Tin Thế Giới
1.
Tướng Trung Quốc: Đảo nhân tạo có ích cho hàng hải ở Biển Đông --- Tướng Trung Quốc tuyên bố sẽ không dùng vũ lực ở Biển Đông
Một tướng lãnh cao cấp của Trung Quốc hôm nay nói rằng những hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây ở Biển Đông chẳng những không phương hại tới tự do hàng hải mà còn có ích cho hoạt động hàng hải ở thuỷ lộ có tranh chấp này.
Tướng Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quân sự Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc, phát biểu như vậy ngày hôm nay tại một hội nghị khu vực ở Bắc Kinh, có sự tham dự của các vị bộ trưởng quốc phòng thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
“Chúng tôi sẽ không bao giờ sử dụng vũ lực một cách cẩu thả, ngay cả trong các vấn đề chủ quyền, và đã làm hết sức để tránh xung đột bất ngờ,” ông Phạm phát biểu như vậy trong bài diễn văn tại Diễn đàn Hương sơn.
Ông nói thêm “[Những hòn đảo đó] sẽ không phương hại tới tự do hàng hải ở Biển Nam Trung Hoa, mà thay vào đó, nó làm cho chúng tôi có thể cung cấp những dịch vụ công cộng tốt hơn cho hoạt động hàng hải và sản xuất.”
Ông Phạm đề cập tới hai ngọn hải đăng được xây mới đây trên những hòn đảo nhân tạo đó như một bằng chứng về ý đồ hoà bình của Trung Quốc. Ông nói những ngọn hải đăng này “đã bắt đầu cung cấp dịch vụ hàng hải cho tất cả các nước.”
Những hòn đảo nhân tạo, cùng với khía cạnh quân sự của những cơ sở được xây ở đó, đã làm cho căng thẳng gia tăng thêm nữa ở Biển Đông, nơi Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan có những yêu sách chủ quyền chồng chéo nhau.
Những hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã xây những sân bay với phi đạo đủ dài cho chiến đấu cơ, cùng với những hải cảng và những cơ sở ra đa tối tân trên các đảo này.
Hoa Kỳ xem việc xây đảo nhân tạo như vậy là gây bất ổn và yêu cầu Trung Quốc ngưng các dự án đó.
Các giới chức Ngũ Giác Đài cũng cho biết họ sẽ phái chiến hạm tiến vào lãnh hải 22 km của những đảo đó. Kế hoạch mà các giới chức Mỹ gọi là “Chiến dịch tự do hàng hải” được nhiều người xem là một sự thách thức trực tiếp đối với yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Bắc Kinh nhiều lần cảnh báo Washington chớ tiến hành kế hoạch này.
Đô đốc John Richardson, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, hôm thứ năm vừa qua, tuyên bố chiến dịch này phù hợp với luật pháp quốc tế và không nên bị diễn giải là một hành động khiêu khích. Ông nói với báo chí tại Tokyo “Chúng tôi xem đây là một phần của những công việc bình thường của mình trong tư cách là một lực lượng hải quân toàn cầu.” - VOA
***
Bắc Kinh tìm cách giảm căng thẳng trên Biển Đông, qua tuyên bố của một viên tướng rằng Trung Quốc sẽ không dùng vũ lực, vào lúc Hoa Kỳ chuẩn bị điều các chiến hạm đến gần các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đang xây ở khu vực Trường Sa.
Tại Diễn đàn An ninh Hương Sơn (Xiangshan) ở Bắc Kinh hôm nay, 17/10/2015, tướng Phạm Trường Long (Fan Changlong), phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, cam kết là Bắc Kinh sẽ "không bao giờ dùng vũ lực một cách liều lĩnh, cho dù trên những vấn đề chủ quyền". Viên tướng này còn khẳng định là Trung Quốc sẽ "làm hết sức mình để tránh những cuộc xung đột không lường trước".
Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc còn tuyên bố là các dự án xây đảo nhân tạo ở khu vực Trường Sa chủ yếu là nhằm mục đích dân sự và "sẽ không ảnh hưởng đến tự do lưu thông trên Biển Đông". Ngược lại, theo tướng Phạm Trường Long, các dự án bồi đắp đảo sẽ giúp "cung cấp những dịch vụ tốt hơn để hỗ trợ lưu thông và sản xuất ở Biển Đông".
Hoa Kỳ vẫn cho rằng các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đang xây ở Biển Đông đe dọa tự do lưu thông hàng không và hàng hải ở khu vực này. Các quan chức quốc phòng của Mỹ trong thời gian qua cho biết Washington trong những ngày tới hoặc những tuần tới sẽ điều các chiến hạm đi vào trong phạm vi 12 hải lý chung quanh các đảo nhân tạo đó, để tỏ cho thấy là họ không công nhận chủ quyền của Trung Quốc ở khu vực này.
Cách đây vài ngày tại Washington, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter đã tuyên bố là Hoa Kỳ sẽ "tiếp tục lưu thông tại bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép".
Bắc Kinh vẫn nhiều lần khẳng định các đảo nhân tạo chỉ được sử dụng vào mục đích dân sự, những các hình ảnh vệ tinh do Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược CSIS cung cấp cho thấy là trên các đảo đó, Trung Quốc đã xây đến 3 phi đạo, có thể được sử dụng cho các chiến đấu cơ phản lực, và điều này gây lo ngại về ý định thật sự của Bắc Kinh.
Phản ứng về tuyên bố của tướng Phạm Trường Long tại diễn đàn Hương Sơn hôm năy, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia công nhận là tuyên bố đó trấn an mọi người, nhưng theo ông, cách tốt nhất để giải tỏa những mối quan ngại đó là thiết lập Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC. Từ nhiều năm nay, các nước ASEAN vẫn kêu gọi Trung Quốc thương lượng để đạt đến một bộ quy tắc ứng xử, có tính chất bắt buộc thi hành, để ngăn ngừa những hành động dẫn đến xung đột vũ trang ở Biển Đông. - RFI
|
|
2.
‘Gián điệp mạng TQ’ xâm nhập website Tòa án Trọng tài La Haye
Một báo cáo mới cho biết website của Tòa án Trọng tài Thường trực tại La Haye đã bị mất kết nối với Internet trong lúc đang diễn ra phiên tòa kéo dài một tuần về tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông.
Vụ việc xảy ra hồi tháng 7 trong khi Phillippines thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với 80% Biển Đông mà Manila nói là lấn chiếm vùng đặc quyền kinh tế của mình.
ThreatConnect, một công ty an ninh của Mỹ, đã phân tích phần mềm và cơ sở hạ tầng được sử dụng và cho biết rằng website của tòa án đã bị nhiễm phần mềm độc hại do ai đó ở Trung Quốc cài vào. Trung Quốc không tham gia phiên tòa ở La Haye.
Theo ThreatConnect, những tin tặc đã cài vào trang web của tòa án trọng tài về vụ kiện một đoạn mã làm nhiễm độc máy tính của những ai ghé vào đọc trang này. Điều này khiến các nhà ngoại giao, các luật sư và các nhà báo quan tâm tới vụ việc có nguy cơ bị đánh cắp thông tin, và rộng hơn nữa là những tổ chức nơi họ làm việc.
“Giống như đánh cá bằng lưới vậy,” giám đốc tình báo của ThreatConnect nói.
“Tôi thả lưới lớn xuống biển, tôi vớt cá lên sau vài tiếng đồng hồ, và khi đó tôi có thể chọn ra một số con cá bị nhắm mục tiêu mà tôi muốn có.”
Hãng tin Bloomberg dẫn lời phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Benigno Aquino, Abigail Valte, người có mặt ở La Haye, cho biết bà có nghe nói về vụ tấn công. “Chúng tôi đã ngạc nhiên về việc này,” bà Valte nói.
Ngoài việc tăng cường sự hiện diện quân sự, Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh hoạt động dọ thám trên mạng như một mặt trận mới trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Có những dấu hiệu khác về những vụ tấn công mạng xảy ra ở những nước vào những lúc có căng thẳng với Trung Quốc.
Khi Trung Quốc kéo giàn khoan dầu vào vùng biển mà Việt Nam tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế của mình, đưa đến những cuộc biểu tình chống Trung Quốc gây chết người và các cuộc đụng độ trên biển, những vụ tấn công mạng nhắm vào những mục tiêu của chính phủ Việt Nam cũng gia tăng, theo công ty an ninh Crowdstrike.
Nhà chức trách Việt Nam cho biết nước này đã chứng kiến sự gia tăng những vụ tấn công mạng nhắm vào những website của chính phủ, với hơn 3.000 cuộc tấn công phá hoại bên ngoài và hơn 5.000 cuộc tấn công bằng phần mềm độc hại trong nửa đầu năm nay. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
3.
Google được phép số hóa hàng triệu cuốn sách?
Dự án thư viện điện tử "Google Books" sẽ được thực hiện. Hôm qua, 16/10/2015, tập đoàn Google đã nhận được lời khẳng định từ phía Tư pháp Mỹ rằng dự án trên không vi phạm quyền tác giả. Thế nhưng, không đồng ý với quyết định của tòa án, giới văn sĩ Mỹ sẽ đưa vụ việc lên Tòa án tối cao.
Tòa phúc thẩm bang New York kết luận bản sao điện tử một cuốn sách nhằm mục đích nghiên cứu là cách sử dụng "truyền tải", cung cấp những thông tin về cuốn sách chứ không cung cấp "một ấn bản thay thế" các tác phẩm đã được bảo vệ tác quyền.
Năm 2005, chỉ một năm sau khi dự án Google Books được đưa ra, ba tác giả người Mỹ, Jim Bouton, Betty Milles và Joseph Goulden đã kiện Google để phản đối việc hãng này số hóa tác phẩm của họ mà chưa được phép. Họ cũng phản đối việc Google đưa tác phẩm của họ vào những thư viện đối tác với Google. Tuy nhiên, đơn kiện của họ bị bác lần đầu vào tháng 11/2013, ba nhà văn đã kháng án lên Tòa thượng thẩm và hành động của họ được nghiệp đoàn tác giả Mỹ (Authors Guild) ủng hộ.
Dự án Google Books có tham vọng hình thành một thư viện khổng lồ chưa từng có trong lịch sử. Hiện thư viện này đã số hóa hơn 20 triệu đầu sách, trong đó chỉ có một phần không phụ thuộc vào quyền tác giả.
Google Books là một công cụ tìm kiếm, cho phép truy cập nội dung của hàng triệu cuốn sách. Tuy nhiên, Google chỉ đưa ra một số trích đoạn, chứ không phải toàn bộ nội dung tác phẩm, và hướng người truy cập tới những đường dẫn để mua sách.
Quyết định trên của tòa án có ý nghĩa quan trọng với Google và dự án Google Books. Tại Pháp, tập đoàn Mỹ đã ký một thỏa thuận vào đầu năm 2013 chấm dứt tranh chấp với các tòa soạn báo Pháp. Thỏa thuận cũng cho phép các đối tác Pháp của Google tăng thêm thu nhập từ quảng cáo trực tuyến. Còn tại Đức, Nghị viện nước này đã thông qua một đạo luật mang tên "luật Google" nhằm bảo vệ những ấn phẩm của các nhà xuất bản Đức.
Vào đầu năm 2015, "thuế Google" đã có hiệu lực tại Tây Ban Nha và đảm bảo một nguồn thu nhập cho các nhà xuất bản của nước này trong trường hợp ấn phẩm của họ được sử dụng. Tuy nhiên, kết quả thực hiện vẫn còn chưa rõ ràng.
Ủy ban Châu Âu đã cam kết xem xét quyền tác giả và sẽ đưa ra các đề xuất trong thời gian sắp tới. - RFI
|
|
4.
Tổng thống Mỹ-Hàn ra tuyên bố chung về Bắc Triều Tiên
Tổng thống Barack Obama và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đòi hỏi Bắc Triều Tiên phải từ bỏ tham vọng hạt nhân của mình trong một cuộc hội kiến tại Tòa Bạch Ốc hôm thứ Sáu, nhưng thể hiện sự sẵn lòng tham gia đàm phán với Bình Nhưỡng nếu nước này cho thấy họ nghiêm túc về ý định loại bỏ năng lực hạt nhân của mình.
"Hai nước chúng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận Bắc Triều Tiên là một quốc gia có vũ khí hạt nhân," Tổng thống Obama cho biết trong một cuộc họp báo chung.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục đòi Bình Nhưỡng phải tuân thủ những nghĩa vụ của mình về việc phi hạt nhân hóa bán đảo hoàn toàn và có thể kiểm chứng được theo một cung cách hòa bình."
Hai nhà lãnh đạo gọi liên minh hơn sáu thập kỷ giữa họ là "cột trụ cho hòa bình và an ninh" trên bán đảo và khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Ông Obama bày tỏ sự ủng hộ đối với nỗ lực của Tổng thống Park thống nhất bán đảo và nói rằng Mỹ sẵn sàng giao tiếp với Bình Nhưỡng nếu họ từ bỏ việc theo đuổi của vũ khí hạt nhân.
"Như chính quyền của tôi đã thể hiện với Iran, Cuba, chúng tôi cũng sẵn sàng giao tiếp với những nước mà chúng tôi có lịch sử khó khăn," nhà lãnh đạo Mỹ nói. "Nhưng Bình Nhưỡng cần phải hiểu rằng họ sẽ không đạt được sự phát triển kinh tế mà họ tìm kiếm một khi họ còn hướng tới vũ khí hạt nhân."
Bà Park lên án điều mà bà gọi là "những hành động khiêu khích" của Bắc Triều Tiên. Hai binh sĩ Hàn Quốc bị thương trong tháng 8 khi mìn của Bắc Triều Tiên phát nổ ở khu vực biên giới.
Trong tuyên bố chung, hai nhà lãnh đạo cho biết hai nước đồng minh quyết chống lại "chương trình phi đạn đạn đạo và hạt nhân và Bắc Triều Tiên cũng như hành động khiêu khích khác."
Hai nhà lãnh đạo tuyên bố sẽ tăng cường phối hợp với Trung Quốc và các bên khác để thuyết phục Bắc Triều Tiên đồng ý tiến hành "những cuộc đàm phán đáng tin cậy và có ý nghĩa sớm nhất có thể."
Tổng thống Obama tái khẳng định cam kết của Mỹ với quốc phòng và an ninh của Hàn Quốc và nói rằng Hàn Quốc "đóng một vai trò then chốt trong sự tái cân bằng của Mỹ về khu vực châu Á Thái Bình Dương." - VOA
|
|
Tin Việt Nam
5.
Đảng bộ TP. HCM chưa bầu Bí thư --- Thái tử Đảng là 'thiếu lành mạnh'?
Ông Lê Thanh Hải tiếp tục chỉ đạo Thành ủy TP. Hồ Chí Minh trong thời gian chờ Bộ Chính trị giới thiệu nhân sự bầu chức danh Bí thư Thành ủy.
Dự kiến ông Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. HCM từ 2006, sẽ còn ở lại chức vụ này đến Đại hội Đảng toàn quốc đầu năm 2016. Đó là khi sẽ có kết quả bầu Bộ Chính trị khóa XII.
Bộ Chính trị Đảng Cộng sản thông báo ông Lê Thanh Hải tiếp tục chỉ đạo Thành ủy, trong khi ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy điều hành hoạt động của Thành ủy.
Đại hội Đảng bộ TP. HCM đã bế mạc sáng 17/10, ra mắt Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2015-2020.
Loan báo chính thức cho biết ông Võ Văn Thưởng tiếp tục làm Phó Bí thư Thường trực Thành ủy.
Có thêm một tân Phó Bí thư Thành ủy, ông Tất Thành Cang, cùng hai người đương nhiệm, Nguyễn Thành Phong và Nguyễn Thị Quyết Tâm.
Hai phó bí thư khóa trước, Lê Hoàng Quân và Nguyễn Thị Thu Hà, không có tên trong ban chấp hành khóa mới.
Bất ngờ lớn nhất là việc con trai ông Lê Thanh Hải, Lê Trương Hải Hiếu, Phó Bí thư quận ủy, Chủ tịch UBND quận 12, không trúng cử vào Ban Chấp hành Đảng bộ.
Em trai ông Hải, Lê Tấn Hùng, cũng không có tên trong Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố.
Nhận định của Lê Quỳnh, BBC Tiếng Việt:
Hôm 16/10, khi Đại hội Đảng bộ một số tỉnh thành tại Việt Nam bế mạc, ba cái tên trở nên nổi bật vì họ là con của hai nhân vật đầy quyền lực. Ông Nguyễn Xuân Anh, con ông Nguyễn Văn Chi, cựu Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, trở thành Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Con trai cả của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trở thành Bí thư tỉnh Kiên Giang, còn người con út, Nguyễn Minh Triết, tái trúng cử Ban chấp hành Đảng bộ Bình Định.
Có lẽ vì vậy, dư luận xem việc ông Lê Trương Hải Hiếu, con trai đương kim Bí thư Thành ủy TP. HCM, sẽ được bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ thành phố cùng ngày là điều đương nhiên. Ít nhất hai trang mạng, báo Người Lao Động và VTC, đã đưa tin ông Hiếu trúng cử, trở thành thành ủy viên trẻ tuổi nhất trong Ban Chấp hành nhiệm kỳ Đảng bộ TP. HCM khóa X, nhiệm kỳ 2015-2020.
Không lâu sau khi tin lên mạng, hai trang này đã xóa nó đi, thay bằng nội dung danh sách chi tiết sẽ được công bố trong phiên bế mạc Đại hội sáng 17/10. Tại buổi họp báo chiều ngày 16/10, bà Trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy mong mọi người "hết sức thông cảm" vì "chưa thể công bố" danh sách Ban chấp hành Đảng bộ thành phố.
Nhìn lại quá khứ, Đại hội Đảng bộ TP. HCM năm 2010 cũng từng gây bất ngờ khi không bầu cho ông Nguyễn Thành Nghị, khi đó là Phó Hiệu trưởng Đại học Kiến trúc TP. HCM, làm đại biểu của đoàn thành phố dự Đại hội Đảng toàn quốc. (Sau đó tại Đại hội Đảng toàn quốc, ông Nghị vẫn được bầu làm Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương từ danh sách do ‘Đại hội toàn quốc đề cử’.) Cũng năm đó, vợ ông Lê Thanh Hải, bà Trương Thị Hiền, không được vào danh sách đại biểu dự Đại hội Đảng bộ TP. HCM.
Một, hai cái tên đang được cho là ứng cử viên của chức Bí thư Thành ủy TP. HCM khóa tới. Dù người đó rốt cuộc là ai, tân lãnh đạo thành phố lớn nhất Việt Nam cũng hiểu rằng Đảng bộ thành phố này không phải là nơi “đơn giản”. - BBC
***
Lựa chọn và bổ nhiệm nhân sự theo lối 'Thái tử Đảng', 'con ông cháu cha' như đang diễn ra tại các Đại hội Đảng bộ tỉnh thành địa phương ở Việt Nam hiện nay là 'không lành mạnh' và 'báo hiệu một thời kỳ yếu' của nhà nước và đảng cộng sản Việt Nam theo nhà phân tích từ Hà Nội.
Trao đổi với BBC hôm 17/10/2015, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, nhà quan sát và phân tích chính trị, xã hội ở Việt Nam nói:
"Về các Thái tử Đảng thì đã thấy rõ thí dụ như con cả ông Nguyễn Tấn Dũng, Bí thư tỉnh ủy ở một tỉnh ở Đồng Bằng sông Cửu Long (Kiên Giang), thì chắc chắn sẽ vào Trung ương chính thức chứ không phải là dự khuyết như khóa trước nữa.
"Rồi con một ông cựu Ủy viên Bộ chính trị khóa trước (ông Nguyễn Văn Chi) làm Bí thư thứ nhất của (thành Ủy) Đà Nẵng, ông (Nguyễn Xuân) Anh 39 tuổi, chắc chắn cũng sẽ vào Trung ương v.v...
"Nó có một điểm mà dư luận khá là bức xúc là chưa bao giờ trong lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà các Thái tử Đảng được dồn dập cất nhắc và bầu chọn như thế."
Dấu hiệu yếu đi?
Theo Tiến sỹ Quang A, việc lựa chọn theo hình thức trên cho thấy những chỉ dấu mà ông gọi là 'yếu đi', 'không lành mạnh' của Đảng Cộng sản và chính quyền.
Ông nói: "Nó là một dấu hiệu của một sự cạnh tranh, một sự lựa chọn nhân sự hết sức không lành mạnh ở trong bộ máy của Đảng Cộng sản.
"Và như thế nó báo hiệu một thời kỳ yếu chứ không phải là mạnh."
Tin cho hay tại Đại hội Đảng bộ của Thành ủy TP. Hồ Chí Minh vừa diễn ra, trong số hai người con của Bí thư thành ủy Lê Thanh Hải, đã không có ai được bầu vào các vị trí cao để có thể được 'cơ cấu' tiếp vào các chức vụ lãnh đạo cao trong khóa tới ở Đảng bộ Thành phố này.
Trước nhận định cho rằng có thể việc này diễn ra ngoài dự đoán, kỳ vọng vì Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh 'không phải là nơi đơn giản' hoặc đây là một có thể là một 'đảng bộ có bản lĩnh', TS. Quang A bình luận tiếp:
"Tôi nghĩ không phải là như vậy, bởi vì ông con của ông bí thư thành ủy đảng cộng sản TP. Hồ Chí Minh bây giờ, ông ấy (Lê Trương Hải Hiếu) vừa xuất hiện cách đây mấy tháng, lên ở một quận, thì tôi nghĩ rằng nó chưa đủ kín để cho người ta nhét (cơ cấu) vào.
"Chứ không phải đấy là một dự định mà không được thực hiện, tôi nghĩ là như vậy," nhà quan sát và vận động cho xã hội dân sự từ Hà Nội nêu quan điểm. - BBC
|
|
6.
Làm giả hài cốt liệt sĩ, ‘cậu Thủy’ lĩnh án chung thân
Một tòa án ở miền Trung Việt Nam hôm 16/10 kết án tù chung thân ông Nguyễn Văn Thúy, hay còn gọi là ‘cậu Thủy’, với tội danh làm giả hài cốt liệt sĩ.
Chánh án Võ Ngọc Mậu cho biết, ông Nguyễn Văn Thúy bị kết án tù chung thân với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội xâm phạm mồ mả, hài cốt.
Vợ ông Thúy và 4 người thân khác nhận mức án từ 5-23 năm tù với cùng tội danh. Bị cáo còn lại nhận mức 1 năm tù treo với tội danh xâm phạm mồ mả.
“Hành vi phạm tội của họ rất nghiêm trọng. Nó làm tổn thương gia đình của các binh sĩ tử trận và làm tổn thương quốc gia nói chung”, Chánh án Mậu cho hãng tin AP biết qua điện thoại từ Quảng Trị.
Hơn 1 triệu lính Việt Nam đã thiệt mạng trong chiến tranh. Ít nhất 200 nghìn hài cốt các binh lính chưa được tìm thấy, trong khi có khoảng 300 nghìn tử sĩ được chôn trong các nấm mồ vô danh.
Thẩm phán cho biết, 7 bị cáo đã lấy trộm hơn 70 bộ hài cốt trong những nấm mộ vô danh từ một số nghĩa trang liệt sĩ và lập mộ giả cùng những vật dụng cá nhân như bình đựng nước, mũ cối và làm giả tên của các liệt sĩ mà gia đình họ đang tìm kiếm.
‘Cậu Thủy’, người tuyên bố có sức mạnh huyền bí, đã cùng đồng bọn lừa đảo hơn 7 tỉ đồng (khoảng 360 nghìn đôla) từ quỹ từ thiện được lập bởi Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam và hơn 1 tỉ đồng (khoảng 51 nghìn đôla) từ 12 gia đình liệt sĩ bằng cách thu phí để tìm những người lính đã chết và mất tích, vị thẩm phán này cho biết.
Báo Người Lao Động nhà nước trích dẫn một trong những người bị lừa đảo, bà Nguyễn Thị Tính, nói với tòa án rằng gia đình rất hạnh phúc khi tìm thấy hài cốt của cha bà, nhưng đã bị sốc khi phát hiện sự lừa đảo.
Tại phiên tòa, bị hại Nguyễn Thị Tính (ngụ tỉnh Bắc Ninh, con của liệt sĩ Nguyễn Văn An) cho biết khi nhỏ, bà thường thấy mẹ mất ngủ vì nhớ thương người chồng đã hy sinh nhưng chưa tìm được hài cốt. Lớn lên, bà quyết thực hiện tâm nguyện là tìm cho được mộ cha mình. Bà Tính tìm đến ‘cậu Thủy’ nhờ giúp đỡ và được ông phán rằng phần mộ cha bà đang ở Tây Nguyên.
“Vào Gia Lai tìm mộ cùng ông Thúy, khi đào lên, ai cũng thừa nhận đó là phần mộ của cha tôi vì có kỷ vật ghi tên liệt sĩ, đơn vị. Do không biết mình bị lừa, tôi đã trả công cho họ trên 100 triệu đồng” - bà Tính nói.
Chánh án Võ Ngọc Mậu đã yêu cầu 7 bị cáo phải bồi thường cho ngân hàng và các gia đình bị hại. - VOA
No comments:
Post a Comment