Tin Thế Giới
1.
Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu tập trận chung -- Trung Quốc và Nga thảo luận về vấn đề Bắc Triều Tiên
Hôm nay Hoa Kỳ và Hàn Quốc đã bắt đầu một loạt những cuộc thao dượt của cuộc diễn tập chung hàng năm, sau nhiều ngày Bắc Triều Tiên đe dọa trả đũa nếu cuộc diễn tập biến thành một vụ tấn công.
Cuộc diễn tập hàng năm này kéo dài 8 tuần và đã được trù hoạch một cách rất kỹ lưỡng. Những hoạt động ngày hôm nay bắt đầu với việc lính Mỹ và Hàn Quốc đổ bộ tại một bãi biển ở duyên hải phía đông của Hàn Quốc.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết cuộc diễn tập này có qui mô lớn nhất từ trước tới nay, với sự tham dự của 300.000 binh sĩ Hàn Quốc và hơn 17.000 quân nhân Hoa Kỳ.
Một thông cáo của Mỹ cho biết khoảng 55 máy bay của Thuỷ quân Lục chiến Mỹ cùng với 30 chiến hạm của Mỹ và Hàn Quốc tham gia cuộc tập trận gần thành phố Pohang.
Quân đội Bắc Triều Tiên cho biết họ chuẩn bị sẵn sàng để trả đũa các lực lượng Mỹ và Hàn Quốc bằng điều họ gọi là “một vụ tấn công chớp nhoáng kiểu Triều Tiên cực kỳ chính xác.”
Để đáp lại, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cảnh cáo Bình Nhưỡng chớ thực hiện những hành vi cẩu thả và những vụ gây hấn. - VOA
***
Chuyến viếng thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đến Moskova trong tuần này phần lớn tập trung vào mối đe dọa hạt nhân ngày càng tăng của Bắc Triều Tiên.
Sau cuộc họp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm thứ 6, ông Vương Nghị nói Trung Quốc sẽ không thừa nhận vị thế cường quốc hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Ông cũng nói rằng việc phát triển vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên phải chấm dứt và Trung Quốc kiên quyết theo đuổi mục tiêu phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên.
Trong lúc cam kết Bắc Kinh không từ bỏ nỗ lực thực hiện lại cuộc đàm phán 6 bên, ông Vương Nghị tuyên bố tất cả các qui định trong nghị quyết của Liên Hiệp Quốc nhằm chế tài Bắc Triều Tiên phải được thực thi một cách đầy đủ, nhưng cũng cần chú trọng tới việc giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực đối với người dân bình thường ở Bắc Triều Tiên.
Ông Vương Nghị cùng với Ngoại trưởng Lavrov nhắc lại sự chống đối của Trung Quốc và Nga đối với kế hoạch của Mỹ và Nam Triều Tiên nhằm bố trí hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD ở Nam Triều Tiên. Ông Vương nói hệ thống này “sẽ phương hại tới lợi ích an ninh của Trung Quốc và Nga, phá vỡ tình trạng cân bằng chiến lược và làm bùng ra một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.” - VOA
|
|
2.
Ấn Độ từ chối tuần tra chung với Mỹ ở Biển Đông --- Trung Quốc: Sẽ có các chuyến bay dân dụng đến đảo Phú Lâm, Hoàng Sa
Vào tuần trước, đô đốc Harry Harris, tư lệnh Bộ Chỉ Huy Thái Bình Dương của quân đội Hoa Kỳ đã đề xuất ý kiến là Hải Quân Nhật Bản, Úc và Ấn Độ có thể cùng góp phần với Mỹ trong việc đảm bảo quyền tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông.
Tuy nhiên, vài hôm sau, bộ trưởng Quốc Phòng Ấn Độ Manohar Parrikar đã bác bỏ ý tưởng này khi khẳng định rằng: « Cho đến nay, Ấn Độ chưa từng tham gia bất kỳ hoạt động tuần tra chung nào, chúng tôi chỉ tập trận chung, và vấn đề tuần tra chung chưa bao giờ được nghĩ đến ».
Phát ngôn viên Hải Quân Ấn Độ D.K. Sharma cũng nhấn mạnh rằng, quan điểm nhất quán của New Delhi là chỉ tham gia các hoạt động quân sự với nước ngoài dưới lá cờ của Liên Hiệp Quốc. Ông Sharma nêu bật ví dụ là vào năm 2008, khi hải tặc hoành hành ở vùng Vịnh Aden, Ấn Độ cũng không hề kết hợp với NATO để tuần tra.
Lo ngại trước sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, thời gian gần đây, Ấn Độ bắt đầu lên tiếng kêu gọi tự do và an ninh hàng hải ở khu vực này. Tuy nhiên, theo giới phân tích, Ấn Độ vẫn chỉ muốn đóng vai trò trung lập ở một khu vực mà họ không bị liên can trực tiếp.
Ông Manoj Joshi tại Hiệp Hội Quan Sát và Nghiên Cứu ở New Delhi còn cho rằng, Ấn Độ lo ngại là Hải Quân của họ không thể tập trung lo cho vùng Ấn Độ Dương nếu cũng tham gia tuần tra chung ở Biển Đông hay Hoa Đông. Một lý do khác được giới phân tích nêu lên là New Delhi cũng tránh khiêu khích Trung Quốc một cách lộ liễu. - RFI
***
Theo báo chí chính thức của Trung Quốc, trong vòng một năm, Bắc Kinh sẽ bắt đầu mở các chuyến bay dân dụng đến đảo Phú Lâm, Hoàng Sa, một đảo đang tranh chấp giữa Trung Quốc với Việt Nam.
Hôm qua, 11/03/2016, Tân Hoa Xã trích dẫn lời thị trưởng « thành phố Tam Sa », ông Tiêu Kiệt ( Xiao Jie ), cho biết các chuyến bay nói trên sẽ bay đến và từ thành phố này, nằm trên đảo Phú Lâm. « Thành phố Tam Sa » đã chính thức được thành lập vào năm 2012 để quản lý các đảo mà Bắc Kinh khẳng định chủ quyền trên Biển Đông, bao gồm cả hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Vào tháng Giêng vừa qua, Trung Quốc đã tiến hành các chuyến bay thử nghiệm đến sân bay mới được xây dựng trên đá Chữ Thập, mà Bắc Kinh bồi đắp thành đảo nhân tạo, thuộc quần đảo Trường Sa. Tân Hoa Xã trích lời thị trưởng « thành phố Tam Sa » Tiêu Kiệt cho rằng các sân bay trên đảo Phú Lâm và đá Chữ Thập sẽ « cải thiện các dịch vụ lưu thông hàng không ở biển Hoa Nam ( Biển Đông ) và cung cấp thêm thông tin về thời tiết, hàng không, liên lạc viễn thông, hàng hải và giám sát ».
Việc Trung Quốc xây các sân bay cùng với việc triển khai các tên lửa địa đối không và hệ thống radar ở khu vực này khiến người ta lo ngại là Bắc Kinh có mưu toan thiết lập vùng nhận dạng phòng không ( ADIZ ) ở Biển Đông, và qua đó kiểm soát luôn các đường giao thông hàng hải trọng yếu. - RFI
|
|
3.
Không kích của Thổ Nhĩ Kỳ giết chết 67 phiến quân người Kurd ở Iraq
Không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện những vụ không kích nhắm vào những vị trí của phiến quân người Kurd ở miền bắc Iraq, giết chết ít nhất 67 phần tử chủ chiến.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hôm nay nói những vụ không kích ngày 9 tháng 3 nhắm vào các doanh trại, kho đạn và những cơ sở khác của đảng Công nhân người Kurd (PKK).
Thổ Nhĩ Kỳ đã oanh kích các địa điểm của PKK ở miền bắc Iraq từ tháng 7, khi những nỗ lực hoà bình giữa chính phủ và phiến quân bị đổ vỡ.
PKK bị Thổ Nhĩ Kỳ và đồng minh Tây phương xem là một tổ chức khủng bố.
Nhóm này nói rằng họ chiến đấu để đòi thêm quyền tự trị và các quyền của khối dân thiểu số lớn nhất nước. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
4.
Ông Rubio kêu gọi người ủng hộ chận đứng ông Trump --- Ông Trump huỷ cuộc mít tinh ở Chicago vì những vụ xô xát
Ứng viên tổng thống phe Cộng hoà Marco Rubio khuyên những người ủng hộ ông ở tiểu bang Ohio bỏ phiếu cho đối thủ của ông là Thống đốc John Kasich để ông Donald Trump không thắng được tại tiểu bang này.
Một ứng viên tổng thống kêu gọi người ủng hộ bỏ phiếu cho đối thủ trong cuộc vận động tranh cử toàn quốc là một việc hiếm khi xảy ra, nếu không muốn nói là chưa hề xảy ra.
Nhưng cuộc chạy đua của phe Cộng hoà đã bị chia rẽ trầm trọng, trong lúc người đang dẫn đầu là tỉ phú Donald Trump tiếp tục giành thêm phiếu đại biểu và những đối thủ của ông đang chật vật để ngăn chận đà tiến của ông.
Các cuộc thăm dò ở Ohio cho thấy ông Trump và ông Kasich có mức ủng hộ ngang ngửa nhau, trong khi ông Rubio và Thượng nghị sĩ Ted Cruz tụt hậu rất xa.
Ohio là một trong những cuộc đua lớn nhất trong các cuộc bầu cử sơ bộ vào thứ ba tuần sau. Người thắng sẽ chiếm hết 66 phiếu đại biểu của tiểu bang này.
Ban vận động của ông Kasich không có phản ứng tích cực đối với những phát biểu của ông Rubio. Một người phát ngôn của ông Kasich nói ông sẽ thắng ở Ohio mà không cần có sự giúp đỡ của ông Rubio.
Ông Rubio hy vọng đánh bại ông Trump tại tiểu bang nhà Florida, một giải lớn khác trong các cuộc đầu phiếu ngày thứ ba.
Người thắng sẽ chiếm toàn bộ 99 phiếu đại biểu của tiểu bang này. Các cuộc thăm dò cho thấy ông Trump dẫn đầu ông Rubio ở Florida. - VOA
***
Ứng viên tổng thống của phe Cộng hoà Donald Trump hôm nay tiếp tục vận động ở Ohio sau khi hàng ngàn người chống đối xô xát với những người ủng hộ ông hồi tối thứ 6, khiến ông phải huỷ cuộc mít tinh ở Chicago.
Hôm qua, ông Trump nói với đài CNN: “Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã quyết định đúng, tuy quyền tự do ngôn luận của chúng tôi bị vi phạm.”
Tối thứ 6, trước khi tới giờ ông Trump diễn thuyết, mấy mươi người chống đối ông đã tiến vào sân vận động của Đại học Illinois ở Chicago và hỗn loạn bùng ra với việc hai phe chống đối và phe ủng hộ lớn tiếng chửi bới nhau.
Trong lúc những vụ xô xát, ẩu đả diễn ra, cảnh sát và nhân viên bảo vệ đã cố gắng ngăn không cho hai nhóm người này xáp lại gần nhau. Sau đó, cảnh sát đã giải tán đám đông. Họ cho biết không ai bị bắt và không ai bị thương.
Một số người ủng hộ ông Trump nói những người chống đối đã tới cuộc mít tinh ở Chicago với mục đích gây rối và làm cho cuộc mít tinh bị huỷ bỏ. Tuy nhiên, bạo động nhắm vào những người chống đối ông Trump đã xảy ra tại các sự kiện vận động bầu cử khác. Ông Trump bị nhiều người, kể các các đối thủ của ông như Thượng nghị sĩ Ted Cruz, Thống đốc John Kasich và Thượng nghị sĩ Marco Rubio -- chỉ trích là đã tạo ra một môi trường làm cho bạo động nhắm vào người chống đối ông dễ xảy ra, vì ông thường dùng những lời lẽ cộc cằn thô bỉ để công kích những người gây gián đoạn cho các cuộc mít tinh của ông.
Trước đó trong ngày hôm qua, những người chống đối đã xo xát với những người ủng hộ ông Trump tại Nhà hát Peabody ở thành phố St. Louis, tiểu bang Misouri. Những người biểu tình đã gây gián đoạn cho bài diễn thuyết của ông Trump 8 lần trong lúc những người của hai phe ẩu đả với nhau bên ngoài sảnh đường.
Trong khi đó, một nữ ký giả hôm qua đã khai báo với cảnh sát một vụ mà bà cho là một vụ hành hung, trong đó người quản lý cuộc vận động của ông Trump, bà Corey Lewandowski, chộp tay bà và xô bà ra khỏi một sự kiện vận động bầu cử của ông Trump tại một câu lạc bộ golf do ông Trump làm chủ ở Florida. - VOA
|
|
5.
Kremlin sẽ đề nghị Mỹ giải thích về cái chết của cựu cố vấn của ông Putin
Các quan chức Nga hôm 11/3 phàn nàn họ thất vọng khi nhiều lần cố gắng để có thông tin về cái chết bí ẩn của Mikhail Lesin, một cựu phụ tá thân cận của Tổng thống Vladimir Putin đã thiệt mạng và người ta tìm thấy thi thể bầm dập của ông trong một căn phòng khách sạn ở Washington cách đây bốn tháng.
Các quan chức cấp cao Nga đưa ra ý kiến trên vài giờ sau khi nhà chức trách ở thủ đô Hoa Kỳ ra một tuyên bố ngắn giải thích ông trùm truyền thông Nga bị chết vì "chấn thương do ngoại lực mạnh". Nữ phát ngôn viên trưởng của Bộ Ngoại giao Nga biểu thị rằng một đề nghị ngoại giao cấp cao sẽ được gửi đến Washington.
Tin tức về những diễn biến của vụ Lesin xuất hiện vào cuối ngày thứ năm, khi cảnh sát ở Washington và văn phòng bác sĩ pháp y của thành phố ra tuyên bố chung cho hay ông ta chết do chấn thương ở đầu, ngoài ra ông cũng bị thương ở cổ, thân mình, tay và chân. Tuyên bố không chỉ ra chuyện gì đã gây ra chấn thương do ngoại lực mạnh ở đầu, và cũng không giải thích liệu người đàn ông 59 tuổi chết do tai nạn hay bị sát hại.
Tại Moscow, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Maria Zakharova nói Đại sứ quán Nga tại Washington đã không nhận được "thông tin thực chất" về cái chết của ông Lesin dù đã nhiều lần đề nghị thông qua các kênh ngoại giao, và chỉ biết về tin tức trên truyền thông nói về cuộc khám nghiệm tử thi.
Tuy nhiên, bà Zakharova viết trên Facebook là hiện nay "nhà chức trách Nga sẽ gửi đề nghị đến Mỹ về hỗ trợ pháp lý quốc tế".
Nhà chức trách ở Washington nói rằng cuộc điều tra của họ vẫn đang tiếp tục, và từ chối trả lời câu hỏi của phóng viên về việc liệu cái chết của ông Lesin có phải do một hành vi tội phạm gây ra hay không.
Bộ Ngoại giao Mỹ chuyển mọi câu hỏi về vụ việc cho cảnh sát Washington, nhưng nói thêm, "Chúng tôi một lần nữa gửi lời chia buồn tới gia đình và bạn bè [của ông Lesin]". Một phát ngôn viên cho biết "tất cả các thông tin có liên quan" có được trong suốt bốn tháng qua đều đã được "chuyển cho chính phủ Nga".
Người ta tìm thấy ông Lesin chết trong phòng khách sạn vào ngày 5/11, hai ngày sau khi ông bất ngờ không xuất hiện tại một buổi dạ tiệc ở một nơi khác ở Washington. Tờ New York Times dẫn lời một quan chức giấu tên hôm 11/3 nói rằng những vết thương trầm trọng của ông Lesin là kết quả của "một vụ ẩu đả" xảy ra trước khi ông trở về phòng khách sạn.
Ông Lesin, một cựu cố vấn truyền thông và thư ký báo chí của ông Putin, đã giúp cho ra đời hãng thông tấn tiếng Anh được Kremlin hậu thuẫn là Russia Today, hãng này nói có sứ mệnh "truyền đạt quan điểm của Nga với khán giả quốc tế".
Ông trở thành giám đốc của Gazprom-Media Holding vào năm 2013 nhưng rời chức vụ vào năm sau, RadioFreeEurope/Radio Liberty (RFE/RL) cho biết hôm 11/3.
Năm 2014, một thượng nghị sĩ Mỹ từng yêu cầu Bộ Tư pháp Mỹ điều tra xem ông Lesin có sử dụng tiền bất hợp pháp để mua một số căn nhà đắt tiền ở Los Angeles hay không. Những ngôi nhà ở California đã được mua và đứng tên một công ty kiểm soát bởi Lesin, RFE/RL cho hay. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
6.
Thực chất của Hội nghị Trung ương II --- Chỉ thị 15: Chiếc áo giáp của đảng viên?
Hội nghị lần thứ II của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (Khóa 12) vừa bế mạc tại Hà Nội chỉ là một Hội nghị có tính 'thủ tục' nhằm 'giới thiệu' nhân sự cao cấp của bộ máy nhà nước để Quốc hội Việt Nam tiến hành bầu cử, theo một nhà phân tích chính trị từ Việt Nam.
Trao đổi với BBC hôm 12/3/2016 từ Hà Nội, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu chính trị, xã hội Việt Nam nói:
"Hội nghị này là hội nghị lần thứ II của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN, nó rất ngắn chỉ có ba hôm thôi và tập trung duy nhất vào một vấn đề là giới thiệu nhân sự cho các cơ quan nhà nước của Việt Nam, để đưa ra bàn và thông qua ở kỳ họp cuối cùng của Quốc hội Khóa 13...
"Điều đáng chú ý nhất ở trong Hội nghị Trung ương lần thứ II này là giới thiệu cụ thể nhân sự cho ba chức vụ cao nhất là chức vụ Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Nước và Thủ tướng Chính phủ."
Khi được hỏi về các dự kiến nhân sự và thủ tục nhân sự cho các nhánh của các cơ quan quyền lực ở Việt Nam sau Hội nghị Trung ương này của ĐCSVN, nhà nghiên cứu nói:
"Ngoài nhân sự cho nhà nước, nhà nước tức là Quốc hội và Chính phủ, thì sẽ còn một thủ tục nữa là giới thiệu hai chức danh quan trọng hệ thống tư pháp, tức là Viện trưởng Viện Kiếm sát Nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
"Và theo đúng Luật Bầu cử Quốc hội, sắp tới trong kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa 13, sẽ làm việc thứ nhất là bầu Chủ tịch Quốc hội, sau đó bầu Chủ tịch Nước, rồi bầu Thủ tướng Chính phủ, rồi thông qua danh sách các thành viên mới của Chính phủ trong đó có các Phó Thủ tướng mới và các Bộ trưởng mới."
Không có đột biến
Theo nhà phân tích này, so với các kết quả sắp xếp nhân sự tại Đại hội 12, các giới thiệu nhân sự cao cấp của Đảng cho các chức vụ lãnh đạo nhà nước và chính quyền trung ương ở Việt Nam tới đây, kể cả ở các nhánh quyền lực lập pháp và tư pháp, bên cạnh hành pháp, sẽ không có gì 'đột biến'.
Ông Hà Hoàng Hợp nói: "Chắc chắn là sẽ không có đột biến gì cả, vì nhân sự của nhà nước, tức là Chính phủ, Quốc hội là đã được xem xét một vài lần. Và chúng tôi hiểu là không có gì đột biến và cũng không có gì xảy ra một cách bất ngờ cả."
Bình luận thêm về ý nghĩa thực sự của Hội nghị Trung ương II vừa bế mạc hôm Chủ nhật, sau ba ngày tổ chức, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp nói:
"Hội nghị này không phải là một Hội nghị của Trung ương chuyên bàn về các vấn đề của kinh tế, chính trị, đối ngoại, an ninh, phát triển xã hội v.v..., tôi chắc rằng là sẽ có một loạt các hội nghị trung ương đặc biệt, gọi là mang tính chất chuyên môn để mà bàn về từng vấn đề như vậy."
Hôm Chủ nhật, trang mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đăng toàn văn bài phát biểu bế mạc Hội nghị của Tổng bí thư Nguyễn Phó Trọng với lời dẫn cho hay: 'chiều 12/3, Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra, sau 3 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc.'
Diễn văn bế mạc trình bày và đề cập ba điểm chính yếu là chương trình làm việc toàn khoá của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và giới thiệu nhân sự lãnh đạo cấp cao của các cơ quan nhà nước.
Về nội dung giới thiệu nhân sự cao cấp của nhà nước và chính quyền trung ương, ông Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh "Ban Chấp hành Trung ương đã dân chủ thảo luận, xem xét kỹ lưỡng, lựa chọn phương án hợp lý nhất trong điều kiện có thể và đã đạt được sự nhất trí rất cao." - BBC
***
Ngay sau khi lời phát biểu của thiếu tướng Phan Anh Minh, phó giám đốc Sở Công an TP Hồ Chí Minh thừa nhận “Công an không được trinh sát Đảng viên, vì vướng chỉ thị 15”, dư luận trong nước đều hướng về một biên bản được cho là rất quyền lực này
Có thật sự đây là một chỉ thị bí mật mà chỉ vừa được thiếu tướng Phan Anh Minh tiết lộ? Và chỉ thị 15 có ý nghĩa như thế nào trong công tác phòng chống tham nhũng?
Một chỉ thị tuyệt mật
Chỉ thị 15 do Bộ chính trị đưa ra vào ngày 7 tháng 7 năm 2007 về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan quan bảo vệ luật pháp trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ đảng.
Tuy nhiên, chỉ sau khi thiếu tướng Phan Anh Minh, phó giám đốc Sở Công an TP.HCM, có lời phát biểu tại Hội nghị tổng kết phòng chống tham nhũng, lãng phí năm 2015, nội dung của chỉ thị này mới được tiết lộ:
“Các cơ quan bảo vệ pháp luật khi phát hiện có dấu hiệu đảng viên vi phạm đều phải báo cáo bằng văn bản với tổ chức đảng, cấp ủy đảng quản lý trực tiếp đảng viên đó, khi được tổ chức đảng, cấp ủy đảng xem xét đồng ý cho điều tra, khởi tố, bắt... thì cơ quan bảo vệ pháp luật mới được tiến hành các biện pháp tố tụng.”
Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm văn phòng Quốc hội xác nhận có nghe về nội dung của chỉ thị 15 này đúng như những gì thiếu tướng Phan Anh Minh phát biểu:
“Chỉ thị 15 thì tôi có nghe có người nói đến. Khi muốn truy tố, tạm giam, xử lý xét xử một Đảng viên thì phải báo cho cấp quản lý người đó biết để xử lý Đảng viên, cụ thể là đình chỉ sinh hoạt Đảng hoặc khai trừ Đảng thì lúc đó mới có thể tiến hành các thủ tục được.”
Tuy nhiên Luật sư Trần Quốc Thuận cho biết trong nhiều năm công tác, ông chưa từng nghe hoặc tận mắt nhìn thấy chỉ thị đó.
“Vì biên bản đó là tuyệt mật, chỉ có thủ trưởng, những người đứng đầu ngành các cơ quan, tổ chức thì mới biết. Tôi có nghe nói, nghe người ta thuật lại chứ chưa thấy biên bản đó.”
Một người với nhiều năm tuổi Đảng, nhưng đã từ bỏ vào ngày 22 tháng 8 năm 2014, Trung tá Quân đội nhân dân Việt Nam, Tiến sĩ, Bác sĩ Đinh Đức Long cũng thừa nhận trong nhiều năm là Đảng viên, ông cũng không được biết đến biên bản gọi là chỉ thị 15.
“Ngày hôm nay tôi đọc báo tôi mới biết chỉ thị 15 chứ bản thân tôi với nhiều năm là Đảng viên tôi cũng không biết đến chỉ thị này. Tôi nghe nói chỉ thị này là chỉ thị mật cho nên họ không phổ biến rộng rãi.”
Luật sư Trần Quốc Thuận cho biết, chỉ đến khi ông nhận hồ sơ vụ án của blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, lúc đó ông mới được tiếp cận chỉ thị 15. Đặc biệt, ông cho biết chỉ thị 15 chính là một trong những lý do làm cho vụ án của blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh chưa thể đem ra xét xử.
“Viện kiểm sát tối cao đề nghị điều tra và đề nghị phục hồi đảng tịch. Tôi tìm hiểu tại sao phải làm vật thì người ta nói anh này là Đảng viên nhưng chưa đình chỉ sinh hoạt Đảng, chưa khai trừ Đảng, chưa xoá tên Đảng thì truy tố như vậy sẽ vướng chỉ thị 15.”
“Vì những người ngồi xét xử ở Việt Nam đều là Đảng viên cả, nên có lẽ câu chuyện người ta đặt ra là anh là Đảng viên thì anh có chấp hành chỉ thị 15 không, mà nếu chấp hành chỉ thị 15 thì tôi cho rằng vụ án Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh có nhiều khúc mắc khó tháo gỡ.”
Chiếc áo giáp của Đảng viên
Tại Hội nghị tổng kết phòng chống tham nhũng, Thiếu tướng Phan Anh Minh, phó giám đốc Sở Công an TP Hồ Chí Minh đưa ra lý do vì sao Công an TP không phát hiện được án tham nhũng, đó là “Vì CATP cũng phải chấp hành chỉ thị 15, hầu hết đối tượng thực hiện hành vi tham nhũng là đảng viên mà công an thì không được quyền tổ chức trinh sát đảng viên.”
Như lời giải thích của thiếu tướng Phan Anh Minh ở trên, có thể hiểu chỉ thị 15 không những đang giám sát, quản lý toàn bộ quá trình tố tụng của một vụ án liên quan đến đối tượng là Đảng viên mà còn quyết định vụ án nào sẽ được trinh sát và khởi tố.
Cũng từng là một Đảng viên, tuy nhiên Tiến sĩ Đinh Đức Long, ngay khi biết đến chỉ thị 15 thì ông đã thể hiện quan điểm bất bình về biên bản này.
“Nói về góc độ luật pháp, chỉ thị này của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đi vi phạm pháp luật. Vì mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật thì tại sao người Đảng viên lại không bị điều tra?”
Một cách hình tượng hơn, Tiến sĩ Đinh Đức Long so sánh chỉ thị 15 với hình ảnh của một chiếc áo giáp nhằm mục đích “bảo vệ cho những Đảng viên có thể độc quyền tham nhũng mà không ai dám đụng vào được. Không có phương tiện nào về mặt pháp lý để làm được cả.”
“Theo lời thiếu tướng Phan Anh Minh nói thì với chỉ thị này, người tham nhũng được bảo vệ tuyệt đối, vì đa số người tham nhũng là Đảng viên có chức có quyền. Và chỉ thị 15 đã bảo vệ cho họ. Công an là lực lượng chuyên chính rất là mạnh hiện nay mà không đụng vào được thì làm sao quân đội, nhân dân chúng tôi đụng vào được?”
Luật sư Trần Quốc Thuận lại có một nhận định khác tích cực hơn. Ông nói rằng công việc chống tham nhũng đã được chính phủ chuyển sang cho bên Đảng và trưởng uỷ ban chống tham nhũng hiện giờ là Tổng bí thư. Đó là một cách để không bị vướng chỉ thị 15 của Bộ chính trị.
“Còn việc kỳ này có nhiều người xuất phát nguyên là cán bộ công an tướng lãnh công an giờ giữ những vị trí quan trọng trong Đảng và nhà nước thì tôi cho rằng đó là sự phát triển bình thường của cán bộ. Hiện nay theo giới thiệu kỳ này ra ứng cử vào đại biểu Quốc hội thì số người bên quân đội đông hơn bên công an. Cho nên trong quá trình làm việc thì nơi nào làm tốt thì họ phát triển chứ tôi chưa thấy có sự chi phối nào của công an trong bộ máy Đảng và nhà nước.”
Sau lời phát biểu thẳng thắn của Thiếu tướng Phan Anh Minh, rất nhiều ý kiến trên truyền thông mạng cho rằng sẽ có nhiều chuyên án được phá vỡ. Cũng như nhận định mà chúng tôi ghi nhận từ Tiến sĩ Đinh Đức Long cho biết rằng theo ông, những sự thật vốn được che dấu bao lâu nay trong Đảng cộng sản cũng như Bộ chính trị Việt nam đang dần dần lộ ra. - RFA
|
|
7.
'Sắp xử blogger Anh Ba Sàm'
TAND TP Hà Nội ngày 23/3 sẽ xét xử sơ thẩm ông Nguyễn Hữu Vinh, tức blogger Anh Ba Sàm, theo trang VietnamNet.
Trang này dẫn nguồn từ TAND TP Hà Nội, cho biết cùng bị đưa ra xét xử trong vụ án có bà Nguyễn Thị Minh Thúy.
Blogger Nguyễn Hữu Vinh bị bắt ngày 5/5/2014 với cáo buộc từ trang thông tin của Bộ Công An là "đã có hành vi đăng tải các bài viết trên mạng Internet nội dung xấu, thông tin sai lệch làm giảm uy tín, mất lòng tin trong nhân dân về cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, công dân, quy định tại Điều 258 – Bộ Luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam."
Hồi tháng Giêng, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội từng thông báo hoãn phiên xử ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy.
Trước đó cũng tòa này thông báo sẽ xét xử blogger Anh Ba Sàm, tức ông Vinh, và bà Thúy vào sáng 19/1, một ngày trước Đại hội Đảng XII.
Văn bản thông báo ra ngày 12/1 mà BBC có được nêu lý do hoãn xử ngày 19/1 vì "hội thẩm nhân dân được phân công tham gia Hội đồng xét xử vụ án không thể tham gia phiên tòa vào ngày đã dự kiến".
Tòa này nói "khi có quyết định xét xử sẽ thông báo sau".
Ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy bị truy tố tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân theo Điều 258 Bộ Luật Hình sự.
Trang blog Anh Ba Sàm mà ông chủ xướng đăng nhiều bài viết về chính trị-xã hội Việt Nam, được nhiều người truy cập, nay do người khác quản lý.
Cùng bị bắt với ông Vinh có bà Nguyễn Thị Minh Thúy, nguyên là nhân viên cũ của ông Vinh tại công ty TNHH Điều tra và Bảo vệ (VPI). - BBC
|
|
8.
Những tham vọng tàu sân bay của Trung Quốc
Vào cuối năm 2015, trong một kỳ họp báo, bộ Quốc Phòng Trung Quốc xác nhận hiện đang tự đóng những chiếc tầu sân bay đầu tiên cho mình. Như vậy đây cũng sẽ là chiếc thứ hai dành cho Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLAN), sau khi chiếc Liêu Ninh đã đi vào hoạt động từ ngày 25/09/2012. Ông Koh Swee Lean Collin, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng, Khoa Nghiên cứu Quốc tế, thuộc trường Nanyang Technological University, Singapore, trên trang mạng The Diplomat, ngày 18/01/2016 có bài giải mã về “Những tham vọng tầu sân bay của Trung Quốc”.
Một tin bất ngờ?
Thông báo này là hầu như không gây bất ngờ. Đã từ lâu giới truyền thông, học thuật và các nguồn tin tình báo đã có những bàn tán về chương trình tàu sân bay, mà Trung Quốc đặt tên "Dự án 001A". Cùng với việc thông báo này, tác giả đánh giá ít nhiều gì Bắc Kinh đã tỏ ra minh bạch hơn trong các chính sách quốc phòng của mình so với trước đây.
Chẳng hạn như công bố sách trắng quốc phòng và tổ chức họp báo thường kỳ. Tuy rằng các thông tin được công bố không mấy đầy đủ, nhưng chí ít từ với các nguồn thông tin rò rỉ đó, bằng ngả chính thống hay không, cũng đủ cho phép chúng ta có cái nhìn sơ bộ chính xác về những gì chiếc hàng không mẫu hạm tương lai có được.
Và trong một chừng mực nào đó, điều này cũng giúp Bắc Kinh kềm hãm bớt sự tò mò của cộng đồng khoa học và giới tình báo về những tham vọng tiềm tàng tầu sân bay của Trung Quốc. Một sự việc đã từng xảy ra cho chiếc tầu sân bay đóng dở dang Varyag của Nga-Xô cũ, mà sau này Bắc Kinh đã mua lại, rồi cho tân trang và trang bị lại trước khi bàn giao cho hải quân dưới tên gọi là Liêu Ninh vào năm 2012.
Thách đố tin đồn
Dựa vào nhiều nguồn tin đa dạng, người ta có thể suy đoán về những hình dạng cũng các chức năng của chiếc tầu sân bay Trung Quốc đang đóng. Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả, nhiều chuyên gia đã đánh giá quá cao về tiến bộ công nghệ mà Trung Quốc có được trong chương trình tầu sân bay.
Chẳng hạn như có nhiều lời đồn thổi cho rằng chiếc hàng không mẫu hạm mới sẽ chạy bằng năng lượng hạt nhân, được trang bị ống phóng máy bay bằng hơi nước chứ không cần đường băng cất cánh như chiếc Liêu Ninh đang có. Thậm chí, tờ báo Quân đội Nhân dân của Trung Quốc còn tiết lộ là chiếc tầu mới sẽ được trang bị ống phóng máy bay bằng điện từ như chiếc hàng không mẫu hạm hiện đại nhất của Hoa Kỳ hiện nay, lớp Gerald R.Ford.
Thế nhưng, theo các tiết lộ chính thức gần đây, tầu sân bay tự đóng đầu tiên vẫn chạy bằng lực đẩy thông thường, và vẫn phải sử dụng đến đường băng cất cánh. Điều này chứng tỏ là các nỗ lực phát triển công nghệ máy phóng bằng hơi nước hay điện từ của Trung Quốc chưa chín muồi, đòi hỏi một công nghệ phức tạp hơn như ông Trương Quân Xã (Zhang Junshe), một nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên Cứu Hải Quân học của PLA, từng nói bóng gió đến.
Tác giả cho rằng Bắc Kinh chưa thể thực hiện một “cuộc cách mạng” công nghệ thật sự trong lĩnh vực tầu sân bay. Điều có thể chắc chắn là chiếc tầu mới sẽ được trang bị các bộ phận và hệ thống phụ đã được qua thử nghiệm và kiểm tra dựa trên những hiểu biết thu lượm được từ chiếc Liêu Ninh. Các hệ thống con đó sẽ được cải thiện và cách tân ở bên trong sao cho phù hợp với nhu cầu cụ thể của Hải quân Trung Quốc.
Ở đây, điều mà ông Collins quan tâm nhiều nhất đó là: “Tổ hợp tác chiến hàng không mẫu hạm tương lai (Carrier Battle Group – CBG) sẽ có hình dạng như thế nào?"
Theo mô hình tổ hợp tác chiến?
Đầu tiên, tác giả lưu ý là một tầu sân bay có giá trị không thể hoạt động độc lập một mình, mà đó là cả một tổng thể tầu sân bay tác chiến CGB, bao gồm: tầu chiến hộ tống, lực lượng không quân cơ giới, và nguồn hỗ trợ hậu cần trên biển.
Đương nhiên là Bắc Kinh đang đi theo một chiến lược phối hợp trong việc phát triển một tàu sân bay tác chiến, khi chú ý đến việc làm sao phát huy hết năng lực của chiếc tầu mới này. Nỗ lực đó đã được lên kế hoạch từ lâu. Các lực lượng chiến đấu trên biển được thiết lập một cách ồ ạt từ việc đóng một loạt tầu khu trục tên lửa hành trình (Lư Dương (Luyang) II/III loại loại Type-052C/D và chiếc Giang Khải (Jiangkai) II Type-054A), lần lượt tối ưu hóa cho hạm đội phòng không và hệ thống chống tầu ngầm ASW tương ứng.
Hay như Trung Quốc cũng đang xây dựng các đội tầu hộ tống có khả năng đi biển đầy tham vọng loại Type-903 hay Type-901, có tải trọng từ 40-45 nghìn tấn.
Theo tác giả, tổ hợp tác chiến tàu sân bay của Mỹ (CSG) rất có thể là mô hình mà Trung Quốc đang hướng tới. Nhưng để đạt được điều này, Trung Quốc vẫn cần rất nhiều thời gian. Bởi vì, bộ phận không quân trên chiếc Liêu Ninh vẫn còn rất nhiều hạn chế về khả năng công nghệ so với các chiến đấu cơ trong tổ hợp tác chiến của Hoa Kỳ.
Chẳng hạn như, các thiết bị báo động sớm công nghệ chưa hoàn chỉnh, thiếu độ bền và khả năng cảm ứng để có thể cung cấp một sự yểm trợ cho hạm đội. Hay như hàng không mẫu hạm mới cũng như chiếc Liêu Ninh cũng chỉ thích ứng được cho những chiến đấu cơ loại Cá Mập Bay J-15 (Flying Shark) chứ chưa thể đáp ứng cho loại đa năng J-31 như mong muốn ban đầu.
Từ những quan sát trên, tác giả cho rằng, cách tiếp cận tổ hợp tác chiến của hải quân Trung Quốc có vẻ gần giống với hải quân Nga- Xô, mang lại tính ưu việt cho các hoạt động của các máy bay tàu sân bay và nhấn mạnh vai trò đội tầu hộ tống đi kèm để chia sẻ gánh nặng phòng thủ và tấn công.
Tính năng tác chiến bị giới hạn ?
Mặc dù có những hạn chế nói trên của chiếc hàng không mẫu hạm mới được nhắm đến, tổ hợp tác chiến tương lai của hải quân Trung Quốc chắc chắn đang định hình nhờ vào ý chí chính trị to lớn và nguồn kinh phí dồi dào. Tổ hợp tác chiến này sẽ mở rộng các chọn lựa chiến lược có sẵn cho các nhà lãnh đạo chính trị Trung Quốc.
Câu hỏi đặt ra liệu hạm đội tầu sân bay của hải quân Trung Quốc sẽ được dùng như là một tài sản gây thanh thế hơn là cho một tính năng tác chiến thật sự. Dù cho tầu sân bay Trung Quốc sẽ có những tiến bộ ra sao, và tổ hợp tác chiến đó được hình thành như thế nào, điều cần phải biết là làm thế nào Bắc Kinh sẽ chọn cách sử dụng công cụ hải quân mới được khám phá này.
Theo tác giả, trong khu vực vùng biển Tây Thái Bình Dương, tổ hợp tác chiến này CBG sẽ là phần bổ sung đáng kể vào kho vũ khí có sẵn đầy ấn tượng của Hải quân Trung Quốc. Trong kịch bản xảy ra xung đột với Đài Loan, tổ hợp tác chiến của hải quân nước này có khả năng neo đậu tại phía đông hòn đảo trong một nỗ lực làm trì hoãn hay phá vỡ bất kỳ viện binh nào của Mỹ đến từ đảo Guam hay Hawai.
Cùng lúc đó một « mặt trận phía đông » cũng được mở ra bằng cách phối hợp với các đơn vị quân đội Trung Quốc trên đất liền tiến hành chiến dịch tấn công sườn tây Đài Loan. Viễn cảnh này được xem như một sự báo động đáng tin cậy, đến mức bộ Quốc phòng Đài Loan biến chúng thành một kịch bản trò chơi chiến tranh về khả năng tầu sân bay hải quân Trung Quốc tham gia vào một cuộc xung đột giữa hai bên bờ eo biển.
Các hàng không mẫu hạm của PLAN cũng được xem như là một công cụ hữu ích trong bối cảnh tranh chấp lãnh hải hiện nay, như tiến hành các chiến dịch quân sự chống lại các lực lượng Nhật Bản nằm trong vùng phụ cận với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Tuy nhiên, tổ hợp tác chiến đó rất có thể được dùng để phô trương trước các lực lượng tự vệ Nhật Bản, đặc biệt những lực lượng được triển khai xung quanh các đảo tây nam Nhật Bản và quân đội Mỹ đóng tại Nhật. Tính chất mở của vùng biển Đông Á tạo ra một cơ hội tuyệt vời cho các hoạt động của CGB. Nhưng điều này lại không đúng đối với trường hợp Biển Đông, một vùng biển nửa khép.
So với các lực lượng quân đội trên bộ được bố trí dọc theo bờ biển phía nam Trung Quốc, tổ hợp tác chiến đó có thể bị hạn chế tính năng và rất ít khả năng sống sót khi đối mặt với khả năng chống tiếp cận khu vực chủ yếu đến từ ở một số đối thủ Đông Nam Á của Trung Quốc, đặc biệt là Việt Nam. Với những lực lượng nhỏ hơn, nhưng quốc gia này có thể tận dụng lợi thế địa hình để ẩn núp và bất ngờ tấn công tầu sân bay, gây ra những thiệt hại không nhỏ cho tổ hợp tác chiến này.
Sự mất mát tài sản chiến lược có giá trị như một chiếc tầu sân bay cho đến các loại vũ khí xua đuổi trên biển rẻ tiền hơn như dàn tên lửa chống tầu chiến di động ven biển và máy bay chiến đấu trên đất liền, tầu ngầm, và các loại thủy lôi sẽ là một đề xuất tốn kém cho các nhà hoạch định quốc phòng Trung Quốc.
Hơn nữa, do khả năng vốn có giới hạn, nên càng đi về phía Tây, các tính năng của tổ hợp tác chiến hải quân Trung Quốc càng bị suy giảm theo cấp số nhân. Xa các căn cứ đất liền, các tổ hợp tác chiến không thể dựa vào quân tiếp viện trên đất liền như họ có thể mong muốn tại eo biển Đài Loan, biển Hoa Đông và biển Đông. Phần lớn, tổ hợp này phải hoạt động tự chủ, với những nguồn hỗ trợ ít ỏi có sẵn, ngay cả khi có quyền ghé vào các khu căn cứ và cảng biển thân cận.
Tham vọng tầu sân bay của Trung Quốc thường gắn chặt với các lợi ích chiến lược và kinh tế ngày càng lớn trong khu vực Ấn Độ Dương. Do đó, theo tác giả, chắc chắn là tầu sân bay Trung Quốc sẽ là món đồ để Bắc Kinh « phô trương » trong khu vực. Điều đó sẽ cho thấy nhiều khả năng tổ hợp này thực hiện các nhiệm vụ ở cường độ thấp như sơ tán người (tương tự như các tầu chiến trước đó được tiến hành tại Yemen), hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa.
Không thể ngăn lại được
Dẫu sao thì Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục tiến lên phía trước với các tham vọng tầu sân bay của mình. Chiếc hiện đang được đóng tại Đại Liên là một nỗ lực quốc gia đầu tiên nhưng chắc chắn không phải là chiếc cuối cùng.
Trên cả biểu tượng của một quốc gia vĩ đại, chương trình tầu sân bay Trung Quốc là một phần không thể thiếu trong toàn bộ nỗ lực của hải quân hướng tới việc củng cố vị thế tầm vóc của hải quân nước này cũng như là mong muốn của Bắc Kinh đóng một vai trò an ninh tích cực cho toàn cầu nhiều hơn. Điều đó đã được Bắc Kinh chứng tỏ tại khu vực Ấn Độ Dương, kể cả châu Phi và Trung Đông.
Niềm tin chiến lược này, trong trường hợp ông Tập Cận Bình kéo dài nhiệm kỳ, sẽ duy trì đà tiến đang diễn ra nếu ta quan sát cường độ mà hải quân đang tìm cách nắm lấy cơ hội để làm chủ tính chất phức tạp của việc đóng tầu sân bay và các chiến dịch. - RFI
No comments:
Post a Comment