Friday, January 29, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 29/1

Tin Thế Giới

1.
Phe đối lập Syria sẽ không dự hòa đàm

Phe đối lập Syria nói họ sẽ không có mặt tại hòa đàm dự kiến bắt đầu ở Geneva hôm nay (29/1).

Nhóm được Ả Rập Xê-út hậu thuẫn có tên Hội đồng Đàm phán Cấp cao nói hôm thứ Năm rằng những hồi đáp mà họ nhận được dành cho các yêu sách của đòi chấm dứt không kích và bãi bỏ một bao vây ở Syria là không chấp nhận được.

Hội đồng đã họp ở Riyadh tuần này và cho hay họ sẽ vẫn ở đó đến hết ngày hôm nay, không dự ngày khai mạc các hội đàm về các vấn đề khái quát ở Thụy Sỹ. Tuy nhiên, các đại diện của nhóm không loại trừ việc sẽ tham gia cuộc hội đàm dự kiến kéo dài nhiều tháng.

Tuyên bố này cho thấy những khó khăn đang gặp phải trong tiến trình chuẩn bị cho đàm phán kết thục một cuộc xung đột sắp bước sang năm thứ 6, đã làm chết 250.000 người và làm mất nhà cửa của 4,6 triệu người khác. Trong một thông điệp video hôm thứ Năm, Đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Syria Staffan de Mistura nói cuộc hội đàm là một cơ hội không được bỏ lỡ.

Các nhà tổ chức của Liên Hiệp Quốc nói đây sẽ không phải là hòa đàm mà chỉ là các cuộc đối thoại nhằm đặt nền móng cho các cuộc đàm phán.

Các đại diện chính phủ Syria quyết định tham dự sau khi thảo luận hồi đầu tháng này với Đặc sứ Liên Hiệp Quốc Staffan de Mistura ở Damascus. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

2.
Không có ông Trump trong cuộc tranh luận của các ứng viên Cộng Hòa

Các ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa đã thực hiện cuộc tranh luận cuối cùng trước cuộc họp kín ngày thứ Hai ở Iowa, nhưng vẫn chưa rõ có ứng viên nào gia tăng được sự ủng hộ trong cử tri.

Cuộc họp này là sự kiện đầu tiên ở đó các công dân thực sự đưa ra lựa chọn về người đề cử chính thức của đảng họ ra tranh cử tổng thống.

Người hiện dẫn đầu, ông Donald Trump, đã không tham gia cuộc tranh luận vì có bất đồng với một người dẫn chương trình tại hãng Fox News. Ông chọn thực hiện cuộc gây quỹ cho các cựu binh cách địa điểm diễn ra cuộc tranh luận không xa.

Các ứng viên đã nhanh chóng thể hiện họ xứng đáng là tổng thống, bàn thảo về nhập cư và an ninh quốc gia. Các ứng viên đều cố gắng vượt qua ông Donald Trump, người hiện đang dẫn đầu trong hầu hết các cuộc thăm dò dư luận trước cuộc họp kín hôm Thứ Hai.

Sau cuộc tranh luận, ít nhất một ứng viên đã hoài nghi liệu khung chương trình đó có ích gì không.

Ứng viên đảng Cộng Hòa Ben Carson nói

“Bạn biết đấy, khung chương trình này không phải là hình mẫu tốt nhất thuyết phục được ai về bất cứ điều gì. Bạn biết đấy, chúng ta chỉ tiếp xúc với những lời phát biểu thay vì có thể giải thích một chuyện theo chiều sâu. Đáng tiếc, đó là đặc điểm của xã hội chúng ta đang sống. Chúng ta đang sống trong một xã hội dựa vào những lời trích dẫn, những lời phát biểu”.

Trong khi đó, ông Trump nói với các ủng hộ viên tại buổi gây quỹ rằng ông không tham gia cuộc tranh luận vì ông có lòng tự trọng.

Ông nói: “Bạn phải tách ra vì quyền của mình. Khi bạn bị đối xử tồi, bạn phải đứng lên vì quyền của mình” Ông nói quỹ của ông đã quyên góp được 5 triệu đôla cho các cựu binh Mỹ. - VOA
|
|

3.
TT Obama: Tổng thống Mỹ tiếp theo sẽ là người của đảng Dân Chủ

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói với những người cùng đảng rằng ông chắc chắn người của đảng Dân Chủ sẽ là tổng thống tiếp theo của Mỹ.

Phát biểu hôm thứ Năm ở Baltimore, phía bắc Washington, tổng thống nói: “Đảng Dân Chủ sẽ chiến thắng vào tháng 11 và chúng ta sẽ có một tổng thống là người đảng Dân Chủ kế nhiệm tôi”.

Ông Obama nói ông tin tưởng vào lời dự đoán của ông vì người của đảng Dân Chủ “đặt trọng tâm vào những gì quan trọng đối với đời sống của nhân dân Mỹ”.

Tổng thống đã phát biểu trước các nhà lập pháp đảng Dân Chủ trong dịp nghỉ thường niên của họ.

Tại cuộc gặp, ông Obama đã mỉa mai ứng viên của đảng Cộng Hòa Donald Trump bằng lời nhận xét như sau: “Chúng ta sẽ không củng cố vai trò lãnh đạo của chúng ta trên thế giới bằng cách cho phép các chính trị gia xúc phạm người Hồi giáo hay kích động các nhóm người Mỹ chống lại nhau”.

Ông Trump đã kêu gọi ngừng cho phép người Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ và cũng đã gây ra sự rạn nứt trong đảng Cộng Hòa. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

4.
The Straits Times : Phe bảo thủ vẫn thắng thế ở Việt Nam và Lào --- Đại hội Đảng 12 qua cái nhìn của The Economist

Tờ nhật báo The Straits Times của Singapore hôm nay, 29/01/2016, có bài nhận định về Đại hội đảng Cộng Sản lần thứ 12 ở Việt Nam, vừa bế mạc hôm qua, cũng như về Đại hội đảng Nhân Dân Cách Mạng Lào, bế mạc tuần trước. Bài viết có tựa đề : « Phe bảo thủ vẫn thắng thế ở Việt Nam và Lào ».

Ở Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng vừa tái đắc cử tổng bí thư ngày 27/01, còn ngày 22/01, ở Lào, ông Bounnhang Vorachit đã được bầu làm tân tổng bí thư. Qua hai kết quả bầu cử này, các nhà phân tích nhận định rằng đảng cầm quyền ở cả hai nước đều muốn có sự kế tục hơn là thay đổi sâu rộng, và họ sẽ không nhanh chóng tự do hóa hệ thống chính trị.

The Straits Times ghi nhận là ở Việt Nam, các đấu đá nội bộ đã không phá hỏng cơ chế lấy quyết định tập thể. Trả lời nhật báo Singapore qua điện thoại, giáo sư Carl Thayer, Đại học New South Wales của Úc, cho rằng xu hướng tập trung, duy trì sự cân bằng, đã không thay đổi. Về phần ông Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên khách mời tại Viện Iseas-Yusof Ishak ở Singapore, thì nhận định : « Với việc thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra đi, họ đã cố gắng chặn đứng những đấu đá nội bộ và trở về với cơ chế lãnh đạo dựa trên đồng thuận ».

Nhìn vào thành phần Bộ Chính trị vừa được bầu, trong đó có 12 uỷ viên mới, The Straits Times ghi nhận là trong cơ chế lãnh đạo này vẫn bao gồm ông Nguyễn Văn Bình, thống đốc Ngân hàng Nhà nước, người đã từng được khen ngợi đã đề ra chính sách ổn định được tiền tệ và ông Phạm Bình Minh, bộ trưởng Ngoại giao, từng được đào tạo ở Mỹ. Nhưng trong Bộ Chính trị lại có bốn uỷ viên đến từ các cơ quan an ninh. Đó là những nhân vật có thế lực rất mạnh và ở Việt Nam một số người sợ rằng các cơ quan an ninh sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn.

Trong Bộ Chính trị mới, một số người được xem là thân Mỹ, một số người khác là thân Trung Quốc. Ông Trọng cũng bị xem là thân Bắc Kinh, nhưng một số nhà phân tích cho rằng nói như thế là hơi quá đáng. Năm ngoái, ông Trọng đã là lãnh đạo đầu tiên của đảng Cộng sản Việt Nam đến thăm Nhà trắng và Việt Nam gần đây cũng đã ký hai hiệp định tự do mậu dịch, hiệp định với Liên Hiệp Châu Âu và hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, do Hoa Kỳ khởi xướng.

Việt Nam theo dự kiến sẽ đón tiếp tổng thống Barack Obam vào tháng 5 và Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ với Washington vào lúc Việt Nam phải đối phó với một nước Trung Quốc ngày càng hung hăng trên Biển Đông.

Xử lý những căng thẳng với Trung Quốc là một thách đố chủ yếu đối với giới lãnh đạo Việt Nam. Như lời giáo sư Carl Thayer, tâm lý chống Trung Quốc vẫn rất mạnh ở Việt Nam, nhưng họ phải cố kềm chế thái độ đó, vì họ không muốn đối đầu với Trung Quốc.

Nhìn sang bên Lào, The Straits Times nhắc lại rằng, theo truyền thống, giới lãnh đạo chính trị nước này vẫn chịu ảnh hưởng của Việt Nam. Trong khi ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc ở Lào ngày càng tăng, một số nhân vật thân Bắc Kinh không còn nằm trong Bộ Chính trị nữa, theo như một số nguồn tin ngoại giao ở Viêng Chăng. Tờ báo trích lời một nhà ngoại giao cho rằng "điều có có thể là một dấu chỉ rằng nếu anh quá thân Trung Quốc thì anh sẽ bị loại ra ngoài". - RFI

***
Trong số ra ngày 30/01/2016, tuần báo The Economist của Anh cũng có bài nhận định về Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12, với hàng tựa: "Những thủ đoạn của loài bò sát".

Tờ báo viết: Khi Cụ Rùa Hồ Gươm chết đúng vào trước ngày khai mạc Đại hội Đảng, nhiều người ở Việt Nam đã nghĩ rằng đây là một điềm gỡ cho đảng cầm quyền. Một số người tự hỏi là không biết các lãnh đạo Đảng, vẫn tôn thờ chủ nghĩa Mác-Lênin lỗi thời, cũng có sẽ ra đi hay không.

Nhưng rốt cuộc Đại hội Đảng đã kết thúc với việc ủng hộ một con bò sát trẻ hơn chút ít. Sau tám ngày đấu đá kịch liệt hơn bao giờ hết, Đảng đã buộc vị thủ tướng rất được mến mộ và thân doanh nghiệp phải rời khỏi chính quyền khi mãn nhiệm kỳ trong vài tháng tới. Ông Nguyễn Phú Trọng, hơn 70 tuổi, được bầu lại làm tổng bí thư.

Các nhà phân tích trước đây đã nghĩ rằng ông Dũng có thể giành được chức tổng bí thư, vì ông có vây cánh rất rộng, và được sự ủng hộ của giới doanh nghiệp. Giới trẻ thì rất tán đồng lập trường thân Mỹ của ông Dũng, cũng như thái độ kiên quyết của ông trong việc bảo vệ chủ quyền chủ quyền Việt Nam trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Tuy dưới thời ông Nguyễn Tấn Dũng có những tai tiếng về tham nhũng và vụ hai tập đoàn lớn bị phá sản, nhưng, như lời anh Phạm Khắc Quang, một nhà phân phối phụ tùng máy móc ở Sài Gòn, dẫu sao chính ông Dũng đã cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ.

Nhưng theo The Economist, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thua phe ông Trọng, vì những người chống ông cho rằng cái cách tự đề cao mình và thái độ chống Trung Quốc để lấy lòng dân của ông Dũng là trái với đường lối lãnh đạo thận trọng, dựa trên đồng thuận của đảng.

Tuần báo của Anh cho rằng ban lãnh đạo mới của Việt Nam có thể sẽ làm chậm lại tiến trình tự do hóa kinh tế, nhưng sẽ không đảo ngược tiến trình này, cũng như cũng không đẩy lùi quan hệ với Mỹ. Hội nghị cuối cùng ban chấp hành trung ương khóa cũ cũng đã tái khẳng định sự ủng hộ đối với hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP.

The Economist cũng dự báo là phải chờ đến Đại hội lần tới vào năm 2021, mới có thể có những thay đổi sâu rộng hơn. Lúc đó, hàng loạt các đảng viên chỉ biết tiếng Nga, được nuôi dưỡng với lòng căm thù Mỹ, sẽ về hưu. Những người kế nhiệm có thể sẽ là các nhà kỷ trị được đào tạo ở phương Tây. Họ hiểu rằng sự tồn vong của Đảng là dựa trên việc nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, cũng như dựa trên việc thuyết phục giới trẻ Việt Nam rằng Đảng bảo vệ quyền lợi của họ.

Nhưng hiện giờ, các khẩu hiệu với cờ đỏ búa liềm vẫn bao phủ thủ đô và đa số người dân, giống như các thần dân của một vương quốc thế kỷ 15, vẫn không có quyền gì đối với những người lãnh đạo mình. - RFI
|
|

5.
Phái viên Trung Quốc thăm Việt Nam

Đặc phái viên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã có mặt ở Hà Nội hôm 29/1, một ngày sau khi Việt Nam kết thúc Đại hội Đảng.

Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã tiếp ông Tống Đào, Trưởng ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, sáng 29/1.

Thông Tấn Xã Việt Nam nói ông Tống Đào chuyển Điện mừng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình chúc mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tái đắc cử.

Ông Tống Đào nói Trung Quốc coi trọng cao độ quan hệ hữu nghị truyền thống và quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc.

Về các khác biệt, đại diện Trung Quốc nói Trung Quốc mong muốn xử lý thỏa đáng bất đồng, tăng cường trao đổi, phối hợp trong các vấn đề quốc tế và khu vực.

Sau lời cảm ơn, ông Nguyễn Phú Trọng nói Việt Nam luôn coi trọng việc duy trì quan hệ láng giềng hữu nghị và đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc.

Ông cũng nói cần “cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông bằng hành động cụ thể, thiết thực trên tinh thần nói đi đôi với làm”.

Cùng ngày, đặc phái viên của ông Tập Cận Bình đã gặp ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Truyền hình Việt Nam (VTV) dẫn lời ông Huệ nói hai nước cần “thúc đẩy tăng trưởng thương mại bền vững, lành mạnh, từng bước cân bằng cán cân thương mại”.

Năm 2015, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với tổng trị giá xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 66,17 tỷ USD.

Tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc đạt gần 20 tỷ USD.

Trong khi đó, trị giá nhập khẩu hàng từ Trung Quốc đạt 45 tỷ USD.

Ông Huệ nói thêm Việt Nam hoan nghênh các nhà đầu tư có thực lực của Trung Quốc đầu tư vào các lĩnh vực mà Việt Nam đang ưu tiên. - BBC
|
|

6.
Hai quan điểm trái ngược về kết quả đại hội đảng Cộng sản XII

'Một thủ tướng hoa mỹ ra đi, những người u ám ở lại”' là hàng tít của một bài báo đăng trong tạp chí The Economist hôm nay, 29/1, sau khi kết thúc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của đảng Cộng sản Việt Nam.

Bài báo nhắc lại cái chết của cụ rùa Hồ Gươm một ngày trước khi Đại hội 12 khai mạc, mà nhiều người Việt Nam cho là một điềm gở cho đảng Cộng sản đang cầm quyền. Bài báo nhắc lại truyền thuyết về kiếm thần được hoàn lại cho rùa thiêng Hồ Gươm, sau khi Việt Nam đánh bại Trung Quốc. Một số người tự hỏi liệu giới lãnh đạo đảng, thành phần giáo điều theo chủ nghĩa Mác Lê cũ kỹ ‘bụi bặm’, có còn song hành với giới trẻ, thành phần đông đảo trong dân số Việt Nam hay không.

Bài báo nói sau 8 ngày bầu bán, những nhân vật hàng đầu trong đảng đã buộc một thủ tướng có nhiều sức thu hút và chủ trương đẩy mạnh kinh doanh phải rời bỏ chức vụ trong những tháng tới, và lưu nhiệm một nhân vật thất thập cổ lai hy trong ngôi vị tổng bí thư.

Mặc dù Thủ tướng Dũng, 66 tuổi, cũng đã quá tuổi về hưu, nhiều người vẫn tin rằng ông có thể lên nắm chức vụ này, dựa vào sự ủng hộ mạnh mẽ của các thành phần ủng hộ chủ trưởng tự do hóa kinh tế của ông. Giới trẻ cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với Thủ tướng Dũng về lập trường cương quyết hơn của ông trong cuộc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.

Bài báo thừa nhận rằng uy tín của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có phần nào bị hoen ố vì các vụ tai tiếng tham nhũng, cũng như sự vỡ nợ của các công ty quốc doanh được ông hậu thuẫn. Nhưng một số người sẵn sàng bỏ qua những nhược điểm đó,  bởi vì ông có lập trường thân Mỹ và thái độ quyết liệt hơn trong cuộc tranh chấp Biển Đông với nước láng giềng phương Bắc.

Nhưng, theo bài báo, phe phái đối nghịch trong đảng rốt cuộc đã ủng hộ ông Nguyễn Phú Trọng, giúp ông đánh bại ông Dũng một phần qua việc vận dụng các thủ tục bầu cử. Bài viết mô tả ông Nguyễn Phú Trọng là một 'nhân vật không màu sắc' mà sự nghiệp đang bước vào ‘thời kỳ hoàng hôn’, và cho rằng sự chiến thắng của ông Trọng một phần là do tính cách gây chia rẽ của cá nhân Thủ tướng Dũng, và những phát biểu làm vừa lòng dân của ông trong vấn đề Biển Đông, đi ngược lại với nguyên tắc cai trị tập thể của đảng Cộng sản.

Giới lãnh đạo mới có thể kéo chậm đà tự do hóa kinh tế, nhưng có phần chắc sẽ không lật ngược tiến trình này, hay cả các nỗ lực xích lại gần Hoa Kỳ.

Trong khi đó, tờ Hoàn Cầu Thời Báo hôm nay đăng bài viết trên mạng với hàng tít trong đó nói rằng “Việt Nam tái cử một nhân vật ôn hòa”.

Bài báo dẫn lời các chuyên gia cho rằng bầu chọn ông Trọng vào chức tổng bí thư thể hiện ý muốn hòa hoãn với Bắc Kinh, và cho thấy là giới lãnh đạo hàng đầu trong đảng Cộng sản Việt Nam tỏ ra thận trọng hơn trong nỗ lực cải cách và theo đuổi hiện đại hóa đất nước.

Bài báo nói Ủy ban Trung ương đảng gồm 180 thành viên đã không chọn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, một nhân vật cải cách triệt để hơn mà trước đó nhiều người tin sẽ giành được chức vụ cao nhất trong đảng, và với quyết định đó coi như đã chấm dứt sự nghiệp chính trị của ông Dũng.

Hoàn Cầu Thời Báo dẫn lời ông Zhuang Guotu, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á tại Đại học Xiamen, ca ngợi việc tái cử ông Trọng là một sự chọn lựa thực tiễn và hợp lý.

Bài báo cũng trích thuật báo Thanh Niên, nói rằng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố đảng Cộng sản dưới quyền ông sẽ tiếp tục đấu tranh chống tham nhũng và phí phạm, và sẽ tiếp tục kế hoạch đưa Việt Nam thành một nước công nghiệp hiện đại.

Trong khi đó, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc sẵn sàng hiệp lực với Việt Nam để cổ vũ cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Ban Việt ngữ Đài VOA, cô Phương Nguyễn, một nhà nghiên cứu về các quan hệ đối ngoại Việt Nam nói rằng cô không tin là dưới sự lãnh đạo của ông Trọng trong nhiệm kỳ tổng bí thư thứ hai, Việt Nam sẽ xích lại gần Trung Quốc hơn trước. Cô Phương Nguyễn nói:

“Tôi không tin Việt Nam sẽ xích lại gần hơn với Trung Quốc, nhưng Hà nội có lẽ sẽ thận trọng hơn trong việc xích lại gần Hoa Kỳ, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác an ninh và quốc phòng”.

Trang mạng china. org. cn cho biết là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gặp ông Tống Đào, đặc sứ của Tổng bí thư kiêm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tại Hà nội để trao thông điệp chúc mừng của chủ tịch nước Trung Quốc, và trấn an Việt Nam rằng Trung Quốc sẵn sàng làm việc với Hà nội để duy trì và phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện một cách ổn định và lành mạnh, ‘đóng góp cho hòa bình ổn định và thịnh vượng, cũng như phát triển trong khu vực’.

Ông Tống Đào hiện là Trưởng Ban liên lạc Đối ngoại Trung ương của đảng Cộng sản Trung Quốc. - VOA

No comments:

Post a Comment