Tuesday, March 29, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Ba 29/3

Tin Thế Giới

1.
Tranh đua chính trị tiếp diễn ở Hồng Kông

Tranh đua chính trị đang diễn ra ở Hồng Kông trước cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 9. Đây là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ khi các nhà lập pháp đòi dân chủ phủ quyết kế hoạch một chiều không thể thương nghị mà Bắc Kinh đưa ra hồi năm ngoái để chọn ra vị hành chánh trưởng quan kế tiếp.

Trong khi đó cũng diễn ra một chuyển biến thế hệ, gây đảo lộn trong các đảng phái cũ và nổi lên những đảng phái mới còn chưa được đặt tên. Hiện tượng này phản ánh không những một sự đảo lộn gây ra bởi các cuộc biểu tình Chiếm Trung do giới trẻ lãnh đạo vào năm 2014, những còn cả những thay đổi về nhân khẩu học - và các giá trị - bên trong khối cử tri.

Cuộc thăm dò mới nhất của Viện Công luận thuộc trường Đại học Hồng Kông cho thấy sự tin tưởng của công chúng đặt vào các chính quyền ở Hồng Kông và Bắc Kinh sụt giảm mạnh, với mức không tin tưởng cao nhất trong số những người trả lời thăm dò ở độ tuổi từ 18 đến 29.

Hồng Kông trên hết

Joshua Wong, người thiếu niên đeo kính trên bích chương của phong trào Chiếm Trung trước đây đã bác bỏ chính trị truyền thống. Nhưng tranh đấu với hành động kéo dài ngoài đường phố, và không có gì để khoa trương, đã là một kinh nghiệm thức tỉnh cho anh và các đồng chí hoạt động. Cùng lúc đó, họ đã tỏ ra hùng hồn và hấp dẫn đối với công chúng hơn so với các giới chức kỳ cựu trong chính phủ mà họ đối đầu trong cuộc tranh chấp được truyền hình. 

Nay anh Joshua nói rằng nhóm Scholarism – Chủ nghĩa Bác học, là tổ chức sinh viên đã nổi bật trong các cuộc biểu tình Chiếm Trung, đã quyết định tạm ngưng hoạt động và chia nhỏ ra thành một nhóm sinh viên và một chính đảng, không có sự liên kết chính thức với nhau.

Anh Wong nói trọng điểm của đảng mới này là 2047, năm mà Bộ luật Cơ bản của Hồng Kông sẽ được Bắc Kinh hoặc gia hạn hoặc đáo hạn. Bộ luật này là cơ sở cho công thức một quốc gia hai hệ thống bảo đảm các quyền chính trị và dân sự cho Hồng Kông. Nhóm của anh Wong muốn dân chúng Hồng Kông chọn lựa tương lai của mình thông qua một cuộc trưng cầu dân ý, mặc dù không có luật nào cho phép trưng cầu dân ý và chính quyền phản đối.

Anh Wong cũng nói nhóm hậu chủ nghĩa Bác học sẽ tự lánh xa khỏi các đảng truyền thông muốn có dân chủ và được biết chung là “toàn dân chủ.” Anh gọi đảng non trẻ của anh là “ủng hộ dân chủ nhưng không toàn-dân chủ.”

Anh Wong nói với đài VOA: “Chính trị truyền thông không hữu dụng bởi vì hầu hết những người theo chủ trương “toàn dân chủ” vẫn tin rằng đối thoại, hội họp và thảo luận có thể cần thiết và hữu hiệu để đạt được dân chủ ở Hồng Kông, nhưng không có nghĩa là chính trị là vô dụng hay vô nghĩa. Đó là bởi vì chúng tôi tin rằng nếu thế hệ mới có thể đại diện cho một số giá trị mới và tham gia cơ chế, thì chúng tôi có thể thay đổi và cải tổ cơ chế hiện hành.”

Trong khi các chính trị gia lớn tuổi hơn ủng hộ dân chủ thường coi dân chủ ở Trung Quốc là một điều kiện tiên quyết cho dân chủ ở Hồng Kông, lớp mới những người hoạt động bác bỏ sự liên kết đó và thay vì thế tập trung vào cuộc tranh đấu của Hồng Kông.

Anh Wong nói tiếp: “Thực vậy, chúng tôi tin rằng Hồng Kông sẽ là bước đầu để chúng tôi đạt được dân chủ và phổ thông đầu phiếu, và bước kế tiếp sẽ đạt được, hãy để cho Trung Quốc được phổ thông đầu phiếu. Do đó, theo quan điểm của tôi, trước tiên là Hồng Kông đã, rồi mới đến Trung Quốc.”

Hồi chuông cảnh tỉnh

Ở đầu bên kia, vị nữ chủ tịch mới của đảng thân Bắc Kinh lớn nhất đã từ chức khỏi Hội đồng Quản trị của Hành chánh Trưởng Quan Lương, là cơ quan hàng đầu định ra chính sách ở Hồng Kông.

Bà Starry Lee, một nhà lập pháp từ lâu đã được gợi ý sẽ lên nắm quyền lãnh đạo Liên minh Dân chủ vì Sự cải thiện và Tiến bộ của Hồng Kông, còn gọi tắt là DAB, đã đưa ra quyết định vừa kể một phần để đảng của bà tách xa khỏi ông Lương đang ngày càng mất lòng dân.

Bà Lee, một gương mặt trẻ hơn trong giới lãnh đạo già nua của DAB, đã lập tức được thay thế chức vụ cố vấn bởi một người thành viên trung kiên của DAB ở tuổi lục tuần. Nhưng sự ra đi của bà đã giúp bà được thảnh thơi tập trung vào việc xây dựng đảng và bắt đầu tạo dựng một ấn tượng của riêng bà – một điều mà nhà kế toán hòa nhã này cần phải có để nổi lên ra khỏi bóng tối của chính trường.

Gương mặt bà nay xuất hiện trên các bích chương vận động cho mọi ứng viên của DAB có nhiều tiềm năng.

Bà không đáp lại yêu cầu phỏng vấn của đài VOA, nhưng trong một cuộc phỏng vấn với Nhật báo Sing Tao, bà Lee nói rời khỏi Hội đồng Quản trị có nghĩa là bà có thể nói năng một cách tự do hơn và phát biểu rõ ràng hơn về lập trường của đảng bà.

Bà nói với báo này rằng DAB vẫn là “một đối tác của chính phủ, nhưng trong một số chính sách, lập trường của DAB không giống như lập trường của chính phủ.”

Theo bà Lee, được quyền phát biểu có thể giúp đảng của bà “gặt hái được thêm hậu thuẫn của công chúng.”

Sự cần thiết phải dành cho các ứng viên DAB có thêm quyền hành động, và để họ thuận chiều hơn với cảm nghĩ của công chúng, đã trở nên rõ ràng cách đây 2 tháng, khi ông Holden Chow, một trong những nhân vật trẻ nhiều hứa hẹn của đảng, đã thua một thành viên theo chủ trương toàn dân chủ của đảng Dân sự Alvin Yeung 10.000 phiếu, trong một cuộc bầu cử phụ vào Hội đồng Lập pháp.

Sự thất bại đó là một hồi chuông cảnh tỉnh cho đảng DAB.

Lời kêu gọi Độc lập

Nhưng điều nhắc nhở nhiều hơn là thành tích của ông Edward Leung, một thành viên của phong trào bản xứ cực đoan, chiếm 15% tổng số phiếu. Trong cuộc chạy đua mà người thắng được toàn số phiếu, ông về hạng ba, nhưng cuộc bầu cử tháng 9 tới sẽ được điều hành theo một hệ thống tỷ lệ và số phiếu của ông Leung sẽ cao hơn túc số cần thiết để được một ghế.

Thật vậy, nếu ông có thể thu về tổng số phiếu chỉ hơn vài tỷ lệ bách phân thì ông có thể đưa thêm một người theo chủ nghĩa bản xứ vào viện lập pháp theo gót ông. Thành tích của ông là một mũi tên nhắm trúng các chính trị gia truyền thống ở cả hai phía.

Một nhóm mới trong tuần này cho biết sẽ tiến xa hơn và thành lập một chính đảng để vận động cho Hông Kông được hoàn toàn độc lập tách khỏi Trung Quốc.

Tại một cuộc họp báo trong tuần này, người từng hoạt động trong phong trào Chiếm Trung Chan Ho-tin nói đảng Quốc gia mới của ông cảm thấy Hồng Kông mất đi tính cá biệt của mình đối với Hoa Lục dưới áp lực của Bắc Kinh.

Với thành phần chủ yếu khoảng 50 sinh viên đại học và những người hoạt động trẻ, đảng này cho biết sẽ đưa ra các ứng viên lập pháp cho cuộc bầu cử sắp tới.

Các nhóm Chức năng

Ở một mức độ sâu hơn và bớt nổi bật hơn, các quyết định cũng đang được xúc tiến nhắm gây thiệt hại cho cơ chế chính trị hiện hữu của chính quyền bằng cách đưa các ủng hộ viên dân chủ vào các cơ quan xã hội và chuyên nghiệp, là những cơ quan sẽ bầu ra các nhà lập pháp đại diện cho những thành phần gọi là “các đơn vị chức năng.”

Những tập thể chức năng này hợp thành phân nửa viện lập pháp với 70 thành viên. Trong một số các đơn vị bầu cử này, cử tri không phải là các cá nhân mà là các công ty lớn. Phân nửa kia của viện lập pháp được bầu trực tiếp từ 5 đơn vị bầu cử địa dư.

Những đơn vị bầu cử chức năng này cũng lập thành những khối bỏ phiếu trong cơ quan gồm 1.200 thành viên sẽ chọn ra vị hành chánh trưởng quan vào năm 2017.

Một nhóm tìm cách lật đổ cơ chế này là tổ chức HK Monitor 2047, một nhóm gồm 200 chuyên gia trẻ tuổi làm việc trong khu vực tài chính, đã sáp nhập với nhau trong phong trào Chiếm Trung.

Người sáng lập và triệu tập nhóm này là Ed Chin, một nhà hoạt động ủng hộ dân chủ có gốc là quản lý quỹ bảo hiểm.

Ông Chin nói ưu tiên hàng đầu của họ là kết thúc tình trạng bỏ phiếu của các công ty và đặt lá phiếu vào tay từng người làm việc trong lãnh vực này. Nhưng ông vẫn còn những trở ngại lớn.

Ông Chin nói: “Rất gay go. Trước tiên quý vị phải được sự đề cử của ai đó đã nằm trong số 1.200 thành viên, do đó cực kỳ là khó khăn… Chúng ta cũng biết rằng đối với các nhóm chức năng khác nhau mà chúng ta muốn tranh đua, rằng bởi vì lá phiếu của công ty sẽ ít nhiều mang tính biểu tượng, bởi vì gần như là điều không thể có được đối với các lá phiếu của công ty.”

Nói tóm lại, nhóm của ông sẽ tìm cách lọt vào các đơn vị bầu cử chức năng này để có thể phá bỏ các đơn vị ấy. Các quyết định tương tự đang diễn ra trong những khu vực chuyên nghiệp khác, trong đó có công nghệ thông tin và y tế. - VOA
|
|

2.
Không tặc máy bay Ai Cập 'đầu hàng'

Toàn bộ con tin đã được thả và không tặc đầu hàng trong vụ một máy bay Ai Cập buộc phải đáp xuống sân bay Larnaca của Cyprus.

Máy bay mang số hiệu MS181 của EgyptAir bị một hành khách chiếm và dọa đeo dây đai gắn bom tự sát.

Sau một buổi sáng căng thẳng, người này đã giơ tay và bước ra khỏi máy bay.

Chưa rõ động cơ của ông ta.

Giới chức Cyprus nêu tên không tặc là Seif Eldin Mustafa.

Có tin nói ông ta muốn nói chuyện với người vợ ly thân ở Cyprus, và tổng thống Cyprus nói đây không phải là khủng bố.

Nhưng cũng có tin nói ông ta đòi thả tù nhân nữ ở Ai Cập.

Tổng thống Cyprus, ông Nicos Anastasiades phát biểu: "Chúng tôi đang làm hết sức có thể để tất cả mọi người được thả và an toàn."

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc liệu có phải động cơ của không tặc là do chuyện tình cảm, ông cười và nói: "Lúc nào cũng có phụ nữ liên quan."

EgyptAir cho biết phi cơ Airbus A320 chở 56 hành khách từ Alexandria tới Cairo, cùng 6 thành viên phu hành đoàn và một nhân viên an ninh. Trước đó hãng đưa ra con số 81 người.

Thông cáo của Bộ Hàng không Dân dụng Ai Cập nói có 26 người nước ngoài trên chuyến bay, trong đó có 8 người Mỹ, bốn người Anh, bốn công dân Hà Lan, hai người Bỉ, hai người Hy Lạp, một người Pháp, một người Ý và một người Syria. Ba người nước ngoài khác chưa rõ quốc tịch.

"Phi công cho biết một hành khách nói với ông đang mặc áo cài chất nổ và buộc máy bay hạ cánh ở Lanarca," cơ quan hàng không Ai Cập nói trong một thông cáo.

Sân bay Lanarca nằm ở bờ biển phía Nam Cyprus, đã đóng cửa và các chuyến bay đến bị chuyển hành trình sang sân bay khác. - BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
FBI bẻ khóa được iPhone của nghi can vụ xả súng San Bernadino

Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã mở khóa được chiếc iPhone 5C chạy bằng hệ điều hành iOS9 của Apple. Các chuyên viên bên ngoài chính phủ không được tiết lộ danh tánh đã giúp "bẻ khóa" chiếc iPhone bằng một phương pháp không được công bố. Thông tín viên đài VOA Chris Hannas có bài tường trình sau đây.

Việc mở khóa được chiếc iPhone chấm dứt cuộc chiến pháp lý giữa chính quyền và công ty Apple trong vụ liên quan đến chiếc điện thoại của nghi can vụ tấn công San Bernadino, bang California, hồi năm ngoái.  Nhưng vấn đề lớn hơn là cuộc chiến của vấn đề chính phủ phải biết được những gì về công dân của họ, và bằng cách nào.

Nghị sĩ bang California, ông Darrell Issa, người đi đầu trong vận động cho chủ trương mã khóa mạnh, nói rằng để cho vụ tranh tụng kết thúc mà không phải mang ra hệ thống tòa án phức tạp để đi đến quyết định cho chính phủ quyền tiếp cận các thiết bị điện tử thì dễ chịu hơn, nhưng kết quả này lại càng cho thấy vấn đề về thông tin cá nhân vẫn chưa giải quyết được.

Ông Essa nói: "Chắc chắn là sẽ xảy ra những vụ khác, và trong khi chúng ta tranh cãi các vấn đề này trên phạm vi quốc gia, chúng ta phải tiếp tục phê phán việc chính phủ tìm cách lợi dụng tình huống nhậy cảm để tích lũy nhiều quyền lực và kiểm soát hơn, một điều gần như luôn gây bất lợi cho quyền tự do và quyền riêng tư của cá nhân."

Luật sư của hãng Apple nói rằng họ hy vọng chính quyền sẽ chia sẻ phương pháp nào đã giải mã được chiếc iPhone của hung thủ Syed Farook, nhưng sau khi một thẩm phán liên bang đồng ý bỏ lệnh chống lại Apple hôm thứ hai, yêu cầu đó của Apple hình như cũng không còn nữa.

Một hệ quả khác có phần chắc hơn sẽ diễn ra là chính quyền sẽ áp dụng phương pháp mà họ vừa biết được để giải mã những thiết bị điện tử khác trong trường hợp Apple từ chối giúp mở khóa.

Theo một danh sách hãng Apple đệ trình trong văn bản liên quan đến vụ San Bernardino, có ít nhất 15 vụ tại các tòa liên bang ở New York, Illinois, California, Massachusetts và Ohio.  Phúc đáp của tòa về văn bản này không yêu cầu cung cấp chi tiết các vụ nêu trong danh sách cho thấy chuyện này có thật.

Hầu hết các thiết bị điện tử đó là điện thoại iPhone, từ đời iPhone 3 cho đến đời mới nhất là iPhone 6 Plus, và  hệ điều hành từ phiên bản iOS4 cho đến iOS9.  Một nửa số vụ này liên quan đến các thiết bị chạy bằng iOS7 hoặc phiên bản trước đó.  Đây là vấn đề quan trọng, bởi vì Apple tăng cường "khóa" an ninh bằng việc cho ra phiên bản iOS8.  Theo hồ sơ của Apple nộp cho tòa, một vấn đề quan trọng nữa là "chức năng không để cho bất cứ ai không có mật mã của thiết bị xâm nhập dữ liệu bị mã khóa trong thiết bị."

Đó là một vấn đề trong vụ San Bernardino. Các nhà điều tra không có mật mã của hung thủ Farook, và tính năng giữ an ninh sẽ xóa mọi dữ liệu sau 10 lần thử dùng các mật mã phỏng đoán không thành công.

Nhưng chính phủ đã tìm được cách mở khóa được cả phiên bản iOS9 có độ bảo mật cao hơn, có thể mở ra khả năng xâm nhập được các phiên bản trước đó của phần mềm này.  

Apple và các hãng công nghệ khác đã tập trung nhiều nỗ lực trong việc bảo đảm an ninh dữ liệu trong mấy năm qua cũng giống như Bộ Tư pháp tích cực tranh cãi rằng tăng mức an ninh dữ liệu gây cản trở nỗ lực điều tra tội phạm.

Đây là một cuộc chạy đua vũ khí công nghệ.  Apple trung bình khoảng mỗi năm tung ra một phiên bản mới của hệ điều hành, như phiên bản iOS9 được tung ra hồi tháng 9.  Khoảng tháng 10. Apple cho hay 90% thiết bị của hãng này vẫn chạy những phiên bản cũ hơn, nhưng việc nâng cấp sang phiên bản mới đã lan truyền nhanh chóng đến mức 80% khách hàng của Apple nay đang sử dụng phiên bản iOS9.

Điều này có nghĩa là nếu Apple tìm ra được cách của chính phủ giải mã chiếc iPhone San Bernardino và tìm được cách vô hiệu hóa phương pháp đó, thì phía chính phủ sẽ nhanh chóng rơi vào tình trạng gặp phải thiết bị mã hóa và không mở khóa được.  Cuộc chiến pháp lý được công bố rõ ràng trong thông báo của các bên công ty Apple và bên chính quyền.

Người phát ngôn Melanie Newman của Bộ Tư pháp nói: "Vẫn là một ưu tiên của phía chính phủ để bảo đảm rằng bên thực thi pháp luật có thể thu thập được các thông tin điện toán quan trọng để bảo vệ an ninh quốc gia và an toàn cho công chúng, hoặc là bằng cách hợp các với các bên liên quan, hoặc thông qua hệ thống tòa án khi hợp tác không thành."

Apple nói họ sẽ tiếp tục hỗ trợ cho bên thi hành luật pháp song song với việc tiếp tục nâng cấp các biện pháp bảo mật dữ liệu chống lại những vụ tấn công điện toán ngày càng tinh vi hơn.

Thông báo của công ty này nói: "Apple thực sự tin rằng người dân ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới xứng đáng được bảo mật dữ liệu, an ninh và sự riêng tư. Hy sinh một bên cho một bên khác đẩy người dân và các nước vào rủi ro." - VOA
|
|

4.
Tổng thống Obama: Nhà báo có trách nhiệm 'tìm tòi kỹ hơn'

Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi các nhà báo hãy "tìm tòi kỹ hơn và đòi hỏi nhiều hơn" khi ông phát biểu tối thứ Hai, nêu bật tầm quan trọng của tự do báo chí ở Mỹ.

Tổng thống Obama nói câu hỏi hàng đầu mà ông nhận được khi nói chuyện với các nhà lãnh đạo thế giới là điều gì đang xảy ra với nền chính trị Mỹ. Ông cho biết cuộc tranh cử tổng thống đã đưa ra "những lập luận gây chia rẽ và nhiều khi thô tục" làm xói mòn dân chủ và xã hội.

Tổng thống Obama nói: "Khi các quan chức dân cử của chúng ta và chiến dịch chính trị của chúng ta trở nên hoàn toàn tách rời khỏi lý trí, khỏi các sự kiện và sự phân tích, khi cái gì đúng hay sai không còn quan trọng nữa, điều đó làm cho chúng ta không thể đưa ra các quyết định tốt cho các thế hệ tương lai".

Theo ông Obama, kết quả là "những lời khẳng định vô căn cứ không bị ai chất vấn cả".

Ông thừa nhận những áp lực tài chính đã làm các hãng tin phải cắt giảm nguồn lực và nhân viên, nhưng ông kêu gọi họ hãy để cho các phóng viên để tìm hiểu sâu hơn các vấn đề không "hào nhoáng" nhưng đáng được chú ý.

Ông Obama nói với các nhà báo: "Một cử tri đoàn có kiến thức phụ thuộc vào các bạn. Và nền dân chủ của chúng ta phụ thuộc vào một cử tri đoàn có kiến thức.”

Tổng thống Obama ngầm ám chỉ ứng viên đang dẫn đầu cuộc đua bên Đảng Cộng, ông Donald Trump, người đã liên tục sử dụng sự xuất hiện trên truyền thông để quảng bá cuộc vận động của mình mà không cần phải chi tiền cho quảng cáo.

Ông Obama nói các cử tri "sẽ được phục vụ tốt hơn nếu hàng tỷ đôla truyền thông miễn phí kèm theo trách nhiệm giải trình nghiêm túc, nhất là khi các chính trị gia đưa ra các kế hoạch không khả thi hoặc những lời hứa hẹn mà họ không thể thực hiện được.”

Ông cũng thảo luận về cuộc họp báo chung mà ông thực hiện tuần trước ở Havana với Chủ tịch Cuba Raul Castro, ông nói đó là một cơ hội lớn đối với người dân Cuba để họ thấy các nhà lãnh đạo đối mặt với những câu hỏi khó.

"Tôi không biết chính xác việc đó sẽ có ý nghĩa thế nào đối với tương lai của Cuba", ông Obama nói. "Tôi nghĩ rằng việc đó đã tạo ra một sự khác biệt lớn đối với nhân dân Cuba. Và tôi cho rằng không thể có một ví dụ nào tốt hơn về lý do vì sao tự do báo chí lại vô cùng quan trọng đối với tự do".

Tổng thống Obama là diễn giả chính tại lễ trao Giải thưởng Toner dành cho Đưa tin Chính trị Xuất sắc. Giải thưởng được đặt theo tên của Robin Toner, người phụ nữ đầu tiên được cử làm phóng viên chuyên về chính trị quốc gia của tờ New York Times.

Năm nay giải thưởng được trao cho ký giả Alec MacGillis về những bài viết của ông về tài chính trong tranh cử, vận động hành lang và các ảnh hưởng khác đối với chính trị và quản trị. Ông là phóng viên của hãng tin ProPublica chuyên về mảng điều tra. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Trung Quốc " khuyên " Việt Nam tăng cường hợp tác quốc phòng song phương

Quân đội Việt Nam và Trung Quốc nên tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhau. Đây là nội dung thông điệp do Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn gởi đến giới lãnh đạo Việt Nam nhân chuyến công du từ 27/03 đến 31/03/2016. "Lời khuyên" này được đưa ra trong bối cảnh quan hệ Việt Trung vẫn căng thẳng trên vấn đề Biển Đông, trong lúc hợp tác quốc phòng Việt-Mỹ càng lúc càng được tăng cường.

Theo hãng tin Anh Reuters, trong một bản thông cáo được bộ Quốc Phòng Trung Quốc công bố hôm qua, bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc đã nhấn mạnh rằng quân đội hai nước nên « tăng cường các chuyến thăm cấp cao và trao đổi chiến lược, nâng cao tình hữu nghị, củng cố hoạt động giao lưu quốc phòng biên giới và hợp tác thiết thực trên vấn đề tham gia chiến dịch gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, nghiên cứu khoa học quân sự và công nghiệp quốc phòng ».

Theo ghi nhận của Reuters, bản thông cáo không đề cập trực tiếp đến tranh chấp Biển Đông giữa hai bên, nhưng cho biết là tư lệnh Hạm Đội Nam Hải của Trung Quốc có mặt trong cuộc gặp giữa phái đoàn Trung Quốc và Tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng ngày 27/03.

Nhân cuộc gặp, bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc đã cho rằng hai nước cần phấn đấu để duy trì mối quan hệ hữu nghị từng được hai cố lãnh đạo Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh xây dựng.

Theo giới phân tích, những lời lẽ đầy tình hữu nghị trên đây là nhằm xoa dịu Việt Nam vào lúc Hà Nội tiếp tục đả kích các hành động của Bắc Kinh nhằm quân sự hóa Biển Đông, cụ thể là đưa chiến đấu cơ đến đảo Phú Lâm, vùng quần đảo Hoàng Sa, và đặt cả tên lửa phòng không và chống hạm trên đó, đồng thời liên tục sách nhiễu ngư dân Việt Nam.

Báo chí Việt Nam đã nêu bật nội dung Biển Đông trong chuyến thăm Việt Nam của bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc, cho biết là quân đội hai bên đã đồng ý tự kiềm chế để tránh xung đột trên Biển Đông. Vấn đề là trên Biển Đông, cho đến nay, chủ yếu các hành vi sách nhiễu lại do lực lượng Hải Cảnh Trung Quốc tiến hành.

Nhật báo Hồng Kông South China Morning Post khi đưa tin về chuyến công du Việt Nam của bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc đã nêu bật nhận định của một chuyên gia Trung Quốc tại trường Đại Học Tế Nam, cho rằng chuyến thăm là một động thái chính trị quan trọng, vì cả hai bên cần duy trì liên lạc chặt chẽ giữa các quan chức cấp cao để giúp ổn định tình hình ở Biển Đông.

Còn theo một chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh, chuyến thăm Việt Nam của ông Thường Vạn Toàn cho thấy là Trung Quốc muốn giữ quan hệ chặt chẽ với Việt Nam, một quốc gia không phải là đồng minh của Mỹ như Philippines. - RFI
|
|

6.
Danh hài Việt Nam bị bắt ở Mỹ

Danh hài Minh Béo (tên thật là Hồng Quang Minh) mới bị bắt giữ ở California vì bị nghi xâm hại tình dục một bé trai hồi đầu tháng này.

Tin cho hay, ông Minh, 39 tuổi, bị truy tố với các tội danh: quan hệ tình dục bằng miệng với trẻ vị thành niên, có hành động khiêu dâm với một bé dưới 14 tuổi và gạ gẫm trẻ nhỏ để thực hiện hành vi dâm ô.

Nếu bị kết án với các tội danh trên, danh hài từng nhiều lần lưu diễn ở Mỹ sẽ phải đối mặt với án tù 5 năm 8 tháng tù giam và tên tuổi sẽ bị lưu lại trong danh sách những người phạm tội tình dục.

Diễn viên hài này hiện đang bị giữ tại Quận Cam với số tiền tại ngoại hầu tra được ấn định là 1 triệu đôla. Ông Minh sẽ phải ra tòa nghe luận tội vào ngày 15/4 tới.

Báo chí dẫn lời các công tố viên nói rằng hôm 20/3, ông Minh nói tại một đài phát thanh ở Huntington Beach rằng ông tổ chức tìm kiếm diễn viên tham gia một dự án về video.

3 ngày sau đó, ông bị cáo buộc quan hệ tình dục bằng miệng với một bé trai khi nạn nhân tới dự tuyển, và sau đó bé trai này đã trình báo sự việc lên cảnh sát thành phố Garden Grove.

Một ngày sau, cảnh sát mở cuộc điều tra và một nhân viên đóng giả làm một trẻ vị thành niên dưới 14 tuổi liên hệ với ông Minh.

Danh hài này sau đó bị cáo buộc đã lên kế hoạch gặp gỡ với nhân viên cảnh sát này với mục đích xâm hại tình dục, và bị bắt sau đó.

Tờ Orange County Register cho biết họ đã tìm cách liên lạc với luật sư đại diện cho ông Minh nhưng bất thành.

Trước đó, báo điện tử Zing News đã liên lạc với người nhà ông Minh và được biết rằng gia đình đã “nhờ người thân bên Mỹ thuê luật sư để bảo vệ” cho người thân.

Báo chí trong nước đưa tin, ông Minh sang Mỹ lưu diễn từ ngày 18/3 ở California, và dự kiến sẽ tới Atlanta để trình diễn. - VOA

No comments:

Post a Comment