Tin Thế Giới
1.
Tổng thống Pháp đi thăm Ấn Độ
Tổng thống Pháp Francois Hollande đã bắt đầu chuyến viếng thăm 3 ngày đến Ấn Độ.
Ông Hollande hôm nay tới Chandigarh, thành phố miền bắc Ấn Độ, và được Thủ tướng Narendra Modi nghênh đón. Chandigarh được thiết kế hồi thập niên 1950 bở kiến trúc sư Le Corbusier, người Pháp gốc Thuỵ Sĩ.
Tháp tùng nhà lãnh đạo Pháp là một phái đoàn đông đảo gồm các giới chức chính phủ và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp.
Theo dự liệu, ông Modi sẽ bàn với ông Hollande về một hợp đồng nhiều tỉ đô la để mua chiến đấu cơ của Pháp.
Hai nhà lãnh đạo cũng sẽ thảo luận về những chiến lược để chống khủng bố vì cả hai nước hồi gần đây đã bị quân khủng bố tấn công.
Xế ngày hôm nay ông Hollande sẽ đến thủ đô New Dehli, nơi ông sẽ tiến hành các cuộc thảo luận với các nhà lãnh đạo Ấn Độ vào ngày mai.
Thứ ba tới đây, Tổng thống Hollande sẽ là khách danh dự tại cuộc diễu hành Ngày Cộng hoà, khi Ấn Độ mừng kỷ niệm 66 năm ngày ban hành hiến pháp. - VOA
|
|
2.
Iran mua 114 chiếc Airbus
Các giới chức Iran cho biết hãng hàng không của nước họ sẽ ký kết một hợp đồng để mua 114 chiếc Airbus khi Tổng thống Hassan Rouhani đến thăm nước Pháp vào ngày thứ tư.
Truyền thông Iran trích lời Bộ trưởng Giao thông Abbas Akhoundi nói rằng Hãng Iran Air sẽ ký hợp đồng với Airbus. Ông không biết các chi tiết của hợp đồng.
Hợp đồng này trị giá nhiều tỉ đô la, nhưng Iran rất cần những chiếc máy bay đó để nâng cấp đội máy bay chở khách đã bị chế tài trong nhiều năm và thiếu bảo trì.
Thoả thuận hạt nhân Tehran đạt được với 6 cường quốc thế giới, bắt đầu được thực thi trong tháng này, đã loại bỏ những chướng ngại đó.
Tổng thống Rouhani lẽ ra đã đi thăm Pháp hồi tháng 11, nhưng chuyến đi bị hoãn lại sau vị tấn công khủng bố ở Paris. Ông sẽ là tổng thống Iran đầu tiên đi thăm nước Pháp trong vòng 17 năm. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
3.
TQ là trọng tâm chuyến công du Châu Á của Ngoại trưởng Mỹ
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đang trên đường đến thăm 3 nước Á Châu là Lào, Campuchia và Trung Quốc.
Chặng dừng chân đầu tiên của ông là Lào, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á, tức ASEAN.
Các thành viên hiệp hội này lo ngại về thái độ hung hãn của Trung Quốc đối với những yêu sách chủ quyền chống lấn nhau ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh đang xây những hòn đảo nhân tạo.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ đón tiếp các nhà lãnh đạo ASEAN tại California vào tháng sau.
Trong chuyến viếng thăm Lào, Ngoại trưởng Kerry, theo dự liệu, sẽ nhấn mạnh tới việc ASEAN cần có lập trường thống nhất để ứng phó với những yêu sách của Trung Quốc.
Hoa Kỳ và các chính phủ của những nước khác có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông cho rằng những hành động của Trung Quốc đe dọa sự ổn định khu vực.
Sau khi kết thúc chuyến viếng thăm Lào, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ sẽ lên đường đi Campuchia vào ngày thứ hai. Tại đây, ông sẽ hội kiến Thủ tướng Hun Sen, thủ tướng tại chức lâu năm nhất ở Á Châu.
Ông Kerry sẽ đến Trung Quốc vào ngày thứ tư, vào theo dự liệu, ông sẽ hối thúc Bắc Kinh gây thêm sức ép để đòi Bắc Triều Tiên ngưng thử nghiệm vũ khí hạt nhân. - VOA
|
|
4.
Miền đông nước Mỹ hứng chịu trận bão tuyết lớn kỷ lục
Hàng triệu người dọc theo duyên hải miền đông nước Mỹ hôm nay ra sức dọn dẹp tuyết sau khi hứng chịu một trong những trận bão tuyết lớn nhất từ trước tới nay.
Sau khi đã rơi hầu như không ngừng trong hai ngày, khuya thứ bảy tuyết đã bắt đầu ngưng dần trong vùng xung quanh thủ đô Washington, nơi có nhiều khu vực bị ngập dưới khối tuyết cao hơn 60 centimét.
Giới hữu trách đã đóng cửa đường sá, cũng như hệ thống xe lửa điện và phi trường.
Xa hơn về hướng bắc, Cơ quan Thời tiết Quốc gia cho biết Công viên Trung ương ở thành phố New York có hơn 64 centi mét tuyết.
Thống đốc tiểu bang New York, ông Andrew Cuomo, đã áp dụng lệnh cấm du hành vào ngày thứ 7 cho 8,4 triệu cư dân thành phố New York và vùng phụ cận.
Thị trưởng New York, ông Bill de Blasio cho biết cảnh sát sẽ chấp hành lệnh cấm. Tất cả các dịch vụ chuyên chở công cộng bị ngưng trong lúc các cửa hàng đóng cửa.
Khoảng 85 triệu người bị ảnh hưởng của trận bão và hàng trăm ngàn người bị mất điện trong lúc hàng ngàn người bị mắc kẹt sau khi trận bão gây tê liệt hoạt động đường bộ và đường hàng không dọc theo vùng duyên hải phía đông.
Ít nhất 17 người thiệt mạng vì những tai nạn liên quan tới bão tuyết. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
5.
Thủ tướng Dũng 'được đề cử nhiều nhất'
Đương kim Thủ tướng Việt Nam được 'đề cử nhiều nhất' tại Đại hội 12 trong số hàng chục trường hợp được giới thiệu nằm ngoài 'danh sách đã chốt' của Hội nghị Trung ương 14 của Đảng Cộng sản Việt Nam, theo truyền thông trong nước.
Hôm 24/01/2016, tờ Vietnamnet. vn đưa tin kèm dẫn lời của ông Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương của ĐCSVN, cho biết:
"Trong số các nhân sự được giới thiệu, đề cử thêm, có khá nhiều người trong nhóm uỷ viên Bộ Chính trị quá tuổi đã xin rút trước đó.
"Đó là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Lê Thanh Hải, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị.
"Được biết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là người được giới thiệu nhiều nhất.
"Danh sách được giới thiệu đề cử còn có thêm Thường trực Ban Bí thư TƯ Đảng Lê Hồng Anh, Trưởng ban Tổ chức TƯ Tô Huy Rứa…"
Tờ báo này cũng cho biết thêm chi tiết về bốn trường hợp ủy viên trung ương Đảng khóa 11 đã quá tuổi nhưng được Trung ương và Đại hội đề nghị tiếp tục ở lại khóa 12.
Gọi đây là những trường hợp 'đặc biệt', tờ VietnamNet dẫn lời của ông Vũ Ngọc Hoàng cho biết thêm:
"Về 4 trường hợp ủy viên TƯ đặc biệt (quá tuổi) được Ban Chấp hành TƯ khoá 11 giới thiệu tái cử gồm Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Đỗ Bá Tỵ, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh và Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam... tại Hội nghị TƯ diễn ra trước Đại hội, TƯ đã bàn các trường hợp nhân sự này, thấy có một số lý do, sức khoẻ vẫn đảm bảo, rồi yêu cầu công việc đó đang lúng túng về nhân sự thay thế nên đã quyết định giới thiệu cho 4 trường hợp uỷ viên này tái cử."
Giới thiệu ngoài danh sách
Cũng hôm Chủ nhật, tờ Pháp luật TPHCM đưa tin về Đại hội 12 cho hay đã có 62 người được 'giới thiệu thêm' ngoài danh dách Trung ương đề nghị. Cùng dẫn lời ông Vũ Ngọc Hoàng, tờ này khẳng định:
"Nhiều Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI thuộc diện quá tuổi như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh, Trưởng ban Tổ chức trung ương Tô Huy Rứa… đều đã được đại biểu ở nhiều đoàn đại biểu dự Đại hội XII tiếp tục giới thiệu tái cử vào Trung ương khóa XII.
"Ngoài ra, nhiều đảng viên không phải là Ủy viên Trung ương khóa XI cũng được đại biểu các đoàn giới thiệu thêm, bổ sung vào danh sách mà Trung ương khóa XI gửi tới Đại hội trước đó."
Theo tờ báo này, công việc giới thiệu bổ sung nhân sự và tiến hành bầu chính thức vẫn tiếp tục còn chờ quyết định thêm của Đại hội.
"Như đã thông tin, thực hiện Quy chế bầu cử 244 của Trung ương khóa XI và Quy chế bầu cử của Đại hội XII, tất cả ủy viên trung ương khóa XI, nếu không được Trung ương giới thiệu tái cử, thì tới Đại hội này, dù được đại biểu các đoàn giới thiệu tiếp, thì cũng phải từ chối," tờ Pháp luật TPHCM cho biết thêm.
"Tuy nhiên, việc họ có được rút khỏi đề cử hay không sẽ phải qua một quy trình để Đại hội biểu quyết hoặc bỏ phiếu kín để quyết định. Nếu đa số yêu cầu họ ứng cử tiếp, thì những người này sẽ được đưa vào danh sách bổ sung.
"Danh sách bổ sung này sẽ được chọn từ trên xuống dưới, theo tỷ lệ ủng hộ, đảm bảo tổng số ứng viên do Trung ương khóa XI giới thiệu và số giới thiệu bổ sung tại Đại hội không dư quá 30% con số được bầu, tức 200 ủy viên trung ương cả chính thức và dự khuyết của Trung ương khóa XII.
"Sau đó, cuộc bỏ phiếu chính thức để bầu ra Trung ương khóa XII mới được tiến hành."
'Giọt nước tràn ly'
Đã và đang có các nhận định, bình luận khác nhau của dư luận và các giới quan sát về bầu chọn nhân sự cao cấp của kỳ Đại hội.
Trên FB của mình hôm 24/01, blogger Osin Huy Đức - Trương Huy San, trong một bình luận, nêu quan điểm:
"Cho dù kết quả thế nào thì Đảng CSVN đã không còn như trước nữa (ít nhất về mặt thông tin, mọi diễn tiến đều được các bên cập nhật)."
Trước đó, vài giờ đồng hồ, cũng blogger này nêu bình luận:
"Khi 75% ủy viên TW quay lưng với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, dồn phiếu cho TBT Nguyễn Phú Trọng (trong BCT cũng chỉ duy nhất 1 phiếu giới thiệu ông Dũng vào chức vụ TBT), có nghĩa là "giọt nước đã tràn ly". Đảng đang cầm quyền chứ không phải chỉ một người hay một gia đình chia chác và cầm quyền.
"Tôi nghĩ, nếu ông Dũng ra đi, chính quan chức các tỉnh miền Tây, miền Đông, sẽ là những người mừng nhất. Từ nay, lượng các ông hoàng, bà chúa mà họ phải phục dịch giảm đi rất nhiều.
"Đại hội vẫn còn 3 ngày then chốt. TS. Nguyen Duc Thanh, trên FB của mình, đưa ra một dự đoán rất táo bạo về kết quả phiếu bầu đối với TBT Nguyễn Phú Trọng. Chúng ta cũng nên dự đoán số phận chính trị của cậu ấm Nguyễn Thanh Nghị. Liệu đại hội đại biểu toàn quốc có được sự "sáng suốt" như đại hội đại biểu Sài Gòn."
Còn trong bài trả lời phỏng vấn BBC hôm Chủ nhật, TS. Vũ Cao Phan, nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam từ Đại học Bình Dương, nêu bình luận và dự đoán về nhân sự ở kỳ Đại hội. Ông nói:
"Sự chuẩn bị cho Hội nghị TW 14 cũng như cho Đại hội 12 của Đảng là khá kỹ, hơn hẳn các Hội Nghị TW 6, 7 và 10 trước đây. Các “biện pháp tổ chức” cũng đã được thực thi khá nặng và triệt để để bảo đảm sự thành công của Đại hội như nó được trông đợi. Có thể nhìn thấy kết quả.
Sự ổn định cũng là cần thiết cho thời kỳ phát triển rất quan trọng của Việt Nam sắp tới.Nhưng theo tôi nếu ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được bầu lại làm Tổng Bí thư, ông cũng chỉ nên tái tại vị tối đa nửa nhiệm kỳ. Những người được thấy sẽ kế tục ông cũng đã là các cụ cứng cựa cả, đâu còn cần chăm sóc, chỉ bảo nữa."
Bảo thủ cản đổi mới?
Trong khi đó, từ Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch & Đầu tư của Việt Nam, PGS. TS. Phạm Quý Thọ trong bài viết trên BBC hôm 24/1, bình luận về khía cạnh mà ông cho là cần lưu ý về chủ nghĩa bảo thủ trong đảng và ảnh hưởng của nó tới quá trình cải tổ, đổi mới ở Việt Nam hiện nay và tương lai.
Nhà nghiên cứu viết: "Trong ngày đầu, các diễn văn, báo cáo chính trị, kinh tế - xã hội quan trọng của lãnh đạo cao nhất của đảng và nhà nước được trình bày.
"Sau đó có các tham luận của các đại biểu, trong đó có một số bài được coi là ‘dốc ruột’, mà một số báo trong nước đã đăng tít như ‘Bài phát biểu tâm huyết, thẳng thắn của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh’ trên Vietnamnet, ngày 23-01-2016), hay bài 'Ông Đặng Ngọc Tùng: 'Nhân dân cần lãnh đạo khí phách'' trên Vnexpress.net cùng ngày..., đã đang gây được sự chú ý trong công luận.
"Tuy nhiên quan sát từ các văn kiện có điều không thay đổi, mang xu hướng bảo thủ (hiện giờ và sẽ là ít nhất trong nhiệm kỳ đại hội 12) là ‘kiên định chủ nghĩa Mác-Lê Nin, là kinh tế thị trường ‘định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN)’.
"Phải chăng mục tiêu của Chủ nghĩa Xã hội, về mặt lý thuyết, được cho là ‘tốt đẹp’ hơn Chủ nghĩa Tư bản cho nên phải hướng tới?
"Chưa có nghiên cứu chỉ ra một cách thuyết phục tính đúng đắn của quan điểm này trong thực tế, song điều hiển nhiên về mặt lý luận là chủ nghĩa Mác – Lê Nin đối nghịch với kinh tế thị trường hiện đại. Mặc dù có nhiều phản biện, quan điểm này hiện vẫn là kim chỉ nam trong đường lối của đảng CSVN," PGS. TS. Phạm Quý Thọ nêu quan điểm với BBC."
Được biết, theo lịch trình làm việc của Đại hội 12, ngày bế mạc Đại hội hôm 28/01 sẽ chính thức ra mắt tân Tổng Bí thư khóa 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trước đó, toàn bộ kết quả bầu các ủy viên mới của Ban chấp hành Trung ương của đảng này sẽ được công bố, cùng với chi tiết về thành phần nhân sự trong các cơ cấu quyền lực tối cao của Đảng như Bộ Chính trị và Ban bí thư v.v... - BBC
|
|
6.
Đại hội đảng ở 'quốc gia công an trị'
Bài viết của Thomas A. Bass trên tạp chí có uy tín Foreign Policy cho rằng bề ngoài Việt Nam dường như đang hướng về tư bản chủ nghĩa nhưng thực chất bên trong vẫn là quốc gia công an trị.
Cây viết người Mỹ, tác giả hai cuốn sách về Việt Nam (Vietnamerica: The War Comes Home và The Spy Who Loved Us), nói đúng là một mặt Việt Nam đang mở cửa cho Phương Tây và phát triển nhanh chóng; thế nhưng mặt khác, đất nước này là một nền văn hóa tan nát.
"Các nhà kiểm duyệt đã bịt miệng hoặc bắt các nghệ sỹ xuất sắc nhất đi biệt xứ... Nền báo chí bị lũng đoạn và bị chính phủ kiểm soát."
Bass cho rằng giới chức tuyên giáo đã tước đi quyền tự do của người dân về cả tôn giáo, tư duy và ngôn luận.
Đề cập tới Đại hội XII của Đảng CSVN hiện đang diễn ra ở Hà Nội, ông viết cho dù "tham nhũng từ gốc tới ngọn" và trương phình vì bảo kê và chủ nghĩa xã hội thân hữu, Đảng CSVN vẫn khóa chặt chính phủ, quân đội, báo chí và 93 triệu dân Việt Nam.
Bass dẫn lời nhà văn Nga Vladimir Nabokov nói: “Chủ nghĩa Mác cần một kẻ độc tài, một kẻ độc tài lại cần công an mật, và đó là tận thế.”
Phe nào cũng thế?
Các quan sát viên quốc tế đang chăm chú dõi theo Đại hội Đảng để tìm dấu hiệu về phe phái nào sẽ lên nắm quyền. Tuy nhiên theo Bass, vấn đề không phải ở chỗ đó.
"Đúng là Đảng CSVN đã thay đổi từ ngày thống nhất đất nước sau cuộc chiến tranh Việt Nam năm 1975. Đứng trước nguy cơ đói kém, Đại hội Đảng lần thứ sáu năm 1986 đã từ bỏ nền kinh tế tập trung kiểu Soviet để đi theo kinh tế thị trường XHCN. Đảng CSVN cho phép thị trường tự do nảy nở ở đáy xã hội và tầng lớp "tư bản đỏ" xuất hiện ở đoạn giữa trong khi duy trì kiểm soát các lĩnh vực như đóng tàu, ngân hàng, khai khoáng và các doanh nghiệp nhà nước khác ở trên thượng tầng".
Bass cho rằng các sự kiện như khôi phục quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ và tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới đã góp phần thay đổi hướng đi của Đảng CSVN.
Tuy nhiên sau đó, Đảng đã gây ra nhiều lỗi lầm trong quản lý kinh tế, đặc biệt là trong đầu tư vào các tập đoàn nhà nước mà Vinashin là một điển hình.
"Vụ bê bối này [Vinashin] đủ lớn để khiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mất chức. Thế nhưng ông Dũng đã được các tay chân ở Bộ Chính trị cứu thoát và bắt đầu vận động để vào chức Tổng bí thư tuy dường như ông đã thất bại trong việc này."
Theo Bass, Việt Nam dường như đang trải qua một cuộc chính biến quay chậm, trong đó ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mà theo quy định đáng ra phải về hưu đang tìm cách ở lại vị trí, ít nhất là một vài năm.
Cây viết người Mỹ cũng xem xét quan hệ đối ngoại của Việt Nam, nhất là với nước lớn láng giềng Trung Quốc.
Sau hàng loạt các sự kiện có thể gọi là gây hấn của Trung Quốc, dẫn tới tâm lý bài Trung ở Việt Nam, Bass nhận thấy rằng "tâm lý chống Trung Quốc chưa làm giảm ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Việt Nam".
Song song, theo Bass, Hà Nội điều tiết quan hệ với Hoa Kỳ khéo léo hơn nhiều quan hệ với Trung Quốc.
Vấn đề nhân quyền
Đảng CSVN có thể sẽ tham gia Hiệp định Đối tác Thái Bình Dương (TPP), tuy rằng TPP có một số đòi hỏi về quyền lao động nhưng Hà Nội chắc sẽ lờ đi các đòi hỏi này, "cũng như một số văn bản quốc tế khác mà Việt Nam đã ký mà không thực hiện".
"Việt Nam nằm gần như cuối bảng trong mọi danh sách về nhân quyền. Việt Nam có số tù chính trị cao nhất tính theo đầu người ở Đông Nam Á thế nhưng vẫn đường hoàng ngồi vào chiếc ghế ở Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc."
Tác giả bài viết nói các nước phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ đã "công nhận sự cai trị của Đảng CSVN", như sau chuyến thăm Nhà Trắng năm ngoái của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
"Một điều chúng ta biết về Đại hội XII Đảng CSVN là nó sẽ không giúp chấm dứt nạn bạo hành của công an."
Bass nhắc tới các trường hợp luật sư Nguyễn Văn Đài và blogger Anh Ba Sàm đã bị sách nhiễu và truy tố.
"Một chốn hoang tàn về văn hóa trong một quộ́c gia công an trị đang đánh các nhà đấu tranh dân chủ bằng gậy sắt, Việt Nam vẫn được dung túng vì nhiều người muốn làm ăn với các công dân Việt Nam hoặc thăm thú danh lam thắng cảnh ở nước này."
Bass nói Việt Nam "sẽ chào đón khách du lịch và làm ăn với tài chính và tư bản quốc tế, không vấn đề gì".
"Thế nhưng nếu muốn động vào đảng thì hãy quên đi. Chỉ dành riêng cho đảng viên mà thôi." - BBC
No comments:
Post a Comment