Tin Thế Giới
1.
Mỹ, Trung Quốc đồng ý về việc chế tài Bắc Triều Tiên
Mỹ và Trung Quốc hôm thứ tư đạt được thoả thuận về việc áp đặt các biện pháp chế tài mới của Liên Hiệp Quốc lên Bắc Triều Tiên vì vụ thử nghiệm hạt nhân và phóng hoả tiễn tầm xa hồi gần đây của Bình Nhưỡng. Theo tường thuật của thông tín viên Brian Padden của đài VOA tại Seoul, hôm nay Hoa Kỳ sẽ trình cho Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bản sơ thảo nghị quyết về chế tài Bắc Triều Tiên.
Loan báo về thoả thuận chế tài Bắc Triều Tiên được đưa ra trong chuyến viếng thăm Washington của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Ông Vương đã họp với Cố vấn An ninh quốc gia Hoa Kỳ Susan Rice hôm thứ tư, một ngày sau khi thảo luận với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, ông Ned Price, cho biết bà Rice và ông Vương đồng ý với nhau là phải có một sự đáp trả “mạnh mẽ và nhất trí” đối với những vụ thử nghiệm của Bắc Triều Tiên, kể cả những biện pháp chế tài mới của Liên Hiệp Quốc.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nam Triều Tiên, ông Cho June Hyuck, ngày hôm nay nói sơ thảo nghị quyết này là “mạnh mẽ và toàn diện.”
"Sơ thảo này có nhiều biện pháp hữu hiệu và mạnh mẽ hơn so với tất cả những gì đã có trong quá khứ."
Thoả thuận này, theo các nhà phân tích, là một sự thoả hiệp giữa lập trường của Washington là áp đặt những biện pháp chế tài làm cho kinh tế của Bắc Triều Tiên bị suy sụp nhằm buộc ông Kim Jong Un từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân với sự chú trọng của Trung Quốc tới việc duy trì ổn định và giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại.
Ông Bong Young Shik, một chuyên gia về Đông Bắc Á của Viện Nghiên cứu Chính sách Asan ở Seoul, cho rằng qua việc tán thành những biện pháp chế tài quốc tế mới, Bắc Kinh thừa nhận là cách tiếp cận có tính chất hoà hoãn của họ đối với Bình Nhưỡng đã không có tác dụng và cần phải thực hiện những biện pháp cứng rắn hơn.
"Hiện nay Trung Quốc đang xem xét mối đe dọa hạt nhân và phi đạn của Bắc Triều Tiên với một thái độ nghiêm túc hơn trước đây rất nhiều."
Bắc Triều Tiên đã bị Liên Hiệp Quốc chế tài từ năm 2006 vì những vụ thử nghiệm hạt nhân và phóng hoả tiễn. Bên cạnh lệnh cấm vận vũ khí, Liên Hiệp Quốc còn cấm Bắc Triều Tiên xuất khẩu, nhập khẩu kỹ thuật hạt nhân và phi đạn, và không được nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ.
Chế tài nhắm vào các Bộ, Cơ quan, Ngân hàng
Hãng tin Yonhap của Nam Triều Tiên cho biết các biện pháp chế tài mới sẽ nhắm vào Bộ Công nghiệp Nguyên tử năng và Cơ quan Phát triển Không gian Quốc gia của Bắc Triều Tiên. Cơ quan gọi tắt là NADA này đã thực hiện vụ phóng hoả tiễn hồi đầu tháng hai.
Tổng cục Trinh sát Bắc Triều Tiên cũng bị ghi vào danh sách đen. Cơ quan bí ẩn này đã bị Hoa Kỳ chế tài vì vụ tấn công mạng nhắm vào hãng phim Sony năm 2014.
Một số nhà phân tích cho rằng những biện pháp chế tài nhắm vào các cơ quan và quan chức Bắc Triều Tiên là không đủ mạnh để buộc Bắc Triều Tiên nhượng bộ.
Ông Kim Kwang Jin, một nhà nghiên cứu của Viện Chiến lược An ninh Quốc gia ở Seoul, cho biết như sau.
"Những chi tiết mà chúng tôi có được vào lúc này là không đầy đủ. Những biện pháp chế tài đó chưa đạt tới mức hữu hiệu và mạnh mẽ."
Cấm Bắc Triều Tiên xuất khẩu than đá và các loại khoáng sản khác, cấm nhập khẩu dầu lửa và hạn chế sự tiếp cận của Bắc Triều Tiên đối với các hải cảng quốc tế nằm trong số những biện pháp mà Washington từng ủng hộ.
Giới hữu trách Mỹ cũng muốn siết chặt những sự hạn chế đối với sự tiếp cận của các ngân hàng của Bắc Triều Tiên với hệ thống tài chánh quốc tế.
Truyền thông Trung Quốc và Nam Triều Tiên hồi đầu tuần này cho biết Trung Quốc đã ra lệnh ngưng mua bán thán đá với Bắc Triều Tiên và một số ngân hàng Trung Quốc đã đóng băng các tài khoản của Bắc Triều Tiên.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói họ không hay biết về những diễn tiến đó, nhưng các nhà phân tích cho rằng nhiều người ở Trung Quốc tán thành việc cắt đứt nguồn tài chánh của chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Ông Woo Su Keun, giáo sư môn quan hệ quốc tế của Đại học Đông Hoa ở Thượng Hải, cho biết như sau.
"Trong thời gian qua Trung Quốc đã bàn thảo rất nhiều trong nội bộ của họ về việc ngăn chận dòng chảy của dầu lửa và tiền bạc vào Bắc Triều Tiên."
Hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD
Trước khi thoả thuận giữa Mỹ và Trung Quốc được loan báo, nhiều người đồn đoán là Bắc Kinh muốn gây trì hoãn cho thoả thuận để đòi Washington và Seoul từ bỏ kế hoạch bố trí hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD.
Trung Quốc và Nga phản đối việc bố trí THAAD ở Nam Triều Tiên vì hệ thống này có thể được dùng để chống lại các lực lượng quân sự của họ trong khu vực.
Hồi đầu tuần này, Đại sứ Trung Quốc ở Nam Triều Tiên, ông Khưu Quốc Hồng, tỏ ý cho biết Bắc Kinh sẽ cắt đứt quan hệ với Seoul về vụ bố trí heht THAAD.
Thứ trưởng Ngoại giao Nam Triều Tiên Kim Hong Kyun và các nhân vật lãnh đạo của đảng Saenuri đương quyền đã chỉ trích Đại sứ Khưu Quốc Hồng về việc tìm cách gây ảnh hưởng đối với vấn đề an ninh quốc gia của Nam Triều Tiên. - VOA
|
|
2.
Australia tăng chi tiêu quốc phòng 21 tỷ đôla
Chi tiêu quốc phòng của Australia sẽ tăng 21 tỉ đô la trong thập niên tới. Chính phủ Canberra nói điều này phản ánh mối quan tâm đối với tình trạng quân sự hóa nhanh chóng trong vùng châu Á-Thái Bình Dương. Từ Sydney, thông tín viên Phil Mercer gởi về bài tường thuật sau đây.
Những việc cụ thể của các ưu tiên quốc phòng của Australia trong thập niên tới đã được trình bày trong một tài liệu về chính sách mà Thủ tướng Malcolm Turnbull công bố ngày hôm nay.
Khoản đầu tư lớn nhất là mua 12 chiếc tàu ngầm. Bên cạnh đó là những ngân khoản để đóng thêm một số chiến hạm khác, và mua máy bay phản lực chiến đấu và tăng quân số lên mức 62.000 binh sĩ, là lực lượng hiện dịch lớn nhất của Australia kể từ năm 1993.
Theo kế hoạch của Thủ tướng Turnbull, chi tiêu quốc phòng sẽ chiếm khoảng 2% thu nhập quốc gia của Australia trong vòng 5 năm.
Tại Canberra, có mối lo ngại về việc Trung Quốc quân sự hóa biển Đông, và các giới chức công nhận là tài liệu mới về chính sách này phản ánh “sự lo ngại ngày càng tăng” của Australia đối với những hoạt động quân sự của Trung Quốc.
Phát biểu ngày hôm nay tại thủ đô Canberra, Thủ tướng Turnbull nói Australia phải đáp ứng với những thay đổi về tình hình quân sự trong vùng.
“Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, mối quan hệ này phát triển và tăng trưởng như thế nào sẽ cực kỳ quan trọng. Chúng tôi hoan nghênh sự trỗi dậy của Trung Quốc và khả năng lớn hơn của họ để chia sẻ trách nhiệm hỗ trợ an ninh khu vực và toàn cầu. Chúng tôi sẽ cố gắng tăng cường thêm nữa mối quan hệ quân sự mạnh mẽ mà chúng tôi đã có với Indonesia - là quốc gia có một nền dân chủ ổn định và năng động ở về phía bắc của chúng ta.”
Các nhà phân tích tin là kế hoạch quốc phòng của Australia nêu bật một sự kiện là Canberra sẵn sàng làm việc với các nước khác để duy trì ổn định khu vực, và không nên được xem là đánh đi một tín hiệu cảnh báo trực tiếp cho Trung Quốc.
Những nhà phân tích này nói thêm là Australia phải tăng cường mối quan hệ tế nhị với Hoa Kỳ - bằng cách phát triển liên minh quân sự lâu nay với Hoa Kỳ và đẩy mạnh các mối quan hệ với Ấn Độ và Nhật Bản, đồng thời giữ vững các mối quan hệ với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Australia. - VOA
|
|
3.
Thái Lan nghiên cứu chuyển dòng một nhánh sông Mekong
Cục Thủy lợi Hoàng gia Thái Lan đang nghiên cứu việc chuyển dòng cửa sông Loei, một nhánh của sông Mekong, để đưa nước đến các vùng nông nghiệp ở đông bắc nước này. Cục đã tổ chức một hội thảo để bàn về thiết kế của một hầm dẫn nước rất dài thuộc dự án quản lý nước Mekong-Loei-Chi-Mun.
Dự án sẽ mang lại an ninh nước cho Thái Lan trong mùa khô và ngăn nước không chảy vào sông Mekong quá nhiều. Khi hoàn thành, dự kiến 2 tỷ mét khối nước sẽ được chuyển dòng qua hầm dẫn mỗi năm, mang lại lợi ích cho 1,7 triệu hộ gia đình Thái Lan.
Dự kiến công tác nghiên cứu phải được hoàn tất vào 31/12/2016 và quyết định cuối cùng có xây đập hay không sẽ được đưa ra vài tháng sau đó.
Các nhà hoạt động môi trường địa phương đã phản đối dự án trị giá hơn 2,8 tỷ đôla này. Họ lập luận rằng nếu chỉ dựa vào trọng lực không thể đưa nước chảy qua hầm, thêm vào đó, dự án sẽ gia tăng xâm nhập mặn trong khu vực. Thay vào đó, họ đề xuất khôi phục các nguồn nước và xây thêm các hồ chứa.
Việt Nam, nước cuối nguồn sông Mekong, trong những năm gần đây đã gánh chịu hậu quả của việc các nước Trung Quốc, Lào, Thái Lan xây đập hoặc nắn dòng ở các vị trí cao hơn trên con sông chảy từ Trung Quốc qua 6 quốc gia. Ngay trong tháng 2, khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã bị hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng, lên tới mức kỷ lục trong 100 năm qua.
Thứ Trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Hoàng Văn Thắng cách đây ít ngày nói với báo giới Việt Nam rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn kỷ lục này là do hiện tượng suy thoái các con sông. Ông khẳng định thủ phạm của sự suy thoái đó chủ yếu là do quá trình phát triển hồ chứa ở thượng nguồn.
Theo Thứ trưởng Thắng, đây là vấn đề lâu dài nhưng phải gấp gáp tìm giải pháp, nếu không 1-2 năm nữa nước sẽ về ít, mặn sẽ vào rất sâu. Thêm vào đó, khi mực nước hạ thấp, không lấy nước đưa sang các vùng nông nghiệp sẽ gây tác động rất lớn đối với Đồng bằng sông Cửu Long.
Báo chí Việt Nam những ngày gần đây đưa tin cho thấy một số vị trí dọc theo khu vực ven biển của đồng bằng, từ sông Vàm Cỏ cho đến sông Tiền, sông Hậu, rồi khu vực biển Tây, mặn đều vào sâu hơn từ 30 km đến 50 km, độ mặn cao hơn từ 4-7g/lít.
Hôm 17/2, trong cuộc họp khẩn về tình hình hạn hán, ngập mặn ở ĐBSCL, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói đó là thiên tai đặc biệt nghiêm trọng. Ông chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các ngành, địa phương gấp rút làm các công việc cụ thể để ngăn mặn. Tuy nhiên đến nay không thấy báo chí Việt Nam đưa tin đã có giải pháp, biện pháp cụ thể nào cả về ngắn hạn lẫn dài hạn được đề xuất hay thực hiện.
Giới chuyên môn đã từng đưa ra đánh giá mang tính cảnh báo rằng do nằm ở hạ nguồn sông Mekong, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ phải gánh chịu tác động to lớn, chưa thể lường trước từ các dự án thủy điện và đập ở thượng nguồn: bao gồm thiếu hụt nguồn nước ở hạ lưu; xâm nhập mặn nghiêm trọng; suy giảm lượng phù sa bồi đắp cho đồng bằng từ 26 triệu tấn/năm xuống còn 7 triệu tấn/năm; tổn hại nguồn lợi thủy sản từ 500 triệu đôla đến 1 tỉ đôla mỗi năm. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
4.
Ông Trump cáo buộc Việt Nam 'đánh cắp' việc làm của người Mỹ
Ông Donald Trump, trong cuộc vận động tranh cử hôm qua, đã nhắm mục tiêu vào các quốc gia châu Á bao gồm Việt Nam, Trung Quốc và Ấn Độ, tố cáo các nước này đánh cắp các việc làm tại Mỹ. Ông Trump cũng trấn an những người ủng hộ rằng ông sẽ lấy lại việc làm từ những quốc gia châu Á này.
Người đứng đầu cuộc chạy đua tổng thống của Đảng Cộng hòa cho biết: “Những gì tôi đã làm vào ngày 16 tháng 6 là chúng tôi đã lên tiếng nói về thương mại, về việc bị các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Mexico, Việt Nam cũng như Ấn Độ cướp đoạt”.
Các bình luận của ông trùm bất động sản 69 tuổi được đưa ra chỉ hai ngày sau khi ông lên tiếng về lo ngại tương tự trong một cuộc phỏng vấn với CNN.
Ông Trump nói trong buổi phỏng vấn: “Một điều nữa là, những cử tri người Mỹ gốc Phi, tôi nghĩ tôi sẽ nhận được sự ủng hộ lớn. Và mọi người nhìn thấy những câu chuyện mà các nhà lãnh đạo người Mỹ gốc Phi đang nói, mọi người biết đấy, người dân chúng tôi thực sự thích ông Trump, bởi vì tôi sẽ lấy lại những việc làm từ Trung Quốc, Mexico, Nhật Bản, Việt Nam, Ấn Độ, và tất cả những nơi đã lấy đi việc làm của chúng ta. Tôi sẽ lấy lại việc làm”.
Tháng 8 năm ngoái, ông Trump chỉ trích nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg vì đã thúc đẩy chính sách nhập cư cởi mở. Nhà tỉ phú New York nói rằng ông muốn những việc làm công nghệ được trao cho những người Mỹ thất nghiệp trước khi bị rơi vào tay các công nhân với thị thực H-1B”.
Trong bản kế hoạch chính sách nhập cư, ông Trump viết: “Điều này sẽ cải thiện số lượng công nhân da đen, gốc Tây Ban Nha, và nữ công nhân ở Thung lũng Silicon, những người đã bị gạt qua bởi những ưu đãi của chương trình thị thực H-1B. Thượng nghị sĩ Marco Rubio có một dự luật tăng gấp 3 số lượng thị thực H-1B sẽ làm suy giảm con số nhân viên nữ và người sắc tộc thiểu số”.
Hồi tháng 9 năm 2015, Trung Quốc đã bác bỏ những nhận xét của ông Trump về việc Bắc Kinh “đã làm giàu” nhờ Mỹ, và nói rằng ý kiến của ông không phù hợp với hầu hết người Mỹ.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng ý kiến của ông Trump về mối quan hệ Trung - Mỹ chỉ nhằm "gây rối". - VOA
|
|
5.
Tư lệnh Mỹ tại Thái Bình Dương: Sẽ gia tăng tuần tra Biển Đông
Trước việc Trung Quốc tăng tốc quân sự hóa Biển Đông, giới lãnh đạo quân đội Mỹ ngày càng tỏ thái độ cứng rắn hơn. Vào hôm qua, 24/02/2016, tư lệnh Bộ Chỉ Huy Thái Bình Dương của Mỹ một lần nữa khẳng định rằng Hoa Kỳ sẽ đẩy mạnh các chiến dịch tuần tra vì quyền tự do hàng hải tại vùng Biển Đông.
Phát biểu nhân cuộc điều trần tại Ủy Ban Quân Vụ Hạ Viện Mỹ, đô đốc Harry Harris xác nhận là hải quân Mỹ trong tương lai « sẽ tiến hành nhiều cuộc tuần tra hơn nữa, với mức độ phức tạp cao hơn nữa ». Người chỉ huy lực lượng Mỹ ở vùng Thái Bình Dương nhắc lại công thức luôn luôn được khẳng định trong thời gian gần đây là quân đội Mỹ sẽ phái phi cơ, chiến hạm đến hoạt động « tại bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép ».
Đô đốc Harris đã xác định rõ ràng là Biển Đông là nơi mà quân đội Mỹ sẽ thực hiện các chiến dịch tuần tra : « Chúng ta phải tiếp tục hoạt động trong vùng Biển Đông để chứng minh rằng ở đấy là không phận và hải phận quốc tế ».
Trong cuộc điều trần hôm 23/02 tại Thượng viện, đô đốc Harris đã tố cáo ý đồ của Trung Quốc muốn làm bá chủ khu vực khi cho triển khai tên lửa và radar tại Biển Đông. Ở Hạ Viện, khi bị chất vấn về những điều có thể làm để ngăn việc Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông, vị tư lệnh Mỹ cho rằng Hoa Kỳ có thể triển khai thêm các phương tiện Hải Quân, mặc dù hiện đang có nhiều « rào cản tài chính, ngoại giao và chính trị » ngăn chặn việc đưa thêm một tàu sân bay khác đến thường trực tại châu Á.
Đô đốc Harris tuyên bố : « Chúng ta có thể xem xét việc đưa thêm một tàu ngầm tấn công đến châu Á, chúng ta có thể triển khai thêm một số tàu khu trục… Có rất nhiều điều chúng ta có thể làm… ».
Vào tháng Giêng vừa qua, Hải Quân Mỹ đã bất ngờ phái một khu trục hạm tiến vào tuần tra bên trong vùng 12 hải lý của đảo Tri Tôn, vùng quần đảo Hoàng Sa. Hành động này đã bị Bắc Kinh cực lực đả kích, xem đấy là một hành vị khiêu khích. Vào tháng 11 năm 2015, Mỹ cũng phái một chiến hạm khác tiến vào tuần tra gần Đá Xu Bi, một hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp tại vùng Trường Sa. Oanh tạc cơ B-52 cũng đi tuần gần các đảo này.
Trong lãnh vực ngoại giao, hồ sơ Biển Đông cũng đã được thảo luận nhân dịp ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thăm Washington. Cuộc tiếp xúc vào hôm qua giữa ông Vương Nghị với bà Susan Rice, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, được Nhà Trắng đánh giá là « thẳng thắn » trên vấn đề an ninh hàng hải. Phía Mỹ đã nhấn mạnh lập trường kiên quyết bảo vệ quyền tự do hàng hải ở Biển Đông và thúc giục Trung Quốc giải quyết các mối quan ngại trong khu vực. - RFI
|
|
6.
Apple không lùi bước trước FBI
Công ty Apple không lùi bước trong việc thách thức lệnh của tòa yêu cầu giúp FBI mở khóa chiếc iphone của một tay súng giết người hàng loạt trong vụ tấn công ở San Bernadino (California, Hoa Kỳ) hồi tháng 12 năm ngoái.
Apple cho hay trong 5 tháng qua FBI đã đề nghị công ty mở khóa hơn một chục chiếc iphone, đồng thời củng cố lập luận của của đại công ty cho rằng FBI sẽ còn đòi hỏi nhiều hơn nữa sau yêu cầu lần này.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, Loretta Lynch, hôm qua phát biểu trước một ủy ban của Quốc hội rằng trước đây từng có một tiền lệ có thể hậu thuẫn yêu cầu hiện nay của chính phủ.
Bà Lynch phát biểu: "Có một tiêu chí lâu nay trong hệ thống luật pháp Hoa Kỳ rằng nếu một thẩm phán độc lập có lý do để tin là vật nào đó chứa đựng bằng chứng của một tội phạm, thẩm phán đó có thể ủy quyền cho chính phủ tiến hành một cuộc tầm soát có giới hạn để truy ra bằng chứng đó. Và nếu chính phủ cần sự hỗ trợ từ các bên thứ ba để đảm bảo cho việc tìm kiếm được thực hiện, thẩm phán trên toàn nước Mỹ và tại Tòa Tối cao cho rằng các bên thứ ba đó phải hỗ trợ nếu việc đó nằm trong thẩm quyền của họ một cách thỏa đáng."
Công ty Apple tới nay vẫn từ chối hợp tác. Người đứng đầu công ty, Tim Cook, nói FBI đang yêu cầu điều mà sẽ mở ra ‘một cánh cửa sau’ đối với các biện pháp an ninh của công ty, gây phương hại an ninh của người sử dụng điện thoại.
Công ty Apple có thời hạn tới ngày mai để đệ kháng nghị chống lại yêu cầu của chính phủ, và dự kiến một buổi điều trần về vụ việc sẽ diễn ra vào ngày 22/3 tới đây. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
7.
Báo Trung Quốc hô hào ‘đánh’ Mỹ ở biển Đông --- Sinh viên Việt Nam biểu tình chống Trung Quốc ở Philippines
Báo đảng của Trung Quốc mới lên tiếng kêu gọi các lực lượng của nhà nước “nhả đạn” hoặc “đâm vào tàu chiến Mỹ” ở biển Đông “để dạy cho Hoa Kỳ một bài học”, trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại vùng biển tranh chấp này.
Tờ Nhân dân Nhật báo còn nói thêm rằng “mạnh tay với những kẻ xâm phạm biển Nam Trung Hoa [biển Đông] là điều tốt cho hòa bình ở khu vực tranh chấp”.
Tờ South China Morning Post có trụ sở ở Hong Kong dẫn lại một bài bình luận của cơ quan báo chí bị coi là “loa tuyên truyền” của Đảng Cộng sản Trung Quốc, viết rằng “các lực lượng của Trung Quốc nên bắn cảnh cáo hoặc thậm chí cố tình đâm vào các chiến hạm Mỹ tới gần quần đảo Hoàng Sa”.
Nhân dân Nhật báo nói thêm rằng Bắc Kinh phải có hành động cứng rắn để “dạy cho Mỹ một bài học” nếu Washington tiếp tục những hành động táo bạo.
Bài bình luận viết thêm rằng quần đảo Hoàng Sa nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc trong hơn 40 năm qua, và là chiến tuyến cuối cùng nhằm bảo vệ biển Đông.
Một nữ hạm trưởng Hoa Kỳ tháng trước đã chỉ huy tàu khu trục USS Curtis Wilbur tới gần đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa, khiến Trung Quốc giận dữ, trong khi Việt Nam ủng hộ.
Trước đó vài tháng, một chiến hạm khác của Hoa Kỳ là USS Lassen áp sát vào các đảo nhân tạo của Trung Quốc.
Trong một bài bình luận mới đây, một tờ báo khác của Trung Quốc là Hoàn cầu Thời báo nói rằng Mỹ đang làm rùm beng chuyện Trung Quốc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa HQ-9 ở Hoàng Sa.
Tờ báo có xu hướng cực đoan viết thêm: “Washington không chỉ gây áp lực cho Bắc Kinh về vấn đề biển Đông mà còn kích động xung đột giữa Bắc Kinh và Hà Nội”.
Các bài bình luận của báo chí Trung Quốc xuất hiện trong bối cảnh căng thẳng ở biển Đông dâng cao sau khi Trung Quốc đưa các tên lửa và chiến đấu cơ tới Hoàng Sa.
Trong khi đó, một số nhà quan sát cho rằng phản ứng của Việt Nam cũng như báo chí nhà nước “yếu ớt hơn” so với Trung Quốc về vấn đề biển Đông.
Luật sư Trần Vũ Hải và nhà bất đồng chính kiến Trương Duy Nhất cùng cho rằng báo chí Việt Nam thời gian qua đã bị “sa đà” vào một scandal tình ái của ca sĩ mà ông viết tắt là HNH hơn là đưa tin mạnh hơn về nguy cơ xung đột ở biển Đông.
Viết trên trang Facebook cá nhân, ông Hải viết: “Cho dù HNH có yêu thêm trăm lần các đại gia và đại gia kim cương có hàng trăm bồ bịch, chẳng ảnh hưởng đến mỗi chúng ta. Nhưng nếu tiếp tục sôi động "phê" với hai anh chị này, khiến đa số dân chúng Việt quên HQ-9 đang được kẻ ngoại bang đặt trên đất ta đang bị chiếm đóng trái phép và nhằm đe doạ nước ta (cũng như một số nước khác), các kẻ "đạo đức bàn phím" sẽ chẳng khác gì tay sai Tàu làm ru ngủ dân Việt”.
Trong khi đó, ông Phan Tất Thành, một người từng học tập nhiều năm ở Trung Quốc, nói với VOA Việt Ngữ rằng báo chí Việt Nam hiện nay đã tỏ ra mạnh mẽ hơn so với trước đây về các vấn đề liên quan tới Trung Quốc, và tư tưởng dân tộc chủ nghĩa đang dâng cao ở Việt Nam. Ông nói thêm:
“Cái tư tưởng, cái áp đặt của Trung Quốc hàng nghìn năm nay chỉ muốn ăn tươi nuốt sống Việt Nam thôi. Dân Việt Nam mình có thể bắt tay hòa hoãn để cho cuộc sống của mình tốt hơn. Thế nhưng mà, để mà phải hòa hoãn, bắt tay, nhịn nhục với Trung Quốc thì không bao giờ. Với kẻ thù nào thì Việt Nam cũng nêu cao tinh thần dân tộc, nhưng mà có những thời điểm, những giai đoạn, người ta phải kiềm chế nó lại vì mục đích lớn hơn của dân tộc mà thôi.”
Ông Phan Tất Thành nói thêm rằng “nếu như một vị lãnh đạo nào trong giai đoạn hiện nay mà tỏ ý ra là thỏa thuận với Trung Quốc thì không tồn tại với người dân Việt Nam đâu”.
Hôm 25/2, ông Lê Hải Bình, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam, nói rằng các hành động mới nhất của Trung Quốc khiến “nguyên trạng khu vực bị phá vỡ”.
Ông Bình nói: “Bất chấp sự phản đối và quan ngại của Việt Nam và cộng đồng quốc tế, Trung Quốc không những tiếp tục có những hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, gia tăng quân sự hoá trên Biển Đông mà còn đe doạ hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông.”
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng “yêu cầu Trung Quốc có những hành động, lời nói có trách nhiệm và mang tính xây dựng trong việc duy trì hoà bình, ổn định” ở vùng biển tranh chấp.
Trả lời câu hỏi về khả năng nếu phía Việt Nam nhận được đề nghị từ Mỹ và các đồng minh về tuần tra trên Biển Đông thì Việt Nam có tham gia để khẳng định chủ quyền và tự do đi lại hay không, và chính sách “không liên minh” với nước này chống lại nước khác có ngăn cản Việt Nam tham gia những hoạt động như vậy không, ông Bình khẳng định: “Chúng tôi đã, đang, và sẽ tiến hành các hoạt động bình thường của mình trên những khu vực này, phù hợp với luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982)”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam nói thêm: “Chúng tôi đã nhiều lần nêu rõ quan điểm của mình là Việt Nam tôn trọng quyền đi lại vô hại trong lãnh hải, được thực hiện phù hợp với quy định liên quan của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982”. - VOA
***
Khoảng 100 người biểu tình Philippines, trong đó có nhiều sinh viên Việt Nam, hôm nay đã tuần hành bên ngoài lãnh sự quán Trung Quốc ở Makati, trung tâm tài chính của Philippines, để yêu cầu Bắc Kinh rút khỏi quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa ở biển Đông.
Tin cho hay, cuộc biểu tình này do Hội Sinh viên Việt Nam ở Philippines và một tổ chức ở địa phương có tên gọi Phong trào và liên minh chống xâm lược của Trung Quốc phối hợp tổ chức.
Những người tham gia biểu tình cũng lên tiếng kêu gọi người dân Philippines và Việt Nam cùng chung tay chống lại điều họ gọi là việc quân sự hóa của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp.
Luật sư Trịnh Hữu Long, hiện sinh sống và làm việc ở Philippines, cho VOA Việt Ngữ biết rằng đây không phải là lần đầu tiên nhiều người Việt xuống đường phố của nước bạn để phản đối các hành động của Trung Quốc ở biển Đông. Ông Long nói:
“Một vài cuộc biểu tình trước đây cũng có người dân Việt Nam tham gia, rồi lần này cũng có nhiều người Việt Nam tham gia. Điều đó chứng tỏ rằng bà con cũng rất quan tâm tới vấn đề biển đảo. Và khi có cơ hội bày tỏ điều đó thì họ cũng hưởng ứng, nhất là ở Philippines thì việc biểu tình đó là chuyện bình thường và không bị cấm đoán như ở Việt Nam. Bà con ở bên này thoải mái trong việc đi biểu tình hơn là ở Việt Nam.”
Nhà hoạt động xã hội này nói thêm rằng chính Trung Quốc đã “tạo ra một tình huống đẩy các nước khác trở thành đồng minh tự nhiên của nhau”.
Trong khi đó, hãng tin CNN trích lời một sinh viên Việt Nam tham gia cuộc biểu tình nói rằng cô và gia đình “cảm thấy như là đất đai của họ đã bị cướp đoạt”.
Tổ chức “Phong trào và liên minh chống xâm lược của Trung Quốc” do cựu dân biểu Roilo Golez lãnh đạo.
Ông Golez từng kêu gọi người Việt cùng tham gia một chiến dịch tẩy chay hàng may mặc của Trung Quốc do ông khởi xướng ở Philippines để đáp lại sự ủng hộ của Manila đối với Việt Nam thời gian qua.
Ông từng nói với VOA Việt Ngữ: “Chúng tôi kêu gọi người Việt cùng sát cánh với chúng tôi. Chúng ta cần phải giúp đỡ lẫn nhau vì cùng có chung đối thủ là Trung Quốc”.
Trên bình diện chính phủ, Hà Nội và Manila vừa qua đã gia tăng hợp tác song phương, trong khi Trung Quốc gia tăng hoạt động lấn biển, xây đảo nhân tạo và quân sự hóa biển Đông. - VOA
|
|
8.
Phong trào tự ứng cử và Quốc hội ở VN --- “Vòng hiệp thương lần thứ nhất” không dành cho ứng viên ĐBQH tự do
BBC và các vị khách mời Bàn tròn Thứ Năm thảo luận về xu hướng tự ứng cử đang diễn ra và cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp của Việt Nam năm 2016.
Chương trình được phát trực tiếp từ lúc 19h15-20h00 giờ Việt Nam ngày 25/2/2016, trên kênh Youtube của BBC Việt ngữ, mời quý vị theo dõi tại đây: http://youtu.be/socMFYAIzI8
Bàn tròn có sự tham gia của các khách mời là ứng viên tự ứng cử, cựu dân biểu Quốc hội hay thành viên hội đồng nhân dân và nhà nghiên cứu, quan sát thời sự chính trị, xã hội Việt Nam.
Theo thống kê của một số trang mạng xã hội Việt Nam, tính tới thời điểm hiện nay đã có khoảng trên hai chục trường hợp tự ứng cử tại các địa phương, trong số đó có nhiều nhà hoạt động và vận động dân chủ hóa như Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A, luật sư Lê Văn Luân, nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thụy, các nhà hoạt động địa phương như Đặng Phương Bích, Nguyễn Thúy Hạnh v.v...
Hôm 24/2, một Hội nghị hướng dẫn cách giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội đối với các cơ quan tổ chức, đơn vị ở Trung ương tại Việt Nam đã được Ban Thường vụ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, theo trang mạng của Quốc hội Việt Nam.
Trước đó, hôm 21/2, một quan chức lãnh đạo cơ quan này, ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, đã được truyền thông nhà nước trích lời nói "Người tự ứng cử nếu thực sự xuất sắc thì khả năng trúng cử rất cao."
Phân bổ chỉ tiêu
Một Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam mới đây đã đưa ra dự kiến về cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XIV và số lượng người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương.
Theo Nghị quyết này, số lượng được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV là 198 đại biểu, bằng 39,6%, trong đó, cơ cấu, thành phần được dự kiến phân bổ là:
Các cơ quan Đảng 11 đại biểu; cơ quan Chủ tịch nước 3 đại biểu; các cơ quan của Quốc hội (đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương) 114 đại biểu, trong đó dự kiến khoảng 20% đại biểu là phụ nữ và khoảng 10% đại biểu là người dân tộc thiểu số; Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ là 18 đại biểu, phấn đấu có đại biểu là phụ nữ và đại biểu là là người dân tộc thiểu số.
Bộ Quốc phòng (gồm Bộ trưởng và các quân khu, quân chủng) 15 đại biểu; Bộ Công an (gồm cả Bộ trưởng Bộ Công an) 3 đại biểu; Tòa án Nhân dân Tối cao 1 đại biểu; Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao 1 đại biểu; Kiểm toán Nhà nước 1 đại biểu;
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên 31 đại biểu, trong đó có đại biểu là phụ nữ, người dân tộc thiểu số, đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi), đại biểu tôn giáo, đại biểu ngoài Đảng, đại biểu tái cử và nhân sỹ trí thức, văn nghệ sỹ tiêu biểu...
Một bản tin tối trên truyền hình Việt Nam hôm 21/2 nêu rõ dự kiến tối đa chỉ có 50 người ngoài Đảng được cơ cấu vào Quốc hội Việt Nam gồm 500 Đại biểu, tương ứng với tỷ lệ 10%.
Vẫn theo trang web của Quốc hội Việt Nam, việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được tiến hành từ ngày 24/2 đến 10/3/2016, còn kỳ bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp chính thức được tổ chức vào ngày 22/5/2016.
Một Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã được lập ra dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị với người đứng đầu Hội đồng là đương kim Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, ông Nguyễn Sinh Hùng. - BBC
***
Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất của Đoàn chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam diễn ra vào ngày 16/2 để thống nhất về cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016-2021. Vòng hiệp thương này được hiểu là nhằm giới thiệu ứng cử đại biệu Quốc hội trên cơ sở dự kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Chính vì thế các ứng cử viên tự do sẽ không có tên trong danh sách vòng hiệp thương thứ nhất.
Qui định này của luật bầu cử có phải là một trở ngại cho những người ra ứng cử tự do như Tiến sĩ Nguyễn Quang A, blogger Nguyễn Tường Thuỵ, blogger Đặng Bích Phượng hay không?
Trước hết, ông Nguyễn Tường Thuỵ, cũng là một ứng cử viên tự do, từ Hà Nội khẳng định cùng Cát Linh, đài Á Châu Tự do như sau:
“Theo tôi hiểu thì vòng hiệp thương lần thứ nhất vào ngày 16 tháng Hai là họ thoả thuận với nhau hoặc thống nhất với nhau về vấn đề là ở các vùng, tỉnh, thành được bao nhiêu cử tri thôi và điều đó hoàn toàn theo chủ quan của họ. chứ họ không đề cập đến chi tiết. Bản thân tôi không quan tâm đến vòng này.”
Ông Nguyễn Tường Thuỵ cho biết thêm hầu như những người ứng cử tự do chưa thực hiện việc nộp đơn. Chính vì thế mà tên của những người này không thể có trong danh sách của vòng hiệp thương thứ nhất.
Phi dân chủ
Truyền thông trong nước đồng loạt đưa tin về các tỉnh thành như Tp Hồ Chí Minh, Thừa Thiên – Huế, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, Thái Nguyên đều tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất vào ngày 16 tháng Hai để thoả thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người của các cơ quan, tổ chức Trung ương được bầu làm đại biểu Quốc hội theo khoá 14.
Blogger Đặng Bích Phượng, một ứng cử viên tự do vào Đại biểu Quốc hội khoá 14, từ Hà Nội, cũng xác nhận rằng vòng hiệp thương thứ nhất không phải là cơ hội dành cho những người tự ra ứng cử.
“Mình cũng không được tham gia vào vòng hiệp thương thứ nhất. Tất cả những người tự ra ứng cử không được tham gia vào vòng hiệp thương thứ nhất. Vòng hiệp thứ nhất là do tất cả các bên do Quốc hội, chính quyền, Mặt trận tổ quốc (MTTQ) tự ngồi cơ cấu với nhau, phân cho nhau thành từng mảng, từng vùng số lượng ứng cử là bao nhiêu. Những người đó là do Mặt trận Tổ quốc, thực tế là bên Đảng giới thiệu ra.”
Để có danh sách những người ứng cử theo từng đơn vị bầu cử, Mặt trận sẽ qua 3 lần hiệp thương. Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất được tiến hành để hiệp thương thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội trên cơ sở dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Vòng Hiệp thương lần thứ hai sẽ lấy ý kiến của cử tri nơi cư trú và nơi công tác. Vòng Hiệp thương thứ ba theo cách gọi của Tiến sĩ Nguyễn Quang A, là “vòng đấu tố” không có mặt của ứng cử viên, chỉ có đại diện MTTQ, Hội đồng bầu cử quốc gia, UBTVQH, chính phủ là được tham dự và chốt danh sách.
Với Tiến sĩ, nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Quang A, ông cho rằng qui định này của luật khá là phi dân chủ:
“Lẽ ra những chuyện về cơ cấu người, vùng, dân tộc phải được qui định rất rõ ràng trong luật. Ví dụ như Đài Loan chẳng hạn, là có hai khu vực bầu cử cho người thổ dân chẳng hạn, thì có qui định rất rõ ràng. Ở Việt Nam không có qui định như thế và được giao cho uỷ ban thường vụ quốc hội với mặt trận, họ xác định không phải là người cụ thể hay danh sách cụ thể mà gọi là gần như là quota, là sẽ có bao nhiêu người ở Hà Nội, Sài Gòn, Cao Bằng. Tức là ở đấy sẽ được bầu bao nhiêu người. Rồi sẽ có bao nhiêu ứng viên…”
Một hình thức hợp thức hóa dành cho ứng viên của MTTQ
Blogger Nguyễn Tường Thuỵ khẳng định, theo sự hiểu biết của ông thì trong vòng hiệp thương thứ nhất chưa có vấn đề gì cụ thể được đặt ra, chỉ là phân định đối tượng này, đối tượng kia là bao nhiêu cử viên. Tuy nhiên, nhà hoạt động dân sự Nguyễn Quang A cho biết:
“Tôi nghĩ là vòng đầu tiên này thì chưa gây khó khăn gì cả. Nhưng toàn bộ qui trình ấy thì chắc chắn có mục đích chủ yếu là hợp thức hoá cho những người mà họ thấy thích hợp, thế thôi. Toàn bộ qui trình là có mục đích như vậy.
Và cái việc chúng tôi làm bây giờ là để cho người dân thấy thực trạng của cái qui định này là không tốt và phải sửa. Nó còn có một vòng thứ hai thì lúc đó mới đụng đến những người ứng cử cụ thể.”
Ứng cử viên, blogger Đặng Bích Phượng cũng cho rằng qui trình này tạo ra sự trở ngại cho những người tự ứng cử, hay nói khác là những người không do Mặt trận Tổ Quốc đề cử. Đặc biệt là ở vòng hiệp thương thứ hai. Bà lấy ví dụ về trường hợp ứng cử năm 2011 của luật sư Võ An Đôn
“Năm 2011, luật sư Võ An Đôn được 100% cử tri ở nơi cư trú và nơi làm việc ủng hộ. nhưng đến vòng thứ ba thì bị loại mà không biết lý do vì sao. Tôi nghĩ là bây giờ ngay vòng hiệp thương thứ hai, là lấy ý kiến cử tri nơi sinh sống, họ sẽ tìm mọi cách để ngăn cản mình. Chẳng hạn như họ không cho mình tiếp xúc với người mình biết ở nơi mình sinh sống. Họ sẽ dùng cử tri ở nơi khác, mình không biết để đến và phản đối mình.”
Giải thích rõ hơn, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói về qui trình mà ông gọi là “hiệp thương với nhau”, đó là trước khi bước vào vòng hiệp thương thứ hai, những ứng viên tự do đã gặp phải những khó khăn.
“Có khi họ mời những người nào đó đến mà mình cũng không biết. Và ở đấy họ bắt đầu hỏi, rồi có thể đối với những người họ không muốn thì họ tổ chức những cuộc đấu tố để rồi cuối cùng chỉ có 1 nửa cử tri đồng ý hoặc 1 trong 3 cử tri đồng ý và lên đến vòng hiệp thương thứ hai thì bảo rằng các ông không được tín nhiệm của cử tri ở địa phương là nơi ông gần gũi nhất rồi dùng cớ đó để loại ra.”
Theo lời Tiến sĩ Nguyễn Quang A, ông cũng như blogger Đặng Bích Phượng, Nguyễn Tường Thuỵ cùng tất cả những ứng viên tự do khác sẽ yêu cầu công khai danh sách các cử tri được mời đến khi bước vào vòng hiệp thương thứ hai.
Và cuối cùng, dù khả năng được ứng cử và trúng cử đều rất thấp, cả Tiến sĩ Nguyễn Quang A, blogger Nguyễn Tường Thuỵ và blogger Đặng Bích Phượng đều cho rằng hành động tự ứng cử đại biểu Quốc hội đã là một thành công cho những người muốn thực thi quyền công dân, dân chủ. - RFA
No comments:
Post a Comment