Tin Thế Giới
1.
Trung Quốc kêu gọi Philippines từ bỏ ảo tưởng về Biển Đông
Trung Quốc nhắc lại rằng họ không chấp nhận và cũng sẽ không tham gia vụ kiện của Philippines về Biển Đông, và kêu gọi Philippines từ bỏ ảo tưởng và quay trở lại các cuộc đàm phán.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói trong buổi họp báo thường kỳ: “Chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc nên được quyết định bởi tất cả người dân Trung Quốc, và không có người hoặc tổ chức nào khác có quyền xử lý”.
Nhận định của ông Hồng Lỗi được đưa ra để đáp lại câu hỏi liên quan đến vụ kiện của Philippines tại tòa án quốc tế La Haye.
Ông Hồng cho biết, lập trường của Trung Quốc trong vụ Biển Đông dựa trên một cơ sở pháp lý quốc tế vững chắc và sẽ không thay đổi.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, tại phiên tòa, Philippines phớt lờ sự thật, công lý, pháp luật quốc tế, và đã tìm cách phủ nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo ở Biển Đông cũng như hiệu lực pháp lý của Tuyên bố Cairo và Tuyên bố Postdam.
Ông Hồng nói: “Điều này cho thấy bản chất của việc tranh chấp trên Biển Đông của Trung Quốc và Philippines là tranh chấp lãnh thổ”.
Theo ông Hồng, tòa án trọng tài được thiết lập theo đề nghị của Philippines không có thẩm quyền trong trường hợp này. Các trọng tài nhắm đến việc phủ nhận chủ quyền Biển Đông và lợi ích hàng hải của Trung Quốc thay vì giải quyết tranh chấp.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng Trung Quốc sẽ không chấp nhận kết quả của các giải pháp do một bên thứ ba trong việc tranh chấp lãnh thổ, và hối thúc Philippines thay đổi đường hướng và quay lại đàm phán.
Philippines đã kiện Trung quốc ra tòa trọng tài quốc tế La Haye vào đầu năm 2013.
Trung Quốc đã từ chối tham gia tố tụng, giữ vững quan điểm rằng vụ việc sẽ phải được giải quyết bởi các nước có liên quan trực tiếp thông qua tham vấn và đàm phán.
Trước đó, vào tháng 7 năm nay, Trung Quốc cũng đã có động thái tương tự khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh tái khẳng định lập trường phản đối phiên toà và cho biết nước này "sẽ không bao giờ chấp nhận những cố gắng đơn phương nhằm dựa vào bên thứ ba để giải quyết tranh chấp". - VOA
|
|
2.
Nhật Bản: Chiến hạm Trung Quốc đến gần quần đảo có tranh chấp
Nhật Bản cho biết họ đã phát giác một chiến hạm của lực lượng tuần duyên Trung Quốc gần một nhóm đảo không người ở ở Biển Đông Trung Hoa mà hai nước cùng đòi chủ quyền.
Lực lượng Tuần duyên Nhật hôm 22/12 phổ biến một bức ảnh cho thấy chiến hạm Trung Quốc đến gần quần đảo mà Nhật Bản gọi là Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
Một phát ngôn viên Lực lượng Tuần duyên Nhật nói đây là lần đầu tiên tàu tuần duyên có vũ trang của Trung Quốc được phát giác gần Senkaku. Ba chiếc tàu khác của Trung Quốc cũng được nhìn thấy trong khu vực này.
Các chiếc tàu Trung Quốc đó không chiếc nào tiến vào vùng biển mà Nhật Bản cho là lãnh hải của mình.
Bắc Kinh đã làm nhiều lân bang Á châu phẫn nộ trong những năm gần đây với những hành động bị cho là hung hăng để tìm cách khẳng định yêu sách chủ quyền ở Biển Đông Trung Hoa và Biển Nam Trung Hoa (Việt Nam gọi là Biển Đông). - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
3.
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham bỏ cuộc đua giành đề cử tổng thống
Thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham của bang South Carolina, người ủng hộ sự hiện diện quân sự mạnh mẽ của Mỹ ở nước ngoài, hôm thứ Hai đã từ bỏ cuộc đua tranh đề cử tổng thống của Đảng Cộng hòa năm 2016, thừa nhận rằng ông giành được ít sự ủng hộ chính trị.
Ông Graham 60 tuổi thường là nhân vật nổi bật trong những cuộc tranh luận của những ứng cử viên Đảng Cộng hòa “dưới cơ” diễn ra trước cuộc tranh luận của những ứng cử viên nhận được tỉ lệ ủng hộ cao hơn trong những cuộc khảo sát ý kiến cử tri. Nhưng chính trị gia nhanh trí này đã không giành được đủ sự ủng hộ của cử tri theo Đảng Cộng hòa để chen chân vào cuộc tranh luận chính.
Ông Graham nói với CNN rằng ông tin "những ứng cử viên của đảng chúng tôi sẽ áp dụng kế hoạch của tôi khi nói đến việc làm thế nào để tiêu diệt" những kẻ chủ chiến Nhà nước Hồi giáo. Ông ủng hộ sử dụng bộ binh Mỹ ở Trung Đông để chống lại lực lượng Nhà nước Hồi giáo, một lập trường được một số ứng cử viên Đảng Cộng hòa khác cổ xúy, nhưng bị Tổng thống Barack Obama và ứng cử viên tổng thống hàng đầu của Đảng Dân chủ, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, bác bỏ.
Cuộc đua giành đề cử tổng thống của Đảng Cộng hòa hiện còn lại 13 ứng cử viên sau khi ông Graham tuyên bố bỏ cuộc. Cuộc đua này đã bị áp đảo bởi người mới bước chân vào làm chính trị, tỉ phú bất động sản Donald Trump.
Các cuộc bỏ phiếu chọn ứng cử viên đề cử của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ sẽ bắt đầu vào tháng 2, dẫn đến đại hội đảng toàn quốc và cuối cùng là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm sau.
Người thắng cử sẽ kế nhiệm ông Obama khi ông rời Tòa Bạch Ốc vào tháng 1 năm 2017. - VOA
|
|
4.
Ông Trump và bà Clinton đả kích nhau kịch liệt
Hai đảng Cộng hòa và Dân chủ ở Mỹ chưa chính thức chọn ứng viên cho cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới, nhưng điều đó không ngăn được hai ứng viên đang dẫn đầu của đôi bên là bà Hillary Clinton và ông Donald Trump đả kích nhau.
Hôm thứ Hai bắt đầu với việc ông Trump gọi là Clinton là “một kẻ nói láo” và đòi bà xin lỗi về tuyên bố bà đưa ra trong cuộc tranh luận của phe Dân chủ hôm thứ Bảy là phiến quân Nhà nước Hồi giáo đang dùng video của những phát biểu của ông như một công cụ để tuyển mộ. Ban vận động của bà Clinton sau đó nói họ không biết có video cụ thể nào hay không nhưng phát biểu của ông Trump về người Hồi giáo đang giúp ích cho các phần tử thánh chiến. Ông Brian Fallon, người phát ngôn của bà Clinton nói với đài CNN: “Bà Clinton sẽ không xin lỗi ông Trump về việc đã nêu ra một cách chính xác là những luận điệu thù hằn của ông ấy chỉ giúp cho Nhà nước Hồi giáo tuyển mộ thêm các phần tử khủng bố mà thôi”.
Ông Trump lại nêu lên vấn đề này hồi tối thứ Hai tại một cuộc vận động ở Chicago. Nhà tỉ phú địa ốc này cũng nói tới cuộc bầu cử năm 2008 khi Tổng thống Barack Obama đánh bại bà Clinton để được đảng Dân chủ chọn làm ứng cử viên tổng thống. Ông Trump, người bị chỉ trích về những phát biểu thô bỉ về phụ nữ, hôm qua đã dùng một từ ngữ thô tục để mô tả việc bà Clinton bị thua trong một cuộc chạy đua mà nhiều người đã tin là bà sẽ thắng.
Hai đảng Dân chủ và Cộng hòa sẽ chọn ứng cử viên của đảng vào tháng 7. Cả ông Trump lẫn bà Clinton đều dẫn đầu cuộc đua trong đảng với tỉ lệ chênh lệch khá cao, nhưng các cuộc thăm dò toàn quốc về trường hợp hai nhân vật này đối đầu với nhau trong cuộc tổng tuyển cử cho thấy bà Clinton đánh bại ông Trump với mức chênh lệch 6%. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
5.
Mỹ lên án Việt Nam giam giữ nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng
Hoa Kỳ hôm thứ Hai bày tỏ lo ngại sâu xa về việc một luât sư bênh vực cho nhân quyền bị nhà cầm quyền giam tù, và kêu gọi Hà Nội trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm.
“Chúng tôi hết sức lo ngại về việc nhà tranh đấu cho nhân quyền Nguyễn Văn Đài bị chính quyền bắt giữ theo Điều 88 của Bộ Luật Hình sự”, người phát ngôn John Kirby của Bộ Ngoại giao Mỹ nói với các phóng viên báo chí hôm thứ Hai.
Luật sư Nguyễn Văn Đài, một nhà hoạt động tranh đấu cho nhân quyền, người truớc đó trong tháng này bị những tên côn đồn không rõ lai lịch đánh đập, đã bị nhà cầm quyền Việt Nam bắt giữ hồi tuần trước vì tội “tuyên truyền chống phá nhà nước”. Đây là diễn biến mới nhất mà các nhóm bênh vực cho nhân quyền quốc tế gọi là hành động đàn áp tiếng nói chỉ trích đáng báo động của chính phủ Việt Nam.
“Chúng tôi yêu cầu chính phủ Việt Nam phải bảo đảm luật lệ và hành động của họ phải phù hợp với nghĩa vụ và cam kết quốc tế của họ, và kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do không điều kiện cho tất cả các tù nhân luơng tâm", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói.
Các nhà lập pháp Mỹ hồi tuần trước đã lên tiếng chỉ trích Việt Nam về vụ trấn áp những tiếng nói bất đồng mới nhất này.
Trong thông cáo đề ngày 18 tháng 12, các Dân biểu Chris Smith, Zoe Lofgren và Loretta Sanchez, đồng sáng lập viên Khối Việt Nam tại Hạ viện Mỹ, yêu cầu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả tự do ngay tức khắc và vô điều kiện cho luật sư Nguyễn Văn Đài.
Thông cáo nói “vụ bắt giữ này là vụ việc mới nhất của một loạt những hành động hung bạo do chính quyền bảo trợ nhắm vào luật sư Đài, trong đó có vụ hành hung dữ dội của nhân viên an ninh thường phục trước đây trong tháng này và án tù 4 năm được tuyên không lâu sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới với sự ủng hộ của Hoa Kỳ”.
Các tổ chức bênh vực nhân quyền quốc tế, trong đó có Tổ chức Ân xá Quốc tế, Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) và Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) cực lực chỉ trích chính phủ Việt Nam về hành động đàn áp này, và kêu gọi trả tự do ngay tức khắc và vô điều kiện cho Luật sư Đài.
Luật sư Nguyễn Văn Đài là một cựu tù nhân lương tâm được quốc tế biết tiếng, người thành lập Ủy ban Nhân Quyền tại Việt Nam hồi năm 2006.
Từ 2007 đến 2011, ông thọ án tù về tội danh "tuyên truyền chống nhà nước" sau các hoạt động cổ súy dân chủ bao gồm tổ chức các lớp học miễn phí về nhân quyền cho giới trẻ.
Sau khi ra tù, ông lập Hội Anh em Dân chủ vào tháng 4 năm 2013 và tiếp tục các nỗ lực giáo dục ý thức dân chủ-nhân quyền cho người dân trong nước.
Mặc dù đã có những cải cách sâu rộng về kinh tế và gia tăng nhận thức về các thay đổi xã hội, trong đó có quyền người đồng tính luyến ái, Ðảng Cộng sản cầm quyền tại Việt Nam tiếp tục thắt chặt kiểm duyệt truyền thông báo chí và dứt khoát không dung chấp tiếng nói bất đồng.
Quan hệ giữa Việt Nam và nước cựu thù Mỹ trong mấy năm qua đã nồng ấm lên, nhất là kể từ khi hai bên cùng chia sẻ mối quan tâm chung về thái độ gây hấn ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông, và mong muốn của Washington hoàn tất Hiệp uớc Thuơng mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đầy tham vọng.
Washington đã tháo dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí tồn tại từ rất lâu cho Việt Nam, nhưng việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm này phụ thuộc một phần vào thành tích cải thiện nhân quyền của chính phủ Việt Nam.
Nhóm tranh đấu cho nhân quyền Human Rights Watch có trụ sở ở New York nói rằng Việt Nam đang giam cầm ít nhất 130 tù nhân chính trị. Human Rights Watch nói số vụ truy tố và kết tội mang động cơ chính trị có phần giảm xuống trong năm nay, nhưng nhóm này xem đó là một nỗ lực của chính phủ Việt Nam nhằm mưu tìm những ưu đãi cho các thỏa thuận thuơng mại, chẳng hạn như hiệp uớc TPP, mà Việt Nam là một đối tác.
Ủy ban Bảo vệ Ký giả nói Hà Nội không thể dùng mãi những chiêu trò đã cũ rằng chỉ nhượng bộ nhân quyền khi cần để đổi lấy các quyền lợi thương mại rồi sau đó lại tiếp tục mọi chuyện vì cộng đồng quốc tế hiểu rất rõ những gì đang diễn ra tại Việt Nam. - VOA
|
|
6.
Đại hội Đảng thứ 12: Việt Nam có sẽ "xoay trục" sang phương Tây?
Ngày 21/12/2015, sau khi kết thúc hội nghị lần thứ 13, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông báo là Đại hội Đảng lần thứ 12 sẽ diễn ra từ ngày 21/01 đến 28/01/2016. Đây sẽ là một Đại hội mang tính chất quyết định cho tương lai của Việt Nam, với câu hỏi lớn đang được đặt ra: Chế độ Hà Nội có thoát ra được vòng ảnh hưởng của Trung Quốc để nghiêng hẳn sang phương Tây hay không?
Được tổ chức 5 năm một lần, Đại hội Đảng sẽ bầu ra ban lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam: Tổng bí thư Đảng, Chủ tịch nước và Thủ tướng. Cả ba nhà lãnh đạo hiện nay, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đều đã cầm quyền nhiệm kỳ cuối cùng và như vậy trên nguyên tắc sẽ được thay thế bằng một ban lãnh đạo mới.
Tuy nhiên, vẫn có những lời đồn đoán về việc ông Nguyễn Tấn Dũng đang ngấp nghé chiếc ghế Tổng bí thư, cũng như đang vận động đưa những người thân cận của ông vào Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương. Chính là do đấu đá nội bộ giữa phe ông Dũng với phe ông Trọng quá gay gắt mà mãi cho tới hôm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam mới quyết định được ngày tổ chức Đại hội. Và phải đợi đến hội nghị trung ương lần thứ 14, có lẽ là vào đầu tháng 01/2016, vấn đề nhân sự lãnh đạo cấp cao mới ngã ngũ.
Đại hội Đảng lần tới trước hết sẽ quyết định về chính sách kinh tế của Việt Nam trong 5 năm tới, đặc biệt là về việc cải tổ khu vực Nhà nước trong một nền kinh tế "thị trường Xã hội chủ nghĩa", vào lúc Việt Nam đang hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới, nhất là với việc ký kết hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP.
Về mặt chính trị thì không ai trông chờ những cải cách sâu rộng, vì Đảng Cộng sản Việt Nam chắc chắn là sẽ tiếp tục nắm độc quyền lãnh đạo, không chấp nhận dân chủ đa đảng, cho dù phe gọi là phe "cải cách" chiếm thế thượng phong sau Đại hội Đảng.
Nhưng Đại hội Đảng lần thứ 12 sẽ diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc vẫn rất căng thẳng do tranh chấp chủ quyền Biển Đông. Cho tới nay, khi nói về nội bộ lãnh đạo Việt Nam, giới quan sát thường chia họ thành hai phe, phe thân Trung Quốc và phe thân Mỹ.
Nhưng sự phân biệt đó dường như không còn chính xác nữa kể từ sau chuyến viếng thăm Hoa Kỳ cách đây 6 tháng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, một nhân vật vẫn được cho là bảo thủ và thân Trung Quốc. Khi tiếp ông Trọng, Tổng thống Barack Obama đã bảo đảm là Hoa Kỳ tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam, tức là sẽ không có chuyện Mỹ làm "diễn biến hòa bình" lật đổ Đảng Cộng sản Việt Nam.
Có thể nói là hiện nay Hà Nội tin tưởng vào Washington hơn là vào Bắc Kinh, nhưng Việt Nam vẫn chưa thật sự nghiêng hẳn về phía Mỹ. Đại hội Đảng kỳ tới sẽ quyết định xem Việt Nam có sẽ thật sự "xoay trục" sang phương Tây hay không và điều này tùy thuộc vào tương quan lực lượng trong ban lãnh đạo mới của Đảng. Theo xu thế như hiện nay thì phe cải tổ có vẻ sẽ thắng thế. Ông Nguyễn Tấn Dũng được cho là có sự ủng hộ của Ban Chấp hành Trung ương và của giới doanh nghiệp trong cuộc chạy đua giành chức Tổng bí thư Đảng.
Nếu thật sự sau Đại hội, ban lãnh đạo Đảng có một tiếng nói đồng nhất theo hướng nghiêng hẳn về Hoa Kỳ thì Hà Nội sẽ có thể thương lượng với Bắc Kinh ở thế mạnh hơn, chứ không bị lép vế như hiện nay. Hiện giờ Việt Nam vẫn đang cố đạt một giải pháp ổn thỏa để có thể sống yên thân với láng giềng khổng lồ Trung Quốc lúc nào cũng mang tham vọng bành trướng.
Nhưng giới lãnh đạo Hà Nội cũng ý thức được rằng cũng khó mà tránh khỏi xung đột quân sự với Trung Quốc. Để chuẩn bị cho tình huống đó, Việt Nam chỉ có thể dựa vào Hoa Kỳ và phương Tây nói chung để tăng cường tiềm lực quân sự. Như vậy, Đại hội Đảng lần tới không chỉ quyết định cho tương lai của Việt Nam, mà còn ảnh hưởng đến sự tồn vong của đất nước, đó là tùy thuộc vào đường lối ngoại giao của ban lãnh đạo mới. - RFI
No comments:
Post a Comment