Tin Thế Giới
1.
Vụ tấn công Paris sẽ đứng đầu nghị trình Thượng đỉnh G-20 --- Nhận diện được tên khủng bố chết ở Paris, bắt nhiều nghi can ở Pháp và Bỉ
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đang ở thành phố nghỉ mát Antalya trên bờ Ðịa Trung Hải của Thổ Nhĩ Kỳ để dự cuộc họp của các nhà lãnh đạo nhóm G-20. Các vụ tấn công ở Pháp hôm thứ Sáu theo trù liệu sẽ là đề tài bao trùm hội nghị này.
Các nhà lãnh đạo của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới theo dự trù trước đó sẽ thảo luận về thương mại, năng lượng và môi trường.
Mặc dù các đề tài này được xếp trên nghị trình chính thức, nhưng sẽ được bàn đến sau yêu cầu cấp bách phải tăng cường chống Nhà nước Hồi giáo, nhóm cực đoan tuyên bố đã thực hiện các vụ tấn công ở Paris hôm thứ Sáu.
Cũng sau những vụ tấn công này, theo trông đợi sẽ có những nỗ lực thúc đẩy mạnh hơn và hợp nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria.
Vài giờ trước khi các cuộc tấn công xảy ra, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, bà Susan Rice nói hội nghị G-20 sẽ là một "cơ hội hữu ích" cho các nhà lãnh đạo quan trọng phối hợp nỗ lực về vấn đề Syria. Nhưng bà thận trọng với những trông đợi có bất cứ đột phá nào.
Bà Rice nói: "Tôi nghĩ không ai mong đợi sẽ có ngay một kết quả là bỗng nhiên tất cả sẵn sàng giải quyết mọi vấn đề khó khăn này. Chúng tôi nhắm đến việc tìm cách dùng những diễn đàn này để tích góp tiến bộ cho những mục tiêu mà chúng tôi đang hướng đến".
Ngay trước khi rời Tòa Bạch Ốc đi dự hội nghị, Tổng thống Obama đã họp với nhóm an ninh quốc gia của ông và nghe các đánh giá tình báo.
Các nhà phân tích nói rằng Tổng thống Obama bắt buộc phải tăng cường chiến dịch chống nhóm Nhà nước Hồi giáo, và hội nghị thượng đỉnh hai ngày sẽ tạo cho ông cơ hội thảo luận với lãnh đạo của các nước cũng đang chống nhóm cực đoan này.
Tổng thống Pháp Francois Hollande đã hủy kế hoạch tham dự hội nghị G-20 ngay sau những vụ tấn công ở Paris hôm thứ Sáu.
Một trong những cuộc họp đầu tiên của Tổng thống Obama tại thành phố Antalya là với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, một đối tác chính trong cuộc chiến chống các phần tử khủng bố Nhà nước Hồi giáo.
Nhiều tháng qua, các lực lượng an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường truy quét các sào huyệt của Nhà nước Hồi giáo, phần lớn ở miền đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, gần biên giới giữa nước này với Syria và Iraq.
Một quan hệ phức tạp khác cho Tổng thống Obama đó là Nga, nước tiếp tục hậu thuẫn chính phủ Bashar al-Assad trong khi Mỹ muốn ông Assad phải ra đi. Không có cuộc họp nào được sắp đặt cho nhà lãnh đạo Mỹ và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại hội nghị G-20, nhưng các nhà phân tích nói rằng các cuộc tấn công ở Paris có thể mở ra cơ hội để hai bên làm việc với nhau về một nỗ lực chung chống các phần tử hiếu chiến này.
Một hội nghị bộ trưởng ngoại giao tại Vienna trước hội nghị G-20 hình như đã đặt ra cơ hội cho một sự hợp tác mới, bất chấp những khác biệt. Hai ngoại trưởng – John Kerry của Mỹ và Sergei Lavrov của Nga – tại cuộc họp báo chung hôm thứ Bảy nói rằng Liên hiệp quốc đồng ý mang chính phủ Syria và phe đối lập lại với nhau tại một cuộc đối thoại, và một thỏa thuận ngừng bắn được trông đợi trong vòng 6 tháng.
Ngoại trưởng Nga nói rằng các cuộc tấn công có phối hợp ở Paris cho thấy "vấn đề qúy vị ủng hộ hay chống ông Assad không phải là điều quan trọng," mà "ISIS là kẻ thù của quý vị."
An ninh được bảo vệ nghiêm ngặt cho Hội nghị Thượng đỉnh G-20. 12.000 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ được triển khai quanh thành phố khi lãnh đạo của các nước G-20 và các nước khác đến đây họp. 3.000 phóng viên báo chí cũng có mặt tại đây.
Các giới chức quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho hay hệ thống phòng không được đặt trong tư thế sẵn sàng trong khu vực trong thời gian của hội nghị dài hai ngày này. - VOA
***
Ba nhóm đã thực hiện các vụ tấn công cùng lúc tại các nơi khác nhau ở Paris. Cảnh sát xác định được tên của một trong 7 kẻ khủng bố đã chết – là một người Pháp, 29 tuổi, có tiền án hình sự, đã bị cực đoan hóa cách đây 5 năm.
Một người Pháp khác bị nghi là đồng lõa bị bắt hôm thứ Bảy tại biên giới Pháp-Bỉ, nơi một số kẻ tấn công hôm thứ Sáu cư ngụ, trong đó có tên Omar Ismail Mostefai – tức là kẻ khủng bố thứ nhất đã xác định được tên.
Mấy nghi can bị bắt ở Bỉ
Giới hữu trách Bỉ hôm thứ Bảy đã bắt một số nghi can dính líu đến các cuộc tấn công ở Paris làm ít nhất 129 người thiệt mạng và 352 người bị thương. Người phát ngôn của Bộ Tư pháp Bỉ cho biết đây là những vụ bắt giữ nghi can đầu tiên tiếp theo sau các cuộc tấn công ở Paris đêm thứ Sáu.
Các vụ bắt giữ diễn ra khi cảnh sát khám xét ba căn nhà ở Molenbeek-Saint-Jean, ngoại ô của Brussels, sau khi cảnh sát Paris thông báo cho cảnh sát Bỉ chi tiết của một chiếc xe được những kẻ khủng bố thuê ở Bỉ.
Cảnh sát Pháp nói tên Omar Ismail Mostefai được nhận diện qua dấu vân tay tìm thấy tại hội trường của buổi hòa nhạc Bataclan, hiện trường của vụ tấn công đẫm máu nhất. "Hung thủ được xem là đã bị cực đoan hóa và có hồ sơ về an ninh," Công tố viên Paris, ông Francois Molins nói với các phóng viên báo chí tối thứ Bảy.
Một nghi can thứ hai được truyền thông Pháp gọi tên là "Abbdulakbak B."
Cảnh sát đã biết về nghi can Mostefai
Việc công tố viên Paris thừa nhận rằng giới hữu trách có biết về nghi can Mostefai có thể sẽ gây ra những lo lắng rằng các cơ quan an ninh của Pháp đơn thuần là đã quá tải với những mối đe dọa từ các phần tử thánh chiến Hồi giáo đặt ra.
Sau vụ tấn công tại tòa soạn của tạp chí trào phúng Charlie Hebdo, giới hữu trách về tình báo và chống khủng bố của Pháp đã bị kịch liệt chỉ trích là đã không có được những cảnh báo nào trước về một kế hoạch khủng bố, cho dù cảnh sát biết về những kẻ tấn công đó và đã từng theo dõi chúng.
Công tố viên Paris, ông Molins, đã nhanh chóng nhấn mạnh với các phóng viên báo chí rằng Mostefai trong quá khứ không bị truy tố về khủng bố. Các nguồn tin cảnh sát nói với đài VOA rằng nghi can này đã bị truy tố và kết tội mấy lần nhưng chưa bao giờ bị án tù.
Những kẻ tấn công dùng vũ khí nặng
Ông Molins nói rằng những kẻ tấn công dùng "các vũ khí loại chiến tranh," trong đó có súng AK, đai đeo chất nổ hỗn hợp TNT với peroxide ni-tơ. Ông Molins nói các máy thu hình an ninh giúp cảnh sát xác định hai chiếc xe được các hung thủ sử dụng trong các vụ tấn công, trong đó có một chiếc xe thuê ở Bỉ -- chiếc VW Polo – bị bỏ lại ở Montreuil, ngoại ô của Paris.
"Đây mới chỉ bắt đầu của cuộc điều tra, chúng tôi đang thu thập lời khai," ông Molins nói. "Ở thời điểm này, giữ bí mật cho các cuộc điều tra là điều quan trọng."
Hung thủ là 'các di dân'?
Ông Molins cũng xác nhận có một hộ chiếu Syria được tìm thấy gần xác của hai tên nổ bom tự sát. Chủ nhân của hộ chiếu là một người đàn ông sinh năm 1990 mà giới hữu trách Pháp không có thông tin nhập cảnh.
Người đứng đầu cơ quan bảo vệ công dân Hy Lạp, ông Nikos Toakas, xác định người mang hộ chiếu đó đã nhập cảnh Liên hiệp Âu châu vào ngày 3 tháng 10, qua đảo Leros của Hy Lạp. Giới chức Hy Lạp này nói: "Chúng tôi không biết liệu các nước khác có kiểm tra hộ chiếu này khi người mang nó đi qua hay không."
Mostefai là một người gốc Algeria sinh ra ở Pháp, cư ngụ tại Chartres một số năm cho đến năm 2012, theo lời của thị trưởng Chartres, ông Jean-Pierre Gorges.
Sơ hở trong hệ thống an ninh
Tiền án hình sự của tên Mostefai gợi nhớ hồ sơ của các hung thủ trong vụ Charlie Heddo – Said và Cherif Kouachi, và tên đồng lõa Amedy Coulibaly –kẻ đã tấn công một chợ thực phẩm Do Thái. Tất cả những tên này đã được tình báo lưu ý, như trong trường hợp của Kouachi – tên này đã sang Yemen từ năm 2009 đến 2011, và có tên trên danh sách cấm bay của cả Mỹ lẫn Anh. Giới hữu trách Pháp hồi năm 2013 quyết định rằng tên này không còn là một mối nguy hiểm nữa, và được cho là có lẽ chỉ đi ăn cắp và bán hàng giả mà thôi.
Một giới chức tình báo Anh nói với đài VOA rằng có một sơ hở về tình báo tương tự có thể đã xảy ra vào lúc đó, nhưng ông nhấn mạnh rằng bất cứ sở hở không xác định được hung thủ sẽ là lỗi chung của toàn châu Âu. Giới chức tình báo Anh đề nghị không nêu tên, nói: "Nguyên gốc, âm mưu, người và hậu cần dẫn đến các cuộc tấn công hôm thứ Sáu trải rộng trên nhiều nước và tất cả chúng tôi đã bỏ sót". - VOA
|
|
2.
Nhật 'không có quyền' nói về Biển Đông?
Trung Quốc tỏ ra giận dữ vì ý định của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe mang việc Bắc Kinh xây đảo nhân tạo ra các diễn đàn quốc tế.
Tuần trước ông Abe cho hay sẽ nêu vấn đề này ra các cuộc họp quốc tế sắp tới như Hội nghị Cấp cao G20, Hội nghị Cấp cao Apec và Hội nghị Cấp cao Đông Á.
Ngay lập tức, phía Trung Quốc bày tỏ bất bình.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố hồi cuối tuần tại Bắc Kinh rằng "hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên một số đảo và bãi đá ở quần đảo Nam Sa (Việt Nam gọi là Trường Sa), hoàn toàn là công việc trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc, không nhằm vào, không ảnh hưởng tới bất cứ nước nào, không có gì phải chê trách".
Tân Hoa Xã dẫn lời ông Hồng nói: "Nhật không phải nước đương sự vấn đề Nam Hải (Biển Đông), Nhật không có quyền nói này nói nọ trên vấn đề chủ quyền quần đảo Nam Sa (Trường Sa)".
Người phát ngôn Trung Quốc cũng cảnh báo Nhật Bản phải "tuân theo cam kết không đứng về bên nào trên vấn đề tranh chấp lãnh thổ, có những lời nói và việc làm thận trọng, tránh đưa ra tín hiệu sau lầm, khuyến khích cá biệt nước áp dụng nhiều biện pháp khiêu khích hơn, gây nguy hại đến hòa bình và ổn định trong khu vực".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình theo dự kiến sẽ tham dự hội nghị Apec cùng lãnh đạo gần 20 quốc gia trong đó có Hoa Kỳ và Nhật Bản ở Philippines vào tuần tới.
Trung Quốc nói họ không nghe nói về bất kỳ kế hoạch nào nhằm bàn thảo chủ đề Biển Đông tại đây.
Tuy nhiên Hoa Kỳ nói không loại trừ chủ đề "nóng" này sẽ được thảo luận song phương bên lề. - BBC
|
|
3.
Biểu tình lớn ở Nam Hàn
Cảnh sát Seoul đụng độ với người biểu tình trong một trong các cuộc tuần hành lớn nhất nhiều năm nay.
Cảnh sát đã dùng hơi cay và vòi rồng để giải tán đoàn tuần hành đòi Tổng thống Park Geun-hye từ chức.
Hàng chục nghìn người đã tham gia cuộc biểu tình sáng Chủ nhật 15/11, theo các nguồn tin cảnh sát.
Cuộc tuần hành có sự tham gia của nhiều nhóm, trong có các nghiệp đoàn vốn không ủng hộ các chính sách khuyến khích doanh nhân của bà Park.
Một số nhóm khác thì phản đối sách dạy lịch sử trong nhà trường mà theo họ đã xóa sạch quá khứ độc tài quân phiệt của Nam Hàn.
Người biểu tình hô to: "Park Geun-hye, từ chức đi''.
Lực lượng an ninh đã phải phun hơi cay khi một số người tìm cách phá vỡ hàng rào cảnh sát để tiếp cận dinh tổng thống.
Park Geun-hye, vị tổng thống nữ đầu tiên của Hàn Quốc, được bầu lên hai năm trước.
Bà đang muốn thực hiện các kế hoạch gây tranh cãi, trong đó có linh hoạt hóa thị trường lao động thông qua việc cho chủ thuê, quyền được sa thải nhân công một cách dễ dàng hơn. - BBC
|
|
4.
Tổng thống Thein Sein cam kết trao quyền cho đối lập
Tổng thống Miến Điện Thein Sein triệu tập các đảng phải chính trị vào ngày Chủ nhật 15/11/2015 tại Rangun để bảo đảm là sẽ bàn giao quyền lực cho lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi, sau chiến thắng của đối lập dân chủ trong cuộc bầu cử 08/11/2015.
Theo AFP, ngày Chủ nhật 15/11, trong cuộc tiếp xúc với hơn một chục chính đảng tham gia bầu cử Quốc hội vào tuần trước, Tổng thống Thein Sein tuyên bố "sẽ chuyển giao tiến trình dân chủ hóa cho chính phủ mới". Biết rõ công luận e ngại tái diễn kịch bản năm 1980, sau khi gửi thông điệp chúc mừng Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ , Tổng thống Miến Điện tuyên bố trấn an: "Quý vị đừng lo ngại, chúng tôi sẽ bàn giao quyền lực".
Đây là lần đầu tiên Tổng thống Miến Điện xuất hiện trước công chúng từ sau cuộc bầu cử 08/11. Bà Aung san Suu Kyi không có mặt cuộc gặp gỡ hôm nay tại thủ đô kinh tế Rangun mà chỉ cử đại diện tham dự. Từ hôm thứ Bảy 14/11, bà đã lên đường đi Naypyidaw, thủ đô hành chính, để đàm phán với Tổng thống Thein Sein và Tổng tham mưu trưởng quân đội.
Phát ngôn viên của Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ khẳng định quyết tâm "hòa hợp hòa giải" của đối lập. Từ khi bầu cử kết thúc với kết quả chiến thắng áp đảo, lãnh đạo đối lập không đưa ra một lời tuyên bố nào. Bà chỉ kêu gọi cử tri và dân chúng giữ bình tỉnh, tránh biểu lộ thái độ vui mừng thái quá trong khi chờ đợi thương lượng tiến trình tiếp thu chính quyền. - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
5.
"Khủng bố Paris" xen vào tranh luận của 3 ứng viên Tổng thống Mỹ
Trong cuộc tranh luận ngày 14/11/2015 tại bang Iowa giữa ba ứng cử viên của đảng Dân chủ trước cuộc bầu cử sơ bộ để ra tranh chức vụ Tổng thống Hoa Kỳ, loạt khủng bố đẫm máu Paris đã chiếm một vị trí quan trọng. Tường trình của thông tín viên đài RFI từ thủ đô Washington DC, Jean-Louis Pourtet.
"Cuộc tranh luận hôm qua đã mở đầu bằng một phút mặc niệm để tưởng nhớ các nạn nhân loạt khủng bố ở Paris. Tất cả các ứng cử viên đều lên án các hành vi khủng bố thô bạo và đều đề xuất những giải pháp để chấm dứt tình trạng đó.
Đối với bà Hillary Clinton, cầu nguyện cho người Palestine vẫn chưa đủ. Cộng đồng quốc tế phải quyết tâm và hợp lực để chống lại những tư tưởng của quân thánh chiến Hồi giáo cực đoan. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo là "một nhóm khủng bố tàn bạo, man rợ và không thương xót một ai".
Về phần mình, thượng nghị sĩ của bang Vermont, ông Bernie Sanders kêu gọi các nước Ả Rập tham gia nhiều hơn vào cuộc chiến chống quân thánh chiến. Ông Sanders nêu đích danh các nước Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Jordani, đòi các quốc gia kể trên đưa quân đến hiện trường và đương đầu với tổ chức Nhà nước Hồi giáo.
Riêng đối với cựu thị trưởng thành phố Baltimore, ông Martin O’Malley, Hoa Kỳ phần nào đã góp phần xây dựng tổ chức Hồi giáo cực đoan này. Bởi vì chính nước Mỹ đã đem quân sang Iraq vào năm 2003. Lập luận này gián tiếp nhắm vào bà Clinton, vì khí đó bà đã tán đồng chiến dịch quân sự của Mỹ tại Iraq, để rồi sau này, bà đã công khai hối tiếc hận về quyết định của mình". - RFI
|
|
Tin Việt Nam
6.
Người Khmer Krom bị sách nhiễu khi về thăm Việt Nam
Nhiều người Việt gốc Khmer Krom sau khi sang Campuchia sinh sống, khi trở về thăm quê ở Đồng bằng Sông Cửu Long than phiền bị chính quyền địa phương sách nhiễu.
Niềm vui sum vầy không trọn vẹn
Những người từ Việt Nam sang Xứ Chùa Tháp định cư có điều kiện kinh tế khác nhau, có người khá giả, cũng có người phải sống trong cảnh nghèo khổ thiếu thốn. Dù khá giả hay thiếu thốn, thì họ đều cố gắng tranh thủ về thăm quê hương mỗi dịp lễ lộc để được sum vầy cùng thân nhân sau bao tháng năm xa cách.
Tuy nhiên, khi trở về họ lại gặp những trở ngại mà theo họ đó là phải chịu sự sách nhiễu từ chính quyền địa phương trong mỗi lần về thăm quê.
Ông Sơn Thái Thành, sinh năm 1959, hiện đang sinh sống tại thủ đô Phnom Penh, trong dịp lễ Donta, hồi tháng 10 năm 2015, ngay sau khi về đến quê ở ấp Sóc Lèo, xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, ông lập tức được mời lên trụ sở công an xã để làm việc. Ông Thành chia sẻ:
“Nói chung là họ mời bắt đầu đi đến được một đêm, lực lượng ấp mời: Từ Campuchia tới đây, chú phải đi công an xã trình công an xã cho biết. Nó gặp tôi nó nói chú copy passport chuẩn bị lên xã đi. Tôi đi xã, tôi không thấy cấp bậc trên vai của họ là người nào trưởng, người nào phó, người nào là nhân viên hết.”
Ông Thành còn cho biết thêm cán bộ địa phương tiếp chuyện với ông với thái độ thiếu tôn trọng và xem ông như một người có tiền án tiền sự. Ông Thành giải bày:
“Thái độ của họ đối với mình, tiếng nói họ đối với mình, họ nạt nộ. Họ làm việc với mình, năm mười phút, họ đi ra, một lát họ làm việc với mình, mười phút, hai chục phút họ đi ra. Họ làm khó làm dễ mình thôi, làm phiền làm phức mình.”
Cũng theo ông Thành nguyên nhân mà chính quyền mời ông đến làm việc là do ông là người nước ngoài nhưng không trình báo với chính quyền địa phương. Mặc dù vậy ông khẳng định ông không cần thiết phải trình báo vì ông có hộ chiếu và cấp thị thực vào Việt Nam và hoàn toàn không vi phạm pháp luật Việt Nam.
Liên quan đến vấn đề này chúng tôi đã liên hệ với Trụ sở Công An xã Lịch Hội Thượng và được một cán bộ ở đây cho biết việc một người từ xứ khác đến địa phương và công an phải làm việc với họ là chuyện bình thường. Vị cán bộ này khẳng định có việc mời ông Thành làm việc nhưng hoàn toàn không có việc dọa nạt gì cả. Cán bộ này cho biết:
“Mình ở xứ khác, mình lại địa phương khác thì người ta lại hỏi thăm thôi chứ không có chuyện nạt nộ gì đâu, không có ai làm vậy.”
Tuy vậy, căn cứ vào luật cư trú và một số văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam liên quan đến vấn đề cư trú thì người mang quốc tịch nước ngoài khi vào Việt Nam, ngoài việc xin visa và làm một số thủ tục hành chính ở cửa khẩu thì không cần phải trình báo hay làm bất kỳ một thủ tục hành chính nào với chính quyền cấp địa phương khi mà người đó không có nhu cầu, cũng như không vi phạm pháp luật của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
VN can thiệp chuyện nội bộ của Campuchia?
Cũng xin nói thêm rằng đây không phải là lần đầu tiên và cũng không phải là trường hợp hiếm hoi người Khmer Krom trở về Việt Nam bị chính quyền địa phương làm phiền, sách nhiễu, thậm chí đã có nhiều trường hợp người Khmer Krom bị chính quyền đánh đập, dọa nạt khi từ Campuchia về Việt Nam.
Đó là trường hợp của ông Danh Serey, hồi tháng 10 năm 2014, ông cùng một nhóm gồm 15 người cùng mang quốc tịch Campuchia đến làm lễ Dâng Y Kathina theo truyền thống Phật giáo tại một ngôi chùa thuộc huyện Châu Thành tỉnh Kiên Giang, ông và đoàn của ông đã bị chính quyền tỉnh Kiên Giang bắt giam giữ hơn 10 tiếng đồng hồ và tịch thu một số tài sản có giá trị. Ông Serey nhớ lại:
“Bắt giữ từ 10 giờ đến 9 giờ tối. Nó có một người gác một người, một người gác một người không cho mình đi đâu hết. Mình vô nhà vệ sinh nó cũng đi theo gác trước cửa phòng vệ sinh luôn.”
Theo lời kể của những người tiếp xúc với chúng tôi thì họ bị sách nhiễu vì chính quyền Việt Nam cáo buộc họ có tham gia vào các hoạt động chính trị ở Campuchia. Khi tiếp xúc với chính quyền Việt Nam, những nạn nhân này luôn bị cảnh cáo là không được tham gia vào các hoạt động chính trị của Campuchia, đặc biệt là việc ủng hộ đảng đối lập của nước này. Ông Danh Serey, người từng bị chính quyền Việt Nam bắt giam và đe dọa hồi năm 2014 cho biết:
“Nó khuyên mình vô Campuchia rồi mình đừng vô bên phái chống, bên Sam Rainsy và tổ chức Khmer Krom gì cả. Nó nói nếu có chuyện gì, nó sẽ tìm bắt. Mình ở Campuchia, ở tới đâu nó cũng tìm được hết tại vì nó có gián điệp của nó. Gián điệp của nó trong nước Campuchia ở đâu cũng có hết. Nó nói vậy đó.”
Liên quan đến vấn đề này, ông Sơn Chum Chuôn, Giám đốc Chương trình của Tổ chức Khmer Campuchia Krom vì Nhân quyền và Phát triển có trụ sở tại Campuchia cho rằng việc chính quyền Việt Nam gây khó khăn cho công dân Campuchia chứng tỏ thái độ đối xử bất bình đẳng và thiếu thiện chí trong mối quan hệ với Campuchia. Riêng việc cấm người mang quốc tịch Campuchia tham gia các hoạt động chính trị ở Campuchia là hành vi can thiệp vào công việc nội bộ của Campuchia. Ông Sơn Chum Chuôn nói thêm:
“Việt Nam cấm công dân Campuchia tham gia hoạt động chính trị ở Campuchia là hành vi xâm phạm chủ quyền của Campuchia. Việt Nam áp dụng quyền lực quá lãnh phận của mình. Việt Nam không thể làm điều đó, Việt Nam chỉ có quyền trên vùng lãnh thổ của mình, ngoài lãnh thổ của Việt Nam thì Việt Nam không có quyền gì cả.”
Mấy năm gần đây, chính quyền Hà Nội tuyên truyền với thế giới rằng Việt Nam luôn tôn trọng nhân quyền và tạo mọi điều kiện thuận lợi để người Việt Nam có thể trở về quê hương, tuy nhiên trường hợp những người từ Việt Nam sang Campuchia định cư rồi về nước như vừa nêu cho thấy tuyên bố đó chưa đúng thực tế. - RFA
No comments:
Post a Comment