Monday, October 12, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Hai 12/10

Tin Thế Giới

1.
Sự tự chế của Bắc Triều Tiên: Dấu hiệu cải thiện quan hệ với TQ?

Cuộc duyệt binh lớn ở Bình Nhưỡng hôm thứ bảy diễn ra với những lời lẽ hiếu chiến nhắm vào Hoa Kỳ, nhưng với sự hiện diện của một giới chức cấp cao của Trung Quốc, ông Kim Jong Un đã tự chế để không đưa ra những phát biểu có tính chất khiêu khích và không thực hiện những hành động có thể làm cho căng thẳng leo thang. Thông tín viên Brian Padden của đài VOA tường thuật từ Seoul.

Phát ngôn viên Bộ Thống nhất Nam Triều Tiên, ông Jeong Joon Hee, hôm nay cho biết Bình Nhưỡng đã chứng tỏ một sự tự chế trong buổi lễ mừng kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Đảng Lao động đương quyền.

"Dường như Bắc Triều Tiên đã thúc đẩy cho sự đoàn kết nội bộ và cố gắng loại bỏ hình ảnh tiêu cực của họ."

Tại buổi lễ ở Bình Nhưỡng, lãnh tụ Kim Jong Un tuyên bố Bắc Triều Tiên đã chuẩn bị sẵn sàng cho “bất kỳ một loại chiến tranh nào” với Mỹ, và cuộc duyệt binh đã kéo dài khoảng 3 giờ đồng hồ với sự tham gia của khoảng 20.000 binh sĩ cùng với xe tăng, phi đạn đạn đạo liên lục địa, và máy bay phản lực.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã không trực tiếp đề cập tới chương trình hạt nhân của nước này mà Bình Nhưỡng cũng không thực hiện một vụ thử nghiệm phi đạn tầm xa mà trước đây một số người dự đoán họ sẽ thực hiện để mừng lễ kỷ niệm này.

Các nhà phân tích cho rằng thái độ hoà hoãn của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên hồi gần đây phát xuất từ sự cải thiện quan hệ với Trung Quốc, với kết quả là sự hiện diện của ông Lưu Vân Sơn, nhân vật lãnh đạo đứng hàng thứ 5 của Trung Quốc, tại buổi lễ.

Trong suốt cuộc duyệt binh, ông Lưu Vân Sơn đứng cạnh ông Kim Jong Un và tươi cười nói chuyện với nhau.

Trong một lá thư gởi cho ông Kim Jong Un, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng “Tình hữu nghị lâu đời giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên là một tài sản vô cùng quí báu” và ông hy vọng “mối quan hệ này sẽ tiếp tục lớn mạnh.”

Trong bài diễn văn tại buổi lễ, ông Kim Jong Un cũng nhấn mạnh tới những mối liên hệ có tính chất lịch sử giữa hai nước đồng minh cộng sản này.

Hàn gắn quan hệ

Tuy Bắc Triều Tiên lệ thuộc vào sự hỗ trợ kinh tế của Trung Quốc, quan hệ giữa hai nước đồng minh này đã bị căng thẳng sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân lần thứ 3 vào năm 2013.

Trung Quốc ủng hộ các biện pháp chế tài của Liên Hiệp Quốc đối với Bắc Triều Tiên sau vụ thử nghiệm năm 2013 và nhà lãnh đạo của Bắc Triều Tiên chưa đi thăm Trung Quốc kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2011.

Bắc Kinh muốn Bình Nhưỡng tham gia lại cuộc đàm phán quốc tế để chấm dứt chương trình hạt nhân nhằm đổi lấy sự nới lỏng các biện pháp chế tài và những sự hỗ trợ kinh tế.

Washington và Seoul đòi Bình Nhưỡng phải chấm dứt mọi hành vi khiêu khích và ngưng chỉ chương trình hạt nhân trước khi tiến hành những cuộc đàm phán mới.

Việc Bình Nhưỡng nhấn mạnh tới tình hữu nghị và sự hợp tác với Trung Quốc hồi gần đây có thể là dấu hiệu cho thấy chế độ Kim Jong Un muốn giảm bớt những mối căng thẳng trong khu vực để tập trung vào những nỗ lực phát triển kinh tế.

Mới đây Bắc Triều Tiên đã thả một sinh viên Nam Triều Tiên bị bắt giam trong nhiều tháng sau khi nhập cảnh Bắc Triều Tiên bất hợp pháp. Bình Nhưỡng cũng đồng ý thực hiện lại những cuộc xum họp cho các gia đình bị ly tán vì cuộc chiến tranh Triều Tiên.

Ông Kim Yong Hyun, một chuyên gia về Bắc Triều Tiên của Đại học Dongguk ở Seoul, cho rằng Bắc Kinh đã nhân dịp lễ kỷ niệm hôm thứ 7 để khuyến khích Bình Nhưỡng thay đổi thái độ.

"Rõ ràng là Trung Quốc muốn cải thiện quan hệ với Bắc Triều Tiên."

Tổng thống Nam Triều Tiên Park Guen Hye và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ thảo luận về tình hình Bắc Triều Tiên khi đôi bên gặp nhau tại Washington trong vài ngày tới đây.

Giáo sư Kim Yong Hyun cho rằng hai nhà lãnh đạo này nên thảo luận về những cách thức để khuyến khích Bắc Triều Tiên thay đổi cách hành xử và về khả năng cải thiện quan hệ với Bắc Kinh.

"Tôi hy vọng Tổng thống Obama sẽ tập trung vào việc thương thuyết với Bắc Triều Tiên thay vì gây áp lực với Bắc Triều Tiên."

Khả năng của phi đạn KN-08

Cuộc duyệt binh hôm thứ bảy cũng mang lại một cơ hội cho các giới chức tình báo quân sự để đánh giá phi đạn xuyên lục địa KN-08 của Bắc Triều Tiên. Loại phi đạn này có tầm bắn 12.000 kilo mét và có thể bắn tới duyên hải miền tây của Mỹ.

Sau khi nghiên cứu những hình ảnh của các loại khí giới được phô trương trong cuộc duyệt binh, Phó phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nam Triều Tiên, Đại tá Na Seung Yong, tái khẳng định sự đánh giá trước đây là Bình Nhưỡng chưa có khả năng để gắn đầu đạn hạt nhân vào phi đạn tầm xa.

"Chúng tôi nghĩ rằng khả năng của Bắc Triều Tiên để thu nhỏ vũ khí hạt nhân có lẽ đã đạt tới mức cao, nhưng họ vẫn chưa có khả năng để gắn nó vào một phi đạn đạn đạo."

Theo các nhà phân tích vũ khí hạt nhân, nếu chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên tiếp tục không bị ngăn chận, thì trong vòng 5 năm nữa, họ sẽ có từ 20 đến 100 quả bom hạt nhân, cao hơn đáng kể so với mức từ 10 đến 16 quả bom hạt nhân hiện nay. - VOA
|
|

2.
Nepal: Lãnh đạo cộng sản trở thành thủ tướng

Trong cuộc biểu quyết ngày Chủ nhật 11/10/2015, hai phần ba dân biểu quốc hội Nepal đã bầu thủ tướng mới trong khuôn khổ bản Hiến pháp ban hành vào tháng 9 vừa qua. Khadga Prashad Sharma Oli, 63 tuổi,lãnh đạo thuộc xu hướng ôn hòa trong đảng Cộng sản Mác-Lênin, đắc cử.

Thắng lợi chính trị này là một món quà tẩm độc vì kinh tế Nepal đang bị tê liệt và đại đa số dân chúng đòi phải khẩn cấp tiến hành cải cách theo Hiến pháp mới. Tân thủ tướng Nepal là nhân vật như thế nào?

Thông tín viên Sébastien Farci từ New Delhi phác họa:

Khadga Prashad Sharma Oli khởi đầu sự nghiệp chính trị trong thập niên 1970 trong hàng ngũ đảng Cộng sản chống vương triều. Hệ quả là bị đuổi học và đi tù suốt 14 năm cho đến cuối thập niên 1980. Được tự do, ông gia nhập đảng Mác-Lê và đắc cử dân biểu quốc hội.

Từ đó, ông tham gia chính phủ với các chức vụ bộ trưởng Nội vụ và Ngoại giao. Ngày chủ nhật 11/10, nhà chính trị 63 tuổi, sinh trưởng ở vùng núi phía đông Népal, được bầu làm thủ tướng đầu tiên của chế độ Cộng hòa, từ khi chế độ quân chủ sụp đổ năm 2007.

Tuy nhiên, ông lên cầm quyền vào lúc đất nước nhiễu nhương và tê liệt vì các cuộc biểu tình đình công của dân chúng ở miền đồng bằng. Sắc dân Madhesis tranh đấu đòi được thêm quyền tự trị rộng rãi và được chính quyền trung ương công nhận quyền này.

Khadga Prashad Sharma Oli bị một số nhà phản kháng chỉ trích là "kỳ thị chúng tộc" vì hơn một lần ông gọi phong trào tranh đấu đòi tự trị là "những con ruồi".

Tại Quốc hội, ông cam kết sẽ nỗ lực tạo tình đoàn kết và hòa hợp dân tộc. Muốn được như thế, tân thủ tướng Népal phải sửa đổi lời ăn tiếng nói. - RFI
|
|

3.
Thái Lan: Tư pháp lại ra lệnh truy nã cựu Thủ tướng Thaksin

Tư pháp Thái Lan, hôm nay, 12/10/2015, lại ra một lệnh truy nã nhắm vào cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, với lý do không ra trình diện tòa trong vụ quân đội kiện ông Thaksin về tội vu khống.

Hồi tháng Năm vừa qua, trong một bài trả lời phỏng vấn báo Hàn Quốc, ông Thaksin Shinawatra đã tố cáo quân đội có dính líu vào kế hoạch lật đổ cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra, em gái ông Thaksin, hồi năm 2014. Phía quân đội đã kiện ông Thaksin về tội vu khống.

Theo Reuters, lệnh truy nã này ít có khả năng được thực hiện vì ông Thaksin sống lưu vong ở nước ngoài. Nhưng đây cũng là một vố đau đối với ông Thaksin, vốn vẫn nuôi hy vọng có ngày trở lại chính trường Thái Lan.

Năm 2006, quân đội đã tiến hành đảo chính lật đổ Thủ tướng Thaksin. Năm 2008, cựu Thủ tướng Thái Lan bị kết án tù giam với tội danh tham nhũng. Do vậy, ông Thaksin đã sống lưu vong để tránh phải ngồi tù.

Từ gần một thập niên qua, ba chính phủ thân Thaksin đều bị tư pháp phế truất hoặc bị quân đội lật đổ. Thái Lan bị chia rẽ trầm trọng giữa một bên là phe Áo Đỏ, ủng hộ ông Thaksin và bên kia, còn gọi là phe Áo Vàng, với nòng cốt là giới tinh hoa ở Bangkok, ủng hộ Hoàng gia.

Bà Yingluck trở thành Thủ tướng năm 2011, với sự ủng hộ của đông đảo người dân ở nông thôn. Năm 2014, bà đã buộc phải từ chức sau khi bị tư pháp kết tội lạm dụng quyền lực. - RFI
|
|

4.
Nobel kinh tế 2015 trao cho Giáo sư người Anh Angus Deaton

Sau Jean Tirol người Pháp năm 2014, đến phiên chuyên gia người  Anh, Angus Deaton đoạt giải thưởng Nobel Kinh tế 2015. Vị giáo sư Đại học Princeton, New Jersey Hoa Kỳ có công phân tích về sự tiêu thụ của con người nhất là người nghèo, theo thông báo của Ủy ban Nobel vào hôm nay 12/10. Kinh tế là giải cuối cùng của mùa Nobel 2015.

Tác giả công trình "nghiên cứu về tiêu thụ, nghèo khó và hạnh phúc" đã được Ủy ban Nobel Kinh tế Thụy Điển chọn trao giải thưởng 2015 .

Theo nhận định của Ủy ban Nobel, "để soạn thảo một chính sách kinh tế giúp cho người dân được hạnh phúc và thoát nghèo thì điều trước tiên là phải hiểu cách tiêu xài của từng cá nhân. Hơn ai hết, Angus Deaton đã cải thiện được kiến thức này".

Ủy ban bình luận tiếp: Khi nhìn ra mối liên hệ nhân quả giữa sự lựa chọn của cá nhân và hậu quả tập thể, công trình nghiên cứu của Angus Deaton đã góp phần làm biến đổi lãnh vực kinh tế vi mô, vĩ mô và phát triển kinh tế.

Giáo sư Angus Deaton đặt ra ba câu hỏi then chốt: Người tiêu dùng phân chia các khoản chi phí như thế nào? Trong một xã hội, phần nào tiết kiệm phần nào tiêu thụ? Cuối cùng là làm cách nào định lượng được mức độ hạnh phúc cá nhân con người?

Các câu hỏi này thúc đẩy phân tích xa hơn nữa để tìm hiểu mối "tương quan giữa thu nhập và số lượng năng lượng tiêu thụ, tình trạng phân biệt giới tính trong gia đình… trong vấn đề tiêu thụ".

Sinh quán tại Scotland, giáo sư Angus Deaton đang giảng dạy tại đại học Princeton Hoa Kỳ. - RFI
|
|

5.
Thổ Nhĩ Kỳ đối mặt nhiều thách thức

Các nhà quan sát cho rằng hai vụ nổ bom gây nhiều chết chóc ở Ankara hôm thứ bảy nêu bật 3 thách thức lớn của Thổ Nhĩ Kỳ: rối loạn lý do sắc tộc, vụ khủng hoảng di dân và những mối căng thẳng với Nga. Thông tín viên Luis Ramirez của đài VOA tường thuật từ London.

Để tránh gây thêm căng thẳng, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã cấm các cơ quan truyền thông trong nước chiếu lại những hình ảnh khi hai quả bom phát nổ tại một cuộc mít tinh do người Kurd và những người có chủ trương tiến bộ tổ chức để kêu gọi hoà bình và bình đẳng.

Những cuộc biểu tình phản đối đã diễn ra tại nhiều nơi, kể cả thành phố Istanbul.

Ông Levent Altun, một người tham gia cuộc biểu tình ở Istanbul, phát biểu như sau.

"Những kẻ tìm cách làm im tiếng của người dân đã phát động một cuộc chiến tranh và những gì xảy ra ở Ankara cho thấy đó là một chiến tuyến mới. Dân chúng nói không với chiến tranh và kiên quyết hô hào cho hoà bình, nhưng những kẻ đó đã dùng bom để tìm cách bóp nghẹt tiếng nói của người dân. Do đó chúng tôi tới đây để nói cho những kẻ đó biết là người dân không chùn bước vì những quả bom của chúng."

Các nhà lãnh đạo trên khắp Châu Âu đã lên án vụ tấn công và NATO tuyên bố liên minh này tiếp tục đoàn kết để chống lại khủng bố.

Tình hình bất ổn ngày càng tăng ở Thổ Nhĩ Kỳ là một vấn nạn cho NATO.

Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của NATO, và tuần trước liên minh này đã cam kết hậu thuẫn cho Thổ Nhĩ Kỳ sau khi không phận nước này bị các máy bay của Nga xâm phạm.

Ông Jens Stoltenberg, Tổng thư ký NATO, phát biểu như sau.

"Chúng tôi không ngừng thảo luận với nhau và đánh giá tình hình với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng vấn đề chính là chúng tôi có khả năng để tăng viện, họ có một quân đội hùng mạnh và chúng tôi có một quyết tâm sắt đá để bảo vệ và phòng vệ cho họ."

Sau khi xảy ra vụ nổ bom ở Ankara, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ngỏ lời chia buồn với Thổ Nhĩ Kỳ và đề nghị trợ giúp.

"Chúng ta nên kết hợp những nỗ lực trong cuộc đấu tranh chống lại những kẻ ác ôn này. Tôi xin bày tỏ sự phân ưu sâu sắc tới nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ, tới Tổng thống của Thổ Nhĩ Kỳ. Những gì xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ là một hành vi khủng bố hết sức thô bạo."

Tuy nhiên bất kỳ sự dính líu nào của Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ làm cho vấn đề trở nên phức tạp hơn cho NATO và các nước phương Tây, trong lúc các nước này phải dựa vào vị thế chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ cho nhiều chuyện, từ việc sử dụng các căn cứ không quân của Thổ Nhĩ Kỳ cho tới việc Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận hàng triệu người tị nạn từ Syria và Iraq. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

6.
Người Việt đang chia rẽ vì TPP

Dư luận báo chí tuần này đã có những ngày đầy phấn khởi với việc đàm phán TPP kết thúc. Nhưng khi dư âm các cuộc họp báo ở Atlanta Hoa Kỳ đã lắng xuống, cũng là lúc báo chí Việt Nam chuyển tải những bất đồng sâu sắc, nếu không nói là chia rẽ về việc nhà nước hầu như chấp nhận mọi điều kiện, để được tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP.

Nếu như các giới chức chính phủ đánh giá tích cực về việc Việt Nam sẽ tăng Tổng sản phẩm nội địa GDP thêm hàng chục tỷ USD kể từ 2020, thì báo Thế giới Tiếp thị ngày 7/10/2015 đưa lên mạng bài viết với tựa bài mang tính vừa hài hước vừa mỉa mai “Đón TPP: Vui sao nước mắt lại trào”. Nếu chúng tôi nhớ không lầm thì đây cũng là một câu trong một bài nhạc đỏ phổ biến sau ngày 30/4/75 ở miền Nam Việt Nam.

Chúng tôi xin trích một đoạn nhiều ý nghĩa trong bài viết trên Thế giới Tiếp thị:

“Với hơn 54 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên, theo con số mới nhất của tổng cục Thống kê, sinh kế của nhiều người sẽ được cải thiện khi TPP mở ra cánh cửa xuất khẩu rất lớn của một thị trường chiếm đến 40% GDP toàn cầu. Dệt may chẳng hạn, hiện có đến hơn 6.000 doanh nghiệp, với lực lượng lao động lên đến hơn 2,5 triệu người. Những con số xuất khẩu hàng chục tỉ USD đang làm rất nhiều người loá mắt, nhất là trong ngành dệt may, da giày, nông sản.

Đằng sau những con số tỉ đô đó là phần nhập khẩu đã ăn gần như trọn. Phần doanh nghiệp Việt Nam được hưởng chỉ là những đồng tiền gia công ít ỏi. Phần lời, theo một chuyên gia của ngành dệt may, chủ yếu ăn vào những đồng lương ít ỏi của công nhân, vì “nếu trả lương sòng phẳng thì làm giỏi lắm thì chỉ có huề vốn”.

Tác giả bài viết trên Thế giới Tiếp thị phê phán chính sách của Nhà nước là chậm chạp, trong khi áp lực của các FTA (Thỏa thuận thương mại tự do) thì đang đè nặng. Tờ báo mô tả điều gọi là sự hối hả của khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài FDI đổ vào Việt Nam, còn các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa tư nhân, đang chật vật trước một nền kinh tế khó khăn, đối mặt với các vấn đề thuế phí bên trên, lương tối thiểu bên dưới.

Bài báo cũng so sánh hai hình ảnh tương phản, các nước thành viên khác trong TPP thì cố gắng tìm mọi cách để bảo vệ các nhà sản xuất của họ. Còn Việt Nam thì chú ý tới lợi ích xuất khẩu, đến doanh nghiệp nhà nước, đến công đoàn. Tác giả bài báo cũng mô tả về điều gọi là, khối doanh nghiệp dân doanh có vẻ bị lãng quên.

Ở kết đoạn kết, tác giả bài báo trên Thế giới Tiếp thị điện tử thể hiện cách mô tả đầy cảm xúc, hiếm thấy trên các bài viết về kinh tế: “Những màu hồng đang ngự trị như tám năm trước khi Việt Nam gia nhập WTO. Và rồi, theo thời gian, sắc hồng nhạt phai để lộ ra những khoảng đen và sắc xám. Và giọt nước mắt mừng vui trào ra trong khoảnh khắc ‘chiến thắng’ của TPP, biết đâu lại là dòng nước mắt tuôn rơi tủi hổ khi một lần nữa để cơ hội vụt bay, còn lại vô vàn thách thức.”

Bài viết trên Thế giới Tiếp thị được ghi nhận như là một điển hình của khuynh hướng hoài nghi về những lợi ích khi Việt Nam tham gia TPP. Tác giả bài báo không đề cập tới một khía cạnh đáng chú ý liên quan tới cải cách thể chế chính trị mà Việt Nam cam kết, trong các chương liên quan đến quyền cơ bản của người lao động, nói rộng ra là tự do nghiệp đoàn, tự do lập hội. Hoặc cam kết về tính công khai minh bạch, tạo sân chơi bình đẳng giữa Doanh nghiệp nhà nước và các thành phần doanh nghiệp khác.

Phải nhìn nhận khuynh hướng hoài nghi về tăng xuất khẩu dệt may một cách kỳ diệu trong TPP là rất có cơ sở. Hiện nay hàng dệt may Việt Nam vào Mỹ chịu thuế nhập khẩu trung bình khoảng 17%. Khi TPP có hiệu lực mức thuế này có thể giảm tới 0%, nhưng điều kiện để được hưởng miễn thuế quan thì hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ, Nhật Bản hay các nước TPP khác phải đáp ứng điều kiện khó nuốt đó là nguyên tắc tính từ sợi. Sản phẩm dệt may xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải được sản xuất từ sợi và vải tại Việt Nam hoặc nội khối TPP. Theo thông tin chính thức thì TPP dành cho Việt Nam cơ chế “nguồn cung thiếu hụt” cho phép sử dụng một số loại sợi và vải nhất định không có sẵn trong khu vực. Thông tin chưa nói rõ thời gian chuyển tiếp là bao lâu và với tỷ lệ sợi và vải sản xuất bên ngoài TPP là bao nhiêu.

Về vấn đề liên quan, TS Lê Đăng Doanh khi trả lời RFA đã nhận định:

“Việc TPP yêu cầu có hàm lượng sợi trong TPP khoảng 70%, tôi không rõ là Việt Nam có thỏa thuận được điều kiện nào thuận lợi hơn hay không. Nhưng với tình hình như vậy thì tôi nghĩ nó cũng có cái lý của nó, đó là TPP muốn Việt Nam xuất khẩu hàng do Việt Nam sản xuất chứ không phải xuất khẩu hộ hàng của Trung Quốc. Vì vậy Việt Nam đang cố gắng nâng cao hàm lượng nội địa, thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài và đấy là những thách thức, nhưng thách thức đó nếu được xử lý tốt thì có thể trở thành những điều kiện thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam”

Năm 2014 kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt 24,5 tỷ USD nhưng chủ yếu là may gia công với nguyên liệu nhập từ Trung Quốc ít nhất 70%. Phần còn lại là từ Hàn Quốc, Đài Loan hay một số quốc gia khác mà chủ đơn hàng chỉ định nhà cung cấp.

Trước đây trong một cuộc phỏng vấn của chúng tôi ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM loại trừ khả năng Việt Nam nhập bông từ Mỹ về để kéo sợi và dệt vải vì giá thành sẽ rất cao. Tuy rằng cũng có thể nhập bông từ Trung Quốc, Ấn Độ hay Indonesia về để kéo sợi và dệt vải tại Việt Nam nhưng đó mới chỉ là một vế. Việt Nam chưa thể trong một sớm một chiều có đủ các nhà máy kéo sợi, nhà máy dệt vải, nhuộm và hoàn tất cho khối lượng xuất khẩu lớn lao của mình. Ông Diệp Thành Kiệt nhận định rằng, Nếu danh mục thiếu hụt tạm thời các bên thỏa thuận là 5 năm, thì trong kịch bản lạc quan, trong thời gian ấy có thể khá đủ để ngành dệt may tìm những nhà đầu tư hoặc tự đầu tư để có thể bù đắp được 70% sự thiếu hụt. Còn trong kịch bản thứ hai, mọi việc tiến hành chậm trễ thì chỉ có thể đáp ứng 30% vải phục vụ cho yêu cầu TPP.  Ông Diệp Thành Kiệt tiếp lời:

“Đáp ứng những kịch bản như thế nào thì nó còn tùy thuộc nhiều yếu tố mà không phải chỉ giải quyết riêng vấn đề sợi; mà còn phải giải quyết được khâu dệt vải và khâu nhuộm. Theo thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam thì hiện nay với vải nội địa khâu nhuộm cũng chỉ đáp ứng 80%. Rõ ràng đây là một bài toán về mặt vĩ mô, cân đối giữa năng lực của kéo sợi, năng lực dệt vải và năng lực nhuộm, khá hóc búa cho các nhà điều hành ở tầm vĩ mô của ngành dệt may Việt Nam.” 

Trong số những bài báo quan ngại về điều gọi là “lợi thì có lợi nhưng răng không còn” sau khi TPP có hiệu lực, dự kiến năm 2018, trang mạng Xã Luận. com có bài đặt tựa cũng đặc biệt không kém. Đó là “lo tảng đá làm trĩu cánh chim đại bàng.” Trang thông tin điện tử này đã phỏng vấn chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành và tờ báo đã lấy lời ông để đặt tựa cho bài viết.

Ông Bùi Kiến Thành là một chuyên gia Việt Kiều có uy tín hiện sống và làm việc trong lĩnh vực tài chính ở Hà Nội. Ông Thành bày tỏ lo ngại sâu xa về hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh của Việt Nam, cũng như thủ tục hành chính nhiêu khê sẽ giống như tảng đá làm trĩu cánh con đại bàng. Ông nói, nền kinh tế Việt Nam dù có phát triển nhưng vẫn như vận động viên thiếu dinh dưỡng, đội ngũ cán bộ thiếu kinh nghiệm. Trong TPP Việt Nam là đối tác của những nước tư bản hàng đầu, thậm chí có những luật chơi của họ mình còn chưa được biết, chưa được học.

Ông Bùi Kiến Thành nhận định rằng, khi áp dụng TPP doanh nghiệp Việt Nam có thể sẽ chết ngay trên sân nhà, vì hàng hóa ngoại nhập tràn vào mà các doanh nghiệp nội địa không có khả năng cạnh tranh.

Ông Bùi Kiến Thành cũng kết luận một cách đầy lo ngại trên trang điện tử Xã Luận. com, TPP là cơ hội cực kỳ quan trọng của Việt Nam, nhưng phải có nội lực thì mới làm được. Việt Nam vào TPP thì phải thay đổi tư duy rõ ràng. Ông Thành nhấn mạnh Việt Nam khi đã hội nhập sâu thì không có cách để quay lại khi thấy mình yếu thế.

Nhiều chuyên gia cả trong ngoài chính phủ đều kêu gọi Việt Nam đổi mới lần thứ hai một cách tích cực, và phải cải cách đồng bộ kinh tế lẫn chính trị thì mới có thể phát triển kinh tế bền vững. - RFA

No comments:

Post a Comment