Friday, December 11, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 11/12

Tin Thế Giới

1.
Cải tổ quân đội Trung Quốc làm gia tăng nguy cơ xung đột

Kế hoạch cải tổ quân đội Trung Quốc làm gia tăng nguy cơ xung đột với các nước láng giềng và với Hoa Kỳ, nhất là vì các biện pháp cải tổ này trao thêm quyền cho các chỉ huy cấp thấp hơn. Đó là nhận định của trang mạng The Diplomat, trong một bài viết đăng ngày 10/12/2015. Tác giả bài viết là ông Joseph A. Bosco, thuộc Trung tâm vì Lợi ích Quốc gia Center for National Interest (Hoa Kỳ) và là cộng sự viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, CSIS.

Kế hoạch cải tổ sâu rộng quân đội Trung Quốc đã được chủ tịch Tập Cận Bình loan báo tại một cuộc họp kín quy tụ hơn 200 quan chức cao cấp của chính phủ và quân đội, kết thúc hôm 26/11/2015.

Trước hết, mục tiêu của cải tổ Quân đội Giải phóng Nhân dân là làm cho lực lượng này hoạt động hiệu quả hơn và trong tư thế sẳn sàng tác chiến hơn, như yêu cầu của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Vào lúc mà Bắc Kinh có những hành động ngày càng cứng rắn hơn nhằm xác quyết chủ quyền của họ trên Biển Đông, tăng cường khả năng cho quân đội sẽ càng thúc đẩy Trung Quốc đi theo hướng này. Đây chính là điều đáng lo ngại cho các nước láng giềng và Hoa Kỳ.

Thứ hai, kế hoạch trao thêm quyền cho các tư lệnh địa phương làm gia tăng nguy cơ tái diễn những sự cố như vụ va chạm trên không giữa máy bay Mỹ và Trung Quốc vào năm 2001, hay các vụ đụng đầu nhau giữa các chiến hạm hai nước trên Biển Đông.

Tác giả bài viết nhắc lại rằng, trong những sự cố kể trên, Bắc Kinh vẫn nói rằng đó là hành động tự ý của cá nhân các hạm trưởng, các phi công hay các tư lệnh địa phương, chứ không là lệnh của cấp cao hơn trong quân đội hay chỉ thị của ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Với việc mở rộng quyền cho các cấp chỉ huy thấp hơn, các vụ va chạm trên không và trên biển sẽ diễn ra nhiều hơn và khi xảy ra những vụ đó, chính quyền ở Bắc Kinh sẽ dễ dàng chối bỏ trách nhiệm, đổ thừa cho các cấp dưới.

Tác giả bài viết, ông Joseph Bosco, cho rằng, trước thái độ phủi tay đó, chính quyền Obama phải nói rõ với Bắc Kinh rằng, giới lãnh đạo Trung Quốc hoàn toàn có quyền tổ chức quân đội theo ý của họ, nhưng họ không thể chối bỏ trách nhiệm kiểm soát và chỉ huy ở cấp quốc gia. Washington cần phải vận động quốc tế ủng hộ lập trường đó, tức là quốc tế không thể chấp nhận cho Bắc Kinh thực hiện chiến lược "trao quyền - chối bỏ". Nếu không, sẽ không có tàu chiến, máy bay, thương thuyền, tàu cá nào từ các nước khác dám đến gần các vùng biển mà Trung Quốc khẳng định chủ quyền hay các đảo nhân tạo, vì sợ đụng phải các phi công hạm trưởng và tư lệnh địa phương của Trung Quốc.

Khi các vụ đụng khó tránh khỏi đó xảy ra, Bắc Kinh nghĩ rằng Washington sẽ có thái độ tự kềm chế để tránh leo thang quân sự, và như vậy là Trung Quốc sẽ tiếp tục thu lợi mà lại không bị lên án.

Chính vì vậy, theo tác giả bài viết Joseph Bosco, để tiếp tục duy trì sự hiện diện của Mỹ nhằm bảo đảm ổn định khu vực, các chiến hạm hải quân Hoa Kỳ cũng như các thương thuyền phải hành xử quyền tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý chung quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng ở Biển Đông.

Ông Bosco cho rằng chuyến tuần tra của khu trục hạm USS Lassen vào khu vực 12 hải lý nói trên tháng 10 vừa qua đã chưa khẳng định rõ rằng đó là vùng biển quốc tế chiếu theo luật quốc tế và theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển. Washington cần sửa chữa sai sót đó khi đối phó với nước cờ chiến lược mới của Bắc Kinh thông qua việc cải tổ quân đội. - RFI
|
|

2.
COP21 không ra được thỏa thuận như dự kiến

Hôm nay 11/12/2015, mặc dù đã trải qua thêm một đêm đàm phán căng thẳng, thỏa thuận toàn cầu của hội nghị thượng đỉnh thế giới về khí hậu COP21 đã không được trình đúng thời hạn dự kiến. Chủ tịch COP21 Laurent Fabius tuyên bố một dự thảo chính thức sẽ được đưa ra vào sáng mai, 12/12. Theo nhiều nhà quan sát, trong cuộc tranh luận đêm qua, nhiều nước chủ chốt đã kiên quyết không nhân nhượng về nhiều vấn đề chính.

AFP dẫn lại các nguồn tin có mặt trong phiên họp kín kéo dài suốt đêm cho đến đến 6 giờ sáng nay tại trung tâm hội nghị Le Bourget, theo đó, nhiều nước như Trung Quốc và các quốc gia dầu mỏ vùng Vịnh đã tỏ ra rất cứng rắn. Theo Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, có ba chủ đề gây bất đồng lớn. Thứ nhất là việc chia sẻ nỗ lực giảm khí thải giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển, thứ hai là đóng góp tài chính và thứ ba là mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ.

Khoảng 100 quốc gia đòi hỏi giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp được, đặc biệt là các đảo quốc, đang bị nạn nước biến dâng cao đe dọa. Tuy nhiên, mục tiêu này bị một số quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn như Ả Rập Xê Út và Nga phản đối quyết liệt.

Thời hạn xem xét theo hướng gia tăng nỗ lực giảm khí thải, để thúc đẩy quá trình chuyển sang nền kinh tế xanh, bị đẩy đến năm 2025, theo dự thảo mới. Lịch trình này là quá chậm, theo các tổ chức bảo vệ môi trường.

Về phương diện tài chính, Ả Rập Xê Út và Irak bác bỏ nguyên tắc đánh thuế cacbon, trong khi đó, Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu hay Úc cho rằng phần đóng góp của các nước phát triển là "quá lợi cho các nước đang phát triển", theo chuyên gia Pháp Pascal Canfin. Nhật Bản hay Thụy Sĩ không chấp nhận thỏa thuận đi quá xa về mặt này. Theo Thụy Sĩ, các nước phát triển không thể gánh "trách nhiệm lịch sử" một cách "vô giới hạn".

Nhà hoạt động môi trường Nicolas Hulot, đặc phái viên của Tổng thống Pháp, cảnh báo: "Chỉ còn 24 giờ nữa để trở về điều cơ bản. Vẫn còn thời gian cho việc xây dựng một tương lai chung (cho nhân loại). Tuy nhiên, cơ hội đang hẹp lại nhanh chóng... Nếu lãnh đạo các quốc gia không mở đường, hãy lưu ý là chính dân chúng sẽ tự vạch đường đi". - RFI
|
|

3.
Ông chủ 7 tỷ đô ở TQ 'bị mất tích'

Tỷ phú Trung Quốc, ông Quách Quảng Xương, bị coi là ‘mất tích’.

Người có tên trong danh sách tỷ phú của tạp chí Forbes với tài sản trên 7 tỷ USD đã biến mất không ai biết ở đâu.

Tạp chí Caxin ở Trung Quốc cho hay nhân viên tập đoàn Fosun International mà ông Quách làm chủ, không thể nào liên lạc với ông từ thứ Năm.

Nhưng tin rằng không ai liên lạc được ông đã có từ vài ngày qua trong lúc có lời đồn ông bị cảnh sát Trung Quốc bắt giữ.

Cổ phiếu của Fosun bị ngưng giao dịch tại Hong Kong sau khi có tin ông Quách ‘mất tích’.

Mạng xã hội Trung Quốc lan truyền tin nói ông Quách Quảng Xương (có bản dịch là Quách Nghiễm Xương) xuất hiện lần cuối ở Thượng Hải.

Tin đồn cũng nói ông có thể tìm cách ra sân bay.

Nguồn tin gần với ông Quách cho BBC hay “rất có thể ông bị nhà chức trách Trung Quốc yêu cầu cộng tác trong một vụ điều tra nào nhưng bản thân ông không bị điều tra”.

Ông Quách bị cho là có liên quan đến một vụ xử án tham nhũng hồi tháng 8.

Tập đoàn của ông Quách đầu tư ở nhiều nước, gồm cả ở Club Med, một mạng nhà nghỉ nổi tiếng ở Pháp.

Ngoài mạng lưới đầu tư rộng khắp đem lại cho ông 'biệt danh' là Warren Buffet của Trung Quốc, ông còn từng có phát biểu mạnh mẽ về hệ thống tài chính ngân hàng.

Năm 2014, trả lời BBC, ông Quách cho rằng hệ thống ngân hàng của nhà nước Trung Quốc chủ yếu phục vụ cho các doanh nghiệp công và các nhà làm ăn tư nhân 'gặp khó khăn' khi đi vay.

Đồn đoán về sự biến mất của ông xảy ra trong bối cảnh nhiều vụ bí hiểm trong mấy tháng qua, khi nhiều doanh nhân nổi tiếng Trung Quốc mất tích.

Vào giữa năm, Bắc Kinh đã mở một loạt điều tra các công ty môi giới bị nghi hưởng lợi từ sự sụt giá của thị trường chứng khoán Trung Quốc.

Một số người thuộc giới tài chính Hong Kong và Trung Quốc tin rằng đây là một phần chiến dịch chống tham nhũng của Bắc Kinh nằm làm trong sạch kinh tế Trung Quốc.

Gần đây, một cựu tỷ phú Trung Quốc, ông Từ Minh, nhân chứng quan trọng trong vụ Bạc Hy Lai 'đột tử' trong tù ở Vũ Hán chưa đầy một năm trước hạn được thả.

Khi chết mới 44 tuổi, ông Từ Minh qua đời hôm thứ Sáu 4/12 và từng là người 'giàu thứ tám' ở Trung Quốc hồi cuối thập niên 1990. - BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Máy bay do thám Mỹ giới hạn Trung Quốc tuần tra Biển Đông

Việc Mỹ gửi một máy bay do thám tới Singapore là nỗ lực có tính toán hầu cảnh cáo Trung Quốc rằng Bắc Kinh không có đặc quyền vô hạn về những hoạt động trong các vùng biển quốc tế, theo nhận xét của cựu sĩ quan CIA Mỹ, Larry Johnson.

Đầu tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và người đồng nhiệm phía Singapore Ng Eng Hen nhất trí với nhau rằng Mỹ sẽ đưa máy bay do thám Poseidon P-8 tới Singapore trong tháng này.

Phát biểu với tờ Sputnik hôm 9/12, ông Johnson nói: "Đây là một nguy cơ có tính toán hầu nhắc nhở Trung Quốc rằng họ không có quyền vô hạn để làm những gì họ muốn tại những nơi mà Hoa Kỳ và đồng minh xem là các vùng biển quốc tế".

Ông Johnson nhấn mạnh hành động này tuy không nhằm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc nhưng có thể làm ảnh hưởng đến mối quan hệ vốn đang xấu đi giữa Washington với Bắc Kinh liên quan vấn đề Biển Đông.

Và nếu Trung Quốc có xem việc Hoa Kỳ đưa máy bay do thám tới đặt ở một nước kế cận là đe dọa Bắc Kinh thì cũng không phải là một điều đáng ngạc nhiên đối với Mỹ, viên chức CIA này nhận định.

Hồi tháng Mười, Mỹ cho tàu khu trục hải quân USS Lassen tuần tra sát các đảo nhân tạo Trung Quốc xây ở Trường Sa mà Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền.

Động thái của Mỹ không công nhận tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh tại đây bị Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên án là bất hợp pháp và vi phạm chủ quyền của Trung Quốc.

Hoa Kỳ và các nước bao gồm Việt Nam kêu gọi Trung Quốc ngừng các hoạt động xây cất hay thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông, nhưng Bắc Kinh phớt lờ.

Tới nay, quân đội Mỹ đã tiến hành các phi vụ giám sát từ các sân bay ở Nhật và Philippines trong lúc vẫn tiếp tục các cuộc tuần tra quân sự trong vùng biển tranh chấp. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Việt Nam trong nhóm các nước có dân số lão hóa nhanh

Đông Á - Thái Bình Dương có dân số lão hóa nhanh hơn các khu vực khác trên thế giới, trong đó Việt Nam thuộc nhóm nước có tốc độ lão hóa dân số nhanh, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố tuần này.

Phúc trình nhan đề "Sống thọ và Thịnh vượng: Hiện tượng lão hóa dân số Khu vực Đông Á – Thái Bình Dương" cảnh báo dân số tại khu vực này có tốc độ lão hóa nhanh nhất thế giới từ trước tới nay và một số nước thu nhập trung bình và trên trung bình có thể bị giảm 15% lực lượng lao động từ nay tới năm 2040.

WB cho hay tại đa số các nước giàu, quá trình biến chuyển từ một nước có dân số trẻ sang một nước có dân số lão hóa thường mất từ 50 năm tới 1 thế kỷ. Tuy nhiên, quá trình này sẽ diễn ra chỉ trong vòng 15 năm đối với dân số Việt Nam.

Ngân hàng Thế giới dự đoán tới năm 2060, trong năm nước có dân số già nhất trên thế giới có một nước xuất xứ từ Đông Á.

Việt Nam cũng nằm trong các nước có tỷ lệ dân thành thị về hưu sớm nhất cùng với các nước như Trung Quốc hay Thái Lan.

Ngân hàng Thế giới nói thực tế này đề ra các thách thức về chính sách, áp lực kinh tế, mức chi tiêu công tăng trong khi nguồn lao động lại giảm, cùng những rủi ro xã hội.

Ngân hàng Thế giới khuyến cáo đối phó với thực trạng dân số lão hóa nhanh chóng đòi hỏi một cách tiếp cận chính sách toàn diện nhằm tăng cường khả năng của thị trường lao động, khuyến khích cách sống lành mạnh, cải thiện dịch vụ chăm sóc trẻ em, giáo dục, y tế, hưu trí, chăm sóc dài hạn và các vấn đề khác.

Theo báo cáo, hiện tượng dân số lão hóa nhanh một phần từ việc phát triển kinh tế nhanh trong vài thập kỉ gần đây. Thu nhập tăng lên, trình độ giáo dục cao hơn làm tăng tuổi thọ nhưng lại giảm tỉ lệ sinh. - VOA
|
|

6.
Việt Nam sẽ cấp visa 1 năm cho công dân Mỹ

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán đồng đề xuất của chính phủ, qua đó Việt Nam sẽ cấp thị thực nhập cảnh cho công dân Hoa Kỳ thời hạn 1 năm thay vì 3 tháng.

Truyền thông nhà nước loan tin Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Phạm Bình Minh ngày 11/12 đã trình bày trước ủy ban về việc đàm phán và trao đổi công hàm Thỏa thuận cấp visa giữa hai nước Việt - Mỹ.

Ông Minh cho biết Hoa Kỳ nhiều lần phàn nàn về quy định thị thực của Việt Nam gây khó khăn cho công dân Mỹ, bất xứng với chính sách visa Mỹ dành cho công dân Việt Nam.

Theo Luật xuất nhập cảnh 2014, Việt Nam cấp visa nhập cảnh 3 tháng và không gia hạn thời gian lưu trú cho công dân Mỹ trong khi công dân Việt Nam được Hoa Kỳ cấp thị thực có giá trị nhập cảnh nhiều lần trong 1 năm và được lưu trú tới nửa năm trong mỗi lần nhập cảnh.

Báo chí trong nước dẫn lời ngoại trưởng Việt Nam cho biết các nước đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Hoa Kỳ đều miễn thực cho công dân Mỹ với thời gian lưu trú từ 3 tháng đến nửa năm. Riêng Việt Nam cấp visa ngắn hạn 3 tháng cho công dân Mỹ.

Từ giữa tháng 7, Bộ cho biết đã sẵn sàng đàm phán để đạt thỏa thuận dưới dạng trao đổi công hàm ngoại giao Việt - Mỹ về việc cấp visa thời hạn 1 năm cho công dân hai nước.

Ngoại trưởng Phạm Bình Minh nói thỏa thuận này ngoài việc tạo điều kiện cho công dân cả hai nước được nhập cảnh thuận lợi hơn, còn giúp thúc đẩy hợp tác thương mại song phương và thu hút thêm đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam.

Năm ngoái, có 443.776 lượt du khách từ Mỹ tới Việt Nam, tăng gần 3% so với năm trước đó. Việt Nam đề mục tiêu tới năm 2017 số này sẽ lên thành 1 triệu lượt.  

Nhìn chung hiện nay, một visa du lịch cho công dân Mỹ tới Việt Nam có hiệu lực từ 1 đến 3 tháng.

Trong nỗ lực thu hút thêm nguồn ngoại tệ và khách du lịch, Việt Nam đã miễn visa cho 5 nước châu Âu.

Từ giữa tháng 11 năm nay, Việt Nam áp dụng chính sách miễn thị thực khi về nước đối với Việt kiều có quốc tịch Việt Nam cùng vợ chồng con cái của họ nếu có quốc tịch, giấy tờ, CMND được cấp tại Việt Nam.

Người muốn được cấp giấy miễn thị thực đang ở nước ngoài phải nộp hồ sơ tại cơ quan đại diện Việt Nam như đại sứ quán, lãnh sự quán. Còn người đang tạm trú tại Việt Nam có thể nộp hồ sơ tại Cục quản lý xuất nhập cảnh. - VOA

No comments:

Post a Comment