bỏ một vòng tranh luận của đảng Cộng hòa
Ứng viên hàng đầu bên đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hiện nay, tỷ phú Donald Trump, đang lên kế hoạch cho điều mà ông gọi là ‘bài phát biểu trọng đại’ vào thứ Hai tới đây, thay vì tham gia cuộc tranh luận với hai đối thủ còn lại của mình trong cuộc đua để được đảng đề cử làm ứng viên tổng thống.
Ông Trump lẽ ra tham gia một cuộc tranh luận với Thượng nghị sĩ Ted Cruz của bang Texas và Thống đốc bang Ohio, John Kasich, do kênh truyền hình Fox News tổ chức ở Salt Lake City, bang Utah. Nhưng hôm 16/3, ông Trump tuyên bố rằng các cuộc tranh luận bên đảng Cộng hòa đã quá đủ và ông sẽ không tham gia.
Thống đốc Kasich nói không có ông Trump, ông cũng sẽ không tham gia. Thiếu các ứng viên tham gia tranh luận, Fox News phải hủy bỏ cuộc tranh luận.
Thượng nghị sĩ Cruz, người thua ông Trump 673-410 trong cuộc bỏ phiếu đại biểu của đảng Cộng hòa, đã chỉ trích tỷ phú Trump, gọi ông là ‘Ducking Donald’ và kêu gọi ủng hộ viên của ông Trump nên vào trang web DuckingDonald. com để tìm hiểu.
Trang web DuckingDonald thúc giục người dân ký tên vào thư yêu cầu ông Trump phải tham gia cuộc tranh luận. Trang này viết rằng ‘Donald sợ tranh luận vì biết rõ Ted Cruz sẽ vạch rõ cho mọi người thấy rằng ông không có đủ sự chuẩn bị để trở thành tổng thống và tổng tư lệnh’.
Trang này đăng ký hoạt động hôm 27/1, ngay ngày ông Trump loan báo rằng sẽ bỏ qua cuộc tranh luận của đảng Cộng hòa trước cuộc họp bầu cấp địa phương của đảng ở Iowa. Ông Cruz về nhất tại bang Iowa, cao hơn ông Trump 3%.
Cuộc tranh luận vào thứ Hai tới đây được lên lịch một ngày trước cuộc bầu cử sơ bộ tại bang Utah và Arizona, với tổng cộng 98 đại biểu còn chưa có sự lựa chọn dứt khoát. Sau một loạt cuộc đua tại các bang trong vài tuần qua, lịch trình bầu cử sơ bộ đang tiến triển chậm chạp, đặc biệt đối với các đảng viên Cộng hòa, phe mới chỉ có các cuộc bầu cử sơ bộ tại bang Utah, Arizona và một cuộc bầu cử sơ bộ ở Wisconsin từ nay đến ngày 19/4.
Cuộc đua giữa cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton với Thượng nghị sĩ bang Vermont, Bernie Sanders, bên đảng Dân chủ sẽ tất bật hơn. Hai đối thủ này tranh tài tại cùng các bang như phe Cộng hòa, nhưng tại Idaho vào ngày thứ Ba sẽ có cuộc bầu chọn tại địa phương (được gọi là caucus) để chọn ra ứng viên của đảng. Các cuộc họp tương tự sẽ diễn ra vào ngày 26/3 tại Alaska, Hawaii và Washington trước cuộc bầu chọn vào ngày 9/4 tại Wyoming. - VOA
|
|
4.
Tư lệnh Mỹ nói mất đường vào Biển Đông là điều nghiêm trọng
Chỉ huy Bộ Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Scott H. Swift, hôm 16/3 nói nếu Mỹ để mất đường vào các vùng biển quốc tế mà Trung Quốc đòi chủ quyền ở Biển Đông, điều đó sẽ có các tác động sâu xa hơn nhiều, không chỉ về mặt quân sự. Ông Swift nêu ra ý kiến trên tại một hội nghị an ninh hàng hải Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ở Canberra, thủ đô Australia.
Tuy nhiên Đô đốc Swift cũng cho rằng việc bị mất quyền tiếp cận đường biển theo như tiên liệu như thế sẽ không bao giờ xảy ra với Mỹ.
Nhận xét về tình hình Biển Đông, nơi có tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam, Trung Quốc, Philippines và một số bên khác, và sự kiện Trung Quốc ngày càng hung hăng, lấn át, ông Swift nhận xét “Có cảm nhận rõ ràng rằng thái độ ‘kẻ mạnh có quyền đặt ra luật lệ’ đang quay trở lại khu vực” sau 70 năm có an ninh và ổn định kể từ Chiến tranh Thế giới lần thứ hai.
Hải quân Mỹ đã làm Trung Quốc tức giận khi đưa tàu vào sát các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng ở Biển Đông. Mỹ không đòi chủ quyền ở vùng biển song nói rằng họ có lợi ích đối với việc bảo đảm tự do hàng hải và hàng không ở đó, cũng như muốn tranh chấp chủ quyền được giải quyết một cách hòa bình.
Chỉ huy Bộ Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương nói việc các tàu hải quân Mỹ thực hiện các hoạt động vì tự do hàng hải ở vùng biển tranh chấp “không phải là một vấn đề hải quân” mà đó là một vấn đề có tác động đến kinh tế toàn cầu và luật pháp quốc tế.
Ông Swift cũng nói tuy Mỹ đang gia tăng hiện diện ở khu vực trong khuôn khổ chiến lược xoay trục, song không cần phải có thêm các cơ sở hải quân của Mỹ ở các nước như Australia. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
5.
IMF sẵn sàng giúp Việt Nam đạt mục tiêu phát triển
Bà Christine Lagarde, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), hôm 16/3 nói trong cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam tại Hà Nội rằng IMF luôn mong thúc đẩy hợp tác và giúp đỡ Việt Nam đạt các mục tiêu phát triển.
Giới chức này của IMF nói quỹ sẽ trợ giúp kỹ thuật và đào tạo cho Việt Nam. Bà Lagarde cho rằng Việt Nam cần cải thiện hơn nữa năng suất lao động và tính cạnh tranh của các công ty để toàn bộ nền kinh tế có thêm không gian tăng trưởng.
Tại cuộc gặp, Thủ tướng Dũng nói nhờ sự trợ giúp hiệu quả của cộng đồng quốc tế, Việt Nam hết sức cố gắng để đảm bảo tăng trưởng kinh tế trung bình 7%/năm trong 5 năm tới. Để đạt mục tiêu, Việt Nam sẽ tăng tốc cải cách, cải thiện quản trị và thúc đẩy mạnh mẽ dân chủ bên cạnh các nỗ lực khác, ông Dũng nói.
Trong thời gian ở Hà Nội, Giám đốc điều hành IMF Lagarde đã phát biểu trước các sinh viên và giảng viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội.
Bà Lagarde cho rằng Việt Nam đã đạt đến điểm cần phải có các yếu tố mới và mạnh mẽ để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô cũng như nâng cao mức tăng trưởng và tiêu chuẩn sống trong tương lai.
Bà nói tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã chậm lại kể từ năm 2008 so với 2 thập kỷ trước, đồng nghĩa với việc Việt Nam không theo kịp mức tăng thu nhập bình quân đầu người mà những nước thành công nhất ở Đông Á đạt được khi có cùng trình độ phát triển. Vì vậy, nếu không có một cú hích mạnh từ cải cách, Việt Nam sẽ “cực kỳ khó theo kịp”, bà nói.
Giám đốc IMF gợi ý về các yếu tố mới mà Việt Nam cần. Thứ nhất là “bảo vệ ổn định kinh tế vĩ mô”, trong đó có việc áp dụng tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn nữa để giảm những tác động từ bên ngoài và giúp củng cố dự trữ ngoại tệ, và tạo ra cơ chế chính sách tiền tệ mới cho một nền kinh tế ngày càng phát triển phức tạp hơn.
Thứ hai, tạo nguồn thu cao hơn cho chính phủ. Để làm điều này, bà nêu ví dụ có thể giảm các khoản miễn thuế và áp dụng thuế tài sản. Các biện pháp này sẽ giảm nợ công đang ở mức 60% GDP hiện nay. Ngân sách nhà nước cần có nhiều tiền hơn để đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng cơ sở thiết yếu đồng thời bảo vệ các khoản chi cho giáo dục và y tế, bà nói.
Về yếu tố thứ ba, bà Lagarde nêu ý kiến cần “đẩy mạnh cải cách ngân hàng bằng cách xử lý đầy đủ ‘di sản’ nợ xấu”, kết hợp với tăng cường vốn ở các ngân hàng vận hành tốt. Bà cho rằng bằng cách củng cố hoạt động lành mạnh của ngành ngân hàng, các nhà hoạch định chính sách có thể hỗ trợ tăng trưởng tín dụng chất lượng cao hơn, dẫn đến tăng trưởng kinh tế an toàn và bền vững hơn về trung hạn.
Yếu tố thứ tư mà Giám đốc IMF nêu ra là “thúc đẩy tăng trưởng mạnh hơn, bao trùm hơn và bền vững hơn”, hay nói cách khác là làm cho ai cũng được hưởng lợi. Bà Lagarde cho rằng một cách thức để đạt được điều này là tăng tốc tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, điều này sẽ giúp tăng năng suất lao động tổng thể và tiềm năng tăng trưởng.
Bà lưu ý rằng năng suất ở các công ty do nước ngoài đầu tư có năng suất cao gấp 5 lần các doanh nghiệp nhà nước, đó là lý do các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chiếm 70% lượng hàng xuất khẩu.
Một cách khác để đẩy mạnh tăng trưởng và nâng mức sống về dài hạn là khuyến khích học tập và sáng tạo công nghệ nhiều hơn nữa, đòi hỏi phải đầu tư thêm vào nghiên cứu và phát triển, mà hiện Việt Nam chi ít hơn nhiều so với các nước tương đồng, bà nhận xét.
Bà Lagarde cũng nhận định Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn trong lĩnh vực giáo dục. Bà nêu ra ví dụ Việt Nam cần tăng đào tạo nghề để giải quyết sự bất cập về tay nghề, đồng thời có thể giúp giảm mức thất nghiệp tương đối cao trong giới trẻ.
Người đứng đầu IMF cũng đưa ra lời khuyên cho các sinh viên về những gì họ có thể làm trong thời gian tới. Bà nói họ hãy “bắt đầu biến đổi bản thân các bạn và môi trường của các bạn”. Bà cho rằng các sinh viên rất cần nắm vững toán, kỹ thuật, tài chính và kinh tế học, song bà cũng khuyên họ nên có những trải nghiệm đa dạng, bao gồm cả văn học, nghệ thuật và ngôn ngữ. Bà khuyến khích họ sáng tạo ra các sản phẩm và dịch vụ được nhiều người hưởng ứng ở trong và ngoài nước.
Một điều quan trọng khác bà Lagarde khuyên các sinh viên Việt Nam là kết nối với thế giới. Bà nói các sinh viên có cơ hội để trở thành các công dân toàn cầu và họ cần “kết nối với bạn bè, đồng nghiệp và người đồng trang lứa trên khắp thế giới để nâng cao nhận thức”. - VOA
|
|
6.
Việt Nam xếp thấp trong các nước hạnh phúc nhất
Việt Nam xếp thứ 96 trên 156 quốc gia trong bản phúc trình “Hạnh phúc trên thế giới” lần thứ tư mới công bố hôm 16/3.
Theo cơ quan thực hiện có tên gọi Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững được Liên Hiệp Quốc ủy thác, cuộc nghiên cứu đánh giá “mức độ hạnh phúc” tại 156 nước dựa trên các yếu tố như thu nhập bình quân đầu người, hỗ trợ xã hội, tỷ lệ trẻ sơ sinh sống sót, quyền tự do lựa chọn trong cuộc sống, sự hào phóng của công dân và các nhận thức về tham nhũng.
Chính vì lẽ đó, các quốc gia phát triển luôn đứng đầu bảng xếp hạng này, và năm nay cũng không ngoại lệ.
Đứng đầu là Đan Mạch, và các nước trong top 10 còn có Thụy Sĩ, Iceland, Na Uy, Phần Lan, Canada, Hà Lan, New Zealand, Australia và Thụy Điển.
Những nước thuộc hàng nghèo nhất trên thế giới hoặc các quốc gia đang bị tác động bởi xung đột nằm ở chót bảng gồm Burundi, Syria, Togo, Afghanistan, Benin, Rwanda, Guinea, Liberia, Tanzania và Madagascar.
Đứng đầu châu Á là Singapore đứng ở vị trí 22. So với các nước Đông Nam Á khác, Việt Nam chỉ đứng trên Lào (vị trí 102), Myanmar (119) và Campuchia (140).
Trước đây, trong một số bảng xếp hạng về hạnh phúc khác như của tổ chức phi chính phủ có tên gọi Quỹ Kinh tế Mới (NEF) có trụ sở ở Anh, người Việt được coi là hạnh phúc nhất nhì thế giới.
NEF đưa ra bảng xếp hạng dựa trên ba tiêu chí gồm mức độ hài lòng với cuộc sống, tuổi thọ trung bình và dấu chân sinh thái. - VOA
No comments:
Post a Comment