Monday, February 22, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Hai 22/2

Tin Thế Giới

1.
Mỹ-Hàn Quốc tập dượt tấn công trong cuộc tập trận chung

Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên sẽ tập dượt các cuộc tấn công phủ đầu để phá hủy các địa điểm hạt nhân của Bắc Triều Tiên vào tuần tới, khi lực lượng quân sự hai nước đồng minh tiến hành cuộc tập chung lớn nhất từ trước đến nay. Từ Seoul thông tín viên Brian Padden của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.

Sau cuộc thử nghiệm hạt nhân và phóng rocket tầm xa mới đây của Bắc Triều Tiên, Washington và Seoul sẽ chú trọng một phần đến việc phòng vệ chống các cuộc tấn công bằng vũ khí giết người hàng loạt trong một cuộc tập chung hàng năm.

Trong một số kịch bản được các chiến lược gia quân sự hoạch định, phòng thủ tốt nhất là một cuộc tấn công hữu hiệu, có thể hủy diệt một vị trí phóng phi đạn của Bắc Triều Tiên, cơ sở hạt nhân hay những mục tiêu quân sự chiến lược khác trước một cuộc tấn công có thể xảy ra.

Ông Daniel Pinkston, một nhà phân tích về an ninh Đông Bắc Á thuộc trường đại học Troy ở Seoul, nói:

“Những cuộc thao dượt loại này, loại huấn luyện này, xét về tính chất của mối đe dọa, sẽ là một việc bình thường mới đối với Bắc Triều Tiên, trừ phi họ rút lại chương trình hạt nhân – một việc mà tôi tin là sẽ không xảy ra trong tương lai gần.”

Các cuộc tập trận

Theo lời các giới chức Bộ Quốc phòng Nam Triều Tiên, cuộc tập trận chung giữa Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên năm nay sẽ bắt đầu vào ngày 7 tháng 3 và sẽ có sự tham dự của 15.000 binh sĩ Mỹ, gấp 4 lần con số 3.700 binh sĩ trong năm ngoái.

Những cuộc tập trận chung hàng năm bao gồm cuộc tập trận chiến lược trên máy vi tính có tên Quyết tâm Chính, theo đó các binh sĩ Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên và các khí tài quân sự được điều động để ứng phó với những mối đe dọa có thể xảy ra của Bắc Triều Tiên, và những cuộc thực tập trên chiến trường có tên Tiểu Ưng.

Hoa Kỳ đã điều động đến Nam Triều Tiên 4 máy bay chiến đấu tàng hình F-22, và chiếc tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân USS North Carolina.

Và để tiến hành cuộc tập trận chung lần này, Hoa Kỳ sẽ đưa thêm nhiều máy bay và khí tài khác, trong đó có tàu sân bay USS John C. Stennis.

Hơn 4.500 binh sĩ Mỹ đồn trú tại Okinawa, cùng với máy bay loại V-22 Osprey và các tàu đổ bộ có mặt trên chiếc USS New Orleans sẽ tham dự một cuộc tập trận đổ bộ.

Tập trận để xâm lăng

Bắc Triều Tiên đã phản đối những cuộc tập trận của Mỹ và Nam Triều Tiên mà họ cho là tập dượt để xâm lăng. Họ cũng tổ chức các cuộc tập trận để sẵn sàng đối phó.

Washington và Seoul trong quá khứ nhấn mạnh đến tính chất phòng vệ của các cuộc tập trận để phản bác những chỉ trích của Bình Nhưỡng và làm giảm bớt những lo ngại của Bắc Kinh.

Trong khi Trung Quốc chống lại chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên, Trung Quốc cũng đổ lỗi cho sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ tại Nam Triều Tiên là góp phần làm cho tình hình an ninh trong vùng bị căng thẳng.

Các nhà phân tích cho rằng sự nhấn mạnh đến các giải pháp tấn công trong năm nay phản ánh sự công nhận ngày càng tăng tại Washington và Seoul là chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên là một mối đe dọa có tính chất cấp bách và cần phải giải quyết theo cách này hay cách khác.

Ông Pinkston nói:

“Khi phô trương vũ khí hạt nhân và đưa ra những lời tuyên bố như là Bắc Triều Tiên đang làm, thì nước này đang tự đặt mình vào một tình huống nguy hiểm trong một cuộc khủng hoảng.”

Cũng vào ngày thứ Hai, Bộ Quốc phòng Nam Triều Tiên loan báo Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên sẽ thực hiện một cuộc tập trận chung có tính chất răn đe hạt nhân trong tuần này tại Căn cứ Không quân Vandenberg ở California. Cuộc tập trận diễn ra trên máy vi tính về một mối đe dọa hạt nhân có thể xảy ra của Bắc Triều Tiên.

Các cuộc hòa đàm

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày hôm nay xác nhận những tin tức là các giới chức  Washington và Bình Nhưỡng đã thảo luận về việc thương thuyết cho một hiệp ước hòa bình trước khi Bắc Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân vào ngày 6 tháng 1 năm nay.

Washington đã bày tỏ sự sẵn sàng để đàm phán về một hiệp ước hòa bình chính thức nhằm thay thế thỏa thuận đình chiến năm 1953. Hoa Kỳ muốn thỏa hiệp về một lập trường trước đây là Bắc Triều Tiên ngưng chương trình hạt nhân của nước này trước khi các cuộc thảo luận có thể tiến hành, nhưng cũng đã cho biết là vấn đề hạt nhân là một phần của nghị trình thảo luận. Bình Nhưỡng đã bác bỏ đề nghị này và vẫn tiến hành thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư.

Liên hiệp quốc đã cấm Bắc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân và kỹ thuật phi đạn đạn đạo và đã áp đặt nhiều đợt chế tài kể từ năm 2006.

Washington mới đây đã thông qua những chế tài tài chánh mới khắc nghiệt hơn để có thể tịch thu tài sản tại Mỹ của bất cứ công ty nào liên hệ đến những hoạt động bất hợp pháp của Bắc Triều Tiên. - VOA
|
|

2.
Xuất khẩu vũ khí Trung Quốc tăng gấp đôi trong 5 năm --- Dân Trung Quốc ồ ạt chuyển tiền ra nước ngoài

Trong vòng 5 năm qua, Trung Quốc đã tăng gần gấp đôi xuất khẩu vũ khí, kết quả của chính sách đầu tư hiện đại hóa lĩnh vực sản xuất vũ khí. Trên đây là đánh giá trong một báo cáo của Viện nghiên cứu hòa bình thế giới Stockholm ( SIPRI) công bố hôm nay 22/02/2016.

Báo cáo về tình hình phát triển vũ khí trên thế giới của viện nghiên cứu quốc tế trên cho biết, từ năm 2011 đến 2015, Trung Quốc đã giảm 25% nhập khẩu vũ khí so với giai đoạn 2006-2010. Trong khi đó việc xuất khẩu vũ khí của nước này lại tăng 88% trong giai đoạn 2011-2015.

Trung Quốc là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 3 thế giới, nhưng vẫn còn xếp rất xa sau Hoa Kỳ và Nga. Với đà tăng như trên, trong 5 năm qua, vũ khí của Trung Quốc chiếm 5,9% thị phần xuất khẩu của thế giới.

Các số liệu trong báo cáo của SIPRI cho thấy Hoa Kỳ vẫn tiếp tục thống trị thị trường vũ khí thế giới với mức tăng 33%, Nga tăng 28%. Giám đốc nghiên cứu chương trình vũ khí và chi tiêu quân sự của SIPRI, bà Aude Fleurant cho biết, Mỹ đã bán hoặc viện trợ các vũ khí hạng nặng cho 96 quốc gia trong 5 năm qua. Trong khi đó, xếp sau Trung Quốc, trong 5 năm qua xuất khẩu vũ khí của Pháp giảm 9,8% và Đức giảm 51%.

Nhà nghiên cứu Siemon Wezeman của viện nhiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm cho biết, cách đây 10 năm, Trung Quốc mới chỉ có thể xuất khẩu các loại thiết bị quân sự công nghệ thấp. Nhưng tình hình đã thay đổi, vũ khí của Trung Quốc đã gây được sự chú ý của thị trường nhờ được cải tiến công nghệ chế tạo.

Hiện tại khách hàng mua vũ khí của Trung Quốc chủ yếu là các nước châu Á, như Pakistan, Bangladesh và Miến Điện. Liên quan đến các nước nhập khẩu vũ khí, Ấn Độ là khách hàng lớn nhất, chiếm 14% lượng vũ khí bán trên thị trường, gấp đôi Ả Rập Xê Út và gấp ba lần Trung Quốc.

Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ đô la để phát triển ngành công nghiệp vũ khí nhằm phục vụ các tham vọng ở Biển Đông và Ấn Độ Dương, nhưng đồng đồng thời cũng nhằm vào thị trường xuất khẩu.

Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc năm 2015 là 127 tỷ euro. - RFI

***
Dân Trung Quốc chuyển tiền ra nước ngoài với mức cao kỷ lục trong lúc nền kinh tế nước này tiếp tục tăng trưởng chậm lại. Theo tường thuật của thông tín viên Shannon Van Sant của đài VOA tại Hồng Kông, xu thế này làm giá nhà đất tăng cao ở nhiều nơi trên thế giới, gây ra nhiều mối quan tâm.

Tại những nơi như New York, Miami và London, các nhà đầu tư Trung Quốc đang chế ngự thị trường đất đai và cao ốc, nhất là trong khu vực sang trọng.

Ông Sam Chandan, giáo sư Trường Wharton của Đại học Pennsylvania, nhận xét như sau.

"Các nhà đầu tư Trung Quốc là những người mới vào cuộc, nhưng họ đã nhanh chóng trở thành tác nhân nắm vai trò chế ngự tại những thị trường quan trọng đó. Chúng tôi có những thí dụ rất rõ ràng về việc này. Tại một thị trường như Thành phố New York, vụ mua khách sạn lớn nhất  trong lịch sử nước Mỹ là do một công ty bảo hiểm nhân thọ của Trung Quốc thực hiện."

Tiền bạc ồ ạt đổ ra nước ngoài đã gây ra những mối lo ngại cho chính phủ Trung Quốc và họ đã bắt đầu thực hiện một cuộc trấn áp có thể gây cản trở cho những hoạt động đầu tư ở nước ngoài.

Trung Quốc cho biết họ sẽ áp dụng một hệ thống để giám sát những vụ giao dịch ngoại hối tại các ngân hàng và những ai muốn mua ngoại tệ cao hơn mức tối đa là 50.000 đô la mỗi năm sẽ bị ghi tên vào danh sách theo dõi.

Một trở ngại khác có thể là sự dao động mạnh hồi gần đây trên thị trường chứng khoán, làm cho những người muốn mua nhà đất ở nước ngoài không có đủ hiện kim

Ông Terrence Oved, một luật sư của công ty địa ốc Oved & Oved LLP, cho biết như sau.

"Đối với nhiều nhà đầu tư Trung Quốc, sự dao động của thị trường chứng khoán và áp lực giảm giá đã triệt tiêu những khoản tiền dư dôi trên giấy tờ của nhiều người Trung Quốc đầu tư ở nước ngoài, những khoản tiền trước đây đã cho phép họ đua nhau mua nhà cửa đất đai ở New York, Miami và những nơi khác ở nước Mỹ."

Ông Oved cho biết nhiều người Trung Quốc đang có thái độ chờ xem.

Một số ngân hàng lớn cũng có thái độ dè dặt hơn về các nhà đầu tư Trung Quốc. Đại ngân hàng HSBC hồi tháng trước loan báo họ sẽ không cung cấp những khoản tín dụng địa ốc cho một số người Trung Quốc. Tổ chức cho vay lớn nhất Âu châu này không nói rõ những khách hàng nào của họ sẽ bị ảnh hưởng bởi những qui định mới.

Nhưng trong lúc HSBC bắt đầu áp dụng những qui định mới, có thể làm cho những vụ mua bán nhà đất bị giới hạn, những ngân hàng khác đã nhanh chóng nhảy vào thế chỗ.

Ngân hàng Hoàng gia Canada (Royal Bank of Canada) cho biết họ sẽ nới lỏng mức trần của những khoản tín dụng địa ốc cho những người không có thành tích tín dụng ở Canada.

Tại Mỹ, một số người Trung Quốc đang đầu tư vào các dự án nhà đất để hội đủ điều kiện tham gia chương trình visa EB-5, là chương trình cấp qui chế thường trú nhân cho người nước ngoài đầu tư vào các dự án tạo ra ít nhất 10 công ăn việc làm cho người Mỹ. Những người Trung Quốc mua nhà ở nước ngoài cũng bị lôi cuốn bởi sự ổn định kinh tế, giáo dục và thể chế pháp trị của các thị trường Hoa Kỳ và Âu châu.

Ông Spencer Levy, giám đốc phòng nghiên cứu Mỹ châu của công ty địa ốc CBRE, cho biết ông dự kiến mức cầu của người nước ngoài đối với thị trường nhà đất ở Mỹ sẽ tiếp tục gia tăng.

"Một khi chúng ta vượt qua tình trạng dao động mà chúng ta đang chứng kiến trên thị trường hôm nay, tôi nghĩ rằng mức cầu sẽ gia tăng. Tôi nghĩ rằng những cơ hội đầu tư mà người Trung Quốc nhìn thấy ở Mỹ và những nước khác sẽ rất mạnh mẽ."

Ông Levy cho rằng người Trung Quốc sẽ tiếp tục mua nhà cửa ở Mỹ vì thị trường địa ốc và nền kinh tế nói chung của Mỹ tiếp tục vững mạnh. Trước đây, những người Trung Quốc thường tập trung vào các thị trường lớn như New York và San Francisco, nhưng bây giờ số người muốn đầu tư vào các thị trường hạng hai, như Houston, đã bắt đầu gia tăng. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Donald Trump vững bước tiến tới đề cử của Ðảng Cộng hoà --- Dấu chấm hết cho đế chế chính trị Bush?

Tỉ phú bất động sản Donald Trump giờ là người dẫn đầu rõ ràng nhất cho đề cử của Ðảng Cộng hòa trong cuộc đua tranh cử tổng thống Mỹ, nhưng hai Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ gốc Cuba, Marco Rubio và Ted Cruz, đều tuyên bố họ có thể soán ngôi đầu của ông Trump khi một nhóm đông đảo các bang tiến hành bầu cử trong ba tuần nữa.

Ông Trump, người mới bước chân vào chính trường, giành chiến thắng thứ hai liên tiếp trong cuộc bầu cử sơ bộ của Ðảng Cộng hòa hôm thứ Bảy, với gần một phần ba số phiếu ở bang South Carolina ven bờ Đại Tây Dương, trong khi ông Rubio, Thượng nghị sĩ bang Florida, giành được số phiếu nhỉnh hơn ông Cruz một chút để về thứ hai. Cả hai người đều giành được khoảng 22% số phiếu.

Những cuộc khảo sát ý kiến cử tri cho thấy ông Trump, người đã xỉ vả những đối thủ trong suốt chiến dịch vận động tranh cử mấy tháng qua, dẫn trước cả hai ông Rubio và Cruz với cách biệt khá lớn trong cuộc bỏ phiếu kế tiếp ở bang Nevada, nơi tập trung những sòng bạc và là nơi mà Ðảng Cộng hòa sẽ tổ chức hội nghị đầu phiếu vào ngày thứ Ba.

Những cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra tại 27 bang khác đến trước ngày 15 tháng 3.

Ông Trump nói với đài CNN hôm Chủ nhật rằng ông ta hy vọng sẽ giành được đề cử của Ðảng Cộng hòa và sẽ đối đầu với cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, người đang dẫn đầu bên Ðảng Dân chủ, trong cuộc bầu cử tổng thống toàn quốc vào tháng 11 tới. Ông ta nói mặc dù những cuộc khảo sát cho thấy ông ta thua bà Clinton trong một cuộc đua giả định, nhưng ông ta sẽ mang tới cho Ðảng Cộng hòa cơ hội chiến thắng ở những bang trọng yếu như New York và Michigan, những bang mà Ðảng Cộng hòa hay thua trong những cuộc bầu cử tổng thống.

Bà Clinton giành được thắng lợi lớn hôm thứ Bảy trong những hội nghị đầu phiếu ở bang Nevada, với tỉ lệ khoảng 53-47 phần trăm so với ông Bernie Sanders, Thượng nghị sĩ bang Vermont.

Thắng lợi tại bang Nevada mang lại cho bà Clinton sự khích lệ rất cần thiết cho chiến dịch vận động tranh cử của bà ta sau khi vượt qua ông Sanders với cách biệt cực kỳ sít sao ở bang Iowa hồi đầu tháng này, và thua đậm ông Sanders ở bang New Hampshire sau đó.

Ông Trump ca ngợi chiến thắng của mình ở South Carolina là "một cuộc vận động tuyệt vời với những con người tuyệt vời."

Ông Cruz, một cái gai khiến thành phần đương quyền bảo thủ ở Washington khó chịu, nói với những người ủng hộ rằng ông ta là đối thủ duy nhất đã đánh bại ông Trump tính tới nay, trong hội nghị đầu phiếu ở bang Iowa ba tuần trước.

Nhưng ông Rubio tuyên bố, "Cuộc đua này đã trở thành một cuộc đua ba người và chúng ta sẽ giành được đề cử."

Cuộc đua từng bao gồm 17 ứng cử viên Đảng Cộng hòa giờ đã giảm xuống còn năm - Trump, Cruz, Rubio, Thống đốc bang Ohio John Kasich và cựu bác sĩ phẫu thuật thần kinh Ben Carson. - VOA

***
Cựu Đệ nhất Phu nhân Barbara Bush từng trả lời trong một cuộc phỏng vấn rằng bà không muốn cậu con trai Jeb Bush ra tranh cử làm tổng thống.

“Còn có nhiều người khác rất đủ tư cách. Chúng tôi có đủ [tổng thống] Bush rồi”, bà Barbara Bush nói năm 2013.

Tuy nhiên, ông Jeb Bush đã phớt lờ lời khuyên của thân mẫu, và giờ thì ông đã phát hiện ra rằng người dân Mỹ có cùng quan điểm với bà.

Thất bại của ông tại South Carolina, nơi ông chỉ đứng thứ 4 với chưa đầy 8% phiếu bầu, được các nhà phân tích đánh giá là đáng hổ thẹn.

Tiểu bang, nơi tôn giáo ăn sâu trong dân chúng và có mối liên hệ chặt chẽ với quân đội, từng có truyền thống ủng hộ thành viên gia đình Bush làm tổng thống.

Nhưng lần này, tiểu bang này lại chọn Donald Trump. Trước đó, tỷ phú này dành phần lớn thời gian trên truyền hình để nhạo báng gia đình Bush.

Trong khi đó, ông Marco Rubio, một “đệ tử” của ông Jeb Bush, giành vị trí thứ hai.

Các nhà quan sát cho rằng có các dấu hiệu cho thấy, ngay từ đầu, ông Jeb Bush đã không phải là ứng viên sáng giá.

Ông dẫn đầu các cuộc thăm dò vào đầu năm 2015, nhưng với khoảng cách không khá xa so với các đối thủ khác.

Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy rằng các cử tri tôn trọng ông, nhưng họ không thực sự cảm thấy được lôi cuốn.

Khoảng trống đó nhanh chóng được ông Donald Trump lấp đầy, và mọi lợi thế mà ông Bush từng có được bỗng nhiên trở thành những điểm tiêu cực.

Khả năng nói tiếng Tây Ban Nha cũng như sự lôi cuốn của ông đối với các cử tri gốc Mỹ Latin không phải là yếu tố có lợi trong một năm bùng ra sự quan ngại về tình trạng nhập cư bất hợp pháp.

Sự bình tĩnh cũng như trí thông minh không thể chối cãi của ông không được thể hiện rõ trong các cuộc tranh luận đầy kịch tính với ông Donald Trump.

Ngoài ra, ông còn có một bước đi sai lầm, khi đăng trên Twitter một bức ảnh khẩu súng ngắn có khắc tên ông, để rồi sau đó bị chế giễu ở khắp các châu lục.

Nhưng vấn đề lớn nhất của ông có lẽ đó là tiểu sử gia đình. Trong giai đoạn đầu của cuộc tranh cử, ông tìm cách tránh xa khỏi cuộc chiến Iraq.

Nhưng tại South Carolina, nơi ông Trump gọi cựu Tổng thống George W Bush là một kẻ dối trá, ông Jeb đã chuyển sang bảo vệ anh trai mình.

Ông Bush anh đã đưa Mỹ tham chiến tại Iraq và Afghanistan sau vụ tấn công khủng bố 11/9 làm gần 3.000 người thiệt mạng ở New York.

Ông Jeb Bush nói với các cử tri rằng anh ông đã giữ cho nước Mỹ an toàn. Nhưng ông Trump đã chế nhạo tuyên bố này.

Sau đó, cựu Tổng thống Mỹ còn xuất đầu lộ diện sau một thời gian im ắng trên chính trường Mỹ để vận động cho người em trai.

Nhưng điều gia đình Bush dường như không nhận ra, đó là hình ảnh của họ đã bị “phủ bóng” bởi các vấn đề như cuộc khủng hoảng tín dụng, thâm hụt ngân sách lớn và các túi đựng xác.

Và sau thất bại ở tiểu bang từng dành cảm tình cho gia đình Bush là South Carolina, hôm 20/2, ông Jeb Bush đã tuyên bố chấm dứt chiến dịch tranh cử tổng thống. - VOA
|
|

4.
Chuyến đi của đặc sứ Mỹ tới Kobani gây xích mích với Thổ Nhĩ Kỳ

Chuyến đi của một vị đặc sứ Mỹ tới thị trấn biên giới Kobani của Syria để gặp các nhà lãnh đạo của phe người Kurd ở Syria đang nằm ở tâm điểm của một vụ xích mích ngày càng nghiêm trọng giữa Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ. Thông tín viên Jamie Dettmer của đài VOA tường thuật từ Ankara.  

Các giới chức Thổ Nhĩ Kỳ và những chiến binh nổi dậy ở Syria được các nước phương Tây hậu thuẫn lại một lần nữa nêu lên chuyến viếng thăm vào ngày 1 tháng 2 của ông Brett McGurk, đặc sứ của Tổng thống Barack Obama, để tìm cách giải thích những vụ đụng độ sau đó tại miền bắc Syria giữa Quân đội Syria Tự do được Mỹ ủng hộ với các chiến binh người Kurd cũng được Mỹ hỗ trợ.

Chuyến viếng thăm một ngày tới Kobani, nơi từng bị Nhà nước Hồi giáo vây hãm trong một tháng nhưng không bị thất thủ nhờ có những vụ không kích của Mỹ, đã gây tranh cãi ngay lập tức, sau khi tin tức về chuyến đi được tiết lộ, và làm bùng ra những sự phản đối của các giới chức Thổ Nhĩ Kỳ.

Chính phủ ở Ankara tức giận vì ông McGurk đã họp với các nhân vật lãnh đạo của Đảng Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD), một nhóm xuất thân từ Đảng Công nhân người Kurk (PKK), là đảng bị Thổ Nhĩ Kỳ cấm hoạt động và bị xem là một tổ chức khủng bố.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã mạnh mẽ phản đối hành động đó của Washington. Ông nói trên trang mạng Twitter “Làm sao chúng tôi có thể tin tưởng các ông? Tôi là đối tác của các ông hay những phần tử khủng bố ở Kobani là đối tác của các ông?”

Sự ủng hộ của Washington dành cho PYD là một trong những vấn đề làm cho Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ bị chia rẽ nhiều nhất, bên cạnh việc Washington nhất mực cho rằng đánh bại Nhà nước Hồi giáo có ưu tiên cao hơn việc lật đổ chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Giới hữu trách Mỹ xem cánh quân sự của PYD, có tên là Các đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG), là đối tác hữu hiệu nhất tại thực địa trong cuộc chiến đấu chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo. Nhưng chính phủ ở Ankara e rằng người Kurd ở Syria muốn lập ra một nước độc lập dọc theo biên giới giáp với Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, chuyến đi Kobani của Đặc sứ McGurk có mục đích duyệt xét thành quả của cuộc chiến của liên minh quốc tế do Mỹ lãnh đạo để chống lại Nhà nước Hồi giáo.

Trong khi đi thăm Kobani, ông McGurk đã viết trên trang Twitter của ông “Trải qua hai ngày ở miền bắc Syria hồi cuối tuần qua để xem xét cuộc chiến đấu đang tiếp diễn chống lại Nhà nước Hồi giáo. “ Ông nói thêm “Đã vinh danh hơn 1.000 người Kurd hy sinh trong trận đánh Kobani. Cuộc vây hãm Kobani đã bị phá vỡ đúng một năm hồi tuần trước.”

Lời giải thích đó không làm cho Thổ Nhĩ Kỳ và các nhóm nổi dậy ở Syria nguôi giận.

Giờ đây, trong lúc nhóm YPG của người Kurd chiến đấu chống lại các nhóm của Quân đội Syria Tự do ở mạn bắc thành phố Aleppo, chuyến đi của ông McKurd lại được nêu lên bởi các chiến binh nổi dậy chống Assad và các giới chức Thổ Nhĩ Kỳ. Những người này nêu nghi vấn là phải chăng các nhân vật lãnh đạo PYD đã tiết lộ cho ông McGurk kế hoạch chiếm đất ở miền bắc Syria cho người Kurd.

Các giới chức Mỹ bác bỏ tố cáo đó và cho biết Lực lượng Dân chủ Syria, mà đại đa số thành viên là người sắc tộc Kurd, là một nhóm khác và họ không hề phối hợp với Mỹ trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo ở đông bắc Syria.

Vụ xích mích giữa Washington và Ankara đã trở nên nghiêm trọng hơn sau khi chế độ Assad phát động cuộc phản công lớn ở Aleppo với sự yểm trợ của những vụ không kích của Nga.

Phe nổi dậy cho rằng chiến binh người Kurd đang giúp đỡ cho chính quyền Assad qua việc tiến chiếm nhiều thị trấn từ tay họ, kể cả một căn cứ không quân mà các lực lượng chống chính phủ Syria đã nắm quyền kiểm soát kể từ tháng 8 năm 2013. Họ cũng cho rằng Lực lượng Dân chủ Syria của người Kurd đã phối hợp những vụ tấn công với Nga và chế độ Assad.

Tố cáo đó đã bị nhóm YPG bác bỏ.

Một thông cáo của Tòa Bạch Ốc cho biết trong cuộc điện đàm với Tổng thống Erdogan hôm thứ sáu tuần trước, Tổng thống Obama khẳng định là các lực lượng của YPG không lợi dụng những chiến thắng mới đây của chế độ Assad để chiếm thêm đất đai cho mình. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Indonesia đánh chìm tàu cá Việt Nam

27 tàu nước ngoài, trong đó có tàu của Việt Nam, đã bị đánh chìm, trong khi đảo quốc lớn nhất thế giới này tăng cường nỗ lực ngăn chặn nạn đánh bắt hải sản trái phép trong vùng biển của nước mình.

Theo thông báo của Bộ trưởng Thủy sản Susi Pudjiastuti, những chiếc tàu rỗng của Việt Nam, Philippines, Malaysia và Myanmar đã bị làm cho nổ tung hoặc bị đánh chìm tại 5 địa điểm riêng rẽ khắp Indonesia.

Tất cả các tàu này đều bị thu giữ vì đánh bắt cá trái phép tại đảo quốc gồm hơn 17 nghìn hòn đảo này.

4 tàu của Indonesia cũng bị đánh đắm sau khi bị phát hiện đánh bắt cá trái phép mà không có giấy tờ hợp lệ.

Các tàu thuyền bị đánh đắm có thể trở thành rặng san hô nhân tạo cho cá.

Trước đó, Indonesia đã nhiều lần tiến hành cho nổ tung hoặc đánh chìm các tàu bị giữ vì đánh bắt hải sản trái phép.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo nói rằng những hành động trái phép này đã khiến nền kinh tế của nước ông thiệt hại hàng tỷ đôla mỗi năm.

Tuy nhiên, chiến dịch này đã gây căng thẳng với các nước khác trong khu vực.

Năm ngoái, Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại sau khi một tàu cá của Trung Quốc bị làm cho nổ tung.

Kể từ năm 2014, Indonesia từng bắt giữ và đánh chìm nhiều tàu đánh cá của Việt Nam.

Báo chí Việt Nam từng dẫn lời phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết Việt Nam đã “tiếp xúc nghiêm túc với phía Indonesia về việc này và yêu cầu Indonesia khi xử lý các ngư dân nước ngoài vi phạm lãnh hải của Indonesia phải tuân thủ luật pháp quốc tế và trên tinh thần đối xử nhân đạo với các ngư dân, cũng như quan hệ giữa Indonesia với các quốc gia khác”. - VOA
|
|

6.
VN tăng cường quân sự giữa lúc căng thẳng leo thang ở Biển Đông

Hành động quân sự hoá các đảo mới xây ở Biển Đông của Trung Quốc đã biến Việt Nam thành một trong các nước nhập khẩu vũ khí năng động nhất trên thế giới.

Tờ The Wall St. Journal hôm 21/2 tường thuật rằng Hà Nội mua nhiều vũ khí hơn các nước láng giềng giàu có hơn như Nam Triều Tiên và Singapore, trong bối cảnh Việt Nam đang chống chọi những đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ ngày càng có tính cách gây hấn hơn của Trung Quốc trong Biển Đông.

Việt Nam nhập khẩu vũ khí nhiều hàng thứ 8 trên thế giới trong thời gian từ năm 2011 tới năm 2015, một bước nhảy vọt so với 5 năm trước đó, khi Việt Nam xếp hạng thứ 43, dựa trên cuộc khảo sát thường niên mới nhất về xu hướng mua bán vũ khí trên toàn cầu do Viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế ở Stockholm thực hiện, và công bố kết quả trong ngày hôm nay, thứ Hai 22/2.

Viện Nghiên cứu Stockholm ước lượng trị giá vũ khí mà Việt Nam nhập trong thời gian từ 2011-2015 chiếm 3% trị giá vũ khí được mua bán trên toàn thế giới.

Đứng đầu danh sách này là Ấn Độ, quốc gia nhập khẩu tới 14% vũ khí được trao đổi trên toàn cầu, tiếp theo đó là Ả Rập Xê-út và Trung Quốc.

Mặt khác, Trung Quốc cũng trở thành nước xuất khẩu vũ khí quan trọng, qua mặt các đối thủ Châu Âu để trở thành nước cung cấp vũ khí lớn thứ 3 trên thế giới.

Theo nguồn tin này thì các cuộc tranh chấp lãnh thổ trong Biển Đông là nguyên nhân Việt Nam phải đầu tư rất nhiều để nâng cấp lực lượng hải quân và không quân hầu có thể tự bảo vệ trước những đòi hỏi chủ quyền các vùng biển đang trong vòng tranh chấp với Trung Quốc và với các nước láng giềng khác.

Mới đây Bắc Kinh đã đưa hệ thống tên lửa tối tân ra quần đảo Hoàng Sa mà họ chiếm của Việt Nam từ năm 1974.

Hôm thứ Sáu phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết Hà Nội đã gửi công hàm tới đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội và Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon để phản đối và đòi Bắc Kinh chấm dứt ngay hành động quân sự hoá này.

Trước đó Hoa Kỳ cũng đã mạnh mẽ chỉ trích Trung Quốc ‘quân sự hóa’ Biển Đông và nhắc lại lời cam kết của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình khi sang thăm nước Mỹ là sẽ không quân sự hoá Biển Đông. - VOA

No comments:

Post a Comment