Tuesday, February 16, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Ba 16/2

Tin Thế Giới

1.
Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN làm bùng ra nhiều cuộc biểu tình --- Tổng thống Mỹ gặp gỡ Thủ tướng Việt Nam bên lề hội nghị Sunnylands

Tổng thống Barack Obama hôm thứ Hai đã chào đón các nhà lãnh đạo ASEAN đến Sunnylands, bang California, dự hội nghị thượng đỉnh hai ngày bàn về các vấn đề an ninh và thương mại.  Thông tín viên Mike O'Sullivan của đài VOA tường trình rằng hội  nghị đã thu hút hàng trăm người biểu tình đòi chấm dứt vi phạm nhân quyền trong khu vực.

Tổng thống Obama chào đón lãnh đạo của 10 nước thành viên Hiệp hội các Quốc gia Ðông Nam Á, gọi tắt là ASEAN, và ông nói rằng Hoa Kỳ đã tái cân bằng chính sách ngoại giao ở châu Á – Thái Bình Dương.

"Các chính sách này bao gồm hợp tác với các nước Ðông Nam Á và ASEAN, là trung tâm của hòa bình và ổn định khu vực, và để chia sẻ mục tiêu của chúng tôi trong việc thiết lập trật tự khu vực, nơi tất cả các nước tôn trọng một luật lệ chung."

Các di dân Ðông Nam Á nói rằng vấn đề vi phạm nhân quyền phải đưa lên đầu nghị trình. Một số di dân đến từ Campuchia, đất nước do Thủ tướng Hun Sen nắm quyền cai trị trong  suốt 30 năm qua.

Ông Bona Chhith, một người Mỹ gốc Campuchia, tham gia biểu tình.

"Chúng tôi đến đây biểu tình để gởi một thông điệp rõ ràng đến ông Hun Sen rằng chúng tôi không ủng hộ cộng sản, chúng tôi không ủng hộ độc tài, chúng tôi không ủng hộ bạo chúa.  Ông ấy hết thời rồi. Ông ấy phải ra đi."

Những người biểu tình khác lên án chính phủ Lào và việc Việt Nam bao trùm ảnh hưởng lên nước láng giềng này.

Cuộc đảo chính năm 2014 ở Thái Lan cũng thu hút những người chống đối thủ tướng Thái Lan đến dự hội nghị.

Ông Chao Suethae, một người Thái Lan tham gia biểu tình, nói:

"Ông ấy không nên đến một xứ tự do như Hoa Kỳ này. Những kẻ độc tài không nên đến đất nước tự do này."

Bốn thành viên của ASEAN tham gia hiệp ước tự do thương mại xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là TPP, do Hoa Kỳ chủ xướng.

Tổng thống Obama nói TPP sẽ mang lại những chuẩn mực cao cho quyền của người lao động.

"Qua việc tham gia TPP, các nước Singapore, Việt Nam, Malaysia, và Brunei cam kết với các chuẩn mực cao về lao động và môi trường."

Nhưng những người biểu tình nói những tiêu chuẩn đó chưa đủ cao.

Bà Lua Masumi của Chiến dịch Thương mại cho Công dân.

"TPP cho phép doanh nghiệp mang công việc ra các nước có tiêu chuẩn bảo vệ môi trường kém nhất, những nơi người lao động dễ dàng bị bót lột nhất và tạo ra xu hướng kéo lương bổng ở Mỹ xuống thấp."

Tổng thống Obama nói hội nghị này sẽ tạo ra cơ hội cho người lao động ở Hoa Kỳ và Ðông Nam Á.  Nhưng những người biểu tình nói họ không tin như vậy. - VOA

***
Bên lề Hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ-ASEAN tại Sunnylands, Tổng thống Barack Obama đã gặp gỡ Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng.

Tổng thống Obama và Thủ tướng Dũng thảo luận về việc tiếp tục củng cố mối quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam trong năm 2015, đánh dấu kỷ niệm 20 năm khôi phục quan hệ ngoại giao và những tiến bộ hơn nữa trong một khuôn khổ song phương được gọi là Quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam.

Hai nhà lãnh đạo ghi nhận tầm quan trọng của thỏa thuận Quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, an ninh hàng hải, và nhân quyền để thúc đẩy quan hệ song phương.

Tổng thống cũng nhận lời mời của phía Việt Nam đến thăm vào tháng 5 khi ông đến Nhật Bản dự Hội nghị thượng đỉnh G-7. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

2.
Hải quân Mỹ tố cáo Trung Quốc gây bất ổn tại Biển Đông

Chiến thuật của Trung Quốc bố trí tàu tuần duyên và máy bay phản lực trong vùng Biển Đông có thể gây bất ổn trong khu vực. Trên đây là tuyên bố của phó đô đốc Joseph Aucoin, tư lệnh hạm đội 7 của Mỹ tại Thái Bình Dương tại Singapore trước ngày thượng đỉnh Mỹ-ASEAN khai mạc tại California, Hoa Kỳ. 

Trong cuộc họp báo ngày 15/02/2016 tại Singapore, tư lệnh hạm đội 7 của Mỹ cho biết là sự kiện Trung Quốc sử dụng tàu tuần duyên và hải thuyền không thuộc lực lượng hải quân để họat động trong vùng Hoàng Sa và Trường Sa, gây khó khăn cho nỗ lực của Mỹ tránh đụng độ võ trang.

Theo giải thích của phó đô đốc Mỹ Joseph Aucoin, hải quân Mỹ và hải quân Trung Quốc có thỏa thuận và mật mã để liên lạc với nhau tránh va chạm thì các tàu cảnh sát biển, kiểm ngư của Trung Quốc mà Mỹ gọi là « tàu chở cải bắp » thiếu chuyên nghiệp quân sự hiện diện trong vùng biển đảo tranh chấp gây « lo ngại rất lớn ».

Tư lệnh hạm đội 7 cũng cảnh báo ý đồ Trung Quốc sử dụng các phi trường mà họ đã xây dựng tại Hoàng sa và TrườngSa cho máy bay chiến đấu. Theo phó đô đốc Joseph Aucoin, chưa rõ khi nào thì máy bay quân sự sẽ sử dụng các phi trường xây dựng trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông nhưng hành động này của Trung Quốc sẽ gây mất ổn định cho khu vực.

Hoa Kỳ sẽ không chấp nhận chuyện đã rồi và sẽ tiếp tục tuần tra trên không và trên biển như bình thường. Tư lệnh Mỹ khẳng định vai trò của hải quân Mỹ không phải là khiêu khích ai mà chỉ thực thi quyền tự do giao thông. Ông yêu cầu Trung Quốc hãy nói rõ ý định và mục đích của họ.

Theo giới phân tích, trong vài tháng tới đây, Trung Quốc sẽ cho máy bay quân sự ra vào Hoàng Sa và Trường Sa. 
Tư lệnh hạm đội 7 đưa ra những lời tuyên bố chống Trung Quốc độc chiếm Biển Đông trong bối cảnh tại Hoa Kỳ, tổng thống Mỹ tiếp lãnh đạo Đông Nam Á với hợp tác kinh tế và an ninh khu vực là chủ đề chính.

Yêu cầu Trung Quốc công khai hóa ý đồ xây đảo nhân tạo và phi trường, hải cảng trong vùng tranh chấp tại Biển Đông cũng là mối quan tâm của Úc. Hôm qua, tại Tokyo, ngoại trưởng Úc Julie Bishop cho biết khi đến Bắc Kinh (16/02), bà sẽ yêu cầu Trung Quốc giải thích rõ sử dụng các đảo nhân tạo ở Biển Đông để làm gì. - RFI
|
|

3.
Cựu TT George W. Bush vận động tranh cử cho em trai Jeb Bush

Cựu Tổng Thống Mỹ George W. Bush xuất hiện lại sau một thời gian rút lui khỏi chính trường Mỹ, để tìm cách đẩy mạnh cuộc vận động của em trai Jeb Bush, trong cuộc đua để được Đảng Cộng hòa đề cử làm ứng cử viên Tổng Thống trong cuộc bầu cử năm 2016.

Tổng thống George W. Bush ca ngợi cá tính của em ông, và kêu gọi cử tri bác bỏ những lời hoa mỹ của ông Donald Trump, ứng cử viên được ủng hộ nhiều nhất trong cuộc vận động trong Đảng Cộng Hoà, trong một cuộc mít-tinh vào đêm hôm qua ở thành phố Charleston, bang South Carolina.

Dù không nêu đích danh nhà tỷ phú địa ốc này, ông George W. Bush nói:

“Đây là một thời điểm đầy khó khăn và tôi biết rằng người Mỹ đang phẫn nộ, nhưng chúng ta không cần một nhân vật trong Phòng Bầu Dục phản ánh sự phẫn nộ và những sự bực dọc của chúng ta, và còn làm cho nó bùng phát dữ dội hơn nữa.”

Cựu Tổng Thống Bush xuất hiện cùng với phu nhân Laura Bush ở Charleston, nơi Đảng Cộng Hoà đang tổ chức một cuộc bầu cử sơ bộ quan trọng để chọn ứng cử viên tổng thống vào ngày thứ Bảy tới đây.

Nhà cựu lãnh đạo Mỹ đã xa lánh chính trị từ khi rời nhiệm sở vào năm 2009 sau hai nhiệm kỳ tổng thống, nhưng giờ đã bắt đầu xuất hiện để ủng hộ cuộc vận động đang gặp khó khăn của ông Jeb Bush. - VOA
|
|

4.
HRW kêu gọi Obama thúc đẩy bầu cử tự do ở Việt Nam

Trong một bài viết đăng trên tờ Washington Post ngày 15/02/2016, ông Brad Adams, giám đốc đặc trách châu Á của tổ chức nhân quyền Mỹ Human Rights Watch( HRW ), kêu gọi tổng thống Barack Obama thúc đẩy bầu cử tự do ở Việt Nam.

Mở đầu bài viết, ông Adams viết một cách châm biếm : «Trong khi chưa có ai đoán được người nào sẽ thắng cử trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11 tới, thì tôi có thể nói chắc chắn với bạn, trước khi bỏ phiếu, là ai sẽ thắng cử trong cuộc bầu cử năm nay ở Việt Nam. Đó sẽ là tướng Trần Đại Quang. Thậm chí tôi còn biết ai sẽ là tân thủ tướng. Tên của ông là Nguyễn Xuân Phúc ».

Sau khi điểm lại diễn biến Đại hội Đảng vừa qua, giám đốc châu Á của HRW ghi nhận là mặc dù chỉ có một nhóm nhỏ các lãnh đạo Đảng chọn những người sẽ lên lãnh đạo Việt Nam, gạt sang một bên 93 triệu dân, thế mà ông Nguyễn Phú Trọng đã dám tuyên bố ( trong cuộc họp báo bế mạc Đại hội ) rằng : « Đại hội này là Đại hội biểu thị tinh thần Dân chủ- Đoàn kết- Kỷ cương –Trí Tuệ ».

Nhưng ông Adams lưu ý rằng, mặc dù không được quyền bỏ phiếu, nhiều người dân đã theo dõi rất sát sao cuộc đấu đá trong Đảng, cho thấy là họ rất mong muốn tham gia vào việc bầu chọn các lãnh đạo của họ. Ông viết : «  Chắc là có người hy vọng Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu, đã từng nói rằng bầu cử tự do và công bằng ở Miến Điện là điều kiện để quốc tế quan hệ chặt chẽ hơn và trợ giúp nhiều hơn cho nước này, cũng sẽ ủng hộ cho khát vọng dân chủ bằng cách công khai kêu gọi bầu cử đa đảng thật sự ở Việt Nam ». Nhưng giám đốc châu Á ghi nhận sự im lặng của quốc tế trên vấn đề này.

Cũng theo nhận xét của ông Adams, trong chính sách « cân bằng lại » quan hệ với các nước châu Á và trong nỗ lực kềm chế thế đang lên của Trung Quốc, chính quyền Obama đặt trọng tâm vào hiệp định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương, thách thức những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông và gia tăng hợp tác về an ninh. Dân chủ có được nhắc đến, nhưng đó không phải là ưu tiên.

Đối với giám đốc châu Á của HRW, thượng đỉnh Mỹ-ASEAN là « cơ hội bằng vàng » để tổng thống Obama đưa những giá trị còn thiếu vào chính sách châu Á vẫn được quảng bá ầm ĩ. Với tư cách chủ nhà, ông Obama không chỉ yêu cầu trả Hà Nội trả tự do cho toàn bộ các tù chính trị, mà còn phải kêu gọi Việt Nam theo gương Miến Điện tổ chức bầu cử đa đảng thật sự.

Ông Adams kết luận : « Áp lực quốc tế trong nhiều thập niên đã tạo nên không gian chính trị cho cuộc bầu cử năm ngoái để cử tri ở Miến Điện được quyết định ai sẽ lãnh đạo đất nước. Tổng thống Obama phải có cùng những khát vọng đó đối với nhân dân Việt Nam. Và ông phải nói điều đó một cách rõ ràng". - RFI
|
|

Tin Việt Nam

5.
Thủ tướng Dũng lấy lại thanh thế tại Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN? --- Dự thảo hé lộ ‘Nguyên tắc Sunnylands’ tại hội nghị Mỹ-ASEAN

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nắm cơ hội “có một không hai” để “hạ cánh trong vinh quang”, trong khi có tin Tổng thống Barack Obama nhận lời mời tới thăm Việt Nam vào tháng Năm.

Theo nhận định của các nhà phân tích, hội nghị thượng đỉnh chưa có tiền lệ giữa Hoa Kỳ và ASEAN ở California, Mỹ, là thời cơ để ông Nguyễn Tấn Dũng tự thể hiện và lấy lại thanh thế sau khi để chức tổng bí thư lọt vào tay ông Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội đảng vừa qua.

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia về quan hệ Việt – Mỹ của Đại học George Mason, nhận định với VOA Việt Ngữ rằng ông Dũng tới hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ với lãnh đạo các quốc gia Đông Nam Á ở “trong thế yếu” sau những biến cố chính trị vừa qua, nhưng đây lại là một cơ hội cho người đứng đầu chính phủ Việt Nam. Ông Hùng nói thêm:

“Đây là cơ hội cho Việt Nam nói tiếng nói của mình. Nếu ông Dũng hoặc thuyết phục được đảng, hoặc đảng của ông ấy có thể họp với nhau đưa ra tín hiệu lớn nào đó, để ông ấy đại diện cho Việt Nam, đưa ra một sáng kiến nào quan trọng, hoặc có lời tuyên bố nào hoành tráng. Điều đó không những giúp cho ông ấy xuống một cách vinh quang mà cũng có thể giúp cho Việt Nam nói được tiếng nói, nhất là bây giờ, ông ấy lại là “lame-duck” [vịt què, tại vị trong khi chờ người khác lên kế nhiệm], thành ra ông ấy có thể nói bạo hơn bình thường. Trong chính trị, người ta có thể đưa ra cái gọi là “trial balloon” (quả bóng thử đường [thăm dò]). Có thể đưa ra tuyên bố thử đã. Còn sau này nếu có thì ông thay thế sẽ làm khác đi.”

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN là cuộc họp quốc tế quan trọng đầu tiên mà ông Dũng tham gia sau khi ông rút khỏi cuộc chạy đua vào chức Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam tại Đại hội 12 cuối năm ngoái.

Bên lề cuộc họp ở Sunnylands, California, nơi Tổng thống Mỹ từng đóng tiếp Chủ tịch Trung Quốc, ông Obama đã có cuộc họp song phương với Thủ tướng Dũng.

Theo thông cáo của Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về việc tiếp tục củng cố mối bang giao Việt – Mỹ trong khuôn khổ của mối quan hệ đối tác toàn diện.

Ngoài ra, đôi bên cũng “nhấn mạnh tới tầm quan trọng của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, vấn đề an ninh biển và nhân quyền đối với việc thúc đẩy quan hệ song phương”.

Ông Obama cũng nhận lời mời đến thăm Việt Nam vào tháng Năm tới khi ông đến Nhật Bản dự Hội nghị thượng đỉnh G7.

Đây là lần đầu tiên phía Nhà Trắng nêu cụ thể thời gian ông Obama tới thăm Việt Nam. Trước đó, trong các cuộc gặp với các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam khác như Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Hoa Kỳ, ông Obama chỉ lên tiếng “nhận lời mời”, mà không nêu ngày giờ cụ thể.

Một số nhà quan sát cho rằng việc đó cho thấy ít nhất một thành công của ông Dũng tại hội nghị Mỹ - ASEAN.

Trước hội nghị này, có tin cho hay rằng Thủ tướng Việt Nam không tham dự, nhưng sau đó đã đổi ý sau sự can thiệp của phía Hoa Kỳ.

Cuộc họp chưa từng có tiền lệ giữa Tổng thống Mỹ với tổng thư ký và các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ diễn ra từ ngày 15/2 đến 16/2.

Theo dự kiến, hôm nay, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận vấn đề an ninh biển, đặc biệt là biển Đông, nơi nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, có các tuyên bố chủ quyền trái ngược với Trung Quốc.

Liên quan tới chủ đề này, phát biểu tại lễ khai mạc hôm qua, Tổng thống Obama nói:

“Tại hội nghị thượng đỉnh này, chúng ta có thể thúc đẩy tầm nhìn chung về trật tự khu vực -- nơi các luật lệ quốc tế, nhất là quyền tự do hàng hải, được tôn trọng, và các tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình, thông qua luật pháp.”

Các quan chức Nhà Trắng được hãng tin Reuters trích lời nói rằng Tổng thống Mỹ sẽ truyền đi một thông điệp cứng rắn đối với Trung Quốc là tranh chấp ở biển Đông cần phải được giải quyết một cách hòa bình và không phải bằng việc “bắt nạt” nước khác.

Các nhà phân tích cho rằng một thách thức có lẽ là làm sao để tất cả các nước ASEAN, nhất là Campuchia và Lào, hai quốc gia bị coi là chịu sức ép của Bắc Kinh, tán đồng một tuyên bố mạnh mẽ về biển Đông.

Chưa rõ là ông Dũng sẽ phát biểu như thế nào tại cuộc thảo luận này.

Nhưng ông từng tuyên bố “không đánh đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông” liên quan tới vấn đề biển Đông và quan hệ với Bắc Kinh, và nhận được nhiều sự ủng hộ của dân chúng.

Chính tuyên bố này đã khiến nhiều nhà quan sát cho rằng ông Dũng đã làm mếch lòng Trung Quốc, nhưng lại được Mỹ “quan tâm”. - VOA

***
Một thỏa thuận quan trọng về sự giao tiếp giữa Mỹ và châu Á có thể bao gồm những chi tiết gây tranh cãi đề cập tới hàng hải và quân sự hóa.

Theo một bản dự thảo ban đầu của một tài liệu mà VOA Tiếng Khmer có được, các nhà lãnh đạo ASEAN và Tổng thống Barack Obama đang thảo luận một tập hợp những điểm được biết tới với tên gọi là "Nguyên tắc Sunnylands," trong hội nghị thượng đỉnh diễn ra tại điền trang Sunnylands ở thành phố Rancho Mirage, bang California.

Sự giao tiếp chưa có tiền lệ này với 10 nước thành viên của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á được xem là một phần trong nỗ lực của chính quyền Obama chống lại ảnh hưởng của một nước Trung Quốc đang trỗi dậy.

Bản dự thảo ban đầu được một nhà ngoại giao cung cấp cho VOA Khmer dường như là tiền thân của một tuyên bố chung mà có thể được công bố vào cuối hội nghị hai ngày vào ngày thứ Ba.

Chưa rõ mức độ đồng thuận đạt được là bao nhiêu về những nguyên tắc của bản dự thảo. Bản dự thảo mở đầu với tuyên bố Hoa Kỳ và ASEAN "nhân cơ hội này tái khẳng định những nguyên tắc quan trọng mà sẽ hướng dẫn sự hợp tác của chúng ta tiến về trước."

Nó khẳng định cam kết của hai bên đối với tự do thương mại và xây dựng "những nền dân chủ mạnh mẽ hơn, nền quản trị tốt, thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền và những quyền tự do căn bản, và thúc đẩy sự khoan dung và ôn hòa."

Những nguyên tắc trong bản dự thảo dường như ủng hộ phương thức tiếp cận đa phương để giải quyết tranh chấp, bao gồm "sự tôn trọng đối với tính trung lập của ASEAN như một nguyên tắc hướng dẫn trong việc định hình cấu trúc đa phương của khu vực châu Á-Thái Bình Dương," là một trong những nguyên tắc của bản dự thảo.

Có những ngôn từ đề cập đến tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông giữa các nước ASEAN và Trung Quốc.

Khi được hỏi về một tuyên bố chung bao gồm những ngôn từ nhắc tới Biển Đông, Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice nói rằng Mỹ sẽ tiếp tục làm việc với những đối tác ASEAN về một vấn đề tiềm năng mà có thể được nêu lên cùng nhau. "Nó sẽ không tập trung chủ yếu vào Biển Đông và trong đó chúng tôi nhất quán nêu bật sự cần thiết phải giải quyết [tranh chấp] thông qua những biện pháp hòa bình và hợp pháp," bà nói thêm.

Trung Quốc và Campuchia, đồng minh của nước này trong khu vực, trước đây đã khước từ những lời kêu gọi từ Việt Nam và Philippines để cho những vụ tranh chấp được giải quyết thông qua ASEAN. Trung Quốc muốn đối phó song phương với từng quốc gia có tranh chấp chủ quyền với nước này về những đảo tranh chấp và những đảo san hô.

Những nguyên tắc chính trong bản dự thảo khẳng định việc "giải quyết hòa bình những tranh chấp, bao gồm cả thông qua trọng tài, phù hợp với luật pháp quốc tế" và "tầm quan trọng của thương mại hợp pháp không bị cản trở, bao gồm quyền tự do hàng hải và bay ngang theo như mô tả trong Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển, cũng như cam kết phi quân sự hóa." - VOA
|
|

6.
Dân Việt hô hào tưởng niệm tử sỹ chiến tranh biên giới Việt-Trung

Một nhóm các nhà hoạt động xã hội ở Việt Nam mới lên tiếng kêu gọi người dân trong nước tới tham dự một sự kiện ở Hà Nội vào ngày mai để thắp hương, tưởng nhớ các chiến sỹ đã hy sinh trong chiến tranh biên giới Việt – Trung nhiều thập kỷ trước.

Thông báo của nhóm No-U, chống đường lưỡi bò của Trung Quốc ở biển Đông, có đoạn: “Vào ngày 17/02/1979, quân đội Trung Cộng đã đồng loạt nổ súng trên toàn tuyến biên giới nước ta, với lý do dạy cho Việt Nam một bài học nhưng thực chất là âm mưu đưa Việt Nam vào cảnh nô lệ, phụ thuộc. Để tưởng nhớ và biết ơn những chiến sĩ và nhân dân đã hi sinh, anh em No-U chúng tôi sẽ tổ chức lễ thắp hương tưởng niệm 37 năm Chiến tranh biên giới, tại Hà Nội”.

Blogger Lã Việt Dũng, một thành viên của No-U, nói với VOA Việt Ngữ rằng đây là một ngày “xứng đáng được kỷ niệm trong lịch sử của nhân dân Việt Nam” và “khi chính quyền không chủ động làm điều đấy thì người dân hoàn toàn có quyền, và rất nên làm”.

Người từng nhiều lần xuống đường biểu tình chống Trung Quốc nói thêm:

“Trước mỗi lần diễn ra các cuộc tưởng niệm như thế này thì không ai đoán trước được điều gì cả. Nhưng mà chúng tôi, cá nhân tôi, có niềm tin rất lớn rằng năm nay chúng tôi sẽ không bị phá. Hiện giờ Trung Quốc tăng cường khẳng định chủ quyền của họ ở Trường Sa và Hoàng Sa. Cái đó gần như là một cách trực tiếp đánh vào tình hợp tác, hữu nghị của hai nước. Do đó, chính quyền cộng sản Việt Nam không quá khắt khe ngăn chặn những việc người dân Việt Nam lên tiếng về các vấn đề lịch sử giữa hai nước như vấn đề biển đảo nữa. Đó là lý do thứ nhất mà tôi tin sẽ không có vấn đề gì."

Trong thông báo này, nhóm No-U còn “đề nghị chính quyền Hà Nội bảo đảm an ninh trật tự” và “ngăn cản các dư luận viên đến quấy rối, phá hoại buổi lễ”.

Trong khi đó, trên trang Facebook, nhiều người sử dụng đã thay hình ảnh đại diện bằng hình ảnh hoa sim tím với dòng chữ “17/2/1979 – nhân dân sẽ không quên”.

Cuộc chiến ngắn ngày, nhưng khốc liệt, trên biên giới Việt – Trung cuối những năm 70 đã gây thương vong lớn giữa hai nước láng giềng từng được coi là có mối quan hệ ‘môi hở răng lạnh’. - VOA

No comments:

Post a Comment