Tin Thế Giới
1.
Brussels nâng mức báo động khủng bố, cảnh báo về 1 vụ tấn công giống như Paris
Bỉ đã nâng mức báo động về khủng bố ở thủ đô Brussels lên mức cao nhất, với cảnh báo về một vụ tấn công tương tự như vụ tấn công ở Paris giết chết 130 người cách nay 8 ngày.
Thủ tướng Bỉ Charles Michel hôm nay nói rằng việc nâng mức báo động lên cấp bốn là phản ứng đối với “những thông tin khá chính xác về mối rủi ro của một vụ tấn công tương tự như vụ tấn công xảy ra ở Paris.”
Ông nói tại một cuộc họp báo rằng có mối lo ngại là “một số người trang bị khí giới và chất nổ có thể thực hiện một vụ tấn công, có lẽ tại nhiều địa điểm.”
Trước đó trong ngày hôm nay, giới hữu trách cảnh báo dân chúng tránh các nơi đông người, như các địa điểm hoà nhạc, mua sắm, và những trung tâm giao thông.
Dựa theo khuyến nghị của cảnh sát, giới hữu trách cũng đóng cửa hệ thống xe điện Brussels cho tới ít nhất là ngày Chủ nhật.
Một nghi can chính trong vụ tấn công Paris – tên Salah Abdeslam, được trông thấy lần cuối khi lái xe từ Pháp sang Bỉ. Vài giờ sau vụ tấn công, cảnh sát biên giới đã chận xe và thẩm vấn y trước khi cho y vào Bỉ.
Tối hôm qua, Bỉ đã truy tố một người thứ ba, không nêu rõ lai lịch, về tội khủng bố. Hai người khác đang bị câu lưu ở Bỉ và bị truy tố về những tội tương tự liên quan tới vụ tấn công ở Paris. - VOA
|
|
2.
Nga ồ ạt ném bom những mục tiêu IS ở Syria --- Thủ tướng Malaysia kêu gọi lãnh đạo Đông Nam Á đoàn kết chống khủng bố
Nga cho biết đã thực hiện một chiến dịch ném bom ồ ạt nhắm vào những mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo ở Syria.
Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu hôm thứ Sáu báo cáo với Tổng thống Vladimir Putin rằng những máy bay chiến đấu của Nga đã phá hủy 15 cơ sở dầu và hơn 500 xe tải chở nhiên liệu trong những vụ ném bom tuần này, trong một nỗ lực làm tê liệt những cơ sở kinh tế và tài chính của Nhà nước Hồi giáo.
Ông Shoigu cũng cho biết hải quân Nga hôm thứ Sáu đã bắn 18 phi đạn hành trình từ tàu chiến ở Biển Caspian nhắm vào những mục tiêu tại các tỉnh Raqqa, Idlib và Aleppo. Ông cho biết bảy mục tiêu đã bị đánh trúng.
Ông nói những cuộc không kích đã gây thương vong lớn, trong đó hơn 600 kẻ chủ chiến bị hạ sát trong một cuộc không kích ở tỉnh Deir ez-Zour ở miền đông Syria.
Bộ trưởng Quốc phòng cũng cho biết Nga đã tăng gấp đôi số lượng máy bay chiến đấu của mình ở Syria lên 69 chiếc trong những ngày gần đây.
Đầu tuần này, Nga kết luận rằng một quả bom đã làm rơi máy bay chở khách của Nga tại bán đảo Sinai hồi tháng trước, không lâu sau khi nó cất cánh từ thành phố du lịch Sharm el-Sheikh của Ai Cập bay đến thành phố St. Petersburg. Tất cả 224 người trên máy bay đều thiệt mạng.
Nhóm Nhà nước Hồi giáo đã nhận trách nhiệm làm rơi chiếc máy bay, cũng như tuyên bố nhận trách nhiệm về những vụ tấn công khủng bố chết người hồi tuần trước ở Paris.
Trong vòng vài tiếng sau khi Nga kết luận rằng những kẻ khủng bố làm rơi chiếc máy bay, ông Putin đã phát động những cuộc không kích ồ ạt nhắm vào thành phố Raqqa, được xem là thủ đô của Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở miền bắc Syria. - VOA
***
Thủ tướng Malaysia Najib Razak hôm nay kêu gọi các nhà lãnh đạo Đông Nam Á đoàn kết trong điều mà ông gọi là “sự ôn hoà thay vì cực đoan” để chiến đấu chống lại chủ nghĩa khủng bố.
Khi tuyên bố khai mạc hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Kuala Lumpur, nhà lãnh đạo Malaysia nói ông đã sửa lại bài diễn văn để nói tới những vụ tấn công khủng bố mới đây của những phần tử Hồi giáo cực đoan ở Pháp, Mali và những nơi khác.
Ông Najib nói: “Những kẻ thực hiện những hành động dã man và hèn nhát đó không đại diện cho bất kỳ chủng tộc, tôn giáo hoặc tín ngưỡng nào, và chúng ta không thể để cho bọn chúng làm như vậy. Bọn chúng là những kẻ khủng bố và phải bị đương cự như thế với toàn bộ sức mạnh của luật pháp.”
Ông nói thêm rằng thế giới “phải nhớ kỹ một điều là ý thức hệ của bọn khủng bố phải bị phơi bày như một sự dối trá và phải bị tiêu diệt, bởi vì ý thức hệ đó không phù hợp với Hồi giáo.”
Thủ tướng Najb là người Hồi giáo và Malaysia là một nước đa số dân là người theo đạo Hồi.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, sau cuộc họp với thủ tướng Najib, nói rằng Malaysia là một phần của liên minh chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo và có thể có những đóng góp hết sức to lớn trong những vấn đề như chống lại những luận điệu tuyên truyền của nhóm khủng bố này. - VOA
|
|
3.
Cam Bốt: Thêm cáo buộc mới chống lãnh đạo đối lập Sam Rainsy
Lãnh đạo đối lập Cam Bốt Sam Rainsy bị cáo buộc tội “đồng lõa” làm giả tài liệu về biên giới Việt-Miên và có nguy cơ lãnh án 17 năm tù. Chính quyền Phnom Penh hiện đang truy lùng nhà đối lập này. Hãng tin Pháp AFP ngày 20/11/2015 đã tiết lộ như trên.
Lệnh truy nã nhắm vào lãnh đạo đối lập có liên quan đến một vụ việc bôi nhọ ông Hun Sen, nắm quyền điều hành đất nước suốt từ 30 năm qua. Hiện mang hộ chiếu quốc tịch Pháp, đối thủ số một của ông Hun Sen đã từ chối về nước và đang tị nạn tại Philippines.
Theo một tài liệu tư pháp mà hãng tin AFP tham khảo được, ông Sam Rainsy, hôm thứ Năm 19/11 đã bị kết tội “thông đồng” trong việc giả mạo và đăng trên mạng xã hội các chứng cứ giả có liên quan đến đường biên giới Cam Bốt-Việt Nam. Đối lập Cam Bốt vẫn chỉ trích cách thức mà chính quyền Hun Sen đàm phán về đường biên giới với Việt Nam, dài đến 1270 km.
Họ cáo buộc đảng cầm quyền để cho Việt Nam lấn đất Cam Bốt khi sử dụng các bản đồ giả để phân định ranh giới. Lãnh đạo đối lập Cam Bốt hôm thứ Tư đã lên tiếng so sánh việc truy tố ông như là “một cú đảo chính Hiến pháp”. Trong khi đó, tư pháp Cam Bốt yêu cầu ông Sam Rainsy phải trình diện tòa án Phnom Penh vào ngày 04/12/2015. - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
4.
Hải Quân Mỹ có thể trở lại tuần tra ở Biển Đông tháng 12
Theo hãng tin Reuters, hôm qua 20/11/2015, một sĩ quan hải quân Mỹ cho biết, hải quân Hoa Kỳ sẽ thực hiện một chuyến tuần tra nữa trong khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo được Trung Quốc bồi đắp tại Biển Đông.
Quan chức hải quân Mỹ trên cho biết chuyến tuần tra sắp tới trong quần đảo Trường Sa dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 12.
Tháng trước, khu trục hạm mang tên lửa USS Lassen đã tuần tra áp sát các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trong quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.
Động thái của Hoa Kỳ nhằm khẳng định quyền tự do lưu thông hàng hải trong vùng biển quốc tế và phủ nhận chủ quyền đối với các đảo mà Trung Quốc chiếm giữ và bồi đắp đã khiến Bắc Kinh nổi giận, tuy ở mức độ khá kiềm chế.
Trong tháng này, một quan chức khác của hải quân Mỹ đã thông báo dự kiến sẽ có 2 hoặc nhiều chuyến tuần tra trong vùng Biển Đông. Tuần trước, Mỹ đã đưa hai máy bay ném bom chiến lược B-52 bay vào vùng gần với các đảo nhân tạo do Trung Quốc chiếm giữ.
Cũng trong ngày hôm qua, tổng thống Mỹ Obama đã tuyên bố tranh chấp chủ quyền Biển Đông sẽ phải là chủ đề trọng yếu trong các cuộc họp thượng đỉnh diễn ra tại Kuala Lumpur, thủ đô Malaysia, cuối tuần này.
Trong một thông cáo đăng trên trang mạng của Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 19/11/2015, Đô đốc hải quân Ngô Thắng Lợi (Wu Shengli) tuyên bố, Trung Quốc đã "hết sức kiềm chế" trước các hành động khiêu khích của Mỹ trên Biển Đông, đồng thời ông cảnh báo lực lượng hải quân sẵn sàng đáp trả những hành động vi phạm chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc.
Trong khi đó bên lề hội nghị APEC, trong cuộc gặp tổng thống Mỹ Obama tại Manila hôm thứ Năm (19/11), Thủ tướng Shinzo Abe cho biết Tokyo đang xem xét khả năng đưa lực lượng Phòng vệ Nhật tuần tra trong vùng Biển Đông để bảo đảm an ninh hàng hải quốc tế. - RFI
|
|
Tin Việt Nam
5.
Chất vấn Thủ tướng: Hỏi hay hơn đáp
Quốc hội Việt Nam dành ba ngày chất vấn kết thúc nhiệm kỳ của Chính phủ cũng như bản thân Quốc hội. Tuy vậy những ai quan tâm tới thời cuộc đã chú mục vào buổi chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào ngày 18/11/2015.
Không trả lời trực tiếp
Qua trực tiếp truyền hình và tường thuật của báo chí, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã vượt qua các câu hỏi bằng cách đi đường vòng và không trả lời trực tiếp những câu hỏi được dư luận quan tâm. Theo Tuổi Trẻ Online, VietnamNet, Thanh Niên Online, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhận được 24 ý kiến chất vấn trực tiếp và 20 câu hỏi của 9 đại biểu. Tuy vậy người đứng đầu chính phủ chỉ trả lời gộp một số nội dung và hứa giải đáp sau bằng văn bản, mặc dù ông còn dư rất nhiều thời gian. Do vậy phiên họp Quốc hội sáng 18/11/2015 đã kết thúc sớm hơn một giờ so với dự kiến.
Một cán bộ về hưu ở Hà Nội, Đại tá công an Nguyễn Đăng Quang tỏ ra không hài lòng về cách thức mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn. Ông nói:
“Bản thân tôi trông chờ, sau phát biểu của Thủ tướng thì Thủ tướng sẽ nghe và trả lời trực tiếp những câu hỏi cụ thể của các đại biểu Quốc hội. Nhưng điều này đã không xảy ra, đó là điều đáng tiếc mà nhiều người dân, nhiều cử tri đã trông chờ.”
Trong số những chất vấn ấn tượng được báo chí trích dẫn, các đại biểu Nguyễn Anh Sơn đơn vị Nam Định, Lê Nam tỉnh Thanh Hóa có câu hỏi liên quan tới việc bảo vệ giữ vững chủ quyền biển đảo, trong bối cảnh Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo và xâm lấn nghiêm trọng hơn trên biển Đông. Ngoài ra còn báo cáo của Ủy ban Dân nguyện gởi Quốc hội, ghi nhận ý kiến cử tri 28 tỉnh thành mong muốn Việt Nam sớm khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế về vấn đề Biển Đông.
Chất vấn của Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đơn vị TP.HCM được báo Thanh Niên Online trích thuật khá đầy đủ. Tóm tắt, LS Trương Trọng Nghĩa cho rằng Việt Nam phụ thuộc sâu vào kinh tế Trung Quốc và bị đe dọa chủ quyền. Theo lời vị đại biểu, thực tế ở các nước cho thấy Trung Quốc nổi tiếng về việc mang đồng tiền đi trước để chi phối về chính trị. Do vậy, ông thu thập ý kiến cử tri và họ đề nghị không vay tiền không nhận viện trợ từ Trung Quốc, trong giai đoạn hiện nay bởi vì Trung Quốc đang tranh chấp, thậm chí đang xâm chiếm lãnh thổ của Việt Nam.
Ý kiến của cử tri mà đại biểu Trương Trọng Nghĩa dùng làm câu hỏi dành cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được LS Trần Quốc Thuận, nguyên phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội từ Saigon chia sẻ:
“Đúng ra hiện nay hai bên, hai nhà, hai cá nhân đang tranh tụng. Giữa cá nhân với nhau thì liên quan đến tài sản tiền của tranh chấp về quyền sở hữu, còn đây là tầm quốc gia là biển đảo, lãnh thổ mà mình lại đi nhận tiền người ta cho thì nghe nó không ổn. Tục ngữ Việt Nam có câu anh ‘xây chùa nghĩa miễn’ thì cách đó nó không thuận lắm.”
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng qua truyền hình và báo chí đã chỉ trả lời một cách chung chung, lập lại các chính sách của Đảng Cộng sản và Nhà nước. Theo đó Việt Nam vừa hữu nghị hợp tác bình đẳng với Trung Quốc vừa đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền, lãnh thổ quốc gia; bảo vệ lợi ích quốc gia theo đúng các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, cũng như Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế, đặc biệt là Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Chỉ lập lại những điều Phát ngôn nhân đã nói
Cảm nhận chung được ghi nhận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã không nói được điều mà cử tri muốn nghe và đại biểu đã hỏi. Đó là Chính phủ đã làm gì khác ngoài những lời nói suông, không có hành động tích cực đối với việc mất chủ quyền biển đảo. Thủ tướng cũng không trình bày quan điểm của ông đối với vấn đề lệ thuộc kinh tế Trung Quốc và mong muốn của cử tri là không nhận viện trợ, không vay tiền Trung Quốc trong lúc này. Người đọc báo có cảm nhận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lập lại những điều mà Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nói hàng ngày với báo chí.
Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội theo dõi phiên chất vấn qua truyền hình đã bày tỏ sự thất vọng của mình. Ông nhấn mạnh tới sự kiện đại biểu Quốc hội phải nghỉ sớm gần 1 tiếng rưỡi vì Thủ tướng không trực tiếp trả lời các câu hỏi.
“Thủ tướng trả lời toàn dẫn nghị quyết Liên Hiệp Quốc, tiêu chí giảm nghèo, mục tiêu thiên niên kỷ. Những điều cụ thể đại biểu quốc hội hỏi thì không thấy trả lời, trong đó có câu hỏi của đại biểu Trương Trọng Nghĩa, 3 câu hỏi của đại biểu Trần Du Lịch. Ngoài ra còn 46 đại biểu Quốc hội hỏi mà chưa trả lời, trong đó không biết bao nhiêu câu là dành cho Thủ tướng. Tổng kết ra thì 18 đại biểu hỏi với trên 20 câu hỏi. Tôi thấy Thủ tướng không trả lời thẳng vào những vấn đề đó, cho nên cũng hơi buồn. Ngoài ra còn thời gian mà Thủ tướng không trả lời mà hứa trả lời bằng văn bản trên Cổng thông tin chính phủ. Lúc đó nó không dẫn đến tranh luận và toàn dân đã không được nghe các ý kiến. Tôi cũng rất buồn là trả lời chất vấn cuối nhiệm kỳ của Thủ tướng không được trọn vẹn.”
Đối với vấn đề cử tri 28 tỉnh thành mong muốn Nhà nước sớm khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về việc xâm lấn Biển Đông. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gây thất vọng lớn cho những ai chờ đợi một câu trả lời thẳng thắn. Đọc Thanh Niên Online và nhiều báo điện tử khác, người đọc báo có cảm tưởng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cẩn thận ngôn từ bằng lời hoa mỹ và không quên khẳng định chế độ xã hội chủ nghĩa. Chúng tôi xin trích nguyên văn: “Phải tranh thủ sự ủng hộ đồng tình của cộng đồng quốc tế về chân lý lẽ phải của Việt Nam. Gìn giữ hòa bình ổn định, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho xây dựng, phát triển và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.”
Nhận định về vấn đề liên quan, cựu Đại tá Công an Nguyễn Đăng Quang từ Hà Nội phát biểu:
“Nói về ý nguyện của người dân, thực ra mà nói người dân đã mong muốn phải thực hiện việc kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế từ lâu rồi. Nhưng điều này chưa được Nhà nước thực hiện. Vừa rồi có một số ý kiến là đã đến lúc phải đưa Trung Quốc ra tòa, vì đấu tranh pháp lý cũng là đấu tranh hòa bình, cần tận dụng vì Việt Nam đang rất thuận lợi trong cuộc đấu tranh pháp lý này. Chưa tận dụng được là một điều đáng tiếc. Bản thân tôi cũng có ý kiến là lúc này cần kiện Trung Quốc ra các tòa án của Liên Hiệp Quốc, nhiều người trong ngoài nước ủng hộ ý kiến này… Theo tôi hiểu các cơ quan chuyên môn luật pháp, các ngành đã chuẩn bị tư liệu sẵn sàng nhưng chưa được bật đèn xanh.”
Theo dõi thông tin về ba ngày chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội Việt Nam khóa 13, cũng là hoạt động chất vấn cuối nhiệm kỳ mà Tuổi Trẻ Online gọi là “Hoàng hôn nhiệm kỳ,” có thể thấy rằng Quốc hội Việt Nam có sự thay đổi đáng kể về điều gọi là “Cách chất vấn mới tốt, nhưng trả lời chưa sâu.”
Bên cạnh những vấn đề cụ thể mà đại biểu quốc hội hỏi, thành viên chính phủ trực tiếp trả lời, phong cách mới trong chất vấn và trả lời chất vấn ở Quốc hội cũng là dịp để báo chí cười xả láng về những phát ngôn không thể ngờ của một số Bộ trưởng trong chính phủ. VietnamNet và nhiều báo điện tử khác cùng ghi nhận sự kiện nghị trường cười nghiêng ngả, khi Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh nói rằng, sản phẩm du lịch thượng hạng của Việt nam là chiếc nón lá và món phở… còn trách nhiệm về sự yếu kém của ngành du lịch Việt Nam xin để cho bộ trưởng kế tiếp trả lời vì ông hết nhiệm kỳ rồi. - RFA
|
|
6.
Ý kiến về vụ 'nói xấu trên Facebook'
Mấy ngày qua, cộng đồng mạng tiếp tục xôn xao chuyện một cô giáo ở TP Long Xuyên bị phạt 5 triệu đồng vì bình luận "nhìn cái mặt kênh kiệu" trong một đoạn đăng trên mạng xã hội có hình chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh.
Hôm 21/11, trao đổi với BBC, luật sư Nguyễn Duy Bình, Văn phòng luật sư Duy-Trinh, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh việc xử phạt này là ‘một tiền lệ hết sức nguy hiểm”.
“Người dân chỉ chê "kênh kiệu" mà bị phạt 5 triệu/người, rồi kỷ luật đảng, thuyên chuyển công tác thì thật oan uổng. Nếu vậy, chắc cả mấy chục triệu người dân Việt Nam sử dụng tài khoản mạng xã hội sẽ bị phạt hết, chỉ trừ một số người,” ông Bình nói.
Luật sư phân tích: “Hiến pháp và pháp luật quy định người dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền giám sát, đánh giá năng lực, phẩm chất, phong cách của người được dân bầu, dân cử nên không thể cho rằng họ đánh giá ông chủ tịch này ‘kênh kiệu’ là xúc phạm danh dự, nhân phẩm... của ông ấy.”
Theo ông Bình, uy tín và danh dự của ông chủ tịch bị ảnh hưởng hay không là do kết luận của cơ quan chức năng chứ người dân chê ‘kênh kiệu’ chưa ăn nhằm gì cả. Chừng nào người dân cho rằng ông này “ngoại tình, nhũng nhiễu, ăn chơi trác táng, bỏ mặc gia đình…” mà không có căn cứ thì mới có thể kết luận họ “vi phạm hành chính hoặc phạm tội”.
Ông nói thêm: “Muốn kết luận có xúc phạm danh dự, nhân phẩm của một người thì phải làm rõ người này còn có danh dự, nhân phẩm, uy tín hay không.”
'Trấn áp không đúng luật'
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc được báo Thanh Niên dẫn lời hôm 20/11 cho biết: “Xử lý thì phải theo luật. Nếu tôi nhớ không lầm thì bình luận đó không có gì vu khống cả mà chỉ là bình luận mang tính chất cảm nhận thôi. Họ có thể khen ông đẹp hay chê ông xấu thì đó là quyền người dân chứ.
"Tại sao lại gắn chuyện đó vào lý do ‘sắp Đại hội Đảng’ để xử lý. Lẽ ra cần thấy chính cái đó là thuốc thử. Nếu số đông không tán thành với những bình luận ấy thì đó là ủng hộ cho lãnh đạo. Không nên dùng quyền lực trấn áp không đúng luật”.
Nhà sử học cũng bình luận, “khi chúng ta đang kêu gọi việc gần dân, nghe dân mà ông chủ tịch lại hành xử như thế thì không được."
Tuy nhiên, chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang, ông Vương Bình Thạnh giải thích trên VietnamNet hôm 18/11 rằng không chỉ đạo xử lý cô giáo chê mình “vì như thế dễ bị cho là trù dập cán bộ”.
“Chuyện này xảy ra trước Đại hội Đảng bộ của tỉnh, phía công an tỉnh đã phát hiện chuyện này trên Facebook nên báo cáo cho Thường trực Tỉnh ủy. Tỉnh ủy giao Đảng ủy Khối cơ quan dân chính Đảng và công an kiểm tra, làm việc với những người có liên quan và sau đó giao cho đơn vị chủ quản của những cán bộ, nhân viên này cùng Sở Thông tin & Truyền thông xử lý. Tôi không có ý kiến gì về chuyện đó cả”, ông Thạnh được dẫn lời.
Hôm 21/11, báo Dân Việt hé lộ một tình tiết bất ngờ: gia đình cô giáo chê ông Thạnh trên Facebook cũng là hàng xóm của ông. "Giữa hai gia đình có xích mích về việc ông Thạnh xây nhà gây lún nứt; sơn nhà, rác thải sinh hoạt, đậu xe tràn qua nhà hàng xóm... đôi khi dẫn đến lời qua tiếng lại", báo này viết.
"Do đó, khi thấy trên Facebook có đăng tải lại bài nói về ông chủ tịch, người hàng xóm đã vào bình luận là “kênh kiệu, xa dân”, Dân Việt tường thuật.
Trước đó, hôm 17/11, một người dùng Facebook tên Hoàng Dũng đăng tải trên mạng cuộc gọi điện thoại cho người mà ông này nói là Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, để hỏi bộ trưởng về việc nói xấu sẽ bị xử lý ra sao.
Trong cuộc điện thoại được ghi lại và tung lên Facebook cũng như YouTube, facebooker Hoàng Dũng hỏi về một tình huống nói xấu, có tiếng trả lời: "Không sao cả" và "Nói xấu phải có địa chỉ cụ thể".
Ông cũng nói: "Sẽ nói với anh em để xem xét việc này" sau khi Hoàng Dũng nêu tên địa chỉ của người bị cho là đã nói xấu ông Nguyễn Bắc Son.
BBC không có điều kiện kiểm chứng liệu đây có thực là cuộc nói chuyện với Bộ trưởng Son hay không.
Hôm 16/11, báo Thanh Niên trích lời Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son trả lời báo chí trong nước về chuyện nói xấu trên Facebook: "Trang tin xã hội nên được sử dụng để đăng tải thông tin tốt, tạo hiệu ứng lan truyền trong xã hội".
"Tuy nhiên, nếu sử dụng tùy tiện, dùng Facebook nói xấu lẫn nhau, thậm chí nói xấu cả cô giáo, thầy giáo mình; làm việc sai trái..., nếu nhẹ sẽ bị xử phạt hành chính, nặng hơn là bị truy cứu trách nhiệm hình sự". - BBC
No comments:
Post a Comment