Tin Thế Giới
1.
Cuộc bầu cử lịch sử đang diễn ra tại Myanmar --- Miến Điện: 80% cử tri tham gia cuộc Tổng tuyển cử lịch sử
Lãnh tụ dân chủ Aung San Suu Kyi đã cùng với hàng triệu đồng bào của bà bỏ phiếu cho cuộc bầu cử được mô tả là cuộc bầu cử tương đối tự do đầu tiên của Myanmar sau một phần tư thế kỷ.
Bà Aung San Suu Kyi không phát biểu trước những đám đông người ủng hộ bà và các phóng viên khi bà đến một phòng phiếu ở Yangon. Thông tín viên Steve Herman của đài VOA có mặt tại thành phố chính của Myanmar này mô tả không khí tại khu vực phòng phiếu này 'thật là náo nhiệt'.
Lá phiếu của bà Suu Kyi là lá phiếu cá nhân đầu tiên bầu cho biểu tượng dân chủ 70 tuổi này. Bà bị quản thúc tại gai trong cuộc bầu cử tự do lần gần đây nhất vào năm 1990.
Liên minh Dân chủ Toàn quốc (NLD) của khôi nguyên giải Nobel Hòa bình này dường như đang trong thế thắng cuộc bầu cử trong ngày Chủ nhật hôm nay, và có thể đó sẽ là một sự lập lại của chiến thắng cách biệt trong cuộc bầu cử năm 1990. Kết quả của cuộc bầu cử năm đó bị chế độ quân nhân cầm quyền phớt lờ, và bà Suu Kyi bị giam tại nhà trong suốt gần 20 tiếp sau đó.
Bà Aung San Suu Kyi không được ra ứng cứ tổng thống bởi vì hiến pháp của Myanmar, còn gọi là Miến Ðiện, không cho phép người nào có chồng hoặc con sinh ra ở nước ngoài làm tổng thống. Người chồng quá cố của bà Suu Kyi là người Anh, và hai người con trai của bà cũng sinh ra ở Anh. Nhưng hôm thứ Năm bà nói rằng nếu đảng của bà thắng cử, bà sẽ nắm giữa một vai trò trong chính phủ "trên tổng thống." Bà không giải thích chi tiết tuyên bố đó.
Ước tính 32 triệu cử tri hợp lệ bỏ phiếu trong cuộc bầu cử hôm nay để chọn trong số hơn 6.000 ứng cử viên làm đại diện trong hai viện của quốc hội và nghị viện địa phương, dưới sự quan sát của 10.000 quan sát viên bầu cử quốc tế đến từ nhiều nơi trên thế giới.
Đảng NLD cần phải giành được hơn hai phần ba số ghế mới có thể thành lập chính phủ và chọn ra tổng thống. Nếu không giành được đủ số phiếu như vậy, đảng này sẽ phải thành lập liên minh với một số đảng phái nhỏ hơn để thành lập chính phủ.
Trong khi đó đảng đương quyền Liên minh Đoàn kết và Phát triển được quân đội hậu thuẫn chỉ cần giành được một phần ba số ghế là có thể tiếp tục nắm quyền, bởi vì quân đội đã tự động nắm giữ 25% số ghế trong quốc hội.
Quân đội Myanmar sẽ tiếp tục nắm giữ quyền lực lớn, và họ được bảo đảm các vi trí lãnh đạo trong các bộ quan trọng, như bộ quốc phòng, bộ nội vụ và cơ quan an ninh biên giới theo hiến pháp. Quân đội cũng có thể nắm quyền của chính phủ, và kiểm soát nền kinh tế.
Cuộc bầu cử hôm nay diễn ra 4 năm sau khi chính phủ quân nhân cầm quyền trong suốt một thời gian dài chuyển giao quyền hành lại cho một chính phủ dân cử dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Thein Sein, người đã đưa ra một số cải cách nhằm chấm dứt tình trạng bị cô lập kinh tế và ngoại giao của Myanmar. - VOA
***
Hôm nay 08/11/2015, hơn 30 triệu cử tri Miến Điện được kêu gọi đi bỏ phiếu bầu Quốc hội lưỡng viện và các hội đồng dân cử địa phương. Theo Ủy ban bầu cử quốc gia, khoảng 80% cử tri đã tham gia cuộc bỏ phiếu lịch sử này. Theo nhiều dự đoán, đảng đối lập Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi rất có thể sẽ giành chiến thắng, tuy nhiên, đảng cầm quyền Liên minh Đoàn kết và Phát triển, với đa số là các cựu quân nhân, cũng có ứng cử viên tại hầu hết các đơn vị bầu cử.
Truyền thông đổ dồn chú ý vào lãnh đạo đảng đối lập, 70 tuổi, hơn 15 năm bị quản thúc tại gia dưới thời tập đoàn quân sự. Đây là lần thứ hai giải Nobel Hòa bình Aung San Suu Kyi đi bỏ phiếu tại đất nước mình. Trong trang phục toàn mầu đỏ - mầu biểu tượng của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, bà Aung San Suu Kyi đã bỏ phiếu sớm tại một trường học ở trung tâm Rangoon. Ngay sau đó, bà lên đường đến đơn vị bầu cử Kawhmu, cách Rangoon khoảng 60 km về phía nam, nơi bà ứng cử.
Cuộc bỏ phiếu hôm nay được coi như một trắc nghiệm đối với tiến trình chuyển đổi dân chủ, được khởi sự cách nay bốn năm, sau khi tập đoàn quân sự tự giải thể nhường chỗ cho chính quyền của các cựu quân nhân của Tổng thống Thein Sein. Hơn 1.000 quan sát viên quốc tế và hơn 10.000 quan sát viên trong nước có mặt để theo dõi cuộc bầu cử.
Theo ghi nhận của phóng viên RFI có mặt tại chỗ, tại các điểm bầu cử gần Rangoon, hàng đoàn dài cử tri xếp hàng đợi đến lượt, ngay từ hơn năm giờ sáng giờ địa phương, lúc trời còn tối. Thông tín viên Rémy Fave tường trình từ Rangoon,
"Vào lúc sáu giờ sáng, khi phòng bỏ phiếu mở cửa, những người giám sát chứng kiến các hòm phiếu rỗng, xem xét kỹ lưỡng và đưa cho những cử tri đầu tiên kiểm tra. Sau đó, họ niêm phong hòm phiếu cũng với sự giám sát của các cử tri. Đây là một hiện tượng hoàn toàn mới tại Miến Điện. Cuộc bỏ phiếu cách nay 5 năm đã diễn ra với rất nhiều vi phạm.
Trong cuộc bầu cử lần này, các cử tri hết sức chú ý đến các biện pháp bảo đảm tính minh bạch của cuộc bỏ phiếu. Các danh sách cử tri không phải đã hoàn toàn chuẩn mực, nhưng tất cả đều được công khai, không giống như cách nay 5 năm.
Một điểm mới nữa là, các cử tri đều phải nhúng ngón tay út vào một thứ mực không xóa được, sau khi bỏ phiếu. Đây là một biện pháp để ngăn chặn khả năng một người bỏ phiếu nhiều lần. Sáng nay, tại một đơn vị bầu cử ở phía đông Rangoon, một số cử tri đã tự hào giơ cao ngón tay út mầu tím, sau khi thực hiện quyền bỏ phiếu. Cuộc bỏ phiếu tại đây đã diễn ra trong những điều kiện tốt hơn rất nhiều so với 5 năm trước".
Thiếu các thăm dò dư luận, hết sức khó đoán định khả năng chiến thắng của đảng đối lập. Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ khẳng định nhiều trường hợp mua phiếu bầu xảy ra tại vùng đồng bằng Irrawaddy. Trước đó, đảng đối lập và các nhà quan sát đã tố cáo tình trạng hỗn loạn trong bỏ phiếu tại hải ngoại, việc các quan sát viên quốc tế không được giám sát hàng trăm nghìn quân nhân bỏ phiếu, việc hàng trăm nghìn người Hồi giáo Rohingya bị tước quyền bầu cử, cũng như bầu cử bị hủy bỏ tại rất nhiều vùng bị coi là có xung đột sắc tộc.
Theo một số dự báo, kết quả bầu cử chính thức sẽ chỉ được thông báo trong nhiều ngày nữa, chủ yếu do việc kiểm phiếu tại các vùng hẻo lánh. Theo các nhà quan sát, phản ứng của chính quyền là rất khó đoán trước.
Lãnh đạo quân đội, ông Min Aung Hlaing, tái khẳng định trước báo giới: nhân dân có quyền cao nhất, và không có lý do gì mà quân đội "không chấp nhận kết quả" của cuộc bỏ phiếu. Trong khi đó, đài truyền hình nhà nước liên tục truyền đi các thông điệp cảnh báo các mưu toan cách mạng Mùa xuân Ả Rập. - RFI
|
|
2.
Đức Giáo Hoàng: Tài liệu bị lộ không ngăn cản cải cách của Giáo hội
Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng hành động tiết lộ những tài liệu nhạy cảm của Tòa thánh Vatican là một hành động "phạm tội và đáng chỉ trích," nhưng sẽ không ngăn cản ngài tiếp tục với những cải cách trong giáo hội.
Nhà lãnh đạo Giáo hội Công giáo La Mã, trong phát biểu đầu tiên kể từ khi hai người bị nghi là đã tiết lộ các tài liệu bị bắt hồi tuần trước, nói rằng "sự việc đáng tiếc này chắc chắn sẽ không làm tôi mất chú ý vào công cuộc cải cách đang được xúc tiến."
Đức Giáo Hoàng phát biểu như vậy trước hàng vạn tín đồ tập trung trong lễ ban phước lành tại Quảng trường Thánh Phê-rô hôm Chủ nhật.
Hai cuốn sách mới xuất bản dựa trên những tài liệu bị tiết lộ mô tả chi tiết những chống đối của một số giám mục đối với những cải cách về quản lý và tài chánh của Đức Giáo Hoàng tại Tòa thánh Vatican. - VOA
|
|
3.
Đảng đương quyền Ấn Độ thất cử tại bang chủ chốt
Thủ tướng Ấn Ðộ Narendra Modi thừa nhận thất bại, một tổn thất chính trị nặng nề khi đảng của ông bị đánh bại tại một trong những bang lớn nhất của Ấn Ðộ trong cuộc bầu cử nghị viện hôm Chủ nhật.
Các kết quả chưa đầy đủ và không chính thức được đài truyền hình NDTV loan báo cho thấy đảng Bharatiya Janata (BJP) có đa số đảng viên theo Ấn giáo của ông Modi chỉ giành được 61 ghế trong tổng số 243 ghế nghị viện bang Bihar, trong khi liên minh của các đảng đối lập giành được 176 ghế.
Ông Modi loan báo trên Twitter rằng ông đã gọi điện cho thủ hiến bang Bihar, ông Nitish Kumar, lãnh đạo của liên minh đối lập với ông Modi, để chúc mừng chiến thắng.
Cuộc vận động trên khắp bang này của ông Modi đã tổ chức hơn 30 cuộc mít tinh trong kế hoạch của ông Modi dùng cuộc bầu cử này như là một cuộc trưng cầu dân ý về sự ủng hộ giành cho ông – sự ủng hộ mà đã đưa đảng BJP của ông lên nắm quyền trong cuộc bầu cử toàn quốc hồi năm ngoái.
Cuộc đua cũng bị lu mờ bởi những sự bất mãn của các đẳng cấp xã hội và tôn giáo ở Bihar, bang có dân số hơn 100 triệu người.
Đây là thất bại thứ hai liên tiếp của đảng BJP tại một cuộc bầu cử địa phương, tiếp theo thất bại trong cuộc bầu cử ở bang New Delhi hồi trước đây trong năm.
Các thất bại này có thể làm đổi hướng các kế hoạch cải cách kinh tế của ông Modi trong quốc hội Ấn Ðộ, bởi vì các cuộc bầu cử địa phương sẽ quyết định bên nào kiểm soát thượng viện, nơi mà đảng BJP hiện đang nắm thế đa số. - VOA
|
|
4.
Tấn công ở Bờ Tây, 3 người bị thương, hung thủ thiệt mạng
Giới hữu trách Israel cho hay một người Palestine lái xe đâm vào một nhóm người Israel ở Khu Bờ Tây hôm Chủ nhật, làm bị thương ít nhất 3 người và sau đó người lái xe bị cảnh sát bắn chết.
Các giới chức nói rằng ít nhất 2 nạn nhân Israel được đưa vào bệnh viện.
Đây là diễn biến mới nhất của làn sóng bạo động ở Israel và lãnh thổ của người Palestine từ đầu tháng 10 đến nay.
Có những đồn đoán rằng Israel toan tính chiếm địa điểm linh thiêng Đông Jerusalem được người Hồi giáo và người Do Thái tôn kính – nơi đã trở thành tâm điểm xuất phát của cuộc bạo động làm hơn 11 người Israel thiệt mạng và ít nhất 73 người Palestine thiệt mạng.
Giới hữu trách Israel nói rằng đa số những người Palestine bị hạ sát khi đang tấn công hoặc tìm cách đâm hay bắn thường dân, cảnh sát và binh sĩ Israel.
Israel luôn bác bỏ tin đồn liên quan đến địa điểm linh thiêng và lên án các nhà lãnh đạo Palestine xúi giục thanh niên gây bạo động.
Các giới chức Palestine đang ra sức thúc hối Tòa Hình sự Quốc tế điều tra những cáo buộc về điều họ gọi là "tội ác chiến tranh Israel" và việc sử dụng vũ lực quá mức chống lại thường dân – một cáo buộc mà Israel phủ nhận.
Nhiều người Palestine chán ngán với cơ hội kinh tế kém cỏi, triển vọng mờ mịt của hòa bình, và hành động lập khu định cư của người Do Thái trên những vùng đất mà người Palestine muốn thành lập nhà nước trong tương lai. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
5.
Tàu Lassen tuần tra Trường Sa: Mỹ bị nghi mềm yếu trước Trung Quốc --- Mỹ 'quan tâm sâu sắc về nguy cơ xung đột tại Biển Đông'
Khi tiến vào bên trong vùng 12 hải lý quanh Đá Xu Bi mà Trung Quốc vừa bồi lên tại Trường Sa, khu trục hạm Mỹ USS Lassen đã cố tránh những hành động có khả năng gây căng thẳng với Bắc Kinh, kể cả những hoạt động diễn tập quân sự. Một quan chức cao cấp Mỹ xin giấu tên đã cho biết như trên hôm 06/11/2015, qua đó xác nhận phần nào các thông tin đã báo chí tiết lộ.
Theo hãng tin Reuters, quan chức Mỹ xin giấu tên đã giải thích: "Chúng tôi muốn khẳng định quyền của mình theo luật pháp quốc tế, nhưng không đến mức ‘chọc vào mắt’ Trung Quốc, hoặc vào chỗ nào đó có thể làm cho tình hình leo thang một cách không cần thiết".
Nhân vật này nói cụ thể là tàu khu trục Lassen đã tắt hệ thống radar điều khiển hỏa lực khi di chuyển bên trong vùng 12 hải lý của Đá Xu Bi và không tiến hành bất kỳ hoạt động quân sự nào trong thời gian đó, bao gồm cả việc cho trực thăng lên xuống hay tập huấn quân sự.
Theo nhiều chuyên gia, cách làm quá thận trọng kể trên có thể bị cho là mặc nhiên công nhận các yêu sách lãnh hải của Trung Quốc quanh các đảo nhân tạo mà họ vừa bồi đắp ở Trường Sa, điều mà Hoa Kỳ muốn phủ nhận qua việc cử tàu Lassen đến tuần tra trong khu vực.
Quan chức Mỹ được Reuters trích dẫn đã bác bỏ lập luận trên khi khẳng định rằng điều mà khu trục hạm Lassen vừa thực hiện là một hải vụ bảo vệ quyền tự do hàng hải, mà mục tiêu không hề là làm cho tình hình nổ to.
Riêng Hạm trưởng Khu trục hạm Lassen Robert C. Francis Jr, hôm 05/11 đã cho báo giới biết là chiếc tàu của ông đã di chuyển ở khu vực cách Đá Xu Bi từ 6 đến 7 hải lý, trong một hoạt động vừa là tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải, vừa là "quá cảnh".
Đối với các chuyên gia phân tích, nếu chiếc Lassen không tiến hành các hoạt động quân sự hay thu thập thông tin tình báo khi ở bên trong vùng 12 hải lý quanh đảo Trung Quốc, thì chẳng khác gì việc họ theo đúng thủ tục gọi là "đi qua vô hại" (innocent passage), được áp dụng khi một chiến hạm tiến vào lãnh hải của một nước.
Hành động như vậy của chiến hạm Mỹ sẽ củng cố thay vì thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, cho rằng các đảo nhân tạo của họ có lãnh hải 12 hải lý.
Trên trang blog Lawfare, Julian Ku, giáo sư về luật Hiến pháp tại Đại học Hofstra, đã cho rằng sở dĩ Hải quân Mỹ đã chọn hình thức tuần tra yếu nhất, đó là vì theo yêu cầu của Nhà Trắng.
Theo chuyên gia này, đây là một việc làm tai hại: "Khi hạn chế hoạt động của tàu USS Lassen ở mức ‘đi qua vô hại’, Mỹ đã mặc nhiên công nhận rằng Trung Quốc được quyền quy định vùng lãnh hải 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo là Xu Bi". - RFI
***
Ngày thứ Bảy Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter nói Hoa Kỳ và các nước khác tại châu Á - Thái Bình Dương “quan tâm sâu sắc” về nguy cơ xung đột giữa các quốc gia tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.
Phát biểu tại Diễn đàn Quốc phòng Reagan gần Los Angeles ông Carter nói mức độ và phạm vi của việc lấy đất lấp biển của Trung Quốc và những nước khác làm gia tăng những nguy cơ tính toán sai lầm và phải chấm dứt.
Một tàu khu trục Trung Quốc theo dõi một chiến hạm Mỹ trong tháng trước khi chiến hạm này đến cách một đảo nhân tạo Trung Quốc đang xây tại Biển Đông trong vòng 11 kilômét. Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền hầu hết khu vực Biển Đông. Một vài quốc gia khác cũng giành chủ quyền vùng biển này.
Ngày thứ Bảy một người nào đó hỏi ông Carter là “một bãi đá tại bên phía kia của trái đất” có đáng để đối đầu với Trung Quốc hay không.
Ông Carter trả lời là điểm chính của sứ mạng của chiến hạm Mỹ là tự do hàng hải trong vùng biển quốc tế, là con đường mậu dịch toàn cầu trị gía hàng ngàn tỉ đô la. Ông nói tự do này trọng yếu và Hoa Kỳ cần gắn bó với việc này.
Tuy nhiên, ông Carter nói việc tái cân bằng an ninh của Mỹ tại Thái Bình Dương không nhằm ngăn chặn bất cứ quốc gia nào.
“Hoa Kỳ muốn tất cả các nước có cơ hội lớn mạnh vì đây là điều tốt cho vùng này và tốt cho tất cả các nước chúng ta trong đó có Trung Quốc…Tuy nhiên trong việc này Chủ tịch Tập Cận Bình phải giữ lời hứa không ‘theo đuổi việc quân sự hóa’ tại Biển Đông,” ông nói.
Ông Carter nói ông đã chấp nhận lời mời của ông Tập Cận Bình đi thăm Trung Quốc vào năm tới. Ông nói chắc chắn là hai bên sẽ thảo luận về nhiều phương cách hợp tác về những vấn đề trọng yếu như quả đất ấm dần, sao chép bất hợp pháp, và việc trợ giúp nhân đạo đối với các tai họa. - VOA
|
|
6.
Cây guitar của John Lennon được bán với giá 2,4 triệu đôla.
Cây guitar thùng từng do John Lennon sở hữu vừa được bán với giá 2,4 triệu đôla.
Cây đàn J-160 Gibson được hãng đấu giá Julien bán cho một người không cho biết danh tánh hôm thứ Bảy tại thành phố Los Angeles.
Nhà đấu giá Julien mô tả cây đàn này là "cây guitar có tính lịch sử quan trọng nhất gắn liền với The Beatles."
Nhà đấu giá Julien nói rằng cây đàn này trước đó bị thất lạc hơn 50 năm và nó là "cây guitar hiếm quý và quan trọng trong lịch sử của John Lennon."
Nhà đấu giá này nói chiếc đàn bị thất lạc sau buổi biểu diễn mang tên The Beatles Finsbury Park Christmas vào dịp Giáng sinh năm 1963.
Hai nhạc sĩ của Beatles là Lennon và George Harrison mỗi người mua một cây guitar của hãng Gibson năm 1962 từ cửa hiệu Rushworth's Music House ở Liverpool.
Hai cây đàn guitar được vận chuyển theo "đơn đặt hàng đặc biệt" từ Mỹ sang Anh này giống hệt nhau ngoại trừ số seri. Hãng đấu giá nói Lennon chơi cây guitar này trong nhiều bản nhạc được hãng Fab Four thu âm vào năm 1962 và 1963.
Hãng Julien nói Lennon đã dùng cây đàn này để viết các bản nhạc She Loves You, I Wanto Hold Your Hand và Please Please, Me cùng với Paul McCartney.
Chiếc đàn này đã biến mất trong 5 thập niên là một bí ẩn cho đến khi một người đàn ông ở California hồi năm ngoái phát hiện ra một cây guitar trong nhà ông có lẽ là cây guitar Gibson của Lennon bị thất lạc lâu nay.
Hãng Julien nói cây đàn "chưa bao giờ bị chỉnh sửa bất cứ một cái gì."
Một phần của số tiền bán đấu giá cây đàn được tặng cho quỹ tài trợ Spirit Foundations, Inc., một tổ chức phi lợi nhuận do hai vợ chồng Lennon và Yoko Ono sáng lập.
Một kỷ vật khác của Beatles cũng được Julien bán đấu giá hôm thứ Bảy. Một mặt trống được Ringo Starr sử dụng trong buổi biểu diễn mang tính lịch sử có tên là Ed Sullivan Show trên truyền hình tại Mỹ của Beatles vào năm 1964. Mặt trống được bán với giá 2,1 triệu đôla. - VOA
No comments:
Post a Comment