Tin Thế Giới
1.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh: Chỉ có 5% những vụ không kích của Nga nhắm vào IS
Bộ trưởng Quốc phòng Anh cho biết chỉ có 5% những vụ không kích của Nga ở Syria là nhắm vào những phần tử cực đoan của nhóm Nhà nước Hồi giáo, trong lúc chiến dịch oanh kích của Moscow diễn ra sang tới ngày thứ tư bất chấp những mối quan tâm của Tây phương.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo Sun, Bộ trưởng Michael Fallon nói rằng hầu hết những vụ không kích của Nga là nhắm vào các nhóm nổi dậy khác ở Syria, kể cả nhóm Quân đội Syria Tự do được Tây phương hỗ trợ. Ông cũng nói rằng những vụ tấn công này đã giết chết thường dân.
Đầu tuần này, Nga đã bắt đầu dội bom ở Syria và cho biết mục tiêu chính của họ là nhóm Nhà nước Hồi giáo. Tuy nhiên, các giới chức Tây phương và những người dân ở địa phương nói rằng nhiều vụ không kích đã đánh trúng những nhóm nổi dậy do Hoa Kỳ hậu thuẫn.
Hôm qua, Tổng thống Barack Obama tuyên bố cuộc nội chiến Syria sẽ không trở thành “một cuộc chiến tranh đại lý” giữa Mỹ và Nga. Ông Obama cũng cho rằng sự hỗ trợ của Nga dành cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad không được sự tán thành của cộng đồng quốc tế.
Cho tới giờ, Nga vẫn chưa đáp ứng kêu gọi của ông Obama về việc tìm kiếm một giải pháp chính trị, trong đó không có một vai trò cho ông Assad ở Syria.
Tại một cuộc họp thượng đỉnh ở Paris hôm qua, Tổng thống Pháp Francois Hollande nói với Tổng thống Vladimir Putin rằng những vụ không kích của Nga ở Syria phải giới hạn trong việc tấn công các mục tiêu Nhà nước Hồi giáo mà thôi.
Cũng trong ngày hôm qua, Ngoại trưởng Syria Walid al-Moallem lên tiếng tại Liên Hiệp Quốc để bênh vực cho hành động của ông Putin. Ông cũng nói rằng chính phủ Syria sẽ tham gia các nhóm công tác của Liên Hiệp Quốc để tìm cách đạt được một thoả thuận hoà bình. - VOA
|
|
2.
Chính phủ Australia: Vụ nổ súng ở Sydney là một hành vi khủng bố
Các giới chức Australia hôm nay nói rằng vụ một thiếu niên bắn chết một cảnh sát viên ở Sydney có phần chắc là có động cơ chính trị và rõ ràng là một hành vi khủng bố.
Thiếu niên 15 tuổi, lai lịch chưa được công bố, đã bắn vào gáy của một nhân viên cảnh sát của tiểu bang New South Wales ở khoảng cách ngắn bên ngoài một trạm cảnh sát ở ngoại ô Sydney.
Hung thủ đã bị bắn chết trong vụ chạm súng với cảnh sát sau đó. Các cơ quan truyền thông cho rằng thiếu niên này là người Iraq gốc Kurd sinh ra ở Iran.
Tin tức cho biết hung thủ hô các khẩu hiệu tôn giáo trước khi bắn chết viên cảnh sát Curtis Cheng, người đã phục vụ 17 năm trong lực lượng cảnh sát New South Wales.
Cảnh sát trưởng New South Wales, ông Andrew Scipinoe, nói rằng hiện chưa rõ tại sao ông Cheng bị nhắm làm mục tiêu. Ông nói cảnh sát chưa xác định động cơ, nhưng tin rằng vụ này có động cơ chính trị.
Thủ tướng Malcolm Turnbull hôm nay cũng nói rằng vụ nổ súng có động cơ chính trị và là một tội ác gây chấn động.
Australia đang ở trong tình trạng cảnh giác cao về những phần tử hiếu chiến trong nước, trong đó có một số người đã tới Trung Đông để chiến đấu trong hàng ngũ của Nhà nước Hồi giáo và những nhóm cực đoan khác. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
3.
Tổng thống Obama nêu lập trường cứng rắn về tranh cãi ngân sách
Tổng thống Barack Obama kêu gọi Quốc hội Mỹ nhanh chóng thông qua một dự luật tài trợ cho chính phủ để tránh gây tổn hại cho nền kinh tế vào lúc mà tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại.
Trả lời báo giới tại Tòa Bạch Ốc hôm thứ Sáu, ông Obama cho biết ông sẽ không ký thêm bất kỳ dự luật "thiển cận" nào có thời hiệu ngắn trong khi chưa giải quyết được những tranh chấp về những vấn đề chủ chốt.
Ông phát biểu vài ngày sau khi ký một dự luật tạm thời mà phe Cộng hòa chiếm thế đa số và những đồng minh Dân chủ của ông trong Quốc hội thảo ra. Dự luật đó hết hiệu lực vào ngày 11 tháng 12, định ra một cuộc đối đầu khả dĩ nữa về những khác biệt chính trị sâu sắc giữa phe Dân chủ và Cộng hòa.
Những vụ tranh cãi chính trị trước đây đã cắt đứt nguồn tài trợ chính phủ, buộc phần lớn chính phủ phải đóng cửa tạm thời hồi năm 2013. Các nhà phân tích chính trị nói một vụ đối đầu khác như thế có thể xảy ra vào tháng 12.
Ông Obama cho biết đã đến lúc Quốc hội "làm việc của mình" và đạt được những thỏa thuận về những ưu tiên ngân sách. Ông cũng cho biết cãi vã chính trị và cắt giảm ngân sách thiếu cân nhắc sẽ gây tổn hại cho niềm tin của người tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế và sự lãnh đạo của Mỹ khắp toàn cầu. - VOA
|
|
4.
Nhân chứng vụ nổ súng Oregon: tay súng cố ý nhắm bắn tín đồ Kitô --- TT Obama: Cần có luật lệ kiểm soát súng ống nghiêm khắc hơn
Những người chứng kiến nói vụ nổ súng bừa bãi đã giết 9 người tại một trường đại học cộng đồng ở bang Oregon ở tây bắc nước Mỹ hôm qua nói rằng tay súng đã nhắm tấn công những người theo đạo Kitô.
Các giới chức nói tay súng trang bị vũ khí nặng nề đã tiến vào các lớp học ở Trường đại học cộng đồng Umpqua vào giữa sáng và khởi sự nổ súng trước khi chính anh ta bị bắn chết trong một vụ chạm súng với cảnh sát.
Ít nhất có hai người chứng kiến tường thuật rằng kẻ nổ súng, hiện chưa được các nhân viên thi hành công lực nêu tên, hỏi các nạn nhân liệu họ có phải là tín đồ Kitô giáo hay không, trước khi bắn họ.
Nói chuyện với giới truyền thông đêm thứ Năm, Cảnh sát trưởng quận Douglas John Hanlin cung cấp các chi tiết về vụ nổ súng, nhưng yêu cầu các nhà báo không nên quảng cáo cho kẻ tấn công bằng cách dùng tên của đương sự.
Ông Hanlin nói: “Chúng tôi tin là chúng tôi biết tay súng là ai”, nhưng ông nói thêm “nhưng tôi sẽ không giúp y rêu rao thành tích của mình, là điều mà có lẽ y đã mong muốn trước khi ra tay thực hiện hành động tàn bạo và hèn hạ đó”.
Cảnh sát trưởng Hanlin khuyến khích giới truyền thông hãy tránh nêu tên, nhắc lại, hoặc tô vẽ làm tăng sự tò mò của công chúng, một khi tên của kẻ tấn công được xác nhận. - VOA
***
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama kêu gọi dân chúng gây sức ép để đòi quốc hội đặt ra những luật lệ nghiêm khắc hơn để kiểm soát súng ống.
Hôm thứ sáu, một ngày sau khi xảy ra vụ nổ súng bừa bãi tại một trường đại học cộng đồng ở tiểu bang Oregon, nhà lãnh đạo Mỹ nói “Đây là một lựa chọn chính trị mà chúng ta thực hiện để cho phép việc này xảy ra vài tháng một lần ở nước Mỹ. Chúng ta phải cùng nhau nhận lãnh trách nhiệm đối với những gia đình bị mất người thân vì sự không hành động của mình.”
Hôm thứ năm, hung thủ Chris Harper Marcus, 26 tuổi, đã xả súng tại Đại học Cộng đồng Umpqua ở thành phố Reseburg, giết chết 9 người và gây thương tích cho 7 người trước khi bị cảnh sát bắn chết.
Những người mục kích nói rằng hung thủ cố tình bắn những người theo đạo Cơ đốc giáo. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
5.
Các bộ trưởng triển hạn đàm phán, quyết tâm đạt được thỏa thuận TPP
Các bộ trưởng thương mại từ một chục nước Thái Bình Dương đang hội họp tại thành phố Atlanta đã triển hạn cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại TPP cho đến ngày thứ Bảy trong một nỗ lực nhằm đạt được một thỏa thuận cuối cùng cho hiệp định thương mại tham vọng nhất từng có suốt một thế hệ.
Các quan chức quyết định triển hạn cuộc đàm phán mà lúc đầu dự kiến sẽ kết thúc vào ngày thứ Năm trong một nỗ lực đầy quyết tâm nhằm tạo nên một bước đột phá cho thỏa thuận Quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, sẽ khai phóng thương mại ở 40% nền kinh tế thế giới cho một khu vực trải dài từ Việt Nam đến Canada.
“Không ai muốn rời hội nghị mà không có được thỏa thuận,” Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo cho hãng tin Reuters biết sau cuộc họp toàn thể thứ hai của các quan chức đến từ 12 quốc gia. “Tin tốt là chúng tôi sẽ không rời khỏi nơi này mà không có thỏa thuận.”
Các nhà quan sát chỉ ra tiến bộ về vấn đề xe ôtô, cam kết của Canada bồi thường cho những nông dân bị tổn hại vì hàng nhập khẩu và những dấu hiệu của một sự thỏa hiệp khả dĩ về vấn đề bảo vệ bằng sáng chế cho những loại thuốc mới là những bằng chứng cho sự tiến bộ - mặc dù vẫn còn một vấn đề khúc mắc chính yếu.
"Chúng tôi đang bắt đầu thấy một con đường hướng tới một thỏa thuận và đã nhất trí ra sức cuối cùng," Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Akira Amari nói với các phóng viên.
Một số quan chức cho biết một thỏa thuận cuối cùng có thể nhanh chóng đạt được tùy thuộc vào kết quả của các cuộc đàm phán song phương về bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với thuốc men và hoạt động buôn bán sữa và xe hơi.
Ông Amari cho biết thời hạn độc quyền đối với những loại thuốc sinh học làm từ tế bào sống là vấn đề khó khăn nhất còn lại. Các nước TPP có thời gian bảo hộ mậu dịch khác nhau, từ 12 năm tại Mỹ cho tới năm năm ở các nước như Úc và Chile.
Đạt được thỏa thuận này sẽ là một thành tích mang tính định hình di sản cho Tổng thống Mỹ Barack Obama. Nhưng thỏa thuận thương mại này bị coi là một mối đe dọa bởi những nhóm lợi ích từ những công nhân ôtô ở Mexico đến những nông dân chăn nuôi bò sữa Québec cho tới những bệnh nhân ung thư lo lắng thỏa thuận này có thể đẩy chi phí của những loại thuốc điều trị mới vọt lên khỏi tầm tay. - VOA
|
|
6.
Sự thật về số liệu nợ công 66,4% GDP
Bộ Tài chính Việt Nam ngày 2/10/2015 phản bác số liệu nợ công 66,4% của năm 2014 vượt trần cho phép, do Bộ Kế hoạch đầu tư công bố trước đó. Nam Nguyên tìm hiểu vấn đề này qua ghi nhận ý kiến chuyên gia trong ngoài nước.
Nợ công quốc gia đã vượt mức báo động?
Học viện Chính sách và Phát triển thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư vừa gây bất ngờ lớn khi tính toán nợ công bao gồm luôn các khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước và nợ của tổ chức bảo hiểm và an sinh xã hội, trong khi theo qui định của Nhà nước nợ công quốc gia chỉ gồm nợ chính phủ, nợ do chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương.
Được biết Quốc hội Việt Nam qui định trần nợ công là 65% GDP Tổng sản phẩm nội địa, nếu con số 66,4% là khả tín thì nợ công quốc gia đã vượt mức báo động. Cho tới nay Bộ Tài chính áp dụng cách tính nợ công hạn chế theo qui định Nhà nước, cho ra số liệu nợ công năm 2014 chỉ là 59,6% GDP. Trả lời Nam Nguyên sáng 2/10/2015, Tiến Sĩ Vũ Quang Việt nguyên Vụ trưởng tài khoản thống kê Liện Hiệp Quốc, từ New York nhận định:
“Quốc tế gọi nợ công là nợ của tất cả cơ quan công quyền Việt Nam hoặc doanh nghiệp thuộc về nhà nước. Bởi vì những doanh nghiệp đó mà thất bại thì nhà nước phải có trách nhiệm. Do đó nợ công không những phải tính nợ của chính phủ trung ương, nợ của chính quyền địa phương, nợ của doanh nghiệp nhà nước và đúng như bộ Kế hoạch Đầu tư họ nói là phải tính luôn nợ ở trong bảo hiểm xã hội nữa. Vì những người về hưu chính phủ nước nào cũng vậy có qui định người ta được hưởng bao nhiêu phần trăm lương của lương cuối cùng, tùy theo người ta làm bao nhiêu năm. Cái đó chính là nợ của nhà nước khi người ta về hưu phải trả. Hiện nay tình trạng của Việt Nam khả năng không trả được phải nói rất là lớn, mà càng ngày nó càng lớn hơn vì số người về hưu nhiều, tiền lương cao lên, số tiền người ta nhận được nhiều hơn; ngoài ra người ta còn sống già hơn trước kia nhiều. Cái đó là một phần lớn của số nợ và theo nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc thì tất cả những cái đó phải được tính vào nợ công hết.”
Theo báo chí Việt Nam hồi tháng 7 vừa qua, Ngân hàng Thế giới công bố nợ công của Việt Nam năm 2014 là 110 tỷ USD tương đương 59% GDP, xấp xỉ số liệu của Bộ Tài chính Việt Nam. Theo TS Vũ Quang Việt, người từng tham gia thiết lập chuẩn mực hệ thống tài khoản quốc gia cho Liên Hiệp Quốc, thì những chuẩn mực được qui định rất rõ ràng. Quĩ tiền tệ quốc tế IMF hay Ngân hàng thế giới World Bank đều hiểu rõ. Tuy nhiên các định chế này chấp nhận những báo cáo của chính phủ nước sở tại để công bố chính thức. Tuy nhiên họ cũng có thể có những tính toán khác dựa vào số liệu tự tìm hiểu, mặc dù không công bố cho công chúng biết. TS Vũ Quang Việt tiếp lời:
“Đối với World Bank và IMF các nước nộp cái gì thì họ nhận cái đó thôi, giống như là khi tính GDP của Việt Nam hay GDP của Trung Quốc. Hệ thống tài khoản quốc gia đưa ra những chuẩn mực rất rõ ràng. Nhưng mà nhiều nước không theo thì Liên Hiệp Quốc, như trong trường hợp tôi có trách nhiệm tôi không được quyền tự sửa lại. Trong Liên Hiệp Quốc có hai phần, một phần tính toán do các nước nộp thì bắt buộc phải in ra; còn phần do nhân viên Liên Hiệp Quốc tự tính toán thì theo nguyên tắc khác. Thí dụ trường hợp Trung Quốc nếu mình tính lại thì có thể tốc độ tăng GDP của họ thấp hơn điều họ nói ra và tại sao chúng tôi có thể giải thích được…Nhưng về chuyên môn về pháp luật mình không được quyền đưa ra cái đó để tính thay thế con số của Trung Quốc. Các cơ quan quốc tế không có quyền làm việc này…. Trong trường hợp này về mặt nợ cũng vậy World Bank và IMF họ cũng in ra số liệu mà Việt Nam đưa cho họ thôi…trừ trường hợp họ thấy rất là sai…thì họ quyết định không in ra và họ có quyền làm việc này.”
Ít nhất đã có một én xuất hiện
Trong cuộc họp báo chiều 1/10/2015 tại Hà Nội, Thứ trưởng Tài chính Vũ Thị Mai khẳng định thẩm quyền công bố số liệu nợ công thuộc về Bộ Tài chính và Bộ này tính toán nợ công quốc gia theo qui định hiện hành. Đó là chỉ gồm nợ chính phủ, nợ do chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương. Bà Thứ trưởng Tài chính lập đi lập lại cách tính của Bộ Kế hoạch Đầu tư là không đúng qui định.
Như vậy đã rõ ràng nợ công của Việt Nam theo qui định hiện hành là chưa thể hiện thật đầy đủ các món nợ mang tính chất nợ công. Thật ra các chuyên gia cho rằng, xác định nợ công đã vượt trần cho phép cũng chưa phải là điều quan trọng nhất, vì nhiều nước phát triển có mức nợ công quốc gia cao hơn GDP tới vài lần như Nhật 400%, Hoa Kỳ 260%. Điều hệ trọng là khả năng trả nợ và câu hỏi đặt ra là tình hình của Việt Nam hiện nay ra sao.
TS Vũ Quang Việt phân tích:
“Hiện nay Việt nam chưa gặp khó khăn trong vấn đề trả nợ, hầu hết các khoản nợ đó là nợ chính phủ, nợ các tổ chức quốc tế với lãi suất thấp. Nhưng nếu tính thêm nợ của doanh nghiệp nhà nước thì vấn đề sẽ gặp khó khăn mà đã từng khó khăn rồi như Vinashin đã không trả nợ được và nếu nợ ngày càng tăng là vấn đề khó. Thứ hai nữa như hiện tại giá trị của đồng tiền Việt và đặc biệt Việt Nam muốn phá giá lớn để có thể xuất khẩu được. Phá giá như vậy khả năng trả nợ sẽ giảm hẳn đi, vì phải trả nhiều hơn bằng đồng VN và như vậy họ có thể không có khả năng trả nợ nữa. Số nợ hàng năm phải trả có thể hơn 20% ngân sách quốc gia, nợ càng tăng lại phá giá đồng bạc nữa thì mất khả năng trả nợ là có.”
Tại Việt Nam, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long từng nhiều lần đề cập tới khả năng trả nợ của Việt Nam mà ông nói là quá nhiều ẩn số. Trong dịp trả lời chúng tôi Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long nhận định:
“Hiện nay thu nhập của Việt Nam phần ngân sách luôn luôn mất cân đối, thực chất làm ăn không có hiệu quả. Ví dụ trong thu ngân sách thì 75% là thu để chi còn lại là để trả nợ, như vậy thực chất không có đầu tư. Muốn đầu tư thì phải đi vay, trong bối cảnh làm không đủ ăn mà đầu tư lại đi vay thì nợ công là một gánh nặng. Nếu không có các giải pháp kiểm soát một cách chặt chẽ nghiêm túc, không nhìn nhận bản chất vấn đề thì hậu quả khó lường.”
Bộ Kế hoạch Đầu tư được cho là đã làm một cuộc cách mạng khi phê phán phạm vi xác định nợ công theo Luật Quản lý nợ công hiện hành tồn tại một số bất cập và chưa tính đầy đủ nhiều khoản có bản chất là nợ công. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh được báo chí mô tả là cấp tiến và thẳng thắn, từng nói thẳng Việt Nam theo đuổi mô hình không có thật là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ngạn ngữ Việt Nam có câu ‘một con én không làm nên mùa xuân’, nhưng giới học giả trí thức từng nói rằng, ít nhất đã có một én xuất hiện chờ báo hiệu mùa xuân sắp về. - RFA
No comments:
Post a Comment