Tin Thế Giới
1.
Máy bay ném bom B-52 của Mỹ bay ngang không phận Hàn Quốc --- Kim Jong Un: Thử bom H để tránh chiến tranh hạt nhân với Mỹ
Một máy bay ném bom tầm bay xa của quân đội Mỹ bay trên không phận Hàn Quốc hôm Chủ nhật, dường như là một phản ứng đối với những vụ thử hạt nhân mới đây của Bắc Triều Tiên.
Chiếc B-52, oanh tạc cơ có thể mang bom hạt nhân, đã bay trên bầu trời của căn cứ quân sự Osan ở Hàn Quốc, nằm cách biên giới chia đôi Bán đảo Triều Tiên 72 kilômét.
Chiếc máy bay sau đó bay trở về căn cứ ở đảo Guam gần đó. Chiếc B-52 được hai chiến đấu cơ của Mỹ và Hàn Quốc bay hộ tống.
Đô đốc Hải quân Mỹ Harry B Harris, Jr., Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, ra một thông cáo nói phi vụ này là để chứng tỏ cam kết cứng rắn của Mỹ với các đồng minh ở Hàn Quốc và Nhật Bản, và để phòng vệ cho nước Mỹ.
Thượng tướng Terrence O'Shaughnessy, Phó Tư lệnh Bộ Chỉ huy Quân sự liên quân Mỹ-Hàn Quốc, nói với các phóng viên báo chí sau phi vụ đó rằng Mỹ "luôn kiên định" trong nhiệm vụ phòng vệ cho Hàn Quốc "và duy trì ổn định trên Bán đảo Triều Tiên, trong đó có việc răn đe bằng các lực lượng quy ước và chiếc dù hạt nhân."
Hoa Kỳ đã bay một oanh tạc cơ tầm xa trên không phận Hàn Quốc vào năm 2013, không lâu sau khi Bắc Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân lần thứ ba.
Chuyến bay của chiếc B-52 hôm Chủ nhật diễn ra vài giờ sau khi lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un trong một phát biểu tại Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang nhân dân Bắc Triều Tiên tuyên bố rằng vụ thử bom nhiệt hạch hôm thứ Tư như cáo buộc là "quyền chính đáng của một quốc gia có chủ quyền và là một hành động công bằng mà không ai được chỉ trích".
Trong một phát biểu được hãng thông tấn nhà nước KCNA của Bình Nhưỡng loan tin, ông Kim nói rằng vụ thử này là "một bước tự vệ cho khả năng quốc phòng đáng tin cậy" trên Bán đảo Triều Tiên trước mối nguy của chiến tranh hạt nhân do các đế quốc đứng đầu là Mỹ gây ra."
Hai ngày sau vụ thử nghiệm, Seoul đã thực hiện lại chương trình phát thanh tuyên truyền chống Bình Nhưỡng dọc theo biên giới phi quân sự.
Bắc Triều Tiên coi đó là một hành động chiến tranh. Một giới chức quân sự Hàn Quốc với hãng tin Yonhap của Seoul rằng miền Bắc cũng trả đũa bằng những chương trình phóng thanh của họ.
Những hành động của Bắc Triều Tiên khiến cho đồng minh truyền thống của Bình Nhưỡng là Trung Quốc giận dữ, và gây ra một trận bão lửa lên án trên hầu như khắp thế giới. - VOA
***
Thử bom nhiệt hạch là một biện pháp "tự vệ vì hòa bình của bán đảo Triều Tiên". Lãnh đạo Bắc Triều Tiên, Kim Jong Un ngày 10/01/2016, giải thích như trên về hành động mà cả thế giới coi là "khiêu khích". Căng thẳng giữa Bắc Triều Tiên với các nước láng giềng gia tăng sau vụ Bình Nhưỡng thử nghiệm bom nguyên tử lần thứ tư.
Hãng thông tấn chính thức Bắc Triều Tiên KCNA ngày 10/01/2015 trích dẫn lời lãnh đạo Kim Jong Un coi vụ thử bom nguyên tử là "quyền chính đáng của một Nhà nước có chủ quyền, là một hành động đúng đắn không một ai có thể chỉ trích". Lãnh đạo tối cao Bắc Triều Tiên giải thích vụ thử bom H hôm 06/01/2016 là một "biện pháp tự vệ có hiệu quả để bảo đảm hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và an ninh khu vực trước rủi ro chiến tranh hạt nhân do các đế quốc mà đứng đầu là Mỹ gây nên".
Bản tin của hãng thông tấn KCNA cho biết thêm: Ông Kim Jong Un đã đến thăm và chúc mừng đơn vị quân đội Bắc Triều Tiên vừa thử nghiệm "thành công" quả bom H. Nhưng KCNA không cho biết rõ về thời điểm của chuyến thăm này.
Hãng tin Pháp AFP nhắc lại: Tuyên bố trên đây của lãnh đạo tối cao Bắc Triều Tiên phản ánh bình luận chính thức của chính quyền Bình Nhưỡng từng được KCNA đăng tải cách nay hai ngày. Trong đó Bắc Triều Tiên quan niệm rằng, chính vì Irak và Libya từ bỏ tham vọng hạt nhân mà Tổng thống Saddam Hussein cũng và đại tá Mouammar Kadhafi mới mất mạng.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết chỉ hai ngày sau khi Bình Nhưỡng thông báo thử nghiệm thành công quả bom nhiệt hạch đầu tiên, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 06/01/2016 đã có một cuộc điện đàm với đồng nhiệm Hàn Quốc Yun Byung, để phối hợp hành động, thúc đẩy Bắc Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạt nhân.
Trung Quốc mạnh mẽ lên án Bắc Triều Tiên lại thử bom nguyên tử nhưng theo lời chuyên gia Trung Quốc về Triều Tiên, Lưu Minh (Liu Ming) Giám đốc Trung Tâm Nghiên cứu về bán đảo Triều Tiên tại Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, Bắc Kinh không thể chấp nhận để cho chế độ Kim Jong Un sụp đổ, tạo ra khủng hoảng chính trị tại nước láng giềng Trung Quốc. - RFI
|
|
2.
Vụ nhân viên nhà sách mất tích: Hàng ngàn người biểu tình tại Hồng Kông
Theo ban tổ chức có khoảng 6.000 người biểu tình tại Hồng Kông vào trưa ngày 10/01/2016 đòi Bắc Kinh trả tự do cho 5 nhân viên của nhà sách Mighty Current bị mất tích. 5 người này dường như đang bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ. Bị áp lực, các hiệu sách ở Hồng Kông đã rút những tác phẩm bài Trung Quốc khỏi các giá sách.
Cảnh sát chưa đưa cho biết có bao nhiêu người đã xuống đường hôm nay. Đoàn biểu tình xuất phát từ trụ sở chính quyền đặc khu hành chính Hồng Kông để tiến về văn phòng đại diện của Trung Quốc ở phía tây Hồng Kông.
Phóng viên của hãng thông tấn Pháp ghi nhận, người biểu tình hô khẩu hiệu đòi Trung Quốc trả tự do cho 5 nhân viên của nhà sách Mighty Current và lên án các vụ "bắt cóc mang tính chính trị" trên lãnh thổ Hồng Kông.
Một thành viên trong ban tổ chức cuộc xuống đường tại Hồng Kông ngày hôm nay cho rằng Trung Quốc chà đạp nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ" từng được Bắc Kinh cam kết khi Anh Quốc trao trả Hồng Kông lại cho Trung Quốc năm 1997. Theo nguyên tắc đó, các quyền tự do của Hồng Kông được bảo đảm trong vòng 50 năm.
Mighty Current phát hành nhiều cuốn sách chỉ trích chế độ Bắc Kinh. Vụ nhân viên nhà sách Mighty Current mất tích gây chấn động trong công luận Hồng Kông vì đây được coi là một bước tiến mới của chính quyền Bắc Kinh thu hẹp các quyền tự do của Hồng Kông.
Hãng thông tấn Anh Reuters trong bản tin ngày 09/01/2016 ghi nhận: Tại nhiều hiệu sách ở Hồng Kông, những tác phẩm chỉ trích Trung Quốc đã biến mất khỏi các kệ sách. Chủ các hiệu sách này từ chối bình luận về việc cất giấu sách nói về đời tư của lãnh đạo Trung Quốc, Tập Cận Bình. - RFI
|
|
3.
Quốc hội Ai Cập họp lại sau 3 năm gián đoạn
Ai Cập mở phiên họp quốc hội hôm Chủ nhật, phiên họp đầu tiên sau hơn 3 năm.
Quốc hội có 15 ngày để thông qua mấy trăm lệnh hành pháp của Tổng thống Abdel Fattah el-Sissi, hoặc các luật sẽ bị bãi bỏ.
Ai Cập không có quốc hội kể từ năm 2012 khi một tòa án giải tán hội đồng lập pháp được bầu chọn dân chủ do phong trào Huynh đệ Hồi giáo của cựu Tổng thống Mohamed Morsi nắm đa số.
Ông Sissi, cựu lãnh đạo các lực lượng vũ trang của Ai Cập, đã lên cầm quyền vào năm 2014 sau một cuộc đảo chánh quân sự lật đổ ông Morsi, dẫn đến việc giam giữ ông Morsi và đặt Huynh đệ Hồi giáo ra ngoài vòng pháp luật.
Tỉ lệ cử tri đi bầu quốc hội hồi năm ngoái thấp và phần lớn những người trúng cử ủng hộ ông Sissi và nghị trình thế tục của ông.
Quốc hội mới là hội đồng được bầu chọn lần đầu tiên kể từ khi hiến pháp mới được thông qua vào năm 2014 cho phép cho các nhà lập pháp quyền luận tội một tổng thống hoặc yêu cầu tổ chức một cuộc bầu cử sớm. - VOA
|
|
4.
Ngoại trưởng các nước Vùng Vịnh ủng hộ Ả Rập Xê Út
Các giới chức cấp cao của khối Ả Rập lên án điều họ gọi là hành động can thiệp của Iran vào những vấn đề của Ả Rập.
Bộ trưởng Ngoại giao Liên hiệp các Tiểu Vương quốc Ả Rập Abdullah bin Zayed Al Nahyan hôm Chủ nhật phát biểu tại một phiên họp khẩn của Liên đoàn Ả Rập, tố cáo nước Cộng hòa Hồi giáo Iran cố ý không bảo vệ cho các cơ sở ngoại giao của Ả Rập Xê Út.
Ả Rập Xê Út đã triệu tập cuộc họp để bàn về những vụ tấn công nhắm vào Ðại sứ quán của họ ở Tehran tiếp theo sau vụ Ả Rập Xê Út xử tử giáo sĩ Shia nổi tiếng Nimr al-Nimr hồi đầu tháng này.
Trưởng Liên đoàn Ả Rập, ông Nabil al-Arabi, kêu gọi các nhà ngoại giao họp tại Cairo "chấp thuận một lập trường chung rõ rệt kêu gọi Iran ngưng mọi hình thức can thiệp vào công việc của các nước Ả Rập."
Riyadh cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran, nước có đa số cư dân theo phái Hồi giáo Shia ngay sau ngày xảy ra vụ tấn công. Sau đó các đồng minh theo phái Sunni của Ả Rập Xê Út cũng làm theo như vậy, trong đó có Bahrain và Sudan. Các nước Ả Rập khác đã hạ mức quan hệ ngoại giao với Tehran hoặc triệu hồi đại sứ của họ.
Thông cáo của Liên đoàn Ả Rập hôm Chủ nhật được đưa ra tiếp theo sau động thái tương tự ngày hôm trước của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh.
Hội đồng, bao gồm Ả Rập Xê Út, Bahrain, Qatar, Oman, Kuwait và Liên hiệp các Tiểu Vương quốc Ả Rập lên án điều họ gọi là hành động can thiệp của Iran vào chuyện nội bộ của Ả Rập Xê Út và khu vực.
Tổng thư ký Abdullatif al-Zayani của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh tuyên bố sau cuộc họp tại Riyadh của các bộ trưởng ngoại giao: "Hội đồng Bộ trưởng thảo luận về những hậu quả của các vụ tấn công nhắm vào Ðại sứ quán Ả Rập Xê Út ở Tehran và lãnh sự quán ở thành phố Mashhad. Hội đồng cực lực lên án hành động này và tuyên bố rằng Iran chịu trách nhiệm về những hành động khủng bố này." - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
5.
Diễn viên Sean Penn phỏng vấn trùm ma tuý El Chapo
Diễn viên Mỹ Sean Penn đã gặp trùm buôn lậu ma túy khét tiếng Joaquin "El Chapo" Guzman ở Mexico, vài tháng trước khi Guzman bị bắt lại, để phỏng vấn.
Bài phỏng vấn được đăng lên trang web của tạp chí Rolling Stone chiều tối thứ Bảy, một ngày sau khi Guzman bị giới hữu trách Mexico bắt lại.
Guzman "tự hào" khoe với diễn viên Penn rằng "Tôi cung cấp nhiều heroin, methamphetamine, cocaine và cần sa cho thế giới hơn bất cứ ai khác. Tôi có một đội tàu ngầm, máy bay, xe tải và thuyền". Diễn viên Sean Penn mô tả rằng Guzman "hoàn toàn không có một chút gì hối lỗi".
"Nếu không có nhu cầu tiêu thụ, thì sẽ không có người bán," trùm Guzman nói về hoạt động buôn lậu ma túy của ông ấy. "Điều rõ ràng là nhu cầu tiêu thụ từ ngày này sang ngày khác đang trở nên nhiều hơn. Do đó phải bán và bán".
Guzman đã vượt ngục một cách táo bạo hôm 11 tháng 7 năm ngoái qua một đường hầm dài 1,5 kilômét được đào bí mật từ phòng giam của hắn đến ngôi làng ở gần đó.
Vụ vượt ngục của trùm Guzman khiến cho chính quyền của Tổng thống Enrique Pena Nieto hết sức bối rối, khi mà trước đó họ ca ngợi chiến dịch được tăng cường chống những đường dây buôn lậu ma túy lớn nhất ở Mexico.
Ông Penn nói rằng Guzman đã gởi các kỹ sư sang Đức 3 tháng hồi năm ngoái để học hỏi về lớp nước ngầm dưới nhà tù. Ông nói khi Guzman chui xuống đường cống, Guzman được di chuyển bằng một xe mô tô chạy bám vào đường ống có động cơ được thiết kế có thể hoạt động trong môi trường thiếu dưỡng khí. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
6.
Bộ Công an thêm nhiều tướng
Bộ Công an vừa tổ chức Lễ công bố quyết định của Chủ tịch nước về việc thăng cấp bậc hàm cấp Tướng cho sỹ quan công an.
Website của Bộ Công an nói chiều thứ Bảy 9/1, "thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Đại tướng Trần Đại Quang đã trao Quyết định của Chủ tịch nước và tặng hoa chúc mừng các đồng chí được thăng cấp bậc hàm cấp Tướng".
Trong đợt thăng cấp bậc hàm này có các cấp Trung tướng và Thiếu tướng.
Số người được thăng cấp lên Trung tướng lần này là bảy người. Không rõ số thiếu tướng là bao nhiêu.
Mỗi năm ngành công an đều có nhiều đợt thăng cấp bậc hàm tướng cho các sỹ quan cao cấp, một đợt hàng chục người.
Tuy không có thống kê chính thức, nhưng con số tướng lĩnh công an theo một số ước tính đã lên tới khoảng 300.
Hiện nay, cả nước có trên 2/3 giám đốc công an các tỉnh thành mang hàm cấp tướng.
Bộ Công an cũng là bộ có nhiều thứ trưởng nhất nước với 9 vị.
Đó là các ông: Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thượng tướng Tô Lâm, Thượng tướng Bùi Quang Bền, Thượng tướng Trần Việt Tân, Thượng tướng Bùi Văn Nam, Trung tướng Bùi Văn Thành, Trung tướng Phạm Dũng và ông Nguyễn Văn Thành.
Nhiều nhân vật của ngành công an hiện nay được điều động vào các vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị Việt Nam.
Tháng 12 năm ngoái, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, phó bí thư Thành ủy, giám đốc Công an TP Hà Nội, được bầu vào chức vụ Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Trong dàn lãnh đạo kế cận chuẩn bị cho Đại hội XII Đảng Cộng sản Việt Nam các nhà quan sát cũng ghi nhận nhiều gương mặt từ ngành công an.
Bộ trưởng Đại tướng Trần Đại Quang, 59 tuổi, được cho vẫn tiếp tục ở lại Bộ Chính trị, cơ quan lãnh đạo tối quan trọng của Đảng. - BBC
No comments:
Post a Comment