Tin Thế Giới
1.
Căng thẳng Ả Rập Xê Út-Iran, đồng minh trong vùng bùng nổ dữ dội
Hai cường quốc Hồi Giáo kình địch nhau - Ả Rập Xê-út và Iran, đã cắt đứt quan hệ ngoại giao sau khi Riyadh xử tử một giáo sĩ Shia bất đồng chính kiến hàng đầu vào cuối tuần qua. Các nhà phân tích nói Ả Rập Xê-út, dưới áp lực của giá dầu sụt giảm và thách thức ngày càng tăng của Iran, muốn gởi một thông điệp rõ ràng cho bất cứ ai muốn thách đố quyền hạn của vương quốc của họ. Thông tín viên Đài VOA Sharon Behn tường thuật.
Căng thẳng giáo phái giữa hai nước kình địch Ả Rập Xê-út và Iran, và những đồng minh trong vùng, bùng nổ dữ dội sau khi Riyadh xử tử một giáo sĩ Shia hàng đầu.
Ông Aaron David Miller, một nhà phân tích về Trung Đông thuộc Trung tâm Quốc tế Woodrow Wilson nói:
“Đây là một sự leo thang rõ rệt về phần Ả Rập Xê-út. Nhưng đây cũng là sự phản ánh của một cuộc chiến tranh lạnh, rất lạnh, đã kéo dài từ nhiều năm nay.”
Tehran tố cáo Riyadh xúi giục bạo loạn thông qua các lực lượng tay sai trong vùng.
Ông Ishaq Jahangiri, Phó Tổng thống Iran, nói:
“Những điều quý vị làm trong quá khứ, như thành lập những tổ chức khủng bố, đã không mang lại điều gì cho khu vực ngoài những xáo trộn. Hậu quả của những việc này chỉ là tạo nên những sự bất ổn tại Syria, Iraq và những nơi khác.”
Những người Hồi Giáo Shia tại Baghdad so sánh hành động của Riyadh với hành động của các phần tử hiếu chiến Nhà nước Hồi Giáo, thuộc Hồi giáo Sunni. Tuy nhiên, Riyadh cũng xử tử hàng chục người Hồi giáo Sunni bất đồng chính kiến mà họ cho là những phần tử cực đoan.
Nhà phân tích Miller nói:
“Đây là cách để đánh đi một thông điệp rõ ràng cho những người bất đồng chính kiến Shia và những phần tử thánh chiến Sunni.”
Bất kể ý đồ của Ả rập Xê út là như thế nào, thì việc xử tử giáo sĩ Sheikh Nimr al-Nimr chắc chắn sẽ gây nên những căng thẳng về giáo phái trong vùng.
Bà Barbara Slavin, một nhà phân tích của Hội đồng Đại Tây Dương nói:
“Hiện có chiến tranh tại Syria, Yemen và Iraq, có căng thẳng tại những nơi như Bahrain và Libăng, và với hành động như thế này, Ả Rập Xê-út đã làm cho sự chia rẽ giữa Sunni và Shia trở nên sâu sắc hơn nữa.”
Việc này cũng có thể làm tổn hại cho những nỗ lực đang được tiến hành nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh ở Syria. Bà Slavin nói tiếp:
Làm thế nào Iran và Ả Rập Xê-út có thể ngồi vào bàn hòa đàm sau khi đã xảy ra những việc như vậy?”
Ả Rập Xê-út bênh vực hành động của họ. Họ nói rằng Iran cùng với những đồng minh của nước này và Sheikh al-Nimr là những kẻ khuyến khích cho bọn khủng bố. - VOA
|
|
2.
Thị trường chứng khoán TQ lung lay sau vụ sụt giá mạnh đầu năm
Các thị trường chứng khoán Trung Quốc về phần lớn vẫn duy trì ở các mức cũ vào lúc kết thúc một ngày giao dịch đầy biến động hôm thứ Ba, một ngày sau khi thị trường rớt giá gần 7% trong vụ bán tống bán tháo cổ phiếu đã lan rộng tới các thị trường trên khắp thế giới.
Vào lúc mở đầu ngày giao dịch hôm nay, giá cổ phiếu trên các thị trường chứng khoán ở Thượng Hải và Thâm Quyến thấp hơn đáng kể, sau đó lại giảm thêm 2% trước khi phục hồi trở lại trong giờ cuối cùng của ngày giao dịch để rốt cuộc, kết thúc ở mức giảm 0,3% so với cuối ngày giao dịch hôm qua.
Những thua lỗ lớn trên thị trường chứng khoán Trung Quốc hôm thứ Hai 4/1 đã khiến các giới chức quyết định ngưng giao dịch.
Chỉ số Nikkei của Nhật Bản, hôm thứ Hai giảm 3%, hôm nay đã phục hồi để tăng đôi chút trước khi sụt giá trở lại và kết thúc ở mức giảm 0,42%.
Tại Hong Kong, chỉ số Hằng Sinh tăng vào đầu ngày giao dịch, nhưng lại giảm giá trở lại như cũ vào chiều cùng ngày, để kết thúc ở mức sụt 0,65%.
Trong các giao dịch trên thị trường chứng khoán Mỹ ngày hôm qua, chỉ số Dow Jones và chỉ số S&P giảm khoảng 1,6% trong khi chỉ số NASDAQ giảm hơn 2%.
Các thị trường Châu Âu cũng bị tác động, chỉ số DAX ở Đức mất hơn 4% và chỉ số FSTE ở London giảm hơn 2%.
Vụ bán tống cổ phiếu trên toàn cầu đã được khởi động bởi một loạt các phúc trình tiêu cực về lĩnh vực sản xuất chế tạo Trung Quốc. Giới đầu tư coi đây là chứng cớ cho thấy đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại. Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới và là một thị trường chủ yếu đối với rất nhiều quốc gia.
Giá dầu hoả vẫn trồi sụt bất thường. Có lúc giá dầu tăng vì những quan ngại rằng những căng thẳng đang tăng giữa Ả Rập Xê-út và Iran, hai nước sản xuất dầu hoả chủ yếu, có thể tác động tới mức cung. Sau đó giá dầu lại giảm vì giới đầu tư lo ngại đà tăng trưởng kinh tế chậm lại có thể giảm mức cầu. - VOA
|
|
3.
Bà Thái Anh Văn dẫn điểm trước bầu cử
Nữ ứng viên của đảng đối lập Đài Loan dẫn điểm trước bầu cử tổng thống vào giữa tháng 1 này.
Hơn 10 ngày trước cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan, bà Thái Anh Văn, lãnh đạo Dân Tiến Đảng (DPP) vượt hẳn ứng viên Quốc Dân Đảng, ông Chu Lập Luân (Eric Chu) trong cả hai kết quả thăm dò dư luận.
Trước khi Đài Loan bước vào tuần cấm đăng tải các bản điều tra tâm lý cử tri để ngăn không gây tác động đến ngày bỏ phiếu, bà Thái Anh Văn được 45,2% người ủng hộ, dẫn trước ông Chu Lập Luân (16,3%), theo thăm dò của Hội chính sách xuyên eo biển (Cross-Strait Policy Association).
Chính bản thăm dò của Quốc Dân Đảng Đài Loan hôm 4/1/2016 cho thấy ông Chu được 31,2% ủng hộ, vẫn thấp hơn bà Thái (39.2%).
Đài Loan sẽ bầu cử tổng thống ngày 16/1 năm nay sau hai nhiệm kỳ của ông Mã Anh Cửu (Quốc Dân Đảng).
Chính sách gắn bó với Bắc Kinh của ông Mã và các vấn đề nội bộ Đài Loan khiến uy tín của ông và Quốc Dân Đảng sụt giảm nhiều những tháng qua.
Dân Tiến Đảng từng vận động cho Đài Loan tuyên bố độc lập còn Quốc Dân Đảng luôn coi Đài Loan là một phần của Trung Hoa.
Hiện chưa rõ tác động của chính trị Đài Loan với Hoa lục một khi bà Thái Anh Văn, người từng du học và làm bằng tại Anh và Mỹ, thắng cử tổng thống đảo quốc 23,4 triệu dân.
Điều chắc chắn là cuộc vận động và tranh cử tại Đài Loan mang tính dân chủ, đa nguyên toàn diện, cho thấy lập luận rằng văn hóa Trung Hoa không thích hợp với chế độ dân chủ đại nghị là không đúng. - BBC
|
|
Tin Hoa Kỳ
4.
121 di dân bất hợp pháp bị câu lưu, chờ bị trục xuất khỏi Mỹ
Các giới chức Mỹ cho hay giới thẩm quyền về di trú đã câu lưu 121 người từ hôm thứ Sáu, trong các cuộc bố ráp đầu tiên nhằm trục xuất các gia đình đã di dân bất hợp pháp vào Hoa Kỳ từ tháng Năm 2014.
Bộ trưởng An ninh Nội địa Jeh Johnson nói rằng các đối tượng này đã bị câu lưu tại các bang Texas, Georgia và North Carolina. Ông Johnson mô tả những người này là thành viên của các gia đình Trung Mỹ đã băng qua biên giới vào nước Mỹ từ Mexico.
Nhà chức trách nói rằng những người bị cầm giữ trước đó đã bị một toà án di trú ra lệnh trục xuất, sau khi đã tận dụng mọi biện pháp pháp lý để tránh bị gửi trả về quê hương của họ.
Ông Johnson nói đa số được đưa vào các trung tâm tạm giam ở Texas trong khi chờ bị trục xuất.
Tòa Bạch Ốc không bình luận về những chi tiết trong các vụ bắt giữ, vốn đã gây chia rẽ trong giới lãnh đạo chính trị Mỹ, và khơi ra những vụ tranh cãi trong công chúng Mỹ. Nhưng người phát ngôn của Tòa Bạch ốc Josh Earnest nói rằng trọng tâm của các ưu tiên trong việc thực thi luật di trú là trục xuất những người vi phạm luật, hơn là những gia đình, trong khi nhắm vào thành phần vượt biên vào đất Mỹ trong thời gian gần đây.
Các vụ bắt giữ mới nhất chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ của con số khoảng 100,000 di dân từ Trung Mỹ, đa số là những bà mẹ và những đứa trẻ không có người lớn đi kèm, đã bắt đầu vượt biên tràn vào nước Mỹ theo nhiều đợt cách nay gần 20 tháng.
Giới phân tích liên kết vụ gia tăng số người vượt biên giới sang Mỹ cho bạo lực liên quan tới các băng đảng tội phạm ở Trung Mỹ, cũng như cho những nỗ lực của những người tìm cách đoàn tụ với thân nhân hiện đã ở Hoa Kỳ. - VOA
|
|
5.
Biển Đông: John McCain trách chính quyền Mỹ thiếu quyết tâm
Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain ngày 04/01/2016, lại chỉ trích chính quyền Obama về thái độ thiếu quyết đoán trong đối sách chống Trung Quốc tại Biển Đông. Theo vị Thượng nghị sĩ rất có uy tín này, việc Washington chậm tiếp tục các chiến dịch tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải bên trong vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mới của Trung Quốc tại Trường Sa đã khuyến khích tham vọng bành trướng của Bắc Kinh.
Trả lời hãng tin Anh Reuters, Thượng nghị sĩ John McCain nhận định rằng thái độ thụ động của Mỹ đã cho phép Trung Quốc tiếp tục "theo đuổi các tham vọng lãnh thổ" trong khu vực, và gần đây nhất là việc cho phi cơ hạ cánh xuống phi đạo trên Đá Chữ Thập, vùng quần đảo Trường Sa ngày 02/01/2016.
Đối với ông McCain, việc Mỹ không tiến hành thêm các chiến dịch tuần tra vào năm 2015 rất "đáng thất vọng, cho dù không đáng ngạc nhiên." Theo ông McCain, chính quyền Obama hoặc là "không đảm đương được tính chất phức tạp của quy trình ra quyết định liên ngành trong địa hạt an ninh quốc gia", hoặc là "quá sợ rủi ro trong việc làm những điều cần thiết nhằm bảo vệ trật tự dựa trên các quy tắc luật pháp tại vùng Châu Á-Thái Bình Dương".
Ngay sau chiến dịch tuần tra đầu tiên do chiếc khu trục hạm USS Lassen thực hiện ngày 27/10/2015, các giới chức Mỹ từng tuyên bố là sẽ có những chiến dịch kế tiếp. Mọi người chờ đợi là sẽ có một chiến dịch thứ hai trước cuối năm 2015, tuy nhiên, chính quyền Mỹ sau đó đã xác định rằng cuộc tuần tra kế tiếp chỉ diễn ra vào đầu năm 2016, lúc nào thì chưa rõ.
Theo hãng Reuters, một quan chức quốc phòng Mỹ cao cấp xin giấu tên đã xác nhận rằng chắc chắn Hoa Kỳ sẽ tiếp tục các chiến dịch tuần tra vì quyền tự do hàng hải gần các đảo đang tranh chấp ở Biển Đông, nhưng Mỹ đang cân nhắc thời điểm thích hợp.
Trong một lá thư đề ngày 21/12/2015 gởi Thượng nghị sĩ McCain, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter từng nhắc lại quan điểm của Washington là sẽ tiếp tục cho tàu và phi cơ tiến vào bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép.
Đây không phải là lần đầu tiên Thượng nghị sĩ John McCain phê phán chính quyền Obama là quá mềm yếu trong việc chống lại những hành động coi thường luật lệ của Trung Quốc tại Biển Đông. Vào năm ngoái chính ông cùng với 3 Thượng nghị sĩ có uy lực khác tại Thượng viện Mỹ đã gởi thư ngỏ yêu cầu chính quyền Mỹ phải có chính sách rõ ràng hơn về Biển Đông. Những đề nghị trong bức thư được cho là đã được chính quyền Obama thực hiện sau đó. - RFI
|
|
Tin Việt Nam
6.
Hàng ngàn công nhân công ty Triumph đình công tại Việt Nam
Hàng ngàn công nhân của hãng sản xuất đồ lót quốc tế Triumph Việt Nam hôm thứ Hai đã tập trung tại TP. Hồ Chí Minh để phản đối quyết định cắt giảm lương.
Các công nhân địa phương cho biết, Triumph Việt Nam đã công bố tăng 5% tiền lương, tương đương 400.000 đồng (khoảng 17.8 đôla Mỹ), theo các quy định có liên quan của Việt Nam.
Tuy nhiên, công ty này đã công bố cắt giảm mức lương mới. Theo đó, công ty sẽ giảm 2.5% trong tổng số 5% mức lương tăng hàng năm.
Sau nhiều lần đàm phán, đại diện công ty hứa sẽ thông tin chính thức về mức lương vào chiều 31/12/2015 nhưng đến ngày hôm đó công ty vẫn không có thông báo.
Để phản đối quyết định cắt giảm lương, nhiều công nhân đã đình công từ ngày 31 tháng 12 năm 2015. Đến sáng thứ Hai, hàng ngàn công nhân đã tập trung tại trụ sở chính của công ty tại tỉnh Bình Dương, và sau đó là chi nhánh TP. Hồ Chí Minh.
Các công nhân đã tự giải tán trong cùng ngày, sau khi đại diện công ty thông báo rằng việc tăng 5% lương sẽ không có sự thay đổi.
Triumph là công ty sản xuất đồ lót quốc tế được thành lập vào năm 1886 tại Đức và trụ sở chính được đặt tại Thụy Sĩ từ năm 1977. - VOA
No comments:
Post a Comment