Friday, October 9, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Tư 7/10

Tin Thế Giới

1.
BT Carter: Mỹ không hợp tác quân sự với Nga ở Syria --- Nga sẽ thảo luận với Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ về cuộc chiến chống IS ở Syria --- Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị thiết lập vùng cấm bay ở miền bắc Syria

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ash Carter hôm thứ Tư nói rằng Mỹ sẽ không hợp tác quân sự vớ Nga ở Syria vì chiến lược của Nga "thiếu sót nghiêm trọng," nhưng chuẩn bị các cuộc thảo luận kỹ thuật cơ bản về an toàn cho các phi công.

Bộ trưởng Carter phát biểu như vậy trong chuyến công du đến thủ đô của Italia, và tái khẳng định quan hệ vững mạnh giữa Rome và Washington.

Ông Carter nói với các phóng viên báo chí trong một cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Quốc phòng Italia Roberta Pinotti rằng chiến lược của Nga tại Syria là sai lầm.

"Nga tiếp tục nhắm vào các mục tiêu không phải của ISIL. Bất kể những gì Nga nói, chúng tôi không đồng ý hợp tác với Nga nếu họ cứ tiếp tục theo đuổi chiếc lược sai lầm và nhắm vào những mục tiêu đó," ông Carter nói.

Tuy nhiên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ xác nhận rằng các cuộc thảo luận về an toàn cho các phi công đang diễn ra.

"Những gì chúng tôi đang làm là tiếp tục các cuộc thảo luận về kỹ thuật cơ bản các biện pháp chuyên nghiệp bảo đảm an toàn cho phi công bay trong không phận Syria. Chỉ có vậy thôi. Chúng tôi vẫn mở ngỏ kênh liên lạc này vì an ninh và an toàn cho các phi công của chúng ta," ông Carter nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói rằng chiến lược của Nga ở Syria là "sai lầm nghiêm trọng."

"Chúng tôi không có kế hoạch hợp tác với Nga về chiếc lược mà chúng tôi đã giải thích là sai lầm, sai lầm nghiêm trọng về phía Nga," ông Carter nói trong chuyến công du đến Rome. Ông lập lại tố cáo của Mỹ rằng chiến dịch không kích của Nga nhắm vào những mục tiêu không phải của Nhà nước Hồi giáo.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ công du Châu Âu để tham dự các cuộc họp song phương tại Tây Ban Nha, Brussels, Anh và Italia. - VOA

***
Các nhân vật tranh đấu người Syria cho biết hôm nay Nga thực hiện thêm những vụ không kích ở miền tây Syria. Theo tường thuật của thông tín viên Chris Hannas của đài VOA, Nga đang xem xét tới việc phối hợp hoạt động với Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ trong lúc chiến dịch mà Moscow tiến hành một tuần nay ở Syria gặp phải nhiều sự chỉ trích.

Đài Quan sát Nhân quyền Syria, một tổ chức ở Anh chuyên theo dõi tình trạng bạo động ở Syria, cho biết những vụ oanh kích của Nga ngày hôm nay đánh phá những mục tiêu ở hai tỉnh Hama và Idlib, trong lúc binh sĩ chính phủ Syria dùng phi đạn địa đối địa để thực hiện những vụ tấn công trong khu vực này.

Cũng trong ngày hôm nay, người đứng đầu nhóm chống đối Liwa Suquor al-Jabal do Mỹ huấn luyện nói với hãng thông tấn Reuters rằng những vụ không kích của Nga đã phá huỷ kho vũ khí chính của nhóm này ở tỉnh Aleppo, sau khi đã tấn công trại huấn luyện chính của họ ở tỉnh Idlib hồi tuần trước.

Một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga cho biết các chuyên gia quốc phòng của Nga và Mỹ sẽ gặp nhau hôm nay để thảo luận về những đề nghị nhằm “phối hợp các hành động trong cuộc chiến đấu chống lại” nhóm hiếu chiến Nhà nước Hồi giáo ở Syria.

Hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter cho báo chí biết rằng tuần trước đôi bên đã tham gia các cuộc thảo luận do Nga khởi xướng. Ông Carter từ chối bình luận về vấn đề Mỹ phản ứng như thế nào đối với việc máy bay Nga xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ. Ông nói rằng vấn đề này sẽ được bàn tới tại một hội nghị của các vị bộ trưởng quốc phòng NATO vào ngày mai.

Cả Nga lẫn Thổ Nhĩ Kỳ đều đã nói tới việc có thể thành lập một nhóm công tác hỗn hợp để phối hợp với nhau và để tránh xảy ra những vụ việc ngoài ý muốn liên quan tới những vụ không kích của Nga ở Syria.

Thượng nghị sĩ McCain: Nga “đang thắng”

Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain nói với đài truyền hình Alhura rằng những vụ xâm nhập của Nga vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ là “rất đáng lo ngại” và Mỹ tham gia cuộc thảo luận về phối hợp hành động với Nga là một sự nhu nhược.

Ông McCain lâu nay vẫn hô hào cho việc điều động lực lượng trên bộ của Mỹ để chống lại những phần tử hiếu chiến của nhóm Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria. Ông chỉ trích cách đáp ứng của Bộ trưởng Carter và các thành viên khác trong chính phủ của Tổng thống Obama đối với những hoạt động của Nga ở Syria và nói rằng “mọi người ai nấy đều biết Nga đang thắng.”

Ông McCain nói “Họ đã nắm giữ một vai trò quan trọng ở Trung Đông lần đầu tiên kể từ năm 1973, và họ đã đạt được tất cả các mục tiêu của họ trong lúc chúng ta ngồi yên và gọi đó là một vũng lầy.”

Tổng thống Obama đã cho phép thực hiện một chiến dịch không kích nhắm vào Nhà nước Hồi giáo, trong đó có hơn 2.600 vụ oanh kích ở Syria và 4.600 vụ ở Iraq, nhưng những vụ oanh tạc chỉ đạt được những kết quả hạn chế. Cho đến nay, nhà lãnh đạo Mỹ vẫn loại bỏ khả năng phái binh sĩ tác chiến trên bộ tới Iraq và Syria.

Thượng nghị sĩ McCain nói rằng “hiển nhiên” là Nga đang nhắm tấn công các chiến binh thuộc phe chống đối có chủ trương ôn hoà, và cho rằng việc Mỹ không bảo vệ được cho những chiến binh nổi dậy mà Washington đã huấn luyện và trang bị là một việc “rất đỗi vô đạo đức”.

Ông McCain nói tiếp: “Chúng ta nên nói với Nga là chúng ta sẽ bay ở bất cứ nơi nào chúng ta muốn vào bất cứ lúc nào và các ông không được cản trở.”

Căng thẳng trong quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Nga

Thổ Nhĩ Kỳ đã báo cáo hai vụ xâm phạm không phận của các chiến đấu cơ Nga, một vụ xảy ra vào ngày thứ bảy và một vụ ngày chủ nhật.

Ankara đã hai lần triệu Đại sứ Nga đến để phản đối. Các giới chức Nga nói rằng những vụ xâm nhập đó xảy ra vì sơ sót.

Hôm qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nêu nghi vấn về tương lai của quan hệ giữa hai nước. Ông nói tại một cuộc họp báo chung ở Brussels với thủ tướng của Bỉ “Một số bước mà chúng tôi không muốn đang được thực hiện. Thổ Nhĩ Kỳ không thể chấp nhận những bước đó.”

Các đồng minh Tây phương chỉ trích sự can dự nói chung của Nga ở Syria và nêu thêm những nghi vấn về việc máy bay Nga xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm qua cho báo chí biết rằng những vụ xâm phạm đó không giống một sự việc xảy ra ngoài ý muốn.

Ông nói “Tôi không muốn suy đoán về động cơ, mà chỉ muốn lập lại rằng đây là một sự vi phạm nghiêm trọng không phận Thổ Nhĩ Kỳ, việc này không nên xảy ra một lần nữa, và NATO đã bày tỏ sự đoàn kết vững mạnh với Thổ Nhĩ Kỳ.”

Ông Marcin Zaborowski, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Âu châu, nói với đài VOA rằng Nga đang tìm cách trắc nghiệm những giới hạn của NATO bằng cách xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông nói “Nga thực hiện những bước đó với mục đích thăm dò, trong lúc Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách đứng ngoài những vụ xích mích giữa Nga với Tây phương.”

Hôm thứ hai, người đứng đầu uỷ ban quốc phòng của Hạ viện Nga nói rằng “một đơn vị quân tình nguyện Nga” có thể cùng với các binh sĩ chính phủ Syria chiến đấu chống lại những phần tử cực đoan. Trước đó, tin tức báo chí cho biết người ta đã trông thấy quân tình nguyện Nga chiến đấu bên cạnh quân đội Syria.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter hôm qua không xác nhận sự can dự của lực lượng trên bộ của Nga, nhưng ông kịch liệt chỉ trích ý tưởng đó. Ông cho rằng trong trường hợp tin đó là chính xác thì chiến lược mới của Nga chắc chắn sẽ thất bại và Moscow sẽ “đào sâu thêm sự sai lầm của họ” ở Syria. - VOA

***
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cảnh báo Nga là bất kỳ sự xâm lăng nào nhắm vào nước ông cũng là sự xâm lăng nhắm vào liên minh NATO. Theo tường thuật của thông tín viên Henry Ridgwell của đài VOA tại London, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng đề nghị thiết lập một vùng cấm bay ở miền bắc Syria.

Tổng thống Erdogan đã mạnh mẽ chỉ trích Nga trong lúc ông đến thăm Brussels hôm thứ ba.

"Xâm lăng Thổ Nhĩ Kỳ là xâm lăng NATO."

Ông Erdogan và các đối tác của ông ở Âu châu đồng ý với nhau rằng việc Nga, một đồng minh của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, dội bom những lực lượng chống đối ở Syria không có ích gì cho việc tìm kiếm một giải pháp cho cuộc xung đột này.

Cuộc nội chiến Syria đã buộc hơn 4 triệu người chạy sang tị nạn ở các nước khác. Thổ Nhĩ Kỳ đang là nơi tạm trú của khoảng 2 triệu người Syria, trong lúc hàng trăm ngàn người khác vượt biên sang Âu châu.

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra những đề nghị để giải quyết vụ khủng hoảng, bao gồm việc thiết lập một khu an toàn ở bên trong Syria dành cho người Syria tị nạn để họ có thể tiếp tục ở lại trên quê hương của mình.

"Một giải pháp là tập trung vào việc huấn luyện và trang bị. Giải pháp thứ nhì là tuyên bố một khu vực an toàn, trong đó người dân được bảo vệ trước những hành vi khủng bố; và giải pháp thứ ba là thiết lập một khu cấm bay để ngăn không cho máy bay của chính phủ Syria dội bom vào thường dân."

Ông Ibrahim Sirkeci, giáo sư của Đại học Regents ở London, cho rằng một khu vực an toàn như vậy cũng sẽ giúp cho Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng sự kiểm soát đối với các nhóm vũ trang của người Kurk trong khu vực.

"Yêu cầu chính là thiết lập một vùng cấm bay ở miền bắc Syria. Và nhờ đó họ sẽ có thể dẹp tan phong trào của người Kurd hoặc ít ra là giữ cho tình hình được yên ổn."

Liên hiệp Âu châu đã đề nghị viện trợ 1,12 tỉ đô la để giúp Thổ Nhĩ Kỳ ứng phó với vụ khủng hoảng người tị nạn. Giáo sư Sirkeci cho rằng tiền bạc của Âu châu sẽ không ngăn được làn sóng người tị nạn.

"Những cơ hội kinh tế, cơ hội giáo dục, các quyền của những khối người thiểu số, nhân quyền nói chung, vị trí của phụ nữ trong xã hội, và tất cả những thứ đó ở Âu châu; những sự khác biệt này sẽ định đoạt vấn đề làn sóng di dân có tiếp tục hay không."

Tổng thống Erdogan cho các giới chức ở Brussels biết rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên hiệp Âu châu vẫn là một sự lựa chọn có tính chất chiến lược. Tuy nhiên, theo giáo sư James Ker-Lindsay của Trường Kinh tế London, mục tiêu gia nhập Liên hiệp Âu châu vẫn còn rất xa vời.

"Chúng tôi đã nhìn thấy những bước thụt lùi về nhân quyền và tự do truyền thông, và không người nào có đầu óc tỉnh táo lại có thể bày tỏ sự ủng hộ đối với việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên hiệp Âu châu vào thời điểm này."

Trong lúc Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị bầu cử vào tháng tới, các nhà phân tích nói rằng nhiều tuyên bố của ông Erdogan đưa ra tại Brussels chỉ có mục đích tranh thủ sự ủng hộ của những người dân ở nước ông. - VOA
|
|

2.
Nghiên cứu về sự phục hồi ADN đoạt giải Nobel Hóa học 2015

Hội đồng Giải Thưởng Nobel ở Stockholm, Thụy Điển, đã trao giải thưởng về hóa học năm nay cho 3 nhà khoa học cho công trình nghiên cứu của họ để phục hồi A-D-N ở người có thể sử dụng trong điều trị ung thư.

Những người đoạt giải Nobel năm nay gồm có nhà khoa học Tomas Lindahl của Viện Sir Francis Crick và Phòng Thí Nghiệm Clare Hall ở Anh, nhà khoa học Paul Modrich của trường Đại học Duke, và nhà khoa học Aziz Sancar của trường Đại học North Carolina ở Chapel Hill – cả 2 đều nằm ở miền đông của tiểu bang North Carolina của Mỹ. Ông Lindahl là người Thụy Điển, ông Modrich là người Mỹ và ông Sancar là người Thổ Nhĩ Kỳ.

Hôm thứ ba, giải thưởng Nobel về Vật lý được trao cho 2 nhà khoa học của Nhật và Canada – ông Takaaki Kajita và ông Arthur MacDonald – cho khám phá của họ về sự dao động của hạt sơ cấp neutrino, trong đó cho thấy hạt neutrino – là những hạt có nhiều thứ nhì trong vũ trụ chỉ sau hạt photon – có trọng lượng và thay đổi định dạng.

Hôm thứ 2, ủy ban Nobel công bố người giành giải về y học là các nhà khoa học người Ireland, Nhật và Trung Quốc.

Ông William Campbell của Ireland và ông Satoshi Omura của Nhật cùng chung giải thưởng cho công trình nghiên cứu của họ về một liệu pháp mới chữa trị những viêm nhiễm do ký sinh trùng dòng giun sán gây ra.

Nhà khoa học người Trung Quốc, bà Đồ U U, đã khám phá ra một loại thuốc có khả năng làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong của bệnh nhân bị sốt rét và bà cũng đã cùng giành giải thưởng này.

Các giải Nobel được trao năm nay về các lĩnh vực y học, vật lý, hóa học, văn học, hòa bình và khoa học kinh tế. Tiền thưởng là do nhà sáng chế người Thụy Điển Alfred Bobel để lại và các giải thưởng, có từ năm 1901, đã trở thành giải thưởng thành tựu cao nhất trong mỗi lĩnh vực.

Giải Nobel kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel cũng do hội đồng này trao mặc dù nó không phải là một trong những giải do Alfred Nobel sáng lập ra.

Những người giành giải được trao một giải thưởng bằng tiền có giá trị hơi khác nhau trong từng năm. Họ cũng nhận được một huy chương và một “bằng” Nobel.

Những người giành giải thưởng được công bố vào tháng 10, và các giải thưởng được trao tại những lễ trao giải được tổ chức đầu tháng 12 tại Stockholm, thủ đô của Thụy Điển, và Oslo, thủ đô của Na Uy.

Nhiều người cùng giành 1 giải thưởng sẽ chia đều phần thưởng nhận được. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Tổng thống Obama cổ xúy cho hiệp định TPP

Tổng thống Mỹ Barack Obama cổ xúy cho Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, một ngày sau khi 12 quốc gia Vành đai Thái Bình Dương đạt thỏa thuận tự do thương mại này ở Atlanta. Hiệp định gây tranh cãi liên quan đến khoảng 40% thương mại toàn cầu còn phải chờ được giới lập pháp của các nước tương ứng chấp thuận. Theo tường thuật của thông tín viên Zlatica Hoke, Tổng thống Obama đang đối diện với sự phản đối mạnh mẽ đối với TPP, kể cả từ các thành viên trong đảng của ông.

Sau hơn 5 năm đàm phán triệt để, Hoa Kỳ và 11 quốc gia khác hôm thứ hai đã đạt được thỏa thuận để dỡ bỏ hoặc giảm bớt các rào cản đối với giao thương qua lại giữa các nước. Những người ủng hộ TPP, trong đó có Tổng thống Obama, tuyên bố thỏa thuận này sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiếp sức cho sự phát triển và thúc đẩy đổi mới trên toàn khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Tổng thống Obama phát biểu:

“Thỏa thuận này thúc đẩy cạnh tranh thương mại qua việc dỡ bỏ 18 ngàn loại thuế và thuế quan đánh vào hàng hóa của Mỹ tại các nước này.”

Tuy nhiên, lập luận này không thuyết phục nhiều nhà lập pháp ở hai đảng Cộng hòa và Dân chủ của Mỹ. Thượng nghị sĩ bang Vermont, ông Bernie Sanders, người đang tham gia cuộc đua để được đảng Dân chủ đề cử làm ứng viên Tổng thống, nói với các ủng hộ viên tại Washington rằng các thỏa thuận tự do mậu dịch trước đây từng không đáp ứng mong đợi. Ông Bernie Sanders nói:

“Lịch sử các hiệp định thương mại của quốc gia này là thảm họa đối với người lao động Mỹ. Chúng ta đã mất hàng triệu công ăn việc làm có lương khá. Các thỏa thuận đó đã đưa chúng ta vào cuộc đua tới đáy. Tôi thật sự chán ngán khi nhìn thấy công nhân Mỹ phải cạnh tranh với người dân các nước có lương thấp trên thế giới với mức lương hàng xu cho một giờ làm việc. Thực trạng này phải thay đổi."

Theo các chuyên gia, thỏa thuận thương mại TPP chắc chắn sẽ làm tổn thương một số ngành công nghiệp, ít nhất là trong bước ban đầu, nhưng sẽ tốt cho nền kinh tế toàn cầu nói chung.

Ông Edward Alden thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại phát biểu:

"Một số ngành công nghiệp được lợi rõ ràng là các ngành công nghệ cao như ngành sản xuất chất bán dẫn, máy vi tính. Thật sự có một số điều khoản đột phá liên quan tới luồng chảy tự do của dữ liệu và ngăn không cho các nước đòi hỏi lưu trữ dữ liệu cục bộ, vốn đang là một vấn đề lớn đối với Google trên thế giới."

Thỏa thuận đối tác thương mại bao gồm gần phân nửa dân số thế giới dự kiến sẽ làm suy yếu Trung Quốc, nước không tham gia TPP. Một chuyên gia kinh tế Trung Quốc cho rằng TPP sẽ không có tác động lớn đối với ngành ngoại thương của Bắc Kinh.

Ông Trương Kiến Bình thuộc Uỷ ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc nói:

"Trung Quốc đã ký thỏa thuận tự do thương mại song phương với 2/3 các nước thành viên trong TPP. Bắc Kinh có thể cân bằng những tác động tiêu cực của TPP trong một chừng mực nào đó. "

Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

4.
Hãng ANA của Nhật nhắm cổ phần của Vietnam Airlines

Hãng hàng không Nhật Bản All Nippon Airways (ANA) đang thảo luận về khả năng thâu tóm cổ phần chiến lược của hãng hàng không quốc gia Việt Nam, theo tin của Financial Times.

Bài báo trích dẫn lời Chủ tịch ANA Shinichiro Ito nói rằng, tập đoàn hàng không đã thảo luận với “một số hãng hàng không” như một phần của chiến lược mở rộng quốc tế và tìm kiếm sự hiệp lực trên thị trường Châu Á.

Chính phủ cũng đã tìm kiếm một đối tác chiến lược để giúp Vietnam Airlines phát triển, sau khi bán 5% cổ phần cho các nhà đầu tư năm ngoái trong đợt niêm yết cổ phiếu đầu tiên.

Hãng hàng không này cũng đang tìm kiếm đối tác chiến lược để bán thêm 20%, thông tin được đưa ra trong cuộc họp cổ đông hồi đầu năm nay tại Hà Nội.

Sau khi bán 20% cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược, cổ phần của chính phủ sẽ giảm từ 95% xuống còn 75%.

Giám đốc điều hành Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh tiết lộ rằng hãng đang trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, nhưng từ chối nêu tên bất cứ công ty cụ thể, theo tin của Reuters.

Năm 2012, hãng hàng không Nhật Bản ANA đã chi 1,6 tỉ đôla vào cổ phần của các hãng hàng không Châu Á. - VOA
|
|

5.
Bà Phạm Chi Lan: TTP sẽ gặp phải sự chống đối của các nhóm lợi ích ở VN

Chuyên gia nghiên cứu kinh tế Việt Nam Phạm Chi Lan cho rằng Hiệp định TPP (Hiệp định Thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương) vừa đạt được giữa 12 quốc gia đòi hỏi Việt Nam phải thực hiện ‘cuộc cải cách lần 2’, và theo bà, cuộc cải cách lần này chắc chắn sẽ gặp phải sự chống đối từ các nhóm lợi ích, buộc Việt Nam phải cân nhắc giữa lợi ích của các nhóm này với lợi ích của đông đảo người dân. Mời quý vị theo dõi chi tiết trong cuộc phỏng vấn sau đây giữa Khánh An của Ban Việt ngữ đài VOA với bà Phạm Chi Lan, thành viên của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Việt Nam.

VOA: Thưa bà Phạm Chi Lan, khi TPP thành công, bà có nghĩ rằng Việt Nam là nước được hưởng lợi nhiều nhất không? Tại sao?

Bà Phạm Chi Lan: Khi người ta nói Việt Nam là nước được hưởng lợi nhiều nhất là do người ta dựa trên một vài nghiên cứu được công bố của các chuyên gia, chủ yếu là ở Hoa Kỳ, nói rằng khi tham gia TPP thì các nước thành viên đều có thể có sự tăng trưởng về xuất khẩu, về GDP…Khi so sánh với mức độ hiện nay, Việt Nam có thể có tỉ lệ tăng trưởng cao nhất. Tuy nhiên, tôi cho rằng nếu chỉ nhìn tỉ lệ tăng trưởng cao mà đánh giá Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất thì không đúng, không xác đáng.

Việt Nam có được tỉ lệ cao chủ yếu là bởi vì Việt Nam có điểm xuất phát thấp. Ví dụ như GDP của Việt Nam hiện nay là quy mô nhỏ nhất, tính theo bình quân đầu người, trong 12 nước thành viên TPP. Cho nên Việt Nam có thể có tốc độ tăng cao so với chính mình, nhưng ngay cả có tăng với tốc độ cao thì khoảng cách giữa Việt Nam và các nước thành viên khác của TPP vẫn còn rất lớn. Mỗi 1% tăng trưởng của Việt Nam là rất nhỏ so với các nước thành viên TPP khác.

Cho nên tôi cho rằng khi nói Việt Nam là nước được hưởng lợi nhiều nhất thì cần phải nói rõ là ‘nếu so sánh về tốc độ tăng trưởng, Việt Nam có thể đạt được tốc độ tăng trưởng cao nhất’ và cần phải nói thêm một vế nữa là ‘do Việt Nam có điểm xuất phát thấp nhất trong các nước thành viên TPP’ để tránh ngộ nhận là vào TPP, Việt Nam là nước được hưởng lợi nhiều nhất.

VOA: Ngoài cái lợi như cơ hội về kinh tế, FDI đổ vào nhiều hơn, có luồng dư luận nói rằng nguy cơ ‘chết’ của doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào TPP là có?

Bà Phạm Chi Lan: Tôi nghĩ cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam vượt lên là hoàn toàn có. Nhưng có vượt lên được hay không và ai thắng, ai thua thì nó phụ thuộc rất lớn vào năng lực bản thân các doanh nghiệp Việt Nam.

Một khía cạnh khác nữa mà tôi cũng muốn nhấn mạnh thêm là đối với đông đảo doanh nghiệp Việt Nam, cơ hội thắng thua còn phụ thuộc vào một phần không kém quan trọng là môi trường kinh doanh mà họ đang có ở đất nước Việt Nam. Điều tôi lo ngại là môi trường kinh doanh ở Việt Nam chưa tốt.

Một điều rất rõ từ trước tới nay là Việt Nam luôn luôn có một hệ thống chính sách, trong đó ưu tiên số 1 dành cho các doanh nghiệp nhà nước, thứ 2 là cho các doanh nghiệp nước ngoài, còn các doanh nghiệp trong nước thì chịu thiệt thòi về nhiều mặt. Bao nhiêu năm chính phủ Việt Nam năm nào cũng cam kết và đưa ra chính sách gọi là ‘tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp’, nhưng năm nào cũng phải nhắc đến ‘tháo gỡ khó khăn’, có nghĩa là những khó khăn đó về môi trường kinh doanh vẫn còn đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Những khó khăn về môi trường kinh doanh thì tự thân từng doanh nghiệp không làm được. Nó phụ thuộc vào nỗ lực của Việt Nam trong cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh tốt đẹp, thuận lợi và công bằng với các doanh nghiệp. Thành ra tôi lo cho doanh nghiệp Việt Nam là ở cái vế môi trường kinh doanh ở Việt Nam chưa thay đổi được như mong muốn. Do đó, nó gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam vốn dĩ đã tương đối yếu trong tương quan so sánh với các doanh nghiệp nước ngoài. Điều đó có thể làm cho một số doanh nghiệp Việt Nam không những không nắm được cơ hội mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khác, mà họ lại chịu sức ép ngay trên ‘sân nhà’, tức là ngay ở thị trường Việt Nam.

VOA: Bà có nhắc đến vấn đề cải cách, theo bà, khả năng ràng buộc của TPP đối với vấn đề cải cách ở Việt Nam là như thế nào?

Bà Phạm Chi Lan: Đối với tôi, điều số một ý nghĩa của TPP đối với Việt Nam là chuyện cải cách thể chế. Đó vừa là cơ hội, vừa là thách thức rất lớn cho Việt Nam. Nói chung ai cũng biết TPP yêu cầu về nhiều mặt chứ không phải chỉ thương mại. Nó đòi hỏi Việt Nam phải thay đổi khá nhiều các điều luật, quy định, chính sách hiện có trong nước. Thay đổi này cũng là nhu cầu tự thân của nền kinh tế Việt Nam. Cho nên đối với Việt Nam, TPP là cơ hội đầy ý nghĩa là nó đặt ra cho Việt Nam thêm yêu cầu về cải cách thể chế, không chỉ là làm cho thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam theo cách thị trường Việt Nam, mà nó đòi hỏi Việt Nam phải theo chuẩn mực chung của kinh tế thị trường theo quan niệm như các nước thành viên khác của TPP hiểu và đã đưa vào cam kết của hiệp định. Tôi cho đó là thuận lợi.

Nhưng thách thức nằm ở chỗ những điều kiện đó là những điều kiện rất khó đối với Việt Nam. Cải cách để có được thể chế kinh tế thị trường đầy đủ được nhiều chuyên gia coi là một cuộc đổi mới lần 2 mà Việt Nam cần tiến hành. Tuy nhiên, cuộc đổi mới lần 2 này muốn tiến hành hoàn toàn không dễ dàng vì nói gặp phải hàng loạt rào cản các mặt, kể cả tư duy, nhận thức của những người quyết định chính sách hoặc quyết định khuôn khổ luật pháp ở Việt Nam, đặc biệt có sự trở ngại của các nhóm lợi ích ở Việt Nam.

Trước đây khi Việt Nam bắt đầu cải cách cách đây 30 năm thì đổi mới đạt được sự đồng thuận cao bởi vì tất cả mọi người đều có thể được hưởng lợi từ sự đổi mới. Nhưng bây giờ, khi Việt Nam cải cách sang một hệ thống thị trường đầy đủ hơn, minh bạch hơn thì lợi ích của một số nhóm lợi ích hiện nay sẽ bị ảnh hưởng. Cho nên họ sẽ chống lại chứ không dễ dàng chấp thuận việc cải cách vì lợi ích chung của cả nền kinh tế hay vì lợi ích của đông đảo người dân.

VOA: Bà vừa nói đến các nhóm lợi ích ở Việt Nam, nhiều người xem TPP là một sân chơi mà Việt Nam mới gia nhập, bà dự đoán lối chơi của Việt Nam sẽ như thế nào trong điều kiện mà đội chơi của Việt Nam như bà nói là sẽ có sự phản kháng từ phía các nhóm lợi ích?

Bà Phạm Chi Lan: Mong muốn cải cách ở các nước, nhìn chung, là để cho đông đảo người dân được hưởng lợi. Tuy nhiên thế nào cũng có những nhóm nhất định bị tác động tiêu cực, họ bị ảnh hưởng, họ coi là họ bị thua thiệt trong cải cách. Nhưng như vậy là buộc phải đặt lợi ích của đông đảo người dân lên trên, lợi ích của toàn thể nền kinh tế lên trên để thực hiện được cải cách. Việt Nam cũng không loại trừ khỏi quy luật đó. Thực tế trong thời gian vừa qua, ngay cả các vị lãnh đạo cao nhất cũng thừa nhận tình trạng ở Việt Nam có các nhóm lợi ích nổi lên và nó trở thành một trở ngại cho phát triển. Thế thì Việt Nam phải vượt qua những lợi ích đó thôi chứ không có cách nào khác. Nếu không vượt qua được thì chính Việt Nam không phát triển nổi chứ chưa nói đến chuyện tham gia TPP một cách đầy đủ hơn.

VOA: Vâng. Người ta nói Hoa Kỳ dùng TPP như là một cách để ‘xoay trục về châu Á’, ‘đối trọng kinh tế với Trung Quốc’. Thế thì Việt Nam ở giữa 2 cường quốc lớn, theo bà, đường lối khôn ngoan của Việt Nam nên thực hiện là như thế nào?

Bà Phạm Chi Lan: Việt Nam với tư cách là một nước nhỏ, trong quan hệ với các nước lớn thì luôn luôn phải coi trọng quan hệ với từng nước lớn một, cố gắng làm sao để giữ quan hệ hòa hiếu, tốt đẹp với họ. Đồng thời, Việt Nam cũng rất cần phải quan sát các nước lớn đang quan hệ với nhau như thế nào, đang chơi với nhau như thế nào, để giữ quan hệ của mình hợp lý hơn. Việt Nam không chỉ có TPP, trước khi kết thúc việc đàm phán TPP, Việt Nam đã kết thúc được đàm phán FTA với Liên minh Châu Âu, với Nga. Đấy cũng là những đối tác chiến lược vô cùng quan trọng của Việt Nam. Ở đây, sự khôn ngoan của Việt Nam là biết chơi với nhiều nước khác nhau để tạo cho mình một vị thế tốt trong quan hệ với các nước lớn trên thế giới.

VOA: Vâng. Cám ơn bà Phạm Chi Lan đã dành thời gian cho đài VOA. - VOA
|
|

6.
Tư lệnh Mỹ cảnh cáo TQ phải tuân thủ luật quốc tế ở Biển Đông

Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ, Đô đốc Scott Swift, mạnh mẽ cảnh báo Trung Quốc và các nước khác trong khu vực phải tuân thủ luật pháp quốc tế ở Biển Đông.  

Trang mạng News. com của Australia tường thuật rằng Đô Đốc Scott Swift đưa ra lời cảnh báo đó hôm qua trước một cử toạ gồm các giới chức hải quân cấp cao đến từ hơn 10 quốc gia để tham dự Hội chợ Thái Bình Dương năm 2015 tại Sydney. Đô đốc Swift cảnh cáo rằng những ‘điểm bất đồng có khả năng gây xung đột’ trên biển và lập trường ‘lấy sức mạnh để giành lý về phần mình’– ám chỉ Trung Quốc, có thể dẫn tới xung đột toàn diện tại Biển Đông, một trong những điểm nóng nguy hiểm nhất của thế giới hiện nay.

Tư Lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ nói: “Nếu chúng ta không sẵn sàng cam kết sẽ giải quyết những bất đồng một cách hoà bình, sử dụng các công cụ dựa trên hệ thống pháp trị đã phục vụ thế giới bấy lâu nay…thì kể như chúng ta phải sẵn lòng chấp nhận khả năng các giải pháp áp đặt để giải quyết bất đồng giữa các nước trên biển.”

Đô Đốc Scott Swift, người được trang mạng News. com.au miêu tả là ‘giới chức hải quân quyền lực nhất trên trái đất’, hiện có dưới quyền chỉ huy trực tiếp của ông khoảng 250,000 thuỷ thủ và binh sĩ thuỷ quân lục chiến, 2.000 máy bay, 200 tàu và 43 tàu ngầm hạt nhân.

Trong những lời chỉ trích được coi là nhắm trực tiếp tới Trung Quốc và các hoạt động xây đảo nhân tạo cũng như ý đồ của Bắc Kinh muốn thiết lập những khu cấm bay ở Biển Đông, Đô Đốc Scott Swift tuyên bố “tự do hàng hải không thể bị cản trở hoặc xâm phạm”.

Ông nói: “Tự do hàng hải phải được duy trì bất chấp những tranh chấp chủ quyền biển đảo, bất chấp những vụ tranh chấp này kéo dài bao lâu và bất chấp các đảo này là do thiên nhiên tạo ra hay bàn tay con người tạo ra.”

Đô đốc Swift cảnh giác rằng lập ra một hệ thống dựa trên ‘lấy sức mạnh để dành lý về phần mình’ là con đường nào ngắn nhất để phá huỷ nền móng trên đó khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương đã xây dựng và phát triển các xã hội thịnh vượng trong bao nhiêu năm qua.

Tư lệnh Swift nói ông tin rằng một số nước coi tự do trên biển là những gì có thể lấy về làm của riêng, và do đó có ý định hạn chế quyền tự do hàng hải trên vùng biển mà họ cho là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Hãng tin Reuters dẫn lới Đô Đốc Scott Swift nói: "Một số các quốc gia tiếp tục đưa ra những cảnh báo vô giá trị, những đòi hỏi chủ quyền phi pháp trên các vùng biển quốc tế, hoàn toàn không phù hợp với Công ước quốc tế về Luật Biển”.

Tư lệnh Quân đội Úc, Tướng Angus Campbell mô tả tình hình Biển Đông là vô cùng phức tạp, ông kêu gọi tất cả các bên liên quan hãy tiếp tục đối thoại.

Phó Đô Đốc Tim Barrett, Tư Lệnh Hải quân Úc, thì nói rằng cần phải chống đối giải pháp dùng vũ lực quân sự để trấn áp nước khác dưới bất kỳ hình thức nào.

Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ khẳng định “hơn bao giờ hết, Hoa Kỳ kiên quyết duy trì cam kết sẽ bảo vệ quyền tự do hàng hải”.

Lên tiếng hôm nay tại Hội nghị Seapower, Tân Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne nói rằng căng thẳng đang tăng cao trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Bà khẳng định: “Australia sẽ tiếp tục mạnh mẽ chống đối các hành động trấn áp, hiếu chiến để củng cố đòi hỏi chủ quyền của bất cứ nước nào muốn đơn phương thay đổi hiện trạng trong Biển Đông”.

Bà Payne tuyên bố quan hệ liên minh với Hoa Kỳ sẽ tiếp tục là nền móng của nền an ninh Australia, giữa lúc thế giới đang trở nên bất ổn hơn từ nay cho tới năm 2035. - VOA

No comments:

Post a Comment