Tin Thế Giới
1.
Miến Điện: Quốc Hội chính thức bầu ông Htin Kyaw làm tổng thống
Hôm nay, 15/03/2016, ông Htin Kyaw, người của đảng Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ Miến Điện ( LND) đã được Quốc Hội bầu làm tổng thống Miến Điện với 360 phiếu thuận trên tổng số 652. Sau chiến thắng áp đảo của LND trong cuộc bầu cử lập pháp hồi tháng 11/2015, do lãnh đạo Aung San Suu Kyi không được Hiến pháp cho phép lãnh đạo đất nước, Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ đã giới giới thiệu nhân vật thân tín của bà Aung San Suu Kyi ứng cử chức tổng thống Miến Điện thay thế chính quyền xuất thân từ giới quân đội.
Tân tổng thống và thành phần chính phủ mới được thông báo trong vài ngày tới, sẽ chính thức nhậm chức bắt đầu từ ngày 1/04/2016. Từ Rangoon, thông tín viên Remi Favre :
"Là một nhà kinh tế, bạn từ thuở thiếu thời của Aung San Suu Kyi, trên cương vị tổng thống, ông Htin Kyaw có hai người trợ giúp là hai phó tổng thống : Một người từng là nhà công nghiệp không nhiều kinh nghiệm chính trường và người kia thuộc giới quân nhân, cựu giám đốc cơ quan tình báo.
Bộ ba rất khác biệt này sẽ lãnh đạo hành pháp Miến Điện trong vòng 5 năm tới. Bộ ba này cũng bị phủ bởi hai cái bóng. Một của bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ ( LND), đảng vừa thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 11/2015 vừa qua, bà từng cho biết là sẽ đứng trên tổng thống. Một cái bóng khác là của chỉ huy quân đội. Lãnh đạo Miến Điện trong vòng nửa thế kỷ, quân đội vẫn chưa có ý định rời bỏ chính trường.
LND ấn định hai ưu tiên : Trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm và thiết lập một nền hòa bình lâu bền trong một đất nước mà xung đột sắc tộc liên miên. Để thực hiện hai ưu tiên đó, LND phải hợp tác với quân đội, lực lượng này hiện vẫn giữ 25% số ghế ở Quốc Hội và nắm 3 bộ chủ chốt ". - RFI
|
|
2.
Đức Giáo Hoàng ấn định ngày phong thánh cho Mẹ Teresa
Đức Giáo Hoàng Phanxicô hôm nay loan báo Mẹ Teresa sẽ được phong thánh tại một buổi lễ vào ngày 4/9 năm nay.
Mẹ Teresa nổi tiếng vì một đời phụng sự cho người nghèo. Bà thành lập những nơi tạm trú cho người vô gia cư, các trại mồ côi, các trạm cung cấp lương thực và các trung tâm chăm sóc y tế trên khắp thế giới.
Tháng 12 năm ngoái, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã dọn đường cho tiến trình phong thánh cho Mẹ Teresa khi ngài chấp thuận một đạo dụ công nhận một phép lạ thứ nhì được cho là do phước của Mẹ Teresa.
Điện Vatican cho rằng Mẹ Teresa đã cứu giúp và chữa lành một người đàn ông người Brazil bị bướu ở não bộ hồi năm 2008.
Bước đầu tiên hướng tới việc phong thánh cho Mẹ Teresa diễn ra vào năm 2002, khi một phụ nữ Bengal bị bệnh lao và ung thư được chữa lành do ơn phước của Mẹ Teresa.
Mẹ Teresa, một nữ tu người Albania ra đời vào năm 1910 nhưng cư ngụ tại Ấn Độ trong phần lớn cuộc đời của bà. Bà thành lập một dòng tu tại đây được gọi là Dòng Thừa Sai Bác Ái. Mẹ Teresa qua đời tại Ấn Độ vào năm 1997, sau khi được trao tặng Giải Nobel và trở thành một nhân vật quốc tế được mọi người yêu mến. - VOA
|
|
3.
Phu mỏ than Trung Quốc đình công ở tỉnh Hắc Long Giang
Nhiều ngày biểu tình của các công nhân mỏ than trong tỉnh Hắc Long Giang đã buộc một quan chức cấp cao lên tiếng tạ lỗi về việc không trả lương. Theo tường thuật của thông tín viên Joyce Huang của đài VOA, các nhà phân tích cho rằng vụ tranh chấp này chỉ là một ví dụ nhỏ của những thách thức to lớn mà Trung Quốc đang đối mặt trong lúc tìm cách loại bỏ năng suất dư thừa và chuyển người lao động ra khỏi các doanh nghiệp nhà nước.
Những cuộc biểu tình phản kháng đã lên tới cao điểm vào cuối tuần qua, khi hàng ngàn công nhân không được trả lương tại thành phố Song Áp Sơn rủ nhau xuống đường và ngăn chận đường xe lửa để phản đối điều họ gọi là "lời nói láo trắng trợn" của Tỉnh trưởng Lục Hạo.
Ông Liêu Thành, một nhân vật tranh đấu ở tỉnh Hắc Long Giang, nhận định như sau: "Vấn đề mà vụ Song Áp Sơn phô bày chỉ là phần nổi của tảng băng. Vấn đề không trả lương cho công nhân đã trở thành một vấn đề khá phổ biến. Trong lúc kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng chậm lại, tranh chấp lao động sẽ tiếp tục trở nên tệ hại hơn."
Công nhân tức giận vì không được trả lương
Vào hôm 13 tháng 3, Tỉnh trưởng Lục Hạo nói với các nhà lãnh đạo Trung Quốc tại cuộc họp của Quốc hội và Hội nghị Hiệp thương Chính trị ở Bắc Kinh rằng Tập đoàn Long Môi, công ty than đá quốc doanh lớn nhất tỉnh, chưa hề trả lương trễ cho 80.000 công nhân của họ. Ông khẳng định "tiền lương được trả không thiếu một xu."
Nhưng phát biểu đó đã gây phẫn nộ cho nhiều người thợ mỏ than ở Hắc Long Giang, những người nói rằng họ chưa được trả lương từ 6 tháng nay.
Những bức hình và những đoạn video phổ biến trên mạng cho thấy người biểu tình tràn ngập đường phố, tụ tập trước trụ sở văn phòng chính phủ và tại các trạm xe lửa. Giới hữu trách đã phái hàng trăm nhân viên cảnh sát chống bạo động để giải tán cuộc biểu tình và bắt giữ nhiều người.
Tối ngày 13 tháng 3, trong lúc cuộc phản kháng gia tăng cường độ, ông Lục Hạo đã lên tiếng tạ lỗi để tìm cách xoa dịu tình hình. Theo tường thuật của tờ Bắc Kinh Thời báo hôm 14/3, ông Lục nói: "Sai lầm là sai lầm. Không thể biện bạch gì cả."
Mặc dù vậy, trên trang mạng Freeweibo. com, Song Áp Sơn đã trở thành đề tài hàng đầu bị kiểm duyệt. Nhiều người sử dụng Internet nói rằng vụ này cho thấy sự thối nát của các quan chức tỉnh, và một số người nói ông Lục Hạo nên nhận trách nhiệm và từ chức.
Chính thức tạ lỗi
Ông Lục Hạo cho rằng ông đã được báo cáo không đúng sự thật và ông đã triệu tập một cuộc họp vào ngày 12 tháng 3 để thảo luận về những cách thức để giải quyết vấn đề nợ nần của tập đoàn Long Môi. Ông kết luận là với sự hỗ trợ của chính quyền, công ty này sẽ huy động ngân khoản để trả lương công nhân, đồng thời chuyển 50.000 công nhân sang làm việc trong các ngành khác như lương thực hay du lịch.
Những người tranh đấu cho quyền của người lao động nói rằng vụ tranh chấp sẽ không chấm dứt trong nay mai.
Ông Jeff Crothal, người phát ngôn của Bản tin Lao động Trung Quốc ở Hồng Kông, cho biết: "Chính phủ, chính quyền tỉnh hứa hẹn là một chuyện. Còn các công ty liên hệ có thật sự huy động ngân quỹ để trả lương công nhân hay không là một chuyện khác. Tôi không tin là vấn đề này sẽ được một cách chóng vánh."
Công nghiệp khai thác than đá của Trung Quốc đang đối mặt với vấn đề dư thừa công suất. Năm ngoái, hơn 90% các mỏ than ở nước này bị lỗ.
Số liệu thống kê mới nhất của Hiệp hội Than đá Toàn quốc cho thấy khu vực này sản xuất 3,37 tỉ tấn thanh trong 11 tháng đầu của năm 2015, giảm 3,54% so với cùng thời gian đó của năm 2014.
Trong khoảng thời gian từ 3 đến 5 năm tới đây, chính phủ dự trù giảm thêm 1 tỉ tấn trong sản lượng than.
Vấn đề nhỏ?
Công suất dư thừa là một thách thức lớn của nhiều công nghiệp nặng của Trung Quốc, trong đó hầu hết là do nhà nước làm chủ.
Ông Tào Hòa Bình, giáo sư kinh tế học của Đại học Bắc Kinh, cho biết tuy việc cải cách doanh nghiệp nhà nước là một việc khó khăn, nhưng việc xử lý vấn đề dư thừa công nhân hiện nay tương đối dễ so với vụ khủng hoảng mà các doanh nghiệp này gặp phải vào năm 1993 và 1994.
Ông Tào nói: "Khó khăn của ngày hôm nay nhỏ hơn rất nhiều. Lúc trước, có 30 triệu công nhân dư dôi. Ngày nay, con số này chưa tới 1,8 triệu người."
Ông Tào cho biết thêm rằng trong số 1,8 triệu đó, số người thật sự bị sa thải sẽ nhỏ hơn sau khi các doanh nghiệp nhà nước thực hiện những kế hoạch tái cơ cấu, mua bán hoặc sáp nhập. Ông bày tỏ tin tưởng là chính phủ Trung Quốc hiện nay đang ở trong một vị thế tốt hơn để ứng phó với một vụ khủng hoảng qui mô nhỏ. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
4.
Mỹ xác nhận chỉ huy IS 'Omar người Chechnya' đã chết
Hoa Kỳ nói một viên chỉ huy hàng đầu của Nhà nước Hồi giáo được biết đến dưới biệt danh ‘Omar người Chechnya’ đã chết vì những vết thương do một cuộc không kích của Mỹ thực hiện ở Syria để tiêu diệt ông ta.
Các giới chức quốc phòng Mỹ thoạt tiên nói rằng Omar al-Shishani, một lãnh chúa đầy kinh nghiệm chiến đấu có một chòm râu rậm màu đỏ, đã bị giết chết cùng với 12 chiến binh Nhà nước Hồi giáo khác trong cuộc tấn công diễn ra giữa một cuộc họp mặt của các phần tử thánh chiến. Sau đó, các giới chức Mỹ nói Omar đã sống sót qua cuộc không kích, nhưng chết hôm thứ Hai vừa rồi.
Shishani, tên thật là Tarkhan Batirashvili, được biết tiếng là một trong các viên chỉ huy có khả năng nhất của Nhà nước Hồi giáo, nhân vật mà Mỹ treo giải thưởng 5 triệu đôla để bắt giữ. Các giới chức Mỹ mô tả Omar là người nắm chức vụ tương đương với ‘Bộ trưởng Quốc phòng’ cho những phần tử thánh chiến.
Omar đã chiến đấu chống lại người Nga thời còn là một chiến binh nổi dậy người Chechnya, trước khi gia nhập quân đội Gruzia hồi năm 2006, và lại chiến đấu chống các lực lượng Nga vào năm 2008.
4 năm sau, ông ta xuất hiện ở Syria trong tư cách là viên chỉ huy một tiểu đoàn chiến binh nước ngoài. Khi Nhà nước Hồi giáo nổi lên ở Syria vào năm 2013, Omar được đề cử làm chỉ huy trưởng phụ trách khu vực phía Bắc Syria của Nhà nước Hồi giáo.
Bộ Quốc phòng Mỹ nói Omar đã lãnh đạo các chiến binh Nhà nước Hồi giáo trong nhiều trận chiến ở Syria và Iraq, và từng cai quản nhà tù của Nhà nước Hồi giáo ở Raqqa, thủ đô tự xưng của Nhà nước Hồi giáo ở miền bắc Syria. - VOA
|
|
5.
Tư lệnh Không quân Úc ủng hộ Mỹ gia tăng hiện diện quân sự
Tư lệnh Không quân Hoàng gia Australia Leo Davies hôm 15/3 nói với các phóng viên tại Canberra rằng Australia cần nhìn nhận việc Mỹ gia tăng hiện diện quân sự là một “diễn tiến tự nhiên” vào lúc liên minh chiến lược giữa hai nước đương đầu với căng thẳng gia tăng ở Biển Đông, nơi có tranh chấp chủ quyền gay gắt giữa Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia và một số nước khác.
Ông Davies cho biết phi cơ Mỹ thường xuyên bay tới, thực hiện các cuộc diễn tập và các phi vụ thường lệ với Australia.
Australia - hiện tổ chức diễn tập với Thủy quân Lục chiến và quân đội Mỹ ở các vùng phía bắc xa xôi - được xem là một đối tác trong chiến lược tái cân bằng kinh tế và chính trị sang châu Á của Tổng thống Barack Obama. Tháng trước, Thủ tướng Australia đã nhắc lại lời kêu gọi của Mỹ rằng Trung Quốc cần kiềm chế trong việc quân sự hóa các thực thể nước này đã tôn tạo ở Biển Đông.
Liên minh hai nước được tăng cường vào lúc Australia gia tăng ngân sách quốc phòng từ mức 24,3 tỷ đôla Mỹ của tài khóa 2016-2017 lên hơn 44 tỷ đôla Mỹ trong tài khóa 2025-2026. Tháng trước, chỉ huy của Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Harry Harris phát biểu với một ủy ban Thượng viện rằng ông dựa rất nhiều vào năng lực quân sự tiên tiến của Australia, trong khi đó, Tướng Lori Robinson, tư lệnh Không lực Thái Bình Dương của Mỹ nói hồi tuần trước Mỹ đang bàn bạc với Australia về triển khai luân phiên các oanh tạc cơ B-1 ở cảng Darwin ở phía bắc.
Tư lệnh Không quân Australian Davies cho hay Australia đã thảo luận với các nước khu vực, bao gồm Việt Nam, Singapore và Philippines để bảo đảm duy trì các cuộc thao dượt vì tự do hàng hải ở Biển Đông. Ông nói việc quân sự hóa trong khu vực đã tăng tốc đến mức các hoạt động khác khó theo kịp.
Về việc khẳng định tự do hàng hải và hàng không, ông Davies bình luận: “Với quan điểm của một phi công, tôi sẽ tuân thủ các quy định hàng không, chúng tôi sẽ bay ở vùng trời mà chúng tôi có quyền bay, chúng tôi sẽ xin phép ngoại giao ở những nơi cần đi vào, và chúng tôi sẽ tiến hành các hoạt động như chúng tôi đã làm trong hơn 30 năm qua ở Biển Đông”.
Mỹ đã bắt đầu thực hiện các hoạt động vì tự do hàng hải từ tháng 10/2015 như là một cách thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc về hơn 80% Biển Đông, nơi có những tuyến đường biển quốc tế nhộn nhịp thuộc hàng bậc nhất thế giới.
Hồi tháng trước, Trung Quốc triển khai hỏa tiễn địa đối không ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Ông Davies nói “các cuộc tuần tra của chúng tôi không có gì thay đổi. Chúng tôi vẫn thực hiện các cuộc tuần tra đi qua bắc Ấn Độ Dương và Biển Đông”. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
6.
Singapore trở thành nước đầu tư hàng đầu vào Việt Nam
Singapore đã trở thành đối tác đầu tư hàng đầu của Việt Nam với số tiền 36 tỷ đôla đổ vào nhiều dự án, trong đó có chế biến, công nghệ, chế tạo, bất động sản, xây dựng, vận tải và kho bãi.
Đến nay, Singapore đầu tư vào gần 1.570 dự án ở Việt Nam, đứng thứ 3 trong số 112 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Tới 43% đầu tư của Singapore đổ vào ngành chế biến và chế tạo, đạt 15,6 tỷ đôla trong 480 dự án. Bất động sản cũng nhận được nhiều đầu tư của Singapore, với 11 tỷ đôla.
Thành phố Hồ Chí Minh là địa điểm hấp dẫn với các nhà đầu tư Singapore, thể hiện qua việc họ có 780 dự án với số tiền đổ vào là 9,6 tỷ đôla, chiếm 27% tổng đầu tư của Singapore.
Ngoài các ngành nghề kể trên, Singapore dự kiến sẽ thúc đẩy hợp tác với Việt Nam về dịch vụ hàng hải và cảng biển, Đại sứ Singapore tại Việt Nam Ng Tech Hean nói với Thứ trưởng Giao thông Vận tải Việt Nam Nguyễn Hồng Trường tại Hà Nội hồi tuần trước.
Ông Hean nói các doanh nghiệp nước ông đã đầu tư vào nhiều dự án lớn, trong đó có các cảng Cái Mép-Thị Vải và Sài Gòn. Các doanh nghiệp Singapore mong được cung cấp thêm thông tin về việc tư nhân hóa hãng vận tải hàng hải nhà nước Vinalines.
Thứ trưởng Trường của Việt Nam cho hay quá trình tư nhân hóa hãng này đã sẵn sàng, kế hoạch đã được trình lên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để phê duyệt.
Vị thứ trưởng cũng cho biết Thủ tướng muốn rút vốn nhà nước khỏi 9 cảng biển, những cảng này sẽ được tư nhân hóa. Ông Trường nói hy vọng các doanh nghiệp Singapore sẽ đầu tư vào các cảng này. - VOA
|
|
7.
Việt Nam ‘cầu cứu’ Trung Quốc
Việt Nam "cầu viện" Trung Quốc xả nước giúp chống hạn hán nghiêm trọng ở miền Tây, trong khi có ý kiến cho rằng "bom nước từ hồ đập Trung Quốc có thể nhấn chìm Đồng bằng sông Cửu Long".
Chính quyền Hà Nội mới cho biết đã “đề nghị phía Trung Quốc gia tăng lưu lượng xả nước từ thủy điện Cảnh Hồng (Vân Nam) xuống hạ lưu sông Mekong để khắc phục tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam".
Các nguồn tin ở Việt Nam cho biết tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn ở các tỉnh miền Tây được coi là “nghiêm trọng nhất trong 100 năm qua, và đang gây thiệt hại nặng nề”.
Giáo sư Võ Tòng Xuân, một chuyên gia nghiên cứu nông nghiệp gắn bó nhiều năm với hạ lưu sông Mekong, nói thêm với VOA Việt Ngữ:
“Do cái hạn nó quá gay gắt rồi cả hệ thống sông Cửu Long (Mekong) thiếu nước, từ mấy đập của Trung Quốc tới Thái Lan, cho nên nước mặn vào sâu hơn. Lúa dưới đó đã gần chết hết rồi. Cả nhiều năm nay chưa có cái hạn hán nào mà gay gắt như thế”.
Báo chí trong nước dẫn lời các quan chức cho biết hàng trăm nghìn hecta lúa đông xuân trong số 1,5 triệu hecta lúa của vùng đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ bị ảnh hưởng, trong khi hàng chục nghìn hecta lúa đã chết.
Chính quyền được trích lời nói rằng việc chống hạn, mặn cho vùng này là “vấn đề sống còn” vì đây là “vựa lương thực”, được coi là “chiếm hơn 50% sản lượng lúa, 70% sản lượng trái cây và hơn 60% thủy sản của cả nước”.
Về đề nghị “cứu hạn” của Việt Nam, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng hôm 14/3 cho hay rằng “Trung Quốc cho biết sẽ tích cực phối hợp, sớm triển khai kế hoạch xả nước khẩn cấp trong thời gian từ ngày 15/3 đến 4/4".
Tuy nhiên hôm 15/3, chưa rõ là Bắc Kinh đã thực hiện lời hứa với Việt Nam hay chưa. Cả truyền thông Việt Nam lẫn Trung Quốc không thấy đề cập gì tới vấn đề này.
Về lời kêu gọi của Hà Nội tới Trung Quốc, giáo sư Võ Tòng Xuân nhận định thêm với VOA tiếng Việt:
“Không có ăn thua gì đâu. ‘Ông’ ở xa tít mù bên kia làm sao mà có ảnh hưởng gì dưới này. Với lại tôi nghĩ rằng trên mấy cái đập bên đó cũng đang thiếu nước. Năm 2005 cũng có nạn hạn hán rất nặng, rồi tới qua năm 2010 cũng thế. Năm 2015, năm ngoái cũng có hạn, và bây giờ gay gắt hơn. Trong những lúc như thế này, mình ở dưới này hạn thì trên kia cũng hạn luôn. Cái hạn năm nay là do từ năm ngoái kéo qua. Hiện tượng El Nino rất là gay gắt. Đương nhiên, thỉnh thoảng mình cũng có cái thiên tai này, thiên tai kia, rất là gay gắt. Bây giờ biến đổi khí hậu biến hóa vô chừng. Thiên tai do con người gây ra rất nhiều. Giờ mình phải chịu. Đâu có làm gì được”.
Theo tổ chức có tên gọi Sông ngòi Quốc tế (International Rivers), cho tới nay, Trung Quốc đã xây 7 đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong, và dự kiến sẽ xây thêm 21 đập nữa trong tương lai.
Ngoài ra, tin cho hay, Trung Quốc cũng là nhà đầu tư trong nhiều công trình xây dựng đập thủy điện trên hạ lưu chảy qua một số nước Đông Nam Á.
Tiến sĩ Richard Cronin, Giám đốc chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Stimson ở thủ đô Washington, Mỹ, từng nói với VOA Việt Ngữ rằng “vấn đề Mekong có thể gây bất ổn chính trị và căng thẳng khu vực”.
Học giả này cho rằng “Trung Quốc nhìn nhận Mekong như là dòng sông riêng của nước này, và họ có thể làm bất kỳ điều gì họ muốn”.
Ông Cronin nói: “Vị thế ở thượng nguồn đã giúp nước này thu về các lợi ích cơ bản từ việc khai thác dòng sông Mekong, nhất là về thủy điện, trong khi hậu quả từ việc làm của Trung Quốc thì các nước ở hạ lưu lại phải gánh chịu”.
Trả lời về việc các quan chức Trung Quốc từng nói rằng tình trạng khô hạn và các vấn đề ở hạ lưu không phải do những con đập của Trung Quốc gây ra mà vì tình trạng biến đổi khí hậu, ông Cronin nói rằng khó có thể xác minh điều này vì “người Trung Quốc không cho các quốc gia thuộc lưu vực sông Mekong biết về hoạt động của các con đập cũng như hồ thủy điện của họ”.
Ông nói: “Họ không cho biết là họ có xả toàn bộ nước, hay vẫn còn lưu giữ nước ở các hồ chứa. Bắc Kinh cũng không công bố các kết quả nghiên cứu về thủy học hay lưu lượng nước. Nói chung, họ không cho thấy sự minh bạch về vấn đề này”.
Trong khi chính quyền Việt Nam kêu gọi Trung Quốc tăng cường xả nước để “cứu” đồng bằng sông Cửu Long, một số tờ báo trong nước trích lời chuyên gia nói rằng “bom nước từ hồ đập Trung Quốc có thể nhấn chìm” vựa lúa của Việt Nam này.
Tờ Dân Việt viết: “Nhiều chuyên gia lo ngại, những cái đập không khác gì những quả ‘bom nước’ khổng lồ lơ lửng trên đầu hàng triệu người dân đồng bằng sông Cửu Long. Nếu xây hàng loạt đập thủy điện ở đầu nguồn sông Mekong, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí có nguy cơ bị xóa sổ nếu vỡ đập”.
Tuy nhiên, Giáo sư Xuân phản bác lo ngại này, cho rằng “mấy cha này chỉ nói mò”.
Cập nhật lúc 10h30 phút tối (giờ Hà Nội) ngày 15/3: Trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm nay, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói rằng Trung Quốc và các nước dọc sông Mekong là “các quốc gia láng giềng thân thiện”.
Ông Lục nói tiếp: “Người dân các nước này uống nước cùng một dòng sông, nên cảm thấy phải có nghĩa vụ giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn. Chúng tôi đã nắm được thông tin về hạn hán tại các nước trên dòng sông này kể từ cuối năm 2015 vì hệ quả của hiện tượng El Nino, đặc biệt gần đây, khi tình hình hạn hán ngày càng tồi tệ, gây khó khăn lớn cho sản xuất và đời sống của người dân ở Đồng bằng sông Mekong”.
“Trong tình thế như vậy”, ông này nói, “chính phủ Trung Quốc đã quyết định vượt qua khó khăn riêng của mình và sẽ làm hết sức để giúp các nước láng giềng. Trung Quốc đã quyết định mở các cửa xả lũ tại đập thủy điện Cảnh Hồng từ ngày 15/3 tới ngày 10/4 để đưa nước xuống hạ nguồn với hy vọng giúp giảm bớt nạn hạn hán ở Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam”. - VOA
No comments:
Post a Comment