Tin Thế Giới
1.
Ba vụ nổ bom làm 45 người thiệt mạng tại thủ đô Syria
Ba vụ đánh bom xảy ra tại một quận của thủ đô Damascus của Syria làm ít nhất 45 người thiệt mạng hôm Chủ nhật.
Hai kẻ đánh bom tự sát đã kích nổ bom khi các đội cứu hộ đến hiện trường một vụ đánh bom xe tại quận Sayeda Zeinab ở Damascus, nơi có đền thờ Hồi giáo Shia linh thiêng nhất của Syria.
Bạo động xảy ra giữa lúc nhóm đối lập chính của Syria dự trù họp với Ðặc sứ Staffan de Mistura ở Geneva. Ông Mistura đang tìm cách đưa các phe phái tham chiến tại Syria vào bàn đàm phán để tìm một giải pháp chính trị cho cuộc nội chuyến kéo dài gần 3 năm qua ở Syria.
Trước khi tham gia hòa đàm với chính phủ Syria, Thượng Ủy ban Thương thuyết, gọi tắt là HNC, yêu cầu phe chính phủ chấm dứt các cuộc bao vây, và Nga chấm dứt ném bom các khu vực do phe nổi dậy chiếm giữ.
Một người phát ngôn của HNC hôm thứ Bảy nói rằng nhóm này đến Geneva chủ yếu là để nói về các vấn đề nhân đạo, và từ đó mới đàm phán nhiều hơn.
Cuộc hòa đàm được Liên hiệp quốc hỗ trợ bắt đầu hôm thứ Sáu tại Geneva đánh dấu nỗ lực quốc tế đầu tiên cho một giải pháp hòa bình kể từ khi các cuộc thương thuyết trước đó của Liên hiệp quốc bị thất bại hồi năm 2014.
Ông Mistura đã họp với phái đoàn của chính phủ Syria do Đại sứ của nước này tại Liên hiệp quốc, ông Bashar Jaafari, dẫn đầu.
Người Kurd bỏ hòa đàm Geneva
Các đại diện của người Kurd ở Syria chiến đấu chống chính phủ Syria nói rằng họ không được mời đến tham dự các cuộc họp tại Geneva, và họ sẽ không tham gia hòa đàm. Thổ Nhĩ Kỳ phản đối việc người Kurd ở Syria tham gia. Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng những người Kurd đó có liên hệ với các chiến binh người Kurd chống sự cai trị của Thổ Nhĩ Kỳ tại các khu vực có đa số cư dân là người Kurd ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Cuộc nội chiến Syria kéo dài gần 3 năm qua, làm một phần tư triệu người thiệt mạng và đẩy hàng triệu người vào cảnh thất tán. Cuộc xung đột cũng cho thấy sự ra đời của nhóm hiếu chiến Nhà nước Hồi giáo và gây ra một làn sóng di dân khổng lồ ập vào Âu Châu.
Các cuộc giao tranh tại Syria đã tăng cường độ kể từ hồi tháng 9, khi Nga bắt đầu chiến dịch oanh kích để yểm trợ cho Tổng thống Bashar al-Assad chống lại các nhóm nổi dậy được Mỹ, một số thành viên của Liên hiệp Âu châu, Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Xê-út ủng hộ.
Sự phức tạp của cuộc chiến làm cho tiến trình hòa đàm trở nên cực kỳ khó khăn.
Các lực lượng của Tổng thống Assad thắng thế đáng kể
Với sự yểm trợ của Nga, các lực lượng của ông Assad đã giành được những chiến thắng đáng kể. Các nhà phân tích nói rằng phe chính phủ Assad có ít động lực để đàm phán với phe đối lập đang bị yếu thế và rạn nứt.
Bất chấp những động thái của liên minh đối lập tham gia hòa đàm ở Geneva, các nhà phân tích cảm thấy bi quan. Ông Nadim Shehadi của Trường Luật và Ngoại giao Fletcher ở Boston nhận định rằng ông thấy có rất ít cơ hội thành công.
"Chúng tôi hối thúc phe đối lập chứng tỏ sự hợp nhất, nối kết và họ phải có một tổ chức lãnh đạo mạnh mẽ và họ phải có viễn kiến, chính sách và một sự nhất trí nào đó về tương lai," ông Shehadi nói. "Và tôi cho rằng họ không có được những yếu tố đó, và tôi nghĩ rằng họ cũng không có được những yếu tố đó trong một tương lai gần, và họ sẽ không thể có được những điều đó". - VOA
|
|
2.
37 di dân thiệt mạng vì thuyền đắm ngoài khơi Thổ Nhĩ Kỳ
Ít nhất 37 di dân, trong đó có nhiều trẻ em, thiệt mạng hôm thứ Bảy khi con thuyền chở họ nhắm đến đảo Lesbos của Hy Lạp bị đắm ngoài khơi phía tây của bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng số người thiệt mạng tăng thêm tính đến chiều tối thứ Bảy sau khi các đội cứu hộ tìm thấy thêm xác người còn kẹt bên trong chiếc thuyền dài 17 mét.
Các nhân viên cứu hộ vớt được 75 người sống sót.
Hãng thông tấn Dogan của Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng các di dân là những người Syria, Afghanistan và Myanmar.
Cảnh sát bắt giữ một nghi can đưa người lậu người Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức chuyến vượt biển hôm thứ Bảy, nhưng nghi can này nói chính gia đình của ông cũng ở trên chiếc thuyền bị đắm đó, và bác bỏ mọi cáo buộc.
Tổ chức Di dân Quốc tế, gọi tắt là IOM, nói rằng số người di dân và tị nạn thiệt mạng trong những chuyến vượt biển Aegean giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp "gia tăng với tỉ lệ đáng báo động."
Trước thảm kịch hôm thứ Bảy, theo ước tính của IOM, 218 người đã thiệt mạng trong năm nay trong khu vực phía đông Ðịa trung hải và 26 người thiệt mạng trong tuyến vượt biển thường thấy trên Ðịa trung hải giữa Libya và Italia.
Mùa đông lạnh và biển động không ngăn cản được làn sóng thuyền nhân tìm đường đến châu Âu.
Riêng số người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ hiện này đã lên đến hơn 2,5 triệu người.
Thổ Nhĩ Kỳ thỏa thuận với Liên hiệp Âu châu hồi tháng 11 nhằm kéo chậm lài làn sóng người tị nạn để đổi lại bằng trợ giúp tài chánh trị giá hơn 3 tỉ đôla.
Đa số các thuyền nhân này là những người chạy trốn chiến tranh và nghèo đói ở Trung Đông và Phi châu để tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
3.
Bầu cử tổng thống Mỹ: "Lá phiếu" của New York Times
Một ngày trước cuộc bầu cử sơ bộ tại bang Iowa, tờ báo uy tín nhất Hoa Kỳ, nhật báo New York Times hôm qua đã bình chọn cựu Ngoại trưởng Mỹ, Hillary Clinton đại diện cho đảng Dân chủ. Còn bên hàng ngũ đảng Cộng hòa, tờ báo này ủng hộ thống đốc bang Ohio, John Kasich.
Thông tín viên Jean-Louis Pourtet từ Washington giải thích về "lá phiếu" của cơ quan ngôn luận này:
"Đối với tờ New York Times, tờ báo có ảnh hưởng lớn nhất tại Hoa Kỳ, bà Hillary Clinton là ứng cử viên lý tưởng để điều hành đất nước trong nhiệm kỳ bốn năm sắp tới. Cần nhắc lại là vào năm 2008 tờ báo này đã ủng hộ bà Clinton trong cuộc đọ sức với ứng cử viên Barack Obama. Báo New York Times dành cho cựu đệ nhất phu nhân Mỹ và cũng là cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ nhiều lời khen tặng.
Tờ báo nhấn mạnh, bà Hillary Clinton là người giàu kinh nghiệm và rất thực tiễn. Ngược lại, New York Times cho rằng những đề xuất tạo bạo của ông Bernie Sanders không thực tế. Xã luận tờ báo kết luận: "Đối với đảng Dân chủ, bà Clinton là một sự lựa chọn tốt. Bà có một tầm nhìn hoàn toàn khác hẳn so với bên đảng Cộng hòa. Đó là quan điểm của một tầng lớp trung lưu có cơ hội để thăng tiến. Với bà, nữ quyền sẽ được cải thiện, người không giấy tờ hợp lệ sẽ được hợp thức hóa ; hiệp ước quốc tế sẽ được tôn trọng và an ninh của Hoa Kỳ sẽ được bảo đảm".
Trong bài báo thứ nhì, tờ báo này không ngần ngại tấn công các đối thủ của bà Hillary Clinton bên phía đảng Cộng hòa, khi đánh giá ứng cử viên Donad Trump là ‘kẻ bất tài với đường lối dân túy’. Ông Ted Cruz thì là một người ‘cơ hội chủ nghĩa, sẵn sàng làm tất cả để được đại diện cho đảng này tranh chiếc ghế tổng thống. Tờ báo không mấy hào hứng với các ứng cử viên còn lại của đảng Cộng hòa, ngoại trừ trường hợp của ông John Kasich, thống đốc bang Ohio. Theo New York Times, nhân vật này là ‘sự chọn lựa khả thi duy nhất đối với những người ủng hộ đảng Cộng hòa đã quá mệt mỏi trước những lập luận quá khích và sự thiếu kinh nghiệm của các ứng cử viên’ đang lao vào cuộc vận động tranh cử". - RFI
|
|
4.
Ba tù nhân vượt ngục ở California trong tay cảnh sát
Hai tù nhân đào thoát khỏi một nhà tù ở Nam California, Mỹ, đã bị bắt hôm nay, một ngày sau khi một kẻ vượt ngục thứ ba đầu hàng cảnh sát.
Hossein Nayeri, 37 tuổi, và Jonathan Tieu, 20, bị bắt gần công viên Golden Gate ở San Francisco sáng 30/1.
Cảnh sát cho hay, Tieu là một thành viên của một băng đảng tội phạm gốc Việt, và đang chờ ra tòa vì tội giết người.
Theo cảnh sát trưởng Quận Cam, vụ bắt giữ được thực hiện sau khi một người phụ nữ ở thành phố trên báo cho cảnh sát biết rằng bà nhìn thấy một chiếc xe tải màu trắng mà hai kẻ đào tẩu tuần trước sử dụng.
Một ngày trước đó, Bac Duong, 43 tuổi, đã đầu hàng cảnh sát ở Santa Ana, cách thành phố San Francisco 604 km về phía nam.
Người đàn ông gốc Việt này đã nhờ một nhân viên tại một cửa hàng bán phụ tùng ôtô gọi điện báo cho cảnh sát.
Chính quyền liên bang Hoa Kỳ trong hơn 15 năm qua đã không thể trục xuất Duong về Việt Nam.
Ông ta đã sống ở Mỹ từ năm 1991, và kể từ đó, Duong từng bị bắt giữ về tội trộm cắp, bạo lực gia đình, cướp giật và ăn cắp ôtô.
Ba người đàn ông đã đào thoát khỏi một nhà tù được canh phòng cẩn mật ở Santa Ana, California, sáng 22/1, nhưng phải sau 15 tiếng đồng hồ sau giới hữu trách mới biết về vụ vượt ngục.
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1988 xảy ra một vụ vượt ngục ở nhà tù này.
Hôm 28/1, một giáo viên dạy tiếng Anh tại một nhà tù ở Nam California đã bị bắt vì bị tình nghi giúp 3 tù nhân, trong đó có nghi can giết người, vượt ngục.
Bà Nooshafarin Ravaghi (44 tuổi) ở Lake Forest đã bị bắt gần 1 tuần sau khi các phạm nhân trốn thoát khỏi nhà tù bằng cách cắt chấn song sắt, trèo qua đường ống, leo lên mái, cắt dây thép gai, sau đó sử dụng dây bện bằng ga trải giường để trèo xuống. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
5.
Ông Trọng muốn ‘củng cố quan hệ truyền thống’ với Trung Quốc
Tổng bí thư mới được tái bầu tuyên bố Việt Nam “sẽ tiếp tục hợp tác với Trung Quốc để củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” giữa hai bên.
Trong cuộc gặp hôm qua với ông Tống Đào, đặc sứ của Tổng bí thư kiêm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Trọng còn nói thêm rằng Hà Nội sẽ hợp tác với Bắc Kinh để thúc đẩy “tư tưởng xã hội chủ nghĩa và duy trì hòa bình và thịnh vượng ở khu vực”.
Người đứng đầu đảng cầm quyền ở Việt Nam còn bày tỏ sự “biết ơn chân thành” tới ông Tập, và nói rằng Việt Nam “sẵn sàng làm việc với Trung Quốc để củng cố mối quan hệ truyền thống”.
Trước đó, ông Đào, Trưởng Ban liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã chuyển lời chúc mừng của ông Tập tới ông Trọng.
Theo báo chí Trung Quốc, trong thư, lãnh đạo của Trung Quốc “bày tỏ hy vọng rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội và cải cách ở Việt Nam sẽ tiếp tục đạt được các tầm cao mới”.
Trong cuộc gặp với ông Trọng, ông Tống nói rằng Trung Quốc “sẵn lòng làm việc với Việt Nam để thực thi sự đồng thuận quan trọng giữa hai đảng, cũng như củng cố giao tiếp chiến lược và làm sâu sắc thêm hợp tác thực tiễn”.
Ngoài ra, vị đặc sứ còn nói thêm rằng Trung Quốc sẽ “mở rộng trao đổi, giao lưu nhân sự đồng thời củng cố trao đổi và phối hợp với Việt Nam ở cấp độ quốc gia và khu vực”.
Ngoài Việt Nam, ông Tống còn tới thăm Lào, khi quốc gia Đông Nam Á này vừa kết thúc kỳ đại hội đảng, và bầu ông Bounnhang Vorachit, 78 tuổi, vào chức Tổng bí thư.
Cũng giống như Hà Nội, chính quyền Vientiane được coi là có quan hệ kinh tế và ngoại giao gần gũi với nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc.
Đại hội đảng 12 ở Việt Nam kết thúc hôm 28/1, với việc ông Trọng, người mà các nhà phân tích nước ngoài coi là thân Bắc Kinh, được bầu lại làm Tổng bí thư.
Tuyên bố “bất ngờ” được “tín nhiệm” tại vị của ông Trọng đã gây tranh cãi trên mạng xã hội vì ông được các nhà quan sát cho là người duy nhất chạy đua vào cương vị người đứng đầu đảng sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người được coi là thân phương Tây, xin rút. - VOA
|
|
6.
Trung Quốc giận dữ trước việc tàu Mỹ tuần tra gần đảo Tri Tôn, Hoàng Sa
Vài giờ sau khi khu trục hạm USS Curtis Wibur của Hải quân Mỹ tiến vào bên trong vùng 12 hải lý đảo Tri Tôn- Hoàng Sa, ngày 30/01/2016, bộ Ngoại giao và Quốc phòng Trung Quốc mạnh mẽ tố cáo Hoa Kỳ "cố tình khiêu khích" và xâm phạm lãnh hải của Trung Quốc.
Trong thông cáo công bố vào chiều tối ngày 30/01/2016, bộ Ngoại giao Trung Quốc mạnh mẽ lên án tàu chiến của Hoa Kỳ "vi phạm luật pháp Trung Quốc khi xâm nhập hải phận của nước này, và phía Trung Quốc đã có những biện pháp thích hợp, trong đó có cả việc theo dõi và cảnh cáo".
Trang mạng của bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng đưa ra tuyên bố tương tự với lời lẽ còn cứng rắn hơn, xem hành động của Hải quân Hoa Kỳ là thái độ "vô trách nhiệm và cực kỳ nguy hiểm". Bộ Quốc phòng Trung Quốc kết luận: "Quân đội Trung Quốc sẽ có những biện pháp cần thiết để bảo vệ chặt chẽ chủ quyền và an ninh quốc gia".
Thông tín viên đài RFI từ Thượng Hải, Delphine Sureau cho biết thêm:
"Đối với chính quyền Bắc Kinh, không có gì phải nghi ngờ: quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Do vậy, việc Hoa Kỳ đưa tàu chiến vào sát khu vực Hoàng Sa là một hành vi vi phạm lãnh hải của Trung Quốc. Hôm qua, bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Washington tránh làm tổn hại đến sự tin cậy giữa hai nước. Với giọng điệu cứng rắn hơn, bộ Quốc phòng Trung Quốc tố cáo Mỹ ‘phá hoại hòa bình’, hành động ‘vô trách nhiệm’ của Mỹ và có nguy cơ dẫn tới ‘đụng độ’ trên biển.
Bắc Kinh ngày càng khó chịu trước các hoạt động tuần tra của Mỹ trong vùng Biển Đông vào những tháng gần đây. Trước khi cho tàu chiến Hoa Kỳ áp sát đảo Tri Tôn, Hoàng Sa hôm qua, Mỹ từng cho oanh tạc cơ bay gần đảo nhân tạo của Trung Quốc trong khu vực Trường Sa. Đây là nơi Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Brunei cùng đòi hỏi chủ quyền. Qua hành động đó, phía Washington muốn chứng minh rằng các đòi hỏi chủ quyền của những quốc gia trong khu vực là không có cơ sở và không một quốc gia nào được phép ngăn trở quyền tự do hàng hải đối với một vùng biển chiến lược, ngã tư của các luồng thương mại thế giới.
Dù vậy, Trung Quốc đặt các nước láng giềng trước sự đã rồi. Tại Trường Sa, Bắc Kinh đã liên tục bồi đắp các đảo nhân tạo, xây phi trường. Năm ngoái, máy bay dân sự và quân sự đã đá xuống các đường băng mới vừa được khánh thành".
Phản ứng của Việt Nam và Úc
Về phía Việt Nam, một trong ba nước cùng đòi hỏi chủ quyền đối với khu vực quần đảo Hoàng sa, trả lời báo chí ngày 31/01/2016, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Hải Bình một lần nữa nhấn mạnh, "chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như quần đảo Trường Sa". Ông Lê Hải Bình tuyên bố: "Là quốc gia thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam tôn trọng quyền đi qua vô hại trong lãnh hải được thực hiện phù hợp với các quy định có liên quan của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982... Việt Nam đề nghị tất cả các nước có đóng góp tích cực và thiết thực vào việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, tôn trọng luật pháp quốc tế".
Về phía Úc, một đồng minh của Mỹ trong khu vực, bộ trưởng Quốc phòng Marise Payne ngay từ hôm qua tuyên bố Canberra ủng hộ hành động của Hoa Kỳ vì tự do hàng hải và cho biết chính quyền Úc đã được báo trước về kế hoạch tuần tra của Hải quân Mỹ. - RFI
No comments:
Post a Comment