Tin Thế Giới
1.
Tranh chấp Biển Đông nhận chìm tuyên bố chung ASEAN --- Lãnh đạo Quốc phòng Mỹ-Malaysia sẽ lên tàu sân bay Mỹ trên Biển Đông
Hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN hôm thứ Tư tại Malaysia không đưa ra bất cứ tuyên bố chung nào, sau khi Trung Quốc vận động ngăn cản bất cứ nội dung nào đề cập đến Biển Đông đầy tranh chấp.
Hội nghị bao gồm 10 thành viên ASEAN cộng với Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia, Ấn Ðộ và Nhật Bản.
Một giới chức quốc phòng Mỹ nói rằng hội nghị không ra một tuyên cáo chung nào tốt hơn là có tuyên cáo mà trong đó không đề cập đến Biển Đông.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng họ cảm thấy tiếc là không có tuyên bố chung được đưa ra, và quy lỗi cho "một số nước" bên ngoài Ðông Nam Á phải chịu trách nhiệm về việc bãi bỏ tuyên cáo đó.
Nhiều năm qua, các nước trong khu vực, nhất là Philippines và Việt Nam, mạnh mẽ tuyên bố những chủ quyền chồng chéo nhau ở Biển Đông, nhưng căng thẳng gia tăng trong thời gian gần đây khi Trung Quốc xây những đảo nhân tạo trong khu vực tranh chấp.
Hoa Kỳ kêu gọi Trung Quốc ngưng hoạt động xây dựng trên Biển Đông, với giải thích rằng hoạt động đó gây bất ổn trong khu vực. Ngược lại, các giới chức Trung Quốc nói hoạt động xây dựng đó là một nỗ lực hòa bình, nhằm hỗ trợ cho tàu bè qua lại thủy lộ này.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và người đồng cấp Malaysia, ông Hishammuddin Hussein, sẽ lên hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt ngày mai khi chiếc hạm này rời khỏi vùng biển của Malaysia. Hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt làm nhiệm vụ tuần tra trên Biển Đông.
Tuần trước, Hoa Kỳ đã đưa một khu trục hạm có phi đạn hướng dẫn vào vùng biển thuộc phạm vi 22 kilômét của bãi đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa, trong một động thái mà Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ gọi là một cuộc thao dượt thường lệ nhằm bảo vệ "quyền sử dụng tự do và hợp pháp hải phận và không phận được bảo đảm cho tất cả các nước theo luật quốc tế". - VOA
***
Trong một động thái được cho là sẽ khiến Trung Quốc thêm tức tối, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cùng đồng nhiệm Malaysia sẽ lên thăm tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt vào ngày mai 05/11/2015, khi con tàu này đi qua Biển Đông. Một quan chức quốc phòng Mỹ cao cấp đã tiết lộ thông tin trên vào hôm nay 04/11 tại Kuala Lumpur.
Chi tiết về chuyến thăm tàu sân bay Mỹ của Bộ trưởng Mỹ Ashton Carter và đồng nhiệm Malaysia Hishammuddin Hussein không được tiết lộ, và nhất là vị trí cụ thể và hướng đi của chiếc hàng không mẫu hạm Roosevelt trên Biển Đông khi hai vị khách có mặt trên tàu.
Tuy nhiên, theo đánh giá của hãng tin Anh Reuters, vào lúc Bắc Kinh đang tức tối trước việc Washington khởi động chiến dịch tuần tra Trường Sa để bảo vệ quyền tự do hàng hải, việc hai Bộ trưởng Mỹ-Malaysia lên thăm một chiếc hàng không mẫu hạm Mỹ ngay trên Biển Đông chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc bất bình thêm.
Một bản tin trên mạng của tờ báo Quân đội Mỹ Star and Stripes xác định rằng chuyến thăm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt mang một ý nghĩa biểu tượng rất lớn, vì nó tiếp nối theo một tuần lễ tranh cãi gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc về các hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh cho bồi đắp ở Biển Đông.
Theo tờ báo, sự hiện diện của ông Carter trên tàu sân bay nhằm mục đích nhấn mạnh quan điểm của Mỹ theo đó Trung Quốc không có quyền cấm Mỹ - hoặc bất kỳ quốc gia nào khác – qua lại bên trong vùng 12 hải lý xung quanh các hòn đảo nhân tạo trong vùng mà Bắc Kinh tự nhận là lãnh thổ của mình bất chấp tuyên bố ngược lại của các nước khác.
Mỹ đã chứng tỏ quan điểm bằng một biện pháp được cho là mạnh khi tung khu trục hạm Lassen tiến vào tuần tra bên trong vùng 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Xu Bi ở Trường Sa.
Tại một cuộc họp báo tối thứ tư 04/11/2015 tại Kuala Lumpur, nơi ông vừa kết thúc cuộc họp với các đồng nhiệm trong cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng, ông Ashton Carter đã bác bỏ lập luận cho rằng Mỹ đã quá nặng tay trong hồ sơ Biển Đông.
Đối với ông Carter, chính hoạt động bồi đắp và xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc mới là nguyên nhân khiến cho tình hình căng thẳng, vì đó là "yếu tố mới", trong lúc việc chiếc Lassen áp sát đá Xu Bi, hay sự kiện ông lên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt ngày mai chẳng có gì là lạ vì lẽ "Sự hiện diện của tàu Hải quân Mỹ ở Biển Đông không phải là mới". - RFI
|
|
2.
Nguyên thủ Đài Loan-TQ sắp gặp nhau lần đầu tiên trong hơn 60 năm
Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Singapore vào thứ bảy tuần này. Đây sẽ là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo của Đài Loan và Trung Quốc kể từ khi đôi bên tách khỏi nhau trong cuộc nội chiến kết thúc năm 1949. Theo tường thuật của thông tín viên Bill Ide của đài VOA tại Bắc Kinh, cuộc họp lịch sử này diễn ra trong lúc chỉ hơn hai tháng nữa là tới ngày bầu cử tổng thống ở Đài Loan.
Trung Quốc cho rằng cuộc hội đàm sắp diễn ra ở Singapore là “một dấu mốc lịch sử” trong sự phát triển của các mối quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan.
Một thông cáo chính thức được tuyên đọc trên các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết tại cuộc họp này “các nhà lãnh đạo ở hai bờ eo biển sẽ trao đổi ý kiến với nhau về việc thúc đẩy sự phát triển hoà bình của các mối quan hệ xuyên eo biển Đài Loan và làm sâu sắc thêm nữa các mối liên hệ hiện có.”
Truyền thông Trung Quốc nói rằng tại cuộc gặp gỡ hai nhà lãnh đạo này sẽ không dùng chức vụ để xưng hô với nhau, mà thay vào đó, họ chỉ gọi nhau là “tiên sinh” hay “ông.” Hai chính phủ này không chính thức công nhận nhau. Tin tức từ Bắc Kinh cho biết sau cuộc họp vào buổi chiều, hai nhà lãnh đạo sẽ tổ chức những cuộc họp báo riêng rẽ và sẽ tham dự một dạ tiệc.
Từ khi ông Mã Anh Cửu lên nắm quyền năm 2008 tới nay, Đài Loan và Trung Quốc đã ký kết 23 hiệp định. Các hoạt động thương mại và du lịch đã gia tăng đáng kể, làm bùng ra những mối lo ngại về sự lệ thuộc quá độ của Đài Loan đối với kinh tế Trung Quốc và về những ảnh hưởng chính trị của Bắc Kinh đối với Đài Bắc.
Trung Quốc cho rằng đảo quốc Đài Loan theo thể chế dân chủ là một phần lãnh thổ của họ và đòi đôi bên phải tái thống nhất. Tuy nhiên, sự ủng hộ của người dân Đài Loan đối với việc thống nhất với Hoa Lục nằm ở mức rất thấp.
Chính quyền Quốc Dân Đảng của ông Tưởng Giới Thạch đã chạy sang Đài Loan sau khi bị phe Cộng Sản của ông Mao Trạch Đông đánh bại trong cuộc nội chiến kết thúc năm 1949. Tại Đài Loan, Quốc Dân Đảng cai trị đảo quốc này với bàn tay sắt trong nhiều thập niên, bóp nghẹt những tiếng nói bất đồng, giống như những gì mà Đảng Cộng Sản làm ở Hoa Lục. Nhưng không giống như những nhà lãnh đạo Hoa Lục, Đài Loan đã dần dà mở rộng không gian chính trị và cho phép sự tồn tại của các đảng đối lập. Đảo quốc này tổ chức cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên vào năm 1996.
Các chính khách đối lập ở Đài Loan đã bày tỏ lo ngại về cuộc họp kín ở Singapore và đã bắt đầu biểu tình ở thủ đô Đài Bắc.
Các biện pháp an ninh đã được tăng cường bên ngoài Phủ Tổng thống và trụ sở của Viện Lập pháp, nơi một số người biểu tình đòi ông Mã Anh Cửu huỷ bỏ cuộc họp với ông Tập Cận Bình. Một số người đòi luận tội để truất nhiệm ông Mã Anh Cửu vì khi đắc cử cho nhiệm kỳ thứ nhì ông đã cam kết không gặp các nhà lãnh đạo Trung Quốc hay thương thuyết về vấn đề thống nhất. Những người khác tỏ ý lo ngại về những thoả thuận bí mật có thể đạt được tại cuộc họp kín.
Một người phát ngôn của ông Mã Anh Cửu cho biết sẽ không có hiệp định nào được ký kết tại cuộc họp và khẳng định là cuộc gặp gỡ này chỉ có mục đích củng cố các mối quan hệ song phương và “duy trì hiện trạng ở hai bờ eo biển Đài Loan.”
Ông Trịnh Vận Bằng, phát ngôn viên của Đảng Dân Tiến đối lập, sáng nay tố cáo Quốc Dân Đảng đương quyền của Tổng thống Mã Anh Cửu dùng cuộc họp ở Singapore như một thủ đoạn để giành phần thắng trong cuộc bầu cử vào ngày 16 tháng giêng sang năm.
Bà Thái Anh Văn, Chủ tịch Đảng Dân Tiến và là ứng cử viên tổng thống của đảng này trong cuộc bầu cử sắp tới, cho biết cũng giống như những người khác, bà cảm thấy ngạc nhiên khi nghe loan báo đó. Bà nói “Một cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo của hai bên của eo biển Đài Loan là một sự kiện rất lớn, có liên hệ tới phẩm giá và lợi ích quốc gia của Đài Loan. Nhưng để cho dân chúng biết tới cuộc họp với một cách thức vội vã và hỗn loạn như vậy là gây phương hại cho nền dân chủ của Đài Loan.”
Các cuộc thăm dò ý kiến cử tri ở Đài Loan cho thấy bà Thái Anh Văn, dẫn đầu khá xa so với ứng cử viên Chu Lập Luân của Quốc Dân Đảng.
Cuộc họp giữa ông Mã Anh Cửu với ông Tập Cận Bình sẽ ảnh hưởng như thế nào tới cuộc bầu cử là một vấn đề chưa có giải đáp rõ ràng. Ông Bruce Jacobs, giáo sư danh dự của Đại học Monash ở Australia, cho rằng ảnh hưởng có lẽ sẽ không nhiều, nhưng nếu có, thì nó sẽ có lợi cho bà Thái Anh Văn. Ông nói thêm rằng điều đáng chú ý là tại sao ông Tập Cận Bình lại đồng ý gặp ông Mã vào lúc này? Theo giáo sư Jacobs, có lẽ ông Tập cảm thấy chính sách về Đài Loan của ông sắp bị thất bại: người dân Đài Loan không hề muốn thống nhất với Hoa Lục và bất luận là ông làm điều gì thì chính sách đó cũng thất bại.
Tại Washington, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest cho báo chí biết rằng “Mối quan hệ ổn định và hoà bình giữa hai bờ eo biển Đài Loan phù hợp với những lợi ích cơ bản của nước Mỹ.” - VOA
|
|
3.
Chính phủ Romania từ chức vì vụ cháy hộp đêm
Thủ tướng Romania Victor Ponta tuyên bố chính phủ của ông xin từ chức thể theo yêu cầu của những người phản đối đòi ông và các giới chức hàng đầu khác thôi chức tiếp theo sau vụ một hộp đêm bị cháy hồi tuần trước làm 32 người thiệt mạng.
Thủ tướng Ponta ra thông báo sáng thứ Tư. Ông bày tỏ hy vọng rằng sự đáp ứng yêu cầu của ông sẽ làm hài lòng hàng ngàn người biểu tình tuần hành qua khu vực trung tâm thủ đô Bucharest hôm thứ Ba.
Những người biểu tình cáo buộc rằng nhiều giới chức cấp cao ăn hối lộ để cấp phép cho những sô diễn tại các hộp đêm đông đúc và thiếu an toàn.
32 thanh niên thiếu nữ đi xem nhạc ở hộp đêm bị thiệt mạng hôm thứ Sáu và 200 người khác bị thương nặng, sau khi pháo phát nổ giữa một sô diễn tại hộp đêm Colectiv, khiến đám đông khoảng 400 người tháo chạy hỗn loạn về phía một cửa thoát hiểm duy nhất.
Mang theo những biểu ngữ với nội dung như "tham nhũng giết người," những người biểu tình đòi Thủ tướng Ponta, phó thủ tướng Gabriel Oprea và thị trưởng của thành phố nơi có hộp đêm bị hỏa hoạn, từ chức.
Các công tố viên Romania ra lệnh câu lưu 3 chủ nhân của hộp đêm để thẩm vấn.
Trong lúc hàng ngàn người tuần hành phản đối ở Bucharest hôm thứ Ba, Romania biểu dương hai người được những người bạn tôn vinh là anh hùng trong thảm kịch hôm thứ Sáu.
Tổng thống Klaus Iohannis tuyên dương nhà nhiếp ảnh Claudiu Petre và tay trống Adrian Rugina. Cả hai đã thiệt mạng vì đã xông vào hộp đêm đang cháy để cứu người.
Tổng thống Iohannis nói rằng cả hai sẽ được vinh danh vì "lòng quả cảm và vị tha để cứu người bằng sự hy sinh mạng sống của chính mình." - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
4.
Quốc hội Mỹ chờ văn bản của thỏa thuận TPP
Văn bản của hiệp định tự do thương mại Vành đai Thái Bình Dương chưa được công bố, nhưng các nhà lập pháp Mỹ thuộc cả hai đảng đã lên tiếng hoài nghi về cơ hội Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP sẽ được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua vào năm sau. Thông tín viên Michael Bowman của đài VOA trao đổi với các thượng nghị sĩ trong hội trường trụ sở Quốc hội và tường trình như sau.
Là chủ đề thương lượng giữa Mỹ và 11 nước khác và chiếm tổng cộng khoảng 40% sản lượng kinh tế toàn cầu, Hiệp định TPP sẽ tạo ra khối tự do thương mại lớn nhất thế giới và cũng là thành tựu đỉnh cao của Tổng thống Barack Obama trong lĩnh vực thương mại quốc tế.
Khi được hỏi về cơ hội TPP sẽ được Quốc hội Mỹ thông qua, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Chuck Grassley thẳng thắn phát biểu:
"Rất khó, không phải là không thể được thông qua, nhưng sẽ rất khó khăn."
Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ, Maria Cantwell, tán đồng nhận định này:
"Năm tới là năm bầu cử, và trong năm bầu cử, khó mà làm bất cứ điều gì có kết cục lớn."
Trước đây trong năm, Quốc hội Mỹ chuẩn y ‘quyền đàm phán nhanh’ nghĩa là các hiệp ước thương mại chỉ cần chiếm được đa số phiếu thuận tại lưỡng viện và Quốc hội không được sửa đổi các điều khoản đã ký kết với các đối tác. Tuy nhiên, ngay cả khi những rào cản pháp lý đã được giảm đi rất nhiều, chưa rõ là đa số đó có thực tiễn hóa sự chấp thuận ấy để thông qua TPP hay không.
Hiện giờ, Thượng nghị sĩ Dân chủ Ben Cardin nằm trong số các Thượng nghị sĩ chưa cho biết quyết định cho tới khi nào đọc được văn bản của thỏa thuận TPP, vốn đã được công bố từ đầu tháng 10.
"Dĩ nhiên phải dựa vào văn bản thỏa thuận đó xem nội dung bao hàm những gì. Phản ứng tự nhiên của phía công đoàn là chống lại TPP và phản ứng tự nhiên của cộng đồng doanh nghiệp là ủng hộ TPP. "
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Joni Ernst nhìn thấy những lợi ích từ TPP đối với nông dân trong tiểu bang quê nhà của bà.
"Nhìn chung, bang Iowa chúng tôi xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản, do đó, TPP là một điều tốt cho Iowa."
Nhưng ngay chính Thượng nghị sĩ Ernst cũng không đoan chắc là sẽ dành phiếu thuận cho TPP cho tới khi nào bà được điều nghiên văn bản của hiệp định. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
5.
Việt Nam gỡ bài Chủ tịch TQ ‘phá thế cờ’ của ông Obama --- VN: 200 người biểu tình phản đối Tập Cận Bình ở Saigon --- Cô Đặng Uyển Nghi bị Công an Phường Bến Nghé bắt nguội sau khi tham gia biểu tình
Một tờ báo đã gỡ bỏ bài, trong đó dẫn bình luận nói rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang tỏ ra “nhanh chân” hơn ông Obama trong ván cờ Trung-Mỹ ở Biển Đông” khi tới thăm Việt Nam trong hai ngày sắp tới.
Tờ Giáo dục Việt Nam cuối tháng trước đã trích bài viết của một tờ báo Trung Quốc ở hải ngoại, trong đó viết rằng “trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đặt chân đến Châu Á, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã quyết định thăm chính thức Việt Nam và Singapore từ 5/11 đến 7/11”.
“Mục đích chuyến thăm của ông Tập Cận Bình là nhằm ngăn chặn can thiệp của Mỹ vào Biển Đông và thúc đẩy cái gọi là đàm phán song phương theo lộ trình các bước và tần suất đàm phán do Trung Quốc đặt ra tránh để quan hệ giữa Hoa Kỳ với một số nước ASEAN mật thiết hơn nữa?!”, tờ báo viết.
Tờ Giáo dục Việt Nam còn viết thêm rằng chuyến thăm của ông Tập “mang màu sắc nhanh chân chạy trước”.
Tuy nhiên, tới ngày 4/11, tức một ngày trước khi ông Tập tới Hà Nội, bài báo này không còn xuất hiện trên trang web của tờ báo thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.
Khi bấm vào đường dẫn bài báo trước đây thì chỉ nhận được thông báo: “Không tìm thấy trang bạn cần tìm! Rất tiếc trang web bạn cần tìm không tồn tại hoặc có thể đã được chuyển sang địa chỉ khác”.
Trong khi đó, một bài báo khác viết về lịch trình chi tiết chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc không còn trên trang web của báo điện tử VTC.
Giới quan sát cho rằng việc các tờ báo phải gỡ bài liên quan tới ông Tập cho thấy sự nhạy cảm trong quan hệ Việt-Trung cũng như mối bang giao tay ba Hà Nội, Washington và Bắc Kinh.
Động thái trên xảy ra trong bối cảnh nhiều cuộc biểu tình quy mô nhỏ, phản đối chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc, đã diễn ra ở cả Hà Nội và TP HCM trong ngày hôm qua và hôm nay.
Facebooker Nguyễn Văn Phương, một trong các thành viên tích cực của câu lạc bộ bóng đá No-U, cùng hàng chục người khác xuống đường biểu tình ở Hà Nội hôm 3/11.
Ông Phương nói với VOA Việt Ngữ lý do lên tiếng hô vang các khẩu hiệu phản đối ông Tập Cận Bình:
“Tôi không chào đón ông ta vì việc một kẻ đứng đầu một đất nước đang xâm chiếm biển đảo, và quân đội của họ vẫn đang đánh đập, bắt bớ ngư dân của mình thì họ không hề có một ý tốt đẹp nào với mình cả. Cho nên chúng tôi không muốn tiếp đón một người lãnh đạo của Trung Quốc. Họ sang đây, theo cá nhân tôi nghĩ rằng, nó chỉ mang tính chất răn đe, hoặc đe dọa nào đấy đối với lãnh đạo của Việt Nam thôi. Chúng tôi là người dân và chúng tôi muốn biểu thị sự phản đối họ.”
Ông Phương nói thêm rằng giới lãnh đạo Việt Nam có thể biết về cuộc biểu tình, nhưng “chưa bao giờ lắng nghe người dân, nhất là trong vấn đề về chủ quyền biển đảo”.
“Qua rất nhiều năm và các cuộc biểu tình nổ ra, nhưng chính sách của họ không có gì thay đổi, vẫn theo đuổi chính sách lệ thuộc vào Trung Quốc”, Facebooker này nói thêm.
Theo dự kiến, ông Tập Cận Bình sẽ bắt đầu chuyến công du hai ngày tới Việt Nam vào ngày mai, 5/11. Ngoài các cuộc hội kiến với giới lãnh đạo Việt Nam, ông Tập còn có bài phát biểu trước Quốc hội cũng như gặp gỡ thanh niên Việt Nam.
Về nội dung các cuộc thảo luận này, ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ Việt Nam, nhận định với VOA Việt Ngữ rằng lãnh đạo Việt-Trung “không thể không đề cập tới tham vọng của Trung Quốc về chủ quyền chiếm tới 90% diện tích biển Đông”. Ông nói thêm:
“Vấn đề biển Đông có thể sẽ được đề cập đến, tất nhiên, có thể dưới các hình thức khác nhau. Nhưng chắc chắn là không thể không đề cập tới chuyện này. Đây là câu chuyện hết sức là nóng, hết sức phức tạp. Và muốn thúc đẩy quan hệ giữa hai nước phát triển theo thiện chí, thì chắc chắn phải cùng nhau xem xét lại vấn đề này, để tìm ra được câu trả lời mà hiện nay dư luận đang quan tâm”.
Ông Trục nói thêm rằng hiện có nhiều ý kiến trên mạng xã hội, kêu gọi tẩy chay chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, “với những tình cảm trào dâng và bức xúc” mà ông “rất chia sẻ”.
Tuy nhiên, cựu quan chức này nói thêm rằng “trong bối cảnh hiện nay, muốn bảo vệ các quyền và lợi ích của mình, dù khó khăn, nhưng vẫn phải bình tĩnh tận dụng tất cả các cơ hội có thể được để có thể ngồi lại với nhau để cùng nhau đàm phán để giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình”.
“Nếu bây giờ mà làm căng với Trung Quốc thì xung đột và tranh chấp có thể xảy ra,” ông Trục nói thêm.
Trong khi đó, báo chí Việt Nam trích lời Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nói rằng trong khi ông Tập ở Việt Nam, hai bên sẽ “trao đổi tất cả các nội dung lớn trong quan hệ giữa 2 nước mang tầm chiến lược, phát triển quan hệ về kinh tế, văn hóa, thương mại”.
“Đương nhiên không những tăng cường quan hệ 2 nước trên các lĩnh vực mà những vấn đề gì trong quan hệ giữa 2 bên cũng có thể trao đổi, trong đó có vấn đề Biển Đông”, ông Minh được trích lời nói. - VOA
***
Hôm nay 04/11/2015 khoảng 200 người ở Saigon đã tham gia cuộc mít-tinh và tuần hành phản đối Tập Cận Bình do các nhân sĩ trí thức trong Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng khởi xướng, nhân dịp Chủ tịch nước Trung Quốc đến Việt Nam trong hai ngày 5-6 tháng 11 và theo dự kiến sẽ đọc diễn văn trước Quốc hội.
Dù một số nhân vật nòng cốt đã bị ngăn chận từ nhà, vẫn có khoảng 200 người đến tham dự được cuộc mít-tinh tại tượng đài Trần Hưng Đạo, công trường Mê Linh ở quận 1 Saigon. Sau đó các nhân sĩ đã đến Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh để trao lá thư phản đối, yêu cầu các đại biểu có thái độ thích đáng đối với người đã từng khẳng định "Biển Đông là của Trung Quốc" trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc, nhưng không được tiếp nhận.
Đoàn biểu tình trong đó có nhiều thanh niên đã mang theo nhiều biểu ngữ phản đối Tập Cận Bình, đòi Trung Quốc trả Hoàng Sa, Trường Sa cho Việt Nam đi từ địa điểm tượng Trần Hưng Đạo, ra những con đường lớn như Đồng Khởi, Nguyễn Huệ. Được biết lực lượng an ninh cũng đông gần bằng số người tham dự, tuy nhiên người biểu tình không bị đàn áp.
Trả lời RFI Việt ngữ, ông Lê Công Giàu, nguyên Phó tổng giám đốc Saigon Tourist xác nhận cuộc biểu tình đã diễn ra một cách tốt đẹp. - RFI
***
Công an Phường Bến Nghé TP.HCM đã bắt giam vợ mới cưới của Hoàng Dũng, vì hai vợ chồng xuống đường biểu tình ngày 4/11 chống Tập Cận Bình qua Việt Nam.
Họ bắt giam cô Đặng Uyển Nghi từ hồi chiều, nhưng họ chối.
Uyển Nghi bị bắt nguội sau khi tham gia biểu tình tại Saigon. Họ bắt cóc lúc cuộc biểu tình giải tán. - FB Quyen K Tran
|
|
6.
Camera đã ghi lại cảnh côn đồ tấn công 2 luật sư tại Chương Mỹ (Hà Nội)
Trao đổi với phóng viên báo Lao Động, Luật sư Trần Đình Triển cho biết: “Không khó để điều tra ra 8 kẻ hành hung 2 luật sư tại Chương Mỹ” và yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý theo đúng pháp luật.
Liên quan đến vụ 2 luật sư bị hành hung tại xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) vào chiều 3.11, Luật sư Trần Đình Triển, Phó Chủ nhiệm, Trưởng ban Bảo vệ quyền lợi luật sư, Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết, vụ việc có mức độ nghiêm trọng và sự vụ đã được báo cáo đến Ban chủ nhiệm Liên đoàn luật sư TP.Hà Nội và Liên đoàn luật sư Việt Nam.
Trong sáng nay (4.11), Liên đoàn luật sư Việt Nam cũng đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công an và Giám đốc Công an TP.Hà Nội đề nghị chỉ đạo khởi tố vụ án và làm rõ các đối tượng hành hung gây thương tích luật sư Trần Thu Nam và cướp tài sản của luật sư Lê Văn Luân.
Trước đó, vào đầu giờ chiều 3.11, ông và luật sư Trần Thu Nam đã đến nhà bà Đỗ Thị Mai, là mẹ của nạn nhân Đỗ Đăng Dư, (nạn nhân bị đánh chết trong trại tạm giữ công an, vụ án đang được công an Hà Nội điều tra) tại xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội để làm việc liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi cho gia đình bà Mai thì bị một nhóm côn đồ đi xe máy chặn ô tô, mở cửa xe đánh đập truy đuổi, gây thương tích cho 2 luật sư và cướp 1 điện thoại hiệu LG của Luật sư Lê Văn Luân.
Ngay sau khi nhận được tin 2 luật sư bị tấn công trong quá trình tác nghiệp, Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.Hà Nội đã ngay lập tức tiếp nhận sự việc và chỉ đạo Ban Bảo vệ quyền lợi luật sư xác minh, nắm tình hình vụ việc. Luật sư Trần Đình Triển, Phó Chủ nhiệm Trưởng ban Bảo vệ quyền lợi luật sư cùng với Luật sư Nguyễn Hà Luân đã trực tiếp xuống huyện Chương Mỹ làm việc.
Luật sư Trần Đình Triển cho biết: “Khoảng 19h15 ngày 3.11, chúng tôi xuống huyện làm việc với lãnh đạo Công an huyện Chương Mỹ, nhằm nắm bắt sự việc và có những kiến nghị đến các cấp thẩm quyền đúng tính chất vụ việc và không sai lệch về nội dung vụ việc nhưng không có ai trực. Người trực ban trả lời: “Lãnh đạo và điều tra đang xuống hiện trường và Ủy ban nhân dân xã”.
Luật sư Triển đã xuống hiện trường nhưng được nhân dân cho biết từ 17h đến nay không thấy có ai đến làm việc tại đây. Khi vào làm việc tại Ủy ban nhân dân xã thì Phó Trưởng Công an xã trả lời: “Từ chiều đến giờ không thấy Công an huyện đến làm việc”.
Khoảng 21h, 2 luật sư đã trở lại trụ sở Công an huyện Chương Mỹ thì được trực ban trả lời “Lãnh đạo Công an huyện đi vắng hết cả, không có ai trực”.
Trao đổi với phóng viên, luật sư Triển cho biết, “dù chưa làm việc được với lãnh đạo huyện Chương Mỹ nhưng không khó để tìm ra thủ phạm của vụ việc này” bởi có nhiều bằng chứng được ghi nhận xung quanh vụ việc.
Thứ nhất, ngay khi 2 luật sư còn đang làm việc trong gia đình bà Đỗ Thị Mai, thì đã có người dân vào báo, có 2 công an viên xã Đông Phương Yên đang theo dõi quanh nhà bà Mai.
Thứ hai, trong 8 người hành hung 2 luật sư thì có 6 người bịt mặt, 2 người không bịt mặt và 2 luật sư cũng đã nhận ra một trong số 2 người không bịt mặt là công an viên.
Thứ ba, vụ việc xảy ra bên cạnh 1 cửa hàng vật liệu xây dựng Thái Thùy Linh có gắn camera theo dõi 24/24 và hoàn toàn có thể sử dụng đoạn ghi hình này để làm bằng chứng.
Kết quả bước đầu đã khẳng định có dấu hiệu của vụ án có tổ chức về tội “Cố ý gây thương tích” và “Cướp tài sản”.
Cũng trong sáng nay (4.11), phóng viên báo Lao động đã gặp gỡ luật sư Trần Thu Nam tại bệnh viện Việt Pháp để tái khám, kiểm tra các vết thương.
Theo chuẩn đoán, luật sư Nam bị xuất huyết giác mạc, dập xoang, gãy xương mũi, xung quanh mắt bị tổn thương vành kính. Hiện tại, luật sư Nam đang phải uống các loại thuốc chống phù nề và tiếp tục theo dõi vùng xương mũi để mổ nếu như có diễn biến phức tạp.
Luật sư Trần Thu Nam, luật sư Lê Văn Luân và một số luật sư khác nhận bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cháu Đỗ Đăng Dư bị chết tại Trại giam số 3 Hà Nội là làm việc đúng pháp luật. Vì vậy, phía Đoàn luật sư TP.Hà Nội đề nghị cơ quan Công an và Viện KSND khẩn trưởng chỉ đạo, điều tra, xử lý vụ việc này thật khách quan, đúng pháp luật. - laodong
No comments:
Post a Comment