Tin Thế Giới
1.
Chính sách xoay trục sang châu Á của TT Obama không chặn được bước TQ --- TQ nói Mỹ 'quân sự hóa Biển Đông'
Năm năm sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama cam kết tái cân bằng chiến lược sang châu Á, chuyển các nguồn lực ngoại giao và quân sự tới nơi được coi là động cơ kinh tế của thế giới, giới phê bình nói động thái này đã được quảng bá quá mức và cho đến nay vẫn chưa đem lại được kết quả.
Vào một thời điểm mà các hành động quyết liệt của Bắc Kinh nhắm khẳng định chủ quyền ở Biển Đông thu hút tin tức báo chí và những phản ứng lo lắng của các nước trong khu vực, một số người nói Trung Quốc dường như đã vượt trội các đối thủ trong cuộc đua đòi chủ quyền ở vùng biển rộng lớn có tính chiến lược.
Ông William Choong, một học giả kỳ cựu ở Singapore thuộc chương trình Đối thoại Shangri-La về An ninh châu Á-Thái Bình Dương, nêu nhận xét: “Là người ngồi ở vùng châu Á-Thái Bình Dương và quan sát sự hiện diện của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương, chúng tôi chỉ mới thấy vài ánh sáng le lói về sự tái cân bằng”.
Trong nhiều thập niên, Hải quân Hoa Kỳ đã bảo vệ những tuyến hàng hải trọng yếu ở Thái Bình Dương. Hải quân Hoa Kỳ vẫn là lực lượng mạnh nhất trên đại dương, nhưng Trung Quốc đã có động thái khẳng định thêm chủ quyền và bành trướng sự hiện diện ở Biển Đông – mà không đưa các lực lượng quân sự chính thức của họ chường ra phía trước.
Nhà phân tích an ninh Đông Nam Á Carlyle Thayer thuộc Học viện Quốc phòng của Australia ở Canberra nêu nhận định: “Thế đi đầu của Trung Quốc là thông qua sự lờ mờ giữa lực lượng Tuần duyên, bán quân sự, và thậm chí việc xây dựng trên các đảo nhân tạo được che đậy dưới vỏ bọc phục vụ công cộng, tìm kiếm cứu nạn, hoạt động khoa học, thăm dò dầu khí, đánh cá.”
Trong 2 năm trở lại đây, Trung Quốc đã bồi đắp ít nhất 1.170 hecta đất ở Biển Đông, xây dựng trên các bãi san hô, bãi cạn và đảo nhỏ.
Trong tuần này lại diễn ra một sự kiện khác nhắc nhở nỗ lực của Trung Quốc tăng cường cho các vị trí tiền đồn hiện có của họ: Hoa Kỳ nói Trung Quốc dường như đã triển khai các đơn vị hỏa tiễn địa đối không trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Ông Thayer nói Trung Quốc vốn đã có những tàu tuần duyên nhiều hơn so với tất cả các nước ASEAN cộng lại. Với những vũ khí và hạ tầng quân sự, Bắc Kinh đang triển khai trên các đảo nhân tạo được xây ở vùng biển có tranh chấp, một số nơi cách đất liền hơn 800 kilomet, Trung Quốc đang đạt được cả năng lực tấn công nhanh lẫn ưu thế hải quân so với các nước khác trong khu vực.
Ứng phó bối rối của ASEAN
Quân đội Hoa Kỳ đã phát triển quan hệ chặt chẽ hơn với các nước ASEAN, nhất là Việt Nam và Philippines, hai nước có tranh chấp về tuyên bố chủ quyền với Trung Quốc.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa ASEAN đoàn kết với nhau để xử lý vấn đề Biển Đông. Vốn là một tổ chức chú trọng đến việc xây dựng sự đồng thuận và không can thiệp, ASEAN không muốn công khai đứng về phía Hoa Kỳ để ủng hộ bất cứ quyết định nào quan trọng chống lại Trung Quốc.
Học giả William Choong nói: “Các nước ASEAN chưa thực sự đề nghị với Chú Sam (Mỹ) là họ muốn Chú Sam làm gì”.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực đã gia tăng nhờ cam kết của ông Obama về việc can dự đầy đủ hơn với Đông Nam Á và đích thân tham gia vào các diễn đàn thường niên như hội nghị cấp cao An ninh Đông Á, theo nhận xét của nhà phân tích an ninh Đông Nam Á Thayer.
Ông Thayer nói: “Ông Obama sẽ để lại một di sản mà nếu một tổng thống mới của Mỹ lờ đi sẽ là một sự liều mạng”.
Mỹ tăng cường quân sự
Trong những năm gần đây, Washington đưa thêm binh sĩ và thiết bị quân sự đến khu vực và tăng cường các liên minh an ninh với một số thành viên ASEAN.
Đô đốc Harry Harris, tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, nói Hải quân đã đưa các thiết bị quân sự “mới nhất và tính năng cao nhất” đến khu vực, như phi cơ tuần thám P-8, chiến hạm Littoral, tàu ngầm lớp Virginia và các tàu đổ bộ mới như USS America.
Tại Australia hồi năm ngoái, hơn 1.000 binh sĩ Thủy quân Lục chiến Mỹ đã được triển khai đến thành phố Darwin để tham gia các cuộc tập trận với Lực lượng Quốc phòng Australia. Đến năm 2017, con số các cuộc triển khai luân phiên sẽ tăng lên 2.500.
Tòa án Tối cao của Philippines mới đây đã chuẩn thuận một hiệp định hợp tác an ninh song phương cho phép quân nhân và vũ khí Mỹ được trú đóng trên cơ sở luân phiên tại 5 sân bay quân sự và 2 căn cứ hải quân của Philippines.
Việc quân đội Mỹ trở lại Philippines được những người ủng hộ xem như một sự răn đe đáng kể đối với Trung Quốc, và nó diễn ra sau 25 năm từ khi Manila bỏ phiếu về việc đóng cửa các căn cứ quân sự Mỹ ở nước này khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Washington cũng đang trợ giúp hàng hải cho các nước ASEAN khác, trong đó có Việt Nam, nước này đang nhận một số tàu tuần tra được cải tạo của lực lượng Tuần duyên Mỹ.
Những năng lực được tăng cường này ở Đông Nam Á được bổ sung thêm nhờ và những vụ điều quân và các căn cứ quân sự rộng lớn của Hoa Kỳ ở Guam, Nhật Bản và Nam Triều Tiên. - VOA
***
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc Mỹ quân sự hóa Biển Đông, và khẳng định đảo Phú Lâm, Hoàng Sa là lãnh thổ Trung Quốc.
Việt Nam trước đó cho biết đã gửi công hàm đến Đại sứ quán Trung Quốc và Liên Hiệp Quốc phản đối Trung Quốc đưa tên lửa ra quần đảo Hoàng Sa.
Tin tức mới đây nói Trung Quốc xây dựng căn cứ trực thăng quân sự trên đảo Quang Hòa và bố trí tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Tại cuộc họp báo thứ Sáu, người phát ngôn Trung Quốc Hồng Lỗi nói đảo Phú Lâm, mà Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng, là lãnh thổ Trung Quốc.
“Từ 1959, chính phủ Trung Quốc đã thiết lập văn phòng hành chính và cơ sở liên quan của chính quyền trên đảo Vĩnh Hưng.”
“Từ nhiều năm Trung Quốc đã xây dựng và điều chuyển các thiết bị quốc phòng cần thiết.”
“Một số nước liên quan cần hiểu rõ lịch sử và dữ kiện căn bản về Nam Hải trước khi bình phẩm,” theo ông Hồng Lỗi.
Ông Hồng đáp trả bình luận của người phát ngôn ngoại giao Mỹ John Kirby, nói rằng tên lửa trên đảo Phú Lâm mới được lắp đặt và không có dấu hiệu Trung Quốc ngừng quân sự hóa trên đảo này.
Phú Lâm là đảo lớn nhất trong quần đảo Hoàng Sa.
Ông Hồng Lỗi cáo buộc Mỹ quân sự hóa Biển Đông.
“Mỹ liên tục gia tăng lực lượng quân đội trên Nam Hải, thường xuyên gửi tàu chiến, máy bay ra Nam Hải để do thám quân sự và gửi tàu khu trục có tên lửa và máy bay đánh bom ra Nam Sa và vùng biển xung quanh.”
“Mỹ cũng thu hút và thúc ép các đồng minh, đối tác tiến hành các chuyến đi và tập trận trên Nam Hải,” ông Hồng nói.
Cũng ngày 19/2, người phát ngôn ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nói: “Đây là những hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.”
Ông Bình nói Trung Quốc “đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.” - BBC
|
|
2.
Mỹ, Nga khởi sự nỗ lực mưu tìm một thỏa thuận đình chiến lâu dài cho Syria
Hoa Kỳ và Nga hôm thứ Sáu phát động một nỗ lực nhằm mang lại sự ổn định lâu dài cho các cố gắng đưa vật phẩm cứu trợ nhân đạo tới các khu vực bị vây hãm ở Syria.
Dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, hai nước sẽ đồng chủ trì một buổi họp sơ khởi của nhóm đặc nhiệm thực hiện thỏa thuận ngưng bắn ở Geneve.
Nhóm đặc nhiệm này sẽ tìm hiểu các triển vọng cho một cuộc đình chiến lâu dài ở Syria, nơi cuộc nội chiến kéo dài 5 năm đã khiến hơn 400.000 người thiệt mạng và buộc hàng triệu người khác phải dời cư.
Nhóm Quốc tế Hỗ trợ Syria gồm 17 quốc gia đã lập kế hoạch thành lập nhóm đặc nhiệm trong một buổi họp ở Munich hồi tuần trước. Cuộc ngưng bắn không bao gồm các nhóm khủng bố như Nhà nước Hồi giáo và Mặt trận al-Nusra.
Ngoại trưởng Kerry nói: “Nhóm đặc nhiệm sẽ làm việc để phát triển những phương thức cho một thỏa thuận lâu dài, toàn diện và vững bền để đình chỉ bạo lực và các hành động thù nghịch”.
Ông Kerry đưa ra nhận tại một cuộc họp báo và xế hôm nay với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Đặc sứ Liên Hiệp Quốc Staffan de Mistura, tiếp theo cuộc họp của Nhóm Hỗ trợ Syria.
Ông Lavrov nói nhóm đặc nhiệm gồm các nhà ngoại giao và quân sự. Tại một cuộc họp báo ở Moscow hôm thứ Tư, ông Lavrov nói “tất cả mọi sự đều tùy thuộc vào người Mỹ, vào sự sẵn sàng của họ hợp tác một cách thành thực ở cấp độ quân sự”.
Nhóm Quốc tế Hỗ trợ Syria đã hy vọng có thể thực thi một thỏa thuận ngưng bắn sơ khởi tại Syria khoảng 1 tuần sau phiên họp ở Munich, với mục tiêu là nhóm đặc nhiệm sẽ làm việc để đạt một cuộc ngưng bắn dài ngày hơn. Hiện chưa rõ liệu Mỹ và Nga có đạt đủ tiến bộ trong các cuộc đàm phán hôm thứ Sáu, để loan báo một cuộc ngưng bắn.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner nói: “Chúng tôi đang thúc đẩy việc này càng nhanh càng tốt”. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
3.
Đức Giáo Hoàng đặt nghi vấn về đức tin Thiên Chúa giáo của ông Trump --- Các ứng viên Cộng Hòa phản ứng thận trọng trước vụ xung đột giữa ĐGH và ông Trump --- Tỷ phú Donald Trump lùi bước, thôi đả kích Đức Giáo Hoàng
Đức Giáo hoàng Phanxicô hôm thứ Năm can dự vào cuộc tranh cử tổng thống Mỹ với gợi ý rằng ứng cử viên đang dẫn đầu của Đảng Cộng hòa Donald Trump "không phải là người Thiên Chúa giáo," vì đề xuất của ông ta xây dựng một bức tường khổng lồ ở biên giới phía nam của Mỹ với Mexico để ngăn không cho di dân lẻn vào Mỹ.
Đức Giáo hoàng đưa ra bình luận này trên chuyến bay về lại Rome sau một tuần thăm Mexico, nơi ông cử hành thánh lễ tại một quảng trường ngoài trời hôm thứ Tư chỉ cách biên giới bang Texas của Mỹ vài trăm mét, điểm đến của nhiều người di dân từ Mexico và Trung Mỹ.
"Một người mà chỉ nghĩ đến chuyện xây những bức tường, ở bất cứ nơi nào họ có thể có mặt, mà không xây cầu, không phải là người Thiên Chúa giáo," Đức Giáo hoàng nói. "Đó không phải là Phúc Âm."
Đức Giáo hoàng nói ông sẽ cho là ông Trump không đưa ra tuyên bố này bởi vì ông không trực tiếp nghe thấy kế hoạch xây tường của ông Trump, một phần trọng yếu những bài phát biểu tranh cử của ứng cử viên này.
Nhưng Đức Giáo hoàng nói thêm, "Tôi sẽ chỉ nói rằng người này không phải là người Thiên Chúa giáo nếu ông ta nói như vậy."
Ông Trump, một người theo Giáo hội Trưởng Lão (Prebysterian), phát biểu tại một buổi vận động ở bang South Carolina bên bờ Đại Tây Dương rằng phát biểu của Đức Giáo hoàng "không phải là một điều hay ho để nói." Ông ta nói việc Đức Giáo hoàng nêu nghi vấn về đức tin của ông ta là "đáng hổ thẹn."
Tỉ phú bất động sản này tuyên bố rằng nếu những kẻ khủng bố Nhà nước Hồi giáo có tấn công Vatican thì Đức Giáo hoàng "chỉ có thể hy vọng rằng Donald Trump" là tổng thống Mỹ để cứu họ, thay vì điều mà ông ta tuyên bố là những nhà lãnh đạo "không có hành động" của Washington hiện giờ.
Tổng thống Barack Obama, trong hơn một năm rưỡi qua, đã dẫn đầu một liên minh gồm hơn 60 quốc gia tiến hành hơn 10.000 cuộc không kích nhắm vào những mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria, với hầu hết những vụ tấn công là của Mỹ. Nhưng ông Trump và những ứng cử viên tổng thống Cộng hòa khác nói rằng nếu được bầu, họ sẽ tiến hành một chiến dịch mạnh tay hơn chống lại quân nổi dậy ở Trung Đông. - VOA
***
Ngay vào lúc một cuộc vận động tranh cử tổng thống vốn đã thách thức mọi tiền lệ và dự kiến, một cuộc đối đáp gay gắt về vấn đề di trú giữa người dẫn đầu trong các ứng viên của đảng Cộng Hòa là ông Donald Trump và người đứng đầu giáo hội Thiên Chúa giáo Roma, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, nay đang trấn át cuộc đối thoại.
Trên chuyến bay trở về Roma sau khi đi thăm Mexico, một phóng viên đã hỏi Đức Giáo Hoàng về kế hoạch của ông Trump định xây một bức tường khổng lồ trên biên giới Hoa Kỳ giáp với Mexico. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói: “Một người chỉ nghĩ đến việc xây những bức tường, cho dù là ở đâu, mà không xây những nhịp cầu, thì không phải là một người Cơ Đốc giáo”.
Tại một cuộc tập họp vận động ở bang South Carolina hôm qua, tỷ phú Donald Trump đã mau chóng đáp lại, và nói việc Đức Giáo Hoàng nêu nghi vấn về đức tin của ông là “mất thể diện”. Tại một cuộc họp tranh luận của đảng Cộng Hòa tối qua được đài CNN truyền hình trên toàn quốc, ông Trump dường như đã đấu dịu trong lập trường. Ông nói ông dành rất nhiều sự kính trọng cho Đức Giáo Hoàng, rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô có rất nhiều nhân cách, và có thể ngài đã được cung cấp thông tin sai lạc về kế hoạch biên giới của ông.
Vụ xung đột diễn ra chỉ 2 ngày trước cuộc bầu sơ bộ của đảng Cộng Hòa ở bang South Carolina, nơi các cuộc thăm dò mới đây cho thấy ông Trump dẫn trước xa so với những ứng viên khác trong đảng Cộng Hòa. Các ứng viên này đã có phản ứng thận trọng khi được hỏi về những lời qua tiếng lại giữa ông Trump và Đức Giáo Hoàng.
“Việc đó là giữa Donald và đức giáo hoàng”
Cũng tại cuộc họp tranh luận này, cựu thống đốc bang Florida Jeb Bush nói Đức Giáo Hoàng là một nhà lãnh đạo đem lại sự khích lệ cho giáo hội của ngài, nhưng ông Bush cho rằng việc Đức Giáo Hoàng nêu nghi vấn về đức tin của ông Trump là không thích đáng. Thống đốc Ohio John Kasich, cũng là một người Công giáo, nói: “Hãy xếp tôi vào hàng những người ủng hộ giáo hoàng. Ngài đã mở ra những bức tường và những cánh cửa của Giáo hội cho rất nhiều người không hiểu giáo hội”.
Trước đó trong ngày hôm qua, Thượng nghị sĩ Marco Rubio của bang Florida, cũng là một người Công giáo, cũng đã ca ngợi Đức Giáo Hoàng và gọi ngài là “đức thánh cha”. Nhưng ông Rubio nói Hoa Kỳ có quyền giữ an toàn cho dân chúng bằng cách thực thi các luật lệ về di trú. Thượng nghị sĩ Ted Cruz của bang Texas, người đã xung đột với ông Trump về nhiều vấn đề, đã không đả kích ông Trump trong vụ này, và nói: “Sự việc là giữa Donald và Đức Giáo Hoàng. Tôi sẽ không can dự vào.”
Ứng viên Ben Carson, một nhà phẫu thuật thần kinh, nói rằng vụ xung đột giữa Đức Giáo Hoàng và ông Trump sẽ rất khôi hài nếu không phải là đáng buồn. Nhưng ông Carson cũng bênh vực lập trường cứng rắn về an ninh biên giới, và nói “thực thi các luật lệ di trú của chúng ta không đi ngược lại với lòng thương và sự tử tế”.
"Ông Trump không có kế hoạch nào tích cực"
Cha Thomas Reese là một linh mục dòng Tên và là một chuyên gia phân tích kỳ cựu cho báo National Catholic Reporter. Trong một cuộc phỏng vấn với VOA hôm qua, cha Reese hết sức tán đồng ý kiến của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về di trú, và nói rằng lập rào cản ngăn những con người là điều không hay. Linh mục Reese đả kích những nhận định của ông Trump về di trú và an ninh biên giới: “Ông ta không có kế hoạch nào tích cực để đối phó với di dân. Ông ta chỉ muốn vây bắt tất cả di dân bất hợp pháp ở Hoa Kỳ và gửi họ đi chỗ khác. Ý tôi muốn nói đó là 10 triệu người”.
Ông Trump cũng nói nếu Nhà nước Hồi giáo tấn công Tòa thánh Vatican thì Đức Giáo Hoàng sẽ cầu mong ông là tổng thống. Linh mục Reese nói Đức Giáo Hoàng không sợ bị giết, và rất nhiều người trong suốt lịch sử đã bị giết vì đức tin của mình. Linh mục Reese nói ông không tin là vụ xung đột sẽ có tác động lâu dài đến cuộc chạy đua, mặc dầu ông nói ông tin là đa số người Công giáo theo đảng Cộng Hòa “không tin tưởng” vào việc ông Trump ra tranh cử. Linh mục Reese cũng nói người Công giáo nổi tiếng là vẫn đồng thanh trong việc chọn người đắc cử trong những cuộc chạy đua vào ghế tổng thống.
Người Công giáo chiếm khoảng 25% cử tri đoàn Hoa Kỳ, nhưng không có đại diện nhiều tại bang sắp diễn ra cuộc bầu sơ bộ là South Carolina. Trên toàn quốc, người Công giáo từng là các cử tri không ngả hẳn về bên nào trong những cuộc bầu cử vừa qua, và thường chuyển từ đảng Cộng Hòa qua đảng Dân Chủ. Một cuộc thăm dò của đài truyền hình CNN hồi tháng 9 năm ngoái cho thấy 63% người Mỹ có ý kiến thuận lợi đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
Đức Giáo Hoàng đã đi thăm Hoa Kỳ hồi tháng 9 năm ngoái và trở thành vị giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử ra phát biểu trước lưỡng viên Quốc hội Mỹ. Mối quan ngại đối với di dân và người nghèo là tâm điểm trong thông điệp của Đức Giáo Hoàng trong chuyến đi đó. Các cuộc thăm dò cho thấy di trú cũng là một vấn đề chính đối với người Công giáo gốc Mỹ Latinh ở Hoa Kỳ. - VOA
***
Ông Donald Trump dường như đang tìm cách thoái lùi sau khi đưa ra phản ứng đối với lời chỉ trích của Đức Giáo Hoàng về chính sách di trú của ông vào lúc sắp diễn ra cuộc bầu cử sơ bộ tại bang South Carolina vào ngày thứ Bảy này.
Sau khi đi thăm Mexico, Đức Giáo Hoàng Phanxicô chỉ trích ông Trump, nói rằng ông không phải là ‘một người theo Kitô giáo’ vì đề nghị của ông xây một bức tường vĩ đại ở vùng biên giới phía Nam nước Mỹ giáp ranh với Mexico để chặn, không cho người di dân tới Hoa Kỳ.
Trong một cuộc thảo luận tại một hội trường thành phố đêm thứ Năm ở South Carolina, ông Trump gợi ý rằng những lời nhận định của Đức Giáo Hoàng Phanxicô có thể đã bị thổi phồng.
Ông Trump nói: “Tôi không muốn đối đầu với Đức Giáo Hoàng, trên thực tế tôi không nghĩ đây là một vụ đối đầu. Tôi tin rằng Đức Giáo Hoàng đã nói điều gì đó nhẹ nhàng hơn so với lời tường thuật của giới truyền thông. Tôi tin rằng Đức Giáo Hoàng chỉ nghe một bên của câu chuyện, và có lẽ đó là bên chính quyền Mexico. Ông không thấy áp lực to lớn mà vùng biên giới đang gây ra cho chúng ta liên quan tới vấn nạn di dân bất hợp pháp, với ma túy đổ vào Mỹ qua biên giới”.
Một số những người thách thức ông Trump đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Đức Giáo Hoàng.
Nhưng đa số nói rằng vấn đề này là giữa Đức Giáo Hoàng Phanxicô và ông Trump. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
4.
Trung Quốc quân sự hóa Hoàng Sa: Việt Nam phản đối tại Liên Hiệp Quốc --- TQ: Sẵn sàng đâm vào tàu Mỹ nếu đến gần Hoàng Sa
Sau các thông tin mới nhất về các hành động quân sự hóa quần đảo Hoàng Sa do Trung Quốc tiến hành, mọi người đang chờ đợi xem Việt Nam - nước có tranh chấp chủ quyền tại vùng này - phản ứng ra sao. Vào hôm nay, bộ Ngoại Giao Việt Nam chính thức cho biết đã cực lực phản đối Trung Quốc thông qua hai kênh : trực tiếp gởi công hàm cho Trung Quốc, và đặc biệt là yêu cầu Liên Hiệp Quốc phổ biến công hàm phản đối nói trên.
Trang web bộ Ngoại Giao Việt Nam hôm nay đăng tuyên bố của phát ngôn bộ Ngoại Giao Lê Hải Bình phản đối Trung Quốc về hai sự kiện : Xây dựng căn cứ trực thăng quân sự trên đảo Quang Hòa (Duncan Island) và bố trí tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm (Woody Island) đều nằm trong vùng quần đảo Hoàng Sa, mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, nhưng bị Trung Quốc chiếm trọn bằng vũ lực vào năm 1974.
Theo ông Lê Hải Bình, “ Việt Nam hết sức quan ngại về các hành động… xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam…, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông ”, và yêu cầu Trung Quốc “ chấm dứt ngay các hành động sai trái đó ”.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam cho biết thêm là hôm nay, 19/02/2016, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại Sứ Quán Trung Quốc tại Hà Nội để trao công hàm phản đối, đồng thời phái đoàn Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc đã có công hàm gửi Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, yêu cầu cho chính thức lưu hành công hàm phản đối Trung Quốc của Việt Nam.
Việc yêu cầu Liên Hiệp Quốc cho lưu hành công hàm nói trên tương đương với việc công khai phản đối các hành động của Bắc Kinh trước quốc tế.
Hành động phản đối cứng rắn của Việt Nam nằm trong một loạt động thái nhắm vào Trung Quốc trong những ngày gần đây, từ việc để yên cho biểu tình chống Bắc Kinh trên quy mô nhỏ tại Hà Nội và Thành Phố Hồ Chí Minh hôm 17/02 nhân hai dịp kỷ niêm : cuộc chiến tranh biên giới chống Trung Quốc xâm lược vào năm 1979, và sự kiện Trung Quốc chiếm trọn Hoàng Sa năm 1974.
Hãng Reuters cũng ghi nhận là trước đó, nhân cuộc tiếp xúc song phương với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN ở Sunnylands (California-Hoa Kỳ), thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã đề nghị Hoa Kỳ có những " hành động thiết thực hơn, hiệu quả hơn » nhằm chống lại việc quân sự hóa và « xây dựng các đảo nhân tạo với quy mô lớn " tại Biển Đông. - RFI
***
Khẩu chiến Mỹ-Trung về vụ Bắc Kinh triển khai tên lửa phòng không tại quần đảo Hoàng Sa (Biển Đông) càng lúc càng gay gắt. Bắc Kinh ngày 19/02/2016 đã cho báo chí lên tiếng đe dọa Washington là lực lượng Trung Quốc phòng thủ Hoàng Sa sẵn sàng bắn súng cảnh cáo, thậm chí đâm vào chiến hạm Mỹ nếu dám tiến lại gần Hoàng Sa.
Chính tờ Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng Sản Trung Quốc đã tung ra lời đe dọa kể trên trong một bài viết đăng trên một trang mạng xã hội của tờ People’s Daily, ấn bản hải ngoại của tờ báo.
Theo bài bình luận, Trung Quốc cần phải có những hành động cứng rắn để “ dậy cho Mỹ một bài học ”, lập lại nguyên văn lời lẽ mà Bắc Kinh đã đưa ra đối với Hà Nội cách nay đúng 37 năm khi xua quân đánh vào miền Bắc Việt Nam.
Đối với tác giả bài bình luận, quần đảo Hoàng Sa - dưới quyền kiểm soát của Trung Quốc từ hơn 40 năm nay – là chiến tuyến tối hậu của Trung Quốc trong việc bảo vệ khu vực Biển Đông, do đó Trung Quốc phải tỏ rõ lập trường của mình bằng những hành động cứng rắn chống lại bất kỳ một cuộc xâm nhập nào.
Biện pháp chống lại bao gồm việc áp tải tàu ngoại quốc ra khỏi khu vực, thậm chí trong trường hợp xấu nhất, sẵn sàng cho tàu Trung Quốc đâm vào tàu Mỹ.
Bắc Kinh cũng dùng phiên bản phổ thông đại chúng của tờ Nhân Dân Nhật Báo là Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times) để hù dọa Washington. Trong một bài xã luận công bố hôm qua, 18/02, tờ báo nổi tiếng với những luận điệu hiếu chiến này cho rằng Trung Quốc cần tăng cường năng lực “ tự vệ ” của mình ở Biển Đông để đối phó với các “ hành động khiêu khích càng lúc càng thường xuyên hơn từ phía quân đội Mỹ ”.
Tờ báo không ngần ngại xác định là kết quả của việc triển khai tên lửa tại Hoàng Sa là “ Chiến đấu cơ của Mỹ hay của nước nào khác, sẽ cảm thấy bất an khi thực hiện các chuyến bay khiêu khích trong khu vực ”.
Theo các nhà quan sát, Bắc Kinh đã rất giận dữ sau hai chiến dịch tuần tra mà hải quân Mỹ đã thực hiện bên trong vùng 12 hải lý của các đảo đá mà Bắc Trung Quốc kiểm soát, cụ thể là Đá Xu Bi, quần đảo Trường Sa vào cuối năm ngoái, và Đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa vào đầu năm nay. Ngoài ra Mỹ còn cho B-52 bay trên không phận các đảo này.
Trả lời nhật báo Hồng Kông South China Morning Post hôm nay, một nhà nghiên cứu thuộc Học Viện Hải Quân Trung Quốc còn cho rằng Bắc Kinh có khả năng triển khai tên lửa chống hạm đến Hoàng Sa, bố trí thêm các loại vũ khí trên các đảo nhỏ khác trong quần đảo này, chứ không riêng gì trên đảo lớn Phú Lâm. - RFI
|
|
5.
Khi Chủ tịch Quốc hội đề cao dân chủ hóa
Hợp lòng dân
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và một số Đại biểu Quốc hội đã nặng lời phê bình Chính phủ trì hoãn Dự luật Biểu tình, cũng như làm Luật Báo chí phải dựa vào Hiến pháp chứ không thể đem chỉ thị Bộ Chính trị ra để biện giải. Những phát biểu hợp lòng dân được báo chí ghi nhận trong các phiên thảo luận tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 17 và 18/2/2016.
Một lần nữa chính phủ xin hoãn việc trình Dự luật Biểu tình qua Quốc hội với lý do các bộ ngành xung đột ý kiến và Dự luật dù đã được Bộ Công an soạn xong, nhưng chưa thể trình lên Quốc hội theo dự kiến vào tháng 3/2016. Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường không cho biết là việc đình hoãn kéo dài đến lúc nào, khi ông trình bày vấn đề này trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 17/2/2016.
Sau khi nghe giải thích của ông Hà Hùng Cường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phản ứng gay gắt rằng việc Chính phủ xin lùi trình Luật Biểu tình là thiếu nghiêm túc. Ông Nguyễn Sinh Hùng sẽ rời thế giới quyền lực của Đảng và Nhà nước sau cuộc bầu cử Quốc hội khóa 14 vào cuối tháng 5 sắp tới. Theo Saigon Times Online, Chủ tịch Quốc hội khẳng định quyền biểu tình là quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp qui định. Chính phủ phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội về việc nhiều lần xin hoãn việc trình Dự luật. Tờ báo trích lời ông Nguyễn Kim Khoa, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh đề nghị khẩn cấp làm ngay để bảo đảm thực thi quyền công dân theo Hiến pháp, nếu chậm mà hạn chế quyền công dân là trái Hiến pháp.
Theo TS Phạm Chí Dũng Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập, một tổ chức xã hội dân sự tự phát, thì Dự luật biểu tình đã bị đình hoãn nhiều lần mặc dù ngay từ năm 2011 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã xác định là cần có Luật Biểu tình để quản lý hoạt động này. Tuy nhiên, Bộ Công an là đơn vị chủ trì soạn thảo đã xin hoãn 2 lần và lần hoãn mới nhất do Bộ Tư pháp trình bày với Quốc hội là lần thứ 3. Từ Saigon, TS Phạm Chí Dũng nhận định:
“Thực ra vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau chỉ là một lý do rất là bề mặt. Lý do sâu xa thực chất ở Việt Nam có hàng triệu dân oan, hàng trăm ngàn nạn nhân về môi trường. Tất cả những thành phần như vậy họ đều muốn phản ứng đối với nhà nước về những chính sách bất cập và gây hậu quả nghiêm trọng đối với vấn đề sinh kế, mưu sinh và môi trường của họ. Thành thử không có gì ngạc nhiên việc nhà nước rất sợ những thành phần dân oan, nạn nhân môi trường hay gần đây gần đây là tiểu thương biểu tình. Nhưng mà bất chấp việc chưa có Luật Biểu tình thực ra từ mấy năm qua đã diễn ra làn sóng biểu tình liên tục ở Trung Nam Bắc. Năm 2015 vừa rồi đã chính thức hình thành phong trào cứu lấy dân oan ba miền, những người này thường xuyên kéo tới trụ sở văn phòng tiếp dân ở Ngô Thời Nhiệm Hà Nội…”
Nhà báo tự do Phạm Thành cư trú ở Hà Nội nói với chúng tôi về điều ông gọi là nỗi lo sợ của chính quyền và việc trì hoãn Luật Biểu tình trong nhiều năm qua.
“Người dân hiện nay chán ghét chế độ lắm rồi, cho nên bất kỳ một cánh cửa nào mở ra để cho người dân có chút tự do là người ta sẽ ùa lên, tập trung lực lượng để phản đối chế độ này. Đấy là nỗi hoảng sợ lớn nhất của chính quyền và họ cứ kéo dài mãi chưa cho ra Luật Biểu tình. Tôi nghĩ không chỉ có Luật Biểu tình mà những quyền tự do khác ở Việt Nam cũng thế thôi…”
Báo chí Việt Nam không có nhiều thông tin về điều gọi là những ý kiến rất khác nhau của các thành viên Chính phủ, nguyên nhân việc lùi ngày trình Dự luật Biểu tình một lần nữa. Theo báo mạng VnEconomy, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường nêu ra vấn đề gây tranh cãi là vấn đề thẩm quyền cho đăng ký biểu tình, có cho người nước ngoài tham gia biểu tình hay không, các biện pháp bảo đảm như thế nào…
Báo mạng Một Thế giới trích lời ông Nguyễn Kim Khoa, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh đề cập tới những điều gọi là nhận thức không đúng của Bộ Quốc phòng liên quan tới việc Bộ này chưa muốn có Luật Biểu tình. Theo đó Bộ Quốc phòng cho rằng, chờ khi nào Việt Nam bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự xã hội thì mới cho ra Luật Biểu tình, còn bây giờ cứ xây dựng các nghị định để quản lý.
Đại biểu Nguyễn Kim Khoa bác bỏ quan điểm của Bộ Quốc cho rằng ra Luật Biểu tình là đổi mới chính trị. Vị Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh của Quốc hội nhấn mạnh, Luật Biểu tình là đảm bảo về quyền con người, quyền công dân ghi trong Hiến pháp chứ không phải là đổi mới chính trị. Ông Khoa cũng phản bác quan điểm của Bộ Quốc phòng đề nghị xây dựng Nghị định trước, tổng kết nghị định rồi mới xây dựng luật. Ông Khoa nhấn mạnh, Nghị định 38 về bảo vệ trật tự công cộng, cấm tụ tập đông người ban hành 2005 bây giờ đã trái với Hiến pháp.Tiếp tục làm Nghị định thì càng trái với Hiến pháp, Nghị định 38 trong đó có rất nhiều nội dung hạn chế quyền con người, quyền công dân.
Càng chế tài càng phẫn uất
Trong thể chế một đảng Cộng sản cai trị toàn dân, Luật Biểu tình dù soạn thảo cách nào cũng phải tuân theo chỉ đạo của Bộ Chính trị Trung ương Đảng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu cương lĩnh Đảng cao hơn Hiến pháp, thật khó lý giải tại sao Chính phủ lại không thể hoàn thành dự thảo Luật Biểu tình dù có toàn quyền nhào nặn nó theo đúng quan điểm Bộ Chính trị. Lý giải vấn đề này, TS Phạm Chí Dũng phát biểu:
“Trong nội bộ khi mà có những ý kiến đề nghị cứ cho ra Luật Biểu tình, thì lại có những ý kiến khác phản đối là, thứ nhất những người dân oan, những nạn nhân môi trường nói chung là những người muốn đi biểu tình, kể cả những người bị coi là thế lực thù địch sẽ mượn cớ đó để hợp thức hóa công khai hóa hoạt động của họ. Thứ hai, cho dù Luật Biểu tình có được soạn thảo theo định hướng của Đảng có nghĩa là xiết những thủ tục quan trọng nhất của Luật Biều tình. Thế nhưng cũng không thể cản nổi vì có ai nghe hay không và nếu không nghe thì làm sao để chế tài, dù Luật có thể đưa ra chế tài. Thực tế là có quá nhiều vấn đề bất cập, bất công ở Việt Nam, việc chế tài nạn nhân thì càng làm cho ngọn lửa phẫn uất của người dân tăng thêm thổi bùng lên. Như vậy càng làm cho tình hình rối ren, nghe nói Luật Biểu tình đã soạn tới lần thứ mấy chục rồi cũng như Luật về Hội nhưng mà vẫn chưa quyết định được.”
Trong hoàng hôn nhiệm kỳ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng có các phát ngôn ấn tượng hết sức mạnh mẽ. Ngày 18/2/2016 Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận Dự án Luật Báo chí, theo Thời báo Kinh tế Việt Nam, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng phát biểu nguyên văn: “Luật không nên đem chỉ thị Bộ Chính trị ra đọc được mà phải làm theo Hiến pháp, Hiến pháp đã qui định quyền dân chủ, trong đó có quyền tự do ngôn luận của nhân dân…” Ông Nguyễn Sinh Hùng đã phát biểu như vậy khi Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông nhắc đi nhắc lại nhiều nội dung chỉ thị của Bộ Chính trị, đặc biệt quan điểm không tư nhân hóa báo chí.
Vẫn theo Thời báo Kinh tế Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng còn nhận xét là Dự thảo luật Báo chí mà bỏ ra ngoài không đề cập tới mạng xã hội, các trang thông tin điện tử. Trong khi trào lưu xã hội là ít mua báo in, sử dụng điện thoại cũng có thể tiếp cận thông tin. Ông Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, dân chủ là làm cho dân mở miệng, nhưng không chỉ nói bằng miệng mà nói bằng báo cũng là quyền của dân.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc băn khoăn, trang thông tin điện tử có phải báo chí hay không? thậm chí cả triệu người đọc một bản tin trên đó, tại sao không quản lý bằng Luật Báo chí.
Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son giải thích, Luật Báo chí chỉ quản lý các loại báo chí, còn các loại hình thức khác thì chịu sự quản lý của Nghị định 72. Theo lời Bộ trưởng, nếu đưa trang thông tin điện tử vào Luật thì vô hình chung thừa nhận truyền thông xã hội là báo chí.
Nhận định về những vấn đề vừa nêu, nhà báo tự do Phạm Thành từ Hà Nội phát biểu:
“Hiện nay báo chí tư nhân mặc dù nhà nước không cho thành lập, nhưng báo chí tư nhân tràn ngập. Thí dụ mỗi một ông chủ facebook, một chủ blog là một tờ báo tư nhân. Trên thực tế những tờ báo đó vẫn hoạt động công khai, tác động dư luận hướng dẫn dư luận cũng làm vai trò thực như báo chí như của bên lề phải quản lý. Thế thì ông Bắc Son không nhìn thấy thực tế đó mà ông ấy cứ tưởng rằng chỉ có báo chí nhà nước mới làm chức năng thông tin, hướng dẫn dư luận, tổ chức quần chúng…trên thực tế bây giờ mấy triệu facebook, hàng chục trang blog cá nhân, nhà nước muốn dẹp cũng không dẹp được…”
TS Phạm Chí Dũng trình bày ý kiến của ông về việc bùng nổ Internet và mạng xã hội làm cho chính quyền bối rối và hầu như bó tay trong việc quản lý. Theo lời ông một nửa dân số Việt Nam sử dụng Internet kèm theo sự phát triển nhanh chóng các mạng xã hội. Ông nói:
“Từ năm 2013 khi Nghị định 72 ra đời để quản lý các trang thông tin điện tử cho tới nay có thể nói hiệu suất quản lý của Bộ Thông tin Truyền thông là rất thấp, chỉ đóng cửa được một số trang thông tin điện tử liên quan đến báo chí nhà nước. Còn đối với mạng xã hội hay những trang thông tin nhà nước coi là lề trái thì hoàn toàn không thể can thiệp được…tình hình càng vượt ra khỏi tầm kiềm soát khi chứng kiến Đại hội 12 từ Hội nghị Trung ương 10 trở đi, mạng xã hội đóng một vai trò cực kỳ quan trọng, chẳng hạn trang Ba Sàm nơi hội tụ những luồng tư tưởng trái ngược trong đó để xung đột lẫn chia sẻ với nhau và các phe phái được cho là đã chuyển tài liệu cho trang Ba Sàm đăng… Có lẽ Bộ Thông tin Truyền thông nhận thấy là không thể quản lý được, mà đã không thể quản lý được thì có được vào Luật Báo chí thì cũng vô nghĩa…”
Theo tình hình chung người dân Việt Nam sẽ tiếp tục biểu tình bất chấp Nghị định 38 và khi chưa có Luật Biểu tình. Còn Luật Báo chí dù có ra đời thì rõ ràng là chỉ để quản lý truyền thông báo chí nhà nước, vì quan điểm của Bộ Chính trị là không chấp nhận báo chí tư nhân. Còn người dân thì tự xoay sở với quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận qua mạng xã hội như facebook, blog và chấp nhận mọi rủ ro có thể xảy đến. - RFA
|
|
6.
Đồng bằng sông Cửu Long bị hạn hán tồi tệ nhất 1 thế kỷ --- Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực nhất châu Á khi giá dầu giảm
Nhiều phần ở đồng bằng sông Cửu Long bị hạn hán và nước mặn xâm lấn nghiêm trọng nhất trong gần 100 năm qua.
Tin IANS ngày 19/2 cho hay tình trạng này đã tàn phá nặng nề các vùng trồng lúa và cây ăn trái, các khu rừng, ảnh hưởng tới ngành nông nghiệp và chăn nuôi, cũng như gây ra nạn thiếu nước ngọt ở nhiều tỉnh thành phía Nam.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết hạn hán và nước mặn xâm lấn đã phá hỏng nhiều đồng lúa, thiệt hại trị giá khoảng 1.000 tỷ đồng Việt Nam.
Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam dự báo ngoại trừ thành phố Cần Thơ và hai tỉnh An Giang, Đồng Tháp, tất cả các địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị nước mặn xâm lấn trong năm nay.
Tại Kiên Giang, dù tỉnh này đã đầu tư gần 20 tỷ đồng để đào hàng chục con đê nhỏ ngăn chặn, nhưng nước mặn vẫn lấn ruộng lúa, phá hủy hơn 30.000 ha.
Bộ Nông nghiệp nói vùng đồng bằng sông Cửu Long cần nguồn ngân quỹ 4 tỷ đôla mới có thể đối phó hiệu quả với nạn hạn hán và nước mặn xâm lấn. - VOA
***
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings nói Việt Nam và Malaysia là những nước châu Á bị ảnh hưởng tiêu cực nhất khi giá dầu giảm mạnh, theo tin của một số hãng tin quốc tế hôm 16/2.
Một phúc trình mới đây của Fitch cho thấy đến ngày 11/2 dầu thô Brent giảm giá 44% so với năm trước, và giảm 75% so với đầu năm 2013. Sự kiện này đã có những ảnh hưởng khác nhau đối với các nước ở châu Á. Ngược lại với Việt Nam và Malaysia, Thái Lan là nước được hưởng lợi nhiều nhất.
Tuy là một nước xuất khẩu dầu mỏ, Việt Nam là nước duy nhất ở châu Á rơi vào tình trạng chi phí nhập khẩu ròng về dầu tăng lên, chiếm 1% GDP, do lượng xuất khẩu sụt giảm mạnh. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hồi tháng 12 năm 2015 cho biết mức giảm đến 43 đôla/thùng khiến ngân sách nhà nước hụt thu 63.000 tỉ đồng từ dầu thô và các khoản thu nội địa liên quan đến dầu thô.
Fitch nhận xét rằng đối với những nước xuất khẩu ròng hoặc có ngân sách phụ thuộc quá nhiều vào dầu thô, giá dầu giảm sẽ là yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến mức xếp hạng.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với báo chí Việt Nam mới đây, xét đến khả năng giá dầu tiếp tục giảm xuống mức 30 đôla/thùng trong năm 2016, tiến sĩ Lương Văn Khôi, một chuyên gia cao cấp về dự báo kinh tế-xã hội thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhận định trong năm 2016 GDP của Việt Nam có thể sẽ sụt giảm mạnh.
Ông nói: “Trong bối cảnh tiền đồng tăng giá (3,78 điểm %) và chi tiêu Chính phủ giảm mạnh do thu ngân sách từ xuất khẩu dầu thô giảm, nên GDP của Việt Nam có thể giảm 2,28% trong năm 2016”. Ông cảnh báo thêm tình trạng giảm thu ngân sách còn có thể làm GDP suy giảm mạnh trong 3 năm của giai đoạn 2016-2020.
TS. Khôi nói: “Một khi kinh tế Việt Nam rơi vào tình trạng giảm phát nặng, Tiến sỹ Khôi cho rằng nếu điều kiện vĩ mô cho phép, nhà nước cần nới lỏng tiền tệ để kích thích tăng trưởng kinh tế. Nhà nước cũng cần “cân nhắc giảm giá xăng dầu, giảm chi phí sản xuất của doanh nghiệp, kích thích tăng trưởng kinh tế”.
Về tác động của giá dầu giảm, trong một cuộc phỏng vấn khác, tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nói rằng giá giảm là cơ hội để Việt Nam tính đến hai biến số vĩ mô quan trọng là tỷ giá và lãi suất. Ông cho rằng lạm phát 2016 sẽ thấp và đó là cơ hội để Việt Nam điều chỉnh tỷ giá cân bằng hơn mà không gây ra cú sốc. Ông cũng đề xuất phải tính đến việc giảm một phần lãi suất cho doanh nghiệp. Ông nói: “Đây là vấn đề tôi cho rằng sẽ tác động cơ bản và chủ yếu tích cực lên nền kinh tế mà chính sách ta phải tính đến”.
Giá dầu thế giới liên tục giảm đã giúp giá xăng ở Việt Nam đi xuống. Mức bán lẻ của loại xăng phổ thông RON 92 đã giảm còn 13.750 đồng/lít vào ngày 18/2. Đó là lần giảm giá bán lẻ xăng thứ 4 liên tiếp từ đầu năm 2016. Tính nửa cuối năm 2015 đến nay, giá xăng Việt Nam giảm 16 lần, tổng cộng gần 7.000 đồng một lít.
Tuy nhiên do thuế nhập khẩu cao và nhiều loại phí khác vẫn được áp vào giá xăng nên hiện giá xăng Việt Nam vẫn cao hơn nhiều nước, trong đó có Mỹ. Giá xăng trung bình trên toàn nước Mỹ hôm 15/2 quy ra tiền Việt Nam chưa đến 10.300 đồng/lít. - VOA
No comments:
Post a Comment